Đời kỹ nữ -Chương 17 part 1
Tôi chỉ mới gặp ông Chủ tịch trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng tôi đã để dành rất nhiều thời gian để mơ tưởng đến ông ta. Ông ta là bài ca tôi chỉ được nghe một lần, nhưng bài ca ấy cứ được hát lại mãi trong trí óc tôi. Thế nhưng những nốt nhạc đã thay đổi theo từng giai đoạn của thời gian – nghĩa là tôi đã nghĩ đến chuyện trán ông cao thêm, tóc hoa râm của ông thưa bớt. Khi tôi thấy ông, tôi thoáng sợ không biết ông có thật sự phải là ông Chủ tịch không, nhưng tôi lại cảm thấy yên ổn trong lòng ngay, tôi tin chắc tôi đã tìm ra được ông.
Trong khi Mameha chào hai người đàn ông, tôi đứng phía sau đợi đến phiên mình chào họ. Nếu như khi tôi cất tiếng chào mà giọng tôi nghe như tiếng giẻ lau sàn nhà thì sao nhỉ? Nobu, với những vết sẹo thê thảm, nhìn tôi đăm đăm, nhưng tôi không biết ông Chủ tịch có để ý đến tôi hay không, tôi quá rụt rè, không dám nhìn về phía ông ta. Khi Mameha ngồi vào chỗ, vuốt chiếc kimono trên đầu gối cho phẳng, tôi thấy ông Chủ tịch nhìn tôi với ánh mắt mà tôi nghĩ là có vẻ hiếu kỳ. Hai chân tôi cóng lại vì máu đã dồn hết lên mặt.
- ông Chủ tịch Iwamura, ông quản lý Nobu – Mameha giới thiệu – đây là em út của tôi, Sayuri.
Tôi nghĩ chắc anh có nghe nói đến tên tuổi nổi tiếng của Iwamura Ken, nhà sáng lập ra công ty chế tạo đồ điện Iwamura. Và có lẽ anh cũng có nghe tiếng của Nobu Toshikazu. Có lẽ trên nước Nhật không có ai hùn hạp làm ăn nổi tiếng hơn sự hùn hạp của họ. Họ như thân với rễ trong cùng một cây, hay là như đền thờ với cái cổng ở đàng trước. Ngay như tôi, một cô gái mới có 14 tuổi, mà cũng nghe nói đến họ. Nhưng tôi không ngờ chính Iwamura Ken là người đàn ông tôi đã gặp bên bờ suối Shirakawa. Tôi quỳ xuống cúi chào họ, nói những lời như mọi khi. Khi chào nói xong, tôi đến quỳ bên chỗ còn rộng ở giữa họ. Nobu nói chuyện với người đàn ông bên cạnh, trong khi ông Chủ tịch, ngồi phía bên kia của tôi, bàn tay ôm tách trà không để trên đầu gối, Mameha nói chuyện với ông ta, tôi bưng bình trà nhỏ lên, giữ tay áo cho khỏi vướng để rót trà. Tôi ngạc nhiên thấy ông Chủ tịch đưa mắt nhìn vào cánh tay của tôi. Dĩ nhiên tôi rất muốn biết ông ta nhìn thấy cánh tay tôi ra sao. Có lẽ vì ánh sáng trong nhà lờ mờ nên phía dưới cánh tay tôi loang loáng sáng như bề mặt của viên ngọc mịn màng, và có màu ngà đẹp đẽ. Không có nơi nào trên cơ thể tôi đẹp bằng nơi ấy. Tôi thấy ông Chủ tịch không hề nhấp nháy mắt, vì ông ta cứ nhìn đăm đăm vào cánh tay tôi, nên tôi không hạ tay xuống. Rồi bỗng Mameha im lặng. Tôi nghĩ chắc cô ấy ngừng nói chuyện vì ông Chủ tịch cứ chăm chú nhìn vào cánh tay tôi, thay vì nói chuyện với cô ấy. Rồi tôi bỗng nhận ra sự thật trước mắt.
Mới trước đó một lát, tôi cảm thấy mình duyên dáng, nhưng bây giờ tôi vội vàng xin lỗi và để bình trà xuống. Mameha cười và nói:
- Ông Chủ tịch, chắc ông thấy cô ấy là người cương quyết như thế nào rồi. Nếu trong bình còn giọt nước nào, chắc Sayuri đã rót cho ông rồi.
- Cái áo kimono cô em út của cô mặc đẹp quá, Mameha à – ông Chủ tịch nói – nếu tôi nhớ không lầm, thì cô đã mặc cái áo này trong thời gian tập sự phải không?
Nếu tôi còn nghi ngờ người đàn ông này có phải đúng là ông Chủ tịch không, thì bây giờ khi nghe giọng ông ta nói, giọng tử tế quen thuộc, tôi không còn nghi ngờ gì nữa.
- Tôi nghĩ có thể tôi có mặc – Mameha đáp – nhưng ông Chủ tịch đã thấy tôi mặc quá nhiều kimono khác nhau trong nhiều năm qua, cho nên tôi nghĩ ông không thể nhớ hết được.
- Phải, tôi không khác mọi người khác. Sắc đẹp gây cho tôi ấn tượng mạnh. Khi nói đến các nhà đô vật, tôi không thể nói người nào đẹp hơn người nào.
Mameha nghiêng người tới trước mặt ông Chủ tịch và nói nhỏ với tôi:
- Ý của ông Chủ tịch muốn nói là ông không thích môn đô vật.
- Thôi, Mameha – ông ta nói – nếu cô muốn tôi gặp chuyện rắc rối với Nobu thì…
- Thưa ông Chủ tịch, ông Nobu đã biết sở thích của ông từ lâu rồi.
- Nhưng cũng không nên nói ra. Sayuri này, có phải đây là lần đầu tiên cô xem đô vật không?
Tôi đã đợi cơ hội để nói với ông ta, nhưng trước khi tôi lên tiếng thì bỗng có tiếng rầm thật lớn vang lên làm ngôi nhà rung rinh, khiến cho tất cả chúng tôi đều giật mình. Mọi người im lặng, chúng tôi quay đầu nhìn, nhưng chẳng có gì ngoài cánh cửa lớn đóng lại. một lát sau, chúng tôi nghe tiếng bản lề cửa kêu răng rắc rồi thấy cánh cửa thứ hai từ từ mở ra, cánh cửa do hai võ sĩ đô vật đẩy mở ra. Nobu quay đầu khỏi tôi để nhìn tới chỗ ấy, tôi không thể nào không nhìn vào cái vết sẹo khủng khiếp do lửa đốt ở bên mặt và trên cổ ông ta, và vết sẹo trên lỗ tai làm tai ông biến dạng. Rồi tôi thấy cánh tay áo khoác của ông ta trống trơn. Nãy giờ tôi bận bịu nên không để ý đến cánh tay, cánh tay áo được xếp gấp lên, ghim vào vai bằng một cây ghim thật dài.
Nếu anh không biết, tôi xin kể chuyện Nobu bị thương cho anh nghe. Khi ông ta làm trung úy trong Hải quân Nhật, ông ta bị thương trong một vụ đánh bom ngoài Seoul vào năm 1910, khoảng thời gian Triều tiên bị sáp nhập vào Nhật. Khi tôi gặp ông ta, tôi không biết gì về hành động anh hùng của ông hết – mặc dù câu chuyện này đã được cả nước Nhật biết đến. Nếu ông ta không hợp tác với ông Chủ tịch để rồi sau đó trở thành quản lý của công ti sản xuất đồ điện Iwamura, thì có lẽ chuyện ông là anh hùng trong chiến tranh đã bị rơi vào quên lãng. Nhưng vì ông hợp tác với Iwamura, cho nên những vết thương khủng khiếp của ông đã làm cho câu chuyện thành công của ông được mọi người chú ý hơn, và hai người thường được nhắc nhở tới luôn.
Tôi không biết nhiều về lịch sử - vì nhà trường tôi học thường chỉ dạy cho chúng tôi nghệ thuật – nhưng tôi biết chính phủ Nhật nắm quyền kiểm soát hết Triều tiên vào lúc chấm dứt cuộc chiến tranh Nga – Nhật, và mấy năm sau chính phủ Nhật quyết định sáp nhập nước Triều tiên vào đế chế Nhật đang lớn mạnh. Tôi biết người dân Triều tiên không thích chuyện này. Nobu sang đó như là một lực lượng nhỏ giữ quyền kiểm soát. Một buổi chiều, ông ta đi theo vị sĩ quan chỉ huy đi thăm một ngôi làng gần Seoul. Khi trở về đến chỗ buộc ngựa, đơn vị tuần tra bị tấn công. Khi họ nghe tiếng tạc đạn nổ khủng khiếp, vị chỉ huy cố leo xuống một giao thông hào, nhưng ông ta già rồi và chậm chạp như một con ốc sên bò trên đá. Nobu chạy đến để giúp ông, nhưng vì ông sĩ quan chỉ huy qúa chậm chạp, nên quả tạc đạn bay đến nổ trên đầu ông. Quả tạc đạn nổ giết chết ông sĩ quan chỉ huy và làm cho Nobu bị thương nặng. Khi ở bệnh viện ra, Nobu mất cánh tay trái ở trên khuỷu tay.
Lần đầu tiên tôi thấy ống tay áo ghim lên, tôi hoảng hốt quay mặt đi chỗ khác. Trước đó tôi chưa bao giờ thấy người nào mất tay mất chân – mặc dù khi còn nhỏ đã thấy người phụ tá của ông Tanaka mất đầu ngón tay. Trong trường hợp của ông Nobu, nhiều người cho rằng một cánh tay chưa ghê lắm, mà chính cá vết thương ở da mới ghê gớm. Thật khó mà miêu tả hết vẻ ghê tởm trên da mặt của ông, và có lẽ quá độc ác khi muốn miêu tả ra. Tôi chỉ xin lặp lại một câu của geisha miêu tả về ông ta như thế này mà thôi “mỗi lần tôi nhìn vào mặt ông ta, tôi cứ nghĩ đến củ khoai lang nướng phồng trong lò lửa”.
Khi những cánh cửa khổng lồ đã đóng lại, tôi quay qua phía ông Chủ tịch để trả lời câu hỏi của ông. Vì là tập sự, nếu tôi muốn, tôi được phép ngồi yên lặng như một giỏ hoa, nhưng tôi quyết không để cho cơ hội này trôi qua. Cho dù tôi chỉ gây cho ông ta chút ít ấn tượng thôi, như bàn chân của em bé để lên nền đất, thì ít ra đây cũng là bước khởi đầu của tôi.
- Ông Chủ tịch hỏi có phải đây là lần đầu tiên em xem đô vật không – tôi nói – đúng thế đấy, và nếu được ông Chủ tịch giảng giải cho biết đôi điều về môn võ này thì em sẽ hết sức cám ơn ông.
- Nếu cô em muốn biết môn võ này đấu như thế nào – ông Nobu nói – cô nên nói với tôi thì tốt hơn. Tên cô em là gì, cô tập sự? Hồi nãy trong phòng ồn quá tôi nghe không rõ.
Tôi quay khỏi ông Chủ tịch với vẻ rất khó khăn như đứa bé đang đói bụng quay khỏi đĩa thức ăn.
- Tôi tên là Sayuri, thưa ngài – tôi đáp.
- Cô là em út của Mameha, tại sao cô không là “Mame” này nọ? – Nobu nói tiếp – không phải lấy tên kiểu ấy là cái tục lệ điên khùng của các cô hay sao?
- Dạ phải, thưa ngài. Nhưng tất cả các tên có chữ “Mame” theo lời ông thầy bói đều không được tốt cho tôi.
- Thầy bói! – Nobu nói với vẻ khinh bỉ - có phải ông ta là người đã chọn tên cho cô không?
- Tôi là người chọn tên ấy – Mameha đáp – thầy bói không chọn tên mà họ chỉ cho biết tên ấy có thích hợp hay không thôi.
- Mameha – Nobu nói tiếp – một ngày nào đó cô sẽ trưởng thành và không nghe những chuyện điên khùng như thế nữa.
- Thôi, thôi, Nobu – ông Chủ tịch nói – người nào nghe anh nói chắc đều nghĩ rằng anh là người tân tiến nhất nước Nhật, nhưng tôi chưa thấy ai tin vào số mệnh như anh cả.
- Mỗi người đều có số phận của mình. Nhưng có ai cần đến thầy bói để tìm ra số phận của mình không? Có phải tôi phải đến người đầu bếp để hói xem tôi có đói hay không à? – Nobu nói – nhưng dầu sao, Sayuri là một cái tên đẹp – mặc dù tên đẹp và người đẹp thường không đi đôi với nhau.
Tôi thấy phân vân không biết câu nói vừa rồi của ông ta có phải hàm ý như thế này không – “Mameha, cô đã chọn cô em út xấu quá!” – hay là có nghĩa gì đại loại như thế. Nhưng may thay ông ta nói tiếp:
- Trường hợp này tên và người đều đi đôi với nhau. Tôi nghĩ cô ta còn đẹp hơn cả cô nữa, cô Mameha à.
- Ông Nobu! Đàn bà không ai muốn nghe mình không phải là người đẹp nhất.
- Nhất là cô hả? Này, cô phải tập cho quen đi thì vừa. Cô ấy có đôi mắt rất đẹp. Sayuri, cô quay mặt cho tôi nhìn cặp mắt cô lần nữa đi.
Tôi không thể nhìn xuống chiếu được, vì Nobu muốn nhìn mắt tôi. Tôi cũng không thể nhìn thẳng vào mặt ông ta liền, vì như thế có vẻ tự phụ quá. Cho nên tôi phải từ từ nhìn quanh như thể đang tìm cái gì, rồi đưa mắt nhìn vào chỗ dưới cằm ông ta. Nếu tôi có thể bắt cặp mắt đừng thấy, chắc tôi sẽ làm liền, vì nét mặt của ông Nobu như bức tượng nắn bằng đất sét tồi. Chắc anh nhớ khi ấy tôi chưa biết chuyện đã gây cho khuôn mặt ông ta trở thành xấu xí như thế. Khi tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra cho ông ta, tôi cảm thấy lòng nặng nề kinh khủng.
- Cặp mắt cô lung linh tỏa sáng một cách kỳ diệu – ông ta nói.
Ngay lúc ấy, cánh cửa nhỏ thông với hành lang bật mở, một người đàn ông đi vào, ông ta mặc áo kimono rất đặc biệt và đội cái mũ vải cao màu đen, trông như thể ông ta từ trong bức tranh của Hoàng triều bước ra. Ông ta đi vào con đường đi ở giữa, dẫn đầu đoàn đô vật khổng lồ, họ phải khom người xuống để đi qua ngưỡng cửa.
- Này cô em, cô biết gì về môn đô vật không? – Nobu hỏi tôi.
- Thưa ngài, chỉ biết võ sĩ đô vật khổng lồ như cá voi thôi – tôi đáp – có một người làm việc ở phòng đăng ký hộ tịch ở Gion trước đây đã từng là võ sĩ đô vật.
- Chắc cô muốn nói đến Awajiumi. Anh ta ngồi kia kìa – Nobu đưa tay chỉ về một bậc ngồi khác, nơi có Awajiumi đang ngồi, ông ta đang cười về chuyện gì đấy với Korin đang ngồi bên cạnh. Chắc cô ta nhìn thấy tôi, vì cô ta mỉm cười rồi nghiêng người sang nói gì đó với Awajiumi, ông này bèn nhìn sang phía chúng tôi.
- Anh ta không phải là đô vật giỏi – Nobu nói – anh thích dùng vai để húc đối thủ. Anh chàng ngốc, không bao giờ thắng ai mà lại bị gãy xương đòn gánh nhiều lần.
Khi ấy các nhà đô vật đã vào hết trong nhà, họ đứng quanh dưới mô đất. Người ta xướng tên từng người một, và họ leo lên bệ, đứng xếp hàng thành một vòng tròn nhìn ra khán giả. Sau đó, khi họ đi ra bên ngòai, để cho những võ sĩ đô vật phía bên kia đi vào. Nobu nói với tôi:
- Sợi dây có hình tròn trên mặt đất là ranh giới võ đài. Người đô vật nào bị đẩy ra ngòai trước, hay là chạm người xuống đất trước, chạm bất cứ cái gì ngòai hai bàn chân là thua. Nghe thì dễ, nhưng làm sao cô đẩy nổi một con người khổng lồ như thế qua sợi dây?
- Chắc tôi phải lẻn ra sau lưng ông ta, rồi lấy mõ đánh lên cho ông ta sợ mà phải chạy ra ngài.
- Hãy nói năng cho nghiêm túc – Nobu nói.
Tôi không nghĩ đó là cách ăn nói khôn ngoan, nhưng tôi nghĩ đây là nỗ lực đầu tiên của tôi để nói đùa với đàn ông cho vui. Tôi cảm thấy lúng túng, không biết nói gì nữa. Bỗng ông Chủ tịch cúi người qua phía tôi.
- Ông Nobu không đùa bỡn về chuyện đô vật – ông bình tĩnh nói.
- Tôi không đùa bỡn ba loại chuyện quan trọng trong đời sống – Nobu nói – đó là đô vật, kinh doanh và chiến tranh.
- Trời đất, theo tôi thì đây cũng là loại nói đùa thôi – Mameha nói – ông không thấy ông đã mâu thuẫn với mình sao?
- Nếu cô đã thấy cảnh một trận chiến – Nobu nói với tôi – hay cảnh đấu tranh tôi một buổi họp về kinh doanh, cô có biết cái gì sẽ xảy ra không?
Tôi không biết ông ta muốn gì, nhưng cứ theo giọng ông ta nói, thì có lẽ ông ta muốn tôi nói không.
- Ồ, tôi không biết gì hết – tôi trả lời.
- Đúng thế. Và cô cũng không biết cái gì xảy ra trong đô vật nữa. Cho nên, cô có thể cười câu nói đùa của Mameha hay là lắng nghe tôi nói để hiểu rõ ý nghĩa của vấn đề.
- Ông ấy đã cố dạy tôi nhiều năm rồi – ông Chủ tịch nói với tôi – nhưng tôi là người học trò rất dốt.
- Ông Chủ tịch là người rất thông minh – Nobu đáp – ông ấy là học sinh dốt về đô vật vì ông không lưu tâm đến môn này thôi. Chiều nay ông ấy không muốn đến đây đâu, nhưng vì ông rộng lượng chấp nhận lời đề nghị của tôi để công ty Iwamura bảo trợ cho buổi biểu diễn này.
Liền sau đó hai đội làm xong các nghi thức lên võ đài. Hai nghi thức tiếp theo rất long trọng, đó là giới thiệu người Yokozuna của mỗi đội. Người yokozuna là người có cấp bậc cao nhất trong đô vật, Nobu giảng cho tôi nghe rằng cấp bậc này “y như vị trí của Mameha ở Gion vậy”. Đương nhiên tôi phải tin ông ta, nhưng nếu Mameha chỉ ở trong buổi tiệc nửa chừng rồi bỏ về như các ông yokozuna này lên võ đài trong chốc lát, thì thế nào cô ấy cũng không được mời lại lần nữa. người yokozuna thứ hai có thân hình thấp lùn và có khuôn mặt rất đáng chú ý – không phải bự thịt mà rắn rỏi như đá, hàm xai bạnh ra khiến tôi nghĩ đến mũi thuyền đánh cá vuông vức. Khán giả vỗ tay hoan hô đinh tai nhức óc. Tên ông ta là Miyagiyama, và nếu anh biết về môn đô vật, chắc anh hiểu lý do tại sao người ta hoan hô nhiệt liệt đến thế.