Đất Trời- Chương 04 part 1

Chương 4: NGẬM LỜI, MỘT THUỞ…

Hóa ra Ðào Nương, cô bé ca nhi bị giặc hiếp trên đường ra ải Phá Lũy và sau trở thành vợ Phi Bảo, cũng là người họ Ðào ở Ðào Xá. Khi Bảo kể cho cha nghe câu chuyện xưa, Phi Khanh thở dài bảo ‘‘...con hạ tay dao không cứu cô ta, một phần vì cha. Vậy, cả cha con mình đều can nhiệm. Nhưng tại sao giờ con nói với cha’’. Bảo thưa ‘‘ Vì bị ám ảnh. Hình như nếu không theo cha để phụng dưỡng, có lẽ con đã đưa cô ta về xuôi...’’. Khanh lại dặn ‘‘ ...đâu đã muộn. Con đi tìm cô ta đi. Rồi một ngày nào đó con đưa cô ta về. Chỉ thế, con mới nên người. Ði, thôi đi ngay đi...’’. Sau đó mấy hôm, Bảo dò tìm và lên đường. Khi ấy Ðào Nương ở với người chị đã lấy chồng. Gặp Bảo, Ðào Nương sầm mặt xuống, đi vào không chịu tiếp. Bảo ngồi lì ở cửa suốt ba hôm, rút cục người chị vào kể lại cái hoàn cảnh chàng theo hầu cha trên đường đi đày, không thể động tay động chân làm gì được. Ðào Nương chịu gặp Bảo, nhưng thấy mặt là òa lên khóc. Nàng nức nở hỏi ‘‘... Ðến đây làm gì ? ’’. Bảo đáp, đã xin với cha cho chàng cưới Ðào Nương làm vợ. Ðào Nương lắc đầu ‘‘ Không. Em có còn trinh tiết gì mà lấy ! ’’. Bảo ứa nước mắt, nói chữ trinh kia cũng có năm bảy đường.
Ngày về đến Nhị Khê, Bảo và Ðào Nương chỉ thấy có điêu tàn. Nhà cửa, ruộng đồng ngơ ngác. Hàng dân phiêu dạt đến độ trên những cánh đồng sũng nước đám cò trắng lênh khênh đi lại như chỗ không người. Họ hàng nhà Bảo kể lại chuyện Viễn ám toán Thượng Thư Hoàng Phúc và khuyên nên đi ngay. Ðào Nương đòi về Ðào Xá. Khi ấy, cái chuyện Ðào Nhi dùng trâm đâm Hoàng Phúc đã xảy ra. Trong thôn, không còn ai dám hát, đám ca nhi tứ tán. Ông chú Ðào Nương, tên Ðào Phương, dân làng gọi là Ðào lão, mắt đã lòa. Lão kiếm ăn bằng cách bắt ếch nhái, bữa đói bữa no, sống vạ vật như thú hoang. Bảo và Ðào Nương đưa ông cùng đi về Thanh Hóa dịp đó.
Dự định trồng chè như Bảo đã kể với Trãi từng bước thành hình. Và thành công hơn mức tính toán. Chỉ đến năm thứ hai, Bảo và Ðào Nương đã qui tụ được gần trăm nóc gia quanh hai cái đồi chè ở tả ngạn sông Lam. Nhờ biết tiếng Tàu, Ðào Nương giao dịch thẳng với đám quan nhà Minh, thuế đóng chỉ độ một phần ba tiền bán chè, đường kinh doanh tương đối thuận lợi. Ðến năm thứ ba thì khác. Ðám sai nha cho người vào đếm từng gốc chè, ước lượng giá bán rồi đòi thu đến hai phần ba. Bảo bàn với dân trại chè rút sâu vào mé biên giới Lão Qua, nhưng việc chưa ngã ngũ. Ðám tráng niên tìm cách giấu một phần lượng chè hái được trong rừng, có kẻ sửa soạn giáo mác. Việc sinh nhai ngày một khó, đã có người chán bỏ đi, số còn lại nhẫn nhục chịu đựng. Ít lâu sau, nghĩa quân Lam Sơn liên lạc với Bảo, đề nghị bảo vệ trại chè chống sưu thuế nhà Minh. Năm thứ tư, sai nha và đám lính Tây đô bị nghĩa quân chặn đánh khi vượt Mường Thôi đi vào vùng sông Lam. Bảo biết tình thế, xin với nghĩa quân cho lập một đội tự vệ, và đóng nửa lượng chè hái mỗi năm góp vào việc đại sự.
Ðứng sau hẳn một lằn ranh bạn - thù, người cả trại chè phập phồng, trừ Ðào Nương. Trái với cách nghĩ thường tình, Ðào Nương phấn chấn ra mặt. Cùng với Ðào lão, Ðào Nương chế biến hát giặm dân gian thành những thể điệu có tính thời sự. Tiếng giặm có nghĩa là điền vào một chỗ thiếu, và hát giặm thường gồm những câu năm chữ, vần ở cuối câu, cứ hai câu cuối mỗi đoạn lại láy cả ý lẫn lời. Bài sau được hàng dân hai vùng Nghệ Tĩnh hàng trăm năm sau cũng còn người hát :
Trời chưa phong quang
Giặc Ngô đó, trời chưa phong quang
Em đánh tiếng thưa sang
Trời chưa mở rộng phong quang
Thì đợi chi hỡi chàng
Mà còn ở lại đây
Mà còn ngồi bó tay
Tình đó với nghĩa đây
Giống như đọ nước đầy
Bưng nhẩn nhẩn trên tay
Thu chưa về, đông tới
Còn bóng giặc, chim bay
Còn bóng giặc, chim cũng phải bay
Bớ chàng, chàng có hay ?
*
Nhận được tin Ðạo Khiêm báo về Mường Thôi, Hãn sốt ruột sai người đi thẳng vào trại chè liên lạc với Phi Bảo. Nghe xong, Bảo vội vã thu xếp lên đường vào Trường Yên. Hai ngày sau, Bảo vào chùa Thiên Chính. Ðạo Khiêm buồn bã lắc đầu :
- Bần tăng không hiểu... Cái buổi tối hôm ấy, thình lình đường huynh ngã vật xuống, tính mạng tưởng như tuyệt...
Không đợi Ðạo Khiêm dứt lời, Bảo ngắt :
- Xin thày cho vào xem sao...
Khiêm niệm A di đà, đi trước. Vào trái sau ở mé Ðông, Khiêm lần tràng hạt chậm rãi bước. Một tiểu đồng tiến lên mở cửa. Lọt sáng bên ngoài ùa vào, yếu ớt phớt lên vách đất một giải lờ mờ hư ảnh. Theo sau Ðạo Khiêm, Bảo đến cạnh một chiếc giường đơn. Nhìn xuống, Bảo quặn lòng. Trãi nằm thiêm thiếp, mắt hõm sâu, nhắm nghiền, hai gò má cao gồ lên như hai trái núi. Bảo ngồi xuống, tay nắm lấy tay Trãi. Bàn tay xương xẩu lạnh ngắt bỗng run nhẹ lên. Nhìn ngực Trãi phập phồng thoi thóp, Bảo khẽ lay gọi. Trãi nhếch mắt, gắng gượng mở ra, rồi lại khép lại. Ðạo Khiêm nhẹ kéo tay Bảo. Khi hai người ra đến ngoài sân, Khiêm bảo :
- Ðường huynh còn yếu lắm, nhưng không mệnh hệ nào !
Lúc đó, Bảo xin Khiêm kể lại sự tình. Trước khi Lý Tử Cấu dứt lời về cái duyên vượt được u mê qua lần gặp một người đàn bà điên ở sông Cầu, bỗng nhiên Trãi chúi ngã từ mé vực, nhưng áo móc vào một bụi cây, may chưa rơi xuống. Người nhà chùa đổ ra cứu Trãi lên. Trãi từ lúc đó hôn mê. Ðợi Trãi hoàn hồn, Ðạo Khiêm hỏi chuyện. Trãi á khẩu, không đáp được. Chàng chỉ nhìn, cái nhìn đã mất hẳn thần triù. Ðạo Khiêm thở ra :
- Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát ! Cái nghiệp. Cũng từ cái nghiệp mà ra. Trong cõi huyền cơ này bần tăng chẳng làm gì được !
Phi Bảo bặm môi lắc đầu. Tối hôm đó, Bảo ra đứng nơi hòn đá tảng chòi ra bờ vực. Không trăng không sao, trời tối ngòm. Chẳng ai phân biệt được mặt đất này trên đây và vực sâu hun hút dưới kia, nếu không có tiếng gió hú lên và tiếng chân thú đạp lá xào xạc thỉnh thoảng mơ hồ vẳng tới. Cơ sự này, không thể để Trãi ở chùa mãi. Vài ngày sau, Bảo xin với Ðạo Khiêm đưa Trãi về trại chè.
Lúc ấy, Trãi đôi khi tỉnh dậy. Nhận ra Bảo, ánh mắt chàng có thoáng chút vui, mồm mấp máy, nhưng vẫn không nói được một lời. Bảo mừng, thủ thỉ :
- Không sao ! Em đưa anh về. Thuốc thang chỉ dăm bữa nửa tháng là khỏi !
Trãi nghe, gượng nhếch mép. Khỏi ? Nhưng ta bệnh gì ? Cái căn bệnh nằm dưới đáy sông Cầu, giải nước cuốn đi, đếân nơi nao rồi ? Chèo quơ nước ngược. Rồi bão bùng. Chia ly. Chuyến đò sang ngang làm sao vào được bến đến được bờ ! Nước mắt Trãi lại ứa ra. Bảo lẳng lặng lau mặt cho anh, không nói gì nữa.
Thuê phu cáng, hai tuần trăng sau Bảo đưa Trãi về trại chè. Ðạo Khiêm chống gậy tiễn một thôi đường. Khi chia tay, Khiêm niệm Phật, rồi ghé vào tai Trãi thì thầm :
- Thí chủù ơi, nếu muốn thì nương mình cửa Phật. Chùa Thiện Chính lúc nào cũng đợi người lành !
Trãi nhìn, khóe mắt biết ơn, tay ra dấu chào Khiêm. Chỉ còn da bọc xương, Trãi khẽ cựa mình trên chiếc cáng cứ bồng bềnh trôi nổi như đám mây ẩn hiện sau những tàn cây rừng xanh thẳm. Chưa bao giờ chàng thấy mình yếu đuối đến vậy. Chưa bao giờ chàng thấy mình thừa thãi đến vậy. ‘‘ Sao băng, sao băng...’’. Tiếng réo gọi sao trời chập chờn ở đâu thoảng lại. Trãi nhắm mắt. Chàng chỉ mong là một vì sao băng mang vệt sáng cuối cùng của một thân phận chẳng níu được vào đâu để tìm ra hy vọng.
*
Như vậy, cái giấc mơ có người nối dõi của Bảo vẫn chưa thành. Ðứa gái út của Bảo và Ðào Nương năm nay lên bốn. Khi đẻ nó ra, Ðào Nương có vẻ buồn, nhưng Bảo cười, đùa ‘‘ Một trăm con trai không bằng cái lỗ tai con gái ’’ và đặt tên là Nguyễn Phi Anh. Lên một, nó chưa biết đi đã biết nói. Ríu rít cả ngày, trại chè gọi nó là con Vàng Anh, tên một loài chim trong chuyện cổ tích.
Vàng Anh suốt ngày lê la với Ðào lão. Cả hai cứ thoắt một cái lại vào với Trãi, nay Bảo xếp cho ở một trái nhà. Sau vài tháng về trại chè, Trãi bình phục, xong bệnh á khẩu vẫn không chữa được. Muốn nói điều gì, Trãi phải cầm ngón tay người đối thoại viết chữ. Khổ một nỗi, nếu gặp người mù chữ thì chịu. Ðào lão xưa có đi học nhưng bỏ ngang, để hết thì giờ vào chuyện đàn sáo. Còn Vàng Anh, nó phải nhờ Ðào lão nói lại mỗi khi trò chuyện gì với Trãi. Cái mối kết tay ba đó tạo ra vô số chuyện ngộ nghĩnh, chính là bởi Vàng Anh. Bắt chước mẹ, nó bịa ra những bài hát, rồi líu lo :
Em với ánh trăng vàng
Nay đem cho bác cho ông
Mặt nước vui reo cười
Tung tăng múa máy trên dòng...
Ðào lão thường hấp háy, kéo nhị đệm vào, miệng móm mém cười chỉ thấy lợi. Còn Trãi, Trãi sửng sốt. Chàng nhớ lại những câu hát trong Kinh Thư, mang so sánh rồi giật mình. Những câu hát từ miệng đứa bé bốn tuổi xứ Ðại Việt này tuyệt vời, đọ chẳng kém gì Kinh Thi của xứ sở xưng mình là trung tâm nền văn minh của quần nhân trên trái đất. Và dĩ nhiên là hơn hẳn những thứ thơ văn sao chép của đám thư lại chỉ biết nhai lại từ phú thi ca Tiền Hán với Thịnh Ðường. Hơn ở chỗ nó thật. Nó mang chữ tình như chất keo gắn bó con người vào với nhau. Và gắn bó cả vào với thiên nhiên vạn vật.
Từ bấy giờ, Trãi thấy rõ cái giới hạn của chữ nghĩa kinh điển. Chàng thèm nói. Nói được bằng lời khác với viết thành văn tự. Nhớ trong óc là nhập tâm. Nó khác với nhớ qua sách vở, vốn là nhập trí. Văn hóa truyền khẩu có thể truyền không xa, lượng truyền không rộng, nhưng hơn văn tự ở chỗ là truyền sâu vào lòng người.
Trãi ngẫm lại lời mình nói với Ðạo Khiêm khi xưa trên chùa Thiện Chính, than rằng bản sắc dân tộc không đủ mạnh, dẫu ‘‘ Nam quốc sơn hà nam đế cư ’’. Trãi hồi tưởng nỗi băn khoăn trong cuộc đối đáp với Hoàng Phúc ở Ðông Quan. Chàng sợ rằng đã học Luận Ngữ, Trung Dung, thì dẫu nói ‘‘ Ðạo Thánh có một, nhưng mỗi nơi lại thờ một cách ’’ đểõ phân biệt ta với người cũng chỉ là nói mạnh. Nói vì phải nói, nói đến cùng hóa há miệng mắc quai ? Nay, Vàng Anh đã trả lời câu hỏi này. Rằng không, không phải vậy ! Văn tự không thể thay cho những lời hát dân dã. Những câu ca dao tục ngữ hát giặm hát ví mới thực sự chuyên chở đời sống tâm linh của người Ðại Việt.
Còn với kinh điển, vấn đề là học gì ? Chính cái học có lựa chọn thực hư, đánh giá tốt xấu, sẽ qui định cách thờ Ðạo Thánh. Ðạo tỏa ra, lan rộng, ngấm sâu thì thành một với đời sống. Ðó, gọi là phong tục. Nghĩa là cách làm người với nhau. Và làm người vì nhau. Trong các hành xử đi từ cá nhân đến gia đình, rồi từ làng thôn cho đến cả đất nước, bản sắc của một dân tộc biểu hiện ra. Nó là một thực thể. Nó biến hóa linh động. Nó phát xuất từ quá khứ, nhưng không chỉ lập lại quá khứ mà là cách mang hiện tại trên bước đường đi vào tương lại cho một cộng đồng.
Ngồi nghe Vàng Anh líu lo, Trãi chợt nhớ một câu hát chàng nghe từ thuở còn nhỏ ‘‘ Này ai tát nước bên đàng. Xin đừng múc ánh trăng vàng đổ đi ’’ . Kinh thi có đâu được một câu thơ đến như vậy. Còn thi nhân, may ra chỉ có Lý Bạch hoặc Vương Duy là có thể đạt cái đẹp đó. Trãi vào mài mực. Ngẫm nghĩ một lúc, Trãi viết ‘‘ ...Tứ Thư, Ngũ Kinh chỉ uốn nắn một phần đời sống. Ðạo làm người Ðại Việt không chỉ ở đó. Bản sắc một dân tộc nằm trong sự sống của dân tộc đó. Nó có trước và vượt trên văn tự. Nó tự khẳng định như một toàn thể. Bản sắc là văn hóa. Và văn hóa của một dân tộc là ngôn từ. Ta giữ được ngôn từ, là ta tồn tại. Ngôn từ mỗi ngày một đẹp là ta tiến hóa. Ngược lại ta giật lùi. Tụt hậu cho đến khi ta không còn là ta, thì ta nói tiếng người, hát nhạc người, ăn cơm người, nghĩ bằng đầu người. Nghĩa là ta mất văn hóa, chập chờ thành cái bóng người khác như một hồn ma. Nghĩa là ta không sao bấu víu được gốc cội của mình ’’.
*
Năm Kỷ Hợi ( 1419 ), Tổng binh Lý Bân sai làm hộ tịch trên khắp đất Ðại Việt. Về mặt binh bị, Bân tiến đánh nghĩa quân ở Ðà Sơn, Mường Chánh, Lư Sơn và Vu Sơn. Sang năm Canh Tý ( 1420 ), Lê Lợi mai phục ở Bến Bồng đánh tan một đạo quân Minh, lấy được Mường Nanh và Mường Thôi. Lý Bân và Phương Chính phản công, nhưng thua, phải lui về cố thủ Tây Ðô. Lợi tiến lên Lỗi Giang, phái Lê Sát và Lê Hào đánh Tây Ðô. Hàng dân châu Diễn nơi nơi hưởng ứng, khí thế nghĩa quân như diều gặp gió.
Ðến năm Canh Sửu ( 1421 ), nhà Minh phái bọn Mã Kỳ, Trần Trí và Sơn Thọ vào bình định. Lê Lợi thắng được vài trận phục kích, nhưng nay mất một thế lực đồng minh là quân Lão Qua. Hậu cứ của nghĩa quân Lam Sơn không an toàn như trước. Lợi vào thế bị kẹp, xoay trở rất khó khăn, ảnh hưởng trong dân gian càng ngày càng giảm. Trong tình thế ấy, Trần Nguyên Hãn ngược sông Lam đến Lư Sơn gặp Lợi vào buổi lập thu. Sau khi bàn bạc xong xuôi, Hãn tiếp tục đi vào trại chè thăm Trãi. Hà Trí Viễn xin theo.
Khu nhà nằm giữa hai ngọn đồi chè khoảng trăm nóc gia, chia thành thôn thượng và thôn hạ. Phi Bảo hớn hở đón Hãn, và khi biết Viễn là người đi cùng, chàng chắp tay cám ơn Viễn đã chăm sóc phần mộ tổ nhà mình trong suốt mười năm. Hãn và Viễn đòi đến gặp Trãi ngay. Nhưng khi đó, Trãi và Vàng Anh đi câu trên bờ sông Lam, mãi sẩm tối mới về. Hãn thấy Trãi, chồm dậy nắm vai, mừng mừng tủi tủi :
- Thì vẫn chú đây. Ta đã sợ...
Viễn lừng lững đến cạnh Trãi, nắm tay, miệng ề à :
- Em cũng sợ... Nhưng em biết rồi bác cũng qua. Người ta có số cả mà.
Trãi chỉ vào miệng, lắc đầu, mỉm cười. Trãi vẫn á khẩu, không nói được. Nắm ngón tay trỏ của Hãn, Trãi viết vào khoảng không :
- Ngậm lời. Trời bắt vậy...
Cười ha hả, Hãn mượn lời Hàn Dũ, đáp :
- Bất bình tắc minh.
Bấy giờ, Hãn mới thấy những thay đổi trên khuôn mặt Trãi. Xưa, đôi mắt Trãi sắc lẻm, ánh tinh anh lấp loáng trên gò má nhô cao. Nay, đôi mắt đó trở nên trầm tĩnh. Và cái nhìn không giấu được nét u buồn thấp thoáng. Chạnh lòng, Hãn bùi ngùi :
- Chớp mắt mà xa nhau đã sắp hai năm...
Trãi gật đầu, tay chỉ vào miệng rồi lại viết vào khoảng không :
- Thiên hình ! Vô ngôn !
Buổi tối, mọi người quây quần chung quanh một mâm cơm đạm bạc. Phi Bảo kể cho Hãn và Viễn nghe tình hình trong vùng. Dạo này, bọn quan quân nhà Minh lại bắt đầu sục sạo, không còn e dè như trước. Hãn dặn phải cảnh giác và phác họa cho Bảo và Trãi hoàn cảnh chung ở Thanh - Nghệ. Lẳng lặng nghe, Trãi không góp chuyện. Vàng Anh, khi nào cũng ngồi cạnh Trãi, giương cặp mắt tròn to lên nhìn, bi bô bảo đánh giặc cần tiếng hát. Ðào Nương suỵt con, nhưng Hãn dịu dàng hỏi :
- Hát thế nào ?
Nhìn Trãi gật đầu ý khuyến khích, Vàng Anh nói :
- Ðào ông đệm cho cháu nhé...
Ðợi lên dây đàn xong, nó nhịp tay xuống mặt phản, miệng cười rồi hát theo điệu Quan họ :
Trèo lên núi dốc
Dựa gốc cây rừng
( ối a ), ta dựa gốc cây rừng
Dưới kia, quân thù dưới kia
Thù này, ( ôi ) ta phải trả
Ta đuổi nó ( ôi à là ) ta đuôỉ nó ( ôi à )…