Chiến hữu - Chương 24.1

Chương 24

ó là một đêm tháng Giêng lạnh, ba tuần sau, và tôi đang ngồi trong quán International chơi xì dách với ông chủ. Quán vắng teo, các cô gái điếm chưa đến. Thành phố đang có biến động. Cứ vài phút một đám người lại kéo ngang, một số đi theo nhạc quân hành ầm ỷ, một số theo bài Quốc tế Ca, rồi những đám rước, lặng lẻ, với biểu chương dẫn đầu, đòi hỏi việc làm và bánh mì. Tiếng chân trên đường như tiếng tíc tắc không ngừng của một cái đồng hồ khổng lồ. Hồi chiều, có một cuộc xô xát giữa những người biểu tình và cảnh sát; mười hai người bị thương, và lực lượng cảnh sát vẫn còn đóng giữ. Tiếng còi xe cứu thương hụ điếc tai khắp các nẽo phố phường.
"Bất ổn," ông chủ nói, xòe mười sáu nút. "Từ chiến tranh đến giờ, chẳng khi nào được yên. Mà mọi người nào có mong muốn gì hơn là sự yên bình. Thế giới điên rồ."
Tôi trình ra mười bảy nút và lùa tiền vào.
"Thế giới không điên," tôi nói. "Mà con người trong đó."
Alois, đứng sau ông chủ, lắc lư tới lui trên những đầu ngón chân, xen vào: "Họ có điên khùng đâu, chỉ tham lam mà thôi. Người này căm hận người kia. Và bởi vì có nhiều thứ quá, cho nên hầu như không ai có gì. Chỉ là vấn đề phân phối."
"Đúng," tôi nói và thiệp bài. "Nhưng chuyện rắc rối ấy đã xảy ra cả ngàn năm nay."
Ông chủ lật ngửa bài của mình. Ông được mươì lăm nút và nhìn tôi, nghi ngờ. Rồi ông rút thêm một lá, con ách, và hoắc. Tôi mở bài của mình. Chỉ mười hai nút, lẽ ra ông đã thắng với mười lăm nút của ông.
"Con bà nó, tôi nghĩ chơi đây," ông chửi thề, "bài nhỏ xíu mà dằn. Tôi tưởng cậu ít nhất phải mười tám."
"Có ai đến kìa," Alois nói.
Cửa mở. Đấy là Koster. "Có gì lạ không, Otto?"
Anh gật đầu. "Đánh nhau ở các phòng trọ Borussia. Hai người bị thương nặng, vài tá bị thương nhẹ và khoảng một trăm người bị bắt. Hai vụ đọ súng ở hướng bắc. Một cảnh sát chết. Không rõ bao nhiêu thường dân bị thương. Nhưng ăn thua gì, phải đợi đến khi các cuộc họp quần chúng kết thúc thì mới rõ. Cậu sắp về chưa?"
"Vâng," tôi nói. "Tụi này sắp đóng cửa."
"Vậy đi theo tớ."
Tôi nhìn ông chủ. Ông gật đầu. "Thế thì, gặp ông sau," tôi nói.
"Gặp cậu sau," ông chủ nói, rộng lượng. "Cẩn thận nhé."
Chúng tôi đi. Bên ngoài, không khí như có mùi tuyết. Các biểu ngữ la liệt phơi trên đất, như những xác bướm, to và trắng.
"Gottfried biến đâu mất," Koster nói. "Tham dự một trong những cuộc họp quần chúng. Tớ nghe nói chúng sẽ bị càn quét, và thử nghĩ xem, chuyện gì sẻ xảy ra. Tốt nhất ta nên túm cổ cậu ấy về, trước khi cuộc họp chấm dứt. Cậu ấy chẳng phải là người lanh lợi nhất thế gian."
"Thế cậu biết anh ấy ở đâu không?" tôi hỏi.
"Không chính xác. Nhưng chắc chắn là một trong ba cuộc họp ấy. Ta phải đi tìm. Dễ nhận ra Gottfried vì chỏm tóc vàng của cậu ấy."
"Tốt." Chúng tôi lên xe và lái đến chỗ có cuộc họp thứ nhất.
Một xe tải đầy cảnh sát đậu trên đường. Quai nón sắt kéo trễ. Nòng carbines loang loáng ánh đèn đường. Những biểu ngữ màu mè giăng ngang cửa sổ. Một số người mặc đồng phục, chen chúc nơi cửa. Hầu hết đều còn trẻ.
Chúng tôi mua vé vào, từ chối không lấy truyền đơn, hộp thu tiền cùng thẻ hội viên, rồi đi vào phòng họp. Phòng đông người và sáng, dễ nhận diện những ai chống đối. Chúng tôi lưu lại gần cửa và Koster lướt ánh mắt tình tường qua các hàng ghế.
Một người vạm vở, khỏe mạnh đang diễn thuyết trên bục. Giọng nói trầm hùng từ lồng ngực của hắn vang tận góc phòng xa nhất. Đó là một giọng nói rất thuyết phục dù người nghe không hiểu chi. Hắn bước lòng vòng trên sân khấu, thoải mái, tay không vung vẩy nhiều, thỉnh thoảng lại nhấp một ngụm nước và nói đùa. Nhưng thình lình hắn đứng lại, quay về phía khán giả, giọng nói của hắn chợt thay đổi, lanh lảnh, từng tràng về những sự thật mà ai cũng biết, sự khốn khổ, đói khát, thất nghiệp; giọng nói càng lúc càng lớn, cuốn hút người nghe cho đến khúc furioso dồn dập, hắn hung hăng thét "Không thể để chuyện này tiếp diễn! Cần phải thay đổi!"
Khán giả bùng lên tán thưởng, vỗ tay và reo hò, như thể hắn đã biến đổi được tất cả. Trên kia, hắn ngừng lại chờ. Mặt hắn sáng bừng. Rồi những lời hứa hẹn, - chung chung, rất lôi cuốn, rất hấp dẫn --theo nhau; nhiều như trời mưa; một thiên đàng được xây cất trên đầu cử tọa; những mái vòm sơn phết lộng lẫy -- một cuộc xổ số mà trong đó những người thua cuộc là kẻ thắng lợi, mỗi người đều tìm dược hạnh phúc riêng tư; quyền hạn và sự phục hận riêng biệt.
Tôi nhìn cử toạ. Đủ hạng người --thư ký, tiểu thương, công chức, một ít công nhân và rất nhiều phụ nữ. Họ ngồi đó trong phòng họp nóng bức, ngã ra sau hay chồm tới trước, dãy này đến dãy kia, mặt kề mặt, con suối ngôn từ tuôn từ trên cao xuống người họ, và thật kỳ -- họ khác biệt nhau là thế, mà gương mặt họ lại có cùng một nét lơ đãng, sự ao ước ngái ngủ về một chốn xa xôi Fata Morgana mù sương nào đó; có sự trống lốc trong đó, và cùng một lúc, lòng mong mỏi háo hức đã xóa nhòa tất cả -- chỉ trích, nghi ngờ, đối nghịch và chất vấn, rõ rệt, hiện tại, thực tế. Hắn ta, trên cao đó, biết hết -- hắn có giải đáp cho tất cả câu hỏi, giúp đỡ cho mọi nhu cầu. Thật dễ chịu nếu ta trông cậy hắn. Thật dễ chịu khi có người suy nghĩ hộ ta. Thật dễ chịu nếu ta tin tưởng.
Koster huých tôi một cái. Lenz không có ở đây. Anh hất càm ra cửa. Tôi gật đầu, và chúng tôi bỏ về. Người xoát vé đi theo chúng tôi, ánh mắt nghi kỵ và hiểm ác. Ở tiền sảnh, một ban nhạc sắp sửa đi vào phòng họp, theo sau họ là một rừng biểu ngữ và dấu hiệu.
"Tổ chức cừ thật." Koster khen, khi chúng tôi ra đến bên ngoài.
"Số dách. Với tư cách một cựu chuyên viên tuyên truyền, tớ dám đánh giá như vậy."
Chúng tôi lái xa thêm vài con đường nữa. Tới một chỗ, nơi có buổi họp chính trị thứ nhì. Biểu ngữ khác, đồng phục khác, phòng họp khác; nhưng những gì còn lại thì như nhau. Trên các gương mặt, cũng niềm hy vọng vu vơ và trống vắng, hoài nghi. Bàn dành cho chủ tọa phủ khăn trắng, đối diện với hàng ghế khán giả; ủy viên thư ký, chủ tọa đoàn và vài ba cô gái già ngồi tại bàn. Diễn giả, kiểu thư lại, diễn thuyết không hùng hồn bằng người trước. Hắn nói về một nước Đức lý thuyết, đưa ra những thống kê minh họa, và bằng chứng; tất cả những gì hắn nói đều có thật, nhưng hắn không thuyết phục bằng gã kia, người chẳng chứng minh gì hết mà chỉ nói suông suông. Những ủy viên thư ký ở bàn chủ tọa mệt mỏi, dật dừ, nhìn tới trước, họ đã dự hàng trăm cuộc họp như thế.
"Trời trời,"một lúc sau, Koster nói. "Cũng không thấy anh ấy. Dù sao tớ đã không hy vọng gì cho lắm."
Chúng tôi tiếp tục lái đi. Không khí lạnh và thoáng, so với phòng họp ngột ngạt. Xe lướt bon bon. Chúng tôi chạy dọc theo một con kênh. Đèn đường hắt một thứ ánh sáng vàng đục, như vết dầu, trên mặt nước đen đang vỗ đều vào ghềnh xi măng. Một chiếc xà lan đen, chậm chạp trôi qua. Đèn báo hiệu của con thuyền lai dắt phát những tia đỏ và lục. Một con chó sủa bâng quơ, rồi một người đàn ông bước qua, che mất ánh đèn và biến vào một vuông cửa, lóe vàng trong giây lát. Ở bờ xa, nhà của khu West End trải dài, sáng rực. Cây cầu vòng cung bắt từ bờ nơi ấy sang bờ bên kia. Xe hơi, xe buýt và tàu điện xuôi ngược không ngừng trên đó. Nó như một con rắn màu, bóng loáng, vắt ngang dòng nước đen lờ đờ chảy.
"Tớ nghĩ mình nên để xe lại và đi bộ," một lúc sau Koster nói. "Như vậy đỡ lộ liểu."
Chúng tôi đậu Karl dưới ngọn đèn đường trước một quán rượu. Một con mèo trắng nhẹ nhàng phóng đi, khi chúng tôi xuống xe. Tới một chủt, vài cô gái điếm mang tạp dề đứng dưới một cổng vòm, ngừng bặt khi chúng tôi bước qua. Dựa góc nhà, một người quay đàn hộp đang ngủ vùi. Một bà lục lọi đống rác bên vệ đường.
Chúng tôi đi đến một khu chung cư to lớn, nhớp nháp với nhiều dẫy nhà khuất phía sau, nhiều sân trong và hẻm hóc. Tầng trệt là những cửa hàng, một tiệm bánh, một kho quần áo cũ và đồng nát. Hai xe tải với cảnh sát đậu trên đường, ngõ hẻm đầu.
Trong góc sân thứ nhất, có một quầy ghép bằng ván mỏng, trên đó treo nhiều biểu đồ tinh tú. Trước bàn giấy là một người quấn khăn xếp kiểu thổ nhĩ kỳ đứng trên bục nhỏ. Trên đầu hắn là tấm biển ghi: Khoa Chiêm Tinh, Xem Chỉ Tay, Tiên Tri -- Lấy Số Tử Vi Giá Mười Pfennige. Một đám đông bu quanh. Ánh sáng khắc nghiệt của ngọn đèn khí đá rọi xuống gương mặt vàng ệch, nhăn nheo của hắn. Hắn nói với khán giả đang im phăng phắc ngước nhìn -- vẫn cái nhìn thất thần, lơ láo, hy vọng vào phép lạ, hệt như những cái nhìn của cử tọa ở những cuộc họp chính trị quần chúng với biểu ngữ và bích chương.
"Otto," tôi nói với Koster, đi phía trước. "Bây giờ tớ biết mấy người đó muốn gì. Họ không muốn chính chị chính em gì cả. Họ muốn một thứ tôn giáo thay thế ."
Anh nhìn quanh. "Hẳn thế. Họ muốn tin vào một điều gì đó -- mà cái ấy là gì, không thành vấn đề. Cho nên, dĩ nhiên, họ lại cũng cuồng tín."
Chúng tôi đi vào sân thứ nhì, gần nơi có cuộc họp. Mọi cửa sổ đều sáng đèn. Chợt chúng tôi nghe tiếng huyên náo bên trong. Cùng một lúc, như tuân theo một dấu hiệu đã thỏa thuận, nhiều thanh niên mặc áo gió từ một cửa tối bên cạnh sân túa ra, băng qua sân, men theo bờ tường bên dưới hàng cửa sổ, đến cửa ra vào phòng họp. Người dẫn đầu đẩy cửa và cả bọn tràn vào.
"Đặc công," Koster nói. "Nép vào tường tiến tới, núp sau những thùng bia."
Có tiếng la hét rần rộ trong phòng họp. Chỉ một giây sau, cửa sổ vỡ vụn và một thân người bay qua. Cửa trước lập tức mở toang, một đám đông ùa ra, những người đi trước sụp té và bị người còn lại ngã chồng lên. Một phụ nữ thất thanh kêu cứu, và chạy ra, qua lối cổng vòm. Đám đông thứ nhì tràn theo, với chân ghế và ly bia, một cơn cuồng nộ không lối thoát. Một gã thợ mộc cao to nhảy ra, đứng gần bìa; mỗi khi thấy đầu của một người thuộc phe đối nghịch, cánh tay dài ngoẳng của hắn lại vung lên, đấm người ấy té trở vào trong. Hắn đánh người một cách bình thản như là bổ củi.
Một đám đông khác lại nhào ra và bỗng nhiên, chưa đầy một mét trước mắt chúng tôi, mái tóc vàng ươm như rạ của Gottfried bị ghì chặt trong tay của một người đã già.
Koster nhảy tới, biến mất trong đống người ấy. Vài giây sau tên gìà ấy buông Gottfried ra, rồi với vẻ kinh ngạc, đôi tay vươn lên chới với và như một thân cây trốc gốc, hắn bật ngửa vào đám đông. Ngay khi ấy tôi nhận ra Koster đang túm cổ áo của Lenz lôi đi.
Lenz trì lại. "Thả tớ ra, Otto, một chút nữa thôi," anh nghẹn thở.
"Nhảm," Koster nói, "cảnh sát sắp đến. Nhanh lên, ra khỏi đây, lại đàng kia."
Chúng tôi băng qua vuông sân đến khuôn cửa tối tăm bên cạnh. Chẳng sớm một giây. Tiếng tu huýt vang khắp sân, mũ sắt đen của cảnh sát lóe lên, giây chận được kéo vòng quanh sân. Chúng tôi chạy lên cầu thang để trốn đội tuần cảnh. Từ cửa sổ ở đầu cầu thang, chúng tôi nhìn xuống quang cảnh bên dưới. Cảnh sát làm việc giỏi tuyệt. Họ chận đường rút lui, xoi vào cái đám người hổn độn, tách họ ra, bắt giữ và áp giải nhanh gọn -- người đầu tiên chính là gã thợ mộc, bất bình, cố gắng giải thích một điều gì đó trong vô vọng.
Sau lưng chúng tôi, có tiếng khóa cửa mở. Một người đàn bà vận áo sơ mi ngủ, hai ống chân trắng khẳng khiu, nến cầm trên tay, thò đầu ra. "Anh đấy à?" bà ấy cáu kỉnh hỏi.
"Không phải," Lenz nói, đã hoàn hồn. Người đàn bà đóng sầm cửa. Lenz bấm nút cây đèn pin bỏ túi của mình, săm soi cánh cửa. Ông GERHARD PESCHKE, TRƯỞNG THỢ NỀ -- là người được mong đợi nơi đây.
Bên dưới đã im ắng. Cảnh sát đã rút lui và vuông sân trống trơn. Chúng tôi đợi một lúc, rồi xuống lầu. Đàng sau một cánh cửa, có một đứa bé khóc, dai dẳng, yếu ớt, thảm thương trong bóng tối. "Đứa bé cũng đúng," Gottfried nói. "Nó khóc báo trước."
Chúng tôi đi qua vuông sân thứ nhất. Chiêm tinh gia trơ trọi đứng trước những biểu đồ tinh tú. "Lấy số tử vi nhé, quý ông?" hắn mời. "Hay là xem chỉ tay?"
"Cứ nói thoải mái," Gottfried bảo, và chìa tay ra.
Hắn nghiên cứu nó. "Ông có một trái tim yếu ớt," hắn nói, tuần tự từng mục. "Tâm đạo phát triển đầy đủ, trí đạo rất ngắn; nhưng bù lại ông có tài về âm nhạc. Ông mơ mộng nhiều, nhưng sẽ không phải là một người chồng tốt. Tuy thế tôi vẫn thấy có ba đứa trẻ. Ông ngoại giao khéo, và có khuynh hướng ít nói, và sẽ thọ đến tám mươi tuổi."
"Đúng," Gottfried nói. "Như mẹ tôi thường nói với tôi trước khi lấy chồng -- người xấu sẽ sống lâu, người hiền mất sớm. Lẽ sống chết là phát minh của con người; không theo logic của cuộc đời.",
Anh trả tiền và chúng tôi tiếp tục đi. Đường vắng ngắt. Một chú mèo đen phóng ngang. Lenz chỉ vào nó. "Chúng ta nên quay lại, thực đấy."
"Đừng lo," tôi nói, "Chúng ta đã gặp một con mèo trắng khi nãy; bù qua sớt lại, chắc không sao."
Chúng tôi đi dọc theo đường. Một vài người bên kia đường, tiến lại gần. Đó là bốn đứa con trai. Một đứa mặc quần ống túm bằng da mới vàng chóe; mấy đứa kia đi ủng kiểu nhà binh. Chúng dừng lại và nhìn sang. "Nó đấy!" thình lình thằng mặc quần ống túm kêu lên, chạy băng qua đường, đến chúng tôi. Khoảnh khắc tiếp theo là hai phát súng nổ, thằng nhỏ co giò phóng đi và cả bốn đứa cố chạy cho thật xa. Tôi thấy Koster sắp sửa đuổi theo, nhưng bất ngờ không tả, anh xoay lại, đưa hai tay ra, nấc lên một tiếng đau thương, cố chụp lấy Gottfried Lenz ụp ngã xuống vĩa hè.
Trong một giây, tôi nghĩ anh chỉ té mà thôi; rồi tôi thấy máu. Koster giật áo choàng, xé toạc sơ- mi của Gottfried -- máu tràn ra, nhày đặc. Tôi ép khăn tay của tôi lên đó.
"Ở lại đây, tớ đi lấy xe," Koster nói và chạy đi.
"Gottfried," tôi nói, "cậu có nghe tôi không?"
Mặt anh chuyển qua màu xám. Đôi mắt khép nửa chừng. Mi mắt không động đậy. Tôi nâng đầu anh bằng một tay, tay còn lại đè chiếc khăn mùi xoa lên chỗ máu chảy. Tôi quỳ bên anh. Tôi cố lắng nghe tiếng òng ọc, tiếng khò khè nhưng tôi không nghe gì cả, không một âm thanh nào -- con đường vô tận, những căn nhà vô tận, đêm vô tận -- tôi chỉ nghe tiếng máu nhỏ tí tách rất khẻ xuống vĩa hè và tôi biết rằng đó phải là thời gian khác và đó không thể là sự thật.
Koster lái như bay đến. Anh hạ lưng dựa của chiếc ghế bên trái. Chúng tôi nhấc Gottfried lên và đặt anh nằm đấy. Tôi nhảy vào xe và Koster phóng đi. Chúng tôi lái tới trạm cứu thương gần nhất. Koster cẩn thận thắng xe.
"Cậu vào xem có bác sĩ hay không. Nếu không, chúng ta phải đi tiếp."
Tôi chạy vào. Một y công tiến ra gặp tôi. "Ở đây có bác sĩ không?"
"Có chứ. Anh có người nhà cần gặp bác sĩ?"
"Vâng. Hãy theo tôi. Xin mang theo cáng."
Chúng tôi nâng Gottfried, đặt lên cáng và khiêng anh vào. Bác sĩ mặc sơ-mi trần, đã chờ sẳn. "Chỗ này này."
Ông chỉ vào một cái bàn phẳng thấp. Chúng tôi khênh Gottfried lên bàn. Bác sĩ với tay kéo ngọn đèn, gần thân thể Gottfried. "Chuyện gì đây?"
"Bị bắn bằng súng lục."
Ông lấy một miếng gòn, lau bớt máu, sờ mạch Gottfried, nghe tim rồi đứng thẳng lên. "Không còn làm gì được nữa."
Koster chòng chọc nhìn ông. "Nhưng vết thương ở cạnh sườn. Sao lại có thể tệ đến thế ?"
"Có hai vết thương," bác sĩ nói.
Ông lại lau bớt máu. Chúng tôi khom xuống. Rồi chúng tôi thấy, xeo xéo phía dưới vết thương đẫm máu là vết thương thứ nhì --một lổ thủng đen, nhỏ ở vùng ngực gần tim.
"Có lẽ cậu ấy đã chết tức thì," bác sĩ nói.
Koster đứng thẳng lại. Anh nhìn Gottfried. Bác sĩ nhét gòn vào vết thương và dán băng keo lên.
"Các cậu muốn rửa tay không?" ông hỏi.
"Không," tôi nói.
Mặt Gottfried bây giờ vàng và hóp. Miệng bị kéo hơi lệch. Đôi mắt nhắm nửa vời, một bên khép nhiều hơn bên kia một chút. Anh nhìn chúng tôi. Anh chăm chú nhìn chúng tôi.
"Chuyện xảy ra như thế nào?" bác sĩ hỏi.
Không ai trả lời. Gottfried nhìn chúng tôi. Anh đăm đăm nhìn.
"Ta có thể lưu cậu ấy lại đây," bác sĩ nói.
Koster cựa mình. "Không, chúng tôi sẽ mang anh ấy đi."
"Không thể được," bác sĩ nói. "Ta phải báo cảnh sát. Và cả cảnh sát hình sự. Phải làm mọi chuyện ngay lúc này để có thể truy tìm thủ phạm."
"Thủ phạm?" Koster nhìn bác sĩ như không hiểu ông nói gì. "Tốt," rồi anh nói. "Tôi sẽ lái xe đưa cảnh sát tới."
"Cậu có thể điện thoại cho họ. Sẽ nhanh hơn."
Koster lắc đầu chầm chậm. "Không, tôi sẽ chở họ."
Anh đi ra và tôi nghe tiếng Karl phóng vù đi. Bác sĩ đẩy ghế lại gần tôi. "Trong khi chờ đợi, cậu không ngồi sao?"
"Cám ơn," tôi nói và tiếp tục đứng. Đèn chói chang trên buồng ngực máu me của Gottfried.
Bác sĩ đẩy ngọn đèn lên cao một chút. "Chuyện xảy ra như thế nào?" ông lập lại câu hỏi.
"Tôi không biết. Chắc bị nhầm với ai đó."
"Cậu ấy đã từng đi lính?" bác sĩ hỏi.
Tôi gật đầu.
"Ta có thể đoán biết, nhờ các vết sẹo," ông nói. "Và cánh tay teo. Cậu ấy đã bị thương nhiều lần."
"Vâng. Bốn lần."
"Thật trớ trêu," người y công nói. "Và những thằng quỷ nhỏ, khi ấy hãy còn nằm trong nôi."