51. Lời Bạt
Trên thế giới, bất cứ nước văn minh nào, các giai thoại văn chương cũng được liệt kể là các chuyện lý thú để giúp cho sự sinh hoạt về tinh thần của con người được vui vẻ và khởi sắc thêm lên.
Nước Việt-Nam ta cũng thế, và là một nước văn hiến lâu đời, nên số giai thoại văn chương chứa lại từ đời này sang đời khác, không biết đến bao nhiêu mà kể. Tuy nhiên, người có ý thức, để viết lên và viết có ý thức, phải nói soạn giả tập này là cây bút đầu tiên, đặc biệt soạn giả lại là cây bút thuộc phái tân học. Tân học mà viết những giai thoại đa số về các nhà cựu học thì cũng đáng để cho chúng ta phải lưu ý và các nhà cựu học phải lưu ý đến vậy.
Thành thật mà nói, thì riêng cá nhân tôi, đối với những giai thoại văn chương nước nhà, từ lâu lắm, tôi đã được nghe rất nhiều bậc tiền bối kể lại. Tôi đã ghi chép và đã nhiều lần muốn viết lên thành bài để cống hiến cho đời, nhưng lại phải thôi, vì nghe thì thấy dễ, mà khi viết lên thì thấy là cả một vấn đề…
Bởi vậy, nay đọc tập « GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM » này, tôi không thể không tỏ cảm tình với soạn giả, mặc dù tập này chỉ là một tập ghi lại một thiểu số nào thôi. Một thiểu số nhưng cái khác của soạn giả trong cách diễn tả với nhiều ý kiến làm cho nhiều người đọc phải suy ngẫm rất nhiều…
Cổ nhân nói :
Ta hồ văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ !
嗟乎文章之事寸心千古
Nghĩa là « than ôi, cái việc văn chương, tấc lòng muôn đời ».
Lời nói ấy, đem ra để xét có lẽ cũng đúng với tâm sự của soạn giả phần nào, mà đó cũng là cái tâm sự chung của những cây bút còn có tâm sự ở trước tình cảnh của đất nước hôm nay…
Vì thế, phải nói tập « GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM » này là một quyển sách có giá trị trên đàn văn trận bút.
Và cũng vì thế, kẻ lão phu xin viết mấy lời bạt để trao duyên cùng soạn giả đồng thời cũng để gửi đến chư vị độc giả, và xin có mấy câu để làm lời kết luận :
Thế gian vô giá ấy văn chương,
Người thế đừng ra dạ thế thường.
Ngẫm chuyện đời nay qua chuyện trước,
Than ôi bao kẻ ngẫm mà thương !…
Saigon, tháng trong Xuân năm Mậu Tuất 1958
Giáo-Sư PHẠM NGỌC KHUÊ
Notes
[←1] Chữ Tự, bỏ nét đằng đầu thì còn là chữ Tử.
[←2] Chữ Vu, bỏ nét ngang lưng thì còn là chữ Đinh.
[←3] Cái khéo ở chỗ lấy chữ « mỹ mục miện hề » để đối với « cúc cung như dã » là những chữ liền trong kinh sách.
[←4] Ý nói sao đem sách của Thánh hiền vào chỗ buồng the như vậy.
[←5] Khổng-Tử ngày xưa thường nằm mộng thấy ông Chu-Công (ý nói muốn cầm quyền chính thiên hạ).
[←6] Người cuối nhà Thương, khi nhà Thương mất, Bá-Di và Thúc-Tề không chịu theo nhà Chu, lên núi Thú-Dương ở ẩn, hái rau vi ăn rồi chết ở đó.
[←7] Ông Tây-Bá (tức Văn Vương nhà Chu) cai trị đất Kỳ-sơn (Tây-kỳ).
[←8] Đức hóa lưu hành tự phương tây (Tây kỳ) lan khắp đi các phương đông nam bắc. Công thành tựu ở đất Cảo (tức Cảo kinh, kinh đô nhà Chu) là do cổng mở ra từ trước ở đất Mân, đất Kỳ, đất Phong. (Ý nói đức hóa và công khai sáng của Văn Vương (nhà Chu). Lệ xưa, các thí sinh làm bài, chữ viết liền một mạch chớ không được chấm câu.
[←9] Răng bầu là răng trắng như hạt bầu, chỉ người Trung-quốc (vì lúc đó người Trung-quốc đều răng trắng, còn người Việt hãy còn tục nhuộm răng).
[←10] Cạo đầu cũng là chỉ người Trung-quốc (vì lúc đó còn cạo đầu dóc bím).
[←11] Phun và Phung, tiếng trong Nam đều đọc một âm… Phung.
[←12] Người thiếu nữ ở trước sân thấy cây cau động. Hai chữ « Tân Lang » là cây cau, nhưng lại có nghĩa là một anh chàng trai mới tới (dùng âm).
[←13] Song tâm là hai lòng.
[←14] Tam sắc là ba màu xanh, trắng, đỏ (cờ Pháp).
[←15] Chữ Đình có nhiều chữ : đình là đừng, đình là thôi, đình là sét, đình là nóc.
[←16] Chữ Võ có nhiều chữ : võ là mạnh, võ là múa, võ là mưa, võ là lông. Trạng Quỳnh xưa làm câu này để giễu quan võ, và đối với câu giễu quan thị : thị vào hầu, thị đứng thị coi, thị muốn ấy, thị không có cậy (thị là hầu, thị là coi, thị là ấy, thị là cậy).
[←17] Quarante et un.
[←18] Quatorze vingt et un.
[←19] L’élève maison d’eau beaucoup tête boeuf (tiếng Tây bồi).
[←20] Chữ Tây cũng có người đọc là « Tê ».
[←21] Long hầu là cổ con rồng. Khuyển môn là đít chó. Sở dĩ có câu này là vì ông Bộ ấy thường khoe nhà ông có ngôi mộ tổ phát nhờ thầy địa lý để cho vào chỗ đất có hình như cổ họng con rồng.
[←22] Sứ đường là Tòa Công-Sứ (Residence) tức dinh quan đầu tỉnh Pháp ở các tỉnh Bắc-Kỳ, Trung-Kỳ trong thời Pháp bảo hộ.
[←23] Kim-Trọng
[←24] Đạm-Tiên
[←25] Từ-Hải
[←26] Khôn khôn là tiếng gọi chó. Có bản chép : « Thằng cha phủ Vĩnh thế mà thâm ».
[←27] Có bản chép : « Qua bén Ninh sa ghé cõng đầm. »
[←28] Cứng cánh tay.
[←29] Tức là mẹ (tiếng miền Vĩnh Phúc-Yên)
[←30] Có bản chép : « Gặp bác phủ Hoài (phủ Hoài-Đức) người một hội ».
[←31] Chỉ viên Tuần-phủ tỉnh Hà-nam.
[←32] Chỉ tên Chó Má Lợn.
[←33] Tức Tiến-sĩ Từ-Đạm, cựu Tuần-phủ Ninh-bình.
[←34] Nguy khoa là đề cao.
[←35] Hiền hoạn là làm quan to.
[←36] Hai tờ báo của ông Hồ-Biểu-Chánh xuất bản thời Pháp thuộc.
[←37] Hai tờ báo của ông Hồ-Biểu-Chánh xuất bản thời Pháp thuộc.