Đất Trời- Chương 08 part 4

Chống tay vào thành giường, Lê Lợi nhỏm dậy, tay chỉ chiếc ống nhổ. Thái giám Ðinh Hối vội vã cầm, hai tay dâng lên, đầu vẫn cúi gầm xuống. Lợi hỏi :

- Quốc Vương nói gì ?
- Muôn tâu Hoàng Thượng, Vương thưa rằng Ðèo Cát Hãn xin qui phục, cho con trưởng là Mạnh Vượng về Kinh dâng biểu...
- Hừ... Gọi Tư Tề vào cho ta. Gọi ngay !
Khoảng hai khắc sau, Tư Tề đã vào hậu điện Kính Thiên phụng chỉ. Theo chân Ðinh Hối, Tư Tề rón rén vào đứng cạnh giường. Vẫn quay mặt vào tương, Lợi lên tiếng :
- Ðánh đấm ở châu Phục Lễ ra sao ?
- Tâu Phụ Hoàng, Thái bảo Phạm Văn Xảo chốt quân, vây rồi báo Ðèo Cát Hãn. Hãn không kháng cự, xin gặp...
- Gặp ai ?
- Gặp Xảo. Và hàng...
- Mi có đó không ?
- Tâu phụ hoàng, không !
- Thế chúng nói gì với nhau, mi không biết ! Hừm... Lỡ là trá hàng thì sao ?
Tư Tề ấp úng :
- ...Hãn cho con là Ðèo Mạnh Vượng về Kinh, không thể trá hàng được !
Lợi cười khẩy :
- Thế à ! Trong muôn loài, mi có biết có giống nào cha ăn sống con không ? Thấy Tư Tề lúng túng, Lợi lại hừ lên rồi tiếp - ...thiếu gì, cá trắm chẳng hạn... Mi có biết rằng xưa Thái Bảo cầm quân ở Phục Lễ, đối với Ðèo Cát Hãn có tình cố cựu không ?
- Tâu phụ hoàng, biết !
Gầm lên, Lợi chồm dậy quát :
- Thế sao mi, là chủ tướng, lại mặc cho chúng nó điều đình riêng tư với nhau ? Cút, cút ra ngay !
Thở hổn hển, Lợi xua tay, mặt tái bệch. Hai tháng sau, Lợi để Nội Mật viện hỏi tội Xảo rồi hạ ngục. Trịnh Hoành Bá cùng Lê Quốc Khí một tối đến nơi giam Xảo. Bá nói :
- Triều đình đã nghị tội Thái Bảo rồi !
Xảo quắc mắt :
- Ta biết tội ta rồi, hệt như tội Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn khi xưa... Bọn Nội Mật viện chúng bay, bay có biết rồi bay sẽ ra sao không ?
- ...
- Ta vô tội, như Trần Nguyên Hãn, như Lưu Nhân Chú... Cho nên sớm muộn, bay sẽ mang cái tội tấu gian, bẩm dối khiến Hoàng Thượng lầm mà bắt chết công thần... Ha ha ha...
Trịnh Hoành Bá hai tay dâng lên một giải lụa bạch, ngập ngừng :
- Hoàng Thượng để Thái Bảo chết toàn thân !
Xảo tiếp :
- ...sẽ đến lượt chúng bay. Cái ngữ chúng bay thì lắm lắm, tìm đâu lại không ra !
Quả như lời Xảo, đến tháng một, khi đích thân Lợi dẫn quân vào châu Phục Lễ thì cả bọn Trịnh Hoành Bá, Lê Quốc Khí... đều bị thích chữ vào mặt rồi đuổi ra Diễn châu làm phu dịch. Ðèo Cát Hãn ra hàng, về Kinh và được phong làm Tư Ðồ. Nhưng ba tháng sau, vào tháng hai năm Nhâm Tí ( 1432 ), Lợi sai giết Ðèo Cát Hãn rồi đem đầu bêu ba ngày ở chợ. Ðèo Mạnh Vượng trốn về Phục Lễ, nhưng khiếp nhược đến độ không còn giữ nổi ý chí phục hận báo thù. Quốc Vương Tư Tề cũng hoảng sợ, tìm đường trốn về Thanh Hóa. Bị bắt lại, Tư Tề run như cầy sấy khi bị điệu vào điện Kính Thiên. Quì xuống lạy, Tư Tề không dám ngửng lên. Lợi nay xanh xao, tay ông bụng nhăn nhó đau, chửi :
- Mi ngu như con chó ! Ta có phải là cá trắm đâu mà trốn !
Dứt lời, Lợi thầm nhủ, để nghiệp vào tay thằng này sớm muộn cũng mất. Nhìn Tư Tề run rẩy, cơn bực bội lại ùn lên. Lợi kìm lời, nhưng lòng đã quyết. Ðó là lần cuối cùng Tư Tề gặp riêng một mình Lợi. Ðó cũng là lần đầu Lợi bớt đau bụng, và ban đêm Ngọc Trần thôi không hiện về trêu chọc nữa. Từ hôm đó, Lợi cho Nguyên Long vào ở cạnh mình. Thằng bé năm nay đã mười tuổi. Chẳng kiêng nể ai ngoài cha mình, Long suốt ngày đùa nghịch với bọn quan hoạn, bắt chúng làm lừa làm ngựa, cưỡi lên lưng rồi lấy roi quật vào mông, la thét đánh đập luôn tay. Bọn nho sĩ đến dạy Long học cũng bị hành hạ như đám hoạn, hết người này đến người kia, ai cũng cứ dăm bữa nửa tháng là xin thôi. Nhưng tất cả đều giấu Lợi.
Cho đến nay, Hoàng Thái tử vì thế vẫn chỉ đọc được có đúng một câu ‘‘ Nhân chi sơ, tính bản thiện’’ rồi phá lên cười ằng ặc.
*
Vun đám cỏ dại vào một bên, Trãi bật hồng thắp một bó nhang, xoay tay vung lên trời cho lửa tắt. Cắm vào chiếc bát hương phía mặt tiền ngôi mộ ông ngoại, Trãi vái ba vái, kéo áo the rồi quì cạnh Thị Lộ. Trên cái án thư trước mặt hai người là tập Băng Hồ di sự lục do Lộ nắn nót chép từ bản thảo của Trãi. Sau khi trước tác Lam Sơn thực lục, kể lại nguồn gốc Lê Lợi và cuộc kháng chiến chống Minh, chính Lộ đã thúc cho Trãi viết lại cái mảng sử thời Trần rồi thời Hồ, qua hai người gần gũi nhất là Trần Nguyên Ðán, ông chàng, và Nguyễn Phi Khanh, cha chàng. Lùi khỏi thế cuộc, Trãi nay nhìn lại quá khứ với cặp mắt khách quan và chừng mực, hiểu cái qui luật thời thế và cảm thông cho những con người muốn xoay vần rồi rút cục bị nghiền nát dưới bánh xe lịch sử. Ông ngoại cuối đời bất lực, phải gả bán làm sui gia với họ Hồ, mục đích bảo vệ đám con đám cháu. Cha thì chân ướt chân ráo làm quan triều Hồ khi tóc đã bạc, chưa thi thố được gì đã phải đào vong rồi bị đầy đi biệt xứ, đến nay thân xác vẫn còn nằm dưới ba tấc đất quê người. Ngẫm đến mình, Trãi chạnh lòng, bùi ngùi nhìn xuống đám cỏ dại dưới chân. Như đoán được, Thị Lộ nắm lấy tay Trãi, se sẽ kéo vào lòng mình. Ðánh tan cái không khí trầm mặc dễ khiến động lòng, Lộ hỏi :
- Ðến lúc hóa vàng rồi nhỉ ? Thầy giúp em...
Nhìn ngọn lửa cháy lém thếp giấy cong queo trong gió, Trãi buột miệng thở dài. Một kiếp người, là thế đấy ư ? Nhìn xa, trông rộng, trên vai gánh vác trách nhiệm Tể Tướng một triều đại, ông ngoại chàng nay vùi dưới ba tấc đất kia. Và bất lực, cả khi sống cũng như lúc chết. Ðám hậu duệ dòng dõi nhà Trần thất tán sau khi Trần Nguyên Hãn bị bức tử, nay đổi họ thay tên. Còn chàng, cháu ngoại, cũng về Côn Sơn này, bị gạt hẳn ra chốn thế quyền nay là một tập hợp bơ vơ đi tìm chỗ đứng, chao đảo hỏi mình là ai ? Nghịch lý thay, câu trả lời không cần thiết khi trước mặt có kẻ thù ngoại lai đối kháng. Nhưng lúc đã thu về một mối, quyền lực bỗng sững sờ, loay hoay tồn tại bằng cách tạo ra những kẻ thù giả tạo, đánh đấm cái bóng của chình mình trong những cơn thất thần mê hoảng. Và rồi, kết cục, chính những kẻ chiến thắng nhìn qua ải Phá Lũy, Chi Lăng để bắt chước rập cái khuôn nhà Minh và trở thành chính những kẻ ngoại lai mình đánh đuổi. Dưới cái chiêu bài độc lập, ốp vào như một niềm tin tôn giáo, và lòng yêu nước tưởng tự nhiên đến độ không ai có quyền tra vấn, họ nhắm mắt xông lên trong chiến tranh, bất chấp mọi hy sinh và đổ vỡ. Nhưng từ tro than để lại từ một cuộc chiến, những kẻ chiến thắngï đã xây dựng được gì ? Và đã làm gì, nhất là cho những người đã nằm xuống ?
Thị Lộ như đoán ra, bĩu môi, giọng có chút hờn dỗi :
- Ðấy, thầy lại vẩn vơ rồi. Quên đã hứa với em thế nào à ?
Giọng giả vui, Trãi đáp :
- Nào, đâu có gì ! Nhìn vào đôi môi Lộ đỏ áy quết trầu, Trãi tiếp - quên thế nào được ! Tự nhiên, thấy mủi lòng khi nhớ tới ông thôi...
- Thầy lại lỡm em ! Thế tuần trăng trước, ai viết
Bui một tấm lòng ưu ái cũ
Ðêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng
nào ?
Trãi đỏ mặt, ngượng ngùng. Giọng bỗng trầm xuống như một lời than vãn, Thị Lộ giả bâng quơ, nói :
- Thân đàn bà nhỏ nhoi. Còn giang sơn kia thì to rộng. Nhỏ, giữ được, làm vợ cho mình. Còn như to rộng, chẳng thuộc về ai... Có giữ chăng là cái ảo tưởng về mình mà thôi !
Buổi trưa hôm đó, hai người lên am Mây. Nhìn qua mỏm phía đông, mái chùa Tư Quốc, nơi quàn nhục cốt sư tổ đời thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, nhô lên khỏi chóp núi, chơ vơ trong những cơn gió đã chớm hơi se sắt buổi đầu thu. Trãi rủ Lộ đến thắp hương cho sư, nhưng nàng lắc đầu, ngồi đợi.
Khi bóng Trãi đã khuất sau dốc núi, Lộ đưa tay lên vờn bắt những đám mây bay ngang vai. Chụp vào trống không, Lộ hiểu cái nhìn thấy không lúc nào cũng nắm bắt được. Nàng mỉm cười một mình. Thấm thoát, nàng đã cùng Trãi lên trên đỉnh Côn Sơn này ngót nghét một năm. Ngày ngày, nàng chép lại bản thảo Trãi viết, chữ tháo đến độ đôi khi chính Trãi đọc không ra. Không chỉ chép, nàng còn luận bàn, khi đồng ý, khi phản bác. Nhưng sống với một thiên tài, không dễ. Có những điểm Trãi bung ra bay bổng, phóng khoáng chấp nhận những điều đi ngược lại cái rào cản của những giá trị đã hằn vết trong tâm thức. Chẳng hạn như câu ‘‘ Xuất giá tòng phu. Phu tử tòng tử ’’. Trãi nhận vế đầu, nhưng lại coi vế sau như một thứ luân lý vô nhân, bảo ‘‘...nàng nghĩ xem ! Chồng chết năm hai mươi, sống thêm hai ba mươi năm, phải nhịn hết để mà ‘‘ tòng tử ’’, trong khi con người là con người, có những đòi hỏi sinh lý tự nhiên... Càng kìm hãm, càng ép buộc, càng đưa con người đến dối trá lọc lừa ’’. Nhưng quái thay, ngược lại, cũng có những luận điểm Trãi co cụm bảo thủ. Chẳng hạn ‘‘ Quân, thần, phụ, tử ’’ là cái hệ thứ bậc nói thế nào Trãi cũng một mực bíu vào. Lộ trì triết việc Lê Lợi giết Hãn và hạ ngục Trãi. Buột miệng, Trãi đáp :
Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn.
Dường ấy lòng ta đà phỉ nguyền
Lộ nhẹ nhàng bảo, cái thời Ðường, Ngu đó là ảo tưởng. Vua hiền, dân lương đến mức thấy vật rơi không lấy, cửa nhà không cài mà chẳng lo, là chuyện đời trước bịa ra. Trãi mím miệng không đáp, lẳng lặng cúi xuống những trang sách dở dang.
Trãi quay lại tìm Lộ lúc nắng bắt đầu ngả. Nép vào vai chồng, Lộ nắm tay, nũng nịu ‘‘ ...thầy bỏ em một mình, không sợ quỉ kêu ma bắt em à !’’.
Buổi tối hôm đó, Lộ gội đầu. Ðơm củi vào bếp, mùi hương thông thơm lừng căn nhà ba gian lặng lẽ dưới ánh trăng vằng vặc. Lộ tiếp cho Trãi ăn, như một người mẹ, một người chị. Rồi Lộ rót rượu, bảo :
- ...thầy ơi, lẽ ra thầy chỉ nên là một nhà thơ !
Ghì Lộ vào lòng, Trãi hít mùi bồ kết trong tóc, khẽ ngâm nga, ‘‘ Cổ nhân bỉnh chúc dạ du, hương hữu dĩ dã ’’, lời nhà thơ Lý Bạch ý bảo người xưa cầm đuốc chơi đêm là biết sống.
- Thầy làm cho em một câu bằng tiếng Nôm ta đi...
Ngẫm nghĩ, Trãi đọc :
Cầm đuốc chơi đêm, câu người dặn
Tiếng chuông chưa gióng, ắt còn xuân
Cười khúc khích, Lộ chúi mặt vào lòng Trãi, bảo ‘‘...đêm nay tròn trăng đấy! ’’như nhắc nhủ. Ðêm đó, Trãi đổ ra cho Lộ tất cả cái sinh lực đàn ông, nhận lại từ Lộ nỗi đam mê đồng thiếp của một cơ thể căng ra chín mùi, bần bật sự sống bão táp đến với những làn sóng của cơn địa chấn thịt da. Lộ rên rỉ «... Giời ơi là giời ! Em chết mất ! »
Giời ơi là giời ! Em chết mất !
Ðó là tiếng kêu hoan lạc Trãi đã nghe trong giấc mơ đi với Xuyến đến một cái sân đình trai gái từng cặp quấn quít lấy nhau, thuở chàng còn ngậm lời ở trại chè ven sông Lam. Chàng hiểu, như chuyện hiển nhiên, chết được trong niềm hoan lạc là điều vô cùng hạnh phúc.
Sáng sớm sau, Trãi thức giấc thì Lộ không còn bên cạnh. Trên án thư, một tờ giấy hoa tiên có dăm chữ viết vội, và cả thế gian bỗng loãng ra, trống vắng đến mênh mông. Trãi ôm đầu, miệng bật lên ‘‘ ...Lộ em ơi, tại sao vậy ? ’’. Trãi lẩm bẩm hỏi đi hỏi lại một câu hai ngày liền, không ăn không ngủ, thậm chí không còn biết đến gì ngoài cái tê điếng của một sự mất mát chẳng có chi đền bù được. Chàng ngồi yên một chỗ, bất động như tượng tạc bằng đá nham cương, trơ trọi trên đỉnh Côn Sơn mây phủ, thỉnh thoảng chỉ đâu đó dăm tiếng chim lạc đàn. Sống hay chết đây ? Không, phải tìm, có thể là đi lại từ bước đầu, thực chứng sự có mặt của mình. Nó chính là sự ràng buộc của mỗi người vào cuộc đời qua tình yêu, điều duy nhất mang toàn vẹn ý nghĩa của sự sống. Quơ tay lấy con dao quắm, Trãi dơ lên nhìn, ngẫm nghĩ rồi nghiến răng đâm vào đùi. Máu ứa ra nhỏ ra thành giọt rơi xuống nền nhà. Nỗi đau cắt da khiến chàng bừng tỉnh. Chàng đứng dậy khập khiễng lê bước ra nhìn xuống phía dưới đồng bằng. Không có Lộ, chàng chẳng còn chút gì ràng buộc với cái đỉnh Côn Sơn chơ vơ này.