Hà Nội - Tình Nhân - Chương 05
Chương 5
Long, Vân cũng không ngờ cuộc gặp gỡ bất ngờ với gã nông dân bắt rắn trong buổi lưng lửng sáng ngày trốn động viên đó có thể trở thành một mối liên quan mà sự liên quan này kéo dài cùng những sự việc quan trọng và hệ luỵ đáng nhớ trong đời đến thế. Sau này khi hai người đã cảm thấy bố mẹ sinh ra, một bên thì trời phật, một bên thì đức chúa cao cả sắp đặt ra một sự trớ trêu trong sự gắn bó phi bình thường giữa hai người thì mỗi khi buồn phiền đôi lúc họ lại tìm đến nhà Hai Ngạn - tên gã bắt rắn này. Riêng Long khi đã hơn sáu mươi tuổi lại có một mối quan hệ với cô gái mà tình cờ trong lúc trò chuyện, ông không thể ngờ đó là con người vừa là láng giềng vừa là họ hàng thuộc chi trên của Hai Ngạn. Một cô gái theo như Long là có số phận đa đoan, cho dù hấp dẫn ông về nhiều mặt nhưng vẫn không thể làm ông tách được Vân. Mỗi lần gặp Mai - tên cô gái- về trong ông lại tràn ngập nỗi ân hận. Nhưng đấy là việc của vài chục năm sau, còn sự việc của buổi gần trưa của năm mươi năm về trước lại là chuyện khác… Hai Ngạn bây giờ trông tươi tỉnh và bạo dạn hơn trước khi bắt được con cặp nong cặp nia. Cổng làng xây bằng gạch nghiêng theo lối tam quan đình có vết nứt chạy dọc theo rễ cây si xồm xoàm mọc đâm chìa cả ra ngoài. Ngọn cây si cao ngổng lên bên cạnh chiếc chòi canh cướp có mái lợp bằng giạ. Nhìn thấy cổng làng Long ngước lên có ý nghi kị, thấy thế Hai Ngạn lại oang oang:
- Bây giờ chả có ma nào trên ấy đâu. Cháu với thằng Cu Dạm hôm qua được cắt cử gác làng rồi, nhưng tờ mờ sáng nó đã về trước vì vợ nó đâu như chuyển dạ từ chập tối hôm trước. Thằng này cũng may đấy chứ cụ kị nhà nó làm mõ nên trước đây làng không tính vào xuất đinh, mà đã không có trong xuất đinh thì làm sao được cắt phiên gác như thế này. Bây giờ thấy bảo chú nó là lão hai Sành đâu như đi lính sang tận bên tây từ hồi cát tó tưởng chết mất xác từ bao giờ thế mà tự nhiên năm ngoái lại đùng đùng về như mọc từ dưới âm tỉ củ tỉ lên. Gớm trông chú nó mới ghê chứ. Mặt thì rỗ băm rỗ vằm, da thì như vỏ thị thế mà tiền thì sao mà lắm thế, cơ man nào là tiền. Tiền hàng xâu, hàng xấp toàn tiền bà đàm xoè, đến ông chánh tổng, lý trưởng làng cháu cũng chẳng thể có được. Mà tiền ấy bỏ ra lo lót thì việc gì chả xong, phải không cậu mợ. Mới lại, cháu chả dấu gì cậu mợ, dạo này giai làng cháu bị bắt lính nhiều quá thành ra con giai, đàn ông làng vãn hẳn, nên què như nó cũng được ra phiên, chứ ngày xưa thanh bình thì có mà khươm năm. Có khi đến chết cũng đừng hòng mà ngõi.
- Thế sao anh lại không bị đi lính? Long hơi chột dạ khi nghe Hai Ngạn nhắc tới chuyện bắt lính nhưng gã bắt rắn vẫn tung tẩy đi trước gần như không nghe thấy gì. Vân bấm Long đi chậm lại rồi thì thào:
- Khéo không anh em mình bị lừa đấy. Hay là mình dừng lại tìm cớ thoái thác rồi tìm lối đi khác.
- Này anh kia. Long gọi thật to nhưng Hai Ngạn lẳng lặng bước đi. Tiếng chân của nông dân vỗ bình bịch trên mặt đường gạch vỡ. Một lúc sau gã bất chợt ngoảnh lại, nhăn nhở cười:
- Ngõ nhà cháu đây, đi một đoạn nữa, rồi rẽ trái đến cái ao có cây xung ngả xuống mặt ao là đến. Trông cây xung như thế nhưng được việc ra phết đấy. Ngày nào đẻ cháu cũng ngắt lá xung non để bán cho mấy bà bán nem Phùng vào lấy tận nơi hay mang ra chợ Bưởi. Trước thì toàn cho, ai muốn lấy bao nhiêu thì cứ việc nhưng sau mấy bà ấy một là tốt bụng hay là bận việc nên bảo đẻ cháu, cả cái gái Thoa sang hái xong bó lại, tiện gửi ra hay là các bà ấy sai con cháu vào mang ra. Còn quả nữa chứ. Ăn sống thì không ăn được nhiều nhưng đi hôi cá về mà trẩy ít quả vào om, ăn chạy cơm phải biết.
Long và Vân vẫn khỏi ngần ngại khi bước chân trên con ngõ nhỏ. Đi một đoạn mặt ngõ có vẻ xẫm lại vì những ngọn tre rợp hai bên. Dọc hai bên ngõ lại quá nhiều ao chuôm nên mặc dù mặt ngõ lát bằng gạch chôn nghiêng nhưng có lẽ từ lâu lắm rồi bởi mặt gạch đã bị chân người, chân trâu bò và năm tháng làm cho mòn đi, lõm in đủ lốt chân người, chân trâu bò, lại thêm hai bên bờ ao bị lở nên mặt ngõ vừa bị bong, vỡ vừa bị xô xệ xuống. Cả hai đang bần thần e ngại nhìn con ngõ càng đi vào càng thấy sâu hun hút thì bất chợt Hai Ngạn reo to:
Nhà cháu đây rồi. Reo xong gã lại vươn cổ lên gọi to. Đẻ ơi, đẻ ơi.
Đó là một căn nhà tường đắp bằng bùn trộn với rơm, mái lợp giạ thấp lúp xúp ngay trước một bụi tre ngọn cong veo, loà xoà phủ rập rềnh trên mái. Trước nhà có khoảng sân đất rộng trồng mấy cây cau khẳng khiu thẳng tuột và giàn giầu không một đầu gần xệ xuống chum có máng hứng nước làm bằng bẹ cau. Mùa này giầu không đang rụng lá, nổi lên những lá trầu vàng rực lơ hơ trên mặt giàn làm bàng cành tre xộc xệch, kế liền là một cái ao có những súng bèo tấm và bèo tây. Góc sân có gian bếp quá nhỏ giữa mái trũng xuống như một bà già gù lưng. Cạnh đó là chuồng gà xộc xệch trên có cái ổ lâu không thay rơm mới, nên bẹp rí, trong đó có con gà mái đang xù bộ lông mầu nâu nằm, chốc chốc con gà lại ngọ nguậy thân hình tròn xoe để đảo trứng, hoặc để cố che cho kín mớ trứng đang ấp. Kề liền khoảng sân là mặt ao trên nổi lên những súng bèo tấm và bèo tây. Thân cây sung nằm ngả dài gần như song song với mặt ao.
- Đẻ ơi. Đẻ. Hai Ngạn dựng chiếc thuổng cùng bộ đồ nghề bắt rắn vào góc nhà vươn cổ gọi to.
- Gì đ.. ới.. ơ. i. Lập tức một giọng đàn bà khàn khàn đáp lại và liền sau đó bằng quãng thời gian đập chết một con ruồi thì một bà già từ sau căn nhà lập cập đi ra. Vừa nhìn thấy Long, Vân, bà cụ chững lại đưa cặp mắt hấp hay nhìn nhanh hai người khách lạ dáng cao sang rồi đảo qua đứa con trai. Miệng lắp bắp.
- Đẻ không sợ gì cả. Hai cậu mợ này này lạc đường. Con đi bắt rắn nên gặp được. Con cố mời cậu mợ về đây, chứ bây giờ bơ vơ giữa đồng thì có mà chết rét đẻ ạ. Thôi đẻ đi nấu nước mời cậu mợ. Đẻ ơi
- Gì thế? Bà mẹ chưa hết sợ, run run hỏi lại đứa con đang xem chừng có vẻ hớn hở.
- Cùng là nhờ vía cậu mợ tốt nên vừa nhìn thấy cậu mợ là con tìm thấy ngay hang rắn, mà hang có mùn hẳn hoi đẻ à. Thế là con đào lên và túm được chú cạp nong cặp nia. Đẻ đứng đấy làm gì, đẻ đi đun nước đi, còn con thì đi làm thịt con rắn này mời cậu mợ.
Đang nói với mẹ, Hai Ngạn quay phắt về phía Long, Vân liến láu như sợ ai nói tranh:
- Cậu mợ cứ ở đây chơi, mấy khi mẹ con cháu được tiếp cậu mợ. Cháu sẽ thịt con rắn này, hoà mật rắn vào rượu mời cậu.
- Ngạn ơi. Chiều hôm qua mày uống hết chỗ rượu rồi còn gì. Nhà có còn giọt rượu nào đâu. Nói thế phải tội.
- Đẻ này. Không sao đâu. Làm thịt rắn xong con sẽ chạy ù lên nhà cậu ba Lỉnh mua chịu cút rượu để mời cậu mợ. Đẻ lo gì
Mày cứ làm tình làm tội cậu ba làm gì.
- Đẻ này. Thôi đẻ cứ đi nấu nước đi đã. Không mua chịu thì con đổi cho cậu mấy khúc thịt rắn cũng được chứ sao. Cậu ba hôm nọ ở chỗ đám ma nhà cụ hai Lựu chả dặn con khi nào bắt được rắn thì gì thì gì cũng để cho cậu nhiều thì một bộ, hai ba con để cậu ngâm rượu, ít cậu thì vài ba khúc để cậu ăn, thấy bảo dạo này cậu hay bị đau lưng lắm. Đẻ không biết à?
- Thôi được rồi. Mày muốn làm gì mày cứ làm. Con cháu xin mời ông bà quá bộ chờ cháu một tí để cháu vác cái chõng ra sân cho ông bà ngồi chơi xơi nước, đợi nó. Chứ ông bà vào nhà bây giờ thì quả là không chịu thấu. Muỗi nhiều qúa mất thôi mà lại tối. Đã bảo nó rồi, nhà có nhiều nhặn gì chỉ có hai mẹ con. Mà đã lớn rồi, thôi thì nồi nào vung ấy. Chả nhẽ cả cái làng Giàn, địa liền làng Cáo này lại chả có đứa con gái nào nghèo khổ, xấu xí hay sao. Mà đã là người thì ông trời đã bắt tội là sớm muộn gì người ta cũng phải có vợ có chồng. Nhưng nói mãi, gào mãi thằng này vẫn trơ ra như nước đổ đầu vịt.
Đẻ này. Ai lại nói chuyện ấy với cậu mợ người tỉnh thành.
Giời ạ. Cậu mợ có thương cháu mới dám kể.
- Vâng, nói chung bà cứ nói. Long đảo mắt nhìn Vân, anh chàng tỏ ra ngạc nhiên khi thấy vẻ mặt của cô gái có vẻ ngây ra, đờ đẫn. Anh chợt nhớ đến lời kêu đói của Vân từ lúc nãy. Cũng vừa lúc ấy, từ trái nhà, hình như đằng sau bụi tre bỗng hiện ra những khuôn mặt gồm đủ già trẻ, gái trai lấp ló, hình như họ nghe thấy tiếng hai mẹ con Hai Ngạn nói lao xao. Trong đám đông lố nhố đó bỗng chồi ra một cô gái dáng thon thả, mặt đỏ bừng mồ hồi cùng đôi lông mày uốn cong tự nhiên trên cặp mắt mở to lóng lánh. Cô gái tay cắp một chiếc rổ đang bốc lên làn khói nghi ngút
- Cái gì thế Hĩm? Hai Ngạn đang lúi húi bên khung chạn xiêu vẹo nghe tiếng lao xao ngẩng lên hỏi cô gái
- Em với bác đang luộc khoai sọ thì anh về kêu toáng lên làm bác tưởng có chuyện cháy nhà. Hoá ra lại rắn với rết chứ gì, làm chị Răm nhà bác cả Hàng chết khiếp.
- Thôi. Thôi, có cậu mợ ở ngoài tỉnh rẽ vào chơi. Cũng là nhờ phúc lộc của cậu mợ ấy nên tao mới bắt được con rắn này…
Cô gái có lẽ cũng giống như đám đông dân làng đang thập thò ngoài hàng rào không để ý gì lời nói của Hai Ngạn mà chỉ có ý muốn xem cô cậu ngoài tỉnh là người thế nào và không hiểu duyên cớ nào lại rẽ vào nhà mẹ con Hai Ngạn. Vì thế Hĩm xăm xăm cắp rổ khoai đi vào.
- Cháu mời ông bà ạ. Hĩm đặt rổ khoai xuống mặt chõng vừa được mẹ Hai Ngạn bưng ra. Hai Ngạn thấy thế giơ tay cản lại
Cô này hay thật. Cậu mợ là người tỉnh thành ai lại ăn thứ này.
- Không, không. Cứ để tôi nếm thử. ở ngoài phố thỉnh thoảng tôi có nhìn thấy khoai này. Chỉ có điều là chưa bao giờ ăn. Cái đói làm cho Vân như rạn ra. Cô giơ tay như để với rổ khoai.
Thấy chưa? Anh chả hiểu gì cả.
Mặt Hĩm dãn ra thích thú. Có lẽ trong cuộc đời chưa bao giờ Vân lại ăn thức ăn gì ngon hơn củ khoai sọ vừa chín tới vào buổi lưng lửng chiều vào ngày người anh trai đoản mệnh là Phong cùng với anh Long sau này là người không hiểu số phận run ruỉ thế nào mà đã có đầy đủ cả một gia đình gồm vợ và bốn năm đứa con cả trai lẫn gái mà vẫn dính liền với cuộc đời Vân với đầy đủ những niềm vui, sự đau khổ, nỗi cô đơn, những quãng thời gian hiếm hoi của sự xum vầy. Nỗi bất hạnh và cả sự sung sướng, dầy vò của kiếp đàn bà đa đoan. Nhìn Vân ngon lành bóc vỏ ăn khoai lành, Long cũng không ngờ số phận của đời mình lại có thể gắn chặt gần trọn đời với người con gái tưởng rằng sinh ra để được thanh thản, nhẹ nhàng, hạnh phúc nhưng cuối cùng lại tràn đầy những khoảng khắc chứa nỗi âu lo, bất ngờ. Đám đông đang khép lại gần hơn, vài ba người bạo dạn đã ngồi xuống hoặc đứng xung quanh chiếc chõng tò mò nhìn hai người thành thị ăn mặc theo lối tây đầm ăn khoai sọ thì vừa lúc đó một tiếng quát vang đệm cùng tiếng gõ liên tiếp của cây hèo mây đầu bít cát tút đồng vào thành chiếc vại vỡ để thị uy:
- Việc gì mà tụ tập ở đây đông thế này, chúng mày định làm Việt minh hả?