Hạnh phúc tình yêu cõi bờ bên ấy- Chương 06 part 2

Chẳng rõ bao lâu sau cô mới tỉnh dậy, thấy anh, cô bỗng giơ tay quệt khoé miệng. Lúc phát hiện vệt nước nhễu trên tấm khăn trải gối màu vàng nhạt, cô liền cười thích chí:

- May mà có khăn trải gối.

Anh nhoẻn miệng cười:

- Nếu em nằm ngửa, chắc sẽ không nhỏ nước miếng đâu nhỉ?

Cô ngẫm nghĩ rồi nói:

- Có khi sẽ chảy cả hai bên mất.

Gia Tu tựa đầu vào đó, bên má cảm giác ươn ướt.

- Đợi em qua đợt bận bịu này, mình đi mua đồ nội thất nhé.

Thư Lộ nhìn anh:

- Nội thất gì ạ?

- Nội thất nhà mới, kết hôn phải có đồ mới chứ?

Cô ngó quanh:

- Nhưng đồ đạc nhà anh còn tốt chán mà, vất đi tiếc lắm.

Anh cười nói:

- Em thích sao thì làm vậy.

Cô thảng thốt nhìn anh.

- Sao thế?

- Hình như… - Cô ngập ngừng: - Anh hiền đi rồi đấy.

Gia Tu ngượng ngùng hắng giọng, cố gắng hồi tưởng lại cái tôi uy nghiêm của mình tự bao giờ bỗng trở nên “hiền lành”.

Rồi anh bất ngờ lên tiếng:

- Vậy từ bây giờ, anh sẽ cực kỳ nghiêm khắc.

Cô bé bật cười:

- Trước kia em cứ đoãn mãi, không biết người nghiêm nghị như bố em, năm xưa theo đuổi mẹ em kiểu gì nhỉ, đúng là khó mà tưởng được.

Gia Tu cũng cười, nếu sau này hai người có con, chắc đứa bé cũng hỏi: năm xưa mình theo đuổi Thư Lộ ra sao.

- Bởi vì chưa từng theo đuổi. – Anh nói.

- Sao anh biết. – Thư Lộ trợn mắt nhìn anh: - Mẹ em nói, hồi đó là do tổ chức sắp xếp đó.

- Anh tin. – Ngón tay thon dài của anh vấn lấy sợi tóc cô: - Từ đầu, ba em đã thầm theo đuổi một ngàn lần rồi.

Phòng của Gia Tu đặt một chiếc cát sét kiểu cổ, âm thanh rầm rì mở suốt tối đó, dường như Thư Lộ đã nghe thấy một giọng nữ dịu dàng, nói rằng: Hôm nay là Lễ tình nhân.

Thư Lộ trở mình, tiếp tục giấc ngủ sâu.

Chiều thứ Bảy sau đó, Thư Lộ và Gia Tu hẹn nhau đi chụp ảnh cưới. Sáng sớm, vừa thu xong tiết mục ở đài, chuẩn bị ra về thì anh Triệu bước vào văn phòng, bố trí công tác.

- Cái cô nhà văn họ Phan lần trước ấy, Tết rồi vừa cho ra một tập tản văn, nghe nói lượng tiêu thụ ở hiệu sách Tân Hoa khủng lắm. Hai cô chuẩn bị qua đó phỏng vấn đi, anh đã hẹn cô ấy rồi, trước tầm trưa nhé.

Theo thói quen, Thư Lộ ngó sang chỗ ngồi của Tiểu Man, và giật mình nhận ra, mấy giây trước Tiểu Man còn ngồi đây mà nay đã biến mất tăm mất dạng.

Cô ngó đồng hồ, thôi cũng không xa đài là mấy, nhanh thì may ra vẫn kịp ăn trưa với anh già.

Khi cô cắn răng leo lên cầu thang gỗ, bà nhà văn đã đứng sẵn ngoài cửa, đợi cô với nụ cười mỉm trên môi.

- Làm một ly sữa nóng nhé?

- Dạ thôi, cháu cảm ơn ạ, hễ uống vào là cháu lại buồn ngủ. – Thư Lộ rút sổ ghi chép ra.

- Vậy… - Bà nhà văn rót mật ong táo vào ly sữa nóng: - Lần trước cô còn quên hỏi gì nữa.

- Dạ? – Thư Lộ ngơ ngác nhìn bà ta.

- Bằng không sao lại tới phỏng vấn tôi. – Bà nhoẻn miệng cười.

- À… dạ… là bởi… - Thư Lộ lúng túng cười trừ: - Do cô nổi tiếng quá ạ.

Còn trên thực tế là do lần phỏng vấn trước đó “nửa đường đứt gánh”

- Thế à. – Nữ văn sĩ nhấc ly sữa: - Cô từng mua sách của tôi chứ?

Thư Lộ thấy mặt mình nóng bừng, như thể cô là đứa học sinh đang nói dối rằng mình đã học thuộc lòng bài văn mà hôm qua thầy dặn, và hôm nay khéo thế nào lại bị gọi lên trả bài.

- Đừng căng thẳng như thế. – Nữ nhà văn bật cười giòn tan, rồi vỗ nhẹ lên vai Thư Lộ: - Mấy cô gái trẻ không hợp đọc sách của tôi đâu, nó sẽ khiến quan niệm của mấy cô về đàn ông và về thế giới này trở nên tuyệt vọng. Tốt nhất là không nên đọc.

Bà ấy đang nhạo mình hay đang nói chân tình, quả thật Thư Lộ không rõ nhưng cô vẫn hắng giọng làm bộ thoải mái, đoạn nói:

- Cháu có mấy câu muốn hỏi ạ, cuốn tản văn mới của cô có tên gọi: Bên kia bờ Thiện Ác, vì sao cô lại lấy tên giống với cuốn sách của Nietzsche* ạ?

* Friedrich Wilhelm Nietzsche là một nhà triết học người Phổ. Cuốn sách: Bên bờ thiện ác (Jenseits von Gut und Böse) của ông được xuất bản lần đầu vào năm 1886.

- Có thể do tôi muốn được người đời thán phục như ông ấy, hoặc không thể đạt được ngưỡng đó nên mới xuất bản một cuốn tản văn trùng tên, để nhiêu năm sau, mọi người lên mạng tìm kiếm sẽ thấy tên tôi.

Vừa tần ngần ghi chép, Thư Lộ vừa liếc sơ qua bản lý lịch trích chéo mà cô mang theo người. Bút danh của bà nhà văn khá là thú vị: Phan Bỉ Đắc, cũng là tên của cậu bé biết bay Peter Pan*. Song cái tên ấy đi liền với người phụ nữ tuổi quá tứ tuần này, nghe mới khôi hài làm sao. Cơ mà Thư Lộ vẫn nghĩ, những thứ xuất hiện trên người bà ấy chẳng có gì lạ, nữ nhà văn này vốn dị hợm khác người, chẳng khác nào một người phụ nữ Di-gan với quả cầu thuỷ tinh.

* Peter Pan: Tên này đọc ngược lại thành Bỉ Đắc Phan – trong tiếng trung có nghĩa là Peter Pan. Nghe rất hợp âm nhé: Bǐ de pān (Bỉ tờ Pan)

Phỏng vấn không được suôn sẻ như tưởng tượng, “Peter Pan” luôn lảng tráng chủ đề chính, thậm chí còn gặng hỏi tình hình sau này của Tiểu Man và ông nhà văn “lầm đường lạc lối” kia một cách nhiệt tình. Khi chiếc đồng hổ cổ điểm chuông mười hai giờ, bà ấy bất ngờ nói:

- Ái chà, hôm nay tôi có vị khách quan trọng, xin lỗi cô vậy, nếu cô vẫn còn điều muốn hỏi, vậy để lần sau nhé.

Thư Lộ ba chân bốn cẳng rời khỏi đó như thể vừa được tha đòn.

Đứng đầu ngõ, cô bốc máy gọi cho anh già, hẹn qua qua nhà hàng cạnh tiệm áo cưới. Gọi xong cú điện thoại, cô lại tới ngã tư đường có số giây đèn đỏ lâu hơn bình thường, mà hình như lần trước cô đã loáng thoáng thấy Dịch Phi ở đó.

Nhớ lại câu chuyện tối qua, chẳng rõ, nếu cái tin cô sắp chụp ảnh cười đến tai anh ấy, liệu khuôn mặt anh sẽ mang biểu cảm gì nhỉ. Liệu tình cảm trong anh đã lắng xuống như câu chuyện kia, hay vẫn một mực thương nhớ cô? Lúc chia tay, bao lần cô mường tượng ra cảnh gặp gỡ giữa hai người, còn giờ đây, thứ duy nhất cô dành cho mình là một cái cười tự giễu, tốt nhất đừng nên gặp thì hơn.

Thời gian chờ đèn đỏ rất lâu, cô ngó quanh quất bốn phía, rồi khó dằn được mình ngoái đầu. Một người đàn ông nghiêng người rẽ vào hẻm từ lối nhỏ đầu ngõ. Thư Lộ bần thần cả người, khuôn mặt nhìn nghiêng kia rất giống với người đàn ông cô từng yêu, cũng từng hận. Chớp mắt, đã chẳng thấy bóng dáng anh đâu.

Nhìn phía đầu ngõ vắng tanh, rốt cuộc cô không đủ dũng khí để đuổi theo bóng hình ấy. Thì ra, bất kể trong đầu từng mường tượng bao nhiêu lần, nhưng đến khi thực sự đương đầu, cô mới biết mình thấy sợ hãi khi gặp khuôn mặt đó.

Cô nhớ trong câu chuyện kia từng kể: “Có lẽ một ngày nào đó, chúng tôi sẽ quên được nhau, song tôi vẫn nợ cô ấy một câu xin lỗi…”

Cô quay đầu, ánh đèn xanh đỏ nhạt nhòa trước mắt. Biết đâu, một ngày nào đó, họ sẽ thật sự đưa nhau vào lãng quên, đến lúc đó, có lẽ cô sẽ không sợ nữa.

Do công việc sửa soạn lỉnh kỉnh nên đám cưới của Thư Lộ và Gia Tu buộc phải dời sang Chủ nhật tuần thứ hai của tháng Năm. Tháng Ba, mưa dầm không ngớt, hẹn đi chụp áo cưới sau rốt cũng đành hoãn. Lại đến kỳ quyết toán năm kéo theo anh già bận túi bụi. Hai người lại tiếp tục hẹn hò thường kỳ vào thứ Bảy hằng tuần tại thư viện, nhưng Thư Lộ có cảm giác, họ chỉ viện cớ hẹn họ để tranh thủ làm việc với nhau mà thôi.

Sắc trời chập tối, hàng ghế sát cửa sổ thư viện lần lượt lên đèn. Anh già bỗng gập sổ sách lại, ngồi thừ người ở đó. Bẵng đi một lúc, Thư Lộ mới ngẩng đầu nhìn anh, thấy anh đang chăm chăm nhìn mình.

Cô ngượng ngùng hỏi:

- Sao thế anh?

- Không có gì. – Anh nhoẻn miệng cười, cất tiếng rất khẽ.

Chẳng hiểu cớ gì mà dạo này thường xuyên thấy anh cười. Trước kia không biết anh cười lên lại ngây thơ cỡ này.

- Tối ghé nhà Gia Thần nhé. - Anh chợt lên tiếng, thế rồi siết chặt bàn tay cô: - Nhã Văn nói, nó muốn mời em ăn cơm.

- Thật á? – Thư Lộ nhìn đồng hồ lớn treo tường, gập sổ ghi chép lại: - Ăn gì vậy anh.

- Anh đâu biết. – Anh già nhún vai.

Thư Lộ bật cười, có khi cách đối xử của anh với cô chẳng khác nào với Nhã Văn. Không thích nói thì lại bảo là không biết, cứ làm như trẻ con ngố lắm không bằng.

[ Bạn đang đọc truyện tại alobooks.vn ]

Như bao lần, Gia Thần bận trực ban ở bệnh viện, Nhã Văn vừa mở cửa đã reo lên:

- Thím út!

Dù chưa quen tai cho lắm, song Thư Lộ cũng không nói gì bởi con bé gọi chẳng hề sai.

Trong bếp, Nhã Quân đang lúi húi xếp đồ vào lò vi sóng, thấy cô nó cũng bẽn lẽn chào:

- Thím út ạ!

Thư Lộ thấy hơi váng vất, nháy mắt mà vai vế của mình đã được nâng cấp lên tầm cao mới. Mười năm sau, bất kể ai trong hai đứa nhỏ có con, là cô lập tức lên chức “bà ” mất rồi.

- A Văn. – Gia Tu thản nhiên ngồi xuống ghế sô pha trong phòng khách: - Con định mời chú thím ăn món gì thế?

Nhã Văn cười toe toét, khoe lúm đồng tiền đặc trưng của nhà họ Bùi:

- Chú, để cảm ơn sự hào phóng của chú thím đận Tết rồi, con và Nhã Quân đã chuẩn bị yến tiệc thịnh soạn. Mong sao, sang năm, chú thím lại tiếp tục phát huy, để lì xì dày hơn…

Lời chưa dứt, Nhã Quân đã gõ cái muôi canh vô đầu nó đau điếng.

Thư Lộ lẫn Gia Tu không hẹn mà cười. Tuy hai đứa nhỏ mời chú thím tới ăn cánh gà tự nướng và pizza gọi ngoài, song mọi người vẫn thoải mái vui vẻ…

Nhìn anh già, bỗng Thư Lộ có cảm giác, chỉ cần có anh ở bên, phiền não mấy cũng bay hết ráo. Anh chưa từng cố mua vui cho người khác nhưng anh luôn nỗ lực hết mình để khiến họ không cảm thấy buồn phiền.

Cơm nước xong, Gia Tu tranh thủ đưa Thư Lộ về nhà cho sớm sủa. Chắc bởi anh xót cô làm việc quá vất vả. Thư Lộ nghĩ bụng, mặt anh lúc nào cũng đanh như thép nhưng thực lòng anh luôn săn sóc, quan tâm cô hết mực.

- Cuối tuần này đi chụp ảnh nhé, tuần sau anh phải đi công tác. – Anh già nói.

Thư Lộ khựng bước chân, ngạc nhiên hỏi:

- Ơ… anh đi bao lâu?

- Chưa rõ, hiện giờ chưa quyết định.

- Vậy… cũng phải có thời gian chứ.

- Một tuần, hai tuần, hoặc một tháng, kiểu gì cũng có khả năng, phải xem sổ sách có khớp không.

Thư Lộ hơi thừ người, nhưng mà, cô lại nghĩ, đi công tác là chuyện thường ngày ở huyện, lúc cô bận bịu, cũng đâu phải ngày nào cũng gặp anh.

- Anh công tác đâu?

- Thái Lan.

- Ui… - Thư Lộ chu môi, tận nước ngoài cơ đấy, vậy là khó liên lạc rồi.

Dường như mỗi người đều mải chạy theo những tâm sự của riêng mình nên mới cùng trầm ngâm. Đến đầu ngõ nhà Thư Lộ, Gia Tu bỗng khựng bước chân, dưới ánh đèn đường lờ mờ, mắt anh phảng phất ưu tư, song mặt vẫn đeo nụ cười:

- Em sẽ nhớ anh chứ?

Thư Lộ bật cười:

- Em không biết đâu…

Cuối tuần đó, hơi mù trên trời bỗng dạt bay, ánh nắng le lói xuyên qua mấy đám mây mỏng, đó là lần đầu tiên Thư Lộ khoác lên mình bộ váy cưới.

Cô tẩn ngẩn tần ngần đứng ngắm mình trong gương, như thể không còn là mình nữa. Anh già đóng bộ lễ phục đen nhìn cô, tuy không chói loà như mấy bộ phim vẫn chiếu, nhưng sống lưng thẳng tắp do căng thẳng, cánh tay gập một góc vừa vặn, khoé môi mím chặt, chẳng khác nào cái lần đầu tiên Darcy mời Elizabeth* khiêu vũ.

*Darcy và Elizabeth: Hai nhân vật trong Kiêu hãnh và Định kiến.

Bấy giờ cô mới hào hứng hơn, đoạn nhẹ nhàng khoác tay anh. Hai người đứng thẳng lưng, tựa một bức chân dung trước gương.

Dưới sự hướng dẫn của thợ chụp ảnh, anh và cô cùng thay đổi tư thế. Lần nào Thư Lộ len lén liếc trộm cũng thấy anh già tập trung cao độ. Nhưng mặc kệ tạo hình thế nào cũng không đạt yêu cầu của thợ chụp ảnh. Họ là những người ít khi chụp ảnh, có khi là bởi họ không quen lưu luyến quá khứ.

Cô cầm tay anh, thẽ thọt nói:

- Không biết hai khúc gỗ như chúng mình lên ảnh như thế nào nhỉ?

Quẳng cho cô một cái nhìn, anh vẫn tập trung tạo dáng theo yêu cầu của thợ ảnh, đoạn cắn răng nói:

- Giống nữ hoàng Anh và hoàng thân Philip.

Thư Lộ bật cười, thợ ảnh liền tranh thủ ấn cửa trập*.

* Ấn cửa trập: Trong một máy ảnh, tấm chắn trước cảm biến thu nhận ánh sáng( sensor) là một (hay nhiều) lá thép để không cho ánh sáng đi tới cảm biến khi máy ảnh chưa “nhận ảnh” được gọi là cửa trập.

Hôm sau Gia Tu đi công tác, trước lúc đi còn giao cô một đống việc. Bấy giờ cô mới biết đám cưới lại rườm rà lắm thứ cần chuẩn bị đến thế. Buổi chiều, tại văn phòng chỉ có mình cô và Tiểu Man, dạo gần đây anh Triệu vướng một tiếc mục khác, lâu lắm rồi họ không thấy bóng anh ở cơ quan.

Tiểu Man bị bác bảo vệ gọi xuống, lúc lên, trên tay cầm một bó hồng phấn. Lần đầu tiên Thư Lộ gặp một bó hoa to cỡ này, cô bấm bụng nghĩ, có khi là chín mươi chín đoá hồng trong truyền thuyết cũng nên.

Tiểu Man quẳng luôn hoa hoét xuống bàn, tìm cái ba lô, lục lọi gì đó.

Tuy bản thân Thư Lộ không phải người ưa hóng hớt, song cũng tò mò hỏi:

- Ai tặng thế?

Tiểu Man không đáp ngay, mà rút ra một bao thuốc lá Trung Nam Hải ít hắc ín, rồi châm lửa hút.

- Một lão người nước ngoài, quen từ đận gặp gỡ nhà văn trước đó, rồi lão bám dai như đỉa đói.

Cô ấy nhún vai, ra chiều chẳng biết phải làm sao.

- Lão nhiêu tuổi?

Lời vừa dứt, Thư Lộ liền hối hận ngay lập tức.

Thế mà Tiểu Man vẫn trả lời, vẻ chẳng bận tâm:

- Chắc tầm ba mươi, không biết đâu, mấy gã nước ngoài khó đoán tuổi lắm.

- Nếu… - Thư Lộ ngẫm nghĩ một lúc rồi rụt rè nói: - Anh ấy còn độc thân, mọi mặt đều ổn, thì cậu cũng nên cân nhắc xem sao.”

Tiểu Man nhăm nhăm hút thuốc, không đáp lời, trước kia cô ấy chưa từng hút thuốc ở nơi làm việc, bầu không khí bỗng trở nên nặng nề.

Cho đến khi Thư Lộ bấm bụng bảo mình đạp phải mìn rồi, đang tính lái chủ đề thì cô nàng mở miệng:

- Nếu tớ nói, tớ vẫn chưa quên người đàn ông kia…

- …

- Theo cậu, tớ có dại lắm không?

Thư Lộ hơi ngạc nhiên, song cũng chẳng bất ngờ cho lắm:

- Có đấy.

Điếu thuốc trên tay Tiểu Man còn một phần ba, cô dụi thuốc, quay sang mỉm cười bảo:

- Nói thật chứ cậu chẳng dễ thương tẹo nào, nhưng tớ thích cái tính thẳng thắn của cậu.

Cô ấy cười rất phóng túng, nhưng Thư Lộ lại ngưỡng mộ vô cùng, bởi cô ấy sống cho chính mình, chẳng hề vướng bận ràng buộc lẫn băn khoăn.

- Cơ mà. – Tiểu Man nghiêm nét mặt, bần thần nói: - Tình cảm vốn mang tính chủ quan, suy nghĩ của tớ, phiền não của tớ, đấu tranh của tớ chỉ mình tớ hiểu, dù các cậu nhận ra thì cũng không thể hiểu được.

Thư Lộ ngập ngừng toan nói, nhưng lại chẳng biết nói gì.

- Tớ biết cậu có lòng muốn giúp tớ, nhưng chỉ tớ mới giúp được chính mình.

Dứt lời, cô liền đứng dậy, cầm hoa bỏ ra ngoài với dáng vẻ cô cùng phóng khoáng.