Hà Nội - Tình Nhân - Chương 05

Chương 5

Thủa sinh thời Phong là người trầm lặng. Mọi công việc của gia đình cũng như của xã hội trong thâm tâm anh cũng có suy nghĩ đôi chút nhưng chưa bao gìơ anh lộ ra sự quan tâm. Với gần ba mươi năm sống trên mặt đất mặc dù cuộc đời anh ngoại trừ trường hợp cùng Long vất vả, long đong trong lần trốn lính của đợt tổng động viên thì gần như là sự bình lặng khá điển hình cho lớp người trung lưu của Hà nội cổ. Ba me anh là người hiền lành, tuy ba anh đôi chút kế thừa được máu kinh doanh của ông nội anh nên mới mở ra xưởng in nho nhỏ ngay tại nhà với vài ba người thợ làm thuê. Con sen tên Nhị thì ở nhà này đã lâu. Đấy cũng là cái thói của gia đình Hà nội có bát ăn bát để Không hiểu sen Nhị này ở nhà ông bà chủ Hai Tuy là đời thứ mấy, chỉ biết đã trên chục năm. Có nghĩa là từ dạo chị em Vân, Vũ lúc đó xấp xỉ người hơn người kém mười tuổi. So với các nhà khác thì con sen ở nhà này ngoài việc phục dịch người trong gia đình còn cơm nước cho thợ và dọn dẹp xung quanh xưởng. Ông bà Hai Tuy biết thế nên cũng trả công cho sen Nhị hơn hẳn con sen, con ở các nhà khác. Sự biết điều đó lại thêm tính tình sự nhẹ nhàng trong cư xử khiến sen Nhị rất tận tuỵ, cơ chỉ làm vừa lòng mọi người trong gia đình. Hơn nữa xem ra tuy bề ngoài chẳng mấy khi xưởng Tân lạc ngừng tiếng máy nhưng công việc cũng không mấy gấp gáp. Thường sự gấp gáp, bề bộn của xưởng in Tân lạc rơi vào những dịp Hà nội chờ đón tết nguyên đán hoặc bất ngờ có được những hợp đồng lẻ của nhà xuất bản, hay của tờ báo nào đấy. Chính vì thế nên xưởng in Tân lạc mà bố anh dầy công tạo dựng ra đã có thêm những ấn phẩm đa dạng. Bên cạnh những tập hoá đơn, những tờ quảng cáo, hay những tập lốc lịch chờ năm mới thì đôi khi từ chiếc máy in cồng kềnh, lạnh lẽo đó cũng cho ra những xếp tay in nằm trong những tập tiểu thuyết diễm tình, trinh thám nào đấy. Hình như vào năm 48, 49 hay 50 thì phải. Sau buổi chiều đi hướng đạo sinh hết trên vườn Bách thảo rồi vòng qua gần hết đường viền bờ Hồ Tây mênh mông tại các làng làm giấy trên Thuỵ khê, xóm bắt cua, ốc ở Sở, và khi hứng lên tốp thanh niên đạo sinh sắp ra giàng này còn đạp xe vào làng Cáo đỉnh. Lúc trở về trong lúc thay áo Phong vô tình đã đọc được bản in thử cuốn tiểu thuyết thơ "đồi thông hai mộ". Và không hiểu sao giọng thơ đều đều buồn buồn của tập tiểu thuyết phần nào hợp với sự trầm lặng của tâm hồn Phong đã cuốn hút anh. "Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ. Anh của em yêu quí nhất đời. Anh đi mù mịt xa khơi. Ngựa hồn tung cánh dặm trời gió bay". Sự cuốn hút này chả biết mạnh mẽ đến thế nào mà đêm đó Phong chong đèn ngồi nghiến ngấu bản in thử còn đầy những bụi chì hoen hoét trên trang in. Sáng hôm sau khi ông Hai Tuy thấy con trai cả ngủ gục mê mệt trên bàn mặt úp xấp vào bản in thử đó ông đã trách móc anh trưởng thợ tên Cả Thỉnh rất nhiều. Sau đó ông giảng giải thật lâu cho Phong về sự tác động của bụi trì đối với phổi con người. Bố Phong còn rầu rĩ ân hận bảo rằng ông không đủ tài và khả năng tài chính để tìm ra nghề khác. Ông tự thấy càng kém cỏi so với bạn bè anh em và cả thiên hạ là đã không mua được một phân xưởng riêng rẽ, biệt lập hẳn với nhà ở để đặt máy in, khiến vợ và cả những đứa con của ông đều bị ảnh hưởng vì sự hoạt động của máy móc. Tiếng ồn, bụi chì và sự chật chội. Nhất là với công việc in thế này khiến người tiếp xúc nhiều dễ sinh ra những căn bệnh về đường phổi vì tác hại của bụi chì sinh ra từ ru lô và bộ chữ in đúc bằng chì. Phút lâm chung ông đã thều thào dặn kĩ vợ con nên cẩn thận khi ăn uống và sinh hoạt để tránh sự nhiễm độc tai hại do xưởng in phát ra. Ông còn bảo khi nào chúa ban phúc lành khiến gia đình làm ăn phát đạt thì các con nên chuyển nghề hoặc ít ra đưa xưởng in ra biệt lập hẳn với chỗ ở. Hồi ông còn sống những triệu chứng đầu tiên về chứng lao của con trai cả chưa biểu hiện, nếu không ông sẽ còn ân hận biết bao. Người ta bảo những người rụt rè, nặng về sống nội tâm dễ bị mắc bệnh lao là vì thế. Những ngày đầu sau khi chính phủ về tiếp quản thủ đô, Hà nội như một thành phố bị một bàn tay vĩ đại của một hoạ sĩ siêu nhiên đang sáng tác bỗng nhiên nổi cơn thịnh nộ. Cơn thịnh nộ này khiến ông ta quăng lên chiếc bút đầy phẩm mầu và bảng pha mầu vung lên không trung làm phẩm mầu bị văng tung toé. Hà thành đang đơn điệu màu gạch, mầu rêu cũ kĩ cùng sự trầm mặc của thành phố cũ kĩ đang chuyển động với tốc độ của vòi nước khoá không kĩ. Vậy mà thành phố đó bỗng chốc oà lên sự loang lổ và rực rỡ của muôn màu sắc chói loà với muôn tiếng động náo nhiệt. Đúng vào thời điểm đó Phong phát hiện ra những triệu chứng đầu tiên bệnh tình của mình. Anh lẳng lặng đi cân thử trọng lượng của thân thể và cũng lặng lẽ đi khám vài bác sĩ tư. Nhưng rồi không khí hào hứng của Hà nội những ngày đầu tiếp quản và nhất là khi anh Lâm, người anh thúc bá của anh từ chiến khu về đột ngột đến thăm đã làm Phong tạm quên đi sự lo ngại về sức khoẻ, bệnh tật của mình. Trò chuyện với anh Lâm, Phong rất lấy làm mừng khi biết anh Lâm mặc dù có bố tức là bác cả anh từng là một cai thầu xây dựng, và chính bác đã từng tham gia cộng tác với một vài toà báo ở vị trí của một hoạ sĩ hài hước thỉnh thoảng minh hoạ những bài thờ châm chọc Lý toét, Xã xệ, của thi sĩ Tú Mỡ vậy mà anh họ anh bất ngờ đã tìm ra những bước chuyển dịch khác lạ của cuộc đời mình phù hợp với thời đại. Ngay khi bác anh mất, bác dâu anh lầm lụi đơn côi nuôi hai em anh, và riêng Lâm cho dù đã có lần nổi tiếng trong giới học trò trung học Hà nội vì đã từng được giải trong lần thi bơi vượt Hồ tây. Đấy là chưa kể xuất phát của ông nội Phong và anh Lâm là ở một làng theo đạo toàn tòng của phủ Hoài đức. Vậy mà bất chấp tất cả anh Lâm vẫn đi theo Việt minh và tham gia vào đội trinh sát Lãng Bạc. Nghe nói vào giai đoạn cuối 45 đầu 46 anh đã từng là đội trưởng đội trinh sát này. Về gia đình thì Phong càng vui khi biết anh Lâm đã tìm thấy vợ anh và đứa con trai của anh đang ở trên mạn ngoại thành trước cũng thuộc Phủ Hoài Đức nay đã về quận 5 Hà nội nơi có ngôi đình làng Chiện có ông thành hoàng nổi tiếng vì đã từng là quí nhân nước Việt bị cống sang tầu từ thời bạo đế Tần thuỷ hoàng, sau đó vị quí nhân này đã giúp vua Tần đánh thắng Hung nô, nhờ đó trở thành phò mã của vị bạo chúa. Đến lần gặp thứ hai, lần gặp này anh Lâm còn tiết lộ cho Phong biết là, trên chiến khu vì đứt liên lạc đã lâu với vợ con anh nên anh đã được phép cơ quan lấy cô vợ ở vùng Vũ ẻn Phú thọ. Rất may là chưa có con. Vì thế khi biết tin vợ cũ vẫn còn anh đã giải quyết dứt điểm với cô vợ kia. Nghe chuyện Phong mừng lắm. Nhưng bên cạnh nỗi mừng đó, Phong cũng chạnh buồn vì trong những câu chuyện với ngừơi anh họ đáng kính vì sự bôn ba và gặp thời, anh cảm thấy sự giữ gìn đến độ cảnh giác của anh Lâm. Mà kể anh Lâm cũng có lý khi anh cảnh giác. Chẳng gì anh ấy cũng là cảnh sát của chế độ mới này tiếng của chế độ này là công an. Trong khi đó gia đình Phong lại là gia đình vừa là một nhà chủ xưởng in tư nhân, tức là thuộc thành phần tư sản. Một thành phần đối nghịch trong chế độ mới này. Muốn tồn tại gia đình cần phải phá vỡ ra, cải tạo. Thêm vào đó gia đình Phong lại là gia đình theo đạo. Một thứ tôn giáo mà linh cảm đã mách cho Phong hiểu rằng rất kị với chế độ này. Đó là chưa kể trong câu chuyện giữa hai anh em, anh Lâm cố tình không nhắc đến người em gái duy nhất còn lại của anh là chị Ngàn. Hồi vào những cuối thập kỉ 49, đầu năm mươi chị Ngàn rất gắn bó và có quãng thời thời gian dài nương tựa ở nhà Phong. Phong linh cảm thấy anh Lâm cố tình bỏ qua không nhắc đến chị Ngàn, coi như không có cô em này vì chị Ngàn đã theo đoàn con chiên cúc cung nghe theo cha theo Chúa di cư vào Nam. Tuy vậy bất chấp mọi điều bất ổn đó Phong vẫn cảm thấy gắn bó với anh Lâm. Một phần rất thầm kín vì Phong coi anh Lâm là nơi nương tựa chắc chắn một phần nữa vì nhìn đi nhìn lại dòng họ anh giờ đây chỉ còn lại gia đình anh và gia đình anh Lâm. Với người anh thúc bá này Phong coi như người anh trai cả trong nhà. Thêm vaò đấy là tình trạng sức khoẻ của Phong. Thỉnh thoảng trong đêm Phong đột ngột thức dậy. Người nóng ran, trán rịn mồ hôi. Cơn ho trong cổ cứ chực bật ra nhất là nhưng khi chớm tiết giao mùa thì Phong lại bàng hoàng, thấp thỏm hơn. Anh hoảng hốt khi trong đầu xuất hiện ý nghĩ. Nếu chẳng may đột ngột khi anh nằm xuống, từ bỏ gia đình, từ bỏ trái đất này. Lúc đó Vân và Vũ, hai đứa em còn quá non dại trước cuộc sống và nhất là với chế độ này. Lúc đó ai sẽ chở che chúng nếu không phải anh Lâm. Một giọt máu đào con… Huống hồ với người anh thúc bá này. Và kể cả khi Phong được chúa ban ân sủng để tồn tại với đời thì với thân phận của mình Phong cũng khó trở thành nơi nương tựa của hai đứa em non dại. Vậy thì… Chính vì những lẽ thầm kín đó nên sau khi anh Lâm đến chơi nhà lần thứ năm, Phong đã thưa lẳng lặng thưa chuyện me, xin me anh mời anh Lâm đến biếu anh tầng hai của toà nhà này và mong anh dọn đến ở cùng với gia đình. Phong sẽ nói với anh là theo như anh Lâm cho biết thì công việc của anh rất bận, phải trực đêm hôm. Trong khi nhà anh ở tận trên Chiện. Vậy thì ngày thường xong việc anh cứ về gác hai nhà này mà nghỉ. Vì đó là nhà anh. Anh đi khoá về mở. Phong thay mặt gia đình sẽ viết giấy bàn giao cho anh. Nhà này lại gần đồn quận Hàng Trống. Vài bước chân là anh có thể ra đến nơi làm việc. Anh ở đây thì thật thuận lợi mọi bề. Còn thứ bẩy, chủ nhật nếu anh Lâm được nghỉ thì anh về trên Chiện với chị và cháu. Thật đáng buồn là đáp lại thịnh tình của Phong và của cả me anh thì anh Lâm một mực chối từ. Lí do anh đưa ra nếu người ngòai nghe thấy tưởng anh Lâm đang đùa cợt. Anh Lâm bảo. Anh là người của chính phủ nên anh phải tuân theo chủ thuyết chính phủ đang thi hành. Đấy là chủ trương lấy nông thôn bao vậy thành thị. Thành thị chỉ là bề nổi, sự phù hoa còn chính nông thôn mới là cái căn bản, dường cột của quốc gia. Vả lại ở thành thị có quá nhiều cám dỗ mà cán bộ của chính phủ cần cảnh giác. Bài học nhỡn tiền về sự mất cảnh giác của bao nhiêu cán bộ từ trên chiến khu về thành phố không phải là ít. Rồi anh Lâm hạ giọng xuống thì thào. Anh đã từ bỏ tôn giáo để đi theo cách mạng. Bây giờ anh là người vô thần nên anh không muốn cơ quan, đoàn thể, chính quyền hiểu sai anh, cho rằng bả phù hoa của thành thị và sự mê hoặc của tôn giáo với viên đạn bọc đường đã đánh gục được anh. Sau buổi nói chuyện với anh Lâm, Phong buồn lắm. Vì vậy mặc dù rất kính trọng người anh thúc bá, nhưng tình cảm ruột thịt trong anh đã bị sứt mẻ khá nhiều. Hoá ra máu mủ ruột già, cốt nhục không thể bằng được những chủ thuyết, nhưng toan tính chính trị. Sau chuyện đó Phong ủ ê khá nhiều ngày. Anh mất ngủ vì những suy nghĩ vẩn vơ. Và chính điều những ngày, đêm đăm chiêu đó đã làm căn bệnh của anh lặng lẽ tăng lên nhiều. Cho đến một lần anh Lâm đột nhiên đến vào buổỉ lưng lửng. Có lẽ đang trong giờ làm việc nên anh vận bộ quân trang công an màu vàng rực là thẳng nếp, đội chiếc mũ cát có đính quân hiệu. Dựa chiếc xe đạp ghi đông ca rê một cách cẩn thận và qui củ vào chân tường, anh gật đầu chào bà thím, chào các em. Nhìn lướt qua tốp thợ đang mải miết làm việc anh Lâm ngồi xuống chiếc ghế, để hộp thuốc lá cuộn có in nhãn ba số năm đồng mầu với màu trang phục công an lên mặt bàn đá ngổn ngang những tờ in thử. Anh Lâm rút ra tập giấy cuốn thuốc lá rút một tờ, đưa hai ngón tay ám khói đen xạm thận trọng nhúm một nhúm thuốc ra rải đều lên giấy rồi chăm chú cuốn. Phong thực sự bị hút vào bàn tay khéo léo của người anh họ. Những sợi thuốc, không nói đúng hơn là những hạt thuốc rời rã như thế mà anh Lâm có thế cuốn thành điếu thuốc gọn gàng trông không khác gì điếu Cô táp bao bạc, nhất là khi anh Lâm thò lưỡi ra liếm một đường nhẹ để hai mép giấy gắn liền vaò nhau. Hình như anh Lâm đang lên cơn thèm thuốc thì phải. Anh tập trung cao độ vào điếu thuốc cho đến khi anh gắn lên môi, xoè diêm và cuối cùng nhả ra hơi thuốc đặc quánh khiến anh cất tiếng ho.
Anh ho như thế, hút làm gì cho khổ
Me Lâm vừa đặt ấm nước mới pha xuống bàn vừa nói với người cháu chồng
- Không sao đâu thím. Không có nó cháu mới thấy khổ chứ rít được vài hơi rồi thấy nhẹ hẳn người. Ho thế nhưng được thông qua vài khói đã cháu cảm thấy đỡ hẳn mọi trục trặc trong người.
Nói xong anh ngả người ra định tựa vào thành ghế, nhưng liền sau đó anh Lâm trở lại tư thế ngồi nghiêm chỉnh. Đợi bà thím đi ra khỏi căn phòng ngưòi anh họ mới hạ giọng nói nhẹ nhàng:
- Anh nói thật với chú. Ngay từ trên chiến khu không ít lần anh đã nghĩ đến những người anh em, bà con ruột thịt ở trong thành. Điều anh sợ nhất là về đến Hà nội mà không gặp được ai, vì mọi người một là theo giặc, mà đã theo giặc thì thân đến đâu cũng trở thành đối địch, đứng bên kia chiến tuyến Hai là bị dụ dỗ di cư hết. Vì thế anh rất mừng là thấy họ hàng nhất là gia đình chú ở lại.
- Lúc chị Ngàn rục rịch đi em cũng cố giữ. Ngay me em cũng…
- Chuyện của cô ấy tính sau. Chú là lớn, vả lại chỉ có hai anh em ở đây nên anh cũng nói thật. Anh bây giờ là người của chính phủ. Cơ quan anh lại nằm trong lực lượng vì thế nhất cử nhất động anh đều phải thận trọng và chú phải giúp anh.
- Điều ấy anh không nói em và me em cũng biết. Chẳng gì bây giờ chỉ còn hai anh em mình là ruột thịt. Em không có anh trai nên trong thâm tâm em luôn luôn coi anh như anh ruột
- Điều ấy anh biết nhưng chú cứ để anh trình bầy hết đã. ở trong quê đất cát của ông để lại. Đến thời anh em mình thì mọi sự bình đẳng. Để chung thì không nói làm gì. Nếu có chia bơi thì ai cũng như ai, không phân biệt trưởng thứ. Xã hội ta nó quân bình, dân chủ là vì thế. Bây giờ trong làng mình đang rục rịch cải cách ruộng đất. Anh biết nhà mình cũng không phải diện có thể bị qui thành phần nên chỗ đất ấy chú Tư Ngãi đang trồng dong giềng, anh em mình cứ để nguyên đấy. Đừng động vào vội. Bởi vì nhà chú thuộc diện tư sản cần cải tạo. Nay đoàn họ biết nhà chú còn có đất mặc dù đất hương hoả ông cha thì vẫn nguy hiểm. Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận dễ là vì vậy
- Chuyện đất cát trong quê từ lâu em có để ý gì đâu.
- Chú cứ để anh nói hết ngọn nguồn đã. Cái chính là chú bảo vệ cho anh. Vì thế trong quê một là chỉ còn toàn họ hàng nên không đáng ngại. Mặc dù vậy nhưng lộ ra thì anh cũng phiền vì quê mình lại là xứ đạo toàn tòng. Tổ chức biết sẽ không có lợi cho anh. Riêng đối với nhà chú là chỗ gần gựa nhưng với anh tuy trong lòng anh rất quí thím và các em, bởi vì bây giờ anh cũng chẳng còn ai. Nhưng nhà chú lại vừa theo đạo vừa trong diện cải tạo…
Nói đến đây Lâm ngửa mặt nhìn lên các tượng và mẫu ảnh chúa, vung tay khoát rộng một đường rồi hạ giọng thấp hơn.
- Chú thấy đấy sự này không thể dấu được lại thêm việc phải cải tạo tư bản tư doanh để ra nhập công tư hợp doanh. Anh rất mừng là nhà mình không bị nghi vấn vì có hành vi chống đối. Nhưng chú nên nhắc nhở chú Vũ.
- Vâng, vâng. Em biết em biết.
- Vũ nó còn trẻ con nên có thể cho là do chú ấy chưa hiểu gì Nhưng dù sao như thế cũng dễ bị người ta đặt vấn đề, còn anh thì dù muốn dù không đoàn thể cũng đánh thành dấu hỏi.
- Em tưởng…
- Chú cứ bình tĩnh đã. Vì thế nhân có hai anh em ở đây anh chỉ yêu cầu chú. Mỗi khi anh đến vì tình ruột thịt thì nhà cứ bình thường không phải cơm nước, bày vẽ gì. Cố dấu được điều gì thì tốt điều ấy để cho nó qua đợt cải tạo này đã. Ngay chị ấy rồi thằng Sơn con anh cứ đòi ra nhà chú để một là biết nhà biết cửa hai là nhận họ nhận hàng, song anh vẫn cố kìm lại. Còn chuyện của cô Ngàn em anh. Cô ấy đã trót nghe chúng nó xui dại nên đã di cư, thì từ nay đừng nhắc đến nữa. Ngay trong lý lịch anh có khai tí gì về nó đâu ngoài việc ghi chung chung, mất liên lạc từ bé.
- Anh cứ lo xa quá. Phong mở to mắt nhìn ngưòi anh họ.
- Không, không. Anh đã nói rồi. Anh trong lực lượng từ những ngày đầu khởi nghĩa, cướp chính quyền, nên anh được rèn luyện nhiều. Chủ trương của lực lượng là con người phải là một thành viên trung thành với lý tưởng cao cả. Tổ quốc, Đảng là trên hết. Vì thế mọi sự riêng tư và nhất là tôn giáo là phải bỏ triệt để, không vương vấn gì. Anh bây giờ là vô thần, chính thế nên anh mới được cơ quan đưa vào lực lượng chống… à mà thôi chú chỉ cần biết thế đã.
- Nhưng em nghĩ…
- Không, không. Bây giờ phải hết sức cảnh giác. Như ở cơ quan anh chả khối anh em lúc trên chiến khu rất đứng đắn nghiêm chỉnh nhưng về đến Hà nội là xa ngã. Lấy vợ con nhà tư sản, ăn uống chơi bời. Khối cậu chả bị cơ quan nhẹ thì kiểm điểm ghi lý lịch, nặng thì bị đuổi việc khai trừ. Những viên đạn bọc đường là nguy hiểm lắm.
Đang nghe anh họ nói Phong bỗng thấy cổ họng như có cái gì lợn cợn. Anh nuốt nước bọt mấy lần cố ghìm lại. Bàn tay anh lén nắm lấy góc bàn mặt Phong đỏ dần lên.
- Chú làm sao thế?
Phong trông thấy rõ ràng anh Lâm đang ngồi đối diện trước mặt mình mà sao tiếng anh Lâm nghe xa xôi và cách nhỡ thế. Nụ cười ngớ ngẩn, gượng ép nở méo xệch trên môi. Phong cố giữ vẻ bình thường
- Không sao ạ. Nhưng mà lúc nãy anh nói anh được phân vào đâu nhỉ. Phong nói để đánh lừa cơn ho. Anh Lâm có vẻ ngạc nhiên nghe người em họ hỏi anh định không trả lời nhưng rồi không hiểu sao anh lại buột miệng thì thào:
- Việc này cơ quan yêu cầu phải bí mật, vì vậy chỉ mình chú biết thôi đấy. Anh được biên chế vào đội trinh sát để truy tìm những kẻ có âm mưu chống đối trong tôn giáo.
Sau này khi Phong mất rồi. Mỗi khi nghĩ đến chuyện này anh Lâm luôn luôn tự nhủ "không biết việc tiết lộ của mình như vậy, chú em họ mình có nói với ai không. Thôi thế cũng là mày. Nó mất ngộ nó vui miệng nói, rồi ai đó đồn thổi đến cơ quan mình cũng có thể chối được. Ma chết mất miệng. Nhưng dù sao những chuyện không thể vui mồm được. Kể cả bố mẹ anh em. Người trong lực lượng là phải thế"

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3