Mẫu Thượng Ngàn - Phần 12 - Chương 02
Chương 2
Lời tiên đoán của ông hộ Hiếu đã thành sự thực. Loạn âm đã biến thành loạn dương. Bệnh dịch tả đã bắt đầu hoành hành. Tiến diễn rất nhanh. Ngày nào làng Đình hãng có đám ma, cho nên lễ nghi cứ giản tiện dần dần. Khi biết đích xác là bệnh thời khí, có bày cỗ bàn ra cũng chẳng ai dám đến ăn, nên chẳng ai bảo ai cả làng đều bỏ ăn uống. Rồi kèn trống người ta cũng bỏ nết. Riêng tiếng về hò ơ khóc than người thân là vẫn còn. Chỉ có khác: Bây hờ hết những tiếng khóc giao đãi nghi lễ, chỉ còn lại tiếng khóc than chân thực. Ban đêm, trong làng, nghe tiếng khóc ấy lúc tỉ tê ấm ức, lúc vang dội nức nở, người ta thấy gai gai rờn rợn.
Làng Cổ Đình đột nhiên vắng tanh vắng ngắt. Đường làng bây giờ vắng cả lũ chó chạy rông. Nhà nào cũng đóng cùng gài ngõ ở tịt trong nhà. Chắc lũ chó cũng cảm thấy cái không khí lạ lùng ghê rợn nên cũng bắt chước chủ, chẳng ló mặt ra đường. Tất cả đều rút lui vào nơi ẩn nấp cuối cùng, đó là ngôi nhà thân thương. Nhà khá giả thì xin bùa về trấn yểm chung quanh ngôi nhà của mình. Người ta đi đào cây ráy, thứ cây rất ngứa và dớt, về treo ở ngõ, ở đầu hồi, ở cánh đại trước gian giữa. Người ta bảo nhau rằng quan ôn dịch tả đi bắt người, là vị hung thần chẳng biết sợ cái gì nhưng lại rất sợ củ ráy. Thần dịch tả còn sợ cả vôi nữa, nên nhiều nhà quét vôi trắng xóa khắp nơi. Ở tường, ở ngõ, ở bể nước; thậm chí ở cả những gốc cây. Chung quanh hàng rào tre, hay cúc tần cũng được vẩy vôi trắng xóa mặt đất dưới gốc. Đó là cách đánh dấu ngăn cách ngôi nhà thành lũy trú ẩn tách ra khỏi đường làng. Người ta bảo rằng đêm đêm trên đường làng, lũ quan ôn vẫn hàng đàn hàng lũ chạy rình rịch đi bắt người.
Cũng không hiểu vì lẽ gì, vào mùa dịch tả, người ta lại hay chôn người vào ban đêm. Chôn quáng quàng thật nhanh. Cả tiếng khóc cũng không thấy khóc to. Chỉ thấy những tiếng khóc rấm rứt nghẹn ngào. Nhiều người chết quá nên thiếu áo quan. Hay là chết nhiều quá đóng áo quan không kịp. Nhà khá giả thì lấy những tấm gỗ phản, chẳng kịp bào đóng ghép cho nhanh rồi vội vã đưa ra đồng. Còn phần đông bó chiếu đem chôn. Người ta lấy chiếu, lấy lạt bó người chết cho kín đáo, rồi quàng dây thừng vào hai đầu, xỏ đòn dài hai người khiêng. Dẫn đường có một bó đuốc, theo sau cũng một bó đuốc.
Lại thêm vài người vác thuổng, vác mai, cầm cả dao quắm và giáo mác đi theo. Có nhà cẩn thận, những người đi chôn đều lấy nhọ nồi bôi lên mặt. Bảo rằng để khi gặp quan ôn giữa đường, lũ hung thần ấy cũng không nhận được mặt, người ta muốn tránh bị ghi vào sổ tử của quan ôn. Ban đêm, những đám tang âm thầm với những bóng người ẩn hiện trong ánh đuốc lập lòe giữa cánh đồng bao la, trông thật ma quái.
Làng Cổ Đình đột nhiên bị tai họa giáng xuống như sấm như sét. Người dân khiếp hãi rồi như tê dại, cũng có thể nói, như mê man đi vì những cái chết của người thân đến quá đột ngột và quá nhanh. Có người buổi sáng còn đi lại được, đến tối đã lăn đùng ra chết. Nhiều gia đình có tới hai, ba người chết liên tiếp. Có những đứa trẻ, chỉ trong vòng vài hôm, đã mồ côi cả cha lẫn mẹ... Đau đớn quá, họ đổ hết tội vạ lên đầu họ Vũ Xuân. Họ cho rằng tất cả đều bắt đầu từ đám ma bà lý Cỏn. Nào là quan bán âm bán dương ư. Nào là ăn uống linh đình ư. Nào là dòi bọ ruồi nhặng ư. Nào là tử khí ngất trời ư... Cái họa bệnh thời khí sinh ra từ đấy chứ còn ở đâu. Thực ra, nạn dịch tả đã xảy ra từ trước. Khi bà cả Cỏn còn ốm, thì ở quanh vùng đã lác đác có người mắc dịch. Chỉ có điều khi ấy làng Cổ Đình chưa phát bệnh mà thôi. Nhưng, khi làm ma cho bà Lý, họ Vũ Xuân đã vật ba con trâu bò, làm cỗ linh đình, mời cả làng ăn. Ruồi ở ngoài đồng, chắc chắn có con đã từ làng khác kéo đến; chúng ùn ùn bay tới chỗ giết trâu. Số ruồi tới hàng triệu con. Người Cổ Đình còn nhớ, ở bãi giết trâu, tiết chảy lênh láng mặt đất, ruồi bu kín đen cả một khoảng bãi rộng như sân đình. Chỉ cần huơ tay một cái, đám ruồi nhặng lập tức vo vo bay lên như đám mây. Kẻ nào không cẩn thận, há miệng ra nói lúc ấy, lập tức ruồi bay cả vào mồm: Chắc chắn bữa cỗ mời cả làng ngày ấy đã góp phần làm lây lan bệnh dịch. Và Cổ Đình là làng bị chết nhiều người nhất trong trận đại dịch đó.
Trận đại dịch xảy ra làm cho làng Cổ Đình hầu như tê liệt, tan rã. Lý Cỏn bị ốm nặng. Các chức dịch trong làng đều cố thủ tại gia, người nào cũng chỉ lo lắng cho sự an toàn riêng của gia đình mình. Vì thế làng Đình như rắn mất đầu. Người dân lành thì khiếp hãi ngơ ngác. Có thể nói, tất cả mọi người đều hai tay buông xuôi, phó thác cho số phận. Tuấn tuy là họa sĩ, nhưng có chút kiến thức nhờ sống ở thành thị và chăm đọc sách. Anh bảo cụ đồ Tiết:
- Bệnh này chủ yếu do ăn uống mà ra. Phải hoàn toàn uống nước sôi, ăn đồ chín mới tránh được.
Tuấn liền giảng giải cho từng người trong nhà, và bắt buộc mọi người phải tuân theo nề nếp vệ sinh nghiêm ngặt. Huy đi khỏi Cổ Đình biệt tăm mấy tháng. Một tuần lễ sau khi làng phát bệnh, Huy bỗng lại về làng. Anh đến gặp Tuấn:
- Cậu này gan thật. Còn ở lại vẽ nữa sao.
- Dạo này dịch bùng phát. Tớ không ra ngoài. Chỉ giam mình ở nhà vẽ lại những thứ đã ký họa trước đây. Tuy nhiên, có vẽ được đâu. Cậu tính, cả làng đang trong cơn nước sôi lửa bỏng. Bụng dạ nào mà vẽ nổi.
- Không vẽ nổi. Sao không quay về Hà Nội? Cậu không sợ ư?
- Thật bụng, mình rất sợ dịch tả. Sợ đến khiếp hãi. Song mình ở đây từ trước khi có dịch, có thể trong người mình đã ủ mầm bệnh rồi. Chẳng lẽ lúc này mình lại quay về gia đình. Nhỡ làm lây lan bệnh cho những người thân đang lành thì sao. Cậu biết đấy, mình đâu có là kẻ ích kỷ...
Huy nhìn người bạn thân bằng cái nhìn trìu mến. Anh hiểu sự trong trắng lương thiện của bạn mình. Chính vì vậy nên trước đây anh đã cố tuyên truyền cho bạn và kéo bạn cùng đi với mình trong chuyến lên Lạng Sơn. Chuyến ấy, Tuấn quay trở lại. Không có gì xảy ra, nhưng Huy cũng bị trên phê bình là vẫn mang tính tình cảm tiểu tư sản, đối tượng chưa chín muồi đã quá tin cậy. Sau chuyến ấy, Tuấn bảo Huy:
- Mình không có tư chất làm người cách mạng. Song, cậu cứ tin mình là người luôn ủng hộ việc cậu làm.
- Vì sao?
- Vì có bận cậu nói với mình: "Mục đích cuối cùng là tổ quốc độc lập, còn tất cả chỉ là phương tiện". Nếu mục đích cuối cùng là như thế, thì dù thế nào mình cũng ủng hộ cậu.
Thấy Huy cứ nhìn mình chằm chằm và mỉm cười Tuấn hỏi lại:
- Thế còn cậu? Tại sao cậu đang ở nơi yên lành lại đột ngột quay trở về làng là nơi có dịch.
- Thì cũng giống cậu thôi. Mấy tháng vừa rồi, mình vẫn đi đi về về trong làng. Chắc mình cũng bị ủ mầm bệnh như cậu. Mà mình thì cũng không ích kỷ chẳng khác gì cậu nên mới quay trở về.
Hai người bạn bắt tay nhau và cười to. Cười xong, Tuấn nói nhỏ với Huy:
- Cậu tưởng mình ngốc lắm sao. Cậu coi thường mình quá. Mình hiểu cậu muốn làm gì lúc này... - Huy cười ranh mãnh - Cậu là con người hành động. Vậy thì, trong lúc xóm làng gặp hoạn nạn, cậu sẽ phải hành động giúp mọi người... Như thế người dân mới tin cậu.
- Cậu tinh quái thật. Huy đặt tay lên vai Tuấn. Tuấn bảo:
- Mình là kẻ tự do... không chịu bó buộc. Mình không thể giống như cậu được. Duy có một điều chắc chắn, dù thế nào chăng nữa, mình vẫn là bạn cậu, luôn ở bên cậu.
Hai người không nói gì thêm. Và Huy đã lặng lẽ vạch ra một chương trình. Lúc trước, Huy đã thành lập tổ tương tế, nhưng hoạt động vẫn chưa có gì, chủ yếu vẫn chỉ là giúp nhau học đọc học viết. Thực ra, khi trước, mới chỉ là những ý đồ phác ra sơ sài chứ chưa có tổ chức. Lúc này Huy muốn nhân cơ hội tạo ra một tổ chức thực sự để đưa dân làng hành động dần đần từ thấp lên cao.
Huy đem việc này ra bàn với cụ tú Cao. Ông bác bảo:
- Tổ viên tương tế thì có rồi. Đám học chữ quốc ngữi phần lớn là cánh thanh niên, họ chắc chắn sẽ hăng hái tham gia. Chỉ có thiếu người đứng đầu. Anh lý Cỏn lại đang ốm. Đúng là làng ta trong lúc khó khăn lại như rắn không đầu. Tôi nghĩ đến bác Trịnh Huyền nhà cụ đồ Tiết, anh tính sao?
Hai bác cháu bàn bạc với nhau một hồi rồi, quyết định đến nhà cụ Đồ gặp Trịnh Huyền.
Cụ Đồ và Trịnh Huyền ra tiếp khách, cụ Tú nói:
- Trên có cụ Đồ, dưới có bác Huyền, tôi muốn thưa chuyện với cụ và bác như sau. Hiện nay, làng Đình ta đang gặp tai nạn. Mà lại như rắn không đầu. Anh Lý nhà tôi thì ốm. Ông hương Ất thì chúi vào cái bàn đèn. Ông tiên chỉ Nhậm thì nghe nói đã chạy ra Hà Nội với con cháu từ nửa tháng nay. Ông chánh Thi thì chức tước to quá không phải là người quen làm những việc nhỏ nhặt... Chẳng mong gì ở cánh chức dịch... Tôi nghĩ dân phải tự cứu lấy nhau thôi...
Câu chuyện của cụ Tú làm cụ Đồ và Trịnh Huyền chú ý. Khi ấy, Huy mới lên tiếng:
- Dân tự cứu mình bằng cách nào? Thực ra, khi trước, ta đã lập tổ tương tế. Tổ tương tế khi thường gliúp nhau học chữ, nhưng những lúc như bây giờ, có thể giúp nhau làm những việc thiết thân hơn. Ví dụ chỉ bảo cho nhau giữ vệ sinh phòng tránh bệnh, chôn cất người chết, giúp nhà nghèo khó. (Chúng ta biết, nhà nghèo lúc này càng đói hơn, vì có ai thuê làm mướn mà làm. Và đói quá đâm ăn bừa bãi. Càng ăn bừa bãi càng dễ chết). Vậy tổ tương tế chúng ta lúc này cần phải ra tay. Hiềm một nỗi, tổ tương tế đến bây giờ vẫn chưa có người đứng đầu.
Cụ Đồ đến đây mới hiểu ý định của cụ Tú và Huy. Ông già vuốt râu, nhìn Trịnh Huyền rồi hỏi:
- Có phải cụ và anh Huy có ý bảo giá đình tôi...
- Thưa cụ, đúng vậy...
Ông đồ khẳng khái:
- Tổ tương tế... Ai ốm thì giúp thuốc... Ai đói thì cho gạo... Ai chết thì chôn cất... lá lành đùm lá rách... Việc nghĩa ấy ai lại từ nan... Tôi muốn cùng gánh vai với cụ với anh lắm... Khốn nỗi... từ một tháng nay... hai chân tôi hầu như không bước nổi nữa...
Cụ Tú lúc bấy giờ mới đỡ lời:
- Cụ ốm thế mà tôi không hay. Tôi là kẻ vô tâm... Thực ra, cháu Huy muốn mời bác Huyền ra gánh vác tổ tương tế. Bác Huyện là người chín chắn, từng trải. Cháu Huy bảo với tôi rằng có bác Huyền đứng ra thì nó yên tâm vô cùng.
Ông cụ Đồ nhìn Trịnh Huyền. Từ đầu đến giờ, ông Trịnh ngồi im lặng không nói một lời. Khuôn mặt nửa quái gở nửa hiền từ của ông không để lộ ra một chút tình cảm nào.
Trong khi đó, Huy cố hết sức giải thích, thuyết phục Trịnh Huyền.
- Vả lại, chúng tôi đã cân nhắc kỹ, bác Huyền đừng lo.
Huy lại hé ra một lời rất lạ:
- Hơn nữa, chúng tôi rất hiểu bác hơn là bác tưởng. Bác cứ nhận đi. Đây không phải chuyện chính trị. Đây chỉ là tương tế. Nghĩa là người dân giúp người dân.
Đến bây giờ, Trịnh Huyền mới lên tiếng:
- Chắc anh cũng rõ tôi chỉ là cháu đằng ngoại của cụ tôi. Người đến từ xứ Nam. Đối với dân làng, chẳng qua tôi vẫn chỉ là kẻ ngụ cư. Nếu tôi đứng ra, cũng không được danh chính ngôn thuận. Nói thực, đây là việc nghĩa, tôi không muốn từ nan. Anh Huy nghĩ kỹ lại đi. Tôi làm việc này không có lợi...
Huy chán nản vì sự từ chối của Trịnh. Trịnh Huyền nhìn thấy sự thất vọng của Huy, trầm ngâm một lúc lâu mới đưa ra ý kiến:
- Tôi xin thưa trình với cụ và cậu một cách khác có lẽ tất hơn... Theo tôi, chính cụ Tú đứng ra đảm nhận việc này là hay nhất. Huy phản ứng:
- Sao lại hay? Bác Tú tôi nay đã già rồi. Tôi nghĩ rằng đang cần là cần người trung niên. Vừa còn sức khỏe, lại vừa đứng đắn từng trải.
Đến lượt ông Trịnh Huyền lại tìm mọi cách thuyết phục Huy:
- Cậu chớ ngại. Cậu biết rằng trong làng xã, người già và có danh vị mới dễ được dân làng nghe theo. Cụ Tú là người đạo cao đức trọng, có uy tín trong xóm làng, cả quan Tây cũng phải vì nể. Được người như cụ đứng ra, chẳng ai bắt bẻ nổi mình... Vả lại, tôi xin làm quân xe quân pháo cho cụ. Anh đi vắng, tôi sẽ luôn ở bên cụ. Cụ sai bảo việc gì, tôi lập tức làm ngay. Như thế, thuận lợi đủ đường.
Huy dần dần đi đến chỗ ngạc nhiên. Lý lẽ của Trịnh Huyền thật sắc sảo, đúng đắn. Anh không thể ngờ rằng mình là người đi vận động, cuối cùng đã bị vận động trở lại. Mà sự vận động ngược chiều ấy lại vô cùng hợp lý không thể bắt bẻ nổi. Và thế là tổ "Nông phu tương tế" của làng Cổ Đình đã ra đời. Nó ra đời trong trận dịch tả ở làng Cổ Đình vào năm 1929.