Hạnh phúc tình yêu cõi bờ bên ấy- Chương 04 part 2

Lần đầu tiên thấy Gia Tu nói năng nhát gừng kiểu này, dường như phải cân nhắc từng câu chữ một.

Thư Lộ nói:

- Chị em nói, tối đó anh… gọi điện tới nhà em, anh, anh bị điên à! Lát về, ba em giết em là cái chắc.

- Tôi sợ ba mẹ em lo.

Món cơm rang tôm nõn mà Gia Tu gọi được bưng lên, mang tới cho màn đêm rét mướt của ngày đông một hơi thở ấm nồng.

- Anh…

Thư Lộ muốn mắng anh lắm, nhưng không tài nào mở miệng được. Sau đêm đó, cô không dám tỏ thái độ lấc cấc với anh nữa. Thay vì hai người xích lại gần nhau thì khoảng cách giữa họ lại càng thêm xa.

Tự nhiên cô thấy buồn ghê gớm, tại sao mình lại khuấy đảo mối quan hệ này, khuấy đảo cuộc sống của hai người thành ra rối tung rối mù thế này. Cô không biết, cũng không dám nhớ lại cái đêm đó, rốt cuộc mình mắc cái giống gì nữa, song cô biết những chuyện đã xảy ra thì chẳng thể cứu vãn được nữa.

Thư Lộ ngẩng đầu, thấy anh già nhìn mình bằng ánh mắt lo âu. Bấy giờ cô mới có cơ hội quan sát anh thật kỹ lưỡng. Vẫn bộ vest hàng hiệu cỡ to, nhưng chiếc cà vạt nghiêm chỉnh hằng ngày đã chẳng thấy đâu, một bên cổ tay cài măng sét, bên kia không. Đôi bàn tay trắng bệch vì cóng.

Lại một lần nữa, Thư Lộ nghe trái tim mình đập rộn ràng trong lồng ngực, nó khiến cô không cách nào che giấu bản thân trước mặt người đàn ông này.

Gia Tu mở miệng toan nói chi đó nhưng trù trừ đắn đo rồi lại thôi, bèn gẩy mấy miếng cơm trước mặt. Đồ ăn có vị gì, có lẽ đến chính anh cũng không biết nữa.

Chưa đến mấy phút, Gia Tu đã gọi tính tiền. Bà chủ thấy anh chưa ăn được là bao, hỏi anh có cần gói lại mang về không, anh hờ hững lắc đầu, mắt vẫn nhìn Thư Lộ đau đáu.

Hai người đồng thời đứng dậy, bước ra cửa, không một ai cất tiếng mở lời. Đường Hồng Kiều cách nhà Thư Lộ hai mươi phút ngồi xe, nhưng bọn họ vẫn cặm cụi tiến về phía trước, chẳng ai nhắc đến việc bắt xe.

Thư Lộ có cảm giác mình sắp ngạt thở, những lần hai người ở bên nhau, chưa bao giờ cô thấy ngột ngạt như lúc này. Cô không biết phải nói gì, chẳng rõ có nên kể chuyện Tiểu Man hay không, chẳng rõ có nên hỏi anh mấy ngày qua đã làm gì hay không, và cái khó nhất là, liệu có nên cười với anh hay không…

Bỗng nhiên, Gia Tu túm lấy bàn tay lạnh ngắt của cô, tuy tay anh cũng lạnh chẳng kém, song cô vẫn cảm nhận được chút hơi ấm nhỏ nhoi. Anh ôm cô, bao bọc cơ thể tê cóng của cô bằng chiếc áo len cashmere khoác ngoài dầy dặn, chiếc cằm ram ráp của anh áp lên trán cô, nhói đến từng sợi dây thần kinh trong cô.

Thư Lộ không đẩy anh ra, cũng chẳng ôm lấy anh, mà cô bật khóc ngon lành như cái lần ở thư viện. Gia Tu ôm cô thật chặt, anh an ủi cô, tuồng như thời gian đang lắng lại.

Thư Lộ không muôn mang đôi mắt sưng mọng về nhà, cũng không muốn tới nhà Gia Tu, và thế là Gia Tu lại dắt cô tới chỗ Nhã Quân, Nhã Văn.

Mới ấn một hồi chuông, cánh cổng sắt màu đỏ bỗng mở toang, Nhã Quân xuất hiện với vẻ mặt đầy nôn nóng, thấy hai người bọn họ, thằng bé liền nghệt ra.

Thư Lộ bẽn lẽn cúi đầu, táy máy mấy ngón tay, bụng bảo dạ chắc Nhã Quân đã để ý thấy đôi mắt sưng vù của mình.

Gia Tu thấy lạ bèn hỏi:

- Nhã Văn đâu?

Nhã Quân lắc đầu, bước thẳng vào trong lấy áo phao:

- Nhã Văn không mang chìa khoá, con đi tìm nó, cô chú ở nhà nếu thấy nó về, chú nhắn vào máy cho con.

Nói rồi nó liền lao ra khỏi cửa như một cơn gió.

Thư Lộ chưa kịp hiểu sự tình thì Gia Tu đã đóng xong cửa, anh rẽ vào bếp pha cho cô tách trà nóng.

Cô thầm tự giễu trong bụng, không tới nhà Gia Tu là bởi không muốn hai người ở riêng với nhau, có ai ngờ đâu, cả cái phòng khách to bằng này mà lại chỉ có hai người.

- Nếu em muốn chườm mắt thì vô nhà tắm, trong đó có nước nóng.

Gia Tu quay lưng về phía cô, cởi áo khác và chỉnh lò sưởi.

- Vâng.

Cô đáp, nhưng không vào đó ngay.

Dưới ánh đèn màu trắng sữa nhờ nhờ, bốn ống sưởi chớp tắt liên tục, anh không ngừng thử ổ điện, sau đó tìm tuốc nơ vít sửa phích cắm.

Hai tay Thư Lộ cẩn thận bưng tách trà thuỷ tinh, qua lớp thuỷ tinh cô thấy bóng lưng anh. Bộ vest màu xanh lam, luôn thẳng thớm bất kể mọi vận động, cổ tay sơ mi thiếu măng sét dần thụt vào trong ống tay vest. Thư Lộ biết, trên cánh tay đó còn hằn một vết răng, nhờ phước của cô để lại từ tối nọ.

- So với em… - Anh gia vẫn bận rộn quay lưng về phía cô: - Tôi có già quá không?

Cô nghĩ bụng, anh nói có vẻ ngần ngừ, giống đứa con nít đòi người lớn phát lì xì vào sáng ngày mùng một Tết, tự nhiên cô muốn trêu anh.

- Hơi già ạ, chú út nhà em lớn hơn anh ba tuổi.

Anh im re, không dám hỏi han thêm, đành tập trung sửa phích cắm máy sưởi.

Căn phòng lặng ngắt như tờ, yên tĩnh đến độ Thư Lộ phải chật vật tìm cho ra chủ đề nào đó có nội dung an toàn để nói, song vẫn không đủ dũng khí để mở miệng.

- Vậy em so với anh, có nhỏ quá không?

Anh già cầm tuốc nơ vít, quay đầu nhìn cô, nhoẻn miệng cười.

- Không hề, rất vừa một bàn tay.

Thư Lộ dợm ném cái tách về phía anh thì cánh cửa bỗng bật mở. Nhã Văn sưng sỉa bước vào, đi liền sau đó là Nhã Quân cũng hằm hằm không kém.

Thấy hai người, Nhã Văn liền sững sờ, rồi quạu quọ chạy tới trước mặt Gia Tu, tức tưởi nói:

- Chú ơi, anh bắt nạt cháu.

Nhã Quân đóng cửa, không lên tiếng, nhưng mặt mũi xem chừng cũng hậm hực lắm.

Gia Tu chưa kịp lên tiếng thì Nhã Văn đã xăm xăm lao vào phòng mình, bỏ lại tiếng sập cửa đánh “rầm” đi liền tiếng chốt cửa.

- Tưởng mỗi mình biết vùng vằng, còn người khác thì không chắc! Tưởng mình là đại tiểu thư đấy à!

Nhã Quân bực mình gắt lên với cánh cửa phòng, sau rồi cũng sập cửa đánh “rầm” một cái.

Căn phòng lấy lại vẻ yên tĩnh vốn có, dường như chưa từng xảy ra cuộc cãi vã nọ. Gia Tu và Thư Lộ bốn mắt nhìn nhau, chiếc ốc vít trên đầu phích rơi xuống sàn, lăn long lóc vào gầm ghế sô pha.

Tám giờ rưỡi, taxi vút qua phía Tây đường Hoài Hải, hai bên đường treo đầy băng rôn nhiều màu và đèn led chỉ thấy vào dịp lễ tết. Nhìn những đốm đèn vút qua, bỗng Thư Lộ nhận ra, chỉ có giây phút này cô mới thôi nghĩ ngợi, đồng thời chẳng muốn làm bất cứ việc gì, chỉ muốn nhìn ngắm phong cảnh bên ngoài ô cửa xe, chỉ vậy thôi đã đủ để quên đi mọi phiền não. Dường như cô đang tách khỏi thế giới huyên náo này, cô chỉ là một kẻ đứng ngoài quan sát cuộc sống.

- Lạnh không?

Gia Tu ngồi bên bỗng hỏi.

So với cái rét như cắt da cắt thịt ở bên ngoài, trong xe ấm áp hơn rất nhiều, nhưng đôi bàn tay trong túi áo vẫn lạnh buốt. Cô không biết phải nói gì, đành ngẩn người nhìn anh.

Gia Tu thò tay mình vào túi áo cô, dịu dàng nắm lấy tay Thư Lộ, thế rồi kéo bàn tay ấy đặt vô túi áo mình.

Thư Lộ vẫn ngây người nhìn khuôn mặt nghiêng nghiêng của anh, muốn thu tay lại lắm nhưng trong đó ấm áp quá, ấm đến nỗi không muốn bỏ tay ra.

Trái tim tê cóng của cô dường như đang nhũn ra từ từ.

[ Bạn đang đọc truyện tại alobooks.vn ]

Sau lần phỏng vấn gây xì căng đan của Tiểu Man, lãnh đạo đài đã quyết định giao nhiệm vụ này cho Thư Lộ phụ trách, thế là cô bỗng nhiên bận rộn hơn trước rất nhiều. Buổi chiều cuối cùng của năm 1999, cô theo hẹn đến nhà một nữ tác giả, làm bài phỏng vấn.

Nhà bà ấy toạ lạc trong một ngõ mới ở Downtown, Thư Lộ đi từ tầng trệt lên tầng hai trên chiếc cầu thang gỗ xưa, gian gác sáng sủa, khác xa nhà kiểu cổ, giống sân trong của khách sạn, ngẩng đầu lên sẽ thấy mái hiên bằng kính. Một chú mèo màu tro chui qua cánh cửa gỗ dầy dặn sơn đỏ, hai mắt xám nhìn Thư Lộ lom lom.

Cả toà nhà hai tầng chỉ có một cánh cửa nằm ở lối rẽ của cầu thang, Thư Lộ đoán chắc số nhà 201 nằm đây.

Tay cô vừa đặt lên cửa, bên trong đã vẳng ra tiếng nói:

- Mời vào.

Thư Lộ nhẹ nhàng mở cửa, trước khi cánh cửa kịp khép lại, con mèo màu tro cũng tranh thủ trườn mình lách vô.

Ngay sau cửa là phòng cách, ánh đèn tù mù, không gian phân cách bằng rèm châu pha lê, qua tấm mành lóng lánh, không gian bên trong sáng sủa vô cùng.

- Chắc cô là Thư Lộ?

Một người phụ nữ trạc ba mươi, bốn mươi bước ra, trên người mặc áo sơ mi kẻ ca rô, khoác ngoài áo len mỏng, tóc cắt ngắn kiểu nữ sinh cấp ba. Lúc cười, hai bên má rộ lên lúm đồng tiền, nhìn rất “đáng yêu”.

Thư Lộ không muốn dùng từ “đáng yêu” để hình dung nhưng ấn tượng bà ấy mang lại quả thực giống như một “lão ngoan đồng*” không bao giờ già.

* “Lão ngoan đồng” là ngoại hiệu của Chu Bá Thông trong tiểu thuyết của Kim Dung, là người có tính tình ngây thơ, hay đùa giỡn như trẻ con.

- Không ngờ cô đúng giờ thế.

Nữ văn sĩ dẫn cô vào trong, sau rồi nhấc phích điện trên bàn, pha cho cô một tách trà.

- Nên thế ạ. - Thư Lộ gật đầu.

- Người hẹn tôi lúc đầu không phải cái cô Tiểu Man à? - Bà ấy mời Thư Lộ ngồi xuống bên chiếc bàn vuông: - Chẳng trách tối qua cô gọi điện, thoạt đầu tôi còn chẳng nhớ ra.

- Vâng. – Thư Lộ lễ phép nhận tách trà: - Do thay đổi công tác đột suất nên việc phỏng vấn hiện tại do cháu đảm nhiệm ạ.

- Thay đổi công tác đột suất? - Bà ấy ngồi xuống chỗ đối diện, miệng cười nhạt: - Hay bởi vụ cặp kè với ông Trần?

Thư Lộ suýt sặc miếng nước vừa uống, đầu lưỡi ran rát.

Nữ nhà văn nhoẻn miệng cười, khoe đôi má lúm đồng tiền:

- Chuyện này xôn xao ghê ha…

Bây giờ Thư Lộ mới thấy trước kia mình trách nhầm Tiểu Man. Cứ tưởng hằng tuần mình tới thư viện, hì hục ghi ghi chép chép đã là công việc khổ sai vất vả nhất rồi. So ra, việc của Tiểu Man nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu, bây giờ nhìn lại mới thấy, hoá ra chưa hẳn là vậy.

Một tiếng đồng hồ sau đó, nữ văn sĩ này một mực dò hỏi tin tức tình cảm của Tiểu Man, bất chấp Thư Lộ biểu thị mình hoàn toàn không hề hay biết, nhưng vẫn bị bà ta xoay như chong chóng, dây cà ra dây muống bau lâu.

Chuồng đồng hồ điểm bốn giờ, nữ nhà văn lập tức đứng dậy, mặt tươi cười nói:

- Xin lỗi, lát nữa tôi còn có cuộc hẹn, lần sau chúng ta nói tiếp nhé.

Thư Lộ vác bộ mặt dở khóc dở cười xuống lầu, cô cúi đầu nhìn quyển sổ ghi chép của mình, mặt giấy chỉ ghi vỏn vẹn ba chữ: Phan Bỉ Đắc - tên của nhà văn kia. Cô thở dài, cất cuốn sổ vào ba lô, đoạn an ủi chính mình: chuyện ngày mai hẵng để mai tính vậy.

Bước ra khỏi ngõ, đèn giao thông đầu đường bật đỏ, cô bèn quay người nhìn lại con ngõ đằng sau, ở nơi xa, ánh mắt cô chạm tới một người.

Cô né sang một bên theo bản năng, người ấy mặc jacket da màu đen, rảo chân mấy bước rồi rẽ sang một ngõ khác. Cô nghe trái tim mình dập dồn như trống trận, cô không nhìn rõ tướng mạo ấy, nhưng trực giác mách bảo cô rằng: Đó là Dịch Phi!

Chẳng rõ đèn giao thông đầu đường đã nhảy mấy lần, mà Thư Lộ vẫn nép sau bờ tường khúc ngoặt, cớ gì cô phải trốn? Giá như thong dong bước qua đó, chào hỏi anh một câu, chẳng phải tốt hơn ư?

Thoắt cái, một ý nghĩ đáng sợ lướt qua đầu cô: Nhẽ nào, cô chưa từng quên anh?

Cô gắng sức gạt bỏ suy nghĩ đó ra khỏi đầu, không thể nào, chí ít những lúc ở bên anh già, cô đã quên được anh rồi mà.

Thư Lộ không dám nghĩ ngợi linh tinh, cô thấy tay chân mình lạnh ngắt. Lúc này, giây phút này, chỉ muốn tìm một cái chăn ấm áp để chui vào, rồi đánh một giấc thật sâu.

Thư Lộ tỉnh dậy vào lúc mười một giờ tối, ba mẹ đã lên giường đi ngủ, cô quấn kín mít, mò xuống nhà bếp, bữa cơm bỏ lỡ hình như không chừa lại thứ gì. Bấy giờ, bụng cô không chịu nổi cái cảm giác cồn cào trống rỗng, bèn rót một cốc nước ấm, từ từ nhấp môi, dạ dày mới chịu ấm lên một chút. Cái cảm giác ấy thật quen thuộc, lúc thất tình cô bỏ ăn bỏ uống, cho tới khi dạ dày kháng nghị, cô mới uống nước ấm, những cốc nước thế này vào lúc đó thường mang lại cho cô cảm giác ấm cúng vô bờ.

Bên ngoài tưng bừng rộn rã, sắp tới lúc đếm ngược sang năm 2000. Thư Lộ bưng nước vào phòng, cửa sổ phòng cô không hướng ra đường cái, một khi đã khép lại, thì tiếng râm ran huyên náo ngoài kia sẽ biến mất ngay tức thì, chỉ còn lại tiếng kim giây phát ra từ chiếc đồng hồ báo thức trên bàn. Bỗng nhiên, cô thấy nhớ món súp cay dưới nhà anh già.

Cầm điện thoại trên tay, cô có phần lưỡng lự, đi đi lại lại trước cửa sổ mấy vòng, cuối cùng cô quyết định ấn số, đồng thời chui tọt vô chăn.

Chuông reo mấy hồi mới có người nhấc máy:

- A lô?

Giọng anh già không giống cái kiểu bị gọi dậy giữa chừng cho lắm, cô thấy lòng hơi xốn xang.

- Anh chưa ngủ à?

Gia Tu ngẩn người một lát mới nói:

- Tôi tưởng em ngủ rồi.

- Tỉnh rồi. – Cô dém chăn chặt hơn: - Em thèm súp cay Tứ Xuyên dưới lầu nhà anh quá.

- Em chưa ăn tối à?

- Chưa, chiều về một cái là ngủ luôn tới giờ.

- Vậy tôi qua đón em nhé.

- Thật không?

Dù không nghe thấy tiếng nhưng cô có thể nhận ra, hình như anh già đang cười thì phải.

- Hai mươi phút nữa, xuống nhà đợi tôi.

Thư Lộ thấy hưng phấn kì lạ, chưa bao giờ cô tranh thủ lúc bố mẹ ngủ, chuồn ra ngoài chơi. Cô vội vã thay bộ quần áo, chụp mũ len lên đầu cốt che mái tóc bù xù lúc ngủ, quấn chiếc khăn len chị gái tặng, đoạn nhón chân chạy ra ngoài.

Cô đợi dưới nhà tầm năm phút, Gia Tu ngồi taxi tới. Cô khẩn trương chui vào xe, lúc xe bắt đầu chạy, cô mới xoay người ngó lại phòng mình nằm trên tầng ba.

- Úi chết rồi! - Cô thất thanh kêu lên.

- ?

- Em quên tắt đèn rồi.

- Thì sao?

- Nhỡ nửa đêm mẹ em tỉnh giấc, thấy phòng em còn sáng đèn, thể nào cũng gõ cửa cho coi.

Gia Tu bật cười, bàn tay ấm áp nắm lấy tay cô:

- Đợi lúc về hẵng tính, giờ em cứ nghĩ phải ăn uống nhiệt tình cái đã.

Thư Lộ gật đầu, chợt nhận ra mình rất nghe lời anh đó nhá, hoặc chắc bởi anh luôn khiến cô cảm thấy yên tâm.

- Lát nữa sẽ có lễ đếm ngược sang năm 2000.

- Là cái gì.

Anh già thắc mắc hỏi.

- Giống thả quả táo rồi đếm ngược ở New York đó.

Anh bật cười, nhẹ nhàng nói:

- Thế à?

Chẳng mấy chốc đã tới nhà Gia Tu, nhưng thanh toán tiền taxi xong xuôi, hai người mới muộn màng nhận ra: cửa hàng súp cay Tứ Xuyên đã bốc hơi đâu chẳng rõ.

- Không thể nào…

Thư Lộ thất vọng xụ mặt.

Anh siết chặt bàn tay lạnh ngắt của cô, đoạn nói:

- Hay về nhà tôi ăn lẩu nhé.

Giây phút đó, Thư Lộ đọc thấy sự nghiêm túc trong đôi mắt anh, bụng bảo dạ: Không phải anh đã lên kế hoạch trước đó chớ?

Quả nhiên, nguyên vật liệu trong nhà anh già đầy đủ đến đáng ngờ, từ cá viên, giò viên, sủi cảo trứng, chả cua đến cải trắng, ngọn măng, bánh tổ, dạ lá sách, đa dạng chẳng kém gì nhà hàng.

Trong lúc đợi lẩu, cô mới nhận ra mình lại đến nhà anh già mất rồi, mặt cô lập tức đỏ bừng bừng.

Vừa đổ sủi cảo trứng vào nồi, anh vừa hỏi.

- Em sao đó?

Cô bật cười giả lả:

- Không ạ.

Anh sờ mặt cô rồi lần xuống tay, thắc mắc hỏi:

- Nóng lắm à, mà tay em lạnh thế.

Thư Lộ vội vàng xoa tay:

- Tay chân em lúc nào chẳng lạnh.

Gia Tu dốc toàn bộ đồ ăn vào nồi.

- Mau ăn thôi, ăn xong rồi về.

Cô lóng ngóng vớt cá viên, bắt đầu chóp chép.

- Nhiều thế này, làm sao… em ăn hết được…

Giọng điệu của anh nghiêm khắc như thầy giáo vậy, song vẻ mặt lại ngộ hết biết.

- Chưa ăn xong, chưa được về.

Cô “hứ” một tiếng thật khẽ, rồi tiếp tục hí hoáy với món cá viên:

- Anh nghĩ ra à!

Anh già mỉm cười nhìn cô, đoạn gắp giò viên vào bát cho cô. Phố phường bên ngoài náo nhiệt tươi vui, thậm chí loáng thoáng đâu đây tiếng pháo hoa đì đùng, công lịch sắp bước sang niên đại mở đầu bằng con số hai, có lẽ đây là cái tết Dương náo nhiệt nhất trong lịch sử.

Lúc ôm bụng, thoả mãn ngả người xuống ghế sô pha, Thư Lộ mới nhận ra mình đã chén sạch nồi lẩu, sờ cái bụng căng tròn, cô thật không dám tin.

Gia Tu đang lúi húi rửa bát trong bếp, cảnh này khiến Thư Lộ có cảm giác thời gian đang lồng vào nhau, dường như bọn họ đã là hai ông bà cụ sáu mươi, bảy mươi tuổi, sống một cuộc đời bình an mỹ mãn.