Một Thế Giới Không Có Đàn Bà - Chương 03 - Part 02

Chương 3

Cha sầm sập bước ra khỏi nhà như một cơn giông bão, đi vụt qua tôi, bất chợt ông đứng sững lại, thẫn thờ nhìn tôi. Ông run run đưa tay vuốt mái tóc loe hoe vàng của tôi, hình như cha khóc. Và sau đó ông vội vã đi. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy cha tỏ tình thương với mình, và mấy năm sau đó cha không về quê thăm tôi và ông, chỉ gửi tiền về cho ông bà.
Gia đình ông tôi là 1 gia đình nho giáo nề nếp, với những tôn ti trật tự được bảo tồn từ nhiều năm mà ông là 1 cây cột vững chắc để con cháu bám vào leo lên. Nhà ông ở, là nhà thờ của cả họ và là nơi quây quần để con cháu tìm đến bày giải, xin ý kiến, cũng như quây quần bên nhau trong tình cảm cộng đồng, họ hàng xóm làng. Và nhà ông cũng là nơi hội họp của hợp tác xã. Đảng ủy và các ban ngành ở xã vì nó rộng, nhưng chủ yếu vì mọi người kính trọng ông. Họ đến bên ông để san sẻ với ông những ưu tư, khó khăn, cũng như thắng lợi của những năm sau kháng chiến chống Pháp và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thực tế, lớp cán bộ xã, huyện
sau này phần đông đều là con cháu ông, con cháu của họ Phạm...
Ông cao lớn, tướng đi thẳng người, đầu bao giờ cũng ngẩng cao và mắt nhìn thẳng.
Ông có giọng nói sang sảng, cử chỉ dứt khoát mạnh mẽ. Đời ông ghét nhất thói xu nịnh, luồn cúi. Sau vụ sai oan năm ấy, ông có ưu tư 1 thời gian rất dài nhưng rồi cũng nguôi ngoai theo thời gian. Trong họ, trong làng ông là tộc trưởng của họ Phạm, nên được tôn kính nhất, gần ông hình như ai cũng cảm nhận được hơi ấm tình thương của ông lan tỏa và mọi người rất trọng nể vì ông là người trọng lẽ phải và công bằng. Có lẽ người duy nhất được hưởng trọn vẹn tình thương của ông, được quyền sà vào lòng ông bất cứ lúc nào, là tôi. Hồi nhỏ chúng tôi, những đứa cháu của ông đã từng cãi nhau chí choé, thậm chí là đánh nhau vì đứa nào cũng muốn chứng minh là ông thương mình hơn, nhưng chúng nó đều phải công nhận một cách ghen tị là tôi được ông thương nhất.
Tôi lớn lên trong tình thương và sự bao dung của ông phủ xuống đời tôi đến tận bây giờ.
Ngoài giờ đi học ở trường về, ông còn thường tranh thủ dạy thêm cho tôi Tam Tự kinh, chữ lễ, nghĩa, nhân, dạy cho tôi viết chữ Nho. Minh Tâm bửu giám là cuốn sách gối đầu của tôi, từng chữ, từng nét ông vạch vệt phấn trắng và kiên nhẫn giải thích cho tôi hiểu từng nghĩa, từng ý, từng lời. Hình như ông đang cố truyền vào trong tâm hồn tôi, những suy nghĩ của ông. Có lúc cao hứng 2 ông cháu cùng ngâm nga 1 đoạn Kiều của Nguyễn Du. Có những vấn đề ông giảng giải cao siêu quá, tôi không hiểu, và trong khi ông ngồi giảng giải thì tôi đã chập chờn híp mắt gục đầu lên gối ông ngủ ngoa lành. Và ông vẫn cứ nói, nói cho chính ông nghe, còn tôi khi tỉnh thì đã thấy mình nằm trên giường.
Có lần chú tôi là phó bí thư huyện về thăm, nghe thấy đã càu nhàu " bây giờ người ta xem nó là phong kiến, bố dạy nó để làm gì ? ". Ông cười chẳng trả lời, đến ngày hôm nay tôi có 1 bề dày kiến thức về văn hóa phương Đông, tất cả bắt nguồn từ những kiến thức của ông dạy ngày đó. Và tôi biết ơn ông.
Tuy là con trai nhưng tôi là 1 đứa trẻ yếu ớt, đa cảm, ít nói, hay buồn và hay khóc 1 mình. Chỉ 1 câu của Nguyễn Du nói về Thúy Kiều cũng đã đủ làm cho tôi sụt sùi rơi nước mắt cả buổi, tôi cảm nhận được số phận của cuộc tình Thúy Kiều - Kim Trọng, tôi thích Từ Hải, tôi ghét Hồ Tôn Hiến... Ông thấy vậy thường thở dài xoa đầu tôi "đời con rồi sẽ khổ đấy, những ai quá đa cảm cũng không hay lắm đâu, con ạ!".
Tôi rất ít đi chơi với bọn trẻ trong làng vì thấy không hợp. Ngoài thời gian học, tôi thường tha thẩn 1 mình trong khu vườn rộng của nhà thờ họ Phạm, tư lự ngồi 1 mình ôm sách đọc, nghĩ vẩn vơ, nên ai cũng nói tôi là 1 ông "cụ non", có vẻ già trước tuổi.
Những trò chơi đánh khăng, chọi bi, thả diều, chăn trâu, bơi sông... hoàn toàn xa lạ với tôi và tôi cũng không thích. Mặc dù ông bà, các cô, các chú không cấm, nhưng tôi rất ít đi chơi với bọn trẻ trong làng. Tôi không thích những đứa trẻ lấm lem, tanh tưởi, có lẽ người duy nhất để lại những dấu ấn sâu đậm nhất trong những năm tháng tuổi thơ của tôi, đó là Hải.
Gia đình Hải rất nghèo và đông con. Đến cả chục đứa trẻ lau nhau, sàn sạt như nhau. Hồi ấy chưa có sinh đẻ có kế hoạch như bây giờ, bố Hải thường cười hơ hơ khi ai hỏi về đàn con đông đúc của mình " Đẻ nhiều để lấy quân đi đánh Mỹ ". Họ tất cả sống chen chúc trong mái tranh nghèo kế bên vườn nhà tôi, và suốt ngày tôi nghe thấy gia đình ấy đánh chửi nhau không ngớt. Ông chồng thì quần quật ngoài đồng cả ngày, còn bà vợ thì trời chưa rạng đã lật đật bật chạy chợ. Xã xếp gia đình Hải vào diện văn hóa kém, chậm tiến, tiểu thương. Khi cán bộ xã đến thông báo, mẹ Hải bĩu môi dài giọng " ôi dào, tôi cần gì cái văn hóa tốt của các anh, có nuôi nổi đàn con tôi không ? ", anh cán bộ tảng lờ không trả lời. Đến giờ tôi cũng không nhớ Hải là con thứ mấy trong gia đình, nhưng chỉ biết nó là 1 thằng bé đen nhẻm, cưo8`i chỉ thấy 2 hàm răng trắng bóng, người lúc nào cũng khét mùi rơm rạ. Nó học với tôi từ cấp I, nhưng mới vào cấp II thì nhanh chóng bỏ học vì phải chăn trâu, làm ruộng và nhiều công việc khác của 1 thằng bé nhà nông nghèo.
Vào những vụ giáp hạt, làng thường bị đói, và những gia đình đông đúc như nhà Hải là nạn nhân đầu tiên.
Hôm ấy, tôi đang ngồi lơ đãng nhìn con vành khuyên hót, uể oải ăn mấy củ khoai lang mật trong rổ mà bà để dành, thì nghe thấy loạt soạt, giật mình nhìn thấy mấy đứa trẻ bên nhà đã vạch hàng rào nhìn sang rổ khoai của tôi 1 cách thèm thuồng. Tôi biết, đấy là những đứa em của Hải, chúng nó đói, những ngày này thỉnh thoảng bà tôi thường thường hay xúc ít thóc đem sang cho. Một đứa thập thò bò tới nhìn tôi, nó ấp úng nói " em đói ", tôi im lặng đẩy rổ khoai lại và chúng nó vồ lấy, tranh dành nhau. Bất ngờ Hải xuất hiện, nó đỏ bừng mặt nhìn tôi và túm lấy tóc 1 đứa đấm túi bụi " Ai cho chúng mày làm vậy ? " Vẻ mặt giận dữ của nó đến bây giờ tôi vẫn nhớ, nó ngượng. Thằng bé em nó chẳng buồn kêu khóc mà vẫn ngấu nghiến ăn, Hải bỏ em xuống bất lực nhìn tôi. Chúng tôi biết nhau vì học cùng trường, lớp, nhưng không chơi với nhau. Tuy là hàng xóm, sáng sớm và chiều tà nó vẫn thường giong trâu qua nhà, nhưng tôi cũng chưa bao giờ nói chuyện với Hải, còn nó thì hình như ngại. Nhìn Hải đứng im, tôi chợt nhận ra nó cũng đang đói vì cứ nuốt nước bọt ừng ực nhìn lũ em ăn khoai và cố dấu không cho tôi thấy. Tôi bỏ vào nhà bê ra nguyên cả nồi khoai của bà nội để trong bếp ra, lũ trẻ reo lên sung sướng, tôi cầm 1 củ đưa cho nó, Hải ngập ngừng và cuối cùng cầm lấy ăn vội vàng. Tiếng động làm bà tôi lò dò đi ra, nhìn cảnh tượng ấy bà chép miệng lắc đầu.
Từ đấy tôi và Hải quen nhau. Thế giới tuổi thơ của Hải thật sinh động, hấp dẫn. Mặc dù mang tiếng ở quê, nhưng tôi biết rất ít các sinh hoạt nhà nông. Tôi sống yên ấm trong sự bao bọc của ông bà và các cô chú, chưa hề phải lo lắng và làm bất cứ việc gì, mà giả như có làm ông bà cũng không cho, việc duy nhất phải làm là học. Ngày ngày tôi chỉ biết ngồi sau lưng chú trên chiếc xe đạp đi đến trường học và sau đó tự đi bộ 1 mạch về trên con đường làng quen thuộc, không la cà ghé bất cứ nơi nào. Cả họ đều gọi tôi là cậu Tú. Do vậy, thôn quê đối với tôi gần như cũng xa. Qua Hải tôi mới biết được cái thú chăn trâu, thả diều và lò dò theo nó đi chơi. Lũ trẻ trong làng không thích tôi và cho tôi là đồ công tử, chúng xa lánh tôi và khi thấy tôi đến là cô lập, chọc ghẹo tôi, tôi tủi thân và khóc. Hải, thằng bạn nghèo của tôi đã bảo vệ tôi, nó đánh nhau quyết liệt với bọn trẻ, sau đó chúng tôi thường bỏ đi chơi riêng với nhau. Gần bên Hải tôi luôn có 1 cảm giác bình an vì được che chở.
Tôi bắt đầu biết thế nào cảm giác được nằm ấm áp trên lưng trâu và ngửi cái mùi khai khái khai nồng, ngửa cổ nhìn cánh diều bay trong tiếng sáo vi vu. Nhấm nháp những cọng rơm khen khét, biết đến thú lội ruộng. Vào mùa, tôi đi theo Hải và biết thế nào là sự hồi hộp, sợ hãi đứng trên bờ ruộng để canh chừng cho nó bò sang ruộng của Hợp tác xã để đào trộm khoai. Củ khoai sống 2 đứa tranh nhau ăn ngon đến nấc nghẹn. Tôi sợ lắm, sợ là nếu có ai bắt gặp về báo cho ông thì chết, thương thì thương nhưng tôi biết ông không bao giờ tha thứ cho 1 thằng cháu ăn trộm, dù chỉ 1 củ khoai. Nhưng tại Hải năn nỉ quá, chưa kể chỉ nghe nó diễn tả cái thú ăn khoai sống mới đào lên ngon như thế nào là tôi đã nuốt nước bọt ừng ực, và quả nhiên nó nói không sai. Và trái ngô non bẻ trộm, ăn có mùi sữa ngầy ngậy mà ngày nay dù đến khắp 4 phương trời tôi cũng không thể tìm được cảm giác ấy.
Có lần tôi lò dò đang lội ruộng theo Hải thì thấy nhợt nhạt bên chân, 1 con đỉa trâu to tướng bám vào lưng ống quyển chân. Tôi thét lên sợ hãi, đỉa là nỗi ám ảnh của tôi, thế nhưng Hải lại cười khanh khách chọc ghẹo, không chịu bắt con đỉa cho tôi. Tôi cuống quýt vung vẩy và quá sợ hãi, tôi ngất đi. Khi tỉnh tôi thấy những giọt nước mắt nóng bỏng của Hải rơi trên má, 1 cảnh tượng suốt đời tôi không quên. Hải tưởng tôi chết và khi thấy tôi tỉnh, nó phát rồ lên vì sung sướng và tụt quần quấn phất phơ trên đầu nhảy lò cò xung quanh tôi.
Tình bạn ngây thơ của tôi là thế.
Tôi cứ sống vậy cho đến khi lên cấp III thì được bố mẹ đón ra Hà nội ở.
Mọi việc bắt đầu từ việc tôi học rất giỏi và đã từng được cử tham gia vào đội chuyên toán của huyện và tỉnh. Ông rất lo lắng cho tương lai của tôi, theo ông với khả năng của tôi thì Hà nội mới là nơi tôi có thể tiếp tục học lên cao nữa. Và ông cho chú tôi lên Hà nội mời bố tôi về. Hai cha con có 1 buổi nói chuyện căng thẳng, rồi bố đi và không nói gì với tôi. Chiều hôm đó ông bảo bà giết con gà trống thiến làm bữa cơm cúng tổ tiên, trong khi ăn đột nhiên tôi nghe ông thông báo tôi sẽ về Hà nội ở với bố mẹ, tôi òa khóc tức tưởi " không cháu không muốn đi đâu hết, cháu muốn ở với ông ". Nghe tôi khóc và nói, bà nội tôi cũng quẹt nước mắt nhưng không dám khóc vì sợ ông. Ông dỗ dành " cháu dại lắm, về với bố mẹ được ăn học đàng hoàng, có tương lai, ở mãi chốn quê mùa này làm gì. Thành tài rồi lại về với ông ". Miếng thịt gà trong miệng tôi nhạt thếch, tôi bỏ ăn vào trong buồng sụt sùi. Tuy nhiên tất cả không lay được quyết định của ông, sáng mai xe của cơ quan bố sẽ về đón tôi đi Hà nội.
Ngày ra đi, tôi đã khóc hết nước mắt dù đã là thằng con trai đang lớn sổ giọng.Tôi không thấy Hải tiễn, em nó cho biết tối qua Hải ngủ ngoài đồng không về nên không biết, đến khi ra xe, thấy nó hớt hãi chạy từ ngoài đồng về và dúi vào tay tôi món quà đồng quê của nó, 1 con châu chấu được đan bằng rơm. Nó thẩn thờ nhìn tôi đôi mắt buồn rười rượi, biết bao giờ mới được gặp lại nhau, chúng tôi hứa sẽ viết thư. Xe chạy nhanh, hình bóng của ông bà, cô chú và thằng bạn nghèo lùi dần xa tít tắt. Tôi lại muốn khóc và nghe tiếng cười của chú tài xế lái xe cơ quan bố "con trai gì mít ướt thế".
Ôi những kỷ niệm ấu thơ cháy bỏng trong tâm hồn tôi đến tận bây giờ. Tôi nghĩ lại với bao luyến tiếc, thèm thuồng và mong được sống lại dù chỉ 1 ngày.
Hà Nội, đối với tôi là những tháng ngày thật là buồn bã. Tôi có 2 đứa em trai lạnh nhạt và 1 bà mẹ kế thù ghét mình ra mặt, 1 ông bố làm lớn suốt ngày cắm cúi vào công việc họp hành của mình. Tôi nhận thấy từ ngày có mình, bầu không khí gia đình bố mẹ lúc nào cũng căng thẳng. Mẹ kế và 2 thằng em thường tìm cớ trút lên đầu tôi những nổi giận vu vơ, hành hạ tôi nếu có thể được. Là 1 thằng bé nhà quê lần đầu tiên sống tại thành phố và lại tronh 1 gia đình quyền quí, tôi run rẩy suốt ngày và họ không ngớt chế diễu tôi. Không hiểu bố có biết nổi khổ của tôi không, hay ông biết mà tảng lờ. Phải chăng tôi chính là gánh nặng của đời ông mà ông muốn trút bỏ nhưng không được, nhiều lúc tôi tự hỏi chính mình như vậy.
Mẹ kế hay mẹ, tôi chẳng biết nên gọi bà như thế nào cho đúng. Đứng trước mặt bà tôi luôn phải vòng tay lễ phép thưa bà là mẹ và tôi thực lòng mong muốn có 1 tiếng gọi mẹ khát khao đến cháy lòng, nhưng không có, tôi cũng không bao giờ dám gọi bà bằng dì ghẻ, đơn giản bà sẽ giết tôi ngay vì cho rằng bị xúc phạm.
Đến ngày hôm nay viết những dòng chữ này, tôi lại nhớ đến bà bằng tấm lòng bao dung, thanh thản. Thôi thì mọi chuyện đã qua rồi, thế nhưng mỗi khi nhớ đến bà, bà vẫn luôn tạo cho tôi những ám ảnh ghê người. Là con gái út vị thủ trưởng của bố tôi, bà lấy bố tôi như 1 sự nhún nhường hạ mình, bởi 1 tiểu thư Hà Nội khuê các, lá ngọc cành vàng, con 1 ông lớn như mẹ mà chấp nhận lấy 1 anh bộ đội nghèo, lại quê mùa thì không phải gia ơn thì là gì ? Có lần buột miệng cao hứng bà nói với tôi như vậy. Nhìn bà, tôi luôn có cảm giác mẹ như 1 kịch sĩ vĩ đại vì lúc nào bà cũng như đang sống trên sân khấu. Tôi tự hỏi tại sao bà không là 1 nghệ sĩ kịch, hay cả cuộc đời bà đã là 1 vở kịch lớn rồi.
Mẹ kế có giọng nói lanh lảnh, cao vút. Thỉnh thoảng bà bực bội điều gì đó, thì giọng bà lại rít lên mà cho đến bây giờ mỗi khi tôi nghe tiếng 2 thanh sắt cạ vào nhau là lại rùng mình nhớ đến tiếng nói của bà. Mắt bà sáng long lanh, với hàng mi đen thẳm có đuôi sắc lẻm. Mỗi lần bà nhìn tôi, ánh mắt bà như muốn lột trần truồng tôi ra 1 cách không thương tiếc, gại gại như lưỡi dao bén xẻ tôi từng thành lát mỏng. Bà ngắm nghía quan sát tôi như 1 nhà bác học đang quan sát 1 con sâu, vừa thích thú, vừa ghê tởm. Đôi mắt bà long như mắt phượng, đấy cũng là đôi mắt quý, hiếm người nào có được như mẹ.
Mẹ kế luôn tạo cho tôi thấy bà là 1 con người bí hiểm, mang đến cho tôi 1 sự ám ảnh sợ hãi trong suốt những năm tháng sống cùng bà. Từ hình ảnh của bà làm cho tôi suy luận ra tất cả những người đàn bà khác đều như vậy, họ cũng có 1 cái gì như mẹ kế, sâu thăm thẳm, đen tối, đầy nghi ngại. Va từ đa6'y, mỗi khi nghĩ đến đàn bà là tôi nghĩ đến mẹ và cảm thấy sợ hãi. Phải chăng chứng sợ đàn bà của tôi bắt đầu từ mẹ kế ?
Tôi cô đơn, không thấy cô đơn thêm. Trong căn buồng nhỏ trên gác hai, tôi rút sâu vào trong đó như cố thủ cho riêng mình. Sống âm thầm né tránh mọi người, làm tất cả những việc gì mẹ giao cho còn lại là lao đầu vào học, học và tôi học rất giỏi. Hình như đấy là niềm hãnh diện riêng của bố, nhưng ông không lộ ra mặt, nhìn ánh mắt của ông tôi hiểu. Và nhìn ánh mắt mẹ tôi cũng hiểu bà ta căm ghét tôi dường nào về chuyện này, trong khi 2 thằng con trai ngu dốt của bà thì suốt ngày chỉ biết lêu lỏng, bài bạc và dựa vào uy thế của cha và ông ngoại để dọa dẫm mọi người.
Tôi thi Đại học thừa điểm để được đi nước ngoài. Tôi được đi học ở Đức theo 1 học bổng vào những năm cuối thập niên 70, sau chiến thắng 30/4/75.
Tôi ra sân bay 1 mình trong 1 chiều đông mưa phùn Hà Nội lạnh lẽo. Không ai đưa tiễn vì mẹ lấy cớ mệt, 2 đứa em tôi đã biến đi chơi từ sáng. Nhìn những bậc cha mẹ khác tíu tít bên con, tôi thấy tủi thân, cay cay nơi khóe mắt và lúc đấy có 1 bàn tay bóp nhẹ vào vai, tôi giật mình. Bố, vâng giờ phút cuối bố đột nhiên xuất hiện. Nhìn tôi chăm chú bố nói nhẹ nhàng " hãy cố gắng học hành con nhé " một lời động viên chờ đợi của bố làm tôi bàng hoàng hạnh phúc, tôi muốn nói nhưng chưa kịp thì bố đã nói tiếp " làm đàn ông phải cứng rắn lên " rồi sau đó bố bỏ đi nga, hình như ông cũng xúc động và cố kìm nén. Nhìn bố đi vội vã, nhanh chóng chìm vào biển người, tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng.
Có tiếng loa thông báo chuyến bay và tôi ùa vào dòng người. Khi quay lại nhìn lần cuối tôi ngẩn ngơ khi thấy bố, té ra ông vẫn chưa về và đang đứng từ phía xa đăm đăm nhìn tôi. Tôi ngập ngừng giơ tay chào bố và thấy ông mỉm cười chào.
Bố ơi đến tận bây giờ con vẫn còn nhớ tới nụ cười ấy.
(xin chú thích thêm: những đoạn kể về thời quá khứ của nhân vật tôi trong truyện là của Thạc sĩ Bàng, nạn nhân đã chết từ chương 1 của truyện)