Hà Nội - Tình Nhân - Chương 04
Chương 4
Phong định giơ tay đập nhịp hát tiếp thì bỗng nhiên cả bốn người như cứng đờ ra. Những vành tai cùng nghếch về một phía. Phong khẽ đi về phía cửa sổ khép hờ, anh rón rén nhấc móc sắt lên nhìn ra. Liền sau đó anh cố nén tiếng kêu, nhưng vẫn bật lên:
- Thôi chết rồi.
- Gì thế?. Gần như liền một lúc ba miệng còn lại hỏi giật giọng.
- Có một tốp bảo an đang đi trên đê phía hai cô vừa đến đấy. Trong đó hình như có cả một thằng cha trông như chỉ điểm đi đầu đang chỉ chỏ về phía lều này. Nói chung, hai cô thu dọn mau đi.
- Để tôi xem nào. Phong cố giữ vẻ bình tĩnh, đi đến bên cửa sổ. Cánh cửa gỗ có những lỗ mọt nước hé mở. Vẻ bình thản trên mặt Phong biến mất.
- Thôi, thôi. Không phải dọn nữa, không kịp đâu...
- Nhưng chỗ này, nhỡ họ vào họ sẽ biết hết.
- Đừng lo. Tay Nghĩa đã dặn rồi, có gì cứ việc rút đi êm nhẹ, mọi thứ để y nguyên. Chỉ cần khoá cửa lại thôi. Coi như nhà chủ vừa đi đâu đấy. Thôi, thôi đi đi. Phong ra trước thăm dò tình hình xem thế nào rồi lần lượt hai cô, cuối cùng tôi sẽ khoá cửa lại.
- Em sợ lắm. Diễm rụt cổ lại mắt rơm rớm.
- Thôi được rồi. Nhanh lên. Phong nói gần như gắt.
- Cứ từ từ. Đừng làm ồn, mọi người dễ mất bình tĩnh. Dù sao Diễm cũng chưa gặp phải hoàn cảnh này bao giờ. Thôi đi đi. Long khẽ phẩy tay.
Ba người lần lượt cúi đầu bước ra khỏi nhà. Long nhô đầu ra nhìn trước nhìn sau, rồi lặng lẽ khép cửa lại, móc khoá. Anh định bấm thìa khoá thì thấy Diễm kêu ối một tiếng rồi ngã khuỵ xuống. Hình như một chiếc giầy cao gót của cô vấp phải mô đất thè ra ở đầu bờ ruộng. Trong khi đó Phong và Vân nhanh chân đã khuất phía sau những luống đào. Phong bấm vội khoá, nhìn về phía bờ đê rồi khom lưng chạy ào ra. Khi đến sát Diễm, anh ngẩn lên nhìn trước nhìn sau, rồi cúi xuống, một tay đưa ra đỡ vào lườn Diễm, một tay lôi chiếc giầy đan lên dỗ dỗ xuống bờ ruộng. Mặt anh hơi rạng ra khi nhìn thấy vẻ mặt đỏ rực thoáng hốt hoảng nhưng cố làm ra vẻ bình tĩnh của Diễm. Vợ chưa cưới của Long định đứng lên nhưng cô bỗng kêu "ái"một tiếng khẽ. Liền ngay sau đó là tiếng Phong nhanh nhẩu "em có làm sao không?". Cũng mau mắn không kém là tiếng đáp hơi thoáng chút nũng nịu "có hệ trọng gì đâu anh?". Tuy nói vậy nhưng khi Diễm đứng lên thì mặt cô nhăn lại, tay cô chới với"em bị sái chân, không đi được nữa rồi". "Thật không?". Phong nghển cổ lên nhìn ra xa, mồm lẩm bẩm"không biết cậu ấy đâu rồi. Anh chàng này thật quá thể, chẳng đợi chờ gì ai". Và liền sau đó là một câu gần như vô nghĩa"Thế này thì không kịp nữa rồi". Vừa lẩm bẩm anh vừa giang hai tay bế thốc Diễm lên. Mặt cô gái càng đỏ rực lên, nhưng rồi như một phản xạ tự nhiên, cô đưa hai tay quàng lấy cổ Phong. Trang thanh niên cứ thế gập gềnh chạy, lúc thì lao đi giữa những cành đào còn đang khẳng khiu nhưng đã chớm vaì nụ đào e ấp, khi thì chạy trên bờ ruộng đầy cỏ cằn khô thưa thớt đã ló ra vài ngọn cỏ xanh mướt vừa nhú ra. Chạy không biết chừng được bao lâu thì dường như thấm mệt, Phong cố bước gằn thêm vài bước nữa, rồi dừng lại. Chỗ đó là một bãi đất khá rộng mọc đầy những cây ké gai và cây chó đẻ mà từ lâu bọn mục đồng ở chốn quê này đã chọn để chơi ú tím. Một phía bãi được che bằng cả một vườn đào điệp trùng, phía đối diện là một bụi dứa dại ùm tùm mà bọn trẻ không hẹn với nhau nhưng thầm thống nhất với nhau dù cho trời rét đến đâu và kể cả không có bụi cây nào thì bụi dứa này vẫn phải giữ lại. Những giải lá già đầy răng cưa đan vào nhau như để cố tình che khuất mọi thứ trong bãi cỏ. Nổi bật trên màu xanh thẫm sắp chuyển sang bạc phếch của những khóm lá dứa già là búp hoa dứa trắng vàng nở đã lâu nên cành của nó xã xuống, bụi phấn vương mờ trên lá, trên cỏ, mùi hoa dứa chín vẫn phảng phất đâu đây. Hai phía kia được ngăn bởi một giải đất cao quá thắt lưng người nhờ có bụi tầm xọng xen với cây xương rồng có lẽ mọc ở đây đã lâu năm nên trên những cành giao nhau màu xanh thẫm nổi lên những dòng chữ và những hình vẽ nguệch ngoạc. Dưới gốc bụi xương rồng là một hũm đất được trẻ mục đồng bỏ nhiều công sức khoét sâu vào. Nhìn qua cũng thấy chỗ đó đủ để hai người chui vào lọt thỏm. Phong khe khẽ đặt Diễm xuống. Diễm cố ngồi nhỏm dậy, cố nở nụ cười hỏi khẽ:
- Anh có mệt lắm không?
Có lẽ do quá sức nên trong cổ Phong như đang có cái gì dâng lên chẹn ngang khiến anh chỉ muốn bật ra một tiếng ho cho nhẹ đi nhưng anh cố sức gìm lại. Phong quay mặt vừa lắc đầu vừa khom lưng đi về phía bụi xương rồng. Trên con đường nằm dài theo con đê vắt ngang phía sông Cái có đám bụi đang bốc lên chầm chậm trôi đi. Một chiếc ôtô nhà binh đang chạy nhanh về mạn Chèm, Vẽ.
- Để anh đỡ em ra chỗ hàm ếch kia cho kín đáo.
- Hàm ếch là gì hả anh? Mặt Diễm dần dần tươi trở lại.
- Đấy cái hõm mà người ta đào, để những ngưòi làm đồng trú mưa trú nắng đấy.
- Những em sợ nhỡ đấy là hang rắn thì sao?
- Thôi được. Cứ nằm im ở đây, để anh xem kĩ đã nhé. Dù sao cũng phải nấp vào chỗ ấy. Không nhỡ bọn lính phát hiện ra thì em cũng bị vạ lây vì tội đồng loã với người trốn lính.
Diễm gật đầu khẽ nhìn theo dáng người lom khom của Phong. Mãi cho đến hàng chục năm sau này mỗi khi nghĩ đến việc này, Diễm vẫn không làm sao quên nổi dáng đi lom khom của Phong. Cái dáng đau khổ, buồn bã tuy mới ở giai đoạn đầu tiên của căn bệnh lao quái ác đã ẩn chứa trong người Phong. Mặc dù những cơn ho xé gan xé ruột chưa xuất hiện để tàn phá cơ thể vốn đã mỏng manh của Phong. Một cơ thể mà bất kì người con gái nào ở cái đất Hà thành này nhìn thấy cũng đều cảm thấy lâng lâng những xúc cảm kì lạ mà trong đó đa phần là thương cảm, xót xa bởi sự linh tính về một sự mất mát ghê gớm nào đó khó tránh khỏi. Điều lạ lùng nữa là không hiểu tại sao, trong lúc hiểm nguy đang rình rập đó Diễm tịnh không nghĩ đến chồng chưa cưới của mình cùng cô em gái của Phong lúc này ở đâu. Diễm nghển cổ lên, cố ruỗi chân thử xem thế nào thì ngay lập tức cảm giác đau dữ dội từ đâu ập đến. Vừa lúc đó bên tai cô vang lên chầm chậm giọng nói thủ thỉ, trầm ấm:
- Chỗ ấy sạch và kín lắm. Em đang bị đau. Cứ để anh đưa em đến.
Diễm chưa kịp nhận ra điều gì thì người cô đã được nhấc bổng lên. Thân cô bồng bềnh, lắc lư. Tiếng thở của người đàn ông hổn hển. Diễm chưa nhận ra điều gì thì miệng hang đã chớm có những ngọn cỏ dai dáng mọc lé lên hiện ra. Trên nền hang không rõ ai đã trải một lớp rơm rối mù, vàng nhạt. Diễm vừa định nói điều gì đất thì chân Phong đã vấp vào mô đất ngay trước cửa hang khiến người anh chao đi. Cả hai lao bổ về phía trước rồi cũng ngã sóng xoài. Diễm đỏ mặt khi thấy bên chân lành của mình chẹn ngay lên đùi Phong còn tay cô đặt lên vầng ngực mỏng manh, phẳng lì của người con trai. Cô đỏ bừng mặt định rút tay và chân lại thì bỗng thấy chiếc chân bị trật khớp đau nhói. Cô nhăn mặt ngoảnh đi cố tránh nhìn vào gò má cũng đang đỏ lựng của Phong. Giọng người con trai thì thầm như chỉ nói cho chính mình nghe:
- Anh không sao. Không sao. Em đau lắm phải không?
Diễm cố lắc đầu. Khi Phong đã đặt cô nằm yên trên lớp rơm, Diễm ngước mắt nhìn ra cửa hầm và ngay lập tức cô trông thấy những đám mây mùa đông màu chì xám xì, nặng trĩu cuồn cuộn trôi trên bầu trời nhợt nhạt. Phong ngồi ôm gối tựa lưng vào thành hầm, lồng ngực nhấp nhô cố nén một chuỗi ho đang muốn bật ra. Anh nói như để quên đi cảm giác khó chịu đang rình rập nơi lồng ngực. Một luồng khí lạnh đột ngột tự nhiên chạy tuồn tuột vào miệng khi bất chợt anh há miệng ra.
- Chỗ này kín thật đấy. Không biết anh em và cả Vân chạy về hướng nào nhỉ. Giá họ đều biết chỗ này thì may quá.
- Ừ nhỉ. Cái hang này đủ cho bốn người ngồi thoải mái.
- Em có thấy đói không? Hay là em cứ nằm đây để anh đi xem tình hình thế nào.
- Anh không đi đâu cả. Em ở đây một mình thì sợ lắm. Diễm vừa nói vừa đưa tay nắm lấy tay Phong. Cái nắm tay làm cả hai người đều giật mình bởi một cảm giác choáng váng, lạ kì đột nhiên xuất hiện khiến hai người đều bang hoàng. Hai bàn tay rời ra. Người còn trai và con gái lặng im. Tiếng gió hoang ngoài kia chạy dàn dạt trên cánh đồng còn trơ những gốc rạ. Tiếng lá dứa rào rạo và cả tiếng đạp càng lạt xạt của con châu châu ma già có bộ cánh màu nâu nhạt bạc phếch đang đứng im lìm lặng lẽ vuốt râu trong nách bụi dứa. Trong lúc Phong và Diễm đang trú trong hang của trẻ mục đồng thì Long và Vân chạy ngược lại nên chẳng mấy chốc hai người lại vượt qua con đê nhỏ và thấp để sang cánh đồng làng Cáo với hàng loạt những giàn bí đao được kết bằng những thanh nứa trẻ vội thấp lùn trĩu chịt những quả bí dài thậm thượt sẵn sàng cho một mùa thu hoạch. Cánh đồng mênh mông càng hoang vắng hơn khi thỉnh thoảng lại thấy mấy nông phu mặc áo tơi, tay cầm cuốc lúi húi khơi cho dòng nước lợn cợn từ mảnh ao mùa đông chỉ còn vài ba khoảng vệt nước lệt xệt nằm xen những bè rau ngổ dại và rau dừa nước.
- Em sợ lắm. Không biết anh cả em với chị Diễm chạy đi đâu lúc ấy nhỉ
- Moa làm sao mà biết được. Nói chung em đã thấy mỏi chưa?
- Hai chân em gần như sắp rơì khỏi thân người đây này.
- Cố lên tí nữa. Làm sao từ giờ đến tối không gặp người nào thì tốt nhất sau đó đợi tối đến hai anh em lần ra Bưởi, rồi nhẩy tầu điện. ờ nhưng mà đi đâu nhỉ? Chưa thể về nhà được
- Ừ nhỉ, ở nhà anh và cả nhà em thế nào chả có bọn mật thám đang rình nếu không hàng phố có người chợt trông thấy thì.. à Phải rồi về quê nội em ở Phùng khoang. Làng em có nhà thờ to lắm, người Pháp nhìn thấy nhà thờ họ cũng nể đôi phần. Được không?
- Để rồi tính sau. Long nói thác đi. Mặc dù rất thân với Phong nhưng mỗi khi nhắc đến nhà thờ đạo là Long không thấy thích thú một chút nào.
- Em đói lắm rồi. Lúc sáng em đã bảo mãi là chị Diễm dừng lại ăn phở ở ngõ Tạm Thương nhưng chị cứ bảo sáng ra chị rất ngại ăn. Chị ấy bảo ở nhà me ép lắm chị chỉ cố uống cốc sữa và ăn góc cái bánh tây là cùng. Chả bù cho em. Khi em đói thì muốn gì em cũng ăn cho thật no, không có chân tay bủn rủn, đứng không vững thì làm ăn được gì. Những lúc ấy khó chịu lắm.
- Moa cũng vậy. Nhưng nói chung. à mà khoan đã. Long đột ngột giơ tay lên. Giọng anh hạ thấp. Hình như có người đang đi lại gần. Thôi không kịp nữa rồi. Cầu trời khấn phật ban phúc lành
- Giê su ma lạy chúa tôi. Vân bắt đầu run rẩy. Đôi môi lắp bắp.
Một người đàn ông trùm kín mít chiếc áo tơi lá cọ rách xơ xác để lộ ra đôi chân dài ngoằng, khẳng khiu bê bết đất từ đằng sau cây đã cằn mà thân cây lằn rõ những vết chạc trâu, bò buộc vào đột ngột hiện ra như từ dưới đất chồi lên. Nhô lên trên búi áo tơi cọ là cái nón mê trong đó lấp loá hai con mắt ngơ ngác nổi trên khuôn mặt dài ngoằng với nước da vàng kệch vì thiếu ăn. Đó là khuôn mặt rất khó đoán tuổi. Một tay gã ta cầm cái thuổng có cái lưỡi được đánh khéo léo thành một vòng bán nguyệt dính bết đất và một cái thuốn dài. Trên vai gã ta tòng teng cái túi vải nhuộm nâu vá không biết bao nhiêu miếng mụn đủ thứ mầu và đủ thứ vải. Trong túi hình như đang có con gì ngọ nguậy. Vừa nhìn thấy đôi trai gái mà cách ăn mặc lộ rõ tỉnh thành, gã đàn ông lêu đêu, gầy gò, đôi môi khô lắp bắp câu gì không rõ tiếng định quay đầu bỏ chạy thì Long tiến lên mặt cố lmà ra vẻ đang vui nói luôn:
- Chào bác. Bác đi làm đồng về ạ.
- Không dám chào, chào, chào ông… bà
Chỉ thiếu một chút nữa là Vân bật cười vì sự lắp bắp của người nông dân. May cái bấm hơi đau của hai ngón tay Long đã khiến cô ngừng lại được.
- Bác cho tôi hỏi. Nói chung là… Long cũng lúng túng không kém gì người nông dân. Cuối cùng thì anh buột ra một câu nói trong khi tự nhiên ý nghĩ lo lắng về vợ chưa cưới bất chợt xuất hiện trong đầu. Câu nói buột miệng nhưng xem ra có vẻ hợp lý.
- Hai vợ chồng tôi về quê ở trong Noi ăn cỗ. Nói chung là…
Bây giờ lại đến lượt Long bị Vân cấu mạnh vào bắp tay. Tiếng "vợ chồng" làm cô đỏ mặt. Nhưng Long gần như không để ý, anh vẫn thao thao. Chúng tôi định rẽ vào nhà một người bạn ở làng này thành ra…
- Đấy là nhà ai ạ? Người nông dân lễ phép
- Khoan khoan, để moa, à nói chung để tôi còn nghĩ một chút đã.. ba tôi dặn là… Nhà bác ấy ở làng có trồng nhiều bí. Long nói cho qua chuyên Không ngờ người nông dân vẫn săng sái
- À như vậy là ông bà muốn vào làng Giàn chứ không phải làng Noi. Đúng không. Cũng gần thôi ông bà cứ đi qua cái chòi canh cướp đầu làng, cạnh bụi tre kia kìa là đến rồi. Nếu ông bà vào nhà ai ở làng này thì cháu xin dẫn ông bà đến tận nơi.
- Thôi được rồi. Long muốn câu chuyện mau chóng chấm dứt. Anh hầu như không để tâm cuộc trò chuyện, mắt đảo nhanh nhìn ra xa, lúc đó ba người đã đi đến một bờ ruộng. Gã đàn ông bỗng bất ngờ suỵt to một tiếng. Anh ta đang lờ đờ, chậm chạp thoát một cái trở nên một người khác nhanh nhẹn, dứt khoát và dường như trẻ hẳn ra. Gã lập tức hạ chiếc túi vải xuống, tay kia đặt nhẹ thốn và thuổng xuống bờ cỏ, sau đó phẩy tay ra hiệu hai cô cậu thành phố lùi ra xa. Động tác này làm Long và Vân ngạc nhiên.
- Sao thế nhỉ? Quên cái đói đang dầy vò, Vân hỏi khẽ.
- Em đứng một im một chỗ để moa xem thế nào.
Trong lúc hai người nói thì tay con trai(từ lúc hành động cách gọi này hình như hợp với gã hơn)cúi sát mình xuống, đôi mắt hấp hay nhìn lướt theo bờ ruộng, đến mô đất ở góc ruộng, chỗ ấy xoè ra miếng đất hình cái quạt giấy, trên đó mọc lên một bụi cây ké cằn và vài ba ngọn cỏ may bạc phếch, xơ xác. Long tò mò nhìn theo thì anh thấy hằn rõ trên bờ ruộng là một giải bùn đứt đoạn còn tươi nguyên. Giải bùn ngoằn ngoèo dẫn đến một cái hang có cái miệng há rộng, trơn láng. "Gì thế?". Vân không dấu được tò mò nôn nóng hỏi. Long định nói điều gì thì thấy tay nông dân quì đầu gối xuống, một cánh tay gã vung rộng. Ngay lập tức Vân kêu "ối"một tiếng, mặt chuyển mầu xanh lét. Một xác rắn lột đã khô nhao lên, đảo một vòng trong không trung vắng lặng và thâm xì của cánh đồng mùa đông rơi xuống mặt ruộng đầy chân giạ. "Chết rồi, hang rắn". Vân kêu lên thất thanh khiến người nông dân quay lại nhìn, nhưng rồi gã ta gần như không để ý đến sự hốt hỏang của cô gái thành thị. Gã liên tiếp xọc những nhát thuổng xuống miệng hang. Long tò mò định tiến thêm vài bước để nhìn cho rõ. Từ bé đến lớn, anh chỉ nhìn thấy những con rắn cạp nong và hổ mang vươn cổ, bạnh đầu trong những hũ thuỷ tinh ngâm rượu với thuốc bắc của ông anh, và một lần tình cờ đọc được cuốn sách khổ nhỏ in trên giấy thâm của nhà in Minh Đức kể về cách bắt rắn của những người trên mạn ngược, thẳng hoặc đi xem con trăn cuốn vào những cành khô trong những cũi sắt trên vườn bách thảo. Còn lần này… Sự bất ngờ được tận mắt chứng kiến người bắt rắn thức sự đã làm anh quên hết mọi nguy hiểm đang rình rập, quên cả cái đói đang giày vò. Anh vừa nhúc nhắc bước thêm vài bước để nhìn cho rõ thì hai bàn tay của Vân đã níu chặt anh lại. Giữ chặt tay Long Vân giọng cô lạc đi rên tỉ vì khiếp đảm"đừng, đừng anh ơi. Em sợ lắm. Nhỡ một cái thì… Trong lúc đó những nhát thuổng của gã nông dân vẫn liên tiếp thục xuống hất tung đám đất lên. Cuối cùng khi hai cô cậu người thành phố đang bíu vào nhau thấy gã này sát mạnh vào tay mình một thứ lá gì đấy xanh lè. Liền sau đó, gã cúi rạp trên mặt đất, mặt ngếch lên, tay thò sâu vào lòng hang. Long vô tình cũng đưa mắt dõi theo. Bầu trời lúc đó như thấp xuống những đám mây mùa đông cuồn cuộn trôi như bị một chiếc quạt trong tay người khổng lồ đang giận dữ quạt gấp. Đang nhìn bồng Long nghe thấy tiếng "ối"thất thanh thật to của Vân, anh cúi xuống. Tim anh bỗng cũng tự nhiên dập thật gấp khi anh thấy gã nông dân đang lấy hết sức mình kéo từ trong hang ra một con rắn to hơn cả bắp tay khẳng khiu của gã. Con rắn có lẽ dài lắm nên thoạt đầu thì gã nằm rạp, liền sau đó thì gã quì, rồi gã đứng lên. Con rắn đã được kéo ra khỏi hang, cái miệng của nó bị bàn tay gã nông dân bóp chặt vào cổ nên há hốc, đôi mắt tròng xoe bé tí nhìn trừng trừng, khúc giữa loang lổ đoạn trắng, đoạn đen quằn quại và đoạn đuôi bé dần quấn chặt vào cổ tay người bắt. Gã bắt rắn đã đứng thẳng người mặt tươi hơn hớn, đôi mắt của gã hấp hay nhìn hay người vừa lộ sự vui mừng vừa lộ ra sự nịnh bợ của thứ người hèn kém. Gã giơ cao cánh tay rắn quấn lên, còn tay kia gã túm chặt vào cổ con rắn rồi vuốt dọc theo thân rắn. Long nghe rõ tiếng lắc rắc khẽ phát ra theo cái vuốt đó. Xong động tác đó gã bắt rắn bóp vào đầu rắn khiến miệng rắn há rộng, gã cầm ngang cái thuốn miết lần lượt vào hàm dưới, rồi hàm trên của con rắn. Gã bắt rắn lại nhoẻn cười nhìn cô cậu ở phố:
- Bây giờ thì chỉ như con lươn, chẳng sợ gì hết, cậu mợ ạ. Tự nhiên gã nông dân đổi cách gọi hai người ra điều thành thạo.
Nói dứt gã nhặt chiếc túi vải rách lên, xoay xoay mấy vòng như đứa trẻ con nghịch cái chong chóng. Miệng chiếc túi mở ra và ngay lập tức gã bỏ tụt con rắn vào trong.
- Cũng là nhờ có cái vía của cậu mợ nên sáng nay mở hàng cháu bắt được con cạp nong này. Nói thật với cậu mợ. Số con người ta nó cũng rõ ràng lắm. Hôm qua đẻ cháu thắp hương, chả biết cụ khấn vái thế nào bảo rằng sáng nay cháu cầm đồ nghề đi ra đồng sẽ có lộc. Cháu hỏi lộc to hay lộc. Đẻ cháu nói ngay, vừa thôi. Đấy trời phật cho từng nào hưởng từng ấy. Chứ mùa đông này rắn hay ở đôi lắm, vậy mà con rắn cái này lại ở mình, chắc là con đực chưa đến số. Thôi được cháu nhớ hang này rồi, chiều mai xâm xẩm tối cháu lại ra. Giống rắn đực dù bò đi kiếm ăn ở đâu chập choạng tối cũng về. Trời phật cho lộc thì cháu lại dớ được nó, không thì thôi, phải không cậu mợ. Còn bây giờ cậu mợ muốn đi đâu thì cháu dẫn đi. Thôi bây giờ thế này. Cháu cứ mời cậu mợ vào thăm nhà cháu cho biết cái đã. Tuy cháu nhà quê nhưng đôi khi cũng có ông bà ở ngoài phố về mua rắn của cháu. Có ông bà đưa cháu ra tận nhà để cháu làm rắn tại chỗ ngâm vào bình thuốc cho.
Nghe gã bắt rắn liến láu, Long cũng thấy vui vui, anh quay lại nhìn Vân, thấy cô em bạn mặt mũi đờ dẫn không rõ vì đói hay vì sợ. Thôi thì đành liều, vả lại chốn này với anh cũng thật lạ lẫm. Gã bắt rắn tin được hay không Rủi ro hay là may mắn, âu cũng là số trời. A la fatum