48. Thúy Kiều Hay Quốc Trưởng

THÚY-KIỀU HAY QUỐC-TRƯỞNG ?

Ở một nước lắm chuyện như nước ta, số người làm văn làm báo bị nhà cầm quyền bắt bỏ tù vì tác phẩm vốn không phải ít, nhất là ở thời còn cái mồ ma chế độ thực-dân Pháp, nhưng người nhờ tác phẩm mà thoát cảnh gông xiềng có lẽ phải nói trước hết là ông Tùng-Lâm Lê-Cương-Phụng.

Người làng Nam-thanh, huyện Hương-trà, tỉnh Thừa-thiên, ông Tùng-Lâm thi đỗ cử-nhân chữ Hán khoa thi Hương cuối đời Nguyễn, rồi vào Saigon vừa làm Đông-Y, vừa viết cho nhiều tạp chí và tuần báo ở đây.

Cuộc đời của ông, không biết có hoạt động chánh trị gì không, nhưng đến năm 1940, khi quân Nhật tràn lên xứ này để lấy Đông-dương làm căn cứ đánh Đồng-Minh thì ông bị sở Hiến-binh của chúng bắt. Chúng nghi ông thân Tưởng-Giới-Thạch để phản đối Uông-Tinh-Vệ là tên trùm Hán gian theo chúng.

Được tin này, một người Việt theo Nhật lấy tên là Takeo Tô-Chi tức Võ-Tuấn-Khanh (sau bị Việt-Minh giết) vì có quen biết ông, nên hết sức vận động với sở Hiến-binh Nhật để xin thả tự-do cho ông. Kết cục, bọn Nhật đòi điều kiện ở ông Cử Tùng-Lâm phải có một cái gì để chứng tỏ cho chúng biết rõ là không phải thân Tưởng-Giới-Thạch. Ông hỏi muốn điều kiện gì, tên giám đốc sở bảo ông hãy làm bài thơ « Đả đảo Tưởng-Giới-Thạch ».

Ông Cử gật đầu, thế là giấy bút đưa ra, và chỉ không đầy nửa giờ, một bài thơ với đầu đề sau đây đã được hoàn thành bằng 8 câu luật Đường :

Đông-Á từ phen bội ước thư,

Gây nên chiến cuộc trận cầu Lư.

Thù xưa vuốt mặt thân Chu-Đức,

Nghĩa cũ đành tâm hại Phục-Cừ.

Há phải hy sinh vì nước nhỉ ?

Nhân dân đồ thán tội ai ư ?

Trót đà băm bảy năm về trước,

Sao chẳng lo toan để đến chừ ?

Đại ý ông cử lên án họ Tưởng đã quên ơn nước Nhật để gây ra biến cố Lư-Câu-Kiều (7-7-1934) là ngòi thuốc nổ cuộc chiến tranh Trung Nhật, là quên cả thù với Cộng-sản để bắt tay Chu-Đức, tư-lệnh Hồng-quân Trung-quốc đánh Nhật, và giết hại đồng chí cao cấp là tướng Hàn-Phục-Cừ. Thật chính họ Tưởng là người có tội với quốc dân, làm cho quốc dân lầm than khổ sở, chớ chẳng hy sinh vì nước cóc khô gì…

Lẽ dĩ nhiên với nội dung như vậy, người Nhật phải đắc ý khen hay. Chúng thả tự-do cho ông. Được ra khỏi nhà giam Nhật, ông Cử Tùng-Lâm bị mấy người biết chuyện phê bình cho rằng như thế không đáng là nho phong sĩ khí. Người ta không hoan nghinh gì ông Tưởng-Giới-Thạch, nhưng không muốn ông Cử phải làm thơ đả đảo ở trước oai vũ của người Nhật như thế, nhất là bài thơ ấy lại bị họ đem dịch ra tiếng Nhật để làm một lợi khí tuyên truyền.

Kể đáng phàn nàn cho ông Cử Tùng-Lâm, nhưng đến câu chuyện sau đây thì lại phải khen ông, vì khi Bảo-Đại theo Pháp trở về làm Quốc-trưởng Việt-Nam, ông đã làm một bài thơ « Vịnh Thúy-Kiều » có tánh chất thời sự để ám chỉ Quốc-trưởng :

Thơ thới đòi phen lỡ phận bồ,

Cửa người đành chịu kiếp hoa nô.

Đường xưa rừng tía vừa ra khỏi,

Nẻo cũ lầu : anh lại trở vô.

Đã trót hứa lời cùng « bác Hải »,

Sao không thẹn mặt với « ông Hồ ».

Lộn chồng trốn chúa con người ấy,

Nào hiếu nào trung ở chỗ mô ?

Bài thơ này được một tờ báo ở Saigon đăng lên. Ông Cử bị thủ-tướng bù nhìn Nguyễn-văn-Tâm bắt giam chụp mũ là phần tử nguy hiểm, bắt đi an-trí ở nhà lao Cẩm-giang, sau mấy năm trời mới thả.

Theo lời cụ Huyền-Mặc đạo-nhân, người bạn thân với ông Cử kể lại, khi bắt ông, Nguyễn-văn-Tâm sai giải ông lên văn phòng, hỏi lý do làm bài thơ ấy, trước sau ông chỉ trả lời là để vịnh Kiều như ai nấy mà thôi. Nguyễn-văn-Tâm đòi ông phải làm một bài thơ khen Kiều, nhưng ông đáp : Thứ gái lầu xanh, đi hết thằng này đến thằng nọ, quan có, giặc có, ba que xỏ lá có, mà khen được cái gì, ai khen cứ khen, chớ tôi không thể nào khen được !

Thế là tên Tâm nổi giận, sai làm án phát lưu.

Nhắc lại chuyện này, nghĩ cũng cảm khái vì con người của ông. Kể đám nhà Nho còn giữ được phẩm cách là phải nói đến ông, đặc biệt phu nhân của ông lại là người thuộc dòng dõi Tương-An quận-vương (con vua Minh-Mạng) tức thuộc hạng lá ngọc cành vàng, bất cứ lúc nào ông muốn công danh phú quý cũng dễ hơn nhiều kẻ khác vậy…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3