Một mình ở châu Âu - Chương 05

“Oh man, tôi không thể tin được.”

“Tin đi, mademoiselle,” anh ta cười to, rồi lấy bản đồ chỉ cho tôi thấy. Phải, phải, tôi chỉ ở cách bảo tàng Louvre chừng mười lăm phút đi bộ, cứ đi dọc Rivoli là tới, vườn Tuileries thì ở kế bên bảo tàng và ngay đó là khu Coocotes đại lộ Champs – Elysees và Khải Hoàn Môn; còn Pompidou ngay phía bên kia phố Rivoli; khu Latin thì cứ đi bộ dọc đại lộ thánh Michel là tới… đền Pantheon thì ở ngay gần vườn Luxembourg… “Phải rồi, mademoiselle, vườn Luxembourg… mademoiselle, mademoiselle, cô có nghe thấy tôi nói không?”

Tôi trả 2 euro để vào internet được hai mươi lăm phút từ cái máy tính dưới quầy và e-mail cho Sơn. Em đã đến Paris. Mọi việc đều ổn.

Paris, ngày…

Suốt cả đêm qua tôi đã để cửa sổ mở để lấy không khí bên ngoài và nằm mơ màng nghe những tiếng giày vọng lên từ dưới phố. Sáng nay, khi mở mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, những nóc nhà xám của Paris và đám lá thường xuân mướt mát xòa từ tường nhà vào bậu cửa lại một lần nữa làm tôi chuếnh choáng, và không sao nhập được vào đầu cái ý nghĩ tôi đang ở Paris. Nhưng rồi, tiếng thở nặng nhọc của cô bạn đầu trọc ở giường dưới đã giúp tôi có được niềm tin này. Hé đầu nhìn ra, tôi thấy cô ấy vẫn nằm úp sấp đúng tư thế đêm hôm qua và đúng chỗ cũ, không xê dịch một xăng-ti-met; hình như cô ấy không trở mình cả đêm, dù chỉ một lần. Hẳn là người bạn cùng phòng của tôi vừa đi một chuyến rất xa và mệt. Đêm qua, khi nhìn thấy người bạn đầu trọc người đầy hình xăm này, tôi có hơi lo lắng. Tôi đã đi ngủ với ý nghĩ: trời ơi nhỡ cô gái này là sát thủ giết người hàng loạt, nửa đêm cô ta sẽ chồm dậy, dí dao vào cổ mình thì sao? Hoặc cô ta là dạng psycho đang bỏ nhà đi bụi, cô ta cũng sẽ chồm dậy… Nếu phải chết vào đêm đầu tiên ở Paris thì thật là…

Nhưng giờ, tôi vẫn còn nguyên đây và người bạn cùng phòng vẫn đang úp mặt ngủ. Tôi sẽ để cho cô ấy ngủ tiếp, còn tôi thì phải xuống nhà ăn sáng để còn ra ngoài Paris.

Qua cửa sổ, sáng nay Paris nhiều mây xám, trông như sắp mưa. Gió thổi mạnh, lay những hàng cây dọc sông Seine và khiến những người đi bộ bên ngoài đều dựng cổ áo, rảo bước. Nhìn họ, tôi cũng muốn nhanh chóng ăn xong bữa sáng để ra ngoài. Khách sạn này cho mỗi người một bữa sáng miễn phí gồm một cái croissant, nửa cái bánh mì dài baguette, một cốc nước cam, một phần bơ, một phần mứt quả, và một cốc nước để rót cà phê hoặc chocolate nóng. Tôi chọn chocolate nóng, bỏ lại cái baguette. Mặc dù không có thói quen ăn sáng, nhưng biết hôm nay sẽ đi bộ nhiều nên tôi cũng cố ăn hết cái croissant và uống cạn cốc chocolate.

Tôi cẩn thận đội mũ, quấn khăn, và mang theo một chiếc ô nhỏ. Ở quầy tiếp tân, anh chàng da đen trực đêm tối qua nhận ra tôi nên toe toét cười:

“Bonjour, mademoiselle. Hôm nay cô sẽ đi đâu?”

“Nhà Victor Hugo,” Tôi nói.

“Trés bien… chúc cô một ngày tốt lành.”

Trong rất nhiều ý nghĩa, Paris với tôi trước hết là thành phố Victor Hugo và có Victor Hugo. Trước khi tới Paris tôi đã dự định sẽ dành buổi sáng đầu tiên ở Paris để đi đến căn nhà mà Hugo đã sống cùng vợ trong mười sáu năm. Căn nhà nằm ở khu Place de Vosges tại quận Bốn, cách khách sạn không xa.

Nhưng tôi ra khỏi cửa được vài bước, tôi đứng lại, rồi cứ từ từ quay đầu hướng về phía Nhà thờ Đức Bà Paris. Tôi đã không thể cưỡng lại, như thể có một bàn tay vô hình nào đó dẫn dắt. Vậy là tôi đi dọc con đường bờ sông, băng qua cây cầu trước cửa Hôtel de Ville để tới Nhà thờ Đức Bà.

Từ bên ngoài và từ đằng trước, Nhà thờ Đức Bà không mấy ấn tượng. Hai tháp chuông và mặt tiền của nhà thờ có một vẻ trần trụi không ăn khớp với tưởng tượng của tôi; do thế trông lại khang trang, sáng sủa đáng thất vọng do màu vôi sáng. Thêm vào đó, từ sớm và trời tuy lất phất mưa nhưng rất nhiều khách du lịch đã xếp hàng và ngồi khắp quảng trường phía trước nhà thờ - tất cả đều toach toách làm dáng để chụp ảnh khiến cho toàn bộ tưởng tượng mấy chục năm nay của tôi về Nhà thờ Đức Bà cứ bị những cái chớp máy ảnh và những nụ cười nhiếp ảnh xé nát.

Trong nhà thờ hơi tối. Ánh sáng dường như chủ yếu có mục đích làm nền cho hàng cửa sổ kính màu ở trên cao, còn bên dưới, những khuôn mặt làm người chìm vào bóng tối và sự chờn vờn của những ánh nến thắp dọc hành lang. Đột nhiên, Paris bên ngoài không còn tồn tại. Xung quanh, những người khách du lịch đi lại rón rén; một số khác gục xuống những hàng ghế cầu nguyện; tiếng thì thầm của khách và những tiếng cầu nguyện cùng với tiếng bước chân ầm ầm dưới những mái vòm cao khiến cả nhà thờ có không khí của một nhà nguyện Trung cổ. Tôi ngồi xuống một hàng ghế gần một cây cao. Càng ngồi, tôi càng chìm dần vào một cảm giác quen thuộc như thể tôi không phải khách du lịch ở đây; tôi là một người quen ghé lại căn nhà cũ, nơi người chú mà tôi từng thân thiết đã chuyển đi từ lâu nhưng cũng có thể bất thình lình ghé lại ngồi xuống cạnh tôi: “Xin chào, đã lâu quá rồi phải không?”.

Sáng nay, khi đi ngang cây cầu phía trước Hôtel de Ville và nhìn sông Seine lần đầu dưới ánh sáng ban ngày, tôi cũng có cảm giác đúng như thế. Rằng bất thần, khi tôi đứng nhìn Paris trong thời tiết xe lạnh và hơi xám, với những ngôi nhà trầm mặc đứng dọc hai bên bờ sông và những hàng liễu rủ dưới kè sông, có thể nhà cách mạng già trong Chín mươi ba, hay một thanh niên Sorbonne trong nhóm bạn ABC, mà cũng có thể người đàn ông cầm ô mặc áo vest đen trong bức “Paris trời mưa” của Gustave Caillebotte [22] sẽ đến đứng gần tôi mà thì thầm “ Xin chào, đã lâu quá rồi phải không?”

Phải, đã lâu quá rồi.

[22] Họa sĩ người Pháp, thuộc trường phái ấn tượng.

Rời khỏi Nhà thờ Đức Bà, tôi đi dọc con đường chạy ngang mặt nhà thờ, băng qua đại lộ chạy dọc bên kia sông Seine, rẽ trái, và bắt đầu lạc vào một mê lộ những con đường nhỏ mang không khí phố cổ Hà Nội, chỉ có điều là kiến trúc Pháp hoàn toàn sạch, đẹp hơn nhiều. Tôi cố gắng nhớ tên Rue nọ Rue kia để xem tôi đã đọc thấy chúng trong sách chưa, nhưng nhanh chóng đầu hàng vì quá nhiều đường phải nhớ, quá nhiều thứ phải nhìn… Sau một lúc, tôi hoàn toàn lạc đường, nhưng hoàn toàn hạnh phúc. Tôi đang ở trong khu Latin – khu vực bao quanh Đại học Sorbonne ngày xưa, trung tâm của Paris cổ. Khắp nơi tôi nhìn, những quán cà phê san sát, những cái bàn nhỏ và ghế đặt từng đôi dọc vỉa hè, và khách ngồi ngập các quán, uống cà phê trong những cái chén nhỏ xíu khác hẳn ở Mỹ, và hút thuốc và nói chuyện như thể họ có tất cả thời gian trên đời. Và tôi phải công nhận, người Paris đẹp, ít nhất là ở khu Latin này.

Bây giờ thì tôi đang ngồi trong nhà hàng của vườn Luxembourg, gần lối vào từ đại lộ Thánh Michel. Nhà hàng ở ngoài trời, hầu hết bàn được đặt dưới những bóng cây, có dù che nhưng lúc này các cây dù đều được cụp lại. Người bồi bàn vừa mang bữa trưa của tôi ra. Bữa trưa có thịt bò bourguignon [23], mấy củ khoai tây luộc còn để nguyên cả củ, và hai lát bánh mì trắng cùng một miếng bơ. Lúc này, mặt trời đột nhiên ló ra sau những đám mây và một cơn gió nhẹ thổi xuyên qua những hàng cây cổ thụ xanh lá, đuổi cát và lá khô chạy thành một cơn sóng dưới mặt đất. Ánh nắng chiếu qua những tán lá rộng đung đưa, làm cho những bóng nắng dưới đất liên tục nhảy múa. Một ngày mùa thu tuyệt vời. Tôi tháo khăn khỏi cổ, và ngồi đó ăn bữa trưa đơn giản, một mình giữa những người Paris xa lạ mà hạnh phúc không sao tưởng nổi. Tôi xắt những củ khoai tây mềm thành những miếng nhỏ, tưởng như đang xắn vào những khối hạnh phúc, rồi nhúng chúng vào nước xốt thịt bò hầm và để cho những miếng hạnh phúc tơi trong miệng thành triệu triệu hạt sung sướng.

[23] Thịt bò hầm với rượu vang, một món truyền thống của Pháp.

Lúc này, trong nhà hàng cũng như trong vườn có rất nhiều người. Một số ngồi trên những chiếc ghế sắt xanh nhạt tranh luận, một số đọc sách (và nhìn bìa sách thì có thể đoán chúng là sách triết học, khoa học, thơ, tiểu thuyết nghiêm túc chứ không phải loại sách đọc giải trí mà người Mỹ hay mang ra công viên hoặc bãi biển đọc trong lúc tắm nắng). Một số người đang hí hoáy viết trên những cuốn sổ nhỏ; một số thì cưỡi lừa (không hiểu lừa ở đâu ra); một số chơi tennis hoặc cầu lông; những ông già thì chơi cờ dưới một cái nhà bát giác có mái. Quanh bồn nước lớn, những đứa trẻ nặn cát; nghịch nước, đua thuyền buồm; những người cha vừa ăn trưa vừa tỉ tê nói chuyện với con; những đôi vợ chồng già thì ngồi yên lặng cạnh nhau, mặt cùng hướng về mặt trời. Rất đông thanh niên trẻ, chắc từ trường Đại học Sorbonne và các trường Đại học quanh đây – họ ngồi từng nhóm cười đùa, nói chuyện và hút thuốc trong lúc mấy đứa trẻ cứ đạp vòng vòng quanh bồn nước… như thể Paris đã tiếp diễn thế này từ thế kỷ XVIII, XIX… và thời gian cứ thế trôi…

Sau bữa trưa, tôi đi loanh quanh trong vườn, ghé chỗ này một tí, chỗ kia một tí, xem các ông già ném bi sắt, nghe lỏm những câu chuyện tiếng Pháp tôi không hiểu chỉ để mà nghe, ngắm những dáng người ngồi yên lặng trong vườn… rồi khi cảm thấy rằng tôi cần để dành vườn Luxembourg cho những lần tới nữa thì tôi ra khỏi vườn bằng cổng trên phố Rue de Vaugirard, tôi nghe lỏm được câu chuyện tiếng Anh của hai phụ nữ Mỹ; họ vừa tra bản đồ vừa bàn nhau cách đi tới tháp Eiffel rồi bước đi quả quyết. Vậy là tôi đi theo bọn họ, nhưng chẳng mấy chốc, tôi mất dấu vì họ bước quá nhanh và cứ theo đúng chỉ dẫn mà đi, còn tôi thì cứ la cà nhìn hết cái nọ cái kia trên phố… và ngẩn ngơ như một kẻ dở hơi.

Ở góc giữa Boulevard Raspail và Rue de Babylone, tôi nhìn thấy một cô gái trẻ mảnh mai, tóc hạt dẻ rối bời đang úp mặt vào tường, hai tay che mặt khóc nức nở một cách hồn nhiên. Có cái gì đó rất Paris trong cảnh này – một sự bồng bột, bốc đồng, và hồn nhiên Paris mà tôi không nghĩ mình có thể gặp ở Mỹ, Đức hay Việt Nam. Những người Paris khác đi qua cô gái với vẻ thản nhiên như thể họ thấy điều đó quá thường xuyên; trong khi đó tôi và hai người phụ nữ Mỹ thì không sao thản nhiên được. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau rồi cùng bước lại phía cô gái. Người già hơn trong số hai người kia hỏi cô gái bằng tiếng Pháp:

“Cô có làm sao không? Chúng tôi có thể giúp gì cho cô không?”

Cô gái quay lại nói: “Non non merci” nhưng liền đó tuôn ra một tràng dài tiếng Pháp. Cô tiếp tục khoa tay và hồn nhiên kể qua hàng nước mắt một câu chuyện gì đó với hai người phụ nữ kia; câu chuyện có vẻ liên quan đến một người bạn trai đã làm cô đau lòng. Ngay cả trong lúc khóc nức nở, hai má đầm đìa nước, mặt hồng lên vì kích động, và tóc tả tơi, trông cô gái Paris này quá quyến rũ. Tôi không hiểu chàng trai nào làm cô đau lòng đến thế. Nếu tôi là đàn ông, tôi sẽ ôm lấy cô mà an ủi. Thực ra lúc này tôi cũng muốn làm việc như vậy nhưng tôi để phần đó cho hai người phụ nữ đứng tuổi.

Trên phố Rue de Bac, tôi dừng lại mua một cái thẻ điện thoại, nhưng lý do lớn hơn là để chiêm ngưỡng cái sạp báo và tạp chí nhỏ giữa đường; ở đó báo và tạp chí được sắp xếp như một công trình nghệ thuật sắp đặt hoàn hảo; nhưng tuyệt nhất là cái cách người đàn ông bán báo đứng tuổi ăn mặc chỉn chu, đeo cà vạt, xức nước hoa trong lúc bán báo, và luôn miệng nói chuyện với những người khách ghé vào mua báo như thể họ đã quen nhau lâu lắm rồi và câu chuyện họ nói là một câu chuyện vĩnh cửu. Tôi đứng đó nghe cái dòng đối thoại liên tu bất tận mà tôi chỉ hiểu vài chữ lõm bõm “Oui”, “D’accord”, “Voilà”, xen những tiếng cười và những cái vung tay. Trên phố Rue de Varenne, tôi đứng lại ở những cửa hàng bánh ngọt đế ngắm những cái bánh đẹp đến mức khó tưởng tượng là người ta nỡ ăn chúng, rồi không dừng được mà mua một cái tiramisu và tiếp tục ngẩn ngơ nhìn người chủ cửa hàng cẩn thận cho vào trong một hộp giấy nhỏ, thắt một chiếc nơ bên ngoài, rồi bỏ vào một cái túi giấy cho tôi.

Chao ôi là sự công phu và kiều diễm trong từng chi tiết của cái đời sống Paris. Cái tinh thần lãng mạn Paris không nằm trong sự bay bổng của tình yêu hay trong nghệ thuật, mà mấu chốt của nó là ở niềm tin chắc chắn của người Paris rằng cái đẹp cần thiết cho cuộc sống, và người Paris theo đuổi cái đẹp ấy với sự kiện định như người Mỹ theo đuổi thực dụng, hoặc người Việt Nam theo đuổi… thực sự thì tôi không chắc người Việt Nam theo đuổi cái gì.

Tôi lại bắt đầu lẫn đường. Tháp Eiffel có vẻ ngay trước mặt mà đi mãi không tới. Hai sinh viên Mỹ đến từ Philadelphia thấy tôi loay hoay giở bản đồ ra tra thì hỏi thăm và bảo với tôi rằng tôi đã đi sai đường nhưng gần đây có bảo tàng Rodin. Vậy là tôi một lần nữa bỏ dở kế hoạch tới tháp Eiffel để rẽ vào bảo tàng Rodin và một lần nữa, lại chuếnh choáng say sưa vì tượng.

Rời khỏi bảo tàng Rodin lúc 4 giờ chiều, tôi đi ra đại lộ Invalides. Ngày đang bắt đầu tàn; tôi ngồi trên bờ tường thấp xung quanh điện Invalides ăn cái tiramisu dưới ánh nắng ấm của ngày đầu thu. Trước mặt tôi là đường Tocqueville và sau lưng tôi là điện Invalides – nơi chứa hài cốt của một số nhà cách mạng và những người anh hùng đã hy sinh vì nước Pháp, bao gồm cả Napolêon. Tôi nghĩ đến cuốn Dân chủ của Tocqueville và hiểu chính là ở Paris chứ không ở đâu khác mới có thể khởi đầu cuộc đại cách mạng tư sản, mới có những nhà triết học, nhà chính trị, nhà văn, và tư tưởng như Tocqueville, Hugo, Zola… Paris cho họ tinh thần để làm điều đó.

Thật may mắn khi tôi được ở Paris vào lúc này.

Vào lúc này không có bất cứ thứ gì khác mà tôi cần làm ngoài việc nằm trên bờ tường thấp này, nhìn lên trời, và để cho nắng cuối ngày, và những cơn gió nhẹ, và Paris, ngấm vào tôi.

Trở về phòng sau ngày đầu tiên, tôi thấy cô gái đầu trọc vẫn đang nằm trên giường y như đêm qua và sáng nay. Có điều, cô ấy không ngủ. Khi thấy tôi, cô ấy nói “Bon soir”, rồi cười. Vậy là chúng tôi làm quen. Fracesca không nói tiếng Anh, còn tôi thì không biết ngoại ngữ nào khác ngoài tiếng Anh. Cuộc nói chuyện lộn xộn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý bồi của chúng tôi diễn ra thế này:

Fracesca: “You name?”

Tôi: “Ruby [24]. And you?”

[24] Nếu bạn ở Mỹ lâu và đã chán việc cứ phải đánh vần tên tiếng Việt của bạn khi người ta hỏi bạn tên gì, thì bạn cũng sẽ như tôi chọn một cái tên tiếng Anh để trả lời những người xa lạ.

Fracesca: “Francesca.”

Tôi: “You work?”

Francesca: “Nurse. You?”

Tôi: “Etudiant.”

Francesca: “Ah, where you from?”

Tôi: “America. Where you from?”

Francesca: “Milan. You how old?”

Tôi: “30. You how old?”

Francesca: “33” (giơ ba ngón tay ra hai lần) [25]

Sau đó, chúng tôi kể xem ngày hôm nay chúng tôi đã làm những gì.

[25] Tên gì? Ruby, còn chị? Francesca. Chị làm gì? Y tá, còn chị? Sinh viên? À, chị từ đâu tới? Mỹ, chị thì sao? Milan, chị bao nhiêu tuổi? 30, còn chị? 33.

Francesca: “Me go Montmartre. Where you go?”

Tôi: “Notre Dame, Pantheon, Rodin Museum, Invalides.”

Francesca: “Ah, beaucoup. Bien.”

Tôi: “Yes, beaucoup walking.”

Francesca: “Huh?”

Tôi: “Beaucoup walking… walking… đi bộ” (lấy hai ngón tay làm động tác đi bộ trên mặt bàn).

Francesca: “Ah…”

Tôi: “Chị làm gì… hừm… tôi, Notre Dame, Muser Rodin… nhìn, ngắm nhìn (mắt lơ láo nhìn lên trần nhà và quanh phòng)… chị thì sao? Shopping?”

Francesca: “Ah, non non… Tôi, nhà thờ Sacré-Coeur.”

Tôi: “Bảo tàng Salvador Dali [26]?”

[26] Bảo tàng trong cùng khu đồi Montmartre, cạnh nhà thờ Sacré-Coeur.

Francesca: “Non non… vẽ… vẽ chân dung… tôi chân dung…”

Tôi: “Chị chân dung? Ở Montmatre?” (Tôi tưởng là chị ấy tới Montmartre và để cho các nghệ sĩ đường phố vẽ chân dung.)

Francesca: “Non, ở Italy… tôi bức tranh.”

Tôi: “Chị bức tranh?”

Francesca: “Yes, tôi bức tranh.”

Khổ quá, ý Francesca là ở Milan, chị ấy cũng vẽ tranh. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện theo cách đó – lẫn lộn tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý bồi và rất nhiều cử chỉ. Thế nào mà chúng tôi cũng kể được cho nhau nghe xem mình có mấy anh chị em (Francesca có một chị gái đang có một đứa con chín tháng tuổi). Tôi hỏi Francesca chị đã ăn tối chưa (lấy tay và vào miệng); Francesca nói ăn rồi và hỏi tôi ăn chưa. Tôi nói “non non, no dinner”; chị mở túi đưa cho tôi hai cái bánh cam.

Chúng tôi đang ăn bánh thì cửa phòng bật mở toang và một cô gái Hàn Quốc khệ nệ lôi hai cái va li lớn vào phòng. Thấy chúng tôi, cô gái vừa cười vừa thả cho hai cái va li rơi xuống sàn. Đấy là một cô gái Hàn quốc điển hình: tóc dài ép thẳng; mặt trang điểm như sứ trắng, trông hiền lành. Cô gái ngồi phịch xuống một giường còn trống, tự giới thiệu mình tên là Julia. Vậy là chúng tôi bắt đầu một cuộc nói chuyện tay ba trong đó Francesca bập bõm tiếng Pháp, Julia nói một ít tiếng Anh còn tôi nói tiếng Anh với một vài từ tiếng Pháp. Thế mà chúng tôi vẫn nói được đủ thứ chuyện phiếm, như chuyện diễn viên và cầu thủ ưa thích. Francesca thích Al Pacino và Robert de Niro. Julia thì thích Brad Pitt và Orlando Bloom. Tôi tranh thủ nói với Francesca về sự hâm mộ của người Việt Nam một thời với bóng đá Ý, nhất là Roberto Baggio.

Tôi: “Roberto Baggio. World Cup. On television. Baggio đẹp trai. Vietnam like Baggio.”

Francesca: “Baggio đẹp trai? No no. Baggio no đẹp trai.”

Tôi: “Baggio no đẹp trai? Nhưng Baggio football bien. Très bien.”

Francesca: “Oui, Baggio football bien. Nhưng I love you non Roberto Baggio. I love you non noir hair (chỉ vào tóc). No Europe sud. No Mediteranian.”

Ý Francesca là Roberto Baggio đá bóng hay thật nhưng mà không đẹp trai; chị ấy không thích Roberto Baggio; chị ấy không thích đàn ông tóc đen và bóng nhẫy như đàn ông Nam Âu hay đàn ông ở vùng Địa Trung Hải. Tôi dịch lại cho Julia hiểu.

Julia (quay sang Francesca): “What you like [27]?”

[27] Chị thích kiểu gì?

Francesca: “Me like hair blonde (chỉ vào tóc). Me like eye blue (chỉ vào mắt). Nord Europe, Switzeland. Sweden.”

Vậy là Francesca thích đàn ông Bắc Âu tóc vàng mắt xanh. Ví dụ đàn ông Thụy Sĩ hay Thụy Điển. Đến đây, như mọi cuộc nói chuyện giữa các cô gái, câu chuyện quay về tình yêu và hôn nhân.

Francesca (hỏi tôi): “You boy [28]?”

[28] Em, con trai?

Tôi: “Huh?”

Francesca: “You boy?... hmm… boyfriend? You boyfriend? [29]”

[29] Em, con trai? Hửm… bạn trai. Em, bạn trai? Có bạn trai?

Tôi: “Ah, boyfriend, me no boyfriend. Me husband… Husband in America [30].”

[30] À, bạn trai. Không, em không bạn trai. Em có chồng… chồng đang ở Mỹ.

Julia: “Wow… You husband? You young [31].”

[31] Wow, em có chồng? Em trẻ.

Tôi: “Me young? No no, me no young. Me 30. Francesca 33. You how old?[32]”

[32] Em trẻ? Không không, em không trẻ. Em 30. Francesca 33. Chị bao tuổi?

Julia (phá lên cười, lấy tay che miệng): “No no, me not tell [33].”

[33] Không không, chị không nói đâu.

Julia dứt khoát không chịu nói tuổi (nhưng tôi đoán ít nhất cũng bằng Francesca).

Tôi hỏi Francesca điều mà tôi tò mò từ hôm qua:

“You no hair [34]?”

[34] Sao chị không có tóc?

Đến đây thì Francesca cười buồn buồn, nói rằng chị không có tóc vì đang phải hóa trị và xạ trị bệnh ung thư vú. Đợt này chị đang có một quãng nghỉ giữa hai kỳ điều trị nên tranh thủ đi du lịch; khi trở lại Milan, chị sẽ lại phải tiếp tục một đợt điều trị mới. Chị không biết là còn sống được bao lâu, có thể chị sẽ khỏi hẳn mà cũng có thể không; Francesca đã quyết định là chừng nào còn có thể đi lại được thì sẽ đi thăm tất cả những nơi chị muốn, đề phòng khả năng không còn nhiều thời gian.

Cả tôi và Julia đều nói chúng tôi rất tiếc và chúc chị mọi điều tốt lành. Tôi nói, Francesca, trông chị còn rất khỏe mạnh, da chị rất sáng và đẹp, không giống người ốm tí nào. Francesca cười, nói rằng da đẹp phải như da của Julia. Julia nói trời ơi, để có được làn da này vất vả lắm, giá mà chị có làn da trắng tự nhiên như Francesca thì đã đỡ biết bao; chứ con gái Hàn Quốc phải học dưỡng da từ lúc bốn, năm tuổi và mỗi tối trước khi đi ngủ phải mất cả tiếng để làm các thủ tục dưỡng da. Chính vì thế mà mỗi lần đi du lịch, chị phải lôi theo cả đống va li to đùng (chỉ vào hai cái va li trên sàn nhà). Julia mở cả va li cho chúng tôi xem. Bên trong va li lỉnh kỉnh các loại hộp, chai, lọ, tuýp đựng các loại kem, dầu, phấn dưỡng tóc, dưỡng da… cho từng bộ phận… kem riêng cho da cổ, vài loại cho da mặt, vài loại cho mắt, cho vùng chữ T, cho môi, cho cả tai, kem làm trắng da, kem chống nếp nhăn, kem giữ ẩm, kem giữ da săn, kem chống tàn nhang, vân vân… Julia còn mang theo những lọ dầu gội và dầu xả to, cộng với sữa tắm, thuốc xịt côn trùng và rệp; máy sấy tóc; năm, sáu đôi giày dùng cho các trang phục khác nhau và ngồn ngộn quần ao. Tôi nói tôi chỉ có mỗi một cái va li nhỏ và túi xách tay.

Julia không tin, bắt tôi mở va li cho xem. Tôi mở ra: tôi chỉ có cả thảy ba cái quần bò, vài cái sơ mi; hai đôi giày trong đó một đôi đang đi… Tôi chỉ mang một lọ dầu gội đầu nhỏ mà tôi dùng luôn làm sữa tắm khi đi du lịch. Chỉ có thế thôi, chẳng có gì khác cả.

“Thế túi mỹ phẩm của em đâu?” Julia không tin nổi.

Tôi cho Julia xem: tôi chỉ có một cái túi lớn hơn cái bao kính một chút, đựng một lọ kem dưỡng ẩm nhỏ, một hộp phấn nền, một hộp phấn má nhỏ, một thỏi son môi, một cái bút chì mắt, chấm hết. Julia liên tục “wow, wow” – tôi không biết chị ngưỡng mộ hay sốc khi một cô gái có thể chỉ có từng ấy thứ đồ mỹ phẩm.

“Me nothing!” Francesca nói. “No hair. No makeup. No care [35].”

[35] Tôi chẳng có gì cả. Không tóc. Không mỹ phẩm. Không quan tâm.

Francesca đúng rồi. Nếu tôi bị ung thư, tôi chắc cũng không quan tâm đến mỹ phẩm, thời trang nữa. Sự hiện hữu của cái chết sẽ làm chúng ta nhận rõ cái gì thực sự cần, cái gì không cần. Nhìn Francesca, tôi lại nghĩ, dường như quá nhiều người trong chúng ta chỉ làm điều mà chúng ta thực sự muốn khi bị dồn vào bước đường cùng, khi có một cái hạn cụ thể cho sự tồn tại. Còn bình thường, ta phó mặc cho những ước mơ cứ thế chết dần chết mòn trong cái thường nhật và sự nhạt nhòa của thời gian.