50. Thi Gia Hồ Biểu Chánh

THI GIA HỒ-BIỂU-CHÁNH

Nói đến ông Hồ-Biểu-Chánh (tức đốc phủ Hồ-văn-Trung người huyện Gò-công, tỉnh Định-tường) hẳn nhiên không mấy ai không biết là một nhà tiểu thuyết trong Nam được nhiều người biết đến, và hiện đang tiếp tục một cuộc sống phong lưu gồm đủ cả năm phúc : Phú quý thọ khang ninh.

Về phú, ông đã có xe hơi biệt thự từ lâu, không phải vất vả lăn lộn, chết dở sống dở như nhiều nhà văn nhà thơ khác.

Về quý, ông đã làm quan thời thuộc Pháp đến chức đốc phủ sứ và được nhà nước bảo hộ ân thưởng cho Bắc đẩu bội tinh.

Về thọ, năm nay ông đã hưởng được tuổi trời đến gần số bảy mươi.

Về khang, ông đã được các con các cháu để làm nên tất cả, so với thiên hạ, chẳng kém gì bao nhiêu.

Về ninh, từ trước đến nay, ông vẫn sống một cảnh sống thích thú, bình yên, không bị một mảy may nào rắc rối dù thế cuộc đã nhiều phen sóng gió, kinh động cả toàn dân toàn quốc.

Hiện nay ông đã xếp bút để dưỡng lão ở một biệt thự thuộc ngoại ô Saigon. Các nhà cầm bút ở đây đã nói khá nhiều về ông trên các báo. Nào thân thế, nào công danh nào sự nghiệp. Song đại để, phần biết rõ và nêu ra hơn hết chỉ chú trọng đến ông là một tiểu thuyết gia như tiểu thuyết gia Lê-văn-Trương. Phải nói là còn sơ sót lắm, vì quá trình, ông Hồ-Biểu-Chánh chẳng những là một tiểu thuyết gia, mà còn là một thi gia, một chánh trị gia nữa.

Theo lời ông Thường-Tiên Lê-Quang-Nhơn, một nhà thơ lão thành ở trong Nam, bạn thân của ông Hồ, hiện nay đã ngoài 70 tuổi, thì trước đây ông Hồ cũng thích làm thơ và thích chính-trị lắm.

Vì thích chính trị nên thời còn mồ ma giặc Pháp ông thường giao du và đàm luận với các cụ Trần-Chánh-Chiếu, Thượng Tân-Thị, Đặng-Thúc-Liêng là những nhà tai mắt cổ động cho phong trào Đông du ở Đồng-nai, Bến-nghé. Đầu năm 1946 chính phủ Nam-kỳ tự trị của bác sĩ Nguyễn-Văn-Thinh ra đời, chủ trương thuyết Nam, Bắc phân ly, ông Hồ đã hợp tác một cách đắc lực. Ông giữ nhiệm vụ Đổng-lý Văn-phòng phủ Thủ-tướng và chính ông là người chủ trương lấy đoạn đầu bản dịch Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm làm bản quốc ca Nam-Kỳ-Quốc :

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên,

Xanh kia thăm thẳm từng trên,

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.

Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt,

Khói Cam-tuyền mờ mịt thức mây,

Chín lần gươm báu trao tay,

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

Nước thanh bình ba trăm năm cũ,

Áo nhung trao quan Vũ từ đây,

Sứ trời sớm giục đường mây,

Phép công là trọng niềm tây sá nào…

Nhưng tiếc thay ở ông, cung chính trị lại không được phát đạt như những cung tiểu thuyết, tiền tài, quan lộc và tử tức, nên không bao lâu Thủ-tướng Nguyễn-văn-Thinh thắt cổ. Từ đó trở đi, có lẽ trên đường chính trị không còn ai tri kỷ, nên ông Hồ lại trở về cuộc đời của một tiểu thuyết gia. Cây đờn có nhiều dây nhiều phím, nhưng than ôi ! Chung-Tử-Kỳ đã chết, thì Bá-Nha có gảy cũng chỉ là những tiếng ngẩn ngơ, thiên hạ còn ai nghe được, thưởng thức được nữa đâu !

Trong khi nói chuyện với tôi, ông Thường-Tiên Lê-Quang-Nhơn cho biết, khi ra hợp tác với ông Thinh, ông Hồ có sai người đi mời ông về, ông cương quyết không chịu mặc dù cũng là bạn học với cả ông Thinh nữa. Vì thế trong thời gian này giữa ông Lê-Quang-Nhơn, và hai ông Hồ-Biểu-Chánh, Nguyễn-văn-Thinh đã trở thành hai trận tuyến đối nghịch. Cũng vì thế khi được tin ông Thinh bất đắc kỳ tử, ông Nhơn mới làm một bài thơ để khóc một bạn, trách một bạn, khóc một bạn là ông Nguyễn-văn-Thinh, và trách một bạn là ông Hồ-Biểu-Chánh. Nguyên văn bài thơ ấy như sau :

Nghe tin dường sấm nổ vang trời,

Chia rẽ ai bày thuyết máu rơi.

Khóc bạn cố tri trong nghịch cảnh,

Trách ngươi « biểu chánh » chẳng thông thời.

Vườn xưa 36 thống nhất gương rành rạnh,

Đại Việt 37 phân ly khéo đổi dời.

Thăm thẳm đêm đông buồn gạt lệ,

Việc nhà việc nước thấy vơi vơi.

Ngược dòng thời gian, cách việc trên đây ba tháng trước, trong khi kết đoàn cùng thủy sư đô đốc D’argenlieu vượt chiến thuyền ra biển hóng mát, ông Hồ-Biểu-Chánh có tức cảnh làm một bài thơ Đường luật :

Chiến thuyền vượt biển gió hiu hiu.

Cùng bạn hoang mang luận đủ điều.

Trước mặt nước xanh phơi chí cả,

Quanh mình sóng bạc giỡn trời chiều.

Thị phi cười trẻ giành khôn dại,

Nhân nghĩa riêng ta gởi ít nhiều.

Quê cũ trông vời còn lý thú,

Tấm lòng thơ thái trí tiêu diêu.

Đọc bài thơ này, chúng ta đủ rõ lòng ông Hồ lúc đó phơi phới đến chừng nào, lời thơ nhẹ nhàng, ý thơ tỏ ra người có hăng hái với bước đường công danh sự nghiệp mà người đã nặng tình theo đuổi bao năm nay và nay thì thật là phỉ nguyện.

Bài thơ này không biết Hồ thi sĩ có đăng trên báo không. Nhưng khá có tiếng dội trong thi đàn văn giới và ngay đến cả chỗ quê hương ông nữa, nên khi ấy có ông Lương-Trí ở Gò-công họa lại :

Nhà quê tình cảnh luống buồn hiu,

Ngồi nghĩ vu vơ nghĩ lắm điều.

Đồng cháy đã kinh cơn nắng sớm,

Cây khô khôn đợi đám mây chiều.

Ấm no vui vẻ điềm còn ít,

Rách rưới lầm than thấy đã nhiều.

Cùng sống chung nhau trong xứ sở,

Riêng mình không nỡ tự tiêu diêu.

Một ông nữa là V.T. cũng người Gò-công với ông Hồ cũng họa :

Sẵn đã quen mùi cảnh quạnh hiu,

Biết chi sự thế khó trăm điều.

Đọc thơ giải trí vui trà sớm,

Cày ruộng an nhàn thưởng rượu chiều.

Vụng dại thị phi mai mỉa ít ;

Khéo khôn ân oán tiếng tăm nhiều.

Xét mình đức kém thêm tài mọn.

Nào dám mong gì chuyện viển diêu…

Chúng ta nên biết ông Lương-Tri và ông V.T. trên này tuy là những người đồng hương với ông Hồ, nhưng nhỏ tuổi hơn và cả hai chỉ là thường dân thôi, chớ không chức cao quyền trọng gì. Lời thơ của hai ông tuy không mạnh, nhưng về lý tưởng đã bộc lộ ra một cách khá rõ rệt là không cùng hội cùng thuyền với ông Hồ.

Và sau đây là những bài họa lại của ông Thường-Tiên Lê-Quang-Nhơn, một nhà thơ lão thành ở miền Nam, bạn học của ông Hồ như trên kia đã nói :

Đọc bài vượt biển dạ buồn hiu,

Trong lúc giang sơn rối lắm điều.

Vui vẻ một mình xem cảnh lịch,

Thở than muôn trẻ giẫm mưa chiều.

Dại khôn ai dám khoe rằng trọn,

Nhân nghĩa suy ra thấy có nhiều.

Đất cũ quê xưa trời ấm ủ,

Lòng nào thơ thái trí tiêu diêu…

Họa xong, ông Thường-Tiên còn làm thêm bài nữa cũng theo thể Đường luật để đáp lại ông Hồ :

Nghe vẳng ai kia vượt chiến thuyền,

Vầy đoàn tận hưởng cảnh thần tiên.

Mảng gần cửa tượng thân vinh hiển,

Quên phứt nhà mình vách ngửa nghiêng.

Đã vậy còn khoe người đạo nghĩa,

Lại còn dám biếm trẻ khùng điên.

Uổng đời đã trọn danh liêm sỉ,

Sao nỡ buông câu bãi thấp hèn ?

Theo lời các thi nhân lão thành ở trong Nam kể lại, trong quá khứ ông Hồ-Biểu-Chánh cũng làm nhiều thơ lắm. Song câu chuyện thơ trên đây là đặc biệt hơn hết cả về đường chánh trị và đường thơ của ông.

Vì vậy xin viết ra đây để hiến quý bạn đọc, và xin nói tóm tắt rằng đây cũng là một tài liệu cho các bạn nào muốn tìm tòi, nghiên cứu về toàn bộ thân thế sự nghiệp của ông Hồ để định lại giá trị về ông cũng như để xếp cho ông một chỗ ngồi xứng đáng cả về tài lẫn đức ở trong làng văn này để còn làm gương cho những nhà thơ nhà văn khác và đám người hậu tiến nói chung.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3