Thành phố hoang vắng - Chương 31 part 1

Chương 31

Về đến văn phòng, Thái Hồng không dám khai ra Minh Châu là người đã tác động vào chuyện này,cô quyết định trao lại chìa khóa: “Ý của bí thư vẫn là muốn bảo vệ chúng ta, thế thì hai ta cứ cẩn thận chút vậy.”

Thực ra hai người ở cạnh nhau chẳng qua cũng chỉ vì mấy chuyện như chấm bài thi, thảo luận về bài luận, uống trà, ăn cơm trưa, chỉ thế thôi. Hai người đều không thuộc dân văn phòng, phải trực ban, thời gian cùng xuất hiện trong khoa không nhiều. Bất luận là bộ môn Lý luận của Quý Hoàng hay bộ môn Văn học hiện đại và đương đại của cô, tỷ lệ nữ giảng viên rất ít, mọi người chuyện ai người nấy làm, nên cũng chẳng có gì để đồn thổi.

Một cú đả kích xíu xiu không là gì. Hai người cùng nhau đến căng tin ăn trưa, sau đó ra phía sau vườn trường, mỗi người cầm một chai nước khoáng, ở đó có con đường mòn do dấu chân người đi đường tạo nên, hai người tản bộ trên con đường đó.

Trời đã vào cuối thu, lá phong đỏ rực một góc trời, xa xa thấp thoáng từng dãy kiến trúc giả cổ của khu ký túc xá dành cho giáo viên hướng dẫn tiến sĩ. Những mái ngói màu xanh lam cong cong tựa như đàn chim én bay qua tán cây đang xào xạc. Những người yêu thích phong thủy nói rằng khu ký túc xá đó ở thế tựa núi hướng sông, hướng Nam đón nắng, chính là vùng đất lành hiếm có của trường F, trước giờ chỉ dành cho những học giả ưu tú nhất, những người đại diện cho thực lực của trường. Thuở còn làm nghiên cứu sinh, Thái Hồng từng đến đó vài lần. Khu ký túc xá này tuy thiết kế đẹp nhưng không quá lộng lẫy như người ta vẫn tưởng. Hành lang hơi tối vì ánh sáng không tốt lắm, nhưng phía sau tòa nhà có con đường đi thẳng vào rừng cây, có thể nói là ngập tràn hương đồng nội, không khí trong lành.

Thái Hồng vỗ vỗ vai Quý Hoàng: “Quý Hoàng, có thấy mấy tòa nhà màu đỏ kia không?”

“Thấy rồi. Sao?”

“Anh hãy cố gắng để được vào trong đó, lúc đó em sẽ có căn hộ tốt để ở rồi.”

“Đó là tòa nhà gì mà em lại mong ngóng thế?”

“Ký túc xá dành cho giáo viên hướng dẫn tiến sĩ đấy! 4-2LDK, còn có thêm một vườn hoa nhỏ nữa.”

“Căn nhà to thế em ở được không đấy?” Quý Hoàng tìm một tảng đá to rồi ngồi xuống, hờ hững nói.

“Ở được chứ sao không, càng to càng tốt! Khu vườn ở phía sau, em sẽ trồng một cây quế, rồi trồng thêm một dãy thủy tiên. Ở giữa đặt chiếc bàn, hai cái ghế mây, những khi rỗi rãi chúng ta có thể ngồi đó hóng gió, uống trà, còn có thể nằm xuống cùng nhau ngắm mưa sao băng...”

Quý Hoàng đang uống nước, suýt nữa phun ra hết vì sặc: “Cô Hà, cô nghiên cứu cả buổi chủ nghĩa nữ quyền, nghiên cứu tới nghiên cứu lui, vẫn là gửi gắm hy vọng trở nên giàu sang phú quý lên vai người đàn ông. Chẳng lẽ thứ mà em nghiên cứu không gợi mở chút gì cho nhân sinh quan của em sao?”

“Không có. Cũng giống bà Virginia Woolf đó, một mặt viết những tiểu thuyết tràn ngập ý thức nữ quyền, một mặt không hề ngại ngùng sai khiến mấy người giúp việc nữ. Đấy gọi là theo nghề chủ nghĩa nữ quyền. Nói cách khác là những người nghiên cứu cái này đều không tin vào nó, em chẳng qua là buôn bán các lý luận, kiếm tiền nuôi nhà mà thôi.”

“Thế những thứ em tin có khác gì với tiểu thuyết ngôn tình hả?”

Thái Hồng sững người, nín lặng. Thực ra cô chỉ nói đùa cho vui, nhưng Quý Hoàng lại tưởng thật. Thái Hồng nghĩ thầm, nếu em tin vào cái đó thì sao còn đi yêu anh làm gì? Không cầm lòng được, cô trêu anh tiếp: “Không có gì khác. Này, có phải anh cảm thấy em rất thực dụng, khiến anh thất vọng không?”

“...” Quý Hoàng không đáp.

“Nói đi chứ, anh tin vào cái gì?” Mắt cô đảo quanh, rồi ném câu hỏi về lại phía anh.

“Anh tin vào lao động. Anh thích hoạt động thể lực, từng có một thời gian anh rất muốn làm công nhân xây dựng.” Câu trả lời của anh rất kỳ quặc. “Khi lao động có thể khiến người ta quên đi rất nhiều chuyện.”

Ánh mặt trời xuyên qua tán cây, đọng lại trên gương mặt anh một bóng râm nơi hốc mắt. Nhìn nghiêng, trông gương mặt anh như một bức ảnh trắng đen có chút gì đó giống phong cách của những năm 30. Thái Hồng luôn cảm thấy Quý Hoàng nên cười nhiều hơn, khi cười, trông anh trong sáng, đơn thuần làm sao! Nhưng hầu hết thời gian trông anh đều có vẻ u uất, tựa như đang cất giữ biết bao tâm sự trong lòng.

Ý nghĩ thoáng qua trong đầu, cô lại cảm thấy xót xa.

Cổ họng khát khô, cô lục tìm nước trong ba lô của anh, nhưng lại sờ thấy một cái lọ tròn tròn, lấy ra xem, là bình xịt thuốc hen suyễn lần trước.

“Lúc nào anh cũng mang theo thứ này sao?” Cô tò mò hỏi. “Anh rất ít khi lên cơn hen suyễn rồi, đúng chứ?”

“Hơn ba năm nay không tái phát rồi, từ khi anh trưởng thành, hiếm khi phát bệnh lắm.”

“Nhưng anh vẫn mang theo nó mỗi ngày để đề phòng ư?”

“Mẹ anh bắt anh lúc nào cũng phải mang theo nó.” Anh nói. “Nếu như biết anh không mang theo, bà sẽ căng thẳng và tức giận vô cùng.”

“Thật sao?”

Trong đầu Thái Hồng lập tức hiện lên hình ảnh người phụ nữ với sắc mặt xanh xao, nét u sầu vương trên khuôn mặt. Cô để ý thấy mỗi khi Quý Hoàng nhắc đến bà, giọng anh rất dịu dàng, trên mặt sẽ nở một nụ cười hiếm hoi. Tình cảm giữa mẹ con anh hẳn là sâu nặng lắm.

“Ừ. Ngày còn bé, mẹ anh luôn lo rằng anh sẽ chết yểu... Bây giờ cũng như thế. Mỗi lần gọi điện cho mẹ, mẹ đều không quên hỏi anh có mang thuốc dự phòng bên người không…”

“Thế mẹ đã từng đánh anh bao giờ chưa?”

“Chưa.”

“Mẹ em từng đánh em một lần, đến bây giờ em vẫn nhớ. Hồi nhỏ em rất bướng, không chịu nghe lời, là đứa bé nghịch ngợm, bướng bỉnh nổi tiếng trong khu nhà, ban ngày chẳng thấy bóng dáng em đâu, ban đêm thì không chịu đi ngủ. Cha mẹ em đều đi làm, với số tiền lương ba cọc ba đồng đó, họ phải dốc sức làm việc, khi về đến nhà thì đã mệt lử, ngặt nỗi em lại không chịu yên lặng, cứ quậy phá khiến hai người rất mệt mỏi. Mẹ em từng nhờ một cụ già ở tầng dưới trông chừng em, trông được ba ngày thì đình công, nói em lén lút chơi quẹt diêm suýt nữa đốt luôn nhà. Mẹ em nổi cơn tam bành, đè em ra đánh một trận tơi bời. Đó là lần đầu tiên em bị đánh.”

“Em đúng là nghịch quá!” Quý Hoàng nói. “Có lẽ chọc mẹ em giận điên rồi.”

“Còn anh? Anh có nghịch không?”

Trong ấn tượng của cô, Quý Hoàng rất hiếm khi nhắc đến chuyện nhà, anh nhanh chóng bác bỏ: “Nhà anh có đến ba thằng con trai liệu có thể không nghịch được sao?”

“Mẹ anh lại không đánh con cái, làm sao mà quản được?”

“Ai nói quản con cái nhất định phải dùng đòn roi nào?”

“Xử phạt về thể xác với con trẻ đúng là không tốt, nhưng vào thời đó mọi người đều bận rộn, lại quá nghèo, không đối xử nhẹ nhàng với con cái hoặc dạy bảo những thứ tốt đẹp đâu.” Thái Hồng thở dài nói.

“Mỗi thế hệ đều có khó khăn riêng, chúng ta nên cố gắng lý giải chứ đừng ôm hận trong lòng.”

“Mẹ em cưng em lắm chứ, thực ra tính khí bà nóng nảy, nhưng vì em mẹ đã thay đổi rất nhiều. Em chưa bao giờ vì điều đó mà trách mẹ.”

Sự im lặng đột ngột bao trùm lên hai người. Đề tài liên quan đến gia đình và tuổi thơ xem ra khó mà bàn sâu.

“Quý Hoàng, anh kể về cha anh có được không?” Thái Hồng đánh bạo. “Em muốn hiểu hơn về anh.”

“Cha anh mất sớm.” Giọng anh rất bình thản, tựa như đang thuật lại một tin tức đã lỗi thời. “Ông chết trong một tai nạn hầm mỏ.”

“Anh... ưm.. đau lòng lắm đúng không?” Cô dè dặt hỏi.

Anh không trả lời, bỗng nói: “Anh đói rồi.”

“Anh đói rồi?” Thái Hồng ngơ ngác.

“Chúng ta quay về đi.”

Ba tháng thấm thoắt trôi qua.

Cả nhà Thái Hồng bước vào tình trạng chiến tranh lạnh, hình thức cụ thể của chiến tranh lạnh là “phủ tuyết”, không ai nhắc đến Quý Hoàng thêm lần nào, chàng trai mà Thái Hồng đang hẹn hò và yêu say đắm này dường như không hề tồn tại trên cõi đời. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày tiếp diễn như cũ, Hà Đại Lộ ngày ngủ, đêm lái taxi, Lý Minh Châu sáng đi làm chiều về nhà. Thái Hồng cũng dốc toàn tâm toàn sức vào kỳ thi tiến sĩ đang tới gần. Thực ra chuyện thi tiến sĩ tại chức này là sự bồi dưỡng có định hướng của khoa, chỉ cần Anh văn qua ải thì chắc chắn sẽ đỗ. Thái Hồng vốn cầm chắc chín phần mười sẽ đỗ, nhưng vì người ra đề là Thôi Đông Bích được mệnh danh là “bom cay” nên cô không dám khinh suất.

Quả nhiên không sai, đề thi lý luận thi ba tiếng đồng hồ, cô ngồi thi mà muốn cắn đứt cả lưỡi, cả phòng thi ai ai cũng vò đầu bứt tai, càng sốt ruột thì lại càng viết không ra, chỉ thiếu điều lấy sợi dây thắt cổ cho xong. Vừa bước ra phòng thi, Thái Hồng liền chửi trời với Quý Hoàng: “Chết tiệt! Lão Thôi đại tiên năm nay ra đề chắc chắn là đệ nhất khó từ trước đến giờ. Chỉ riêng phân tích đề thi đã mất một tiếng đồng hồ, lão còn bắt em kết hợp Habermas, Derrida, Foucault để bàn về tính biểu diễn của Butler, hỏi “biểu diễn” và “tính biểu diễn” có gì khác nhau, có ý nghĩa đặc biệt gì trong phê bình chủ nghĩa nữ tính không? Khó chết đi được, cả phòng thi người nào người nấy đơ ra, cả hội trường rộng lớn đầy tiếng thở ngắn than dài. Năm nay đúng là năm hạn, sao số em lại xui xẻo thế này không biết!”

Quý Hoàng nhìn cô, vẻ nhàn nhã: “Đâu đến nỗi nghiêm trọng thế? Cho dù không biết trả lời, nhưng viết đầy cả tờ giấy thi chắc em làm được mà!”

“Yên tâm, yên tâm!” Thái Hồng đáp. “Em giỏi nhất là chém gió, Habermas chưa đọc qua nhưng mấy người kia thì em biết đại khái. Nhưng mà, câu này em thực sự không biết trả lời ra sao, trong bài thi toàn viết lan man tản mạn không đi vào vấn đề chính. Người khác còn có thể đánh lừa, Thôi đại tiên thì chắc không lừa nổi rồi, đoán chừng sẽ trừ mất bốn mươi điểm của em. Hu hu hu! Em chắc rớt rồi!”

Càng nghĩ càng chán nản, cô giơ chân đá mạnh, cả một chùm cỏ trên đất bị cô đá bay.

“Thế bây giờ em biết trả lời như thế nào chưa?” Quý Hoàng hỏi.

“Haizz! Thi xong rồi ai còn lo đáp án nữa. Tốt hay xấu gì cũng xong hết rồi, em không thèm quan tâm đáp án.” Thái Hồng lầm bầm. “Đừng có nhắc thi cử với em nữa.”

“Thế sao được, thực ra đây là một câu hỏi rất cơ bản, em lại là người nghiên cứu về phương diện này, em nói không biết đến anh nghe cũng giật mình.”

“Anh có ý gì đây hả? Em đâu phải dân lý luận chuyện nghiệp đâu chứ? Câu hỏi đó lại quá thâm sâu.” Thái Hồng không kiềm được muốn chửi trời tiếp. “Em nghiên cứu về Beauvoir, chứ có phải là Butler đâu. Em nào biết được ông thầy điên đó lại cho thi Butler chứ! ”

“Anh tưởng rằng em ít nhiều gì cũng biết chút ít về Butler.” Quý Hoàng nói. “Tính “biểu diễn” của Butler là một khái niệm quan trọng trong nghiên cứu giới tính. Bài cô Quan Diệp dạy không thể nào không nhắc đến.”

“Nhắc thì cũng có nhắc”, Thái Hồng cúi gằm mặt, tựa như bị người khác nắm thóp. “Em cũng có ghi chép lại, nhưng đó là chuyện của hai năm trước, quên sạch từ lâu rồi. Nhưng mà, anh đừng lo! Em viết rất nhiều, rất dài… chỉ là không chắc lắm… có lẽ đã lạc đề đến tận đẩu tận đâu rồi.”

Đến phiên Quý Hoàng sốt ruột: “Rốt cuộc em trả lời như thế nào? Nói anh nghe xem, để anh biết rốt cuộc em chạy lạc đến bao xa rồi.”

Thái Hồng tìm một chiếc ghế đá rồi ngồi xuống, nghĩ ngợi, nói: “Trước tiên, em phân tích một đống cái gì là “biểu diễn”, biểu diễn là một người dùng hành vi diễn dịch “cái tôi” lý tưởng nhất của mình đến trạng thái lý tưởng nhất, thực ra cũng gọi là “biểu hiện”. “Biểu diễn” cũng là một người đóng vai một người khác, là sự biểu đạt trạng thái nội tâm bằng hành động. “Tính biểu diễn” là chỉ sự thuật lại quyền lực và kết cấu trên người của một người, cho nên nó không phải là sự biểu đạt tự do dục vọng cá nhân, mà là những truyền thống và quy tắc xã hội thông qua cá nhân để tiến hành sao chép cái tôi. Cho nên điểm khác biệt lớn nhất của “biểu diễn” và “tính biểu diễn” là, khi biểu diễn, cá nhân ít nhất có thể ý thức được có một chủ thể nào đó đang biểu diễn, còn “tính biểu diễn” lại mang ý nghĩa chủ thể biến mất, cá nhân bị các quy tắc bắt trở thành người phát ngôn thay cho nó. Ví dụ như em đóng vai Trương Phi, đó chính là biểu diễn, bởi em biết em không phải Trương phi. Còn nếu như em trông thấy anh tô son môi rồi trêu cười anh, thì đó là “tính biểu diễn”, bởi vì quy tắc xã hội ám chỉ làm như thế không giống một người đàn ông, và trong tiềm thức của em mặc định ngầm quy tắc này. Cho nên hành vi của em chính là thuật lại quy tắc một lần trước mặt anh...”

“Câu hỏi sáu mươi điểm mà em chỉ nói có bấy nhiêu thôi?” Quý Hoàng nhướn mày.

“Đương nhiên là không chỉ có bấy nhiêu, mấy cái như quyền lực của Foucault, chủ thể của Lacan, dấu hiệu của Derrida em đều mang vào chém gió hết... Tuy không diễn đạt hết ý nhưng chắc chắn nội dung trong đó rối tung rối mù, dám cá có thể ru ngủ Thôi đại tiên luôn, ngủ một giấc tỉnh dậy thấy em viết nhiều như thế không có công lao cũng có khổ lao, nói sao cũng phải cho em một nửa số điểm. Hi hi!”

Quý Hoàng phì cười, vỗ vỗ đầu cô: “Cô nhóc cũng thông minh đấy chứ. Thực ra em trả lời cũng không tính là lạc đề, một nửa số điểm chắc chắn là lấy được.”

Thái Hồng mừng rỡ: “Thật hả? Ý anh nói em là thiên tài đúng không?”

“Không dám khen bừa em là thiên tài”, đôi mày anh dãn ra. “Nhưng cũng rất có thực lực đấy.”

“Nếu người chấm bài là anh thì hay quá rồi. Gặp phải ông thầy Thôi đại tiên đó, có trời mới biết kết quả sẽ như thế nào!”

“Bài thi chắc chắn là thầy Thôi chấm.” Anh ngại ngùng cười cười. “Nhưng mà đề thi là anh ra.”

“Oa! Hu hu hu... Anh chơi em! Anh đừng có mà chơi người ta thế chứ!” Thái Hồng nhảy bổ vào, ra thế bóp cổ anh.

Thái Hồng trải qua một buổi chiều vui vẻ trong căn hộ của Quý Hoàng. Mấy tháng nay ôn tập căng thẳng, về nhà còn phải đối diện với vẻ mặt lạnh như tiền của Minh Châu và những ánh mắt dò xét của các bà dì, cô thím trong tòa nhà, ấy thế mà đúng lúc này Tô Đông Lâm, tấm bia đỡ đạn cao cấp của cô lại ra nước ngoài bàn chuyện dự án.

Khi ánh mặt trời uể oải từ ngoài cửa sổ chiếu vào, làn gió nhẹ lướt qua ban công thổi rơi đóa hải đường trên bàn, Thái Hồng sực nhớ đến một câu trong Lậu Thất Minh: “Núi dẫu không cao, có tiên nên danh”, nhà này tuy nhỏ, cũng đủ gửi gắm một đời người. Tiện tay với lấy một cuốn tạp chí, cô nhàn nhã ngồi trên ghế mây, lắng nghe Quý Hoàng tất bật dưới bếp. Lật được hai trang, cô chạy xuống bếp, từ sau lưng vòng tay ôm anh.

“Chuyện gì đấy?” Anh rải một chút hành tây thái nhỏ vào nồi canh cá đang sôi sùng sục. Giơ một tay ra, siết chặt lấy cô.

“Để em giúp anh nhé?” Cô nói.

“Không phải đã giúp anh thái dưa leo rồi sao?”

Cô vùi mặt vào bờ lưng anh, tay bóp mạnh ba cái vào lòng bàn tay anh: “I love you.”

Vài đĩa thức nhắm bình thường, thông qua bàn tay kỳ diệu của Quý Hoàng liền trở thành món khai vị thượng hạng. Thái Hồng ăn ngon lành, còn uống hết một chai bia to. Trước khi màn đêm buông xuống, cô tạm biệt anh ra về, biết rằng ở nhà mẹ chắc cũng đã làm xong một bàn thức ăn chờ cô về.

Bởi thái độ kiên quyết của Minh Châu, để giảm thiểu xung đột, mỗi tối Thái Hồng đều về nhà trước chín giờ đêm. Nếu không về thì chẳng khác nào tự tìm phiền phức, vì Minh Châu sẽ liên tục dội bom điện thoại cho cô. Khi về đến nhà, cô không những phải nhìn nét mặt hầm hừ của bà, mà còn phải khai báo đã đi đâu, làm gì… Dù cô có giải thích thế nào, cuối cùng bà vẫn dồn sự hoài nghi về phía Quý Hoàng, sau đó là một trận quở trách cộng thêm nói bóng nói gió…

Thái Hồng ngao ngán nói với Quý Hoàng: “Thứ em nghiên cứu là chủ nghĩa nữ quyền, nhưng chủ nghĩa nữ quyền trên người em thực sự lại là một trò cười.”

Cô không nhắc đến cách nhìn của nhà cô đối với anh, thứ nhất, Quý Hoàng là người thông minh, thứ hai, thế giới của Quý Hoàng là một thế giới trong trẻo, mớ lý luận trần tục của cha mẹ cô sẽ chỉ làm vấy bẩn anh mà thôi.

Cứ từ từ, cô có thời gian, rồi tất cả mâu thuẫn sẽ được giải quyết, bởi vì không có ai là người xấu cả. Thái Hồng luôn tự nhủ với lòng mình như vậy.

Cô không thể ngờ rằng mình và Quý Hoàng lại kết thúc một cách chóng vánh đến thế.

Hai tuần sau khi kết thúc kỳ thi, Quý Hoàng từ trước đến giờ chưa từng nghỉ tiết bất ngờ xin nghỉ phép ba tuần.

Mẹ anh lâm bệnh nặng.

Biền biệt năm ngày không điện thoại, Thái Hồng thấy ngày dài đằng đẵng. Mãi đến cuối tuần mới nghe Quý Hoàng bảo bệnh thận của mẹ anh chuyển nặng, dạ dày và phổi đều xuất hiện dấu hiệu lây nhiễm, đang tiến hành trị liệu thẩm tách.

Thực ra so với những người cùng tuổi, thu nhập của Quý Hoàng không phải là thấp. Dù mỗi tháng phải đóng hơn một nghìn tệ tiền nhà, anh độc thân đơn chiếc, tiết kiệm chi tiêu thì cũng đủ sống qua ngày. Sở dĩ anh phải đi làm thêm là vì sức khỏe mẹ anh không tốt, lại không có bảo hiểm y tế. Ngoài ra hai đứa em trai đều theo học trường trung học trọng điểm của Trung Bích, tiền sinh hoạt, tiền học và tiền ăn ở đều do một mình anh gánh vác.

“Đủ tiền dùng không?” Thái Hồng hỏi.

“Anh có tiết kiệm được một số tiền, tạm thời không sao.” Chăm sóc người bệnh rất vất vả, giọng của anh khàn hẳn đi.

“Hay là anh đưa bác gái lên đây điều trị đi? Bệnh viện ở đây lớn, nhiều bác sĩ giỏi, điều kiện lại tốt.” Thái Hồng đề nghị. “Hơn nữa em lại có nhiều thời gian rảnh hơn anh, có thể giúp anh chăm sóc cho bác.”

“Cảm ơn em. Anh khuyên mẹ rồi”, Quý Hoàng nói. “Nhưng bà lo tiền viện phí đắt quá, kiên quyết không đi.”

“Thế có ảnh hưởng đến việc điều trị không?”

“Anh đang suy nghĩ cách khác.”

Không thể vắng tiết quá lâu, khi quay về, trông Quý Hoàng hốc hác hẳn đi. Anh bảo, bệnh viện mẹ anh đang nằm tuy điều kiện không tốt lắm nhưng thuốc thang cần dùng đều có đủ. Anh thuê y tá chăm sóc bà, nên tạm thời không có vấn đề gì. Có thể thấy anh đang rất lo lắng, nhưng anh cũng không nói cụ thể về bệnh tình của mẹ.