47. Sóng Đông Hải, Trúc Nam Sơn

SÓNG ĐÔNG-HẢI, TRÚC NAM-SƠN

Vi-Văn-Định ! Như bài trước đã thuật là một tên quan tàn ác nổi tiếng, đi đến đâu như hung thần đến đó, một mình một cõi, xưng bá đồ vương, nắm cả trong tay quyền sinh sát một vùng không thua gì cha con Hoàng-Cao-Khải, Hoàng-Trọng-Phu, bọn Đỗ-Hữu-Phương, Trần-Bá-Lộc…

Vì căm thù giặc Pháp, nhân dân Thái-bình nổi dậy làm cách mạng, Vi thẳng tay tàn sát. Khi Vi được đổi lên thay Hoàng-Trọng-Phu làm Tổng-đốc Hà-đông, Vi bắt các quan lại và hương chức Thái-bình phải góp tiền tiễn chân.

Ấy thế, nhưng có người đem lễ để tiễn Vi thì cũng có người làm thơ để tụng Vi, ghi « công đức » Vi, khi « ngài » sửa soạn từ giã nhân dân tỉnh Thái-bình. Bài này được dán ở trước dinh Vi và sau đó lại được hân hạnh đăng lên một tờ tuần báo ở Hà-nội :

(…) treo vào chỗ công đường ngay nơi cụ lớn họ Vi ngồi để làm gương trực tiếp cho những kẻ khác. Còn chuyện sau đây mới thật là cười đau khóc hận cho Vi.

Khi Vi lên nhậm chức Tổng-đốc Hà-đông. Người ta tưởng Vi đã già thì thay đổi tính nết, ai ngờ cái ác của Vi cũng không giảm đi và cái lối hống hách của Vi lại tăng.

Ở tỉnh Hà-đông, có nhiều các quan đại thần hay chơi núi non bộ, và hoành phi câu đối, Vi thấy thế cũng bắt chước làm theo.

Vi sắm được một quả núi non bộ rồi, quả núi ấy trị giá tiền năm 1939 là mấy ngàn, nhưng nếu bây giờ thì cả mấy chục vạn. Của ấy ở đây, nếu không phải mồ hôi nước mắt của những dân nghèo mà Vi đã thu hút bóc lột.

Vi muốn tìm một vị khoa bảng để xin hai câu liễn khắc lên hai cột đồng trụ ở hai bên bể mà trong có đặt núi non bộ. Trên cái núi này, Vi lại có trồng một bụi trúc cảnh, trông rất ngoạn mục.

Vi hỏi thăm đám tay chân, có người mách Vi muốn được câu liễn hay và chữ tốt phải cho người đi xuống Nam-định để rước ông Tú Tán. Ông Tú tuy đỗ kém, nhưng sức học và nét bút các quan Cử quan Nghè cũng phải phục.

Nghe nói, Vi cả mừng cho tài xế đánh xe đưa người đi mời ông Tú.

Ông Tú lên, Vi tiếp đãi cũng khá được gọi là lịch-sự. Vì phải như thế, nếu không sao được ruột tằm của ông Tú nhả cho.

Vi nói : Nghe tiếng ông hay chữ, tôi cho người mời ông lên đây, để ông viết cho mấy chữ vào hai bên cột này. Vi vừa nói vừa chỉ vào núi non bộ, ông làm sao cho hay, tôi sẽ trọng thưởng.

Ông Tú ngắm nghĩa một lúc, rồi viết cho Vi hai câu, một bên là :

Nam sơn trúc bất tận. 南山竹不盡

Còn một bên nữa là :

Đông hải ba vô cùng. 東海波無窮

Chữ ông Tú viết xem như rồng bay phụng múa. Viết xong, Vi bảo cụ Tú cắt nghĩa. Cụ Tú nói :

- Dạ bẩm cụ lớn, Nam-sơn trúc bất tận, nghĩa là cây trúc ở núi Nam không bao giờ hết, đây là chỉ vào bụi trúc của cụ lớn trồng trên núi non bộ, nhưng có nghĩa bóng là dòng dõi cụ lớn sẽ mỗi ngày một thịnh, cũng như bụi trúc ở núi Nam-sơn không bao giờ hết vậy. Còn Đông-hải ba vô cùng là sóng ở biển Đông biết bao nhiêu mà kể, ngụ ý chỉ vào công ơn cụ lớn, mông mênh như biển cả, lan tràn như sóng to, mỗi ngày một mạnh không ai ngăn cản được.

Cụ Tú cắt nghĩa đến đâu, Vi gật đầu khen nức nở đến đó, phải thế mới thật là lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Tả cảnh một cái núi non bộ đặt trên một cái bể mà ngụ ý được cả công đức và dòng dõi cụ lớn như thế, thì còn gì hay bằng. Có mặt ở đó, các viên thơ lại cũng phục ông Tú, tuy chỉ tú tài, nhưng thật là văn chương đại tài.

Cụ Tú ra về, Vi thưởng cho một nghìn. Từ đó mỗi khi các đồng liêu đến chơi Vi lại đem khoe câu đối ấy, mọi người ai cũng khen hay, khen đẹp, khen thực sự chớ không phải như kiểu những người mẹ hát con khen đâu.

Chúng tôi khi trước nghe kể chuyện này cũng nhận thấy là hay là chỉnh. Nhưng sau nghe cụ huyện Phạm-Can ở làng Quyết-hưng tỉnh Nam-định mới hay ông Tú với hai câu liễn đó đã chửi họ Vi rất thậm tệ. Nguyên hai câu « Nam sơn trúc bất tận, Đông-hải ba vô cùng », sự thật, không phải như cụ Tú đã giải thích mà chính là xuất phát từ hai câu trong bài hịch đánh Tùy Dạng-Đế xưa của Lý-Mật đời Đường : « Quyết Đông-hải chi ba, lưu ác bất tận, khách Nam-sơn chi trúc thư tội vô cùng ». 決東海之波流惡不盡 (…) 南山之竹書罪無窮

Nghĩa là : Khơi hết sóng Đông-hải cũng chưa hết ác, viết hết trúc Nam-sơn cũng chưa hết tội. Như thế, hai câu ấy có ý ám chỉ cái ác của họ Vi còn nhiều hơn sóng biển Đông, và cái tội của y, dẫu lấy hết trúc Nam-sơn mà chép cũng chưa hết vậy.

Ấy đó, phải người học thâm nho mới hiểu được chỗ dụng ý của tác giả. Chớ một người nho học như cụ Tú, đâu màng đem sở học và thi văn ra mà phụng sự cho một kẻ sát nhân đề cao uy tín cho những kẻ giết người.

Thế mới biết những quân tàn bạo thì dân chúng không lột mặt nạ ra bằng được cách này, cũng bằng được cách kia, không bằng lúc nọ, cũng bằng được lúc khác.

Không biết cụ lớn họ Vi « nhà Tây » sau này có sáng mắt ra không hay cứ vẫn tật nào nết ấy, để :

Trăm năm bia đá thì mòn,

Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3