Đèn Không Hắt Bóng -chương 15.1

Chương 15

Bệnh viện Oriental nhộn nhịp hẳn lên trong những ngày cuối năm.
Ai nấy đều tìm cách xin ra viện để về nhà ăn Tết - rồi ra Tết lại tiếp tục điều trị sau. Chỉ còn lại những người bị bệnh nặng, những người không đủ sức ra khỏi phòng.
Cụ già Yôsiđzô Isikura phải tính chuyện đón năm mới trong bệnh viện. Theo dự đóan của Naôê, cụ còn sống được chừng mười ngày, hoặc tối đa là hai mươi ngày. Ông cụ không không còn tự rửa mặt được, không tự đi ra ngòai được, nhổm lên một chút trên triường cũng rất khó nhọc. Ông gầy đi một cách khủng khiếp; đó là một bộ xương bọc một lớp da khô héo màu xin xỉn như đất; dưới lớp chăn có thể thấy nhô lên một cái bụng sưng phình.
Ghé vào phòng trong buổi đi thăm bệnh nhân, Naôê gõ mấy ngón tay lên cái bụng trương phình của cụ già, nghiêng đầu lắng nghe. Khi gõ như vậy có thể nhận bắt một cách khá rõ rệt những âm sắc kim lọai ở bụng tích nhiều chất nước. Naôê lấy ống nghe cúi mình trên người cụ Isikura. Những ngày gần đây cụ già hầu như không ăn gì, nhưng có thể nghe rõ trogn dạ dày có chất nươc chao đi chao lại. Naôê có cảm giác là mình đang nghe những bước chân rón rén của cái chết đang đến gần.
Nghe xong, Naôê gỡ cái ống nghe trên cổ, gắp hai ống cao su lại và bỏ vào túi. Nôrikô sửa lại băng cho cụ Isikura và bắt đầu cài khuy áo pyjama.
- Cụ nghỉ nhé, - Naôê chào cụ già.
Isikura đáp lễ bằng một cái gật đầu khe khẽ, mà cũng chẳng buồn hỏi: "Thế nào ạ, thưa bác sĩ, hiện tôi đã sắp khỏi chưa?" Cũng như Naôê, ông cụ biết rằng cái chết đã vào đến ngưỡng cửa. Nhưng, cũng như Naôê, ông cụ vẫn im lặng. Ông ta hiểu rằn chỉ cần hỏi: tại sao? như thế nào? - thì lập tức một nỗi sợ hãi nhầy nhụa sẽ tràn tới, và sợi chỉ mong manh của niềm hy vọng cuối cùng sẽ đứt.
"Biết đâu, may ra..." Trong hai tiếng "may ra" mơ hồ ấy, người bệnh tim thấy ý nghĩa của những ngày cuối cùng mà sự sống còn leo lét, còn người thầy thuốc thì tìm thấy ở đó phương thuốc cứu vãn duy nhất.
Có một lần Naôê không đi làm việc. Đến trưa ông ta gọi điện vào bệnh viện báo tin là mình đang ốm.
- Chắc hôm qua lại quá chén chứ gì!
- Không phải đâu, chẳng qua sáng ngay ngủ quên, dậy trễ quá đâm lười không muốn đi làm nữa thì đúng hơn.
Hôm ấy người ta bàn tán rất nhiều. Ở bệnh viện họ đã quên với cái thói đến muộn của Naôê, nhưng nghĩ việc hẳn thì đây là lần đầu.
Lòng Nôrikô bồn chồn lo lắng. Đã mấy lần cô nhấc ống máy lên để gọi điện cho Naôê, nhưng mỗi lần như vậy, không hiểu tại sao, cô lại e ngại không dám.
Thời gian gần đây cô hầu như không nói chuyện với Naôê, tuy hai người làm việc sát cạnh nhau. Lúc nào cũng có một người nào đó lởn vởn gần bên, làm cho họ không nói được. Nhưng ngay trong những phút hiếm hoi mà trong phòng chỉ có hai người với nhau thì Naôê cũng lặng thinh như đã mất hẳn khả năng ngôn từ.
Nôrikô kiên nhẫn chờ Naôê mời mình đến nhà, nhưng chỉ thỉnh thỏang, đến cuối giờ làm việc ông mới hỏi : "Hôm nay em làm gì?" - Và chỉ cần nghe thấy thế thôi, là Nôrikô vội vàng bỏ hết để chạy đến với Naôê.
Có một lần Nôrikô thử nói chuyện với ông: tại sao ông lại không mời cô từ trước? - Nhưng Naôê chỉ cau mày, và mọi sự đều lại y nguyên như cũ. Nôrikô phải hậm hực gác hết mọi việc để chạy đến khu Ikêđziri.
Trước kia họ gặp nhau mỗi tuần hai lần, nhưng bây giờ phải mười ngày họ mới gặp nhau một lần. Và Nôrikô cứ chờ đợi, không dám tự mình nói trước. Mỗi khi những niềm mong mỏi của cô trở thành sự thật, Nôrikô vui mừng vô hạn. Đôi khi tình cảm của cô cũng lừa dối cô, nhưng cô đã tập được cho mình cái thói quen không buồn tủi quá. Cô có cảm giác rằng hai người vẫn ở bên nhau ngay cả những khi Naôê không có mặt.
Có mấy lần, không đủ sức tự chủ, Nôrikô vẫn hỏi: " Bây giờ anh về thẳng nhà à?" Naôê lầm lì gật đầu và im lặng bỏ đi. Nôrikô rầu rĩ thở dài : anh ấy làm sao thế? cái gì đang diễn ra torng tâm hồn anh? Nhưng tình yêu của cô thì không có gì có thể dập tắt được : Nôrikô đã hiến dâng tất cả cho Naôê - cả thể xác lẫn linh hồn.
Có nhiều khi những bệnh nhân xuất viện hoặc những bác sĩ trẻ mời Nôrikô đến hiệu cà-phê hay hiệu ăn, nhưng cô đều từ chối. Thậm chí cô cũng chẳng bao giờ nảy ra cái ý gặp một người nào ngòai Naôê. Tất cả những người đàng ông khác đối với cô đều vô nghĩa lý - nếu không có Naôê thì thà qua buổi tối với một người bạn gái còn hơn, cô thấy như vậy.
Còn Naôê? Bằng trực giác, Nôrikô cảm thấy Naôê đang phản bội cô. Thỉnh thỏang lại có một giọng phụ nữ gọi ông ra điện thọai, trong giường Naôê, Nôrikô hay bắt được những chiếc trâm ; gian bếp của Naôê được thu dọn ngăn nắp, rõ ràng không phải do một bàn tay đàn ông... Nhưng Nôrikô chưa một lần nào tự cho phép mình trách móc Naôê.
Trước sau cô chỉ là một tình nhân và là một con ở, vì Naôê không bao giờ nói đến hôn nhân, thậm chí cũng không bao giờ bảo cô đến ở nhà mình. trước sau Naôê chỉ cho phép Nôrikô được yêu mình, thế thôi. Vả lại Nôrikô cũng không hề đặt ra một điều kiện nào. Hơn nữa, cô sẽ rất ngạc nhiên nếu thấy phụ nữ thờ ơ với Naôê. Cô cố gắng đừng nghĩ đến họ. Cô chỉ muốn biết rằng bản thân cô yêu Naôê: điều đó đã quá đủ đối với cô rồi.
Hôm sau Naôê cũng không đến bệnh viện. Từ sáng sớm ông đã gọi điện đến, nói rằng mình còn phải nằm nhà ít nữa.
Trong những ngày cuối năm này, Ritsukô ngày nào cũng có mặt ở bệnh viện. Bà hỏi Sêkiguchi :
- Tình hình bác sĩ Naôê thế nào ạ? Có lẽ cần phái người nào đến nhà bác sĩ xem sao.
- Phải-phải, dĩ nhiên... - Bà y tá trưởng sốt sắng gật đầu, nhưng rồi chẳng đề nghị gì cả.
Bà Ritsukô quay về phía Nôrikô, và tất cả những người khác đang có mặt ở đấy đều quay theo.
- Simura-san, có lẽ cô đến thăm tiên sinh một chút đi.
Câu này đến với Nôrikô đột ngột đến nỗi cô súyt đánh rơi cái ống tiêm.
- Tôi ...
- Cô đến đi. Có thể là hôm nay, sau giờ ăn trưa. Cô cứ nói là tôi bảo cô đến, thế nhé? Bà không phản đối chứ? - Câu này bà Ritsukô nói với bà y tá trưởng.
- Không ạ. Chiều nay không có phẫu thuật nào. Simura-san có thể đến thăm bác sĩ.
- Chúng tôi tha thiết yêu cầu cô đấy, - bà Ritsukô nói, giọng dịu dàng.
Chắc chắn là Ritsukô cũng như Sêkiguchi đềucó mục đích tốt, nhưng Nôrikô vẫn cảm thấy có một cái gì không thật. Thôi kệ, được đến nhà Naôê là điều mà Nôrikô đã tưởng chỉ có thể mơ ước thôi ! Một khi chính bà Ritsukô đã ra lệnh thì có thể đi với một lương tâm trong sạch.
Mấy ngày hôm nay Kôbasi không có lấy được một phút nào rảnh rỗi. Đặc biệt vất vả là những công việc phải làm với các bệnh nhân ngọai trú. Quá mười hai giờ trưa trong phòng khám vẫn có hàng chục người ngồi đợi đến lượt mình. May thay bệnh nhân trước ngày lễ ít hơn thường lệ, nhưng dù sao Kôbasi cũng phải làm phần việc của hai người. Khi có mặt Naôê anh chỉ phải giúp ông ta, còn bây giờ anh phải tự mình chẩn bệnh, chỉ định cách điều trị...
Đến mười hai giờ No6rikô cùng với Kaôru và Akikô đi ăn trưa. Kôbasi còn lại một mình.
Biết rằng Naôê khi đi làm sẽ điểm lại một cách đặc biệt nghiệt ngã những việc đã làm trong thời gian ông vắng mặt, Kôbasi càng nỗ lực làm việc thật chính xác.
Lúc này anh đang khám một ông già bị bệnh thấp khớp. Anh hút chất nước ra khỏi khớp đầu gối và bắt đầu tiêm prednisolone vào. Chợt nghe có những tiếng bước vội vã: có ai chạy trên cầu thang từ tầng hai xuống.
Ngẩng đầu lên, Kôbasi thấy Tômôkô Kawai đang đứng ở ngưỡng cửa thở hổn hển.
- Tiên sinh!
- Có việc gì thế?
- Cụ Isikura... - Tômôkô nói ngắc ngứ từng quãng. Có cái gì ... trong họng..ấy...
- Áp lực?
- Dạ không biết ạ...
Kôbasi lao ra khỏi phòng và chạy lên tầng hai. Nôrikô chạy theo. Bệnh nhân bị thấp khớp vẫn nằm trên cái giường nhỏ.
Khi Kôbasi và Nôrikô lao vào phòng bệnh nhân, Isikura nằm im không nhúc nhích, đầu bất ngược ra phía sau; hình như ông cụ không còn thở nữa, chỉ thấy cuống họng run run.
- Máy hút!
Nôrikô đâm bổ đi lấy máy hút.
- Cụ ơi! Cụ ơi! - Kôbasi vừa gọi vừa làm hô hấp nhân tạo.
Trong họng cụ già đờm tích lại, cản trở sự hô hấp. Một người khỏe mạnh có thể khạc nó ra một cách dễ dàng, nhưng ông già kiệt sức không còn cách gì làm như vậy.
Kôbasi đặt ống máy hút vào lỗ mũi cụ Isikura vô cho máy chạy.
- A! A-a-a!...- Cụ Isikura hét lên một tiếng man dại, và một cục đời trôi dọc theo ống máy.
- Giữ chặt ông cụ! - Kôbasi ra lệnh.
Hai cô y tá nắm chặt lấy hai tay cụ già.
Người con dâu của bệnh nhân nấp sau lưng họ sợ hãi nhìn ra, theo dõi những sự việc đang diễn ra trên giường bệnh.
- Khạc ra ! Lấy hết sức lực ! - Kôbasi điều khiển cái ống, nhắc đi nhắc lại.
Cụ Isikura ngạt thở, quằn quại đau đớn. Mấy phút sau, sự hô hấp được phục hồi, và ông cụ có phần yên tâm.
- Phù-ù-ù... Thiếu chút nữa là đã quá muộn. - Kôbasi lau mồ hôi trán.
Người con dâu lặng thinhg, chỉ hơi cúi đầu.
- Máy hút phải để thường xuyên trong phòng này.
Cụ Isikura thở mau, mặt cụ ướt đẫm nước mắt và nước miếng.
Lần này mọi sự đã kết thúc tốt đẹp, nhưng không ai có thể bảo đảm là hiện tượng này sẽ không lặp lại nữa. Cần theo dõi bệnh nhân chăm chú hơn.
Cụ già thò bàn tay ở dưới chăn ra khua khua như muốn gọi.
- Cụ cần gì ạ?
- Z-z.. z-z-zi...
- Không sao, không sao. Cụ cứ nói chầm chậm.
- Z-zi... ziết... ch-cho tôi chết nhanh đi!...
- Sao?! - Kôbasi cúi mình trên ông già, gần chạm vào mặt ông. - Sao lại ngã lòng như vậy? Phải vững tâm!
- Kh-khổ l-lắm... Thế này thì khổ lắm... - Rồi cụ Isikura quay mặt vào tường.
- Không được, không được thế. Hiểu chưa? Nào, cụ vui lên chứ! - Kôbasi vỗ vỗ lên cánh tay khô đét của cụ già.
- Naôê...Naôê tiên... sinh...
- Hôm nay tiên sinh không có ở đây, - Nôrikô vừa gia/ng giải vừa lau mặt cho bệnh nhân. - Nhưng chốc nữa tiên sinh sẽ đến.
- Giết... tôi... đi! Tôi.. xin...
- Cụ ơi, đã nói rồi, không được nghĩ tới việc đó. Bác sĩ đã cứu cụ, mà cụ... Sao lại thế?
- Hết rồi... tôi không thể... tôi không muốn nữa... - Và cụ Isikura lặng lẽ khóc nấc lên, mặt úp vào gối.
Khi Nôrikô đến nhà Naôê thì đã hơn một giờ.
Dãy hành lang vắng ngắt, cửa phòng đóng kín. Nôrikô có một cảm giác hồi hộp lạ kỳ. Có thể tưởng chừng đây không phải là lần đầu, nhưng...
Lầu sau cùng Nôrikô đến đây là khỏang mười ngày về trước. Mà cũng có thể là lâu hơn. Nhưng hôm nay cô là một người khách không mời mà đến.
"Nhỡ anh ấy không phải đang một mình? - Nôrikô nghĩ, ngón tay giơ lên bấm chuông ngại ngùng rụt lại. - Lẽ ra phải gọi điện trước..."
Nôrikô đã bắt đầu thấy hối hận là đã nhận lời đến nhà Naôê. Nhưng đây có phải là ý riêng của cô đâu... Dù sao thì cũng sẽ được trông thấy Naôê. Nôrikô gần như đã tự thuyết phục được mình rằng Naôê có nhà và đang đợi cô.
Hơi do dự một chút, Nôrikô bấm chuông. Không thấy ai ra mở cửa. Nôrikô bấm lần nữa, lại một lần nữa - không có kết quả gì. Đợi thêm một lát, cô lại bấm chuông và ghé tai vào tấm cửa. Tiếng chuông vang lên lanh lảnh. Dù chủ nhân có ngủ thì cũng nghe thấy "Chắc có ai thật". Nôrikô cảm thấy tim đau nhó. Một khi Naôê không mở cửa, thì ắt là ở trong ấy đang có một người đàn bà.
"Anh ấy và một người đàn bà nào..."
Nôrikô hình dung ra một quang cảnh quen thuộc : hai người đang ngồi nép sát vào nhau và nín thở lắng nghe tiếng chuông ngòai cửa. Người đàn bà áp má vào ngực Naôê, còn anh ấy thì ôm lấy nàng và nhìn sang bênh cạnh... Và đây họ nhón chân đi rón rén đến cạnh cửa, ghé mắt vào mắt cửa nhìn ra ngòai... Chính từ bên ngòai, con mắt cửa nhỏ xíu, hầu như không trông thấy được, nhưng nhìn từ bên trong thì bao quát được một vùng khá rộng.
Có thể bây giờ họ đang nhìn Nôrikô chăng? Cô liền vội vã tránh sang một bên.
Bên kia cánh cửa vẫn lặng ngắt như tờ.
Trong hành lang có tiếng mở cửa, và từ căn hộ sát bên, một người đàn bà mặt kimônô bước ra và đi qua mặt Nôrkô. Cứ trông cái cử chỉ quả quyết của người đàn bà khi đóng cửa lại, Nôrikô đóan được rằng người ấy cư trú ở đây. Nôrikô đứng yên một lát nữa, rồi thở dài và cũng đi về phía thang máy.
Trong khi buồng thang máy trượt xuống, Nôrikô nghĩ: biết trả lời Ritsukô và bà y tá trưởng ra sao đây? Vừa rồi có sao cứ kể hết ra như vậy chăng? Nhưng nếu thế cô sẽ làm hại Naôê. Vì ông đã nói rằng ông ốm. Không, không thể làm như vậy được. Cứ thế này thôi, người ta cũng đã bàn tán quá nhiều.
Mới vừa qua Nôrikô óan giận Naôê, nhưng bây giờ cô lại cuống quít bới óc tìm cách bao che cho ông.
Thang máy dừng lại. Nôrikô bước ra, và qua tấm cửa kính của phòng đệm cô lại trông thấy người đàn bà ở tần năm: bà ta bước trên đường phố, tay giữ tà áo kimônô đang căng phồng lên dưới gió. Nôrikô chậm rãi bước theo người ấy.
Hai giờ rưỡi. Giờ nghỉ trưa đã hết, từ giờ đến tối hãy còn xa, và cái ngõ hẻm rất vắng. Đi dọc theo cái hẻm thoai thỏai xuống dốc, Nôriô ra đến phố lớn. Ở đây là một cuộc sống khác hẳn: chen chúc, ồn ào và rộn rịp.
Qua hai căn nhà Nôrikô trông thấy một quán cà phê nhỏ, hay nói cho đúng hơn, cô trống thấy cái buồng điện thọai tự động trong quán. Cô bước vào, ngồi xuống cạnh cái bàn con đặt gần cửa và gọi một chén cà-phê.