Mẫu Thượng Ngàn - Phần 07 - Chương 03 - Part 02

Chương 3

Hai người nói chuyện thật khuya mới đi ngủ. Lúc đi ngủ cũng khác thường. Bà thật không ngờ ông Cam đã chuẩn bị sẵn hai chiếc chăn đơn. Mỗi người mỗi chiếc. Lại có cả một chiếc gối dài ngăn giữa hai người. Ông bảo:
- Đáng lẽ tôi phải sắm sửa hai chiếc giường. Song nghĩ đi nghĩ lại thấy không tiện. Sợ người ta dị nghị.
Đến lúc này, bà mới hoàn toàn tin là con người này thành thực giúp bà. Không phải ông ta lợi dụng khi bà nguy khốn. Và từ đấy, hai ông bà sống với nhau như hai người bạn. Còn người ngoài thì tin chắc đấy là một cặp vợ chồng với một đứa con, sống với nhau rất hạnh phúc.
Nhà ông trưởng Cam, có thể nói, khá giả. Ông có gần chục mẫu ruộng. Sở dĩ ông nhiều ruộng vì ông là người có công với đạo, có công với nhà nước bảo hộ. Khi ông quyết định ở tại Cổ Đình, đức cha giám mục, rồi cha Colombert đã tìm hết cách để nhà nước bảo hộ cấp đất cho trưởng Cam. Lẽ dĩ nhiên, Philippe Messmer được đất thì ông cũng phải có phần, tuy ít hơn. Cuộc sống phong lưu, ông dùng không hết, nên thỉnh thoảng lại hiến nhà thờ để phụng thờ Chúa, và để nhà thờ trợ giúp những kẻ khó.
Bà Ngát càng sống với ông càng thấy lạ. Ông rất chăm đọc sách. Ông biết chữ Quốc ngữ, biết cả chữ Nho. Ông nói với bà:
- Trước kia, nhà nghèo rớt mùng tơi, tôi không biết chữ. Sau đó, ở gần các cha, tôi học chữ Quốc ngữ. Cha Colombert tài lắm. Ông hiểu người nước ta lắm. Cụ là Tây mà thuộc cả Truyện Kiều. Bà có nhớ cái hôm cha Colombert và tôi đến nhà thờ họ Vũ Xuân xin cưới bà không? Hôm ấy cha rất chú ý đến bà. Cha xem tướng đấy. Lúc về, cha nói với tôi:
Rằng hay thì thật là ha
Xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào...
Bà Ngát ngạc nhiên:
- Cha là người Tây mà cũng vận Kiều khéo thế sao?
- Cha là giáo sĩ được hội thừa sai Paris cử sang nước ta lúc cha chưa đến ba mươi tuổi. Cha đã trải qua nhiều gian truân. Có lúc đã nằm hầm suốt sáu tháng trời. Chính tôi đã đào hầm cho cha trốn. Ngày thì chui hầm, đêm mới chui lên mặt đất làm việc đạo. Người ý nhị lắm. Rất thương xót người nghèo. Rất hiểu lòng con người. Cha nhìn thấy bà, bảo với tôi rằng: "Bà ta bằng lòng lấy ông chỉ là sự bất đắc dĩ. Mình cũng không nên thấy người ta gặp khó mà ép uổng. Chúa dạy ta ‘làm phước cho ai thì lòng phải vô tư. Làm sao cứ như tự nhiên. Làm xong việc gì cho ai thì quên ngay....
Những cuộc nói chuyện như thế làm cho hai người xích lại nhau dần dần. Thằng bé Trung con bà cũng được ông trưởng Cam rất quý. Ông thường bế nó sang nhà xứ chơi với cha Colombert, ông già này cũng rất thích tiếng trẻ con cười trong căn nhà của Chúa. Ông già bảo Ngát:
- Bà trưởng có thằng bé lanh lợi lắm. Đợi nó lớn lên tôi sẽ dạy nó học. Cả chữ Quốc ngữ, cả chữ Nho, cả chữ Tây nữa.
- Thưa, cha cũng biết chữ Nho ạ?
- Phải biết chứ. Đạo thánh hiền cũng có những điều giống như đạo của Chúa. Ví dụ đạo Khổng dạy con người nhân nghĩa, còn đạo Thiên chúa thì lấy tình thương yêu con người làm căn bản...
Dạo thằng bé bị mắc thương hàn, ông trưởng Cam suốt đêm ngày chăm sóc thằng bé. Cha Colombert thì thuốc thang. Ngoài việc chăm người, ông già còn là một thầy thuốc...Cứ như thế, đôi vợ chồng gán ghép kia dần dần gắn bó với nhau. Tuy nhiên, đêm đêm, cái gối dài vẫn nằm ở giữa. Bà muốn vứt nó đi nhưng không dám. Còn ông thì hình như ông chưa muốn bỏ nó. Đúng là thế! Bởi vì ông Cam là đàn ông, ông phải chủ động, ông phải nhìn cử chỉ và giọng nói của bà để hiểu rằng bà đã muốn, và đã đến lúc cái gối ấy không nên như một dòng sông ngăn cách nữa. Bà không thể hiểu ông đang nghĩ gì? Chẳng biết ông có biết rằng lòng tốt của ông, sự dịu dàng đôn hậu của ông đã được bà cảm hiểu và chấp nhận. Tại sao gương mặt ông lúc nào cũng rầu rầu thế kia. Cái gì đã ngăn cản ông. Trước kia bà co lại nên ông dè dặt là phải. Còn bây giờ bà đã nhích lại, đã cởi mở tấm lòng mình, vậy cớ gì ông không đón nhận.
Cho tới một đêm; đêm ấy, hai vợ chồng vui chuyện rầm rì với nhau rất khuya. Đến đêm hôm ấy ông mới kể sự tình cho bà nghe về cái đoạn sau khi hai chú cháu ông đến xin ông cử Khiêm cứu giúp.
- May mà tôi kịp ra đầu thú ở nhà lao tỉnh. Họ phân chia tù thành hai nhóm: một nhóm là những người có đạo ra đầu thú ngoan ngoãn; một nhóm là những người họ cho là đầu sỏ, hoặc bướng bỉnh chống lại, hoặc ngoan cố trốn lủi mà bị tố cáo hay bị quan quân tìm được. Nhóm đầu sỏ cứ mỗi ngày thắt cổ mười người. Thắt rồi mà vẫn treo lủng lẳng trên cành cây suốt nửa buổi. Chả là để đe doạ đám đông tức là nhóm thứ nhất, nhóm sợ sệt ngoan ngoãn. Họ đe doạ như thế để bắt chúng tôi phải bước qua cây thánh giá.
- Thế có ai bước qua không?
- Cũng có người, phần đông là đàn bà. Tuy thế, khi được thả ra, họ vẫn theo đạo như cũ. Còn một số chừng năm chục người chúng tôi vẫn không chịu bước qua. Thế là họ mang chúng tôi ra tra tấn, mỗi ngày một lần.
Nói đến đấy, ông Cam ngừng lại. Ông lại xoay sang kể lể về cha Colombert.
- Ông cụ là người thánh thiện. Ông đúng là con của Chúa. Ông thường nhắc kể cho chúng tôi về đoạn đời lúc Chúa bị đóng đanh câu rút. Ông cụ bảo: ‘Tôn giáo nào, đạo nào ở trên đời này cội nguồn cũng đều tốt đẹp cả. Chỉ có cá nhân con người làm cho nó xấu đi thôi. Người bên lương cội rễ cũng chẳng ác. Chỉ vì con người ta nóng vội cố thuyết phục hoặc loại trừ nhau cho nhanh nên mới sinh ra sự bất cộng đới thiên.
Tự nhiên, bà Ngát chợt thấy thương ông vô cùng. Bây giờ, bà đã hoàn toàn tin cậy ông rồi. Ông nợ ơn bà hay bà đã nợ ơn ông. Có lẽ, ở cõi đời này, nếu tất cả mọi người đều biết đến ân nghĩa, đều biết nợ ân nhau thì cuộc đời đã tốt đẹp biết bao nhiêu. Bà nhẹ nhàng giơ tay ra nắm lấy tay ông. Cái gối dòng sông chướng ngại giữa hai người đã bị vứt bỏ lúc nào bà cũng chẳng hay. Bà là con chim lạc, ông cũng là con chim lạc có khác gì đâu. Lúc đó là đầu đông. Gió bên ngoài xào xạc trên ngọn tre. Bà chợt thấy thèm một hơi ấm. Bà quên cả sự e thẹn thụ động đàn bà của mình. Bà xích vào nằm sát bên ông. Người đàn ông hình như cũng hiểu. Ông cũng thèm tìm hơi ấm của bà. Hai người ôm lấy nhau. Nhưng chuyện ấy chỉ xảy ra trong giây lát. Đột nhiên, ông nhỏm dậy, rời khỏi cánh tay mềm mại của bà. Ông rên lên:
- Không được đâu!
Người đàn bà ngỡ ngàng:
- Chúng ta là vợ chồng. Sao lại không được?
Ông kêu khe khẽ bằng tiếng kêu của con thú bị thương:
- Cho tôi van bà: Không được đâu!
Sự xót thương trong người đàn bà chợt bùng lên. Bà hiểu ông có một vết thương nào trong lòng ghê gớm lắm. Một vết tử thương. Bằng sự linh cảm nhạy bén của người đàn bà, bà hiểu ông rất cần có bà lúc này. Và chỉ có bà thôi mới làm lành được vết tử thương trong ông. Vì vậy, bà hết sức nương nhẹ, bà hết sức dịu dàng ôm lấy ông, vỗ về ông. Đầu người đàn ông ngả vào vai bà. Ông ta khóc. Ông Cam đã rấm rứt khóc trên vai người đàn bà.
***
Tại sao ông trưởng Cam khóc? Tại sao ông lại kêu lên không được ở cái phút mà người đàn ông như ông đáng được hưởng từ người đàn bà đã hoàn toàn đặt niềm tin cậy, đã hoàn toàn phó thác cuộc sống cho ông?
Cũng phải thông cảm cho ông. Đúng là người đàn ông sẽ cảm thấy nhục nhã, sẽ cảm thấy bị tử thương, sẽ cảm thấy hình như mình không phải là người nữa, khi anh ta mất khả năng giống đực, mất khả năng làm công việc tái sinh sản. Trường hợp ông Cam là như vậy. Tại sao ông Cam lại luôn buồn buồn khi ông có hoàn cảnh tốt đẹp như thế.Câu chuyện có nguồn gốc từ những ngày phân sáp, lúc ông bị cầm tù khi ra đầu thú, lúc ông bị tra tấn hàng ngày. Có một người cai ngục điên rồ, khi thấy tra tấn bằng mọi kiểu rồi mà những người giáo dân cũng không chịu bỏ đạo, hắn giơ nắm tay lên dứ vào mặt ông Cam và nói:
- Mày không chịu nghe tao ư? Tao còn một cách nữa, mày không nghe thì cũng phải nghe.
Cách mà người cai ngục nói là lấy hai thanh tre kẹp vào hai quả cà của người đàn ông. Rồi hắn bóp mới đầu còn nhẹ, sau rồi nặng tay. Cho đến lúc ông Cam hét lên như xé trời và ngất lịm. Hai quả cà của Cam đã bị vỡ nát. Cái bìu bị sưng lên to như cái ấm giỏ và tím ngắt. Cam sốt mê man gần mười ngày, không ăn một hạt cơm, chỉ uống nước. Không biết sức chịu đựng của Cam phi thường đến thế nào, mà sau đó vết thương của anh dần dà tự khỏi. Từ đấy, có điều lạ vô cùng là con chim của anh co lại và rút vào trong bụng. Một người có số phận như Cam thông thường sẽ biến thành một con người hằn thù tàn độc với mọi người. Nhưng Cam lại không thế, anh tiến triển ngược lại. Có lẽ cái lý tưởng tình yêu vô biên của Chúa đã thức dậy nơi anh.
***
Câu chuyện tình lạ lùng của bà tổ cô tôi đọc được trong cuốn gia phả của họ Vũ Xuân xã Cổ Đình. Lẽ dĩ nhiên câu chuyện sơ sài hơn nhiều. Tôi đã dùng trí tưởng tượng cố dựng lại cho sinh động.
Đến đoạn cuối, cuốn gia phả có câu:
"Về sau hai ông bà sống với nhau rất hạnh phúc".
Nên hiểu câu này như thế nào? Nhiều người trả lời tôi rằng về sau ông Cam khỏi bệnh. Câu chuyện kết có hậu như vậy làm tôi cũng vui lây. Nhưng tôi cứ hỏi không biết bà Ngát chữa bệnh cho chồng bằng cách nào, bằng thuốc gì. Tôi đến xóm Vườn, tức xóm Đạo ở Cổ Đình thì một bà già nói với tôi:
- Bằng phép màu của Chúa chứ còn bằng gì nữa.
Câu trả lời chưa làm tôi thoả mãn. Tôi lại hỏi người dân Cổ Đình bên lương. Một người bảo tôi:
- Trước đây, ở Cổ Đình chúng tôi có một ông lang giỏi lắm. Cụ Tổ ông ta làm ở viện Thái y trong triều đình. Nhà ông lang không có con trai nên các bài thuốc gia truyền của ông đều thất truyền cả.
Một ông cụ già vui tính và hẳn là rất tinh quái nói với tôi thế này:
-Có gì đâu! Một người bên đạo bảo với tôi rằng: hằng đêm bà Ngát vẫn kiên trì chữa bệnh cho ông. Chỉ có mình bà mới chữa như thế được thôi. Tức là bà ta bế đầu ông lên, cho ông bú như mẹ cho con bú. Rồi một tay bà xoa vào lưng ông, tay kia bà kéo cái chim ra. Đau đấy, nhưng có cái vú bú, và có cái tay xoa lưng ông cũng đỡ đau phần nào. Tôi còn nghe nói có bận bà kéo mạnh quá ông đau điếng, cắn chảy máu cả vú bà. Cứ như thế, mỗi ngày một ít, cuối cùng con chim chui hẳn ra. Và thế là ông Cam khỏi bệnh. Ông ta mừng đến phát khóc, ôm lấy vợ và nói: Bà đã sinh lại ra tôi lần thứ hai.
Tôi cười phá lên và ông già vui tính cũng cười phá lên. Chẳng biết đùa hay là thật nữa. Tuy nhiên, dù sao ít nhất cũng có một phần sự thật ở câu chuyện. Đó là tình yêu của người đàn bà, chỉ có người đàn bà yêu thương mới có thể làm cho ông Cam sống lại.Chỉ có điều không vui: đó là sau này bé Trung đứa con của bà Cam bị chết vì bệnh đậu. Người ta thì thầm với nhau:
- Thằng bé là con thánh, con cầu tự ở Phủ Giầy. Nay lại đem cho bên đạo nuôi. Cậu giận cậu chẳng thèm ở lại nữa.
Sau đó ông trưởng Cam cũng qua đời. Ông qua đời bên bà vợ và trong vòng tay của Chúa. Đời ông thế là mãn nguyện. Ông trao lại tất cả của cải cho bà Ngát. Chín mẫu sáu sào ruộng và ba vò tiền bạc trắng. Bà Ngát chia của cải ra làm ba phần. Cho ông Liến gọi ông Cam bằng chú ruột một phần. Cho lý Cỏn trưởng họ Vũ Xuân là cháu gọi bà là cô một phần. Còn một phần bà giữ lại.Khi ông Cam chết bà lại cải đạo thêm một lần. Tức là bà không đi lễ nhà thờ nữa, mà trở về với đạo Mẫu. Bà lên núi Mẫu Sơn, dùng tiền tu bổ lại đền, dùng ruộng làm ruộng hương đăng cho đền Mẫu.Từ đấy, dân Cổ Đình gọi bà Ngát là bà tổ cô.