Chiến hữu - Chương 27.2

"Ô, đúng thế!" Mắt nàng long lanh. "Khi chúng ta khiêu vũ với nhau lần đầu, Robby."
Song song với chúng tôi, ông người Nga đang dìu cô Tây Ban Nha trong tay. Ông mỉm cười và gật đầu với chúng tôi. Nàng Tây Ban Nha xanh mướt. Mái tóc đen nhánh của nàng lượn theo đôi mày như cánh của loài quạ. Nàng khiêu vũ với nét mặt long trọng, cố định. Trên cổ tay nàng là chiếc vòng đính những viên bích ngọc to, vuông. Nàng mười tám tuổi. Chàng nhạc sĩ vĩ cầm ngồi ở bàn, đôi mắt thèm thuồng theo dõi.
Chúng tôi trở lại bàn. "Em muốn một điếu thuốc," Pat nói.
"Em không nên hút, em biết đấy," tôi thận trọng trả lời.
"Chỉ vài hơi thôi, Robby. Đã lâu lắm, em không hút thuốc."
Nàng cầm điếu thuốc, nhưng chẳng bao lâu lại bỏ xuống. "Em không thích vị của nó, Robby. Chỉ là em không còn ưa thích nữa."
Tôi cười to. "Luôn luôn như thế, khi ta đoạn tuyệt với một thứ gì trong thời gian dài."
"Anh đã đoạn tuyệt với em trong một thời gian dài," nàng nói.
"Câu đó chỉ đúng với độc dược," tôi nó: "Rượu chè và thuốc lá."
"Con người là thứ thuốc độc còn nguy hiểm hơn cả rượu chè và thuốc lá, anh yêu."
Tôi cười to. "Em là một cô bé tinh ranh, Pat ạ."
Nàng chống tay lên bàn và nhìn tôi. "Anh chẳng bao giờ nghĩ về em một cách nghiêm chỉnh, phải không?"
"Anh chẳng hề nghĩ đến anh một cách nghiêm chỉnh," tôi đáp.
"Em cũng thế. Hãy nói thực đi, ít ra một lần."
"Anh không biết điều ấy. Nhưng anh đã nghĩ đến hai đứa mình một cách cực kỳ nghiêm chỉnh, anh biết thế."
Nàng mỉm cười. Antonio mời nàng khiêu vũ. Hai người đi ra sàn nhảy. Tôi ngắm họ khiêu vũ với nhau. Mỗi khi lướt ngang qua, nàng lại mỉm cười. Chiếc áo dạ hội bạc của nàng hầu như không chạm đất. Nàng có sự uyển chuyển nhanh nhẹn của một con sơn dương.
Ông người Nga lại đang khiêu vũ với nàng Tây Ban Nha. Cả hai đều im lặng. Gương mặt to, da sậm của ông tràn ngập một nỗi dịu dàng. Chàng nhạc sĩ vĩ cầm đã cố mời cô nàng. Nàng chỉ lắc đầu và ra sàn nhảy với ông người Nga.
Chàng nhạc sĩ bẻ gẫy điếu thuốc lá trong những ngón tay dài, xương xẩu. Bỗng nhiên tôi cảm thấy thương hại hắn. Tôi mời một điếu khác. Anh chàng khước từ. "Tớ phải chăm lo sức khỏe của mình," anh chàng nói, rấm rức.
Tôi gật đầu. "Lão ấy," anh chàng nói tiếp, cười khẩy, chỉ về phía ông người Nga, "hút năm mươi điếu một ngày."
"Ai làm chuyện của người ấy," tôi đáp.
"Cô ấy không muốn khiêu vũ với tớ, nhưng rồi tớ sẽ mời được."
"Ai chứ?"
"Rita."
Hắn nhích lại gần tôi. "Có dạo tớ đã kết thân với cô ấy. Chơi bài với nhau. Rồi thằng cha Nga đến, rù quến cô ấy với những lời nói tràng giang đại hải. Nhưng tớ sẽ đoạt lại cô ấy."
"Vậy cậu phải nỗ lực hết mình," tôi nói. Tôi không thích hắn.
Hắn bật ra một tràng cười yếu ớt. "Nỗ lực cái mốc xì, ngốc tử? Tớ chỉ phải chờ đợi mà thôi."
"Vậy cứ tha hồ chờ."
"Năm mươi điếu," gã thầm thì, "mỗi ngày. Tớ đã xem hình phổi của lão hôm qua. Thủng lỗ chỗ. Đời tàn." Hắn cười to. "Tụi tớ đều khởi đầu như nhau. Ta có thể hoán đổi phim phổi của mọi người. Cậu phải thấy sự khác biệt bây giờ! Tớ lên được một kí lô. Không, cậu bé, tớ chỉ cần chờ đợi, và chăm sóc sức khỏe của mình. Tớ trông cho mau đến lần chụp hình phổi kỳ tới. Y tá luôn luôn đưa tớ xem. Chờ đợi, có thế thôi. Khi lão ta không còn nữa, sẽ tới phần tớ."
"Cũng là một cách, tớ đoán," tôi nói.
"Một cách," hắn nhái tôi; "là cách duy nhất, thằng khờ ạ. Nếu lúc này tớ chen vào, làm kỳ đà cản mủi, thì chỉ tổ làm hỏng mất cơ hội về sau của tớ. Không -- phải thân thiện, bình tĩnh -- chờ --"
Không khí trở nên rin rít và nặng nề. Pat ho khúc khắc. Tôi để ý thấy nàng nhìn tôi ra vẻ lo lắng, nên tôi giả vờ như chẳng nghe gì. Người đàn bà lớn tuổi với nhiều ngọc trai chỉ im lặng, ngồi lọt thỏm trong ghế của mình. Thỉnh thoảng bà ấy lại ré lên một tràng cười lạnh buốt. Cái đầu lâu đang cãi cọ với gã trai lơ. Ông người Nga hút liên miên, hết điếu này sang điếu khác. Người nhạc sĩ vĩ cầm mồi lửa cho ông. Một cô gái bỗng dưng nức lên, lấy khăn tay che miệng, chăm chú nhìn vào và tái mặt.
Tôi nhìn quanh phòng. Ngoài kia là bàn của những du khách đến chơi các môn thể thao mùa đông; còn đây là bàn của giai cấp trung lưu thành thị, người Pháp, người Anh, người Hòa Lan ngồi đấy với những âm tiết thô thiển, tầm thường trong lời nói của họ, gợi nên những cánh đồng cỏ và biển cả -- và giữa họ là cái bầy đàn nhỏ bé này của sự bệnh hoạn và chết chóc. Tôi nhìn Pat -- những đồng cỏ và biển cả -- sóng xô lên bờ và cát và bơi lội --ach, tôi nghĩ, đôi mày thân thương! đôi tay thân thương! cuộc đời thân thương -- tôi chỉ có thể yêu mà không thể cứu.
Tôi đứng dậy và đi ra. Tôi cứng nhắc với đè nén và bất lực. Tôi đi chậm trên con đường mòn. Tôi run rẩy vì cái lạnh, và cơn gió thổi sau các ngôi nhà làm tôi rùng mình sởn gáy. Tôi nắm chặt tay và trừng trừng nhìn rặng núi cứng, trắng với một cảm xúc hoang dại pha trộn những niềm vô vọng, giận dữ và đau đớn.
Một cỗ xe trượt tuyết chạy leng keng trên con đường dưới thấp. Tôi trở lại. Pat đi ra đón tôi.
"Nãy giờ anh ở đâu thế?"
"Ở bên ngoài thôi."
"Anh đang bực dọc?"
"Không đâu."
"Hãy vui, anh yêu! Hãy vui vẻ hôm nay. Vì em, cho em. Ai biết được, khi nào em sẽ lại có dịp tham dự một buổi dạ vũ khác?"
"Em sẽ đi dự rất thường xuyên."
Nàng tựa đầu trên vai tôi. "Nếu anh nói thế, chắc phải đúng. Nào, hãy khiêu vũ tiếp. Chúng ta chưa bao giờ khiêu vũ với nhau trước đây."
Chúng tôi dìu nhau trong tiếng nhạc, và ánh đèn ấm cúng, mờ ảo thật nhân hậu; nó che dấu những quầng thâm mệt mỏi mà đêm khuya đã mang đến trên gương mặt mọi người.
"Em cảm thấy sao, Pat?" tôi hỏi.
"Được lắm, Robby."
"Trông em đáng yêu lắm, Pat."
Đôi mắt nàng sáng lên. "Anh thật dễ thương khi khen em như thế."
Tôi cảm nhận đôi môi khô, ấm của nàng trên gò má mình.
Trời đã rất khuya khi chúng tôi trở lại dưỡng đường. "Hãy nhìn xem, lão ấy bệ rạc ra sao," người nhạc sĩ cười khẩy, len lén chỉ về hướng ông người Nga.
"Cậu cũng vậy," tôi bực dọc nói.
Hắn giật mình, lom lom nhìn tôi. "Vâng -- dĩ nhiên --đồ lợn lành." hắn lầm bầm.
Tôi bắt tay ông người Nga. Ông gật đầu với tôi, và nhẹ nhàng, trìu mến giúp cô Tây Ban Nha bước lên những bậc thang. Khi họ đi trên ấy, bóng của bờ lưng rộng, cong của ông và đôi vai gầy mảnh khảnh của cô gái in trên nền sáng yếu ớt của ánh đèn đêm, như thể trọng lượng của toàn thế giới đang đè nặng trên họ. Cái đầu lâu lôi xệch anh chàng điếm đực đang phụng phịu đi vào hành lang. Antonio từ giã chúng tôi. Cuộc chia tay khẽ khàng, gần như vô thanh này, mới ma quái làm sao.
Pat kéo áo qua khỏi đầu. Nàng đứng khom mình, và giật cái áo đang mắc kẹt nơi vai. Áo bị toạt. Pat chăm chú nhìn vết rách.
"Có lẽ nó đã sút ra từ trước," tôi nói.
"Không sao," Pat nói. "Có lẽ em sẽ chẳng bao giờ mặc lại nó."
Nàng chầm chậm gấp nó lại, và không máng vào tủ. Nàng đặt nó vào rương. Nét mặt của nàng đột ngột trở nên rã rời.
"Nhìn đây, anh có cái này," tôi vội vàng nói, và chìa ra một chai champagne từ trong túi áo khoác. "Cho cuộc liên hoan nho nhỏ của chúng ta."
Tôi đem ly đến và rót rượu vào. Nàng lại mỉm cười và uống. "Cho hai đứa mình, Pat."
"Vâng, anh thương, cho cuộc đời đáng yêu của chúng ta."
Thật lạ lùng sao tất cả những thứ này --căn phòng, sự tĩnh lặng và nỗi khốn khổ của chúng tôi. Và bên ngoài cánh cửa, có phải không cuộc đời cứ trải dài vô tận, với rừng rậm, sông ngòi, và hơi thở khỏe mạnh? Ở bên kia rặng núi trắng, chẳng phải là tháng Ba đã gõ không thôi trên mặt đất đang thức dậy?
"Anh ở lại với em đêm nay chứ, Robby?"
"Vâng, hãy lên giường. Hãy nằm gần nhau đến mức con người có thể, và đặt ly rượu của chúng ta trên chăn và hãy uống."
Uống ... Làn da nâu vàng óng ả... Chờ ... Nằm thao thức... Sự tĩnh mịch và ánh sáng khò khè trên khuôn ngực Pat ...