Đời kỹ nữ -Chương 16 part 2
Chiếc kimono cô soạn ra cho tôi hôm ấy là chiếc áo đẹp nhất – áo bằng lụa màu vàng cam in hình thác nước màu bạc chảy từ đầu gối xuống đến mặt biển xanh ngắt. Cái thác tuôn ra từ mõm núi đá có màu nâu, dưới chân núi đá là cánh rừng thấp nhỏ được thêu bằng chỉ màu. Tôi không biết, nhưng chiếc áo này mọi người ở Gion đều biết, người ta nhìn chiếc áo, có lẽ họ sẽ nghĩ đến Mameha. Tôi nghĩ rằng khi cho phép tôi mặc áo này, chắc cô ấy muốn truyền cái tinh hoa của mình sang cho tôi.
Sau khi ông Itchoda buộc dải thắt lưng cho tôi – dải màu gạch và nâu đậm có điểm chỉ vàng – tôi sửa lại mặt hóa trang lần cuối và cài nữ trang lên tóc. Tôi nhét cái khăn tay của ông Chủ tịch – tôi thường mang theo mỗi khi rời nhà – vào dải thắt lưng, rồi đứng soi trước gương lớn. Tôi há hốc mồm kinh ngạc. Tôi quá kinh ngạc khi nghĩ đến chuyện Mameha có ý đồ biến tôi thành người quá đẹp như thế này, nhưng khi cô ấy về đến nhà, cô ấy còn làm tăng thêm vẻ đẹp của tôi lên nữa bằng cách cô thay cho mình chiếc áo kimono bình dị xinh xắn. Cái áo có màu khoai mì, phủ những đường sọc màu xám nhạt, còn dải thắt lưng có hình những viên kim cương màu đen giản dị trên nền màu xanh đậm. Cô ấy có nét đẹp kín đáo của viên ngọc trai như mọi khi, nhưng lúc chúng tôi ra đường, các phụ nữ cúi chào Mameha đều đưa mắt nhìn tôi.
Từ đền thần ở Gion, chúng tôi đi xe kéo theo hướng Bắc chừng nửa giờ, đến một khu vực của Kyoto mà tôi chưa hề biết. Trên đường đi, Mameha nói cho tôi biết chúng tôi đến dự buổi biểu diễn đô vật, chúng tôi xem như khách của ông Iwamura Ken, người sáng lập ra Công thấy sản xuất đồ điện Iwamura ở Osaka – công ty đã sản xuất lò sưởi điện làm chết bà ngoại. Cánh tay phải của ông Iwamura là ông Nobu Toshisazu, ông này làm quản lý cho công ty cũng đến dự. Nobu là người hâm mộ môn đô vật và đã tiếp tay giúp tổ chức buổi biểu diễn chiều hôm ấy.
- Tôi báo trước cho cô biết – cô ấy nói với tôi – cái ông Nobu ấy…trông đặc biệt lắm. Khi gặp ông ta, cô phải cư xử sao để gây ấn tượng với ông ta – nói xong, cô ấy nhìn tôi như muốn nói rằng nếu tôi không làm được như thế, cô ấy sẽ hết sức thất vọng.
Còn về việc Hatsumono, chúng tôi khỏi lo, vì vé vào xem cuộc biểu diễn đã bán hết mấy tuần trước rồi.
Cuối cùng chúng tôi xuống xe ở trong khuôn viên của trường đại học Kyoto. Mameha dẫn tôi đi theo con đường đất có hai hàng thông nhỏ hai bên. Những ngôi nhà xây theo kiểu Tây phương hai bên đường chúng tôi đi qua đều đóng cửa kín mít, cửa sổ lồng kính nhỏ vuông vức và khung cửa bằng gỗ sơn. Nhìn cảnh nhà cửa ở khu đại học, tôi mới nhận ra Gion là quê hương thân thiết của tôi. Chung quanh tôi có nhiều thanh niên da dẻ láng mướt, mái tóc chải rẽ, có người mặc quần áo dây treo cho khỏi tuột. Họ có vẻ lạ lùng ngạc nhiên khi thấy Mameha và tôi đi qua, thậm chí họ còn nói đùa với nhau nữa. Sau đó chúng tôi đi qua một cánh cổng sắt có một đám người già và một số phụ nữ, có cả vài cô geisha nữa. Kyoto có ít chỗ có thể dùng biểu diễn đô vật ở trong nhà được và ở đại học Kyoto dùng nhà biểu diễn cũ của trường để tổ chức. Nhà này bây giờ không còn nữa, nhưng lúc ấy, nó đứng chen lẫn trong đám nhà xây theo kiểu Tây phương trông giống như một ông già còm cõi mặc áo kimono đứng giữa đám thương gia tân tiến. Ngôi nhà giống cái hộp khổng lồ, mái nhà có vẻ không được vững chãi, nhưng tôi nghĩ nó như cái nắp đậy vừa cái bình trà méo mó. Những cánh cửa khổng lồ nằm một bên đã bị hư hỏng nhiều, gỗ cong queo bung ra khỏi khung sắt. Vẻ hư hỏng xấu xí của ngôi nhà này khiến tôi nhớ lại ngôi nhà ngà say của tôi, và bỗng nhiên tôi cảm thấy buồn.
Khi tôi bước lên bậc thềm đá để vào nhà, tôi trông thấy hai cô geisha đi qua sân rải sỏi, tôi cúi người chào họ. Họ gật đầu chào lại tôi, và một cô nói gì đấy với cô kia. Tôi thấy chuyện này lạ lùng quá, bèn nhìn kỹ họ hơn. Bỗng tim tôi đập nhanh, một cô là Korin, bạn của Hatsumono. Tôi cúi chào cô ta lần nữa vì tôi đã nhận ra cô ta, và tôi cố mỉm cười. Khi họ quay nhìn chỗ khác, tôi thì thào với Mameha:
- Chị Mameha, em vừa thấy người bạn của Hatsumono!
- Tôi không tin Hatsumono có bạn.
- Chị Korin đấy, chị ấy vừa mới ở đây, với một số các cô geisha khách nữa.
- Tôi biết Korin. Tại sao cô quá lo về cô ta? Cô ta có thể làm gì được?
Tôi không trả lời, nhưng nếu Mameha không lo thì tại sao tôi phải lo sợ làm gì.
Cái gây cho tôi ấn tượng mạnh nhất khi bước vào nhà biểu diễn là khoảng trống khổng lồ chạy lên tận mái nhà, dưới mái nhà, ánh sáng chiếu xuống qua các khung cửa sổ có màn che nằm cao trên đầu chúng tôi. Tiếng người ồn ào vang lên trong khoảng không gian khổng lồ ấy, với khói từ các lò nướng bánh bột gạo từ bên ngòai bay vào. Giữa nhà có một mô đất vuông vức nơi dùng làm chỗ cho các nhà đô vật tranh tài, trên mô đất có mái che theo kiểu mái đền thờ thần. một ông thầy tu đi quanh trên mô đất, tụng kinh cầu phú,c phất qua phất lại cái phương trượng co ‘trang hòang những dải giấy hình xoắn ốc.
Mameha dẫn tôi đến hàng chỗ ngồi ở phía trước, ở đấy chúng tôi tháo giày ra, đi vớ có xẻ ở đầu ngón chân trên một mép ván gỗ nhỏ. Những người tổ chức đã có mặt trong dãy ngồi này rồi, nhưng tôi không biết ai hết cho đến khi có một người đưa tay vẫy gọi Mameha, tôi hiểu ngay đó là ông Nobu. Tôi cũng hiểu lý do tại sao Mameha đã dặn dò trước với tôi về vẻ ngòai của ông ta. Ngay cả khi nhìn ông ta từ xa, tôi cũng thấy mặt ông như cây đèn cầy bị hơ chảy. Ông ta đã bị cháy phỏng mặt đâu đó từ lâu rồi, toàn bộ bề ngoài của ông ta trông rất thê thảm, tôi không thể tưởng tượng được sự đau đớn mà ông ta đã gánh chịu khi mới xảy ra tai nạn. Tôi đang lo lắng về chuyện gặp Korin, thì bây giờ lại lo thêm về chuyện sẽ gặp Nobu. Thế nào tôi cũng có những hành động thiếu bình tĩnh mất thôi. Khi đi sau Mameha, tôi chỉ chú ý đến một người đàn ông rất lịch sự ngồi bên cạnh ông Nobu trên chiếu rơm, ông ta mặc áo kimono có sọc. Khi tôi để mắt tới người đàn ông này, tôi bỗng thấy lòng tôi lặng đi một cách lạ lùng. Ông ta đang nói chuyện với người ngồi bên cạnh, nên tôi chỉ thấy phía sau đầu của ông ta mà thôi. Nhưng trông ta quá quen đến nỗi bỗng tôi không còn chú ý đến cái gì chung quanh nữa hết. Tôi nghĩ đến người tôi quen biết ở chỗ khác, không phải ở trong nhà biểu diễn này. Tôi đang loay hoay suy diễn thì bỗng trong óc tôi nảy ra hình ảnh của người đàn ông quay nhìn tôi trên đường làng của quê nhà.
Và tôi nhớ ra: đấy là ông Tanaka!
Ông ta đã thay đổi ra sao, tôi không thể miêu tả được. Tôi nhìn ông ta đưa tay vuốt mái tóc hoa râm và sững sờ kinh ngạc trước mấy ngón tay vuốt tóc một cách duyên dáng mềm mại. Tại sao tôi thấy cách vuốt tóc của ông ta có nét đặc biệt khiến tôi phải nhìn vào ông ta nhỉ? Có lẽ tôi bị chóa mắt khi nhìn ông ta và tôi cảm thấy hoang mang. Phải, trên đời này nếu người nào tôi ghét nhất, thì đó chính là ông Tanaka, tôi phải nhắc nhở mình nhớ lấy điều này. Tôi sẽ không đến quỳ bên ông ta và nói “Kìa ông Tanaka, tôi thật sự hân hạnh được gặp lại ông. Cái gì đã mang ông đến Kyoto thế này?” Nhưng thay vì làm thế, tôi sẽ tìm cách chứng tỏ cho ông ta thấy tôi nghĩ sao về ông ta, mặc dù điều ấy là một việc mà một geisha tập sự không được phép làm. Thật ra trong những năm vừa qua, tôi nghĩ đến ông Tanaka rất ít. Thế nhưng tôi thề với lòng mình là sẽ không đối xử tử tế với ông ta, nếu buộc lòng phải rót rượu sake cho ông ta, tôi sẽ rót tràn ra chân ông ta. Nếu buộc lòng phải cười với ông ta, tôi sẽ cười với nụ cười tôi thường thấy trên mặt Hatsumono, và rồi tôi sẽ nói “Ồ, ông Tanaka, mùi cá tanh rích.. Khi ngồi bên ông làm tôi nhớ nhà!” Chắc ông ta sẽ hết sức bàng hoàng sửng sốt! Hay có lẽ tôi sẽ nói như thế này “Kìa ông Tanaka, trông ông tuyệt vời quá!” Thế nhưng thật ra khi tôi nhìn kỹ vào ông ta, vì bây giờ tôi đã đến gần chỗ ông ta ngồi, quả trông ông tuyệt vời thật, tuyệt vời hơn bao giờ hết. Mameha vừa đến chỗ ông ta, cô ta quỳ xuống cúi người chào. Bỗng ông ta quay đầu nhìn lui, và đó là lần đầu tiên tôi nhìn vào khuôn mặt rộng, xương gò má sắc sảo…nhất là hai hàng mi, sít lại ở hai đuôi mắt, mượt mà thẳng thớm. Bỗng gió thổi và tôi là đám mây được gió cuốn đi.
Ông ta quen với tôi, đương nhiên, trên vài phương diện nào đó, ông ta còn quen hơn cả chính hình ảnh của tôi trong gương. Nhưng ông ta không phải là ông Tanaka, ông ta chính là ông Chủ tịch.