44. Tên Quan "Chó Má Lợn"
Trên lãnh thổ Việt-Nam, cái gì thì hiếm chớ bọn sâu dân mọt nước thì thật phải lấy đấu mà đong, lấy xe mà chở. Nói vậy nghe chơi, chớ cả hàng đoàn mẫu hạm, cũng chưa chắc tải hết… Cứ xem tin tức các nhật báo thì rõ.
Tuy nhiên trong số những nhân vật « người ngợm » này, kẻ rất tầm thường mà được « lưu xú vạn niên » có lẽ không ai hơn được Chó Má Lợn.
Chó Má Lợn là tiếng đọc trại ra tên họ một viên tri-huyện thời thuộc Pháp là P.B.T. Danh hiệu này do dân chúng đặt ra, nhưng cũng rất hợp với tướng tá và tánh nết của y, tánh nết tham ăn như loài chó, tướng tá đầu trọc bụng phệ, đôi mắt híp lại, lỗ mũi hểnh lên, trông chẳng khác nào con lợn giái, tức con heo nọc, nói theo tiếng miền Nam nước Việt.
Chó Má Lợn không có những « thành-tích » lớn lao với bọn quan thầy Pháp như đám Hoàng-Trọng-Phu, Vi-Văn-Định, Nguyễn-văn-Tâm, Phạm-Quỳnh, Mai-Trung-Tâm… Chó Má Lợn chỉ là một tên tri-huyện quèn, nhưng nhờ được Pháp bổ đi nhậm chức trong một thời gian ở huyện Thanh-liêm tỉnh Hà-nam, một huyện tuy nghèo, nhưng không phải kém phần văn vật, nên đã được dân chúng phong cho mỹ hiệu ấy với những « công lao » và « đức độ » được « tuyên dương » như sau :
Chó Má Lợn xuất thân là một tên thừa-phái. Nhờ tài khéo chui lòn, được cử đi bang tá, đi tri-châu rồi lên quyền tri huyện. Như thế, có nghĩa là sức học của Chó Má Lợn chỉ khả dĩ làm một tên thông ngôn hạng bét cho mấy lão thực dân mắt xanh bụng phệ.
Lần được bổ đi quyền tri-huyện, Chó Má Lợn phải chạy mất trên hai vạn đồng, số tiền này trị giá bằng hai triệu bây giờ. Không đủ sức vì cha mẹ Chó Má Lợn chỉ chạy được cho con mấy ngàn bằng cách bán đi mấy mẫu ruộng hương hỏa. Còn bao nhiêu, Chó Má Lợn phải nhờ vợ đi vay của một bà triệu phú. Bà này bắt Chó Má Lợn làm giấy, hẹn trong một tháng phải thanh toán gốc lãi.
Đi tri-huyện rồi, Chó Má Lợn ra tay vơ vét, nhưng gặp dân huyện Thanh-liêm, một địa phương nghèo lại nổi tiếng cứng cổ, không dễ gì mà đớp. Đến hạn, Chó Má Lợn không đủ số tiền trả, bà nọ hăm làm to chuyện và lên Hà-nội nhờ luật sư đi kiện. Chó Má Lợn sợ quá, năn nỉ xin gia hạn một tuần, bà nọ bằng lòng. Quả trong tuần ấy Chó Má Lợn thanh toán được hết bằng một phương pháp mà vợ y đã bốc thơm y cho là mưu mẹo còn hơn cả Trương-Lương, Gia-Cát.
Một buổi sáng ra công đường, Chó Má Lợn gọi các viên đề lại lên bảo : Sáng ngày mốt, nhà tôi có giỗ cụ, vậy mời các thầy đến dùng chén rượu lạt với gia đình tôi, và các thầy cho mời các tổng lý, kể cả bọn trương tuần, xã tuần nữa, lên uống rượu, lên cho vui, đừng mang lễ vật gì.
Các đề lại biết đây là ngón đại lưu manh để tống tiền dân của quan huyện, nhưng muốn làm ăn thì phải tỏ ra cho đắc lực, nên đã sai lính đi rỉ tai từng người : Quan lớn bà lớn không thích lễ vật, nhưng đi không thì xem kỳ cục quá, vậy tùy tiện, mỗi xã cứ phong thơ là hơn.
Vì đã sống gần hối lộ và quen nghề hối lộ, bọn tổng lý « thông minh » hiểu liền, mà quan đã mời thì không ai có thể vắng mặt, mặc dù biết lên, quan chỉ ban ơn « gọi là » cho vài chén rượu suông, quan đã bảo trước không bày biện chi mà, chỉ lên cho quan khỏi tủi lòng với tổ tiên mà thôi.
Thế là kết quả mỹ mãn, chỉ trong một buổi sáng có giỗ, Chó Má Lợn đã dư tiền trả nợ.
Đó là chuyện thứ nhất, chuyện này xét ra còn thua nhiều kẻ sâu dân mọt nước khác, nhưng đến câu chuyện sau đây thì thật là vô cùng tàn nhẫn, nếu được dùng theo luật pháp thời phong kiến, thì đem Chó Má Lợn trói quẳng vào chảo nước sôi mà luộc.
Huyện Thanh-liêm vì chính sách cai trị tàn nhẫn của Pháp và Việt-gian, đồng bào mỗi ngày một sống cảnh tiêu điều xơ xác. Bần cùng sinh đạo tặc, do đó nhiều người phải trở thành trộm cướp sau những trận bị chúng làm tán gia bại sản. Tình trạng này chẳng những chỉ riêng ở Hà-nam mà xảy ra khắp tỉnh miền Bắc, đâu đâu cũng thế, dữ nhất là các vùng Nam-định, Thái-bình. Viên thống sứ Bắc-kỳ thấy vậy, liền ra lệnh cho các viên tri-phủ tri-huyện, hễ ai bắt được đảng cướp thì được thăng một trật.
Chó Má Lợn muốn thăng chức để vét cho to hơn, nên y đã tích cực thi-hành.
Một đêm trời khuya, dưới ánh trăng mờ, Chó Má Lợn dẫn mấy tên lính cơ (Gardes Indigènes) đi tuần. Tới ngôi chùa nọ ở cạnh đê Châu-giang, Chó Má Lợn thấy một đám người đang ngủ ở Tam-quan liền hô lính trói lại, trong số có một người đàn bà trông cũng sạch nước cản.
Bọn người giật mình thức dậy, biết là quan huyện và lính, liền sụp lạy kêu ca : Bẩm quan lớn, xin ngài đèn trời soi xét, chúng con là dân chài, xin quan lớn tha cho.
- Láo, chúng bay là đảng cướp ! Chó Má Lợn vừa nói vừa trừng đôi mắt lên.
Bọn dân nghèo khổ lạy lục kêu oan và chỉ bằng chứng : Bẩm quan lớn, chúng con là dân chài thật sự, thuyền còn kia, các tay lưới còn kia, chúng con nằm đây để đợi nước.
Chó Má Lợn nhất định không nghe, sai lính bắt trói dẫn về huyện, nhốt cả vào nhà pha.
Người đàn bà trong đám được gọi lên sai quét nhà, và ngay đêm ấy đã bị Chó Má Lợn dùng cường lực hiếp dâm làm cho chửa hoang.
Sau bà này sanh con đã đem đến ngay văn phòng Chó Má Lợn trả lại, kèm theo một hàng chữ rất chua chát căm hờn : Chó Má Lợn trả lại Chó Má Lợn.
Chuyện này đồn đi, và cũng từ đó cái tên Chó Má Lợn được thay cho cái tên cúng cơm của y là P.B.T.
Bắt được đám dân chài, sáng (…) Chó Má Lợn ra công đường dùng mọi cực hình tra khảo. Nhưng tất cả vẫn kêu oan, và lại bị dẫn xuống nhà giam.
Tối đến, Chó Má Lợn sai dọn cho bọn người bị bắt một mâm cơm có thịt cá linh đình, đợi tất cả ăn xong, Chó Má Lợn sai dẫn vào nhà trong, lên mặt phụ mẫu dân tả oán : Chúng bay ạ ! Tao thương tình cảnh chúng bay lắm. Nhưng việc tao, tao cứ phép công làm, vì có kẻ cung khai. Chúng bay cứ nhận cho qua chuyện, tao hứa danh dự nếu không lo gỡ cho chúng bay thì sẽ bị trời tru đất diệt.
Thế là cả đám, sau những trận đòn nhừ tử buổi sáng, đến buổi chiều đã bằng lòng ký vào bản cung do các viên đề lại viết sẵn.
Nằm trong nhà giam, bọn người oan uổng chờ sự lo gỡ của quan huyện sở tại. Nhưng Chó Má Lợn đã làm « y lời hứa » bằng cách cho lính áp giải lên tòa án Hà-nam, rồi từ Hà-nam lên tòa án Hà-nội với tất cả tội trạng là đảng cướp đã ăn hàng nhiều đám. Kết quả ra tòa, mỗi người lãnh 20 năm khổ sai đày đi Côn-đảo cả bọn, chỉ trừ người đàn bà được thả.
Sau vụ trên, Chó Má Lợn được thăng chức thực thụ. Tội nghiệp, những người oan uổng đều bị làm ma tại nhà tù Côn-đảo.
Chính cũng vì thế, Chó Má Lợn lại được tặng thêm cho hai biệt hiệu là ma-vương và quỷ-sứ, nên khi đổi đi Vụ-bản, đồng-bào đã có câu đối tiễn đưa, lén dán trước cổng huyện :
Vụ-bản vô duyên nghinh quỷ sứ,
Thanh-liêm hữu phúc tống ma vương.
Nghĩa là đất Vụ-bản xui xẻo phải rước quỷ sứ về, đất Thanh-liêm may mắn, tống được Ma-vương đi. Ma-vương, Quỷ-sứ cũng đều là tên Chó Má Lợn.
Ngoài những chuyện đối với dân chúng như trên, Chó Má Lợn lại nổi tiếng là một con quỷ dâm dục, là thằng đại bất hiếu. Quỷ dâm dục ở chỗ Chó Má Lợn đã thông gian hầu hết với các vợ con lính tráng và viên chức dưới quyền, hoặc dụ dỗ hoặc cưỡng bức. Cô nào chị nào, bà nào vô phúc mà lọt vào cửa hắn là ô hô hữu hĩ. Thậm chí con ruột của hắn, hắn cũng không tha thì đủ biết thế nào. Còn bất hiếu, thì nói đến Chó Má Lợn, những người lớn tuổi ở Hà-nam không ai không biết chuyện sau đây :
Một hôm Chó Má Lợn đang ngồi văn phòng, có lính đi vào cúi đầu bẩm : Dạ, bẩm quan lớn, có cụ cố lên chơi.
Cố là tiếng xưng hô cha mẹ quan thời đó.
Chó Má Lợn nhìn ra thấy cha áo the quần dài, ống thấp ống cao, tay xách dù đen tay xách đôi giầy như Lý-Toét, nên đỏ mặt bảo lính : Đâu phải ! Đuổi thằng già ấy đi, ai quen biết gì nó ?
Người lính ra nhắc lại, cố không tin định cứ đi thẳng vào, tức thì ở trong có tiếng quát vọng ra : Thằng già điên đấy, đuổi cổ nó đi ngay cho tao !
Cố tức quá, liền la ầm lên chửi trước đám đông người đang đứng đợi : Trời đất ơi, các ông các bà coi, tôi chính là bố thằng P.B.T. đây, tôi sinh ra nó cho nó học hành, lo chạy cho nó, nay nó không nhận, trời đất ơi sao không tru diệt thằng P.B.T. đi !
Rồi ông xách dù và xách giầy đi về !
Ấy chuyện Chó Má Lợn thế đó, và đây chỉ là phác qua vài nét thôi.
Thế mà khi được đổi lại huyện Thanh-liêm Chó Má Lợn còn nghênh ngang lên mặt là « thanh-liêm chính trực », rồi thuê người viết bốn chữ nho ấy để khắc vào hoành phi sơn son thếp vàng, đem treo ở tư thất, sau khi đã bị viên tuần phủ tỉnh này gọi lên thét mắng vì tội vu cho dân chúng làng nọ đánh bạc để bắt và xơi tiền hối lộ. Vì thế, báo Trung-Bắc Tân-Văn hồi ấy mới có bài thơ của Phạm Bùi Cẩm viết đăng lên như sau :
Liêm khiết ai ơi nghĩ chán phè,
Bốn đồng bán rẻ tiếng nho nhe.
Bịt mũi ăn dơ phường chó má,
Ra tay rắc ớt bợm cò ke.
Lôi đình cụ lớn 31 la trên án,
Mếu máo quan tri 32 sụp dưới hè.
Thanh-liêm sẵn có liêm tuyền thủy,
Thuận uống hay là uống nước khe ?…
Báo ra rồi, có người đem cắt bài thơ ấy lén dán vào trước của huyện đường. Thế là câu chuyện được truyền đi khắp nơi. Chó Má Lợn khi thấy vội vàng xuống lệnh cho lính tráng gỡ đi… Nhưng gỡ đi thì gỡ, Chó Má Lợn dù có phép thần thông và sống đến nghìn năm đi nữa cũng không thể nào gỡ được cái bia miệng thế gian đã được tạc lại bằng những lời thơ ấy.
Ôi Chó Má Lợn !… Âu đây cũng là một cái gương tầy liếp cho lũ « chó má lợn » ở lớp cùng thời và lớp sau này vậy.