Hành trình xương thủy tinh- P03

Ba buồn và trầm lặng hẳn đi...! Mẹ bật điện sáng trưng nhà! Dậy đi anh, dậy nghe em nói đây này: Anh không có lỗi, không hề có lỗi. Ban ngày em trông con cho, có việc gì làm tạm cứ làm, tiền bây giờ là cần lắm...
- Em ạ, anh vẫn là người của đơn vị. Anh lại là một đảng viên, anh không thể tự ý bỏ hẳn ra ngoài để làm được. Khi đơn vị gọi mà không có mặt, coi như là vi phạm kỷ luật... Tại sao họ lại không giao việc cho anh nhỉ?
Tại sao à? Chỉ có những người mũ cao áo dài ngày ấy họ mới biết thôi... Họ cố ý hay vô tình dồn nhà mình vào ngõ cụt? Họ có biết người đồng đội cấp dưới của mình đang chịu cảnh khổ đến dường nào? Họ có biết có một người mẹ trẻ con nhà nề nếp, từng bước vào giảng đường đại học, đang chông chênh bên vực thẳm cuộc đời? Cái vô tâm, cái thờ ơ của con người sao mà tàn ác vậy? Đau lắm anh! Tủi nhục lắm anh! Khi mà các bậc “phu nhân” chỉ một vài năm trước còn vật lộn với cánh đồng phèn chát ở quê, hôm nay chồng lên cấp, được cấp nhà mặt phố ở giữa Sài Gòn, một bước lên “bà”. Những “phu nhân” ấy xúm lại xì xầm: Cái con Hương vợ thằng Tân nó đi đâu mà đi suốt đêm vậy nhỉ?
Đi đâu ư? Đi làm để nuôi con! Làm việc hiền lương và chưa bao giờ ăn cắp! Không sao đâu con ạ... Phút khổ đau, dồn nén, những bất bình rồi cũng trôi qua rất mau... Việc cần làm bây giờ là phải có tiền lo cho con trai đã!
Bia vẫn chảy tràn như suối. Người ta vẫn vỗ khăn lạnh kêu bốp bốp. Lại có những ông đắp khăn nóng ngùn ngụt khói ở trên đầu. Có lần mẹ bưng một dĩa cua rang me đỏ au đỏ ả, đứng ở cầu thang và quan sát cái sự đời. Mẹ bỗng bật cười, cười rộn rã và chẳng may dĩa cua... đổ văng ra. Phen này thì chết thật rồi! “Bắc Kỳ” ơi, em say rồi đấy hả? Phạt! Phải phạt thôi!”. “Đừng! Em nó bé dại..., tha đi, kêu dĩa khác”... Mẹ cúi xuống nhặt hai con cua đỏ quạch và đi xuống bếp... Đừng có mơ mà bà chủ chịu làm thêm dĩa khác! Bà sai chị bếp rửa cua, bỏ me vào... thắng lại, nêm nếm và rắc lên trên mấy cọng ngò, thế là xong... Và hóa đơn lại được tính thêm một dĩa...
Hỡi ôi cái sự đời dơ sạch là đâu! “Ồ, bé Hương đã lên rồi! Sao run quá vậy bé? Bình tĩnh lại đi nào! Hát đi em, hát cái bài là lạ hôm nọ đó!”. Hát, ừ thì hát. Mẹ lại véo von:
Cây trúc xinh... tang tình là cây trúc mọc... ơ...
Cây trúc mọc... ớ bên bờ ao...
Chị Hai xinh... Tang tình là chị Hai đứng...
Đứng ớ... chỗ nào... Cũng thấy... xinh là xinh...
“Ồ hay quá! Đúng là “chị Hai” thật rồi! Chẳng những không phạt mà còn phải “thưởng” cho chị Hai nữa chớ!”...
Ở bàn bên cạnh, có một người đàn ông... tròn mắt. Mặc ông ta mắt tròn mắt dẹt. Mặc các người la hét và cụng ly. Thế là đủ. Thế là quá đủ! Kiếm cớ đi... “toa lét”, mẹ... chuồn. Mẹ đi về với con! Sau khi nhắn lại với bà chủ: “Má cho người lên thế cho con, con... đau bụng lắm, con phải về đây! Hình như đau... ruột thừa thì phải!”. Bà chủ cũng “khiếp” nên giục mẹ về nhanh. Chắc bà sợ mẹ... chết ở đó thì báo họa...!
Mẹ chạy xe Chaly bon bon qua cầu Kiệu. Lần này mẹ không dừng lại. Sông ơi! Có hôi thối hay rác rến cũng mặc mày! Cầu ơi! Qua rồi, ta đi về đây. Trong túi đã có tiền, sáng sớm mai “chị Hai” sẽ đi mua thuốc cho bé Hội! Ừ, thì “chị Hai” đấy, đã làm sao? Thử một lần ma mãnh làm “chị Hai” với đời cho biết! Mẹ bật cười một mình và cảm thấy vui vui.
Về đến nhà, trời nóng quá, dòm vào mùng, thấy con đang ngủ say, và bố thì phì phạch quạt cho bé (Nhà mình lúc ấy không sắm nổi một cây quạt máy, con à!). Thấy con ngủ ngon, mẹ vui, thấy mát mẻ cả người. Nào, đi tắm thôi, và sẽ ôm con ngủ một giấc dài...
Đêm đêm làm ở nhà hàng ấy, quan sát mẹ thấy được nhiều điều. Ở trên lầu ngó xuống sân, mẹ thấy ông chủ nhà ngồi thu lu trên ghế. Ông ấy coi xe cho khách kiếm thêm chút tiền đấy con ạ. Tội nghiệp ông ta phải sống một kiếp sống mòn! Là một người nghệ sĩ tài năng nhưng đã già, không còn cơ hội. Thời hoàng kim đã đi qua, không vốn không tiền làm sao có tác phẩm! Con cái thì ngày mỗi lớn, nhu cầu ăn tiêu cao vời vợi, lại lệ thuộc vào cái danh vọng hão huyền, không thể quay về làm một người bình thường.
Vợ con ông ấy mở cái nhà hàng và tự do tung tác! Thỉnh thoảng ông lại bị bà vợ lôi ra chì chiết. Cô con gái thật đẹp, một mặt vẫn cố ngoi lên hàng học thức, chiều chiều đi học thêm tiếng Nhật tiếng Tây, mặt khác vẫn có những nhu cầu: những bộ đầm, những thỏi son sang trọng! Vậy là thỉnh thoảng vẫn trèo lên xe đi chơi, hoặc ghé bàn ngồi với khách! Ôi sao mà khổ sở. Mẹ thấy mắt ông chủ nhà cúi xuống, mọi sức sống trong con mắt ông ta dường như lịm chết cả rồi. Khổ quá thôi, sao người ta lại tự đọa đày mình và đọa đày nhau đến thế.
Hóa ra mình cũng chưa khổ mấy đâu con! Mỗi lần nhìn thấy cảnh của ông chủ nhà, mẹ lại tự bảo thầm như vậy.
Ở nơi ấy còn nhắc cho mẹ nhớ đến một chuyện khác: có một cô tên gọi là Tuyền. Tính của Tuyền rất hiền và ngại đụng chạm. Tuyền hay bị người ta bắt nạt. Có cô mượn Tuyền dăm ba chục rồi lấy mất luôn. Mỗi khi gặp chuyện buồn, Tuyền chỉ biết khóc. Da của Tuyền xanh ngằn ngặt như người chẳng đủ ăn. Tuyền không mấy khi ngồi ở chỗ tụ họp đông, Tuyền sống khép mình lắm.
Có một lần Tuyền đến nhà hàng tay bị trầy xước, mặt sưng vù. Tuyền bị một vài người bạn cùng làm đay nghiến một chuyện gì đó. Thấy tội nghiệp, mẹ chở Tuyền vào trạm xá rửa và băng lại mấy vết trầy và mua cho cô ấy mấy liều thuốc. Có vẻ tin tưởng Tuyền mới kể cho mẹ nghe: Tuyền cũng đã có chồng. Chồng cô ấy nghiện xì-ke, bán hêrôin bị bắt giam ở đâu tận Bình Phước. Trước khi đi, anh ta đã để lại cho Tuyền một khối ân tình to tướng: ấy là vì phục vụ anh ta, đi mua thuốc cho anh ta chích choác, giờ Tuyền cũng... nghiện rồi (mới hít thôi...). Khổ thân Tuyền quá.
Chả trách có mấy người ở nhà hàng hay bắt nạt mà Tuyền không dám trả lời: Tuyền sợ mọi thứ, sợ người ta biết, sợ bị đuổi việc... Còn hôm qua là Tuyền bị người ta đánh vì nợ tiền thuốc của người ta, tiền thuốc cho Tuyền, lại còn gửi cho cả chồng Tuyền nữa! Tuyền ơi là Tuyền! Công an mà phát hiện là đi ở tù đó Tuyền à...! “Em cũng sợ lắm mà chẳng biết phải làm sao...”. “Thì trốn đi đâu đó thật xa về tận dưới quê mà cai thuốc...!”. “Vậy thì ai sẽ nuôi ảnh?”. “Nuôi gì mà nuôi. Ở trong tù nhà nước người ta nuôi!”. Mẹ khuyên theo cảm tính vậy, chứ hồi đó mẹ đâu biết gì về những chuyện này...! Nhưng trong lòng mẹ thương Tuyền lắm... Sau này có điều kiện mẹ mới tìm tòi những tài liệu về ma túy, về căn bệnh HIV, mới thấy đáng sợ vô cùng... Thấy cần phải có tri thức để bảo vệ gia đình, người thân đừng có vương vào đại họa đó!
Nhớ lại chuyện cũ mới thấy: ở đời có biết bao nhiêu người thật đáng thương, và thấy mình may mắn vì dẫu phải sống ở môi trường khốc liệt dữ dội vẫn không bị những con sóng đen ngòm nhớp nhúa cuốn trôi đi con ạ!
Những tháng ngày làm ở nhà hàng ấy - không ít những nhọc nhằn... Và có rất nhiều kỷ niệm. Có thể rất khó viết ra, nhưng bảo rằng quên thì không thể...
Gần 15 năm trời, mẹ vẫn nhớ từng chi tiết - thế mới ngấm câu: Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời. Mà những đòn roi của con người quất lên mẹ, người phụ nữ mới 21 tuổi, đến tận hôm nay gần như còn nguyên vẹn. Mẹ suy nghĩ mãi, thôi cứ viết ra, con có đọc thì hãy ngẩng cao đầu kiêu hãnh bởi mẹ đã dùng cả trí khôn và nghị lực để vượt qua cạm bẫy của con người. Để hôm nay mẹ có thể cười thật tươi mà nói với con rằng: Mẹ vẫn là mẹ, có đủ trí khôn và nghị lực để không rơi vào chốn bùn nhơ, và mãi mãi là người yêu con nhất trên cõi đời này.
Có một dạo nhà hàng ấy tiếp rất nhiều “khách quý” - những người từ những phương xa xôi trở về thăm lại quê hương - họ nhiều tiền, chi xài thoải mái và... dễ chịu. Một ngày nọ, có một gã trai còn rất trẻ, mặt mũi nở nang, trắng trẻo như con nít bú sữa bình (ý mẹ nói gã trông bụ bẫm và non dại!).
Rõ là một trẻ ranh, khéo bày đặt chôm tiền mẹ cha đi vung phí. Các cô trong nhà hàng cứ xúm lại bên gã cứ như vớ được cái kho. Gã đến liền một tuần, tỉ tê, tốn kém thế nào mà bà chủ trở nên mềm như... chuối chín, tỏ vẻ trọng vọng gã vô cùng! Có cái mác Việt kiều và một túi tiền là “oai” thế đấy! Thằng ranh con phá của, ngươi mà là con trai ta, ta... bóp mũi chết cho rồi (Ôi trời ơi! Lòng dạ mẹ lúc ấy khó chịu như... bà cụ 70 vậy!).
Hôm nay mẹ được bà già chủ nhà hàng mời đích danh vào phòng gặp gỡ, không biết bà muốn kiếm chuyện gì đây... Mẹ tự trấn an: mình đâu có tội gì, can chi mà lo lắng. Nhưng, ôi! Nhìn cái mặt bà kìa: cái mặt sao hôm nay trông hiền thế kia.
Bà tỏ ra nhũn nhặn, ỷ ê với mẹ đến bắt tội nghiệp: “Con giúp má nghe, kẻo má khó ăn khó nói, thiệt cho má mà cũng hại cho mấy đứa chúng mày...!” - Chắc lại gạ gẫm lấy của thằng nhãi một mớ tiền rồi chứ gì...! Những chuyện này, mẹ đã bảo với bà ta rồi: mẹ không phải là đối tượng! Mẹ biết năn nỉ không xong thế nào bà cũng sẽ gào, sẽ hạ nhục mẹ cho thành xấu! Miệng thì dịu thế kia nhưng mẹ thấy mắt bà đã nảy quầng vằn vện rồi đấy! - “Thế nó thích gì ở tôi?” (bây giờ là tôi rồi, đừng hòng con cái gì hết) - “Má không biết! Nhưng nó chỉ “kết” mày thôi. Nó bảo mấy đứa kia y như mấy con ruồi, xúm vào nó hoài, chán lắm...!”. À, thì ra nó thích mẹ vì sự kiêu hãnh. Biết thế, mẹ nói với bà chủ: “Thôi được rồi, má cứ để mặc tôi, tôi làm gì miễn vừa ý nó thì thôi, má đừng ý kiến”. “Má kêu taxi cho con nhé!...” - “Đã bảo rồi, mặc tôi mà...”.
Mẹ rửa mặt rửa tay, trang điểm sơ sơ, lục giỏ xách lấy thêm mấy cái kẹp tóc nho nhỏ (mẹ thích kẹp tóc nhỏ có những hình ngôi sao li ti lắm nhưng hôm nay thì có việc đây, sẽ trở thành... vũ khí khi cần thiết). Mẹ mặc nguyên váy dài tha thướt và ra phòng khách bảo với gã:
- Từ nãy đến giờ anh vẫn đợi ở đây à? Sẽ chở anh đi chơi một vòng thành phố nhé.
- Tôi không có xe như ở đây. Bên kia tôi không dùng xe như vậy...
- Không sao đâu, đi xe của tôi. Được không nào? - mẹ hạ giọng...
Hắn líu ríu đi theo mẹ. Chaly nhỏ ơi! Hôm nay hãy làm nhiệm vụ chở “chị Hai” đi thực hiện “thông điệp hòa bình” nhé. Ta sẽ cho thằng ranh mập vì ăn nhiều bơ sữa này biết tay chị Hai mới được!
Mẹ chạy xe chầm chậm qua Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gã bắt đầu mở lời rất dịu dàng:
- Em tên là gì...?
- Anh đến đó mấy lần mà không nhớ tên tôi à? Tôi là Hương, hương khói đấy!
- Anh là Tony...
- Tony... cái gì? Bố mẹ anh không đặt tên Việt cho anh hở?
- Có chứ... Tên là Bách.
- Thì cứ gọi là Bách đi. (Chắc bố mẹ nó cũng... tử tế nên mới đặt cho nó cái tên nghe cũng có phần... khí phách! Lòng mẹ thấy dịu đi).
- Đường này là đường gì?
- Đường Bà Huyện Thanh Quan...
- Bà ấy là ai?
(A cái thằng “oắt con” này có vẻ ham học đây... May cho mẹ rồi. Thế là chưa cần đến “phản ứng tự vệ”. Mẹ đã tính rồi, nếu gã... giở trò, mẹ sẽ... la lên và sẽ sử dụng “vũ khí” kẹp tóc...)
- À... Bà là một bà giỏi thơ ca và thanh cao lắm... Bà ấy có bài thơ “Đi qua đèo Ngang” đấy, có muốn nghe không?
Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa...
Cậu ta có vẻ thích lắm, nói mẹ hãy chở cậu ta qua những con đường mang tên... con gái. Thì đi. Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương. Đến Huyền Trân Công Chúa, cậu ấy bảo, đường này bạn bè cậu ấy... sợ lắm. Mẹ bảo:
- Còn trẻ, mới hai mấy tuổi đầu, đừng có quá nghĩ đến những cái xấu xa! Có biết không, Huyền Trân Công Chúa là một cô gái đẹp vô cùng. Đã vì cả đất nước mà đem thân đi cống cho Chiêm Thành đấy, biết chưa?
Cậu ta hỏi:
- Thế con gái Việt Nam thế nào là đẹp?
Mẹ bảo:
- Nói chung, con gái ai mà chả đẹp. Nhưng hình như ông bà mình thì quan niệm thế này là đẹp: “Những người thắt đáy lưng ong, Đã khéo chiều chồng lại giỏi nuôi con...”.
Thế là cậu ta vơ vào: “Giống Hương không...! Sau này Bách sẽ về lấy vợ ở Việt Nam...!”.
Mẹ tảng lờ. Mẹ nói chuyện với cậu ta về những tượng đài dù điều này thì vốn mẹ biết ít thôi. Mẹ giới thiệu với cậu ta về tượng đài Phù Đổng, tượng đài Trần Hưng Đạo... Cậu ta ngơ ngác chẳng biết gì... Mẹ hỏi: “Không học lịch sử Việt Nam à?”. Cậu ta bảo không, còn đọc sách lịch sử Việt Nam thì khô khan và... nhức đầu lắm!
Cậu ấy hỏi trong những gương người con gái, mẹ thích nhất ai? Thích nhất cô Kiều, vì cô ấy ở bên Tàu, được ông Nguyễn Du mang về thành con gái Việt Nam, cô ấy đẹp lắm...
Cậu ta dốt đến mức hỏi cô ấy ở trong sách... lịch sử nào?! Ôi trời ơi! Cô ấy ở trong một quyển truyện viết bằng thơ Nôm và viết hồi xa lắm, mẹ phải thốt lên với cậu ta...
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau...
Tóm lại, ngoài cái vỏ hào hoa, công tử bột, còn thì đầu óc cậu ta như một đứa trẻ con sống ở một nơi rất đủ đầy. Và lớn lên theo chu trình giống như người ta nuôi gà công nghiệp... Tự nhiên mẹ lại trở thành cô giáo! Có một câu này cậu ta hỏi mẹ rất... cắc cớ:
- Sao Hương lại thích những người con gái từ xa xửa xa xưa thế?
- Ồ... thích thì là thích chứ đâu biết tại làm sao!
Thôi, đi cũng đã nhiều, phải về thôi. Cậu ta ngơ ngẩn: hay kiếm chỗ nào ngồi một chút thôi. Quanh quanh, mẹ thấy có một cái vườn trẻ. Được rồi, vào đại. Dưới ánh điện sáng trắng tinh, mẹ ngồi đu đưa trên ghế xích đu của trẻ con. Gió thổi ù ù, cậu ta cởi áo khoác ngoài mặc cho mẹ:
- Hương à, haylà ghé chỗ tôi...
- Này Bách - mẹ rất chân tình nói với cậu ta - bạn đã chẳng vừa nói, chúng ta đã có một đêm tình bạn tuyệt vời đó sao? Đừng phá hỏng điều đó, dù là trong ý nghĩ. Bách hãy để tôi về. Giờ này con tôi chắc đang khóc vì nhớ mẹ. Ngày mai nếu trở lại nhà hàng hãy xử sự như lẽ bình thường, để đỡ khổ cho tôi, Bách nhé.
(Tôi nói thêm chút này với Bách: Sau hôm ấy, con tôi yếu, tôi nghỉ làm mấy ngày, nghe nói bạn trở lại mà không gặp, sau đó bạn đi... Nếu vô tình biết chuyện đời tôi, đọc những dòng này, bạn sẽ nhớ, đúng không?)
Con ạ, những vết roi mà người đời đánh mẹ có cái rất đau, nhưng cũng có những cái biến thành nhữngđiều ngọt ngào và tử tế! Mẹ tin cái cậu Bách đó, sau này có trở về quê hương chắc cậu ấy sẽ yêu quí những tên đường, và thế nào cũng nhớ mẹ. Thế cũng tốt chứ sao, thật là tốt, nếu sống trên đời có thể gieo vào lòng nhau những ngọt ngào chứ không phải là cay đắng!
Nhớ lại buồn cười lắm... Hồi còn làm ở cái nhà hàng ấy, có những chuyện đến buồn cười...! Con biết không, mẹ đã từng giúp được một người tìm lại được “đứa con yêu” của họ đấy.
Hồi ấy, mỗi khi đi làm, mẹ luôn thủ trong giỏ xách một chai nước thiệt lớn (loại chai nước ngọt 1 lít 25). Chẳng là khi đi làm về mẹ hay dừng chân ở cầu Kiệu, mẹ lôi chai nước ra, đứng thảnh thơi ở thành cầu, hướng mặt ra dòng kênh... đen thui. Mẹ rửa mặt rửa tay và... súc miệng. Mẹ không muốn tha những mùi, những hơi hám độc địa ở nơi ấy về nhà: mùi rượu, mùa bia... toàn những thứ mùi... xú uế!
Hay dừng ở đó, mẹ mới thấy, đầu cầu phía đường Hai Bà Trưng người ta đặt những rọ, những lồng nhốt toàn mèo và chó nho nhỏ. Những con vật thật xinh, quý phái, đủ màu nhưng lại lộn xộn, chẳng ra đâu vào đâu, không ăn nhập bầy đàn chi hết...!
Chủ của những rọ, những lồng ấy là một người đàn ông già già, dáng gầy gò và có vẻ hiền từ, phúc hậu. Ông ấy hay ngồi ở chân cầu ẩm thấp, giáp ngôi nhà xập xệ ven sông. Tất cả không gian toát lên một vẻ u ám, lầm than. Chẳng khớp gì với những chó, mèo đẹp đẽ...
Thỉnh thoảng, nếu có ai dừng lại chỗ mấy cái rọ, cái lồng, ông ấy mới đi lên, điệu bộ chậm chạp rù rờ, có vẻ cũng... không cần bán lắm (!). Lạ thật! Mèo chó bé tí xíu thế kia thì ăn uống nỗi gì...! Mà ai nỡ làm thịt chúng nó làm chi...
Mẹ hay tò mò lắm, dừng lại ở cầu nhiều lần, hóa ra thành quen biết. Mẹ mới được ông già giải thích những chuyện rất buồn cười:
- Mày biết không cháu ơi, ở thành phố này, những người giàu họ nuôi chó mèo thành cái “mốt”. Họ yêu lắm, đặt tên đẹp đẽ hẳn hoi, tắm rửa chúng thơm tho và cho ăn toàn đồ cao cấp. Mấy thằng choai choai đạo chích thấy hở là... bế liền! Chúng ẵm ra đây “ký gửi” tao. Người mất thú yêu ra đây tao lại cho chuộc lại.
- Chú ghê gớm thật! Thế không sợ người ta tóm chú à?
- Tóm vì tội gì? Mèo nào chả giống mèo nào! Khộng lẽ lại bỏ tù một người chỉ vì một con chó nhỏ? Mày ơi... họ giàu lắm con! Bỏ ra chút ít thì có nhằm gì!
- Ừ, mà họ sướng ghê, cháu làm vắt xác nuôi con không xong, họ thừa tiền đi chuộc chó mèo về chăm! Mai ngày cháu mà giàu, dứt khoát sẽ mua một mảnh vườn và nuôi đầy chim chóc, thích hơn!
- Ối dào, ước ao thế thôi chứ đừng hòng có thật con ạ! Đất chật người đông, kiếm ăn còn khó, sao mày mơ cao thế!
Chuyện qua chuyện lại cũng vui...
Có một ngày về quá khuya, mệt quá mẹ ngủ lăn quay. Sáng bảnh mắt nghe có tiếng người lao xao đằng trước.
- Chuyện gì vậy anh? - mẹ hỏi ba.
- À... Bà má Đức (một người dân ở gần khu tập thể) bị mất con chó Mực rồi. Bà ấy đang sụt sịt phân bua với mọi người... Có vẻ bà ấy thương con chó lắm.
À, thì ra là nhà ba má Đức - hai ông bà người Nam Bộ, hồi chiến tranh bị tù, bị tra khảo, chẳng có con, thỉnh thoảng cũng hay nhờ bố Tân sang sửa giùm điện, nước. Ông bà ấy nuôi mèo chó và cả một bầy gà tre nữa. Vậy hóa ra người ta chăm yêu mèo chó đâu hẳn đã vì giàu, mà còn vì buồn, vì cô đơn nữa...
Mẹ ngồi bật dậy như cái lò xo. Tỉnh ngủ ngay lập tức.
- Anh ơi, em biết chỗ rồi, dắt xe chở má ra cầu Kiệu nhanh lên...! Thể nào cũng thấy.
- Sao em lại biết?
- Hỏi làm gì nhiều, nhanh lên! Nhớ dặn má phải đem theo tiền đấy.
Ba lật đật đẩy xe ra. Bà già cũng lật dật chạy theo, hối: “Nhanh lên, nhanh lên...”. Khoảng gần một tiếng sau nghe thấy tiếng xe quen thuộc trở về. Rồi lại những tiếng lao xao: bà Đức chuộc được chó rồi... Hai ông bà già rất vui và quên bẵng mất, không thấy nhắc đến món tiền đã tốn vì... chuộc chó.
Nhà mình cũng được một ngày vui và nhẹ nhõm nhờ câu chuyện con chó nhà hàng xóm trở về. Thích ghê! Người ta sẽ rất vui thích vì những điều đơn giản như vậy, con trai à...!
(Hôm qua mẹ trở về thành phố, dòng sông dưới cầu Kiệu đã sạch lắm rồi. Khu nhà xập xệ năm xưa đã thay bằng một con đường nhựa xinh xắn ven sông. Trên cầu cũng không còn thấy những lồng chó mèo như ngày xưa nữa...).

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3