Đất Trời- Chương 09 part 2

 

Nhìn ông lão tóc trắng, Nguyên Long khinh khỉnh giả như không thấy ai, cất tiếng hỏi trống không :
- Ai là Nguyễn Trãi ?
Ðã nghe tiếng Nguyên Long ngỗ ngược, Trãi không đáp. Lẳng lặng quay ra cửa, Long gọi đám lính Ngự tiền, ra lệnh đưa mình về. Ngơ ngác, tay chưởng đội chạy vào thưa với Trãi. Trãi nói nhỏ vào tai thế nào không biết mà đám lính kéo nhau đi, để mặc Long đứng lại trong sân.
Ðứng chán chê, Long lò mò vào. Nó lại khinh khỉnh :
- Cho miếng nước !
Trãi quát :
- Vào nhà thì cởi giày ra ! Mi là ai ?
- Ta là Nguyên Long !
- Láo, Nguyên Long là Hoàng thái tử, đâu có ăn nói mất dạy, không trên chẳng dưới như mi. Nếu mi là Nguyên Long, mi có biết Nguyên Long đến đây làm gì không ?
- Biết, đến để học...
- Học có cần thầy không ?
- Hừm... cần !
- Nguyên Long muốn học, thì phải biết kính thầy. Trên là Vua, rồi đến Thầy. Thầy còn hơn cha, mi có biết thế không ?
- ...
- Hôm nay, ta đuổi mi về cho mi nghĩ lại. Mai lại đến xem sao !
Sáng hôm đó, Nguyên Long lủi thủi đi bộ về Hoàng cung. Chiều Lợi gặp, hỏi biết sự tình. Hôm sau, Long lại đến. Lần này, nó tự động cởi giày, nhưng đứng trân trân nhìn. Trãi bảo :
- Khi gặp thầy, vòng tay lại chào ! Không biết thì lại về...
Ðến ngày thứ ba, Long nghiến răng vênh mặt lên :
- Chào thầy ạ !
Trãi bảo :
- Khi chào, cúi đầu xuống !
Nguyên Long vòng tay, cúi đầu, miệng lại nhắc lại lời chào. Lúc nó ngửng lên thì bên cạnh Trãi là Thị Lộ. Nó ngạc nhiên, mắt đăm đăm nhìn. Lộ cười, dịu dàng :
- Kính chào Hoàng thái tử ! Tiện nữ là Thị Lộ, nội tướng của quan Gián Nghị.
Sau buổi gặp gỡ Thị Lộ lần đó, Nguyên Long thay đổi hẳn. Trãi để Thị Lộ dạy Nguyên Long mặt chữ và tập cho Long viết. Phần mình, Trãi giảng kinh nghĩa, chú tâm đến phẩm chất và cung cách con người.
Học chữ dễ. Chỉ trong vòng ba tháng, Nguyên Long đã đọc thông Luận Ngữ. Thị Lộ khéo léo khích tính hiếu thắng của Nguyên Long, nhưng Long hình như học chỉ để làm Lộ vui lòng. Với Trãi, Nguyên Long tuy kính nể nhưng vẫn giữ tật ương ngạnh. Một hôm, Trãi nhẹ nhàng :
- Hoàng thái tử sẽ lên ngôi Cửu trùng. Vậy có biết làm Vua là để làm gì không ?
Nguyên Long đáp :
- Sách bảo là Thế thiên hành đạo ! Còn cha tôi làm vua thì để nhăn nhó kêu đau bụng !
Sợ lỡ lời phạm thượng, Trãi tần ngần rồi tiếp :
- Hành đạo là thế nào ?
- Cha tôi bảo là thu hết về một mối và giữ cái ngai vua cho chắc !
Biết Long trêu chọc, Trãi lờ đi, lại hỏi :
- Thế sách, sách bảo sao...
- Sách bảo cứ lấy đời Ðường, Ngu làm chuẩn. Vua hiền thì như Nghiêu, không tham giữ gì cho mình, truyền ngôi cao cho Thuấn, kẻ thương dân đen như thương thân mình.
- Hoàng thái tử có làm được như Nghiêu như Thuấn không ?
- Không !
- Tại sao ?
- Dân thời Ðường - Ngu không như bây giờ. Thời này, hở một cái là ăn cướp, ăn giật. Thầy cứ ra xem ở chợ người ta lừa lọc chửi bới nhau thế nào tất biết !
Trãi rùng mình, gượng nói :
- Vua Nghiêu vua Thuấn, tất sẽ có dân Nghiêu dân Thuấn...
Long cười, giọng rất tự nhiên :
- Không phải thế. Dân là dân Nghiêu dân Thuấn, ắt Vua mới không thể khác đi được. Dân Kiệt, Trụ mà Vua lại Nghiêu, Thuấn thì chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày là cả trăm cả nghìn đứa nó đè lên cổ. Cha tôi bảo, cái sợ đầu tiên của bậc Ðế Vương là lũ quần thần xung quanh hăm he quyền thế. Vì thế, giữ Ðế nghiệp như đặt cái ghế ba chân rồi ngồi lên thì mới vững !
- ???
- Ba chân là cái tháp bút, cái giá gươm và một bọn tôi đòi tật nguyền cần có chủ như đám hoạn quan hay đám Nội Mật. Còn điều này là do chính tôi suy ra : ba chân ghế đó không được dài ngắn khác nhau. Tâu lên, cha tôi lại nhắc thêm là muốn thế thì lúc nào cũng có thể chặt chân ghế. Cha tôi dạy không ngó ngàng thì cái chân ghế nào cũng tự nó cứ dài ra. Muốn chặt, để chúng phạm tội. Cần chặt, mới xử. Ðó là công việc của Nội Mật viện...
Nghe Long nói, cơn bực bội của Trãi bùng lên. Nhưng đó chỉ là một đốm lửa. Nỗi buồn như nước triều dâng lên dìm tắt ngấm đốm lửa kia, mênh mang biến thành một niềm ngậm ngùi không bờ bến. Nhìn vẻ thơ dại sót lại trên khuôn mặt tinh quái của Long, Trãi hiểu rằng chưa, chưa hoàn toàn đến nỗi tuyệt vọng. Còn nước, còn tát. Chàng trầm tĩnh, giọng cương quyết :
- Hoàng thái tử ! Tiên học lễ. Thừa thì giờ ta mới học văn.
*
- Khi đến nước Vệ, học trò đức Khổng Tử là Hữu hỏi ‘‘ Dân đông rồi, nên làm gì ? ’’. Ðáp ‘‘ Làm cho dân giàu ! ’’. Hữu lại hỏi ‘‘ Ðã giàu rồi, nên làm thêm gì ? ‘‘. Ðáp ‘‘ Phải dạy dân ! ’’. Ðó là, có thực mới vực được đạo. Chính trị, trước là làm sao cho dân giàu, sau là làm cho dân trên hiếu dưới hòa, cẩn thận cung kính mà chân tình thật ý, mở lòng nhân yêu cả mọi người... Hoàng tử nghĩ thế nào ?
Nguyên Long cắn môi, cúi đầu :
- Tôi cho rằng thầy...
Trãi đưa tay ra dấu, rồi thưa :
- Bậc Vương Ðế xưng mình là quả nhân và gọi bầy tôi bằng chức phẩm, xin Hoàng tử để tâm cho...
- Quả nhân cho rằng Gián Nghị đại phu nói ý thì vẫn chỉ là ý chung chung, còn làm thế nào thì quả nhân chưa rõ. Trừ một điều, muốn dân giàu thì chớ để quan quân tham nhũng, cướp của hại người, vơ vét của cải... Còn dạy dân, dạy đọc dạy viết thì mở trường, nhưng đại phu cứ xem đám sinh đồ ở Quốc tử giám, chúng nào có biết thế nào là cung kính, hiếu hòa đâu... Quả nhân nghe phụ hoàng dặn đám thẩm hình quan rằng chúng quấy phá thì cứ bắt, cứ giam, cứ phạt mà rồi sau lại đâu vào đấy... Trừ cho sạch thì phải giết hết ư ?
Trãi lắc đầu :
- Không ! Bất giáo nhi sát, vị chi ngược. Bất giới thị thành vị chi bạo. Không dạy mà mang giết, gọi là ngược. Không răn mà đòi thành người thì gọi là bạo. Ngược bạo là hai tội ác của kẻ trị dân. Dạy là dạy lễ. Lễ không phải là hình thức nghi trượng. Lễ là nghĩa, phòng điều bất nhân, ngăn ngừa tội phạm. Lễ khác với Pháp. Pháp để trừng trị tội phạm, nhưng khiến dân sợ mà phục tùng. Lễ dùng cái lẽ con người với nhau để dân thuận mà theo. Nhưng dạy thế nào ? Lấy thân mình ra làm gương thì không cần nói. Ðó là thượng sách. Nếu thân chưa tu, thì phải giảng. Nhưng giảng đạo nghĩa, như Hoàng tử vừa kể, có người hiểu, kẻ không !
Nguyên Long ngắt lời Trãi, mắt nhướng lên :
- Bậc Vương Ðế tu thân thế nào ?
- Chương Thuật nhi, sách Luận ngữ, bảo Chỉ ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ , nghĩa theo Vương đạo là giữ Ðức, dựa vào con Người, và vui với cái Ðẹp. Ðức người quân tử như gió. Gió thổi thì đức của đám lê dân như cỏ ngả theo. Kết quả là bất lệnh như hành, vô vi nhi trị giả, kì Thuấn dã dư. Không cần lệnh, dân đã tuân. Không can thiệp mà nước đã trị, nghiệp vua Thuấn đạt được như thế đó !
*
Giá như không có Thị Lộ thì Nguyên Long sẽ tìm mọi cách để khỏi phải ngày ngày nghe Gián Nghị đại phu giảng nghĩa lý kinh sách. Thời gian đầu, Long có dịp là nói ngược những điều thầy dạy.
Trãi nói :
- Vương đế, cũng là người. Mạnh Tử dạy, vua Thuấn xuất thân từ đám dân cày, Phó Duyệt là thợ nề, Bách Lý Hề ở trong đám lái trâu. Trời trao mệnh lớn cho ai thì thử thách để họ phát động lòng tốt, luyện cái tính mà tăng tài năng. Nhưng Vương Ðế là ngọn. Dân là gốc. Gốc bền, ngọn mới tốt tươi. Muốn cho bền, phải vun xén. An ủi vỗ về dân, sửa cho ngay lòng tin, uốn cho thẳng tính tình, khiến dân an vui với đạo là trách nhiệm Ðế Vương. Muốn thế, vua là vua Nghiêu vua Thuấn, thích lễ thì dân không ai không dám bất kính, thích nghĩa thì dân không ai không dám không phục...
Long vặn :
- ...dám hỏi đại phu, lời Mạnh Tử chiœ ra Vương đạo cho thế gian, nhưng tại sao cuối đời ngài than : trẻ học đạo Nghiêu Thuấn, lớn lên muốn thực hành, ngờ đâu vua chư quốc lại răn là hãy bỏ cái học kia đi mà theo ý ta, thì làm sao bây giờ ! Vậy, phải chăng là sau Nghiêu - Thuấn, chẳng bao giờ còn có Nghiêu, có Thuấn nữa ?
Ngạc nhiên, Trãi lại kiên nhẫn giảng giải, không để ý rằng Nguyên Long dẫu nghe nhưng đầu óc để đâu đâu, thỉnh thoảng lại che miệng giả như đang ngáp. Với Lộ, việc học khác hẳn. Lộ mang Kinh Thi so sánh với những ghi chép bằng chữ Nôm trong Nam Dao chí, ra câu đố, câu ví và tập cho Long làm Từ, làm Thơ, xướng họa với nhau cả buổi. Long một hôm nói :
- Giá mà không phải học Kinh nghĩa với đại phu thì Long này có thể xướng họa với phu nhân cả năm mà không chán. Quả nhân nói thật, kinh nghĩa chẳng dùng được việc gì cả !
Lộ dịu dàng :
- Hoàng tử quên chữ nhẫn. Cần lắm, biết nhẫn là biết đợi. Không nóng vội, không hấp tấp, để nhìn cho xa, nghĩ cho sâu. Quan Gián Nghị dùng kinh nghĩa để trỏ ra lối đi trong rừng thiêng núi thẳm. Ai cũng đi, thì đạp bụi đạp cỏ mãi thành đường. Bỏ bê, cây hoang cỏ dại um tùm tất dấu vết con đường mất đi. Mất là thế nào rồi cũng đi lạc...
Ngả người ngồi dựa vào phản, Long nhác thấy bóng mình và Lộ phản chiếu trong tấm gương to bản để cạnh tường. Nó nắm tay Lộ, chỉ :
- Phu nhân nhìn xem. Trong tấm gương kia, có phải là Long hay không phải là Long ?
Chưa kịp phản ứng, Lộ ngạc nhiên thấy giọng Long buồn hẳn đi :
- Quả nhân thì đây, chứ không phải là trong tấm gương soi đâu ! Nhưng cho đến bây giờ, ai cũng muốn Nguyên Long là cái hình ảnh trong gương, đặt làm thái tử thì làm thái tử. Thái tử phải học, thì bắt học. Học làm vua, thì phải như Nghiêu, như Thuấn. Còn Long thật, ngồi đây, có ai thực tâm đoái hoài tới đâu !
Ngỡ ngàng, Lộ nói, giọng ngập ngừng :
- Ðâu phải ai cũng được như Hoàng tử ! Hoàng thượng đã sắp đặt thế, chắc mẫu hậu cũng vui lòng...
Không ngờ nghe đến đấy, Nguyên Long chồm lên chụp nghiên mực ném vào tấm gương. Trong tiếng thủy tinh loảng xoảng vỡ chói tai, Long gào lên :
- Ta làm gì có mẹ ! Ai là mẫu hậu ? Ai ? Còn ta, ta không muốn làm vua, không...
Lộ hoảng sợ, hai tay đặt lên vai Long, kéo về phía mình, van vỉ :
- Hoàng tử yên nào. Cho tôi xin !
Trưa hôm đó, Long vuột chạy về Hoàng cung. Ra nhặt những mảnh gương vụn rơi trên nền gạch đỏ, Lộ nhìn vào mặt gương vỡ rạn thành những vệt cong chúi vào những điểm đồng tâm hoắt nhọn. Ðằng sau, thấy khuôn mặt mình biến dạng chồng chéo lên nhau, Lộ bỗng đau xót. Ngay chính Lộ, Lộ nào muốn ở đây, là phu nhân của Gián Nghị đại phu đang chấp hành việc thị giảng cho một ông vua tương lai. Ðời bắt vậy. Trãi không dứt được nỗi khắc khoải của một kẻ muốn uốn nắn thế thời, bỏ đi nhưng rồi cũng phải quay trở lại chốn cung đình, như bị một thứ hấp lực của định nghiệp. Còn nàng, chẳng lẽ đành vậy ?
Tối đó, Trãi đi chầu về báo sáng mai nhà Vua sẽ chính thức ban chiếu giáng Tư Tề và lập Nguyên Long làm Thái tử kế vì. Lộ thuật lại phản ứng của Long buổi trưa nay. Nghe Trãi kể, Lộ mới biết là đẻ ra, Nguyên Long đã mồ côi mẹ, người đàn bà họ Phạm bị mang tế sống cho thần Phổ Hộ ở giòng sông Ác gần mười năm về trước. Lộ lặng lẽ một hồi rồi thủ thỉ :
- Thầy ơi ! Có lẽ đã đến lúc nên về Côn Sơn rồi !
Trầm ngâm, Trãi liên tưởng đến hoàn cảnh một ông vua thơ dại bị giằng co tung hứng giữa một đám quyền thần lăm le bon chen tranh giành. Thị Lộ lại nhắc :
- Sang đầu tháng này, là ngày giỗ ông ngoại...
Lúc đó Trãi thốt :
- Ừ thì về. Chạnh lòng, Trãi thì thào - Thật tội cho Nguyên Long, không biết phải làm thế nào để giúp được...
Nắm lấy tay Trãi, Lộ áp lên môi, giọng bùi ngùi :
- Em đã thay thầy, nhắc cho Hoàng tử chữ nhẫn.
*
Sau khi đã xếp đặt chu đáo việc kế vị, Lợi biết sức mình đã kiệt. Thấy chỉ vài tháng mà Nguyên Long thay đổi, đã biết đọc và viết, bớt trái tính trái nết, Lợi vui ra mặt, bỏ hết thời giờ gần Long. Lợi bảo :
- Khi ta chết, con lên ngôi có những kẻ phụ chính. Họ đều lầm lỗi, ta tha nhưng không quên, ghi lại mọi sự việc. Với đám quan lại, ta đã đuổi nhiều đứa ra Diễn Châu, Hoan Châu. Chúng đều căm giận bọn còn tại chức ở triều đình. Khi con đủ sức, lấy chúng nó về, phong lại quan chức, làm chỗ dựa cho mình...
- Thưa Phụ hoàng, đủ sức là làm sao ?
- Ðủ sức là lúc cái chân ghế thứ ba dài bằng hai cái kia. Chưởng quan Nội Mật Nguyễn Thúc Huệ và Thái giám Ðinh Hối là cái chân ghế đó ! Con hiểu chưa ?
- ...
- Về phần Tư Tề, ta dặn. Thứ nhất, khi lên ngôi rồi thì cấm quan lại không cho giao du đi lại với Tư Tề. Thứ hai, giữ Tư Tề ở Kinh Ðô, không để dời cư đi đâu. Thứ ba, cực chẳng đã thì giáng xuống làm dân, không được giết...
- Thưa Phụ Hoàng, tại sao không giết...
Câu Long hỏi khiến Lợi giật mình. Quay lại nhìn, Lợi rờn rợn, thấy ánh mắt Long ánh lên như thép nguội. Lợi định bảo, giết nó, nhỡ mày giết phải cha mày thì sao ? Nhưng kìm lại, Lợi chần chừ rồi nghiêm giọng :
- Anh em không ai đi giết nhau !
Cuối tháng bảy năm Quí Sửu, Lợi quyết định cùng Nguyên Long về Lam Sơn bái yết sơn lăng. Lên núi Chí Linh là nơi xưa nghĩa quân bị quân nhà Minh vây hãm, Lợi kể cho Long nghe ba tháng đói khổ, phải giết voi giết ngựa, ăn cây ăn củ, cái chết rình rập trong đường tơ kẽ tóc. Lòng bùi ngùi, Lợi khẽ nói :
- Nghiệp nhà đâu phải một sớm một chiều mà có ! Buột miệng, Lợi than - Chẳng hiểu có giữ được không...
Nguyên Long nghe, nhanh nhảu :
- Thưa Phụ hoàng, quan Gián Nghị Nguyễn Trãi khi dạy con có bảo cứ thường thì Ðế nghiệp thịnh ở đời thứ ba. Và kéo cho dài thì được hai trăm năm, đến đời thứ tám, thứ chín...
- Ðó là xét trên sử sách thì có thế. Nhưng hậu sự tùy vào nhiều yếu tố, lắm điều không ngờ trước được ! Chốn quyền thế như hang rắn. Cổ lai bất độc bất anh hùng !
Ðúng, xưa nay không độc thì mấy ai thành anh hùng ! Nhìn đám mây đùn thành gò thành đống trên đỉnh non trải ra trước tầm mắt, Lợi hồi tưởng đến thuở bơ vơ chẳng biết đi về đâu. Ngay trên khoảng đất núi chơ vơ này, Lợi đã nghĩ đến chuyện đầu hàng quân Minh khi đám võ tướng mệt mỏi định bỏ kiếm buông cờ. Lạ thay, đúng lúc đó thì Trãi, kẻ chỉ một hai dùng nhân tâm mà chiến đấu với giặc lại là kẻ quyết không chịu qui hàng. Thật ra, nghe theo Trãi nhưng Lợi vẫn nghi rằng một ngày kia nghĩa quân có thể chiến thắng một lực lượng xâm lăng đông hơn đến hai mươi lần. Dụng tâm công chẳng qua là để duy trì cái đoàn quân nhỏ nhoi của mình. Lợi lại cũng không ngờ gió có thể trở cờ, thời có thế có thì con đường tiến về giải phóng Ðông Quan lại thênh thang đến vậy. Lên ngôi vua, hoài nghi trở thành một thứ phản xạ vô điều kiện, kể cả hoài nghi chính mình. Vì thế, Lợi giết Hãn, Chú rồi Xảo. Phần Trãi, người tin, và tin tuyệt đối vào những điều Lợi không bao giờ tin như nhân nghĩa, Lợi chần chừ cho đến lúc thấy vô hại mới tha chết. Vả lại, Lợi dựa vào ai với cái triều đình non trẻ ngỡ ngàng đi tìm mình, không thấy nên chẳng có cách nào khác hơn là núp vào cái bóng quân quyền nhà Minh. Kẻ thù xưa dẫu chiến bại nhưng vẫn là tay trên, có lễ nhạc và nhất là một mô hình tổ chức xã hội chính trị. Còn ta, người chiến thắng ? Quay lại mẫu mực Lý-Trần ? Hay đi lên phía trước theo gót lịch sử ? Nhưng về đâu ? Không biết thì cứ giữ rịt lấy ngôi vua ! Làm sao hơn được ?
Nhưng chỉ bám vào quyền hành thì được bao lâu ? Nhìn Nguyên Long, Lợi tự hỏi chẳng biết cái quyết định phế Tề lập Long đúng sai thế nào. Nỗi hoài nghi như những tế bào nhiễm độc lại phá ra gậm nhấm xương tủy. Ho lên xù xụ, Lợi cảm thấy rã rời. Những ngày cuối đã đâu đây. Ðiều này là sự chết, điều Lợi không thể hoài nghi được.
*
Ở Lam Sơn ít lâu, hai cha con Lợi lên đường về Kinh. Lợi lệnh cho đi qua những địa điểm xưa là đường nghĩa quân đi chặn, vây và đánh quân nhà Minh. Khi đến sông Ác, mặc dầu thuyền nhân ra sức chèo, thuyền ngự không qua được sông, cứ nhích lên là lại trôi tuột xuống. Lợi thầm khấn thần Phổ Hộ :
- Xưa ta đã hiến Ngọc Trần cho thần, nay còn đòi gì...
Ðột nhiên, trời nổi gió xoáy, thuyền ngự quay vòng vòng. Lợi nghe văng vẳng tiếng cười the thé. Rồi tiếng quát :
- Cái hạn ba năm tới rồi đó !
Từ lúc đó, Lợi hôn mê. Gió ngừng, sông êm, thuyền ngự khi ấy mới qua sông. Ðoàn ngự giá đi gấp về Kinh.
Chiều ngày hai mươi hai tháng tám, Thuận Thiên năm thứ năm, thì Lợi tỉnh lại. Cho gọi đám phụ chính và Nguyên Long vào, Lợi nhìn chung quanh, mắt nhướng lên trắng rã, thều thào :
- Mọi việc ta đã xếp đặt thế nào, cứ thế ấy mà làm ! Ðế nghiệp nhà Lê là của chung...
Nắm lấy tay Long, Lợi tiếp :
- Các vị phụ chính đều là người dòng họ nhà ta. Con lên ngôi, đừng quên những điều ta dặn.
Sử chép, Vua băng hà ở chính tẩm vào lúc sao chổi mọc ở phương Tây.
Nhục cốt của Lê Lợi, Thái Tổ nhà Lê quàn ở cung Vạn Thọ hai ngày ba đêm trước khi đưa về Lam Sơn mai táng. Ðại thần từ hàng nhất phẩm trở lên được vào kiến diện tiên đế trước khi tẩm liệm, nối nhau đi mặt mũi thi nhau rầu rĩ, người khóc được cố tình thút thít khiến những kẻ không mau nước mắt tím dạ căm gan. Ðứng đằng trước hai vị hoàng phi, Tư Tề và Nguyên Long nhận những cái vái của đám thần tử, nghiêm nghị nhìn im lặng. Bên cạnh, ba vị phù chính Lê Sát, Lê Vấn và Lê Ngân nét mặt đăm đăm, tính thầm trong đầu những cảm tình riêng tư hoặc ràng buộc ân nghĩa của những kẻ diễu hành qua mặt mình.
Ðêm cuối, Long ngồi cạnh thi hài cha. Giữa áo quan lót lụa trắng, Lợi lọt lỏm trong bộ hoàng bào, da tái khô, mặt vô cảm như đất nặn. Hai hàng nến trắng cắm dọc hắt ánh vàng vọt lên trần, lung linh theo gió lùa qua những bức hoành phi, chiếu lên vách hình bóng chập chờn hư thực.
Khi đám hoạn quan lui ra, Long ngả người trên chiếc ghế bành trước Lợi vẫn ngồi. Nó chưa bao giờ cảm thấy trơ trọi đến thế. Lần đầu nó chua xót thương thân. Rồi không kìm được, nó hộc lên khóc. Cứ thế, thời gian trôi theo tiếng nức nở ấm ức. Dần dần Long thiếp đi. Nó mơ màng thấy một người đàn bà áo trắng từ sau lưng đến đặt tay lên vai nó, mơn trớn, vuốt ve rồi thì thầm :
- Ngủ đi con ! Mai mốt là lễ đăng quan ! Phải ngủ cho khỏe...
- Ai, ai đấy ?
- Mẹ đây con. Mẹ sẽ về sông Ác. Con phải ở lại đây một mình...
- Một mình à, con sợ lắm !
- Ai làm vua mà chẳng một mình, đừng sợ !
Long ngoái cổ nhìn. Người đàn bà áo trắng nhạt nhòa hóa ra sương khói mờ dần nhưng đủ để Long nhận ra dáng dấp Thị Lộ. Nó gào lên :
- Chị, chị ơi ! Ðừng bỏ em một mình !
Bật dậy, nó vừa khóc vừa kêu, vừa chạy vồ cái không nắm bắt được cho đến lúc Ðinh Phúc, tên hoạn quan thân tín, chạy vào lay.
font-family:"Times New Roman"'>Nguyên Long tỉnh ra. Nó lấy tay quệt mắt, mím miệng lại. Từ hôm đó, nó quyết định gọi mẹ là chị. Cách gọi đó thành tục lệ trong cung vua suốt kỷ nhà Lê kéo được quãng ba trăm năm mươi năm sau. Nhưng nói cho ngay, đến năm Ðinh Hợi (1527) đời Cung Hoàng thì nhà Lê mất thực quyền. Họ Mạc tiếm ngôi, rồi sau là thời nhà Chúa với cuộc Trịnh –Nguyễn phân tranh. Cho đến đời cuối cùng là Lê Chiêu Thống thì vị vua này đi cầu cứu nhà Thanh bên Tàu và mất luôn chính danh năm Kỷ Dậu (1789). Nhà Lê thực sự cáo chung như bất cứ những triều đại, sau và trước, mắc tội cõng rắn cắn gà nhà.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3