45. Muốn Sống Thì Chừa...

MUỐN SỐNG THÌ CHỪA…

Hồi còn mồ ma thực dân Pháp ở đây, trong số các sĩ phu ra làm quan với họ, có lẽ người được thiên hạ đả kích bằng văn chương nhiều nhất là ông Trần Tán Bình.

Ông Trần người huyện Tứ-xuyên, tỉnh Hà-đông, thi đậu Phó-bảng và làm quan đến chức Tuần-phủ. Ông mất đã vài chục năm nay, nhưng nhắc đến ông các tỉnh Trung-châu ngoài Bắc ít ai không biết đến, nhất là thành tích đi vi hành bắt rượu lậu ở các chợ nhà quê của ông thì thật là càng khét tiếng và oanh liệt một thời hơn nữa.

Ông xuất thân là Phó-bảng lẽ tất nhiên là một vị thâm nho và rất sở trường về văn chương phú lục. Như thế, tất nhiên ông cũng đã thuộc lòng vanh vách và hiểu rõ hơn ai hết thế nào là Tam cương, Ngũ thường, thế nào là đạo đức Thánh hiền, cũng như thế nào mới xứng đáng là môn đồ Khổng, Mạnh thế nào mới xứng đáng là một cây rường cột nước nhà, hoặc dân chi phụ mẫu.

Ấy thế, không biết tại sao khi ông được ra chấp chính và được nhà nước Phú-lang-sa trọng dụng thì việc nước việc dân tất cả ông lại đều xem bằng mắt khác. Có người bảo ông đã không còn gì cốt cách Nho-phong. Nếu còn, ông đâu chịu khom lưng cúi cổ đi làm tay sai cho kẻ đã cướp lấy nước mình và sát hại dân mình.

Theo tôi, lời nhận xét ấy đúng, nhưng do đâu mà ra ? Nhất định phải vì hư vinh và tiền bạc. Nếu không có cái lòng tham ấy, tai hiền mắt thánh của ông đâu có đem lại ở trước đống hoàng kim, để lại cho đời sau và ngay cả đương thời, những tiếng không hay không tốt gì cho lắm.

Kẻ viết bài này, may mắn không được sống ở thời oanh liệt của ông. Nhưng nghe kể lại cũng đủ sợ và biết ông là một vị quan « thanh liêm » đến bực nào.

Chẳng biết chủ trương và đường lối của ông trị dân ra sao, mà khi ngồi tri huyện Nam-trực (Nam định) thay thế ông Phạm-Thi. Các nhà nho huyện này đã có nhiều người lẻn dán vào công đường hai câu :

Phạm-Thi do lai, dân hữu khố

Trần Bình bất tử hộ vô mao

范 (…) 由來人有褲

陳平不死戶無毛

Nghĩa là ông Phạm Thi đến, dân còn có khố để mà đeo, chớ ông Trần Tán Bình không chết, thì cửa không còn cái lông nào (Ba chữ hộ vô mao) còn có nghĩa mỉa mai cay độc khác mà riêng tôi thiết tưởng không cần phải giải thích.

Rồi khi được thăng làm tuần-phủ Ninh-bình thì có người « ca tụng » :

Tuần-phủ Ninh-bình phó bảng Bình

Khéo luồn bảo hộ khéo ăn kinh.

Của dân ngày khoắng tha đầy bị

Vợ lính đêm mò cưỡng tới dinh.

Khoét đến tận quần con thổ vợ

Xơi luôn cả khốn kẻ cùng đinh.

Khiếp thay cái mõm tên này ngoạm,

Chẳng kém nghè Từ lúc ở Ninh. 33

Thật đến đâu như ôn hoàng dịch lệ đến đó, ấy thế mà quan lớn họ Trần nhà « Tây » vẫn lúc nào cũng lên mặt ta đây đường đường là một bực đại khoa mục triều đình, văn hay chữ tốt ít ai bằng, và vẫn còn cho việc ra làm quan với Pháp là một điều vinh dự, lúc nào cũng thẻ ngà áo gấm và võng lọng ngựa xe.

Do đó, các sĩ phu đương thời đã khinh ông và ghét ông ra mặt. Người ta đả kích ông bằng văn chương thơ đối kể ra không biết bao nhiêu mà gánh. Nhưng đối với ông một nhân vật đã vững lập trường với chính phủ bảo hộ, tất cả ông đều cho như nước đổ đầu vịt, không cần để ý đến làm chi và ông vẫn tự cho mình còn được đa số người ngưỡng mộ.

Vì vậy, khi về hưu trí, ông mới đăng lên báo Trung Bắc Tân Văn cho tất cả bạn bè gần xa biết những ai sau này khi ông chết muốn làm đối viếng thì nay hãy làm đi gởi đến để ông được xem và để ông chấm cho luôn thể.

Các thân bằng cố hữu cũng nhiều người gởi đối đến, hoặc chữ, hoặc nôm. Nhưng hay hơn hết không phải theo ý ông, mà theo ý nhiều người thì câu sau này đăng trong nhật báo Trung Bắc Tân Văn là tuyệt tác và sát với quan lớn họ Trần hơn hết :

Muốn sống thì chừa, nào Hán tự, nào Quốc văn, bàn tán thêm nhơ phường cựu học,

Chưa chết đã thúi, cũng nguy khoa 34 cũng hiển hoạn, 35 phẩm bình càng bửn báo Tân-văn.

Đại ý câu nói trên, ông Trần muốn sống cho yên thân, nên chừa bỏ cái lối ấy đi đừng giả nhân nghĩa đạo đức, lợi dụng hình thức văn chương nữa, Quốc văn với Hán tự gồm thông cả như ông mà thế, chỉ tổ làm cho những người cựu học phải mang tiếng xấu lây.

Đại ý câu dưới nói : ông Trần tuy chưa chết, nhưng cũng đã thúi rồi bằng những hành động tham ô đáng ghét trong những ngày bể hoạn thang mây. Ấy thế mà cũng còn lên mặt là đỗ cao, là chức trọng quyền to. Con người thế, thử nghĩ lại xem, đưa ra mà phẩm bình mà phúng điếu như vậy, có phải là càng làm cho Tân-Văn phải thêm dơ bẩn nữa hay không ?

Câu đối tài tình, nhất là bốn chữ « muốn sống thì chừa » mà chọi với bốn chữ « chưa chết đã thúi » thì thật là giá trị vô cùng, cả về kỹ thuật lẫn nội dung.

Tác giả không biết là ai, song chắc chắn là người đã quen biết rất nhiều với quan lớn họ Trần.

Tuy không gởi đến tận nhà, nhưng khỏi sao không đến tay Trần-Tán-Bình được, vì đã đăng lên báo, tức nhiên ông phải mua báo hàng ngày để xem. Có ai học khóc sống mình không, vì tin rằng khi thấy hai câu đối này, với sức suy nghĩ với cái tuổi gần kề miệng lỗ, ông phải giảm thọ đi rất nhiều.

Đọc chuyện này, có người bảo ông Trần sao già mà dại thế, lại đi đăng báo để rồi kết quả, điếu sống chẳng thấy đâu mà chửi sống thì thấy đã rõ như ban ngày, cay đắng đến tận xương tận tủy. Phải ông biết xét lại mình, có đâu đến như vậy.

Nói thế rất đúng ; nhưng ông lớn họ Trần đâu phải là thông minh mà biết đến những việc xảy ra và biết đến những cái dĩ vãng của mình là xấu xa nhơ nhuốc. Cụ lớn là người có tài và thông minh nhưng thông minh và tài đã bị mỗi ngày một đem chôn chặt vào túi tham hết rồi.

Xem thế, chúng ta đủ biết, trí khôn của con người chỉ có và có mỗi ngày một thêm trọng chính nghĩa. Không chính nghĩa tài nào ông Trần-Tán-Bình có được uy tín với thiên hạ. Ông muốn đánh trống lấp đi những dĩ vãng, bằng văn chương khoa bảng, nhưng không được, trái lại khoa bảng và văn chương chẳng những đã không cho ông được phép lợi dụng mà còn hết sức chống lại, lột trần ra trước dư luận, những việc làm bất chính và phi nghĩa của kẻ đã bán tất cả linh hồn, vật chất cho bọn quỷ xâm lăng và bè lũ phản động.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3