Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang - Chương 13 (Phần 1)

 

            Suốt những ngày đầu trong cuộc sống lang thang mới, giữa cơn lốc khao khát lấy lại tự do, Đan Thanh phải học lại nếp sống không nhà, không giờ giấc của kẻ lữ hành. Không tùy thuộc một ai, chỉ tuân phục thời tiết và bốn mùa; ngoài mọi mục tiêu, không một mái ấm, không tư hữu; mở rộng vòng tay chờ đón định mệnh bất ngờ. Những kẻ lang bạt không nhà sống thơ dại và liều lĩnh, hư hỏng. Họ là con cháu của Adam bị đuổi khỏi Thiên Đàng, làm bạn với muông thú ngây thơ. Họ nhận chịu những gì Thượng Đế ban cho từng giờ từng khắc: nắng, mưa, sương, tuyết; ấm cúng và lạnh lẽo, sung túc và gian khổ, không có thời gian đối với họ, không lịch sử, không tham vọng, không cả thần tượng quái đản mang tên là tiến bộ và phát triển, mà những kẻ có nhà tin tưởng đến mức tuyệt vọng. Gã lang thang có thể mềm mỏng hoặc thô bạo, khéo léo hoặc vụng về, liều lĩnh hoặc nhát gan - tâm hồn gã luôn luôn chan chứa tuổi thơ, gã sống như ngày đầu tạo thiên lập địa, trước khi khai mở kỷ nguyên nhân loại. Kiếp sống của gã luôn luôn bị những bản năng thúc đẩy và nhu cầu dẫn dắt. Gã có thể thông minh hoặc ngu xuẩn, nhận thức thật sâu sắc những mảnh đời phù du, hiểu rằng mỗi sinh vật dù nhỏ nhoi đến đâu đều phải cưu mang trong mình dòng máu nóng để kéo dài kiếp sống ngang qua vũ trụ băng giá. Tuy gã chỉ biết nghe theo mệnh lệnh của bao tử xấu đói, hệt như một đứa bé tham ăn, luôn luôn gã là kẻ phản đối, là người thù đến chết của những ai có tài sản vững chắc. Gã ghét họ, khinh bỉ và sợ hãi họ, vì gã không muốn được nhắc nhở rằng mọi hiện hữu đều biến dịch, sự sống thì không ngừng tan rã còn cái chết tàn nhẫn và giá băng thì bao trùm khắp cả không gian.

            Từ lâu tâm hồn Đan Thanh đã tiêm nhiễm và được un đúc trong nếp sống thơ dại của một gã lang thang, sống theo người mẹ suối nguồn, sống xa lánh luật lệ và lẽ phải, trôi lăn theo dòng đời và không ngừng mật thiết với cái chết. Tuy nhiên tâm thức và ý chí tồn tại trong người chàng, bản chất nghệ sĩ đã làm cuộc sống chàng thêm phong phú và lắm chông gai. Chính sự phân hóa và mâu thuẫn đã đơm hoa cho cuộc đời. Lý luận khô khan của nhân loại sẽ không còn giá trị nếu không biết đến say đắm đê mê. Nhục cảm sẽ mất hết khoái lạc nếu không có cái chết ẩn sau. Và tình yêu cũng chẳng còn thú vị nếu không có xung đột giữa nam và nữ tính.

            Mùa hạ đã trôi đi thật xa, và thu cũng sắp tàn. Đan Thanh chiến đấu thật khó khăn qua những tháng ngày cay đắng; chàng đã lang thang say ngất suốt mùa xuân mật ngọt thơm lành. Bốn mùa thấm thoát đến rồi đi. Lần này và lần nữa nắng hạ chói chang rồi lịm tắt. Năm tháng trôi qua. Đan Thanh gần như quên bẵng những gì khác hơn là đói khát, ái ân và tiết mùa lặng lẽ tiếp nối. Hình như chàng đã chìm đắm toàn diện vào thế giới nguyên sơ của bản năng, của ngưỡng vọng về Mẹ. Trong những giấc mơ hoặc giây phút ngưng đọng trầm tư, khi nhìn qua bên kia thung lũng trổ hoa hoặc úa tàn, con người nghệ sĩ trong chàng mong ước đến tuyệt vọng khơi dậy mạch sống tâm linh để chấm dứt sự phi lý và mang lại ý nghĩa thực sự cho cuộc đời.

            Một ngày kia chàng có một bạn đồng hành. Sau chuyến phiêu lưu đẫm máu với Viên, chàng chỉ du hành một mình. Người bạn này rất gian xảo, hắn đã ràng buộc vào chàng và quả thật chàng không thể buông hắn ra. Hắn không giống Viên. Hắn đi hành hương đến La Mã; trông hắn còn trẻ, mặc bộ áo choàng và mũ của người hành hương. Tên hắn là Lỗ Bình và nhà hắn ở gần hồ Constance. Lỗ Bình là con của một thợ thủ công. Có một thời hắn học tại trường dòng Thánh Gallus, và bây giờ cậu thanh niên chỉ có một ý muốn duy nhất trong đầu là hành hương đến La Mã. Đây là cao vọng ân huệ của hắn và hắn nắm ngay cơ hội đầu tiên để thực hiện. Cơ hội tự đến khi cha hắn qua đời, hắn là thợ mộc đóng đồ gỗ trong xưởng của ông cụ. Khi cha hắn nằm sâu một cách khó khăn trong lòng đất, Lỗ Bình thưa với mẹ và chị hắn là không có gì ngăn nổi hắn thỏa mãn ý định đi La Mã hành hương để chuộc tội cho cha hắn. Mẹ và chị hắn đã van lơn và quở trách nhưng đều vô hiệu. Hắn vẫn bướng bỉnh, và thay vì săn sóc mẹ và chị, hắn thu xếp chuyến đi, không cần mẹ hắn chấp thuận và hắn lên đường trong tiếng chị hắn mắng chửi. Phần lớn sự ham thích du lịch đã lôi cuốn hắn, ngoài ra hắn có thêm lòng kính tín phiến diện, cảm thấy cần đến các nơi linh thiêng dự các nghi thức thờ phụng, thánh lễ rửa tội, mai táng, trong mùi hương và ánh nến. Hắn biết chút ít tiếng La Tinh, nhưng với tâm hồn khờ dại hắn đã không rán sức học hỏi chỉ biết nhìn ngắm và kính mộ vòm cung giáo đường. Khi còn là một đứa trẻ, hắn lười biếng, nhiều đam mê và ưa việc tế tự. Đan Thanh không trọng nể hắn lắm, nhưng chàng mến hắn. Chàng cảm thấy hắn cùng chung huyết tộc vì đã tuân phục bản năng để lang thang qua nhiều chân trời mới. Vào lúc cha hắn qua đời, Lỗ Bình đã đến La Mã, nơi đó hắn được giúp đỡ trú ngụ trong các tu viện, hắn đã ngắm cảnh núi non ở phương Nam, lòng vui sướng, và được nghe giảng hàng trăm bài thánh kinh, được cầu nguyện ở các đền thờ nổi tiếng linh thiêng, nhận lãnh phép bí tích và hít thở hương thơm nhiều quá mức để rửa tội cho hắn và cha hắn. Hắn đã xa nhà một năm hoặc lâu hơn, và khi hắn trở về, hắn bước vô căn nhà nhỏ của cha hắn, hắn được đón nhận như một đứa con phá của. Trong thời gian ấy, chị hắn đã lãnh hết công việc và quyền hạn trong nhà. Chị đã thuê một người thợ mộc phụ và thành hôn với ông ấy; quản lý tất cả nhà xưởng cho nên khi hắn hành hương xong trở về hắn không còn được thâu dụng nữa. Khi hắn đề cập đến chuyến đi mới không ai bảo hắn ở lại. Hắn cũng không cảm thấy đau lòng lắm. Mẹ hắn cho hắn vài đồng "pennies", hắn lại mặc vào bộ áo hành hương và lại thu xếp ra đi không mục đích rõ rệt, tự mình quyết định và trở thành gần như một mục sư lang thang. Những tấm mề đai kỷ niệm từ các đền đài danh tiếng trong cuộc hành hương và tràng hạt ân phước vẫn reo leng keng trong người hắn.

            Hắn đã gặp Đan Thanh, cùng lang thang chung một ngày đường, trao đổi với chàng những kỷ niệm lữ hành; hắn lặn mất ở ngôi làng nhỏ sắp đến, rồi xuất hiện đây đó và cuối cùng chung sống với chàng như một kẻ đồng hành thân thiết, sẵn lòng giúp đỡ và chịu đựng nhau. Đan Thanh rất thích hắn. Hắn mua lòng chàng bằng cách giúp đỡ lặt vặt, hắn ngưỡng mộ óc thông thái, tính bạo dạn, tâm hồn chàng, và yêu mến hơi thở, sức mạnh, lòng thành thật của chàng. Cả hai đều hữu ích lẫn nhau, và Đan Thanh dễ dàng chấp nhận hắn đi chung. Có một điều hắn không chịu chàng là khi âu sầu và phiền muộn xâm chiếm, chàng vẫn ngạo nghễ giữ câm lặng, không chú ý đến một người nào khác. Trong cơn âu sầu không ai có thể chuyện trò cùng Đan Thanh hoặc hỏi thăm an ủi, cứ để mặc chàng và nên im lặng. Lỗ Bình học được điều trên khá nhanh. Hắn để ý Đan Thanh thuộc lòng nhiều bài thơ và bài hát tiếng La Tinh. Hắn đã nghe chàng giải thích về tượng đá bên ngoài cửa ngôi thánh đường, đã thấy chàng vẽ rất nhanh trên khoảng tường trống những khuôn mặt sống động lớn như thật và hắn nghĩ rằng bạn đồng hành của hắn đã được ân phước của Chúa và gần như là một nhà ảo thuật. Lỗ Bình cũng nhận thấy Đan Thanh là một tình nhân được đàn bà sủng ái, chỉ cần một liếc mắt hoặc cười duyên; dù không mến chuộng điểm không tốt này, hắn vẫn còn hâm mộ chàng.

            Một hôm hành trình của họ bị gián đoạn một cách không ngờ. Vừa đến gần một ngôi làng, một nhóm nhỏ nông dân trang bị nào gậy gộc, đòn sào ra đón họ. Từ xa người cầm đầu đã hét vang bảo họ đi nơi khác ngay tức khắc và đừng bao giờ trở lại; bảo họ là ma quỷ phải chạy nhanh nếu không muốn bị đập chết. Đan Thanh dừng lại và muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Chàng được giải đáp bằng một viên đá ném ngay ngực. Chàng quay lại tìm Lỗ Bình, nhưng hắn đã chạy mất. Đám nông dân tiến đến đầy vẻ hăm dọa, và Đan Thanh không thể chọn lựa cách nào khác hơn là chạy theo người bạn đồng hành đang tẩu thoát. Lỗ Bình đứng chờ chàng, run lập cập dưới cây thánh giá giữa cánh đồng.

            - Em chạy như một người hùng, Đan Thanh cười. Nhưng lũ heo đó đang nghĩ gì trong cái đầu bự của họ? Có đánh nhau à? Họ đặt lính gác có võ trang bên vòng ngoài cái làng nhỏ bé mục nát này, không cho ai vào. Tôi kinh ngạc không hiểu gì cả.

Lỗ Bình cũng chẳng hiểu mô tê. Nhưng sáng hôm sau, qua một trang trại biệt lập, họ đã phỏng đoán được phần nào điều bí mật. Trang trại gồm một căn chòi, một chuồng bò và một vựa lúa bao quanh bởi một luống đất xanh rì những cỏ cao và cây ăn trái; một nơi nằm ngủ im vắng lạ thường; không một tiếng nói, không ai đá bóng, không trẻ con cười la, không một tiếng động. Trong sân, một con bò đang rống lên giận dữ trong đám cỏ. Có lẽ đã đến giờ vắt sữa nó. Họ bước đến gõ cửa, không ai trả lời, họ bèn ra chuồng bò, cửa chuồng mở toang bỏ trống. Họ qua vựa lúa. Trên mái rơm, lớp rêu xanh tươi lóng lánh dưới ánh mặt trời, nhưng không thấy một bóng người nào. Họ trở lại ngôi nhà, kinh ngạc và chán nản vì trại vắng tanh. Nắm tay họ đập cửa nhiều lần, không ai lên tiếng. Đan Thanh thử mở cửa. Thật bất ngờ, cửa không khóa, chàng đẩy cửa và bước vào trong căn phòng tối mịt.

            " Chúa ban ơn cho ông," chàng gọi lớn. "Có ai ở nhà không?" Căn chòi vắng lặng. Lỗ Bình còn đứng bên ngoài. Thúc đẩy bởi sự tò mò, Đan Thanh vào hẳn bên trong. Có mùi hôi trong chòi, mùi kỳ lạ ghê tởm. Lò sưởi đầy tro. Chàng thổi vào: còn một ít tàn lửa đỏ trong lỗ sâu dưới khúc gỗ đã cháy thành than. Rồi chàng nhận ra có người ngồi ở đấy trên chiếc ghế dựa đang ngủ: trông như một bà lão. Có lẽ không nên gọi lớn: hình như cả nhà đều trong cơn mê. Chàng thân mật vỗ vai bà lão đang ngồi, nhưng bà ta không cử động và chàng thấy bà ta ngồi trên mạng nhện, và tơ nhện giăng từ tóc đến cằm. "Bà ấy đã chết," chàng rùng mình nghĩ đến. Để biết chắc, chàng thử khều tro và thổi cho đến khi ngọn lửa bùng cháy, chàng đốt được một bó đuốc dài. Cầm ngọn lửa đến bên bà lão chàng thấy một gương mặt thây ma xám ngắt, dưới mái tóc hoa râm một con mắt còn mở như đổ chì, nhìn trừng trừng vào khoảng không. Bà lão đã chết ngồi trên ghế. Cũng tốt, bà sẽ được giúp đỡ ở bên kia thế giới. Với ánh sáng leo lét trong tay, Đan Thanh tìm vào bên trong. Cùng một gian phòng, ngang qua ngạch cửa đến phòng sau, chàng gặp một thi thể nữa, một đứa bé trai lên tám hoặc chín, mặt xinh lên biến dạng chỉ mang độc chiếc áo sơ mi. Đứa bé nằm vắt chiếc bụng ngang bực cửa, cả hai tay nắm chặt tức tối. Đan Thanh nghĩ đây là nạn nhân thứ hai. Giữa cơn mê kinh sợ, chàng bước vào gian phòng sau. Cửa mở toang, ánh sáng ban ngày tràn vào tận trong. Chàng cẩn thận tắt bó đuốc và phủi tàn lửa trên sàn nhà.

            Có ba chiếc giường trong phòng sau. Một giường trống và rơm vương vãi dưới lớp khăn trải giường thô xám. Trên chiếc giường thứ hai, một người đàn ông râu ria, nằm ngửa người cứng đơ, đầu ông ta nghiêng qua phía sau, cằm và râu chĩa thẳng lên trần nhà; có lẽ là ông trại chủ. Gương mặt tiều tụy của ông lờ mờ màu chết nhợt nhạt quái dị, một cánh tay duỗi ra trên sàn nhà nơi chiếc bình bằng đất đựng nước biếc đẩy rớt xuống. Nước chảy lênh láng vì sàn nhà không thấm hết, xuống chỗ trũng và làm thành một vũng nhỏ. Trên chiếc giường thứ ba, một bà to lớn mạnh khỏe cuộn hết toàn thân trong đống khăn và chăn. Gương mặt bà ta dán chặt trên giường, và những sợi tóc thô màu vàng như rơm óng ánh dưới ánh sáng. Nằm chung vái bà ta là một cậu bé tóc cũng màu vàng rơm, trùm kín quanh mình tấm vải bèo nhèo, vết xanh xám trên gương mặt đã chết.

            Mắt Đan Thanh nhảy từ thi thể này sang thi thể khác. Mặt cô bé hoàn toàn méo mó vì kinh hoàng, nhưng chàng vẫn nhìn ra một cái gì khủng khiếp trong cái chết không được cứu giúp. Trên cổ và tóc của bà mẹ, trên thân mình nằm lõm sâu trên giường, ta có thể đọc được sự giận dữ, kinh hãi và ước muốn khao khát trốn thoát, nhất là trong mái tóc hoang dại nói lên sự từ chối đi vào cõi chết. Gương mặt người trại chủ nói lên vẻ ương ngạnh và kiềm chế bên trong nỗi đau đớn. Ông đã chết một cách khổ sở, nhưng thật lạ, chiếc cằm nhiều râu vẫn nổi bật lên hiên ngang trong không gian như một chiến sĩ ngoài mặt trận. Dáng dấp thầm lặng, cương nghị, ngang tàng bất khuất của ông ta đẹp vô cùng. Có thể ông không phải là loại người tầm thường nhút nhát để bị chết như vậy. Thương tâm nhất là thi hài bé bỏng của cậu con trai nằm vắt bụng qua ngạch cửa. Gương mặt cậu không nói lên điều gì, nhưng dáng điệu nằm ngang ngạch cửa và hàm răng cắn chặt đã biểu lộ nhiều ý nghĩa: nỗi đau khổ không tưởng được, sự chiến đấu vô hiệu với nỗi đau đớn không tránh được. Phía trên đầu cậu bé là một lỗ mèo chun trong cánh cửa. Đan Thanh rất chăm chú quan sát mọi vật. Túp lều này đầy vẻ ma quái và mùi hôi tử thi, song tất cả vẫn hấp dẫn chàng. Quang cảnh đã nói lên một cái gì cao cả và định mệnh của kiếp người. Đây là sự thật không lý giải. Có một cái gì nơi đó xé nát tim chàng và thâm nhập vào tận đáy lòng.

            Nôn nóng và lo sợ, Lỗ Bình đã lên tiếng gọi chàng phía ngoài. Đan Thanh vẫn quý mến Lỗ Bình nhưng trong giây phút này chàng lại xem thường và coi nhẹ hắn, một con người còn sống lại lo sợ, tò mò và khờ dại trước cảnh chết chóc cao cả thì thật là hèn kém. Chàng không trả lời Lỗ Bình; tự buông thả tất cả vào cảnh tượng trước mắt, với lòng bi mẫn xót xa pha lẫn một sự quan sát lạnh lùng của người nghệ sĩ. Chàng thu nhận hết mọi chi tiết: dáng nằm sóng sượt, những cái đầu và bàn tay, kiểu chết cứng lạnh. Túp lều như bị ma ám và cái mùi quái lạ khủng khiếp! Sao căn nhà nhỏ ảm đạm và ma quái thế! Với tàn lửa cháy đỏ trong lò sưởi, những thi hài còn đó, chết chóc thâm nhập và vây phủ. Không lâu thịt sẽ rữa ra từ những gương mặt thầm lặng, chuột bọ sẽ đục khoét. Và bao kẻ khác nằm trong cổ quan tài chôn kín dưới huyệt mộ âm u, một sự biến đổi cuối cùng và khốn nạn nhất: rữa ra rồi tan nát. Nơi căn nhà này, cả năm người cũng đang chịu nát rữa ra như vậy trong phòng riêng của họ, giữa ban ngày, sau cánh cửa không khóa; không có gì băn khoăn, hổ thẹn hoặc che đậy. Đan Thanh đã trông thấy nhiều tử thi nhưng chưa bao giờ giống tình huống này, những tác phẩm nghiệt ngã của tử thần và là bài học in sâu vào tâm trí chàng.

            Cuối cùng Lỗ Bình hét to phía ngoài, ngôi nhà đã bắt đầu làm hắn lo lắng, rồi hắn bước ra. Người bạn đồng hành nhìn hắn hãi hùng.

            - Việc gì đấy? Hắn hỏi nhỏ giọng, run sợ như có ai bóp cổ. Có ai trong nhà không? Trời ơi! Mặt anh sao vậy?

            - Nói đi!

            Đan Thanh nhìn dò xét hắn một cách lãnh đạm. "Hãy vào trong và nhìn qua, một trang trại thật là kinh dị! Rồi chúng ta sẽ vắt sữa con bò ngoài kia. Bước tới đi!"

            Lỗ Bình ngập ngừng đi vào trong lều. Khám phá bà lão ngồi bên lò sưởi, hắn hét to kinh hoàng cho biết bà lão đã chết. Hắn bước trở ra, mắt tròn xoe hãi hùng:

            - Chúa ơi! Một bà lão ngồi chết bên lò sưởi. Tại sao vậy? Sao không có ai ở với bà ta vậy? Sao họ không chôn bà ta? Chúa ơi! Bà ta đã có mùi!

            Đan Thanh mỉm cười:

            - Em là một đấng anh hùng, Lỗ Bình ạ, nhưng em trở ra quá sớm. Một bà lão ngồi chết trên ghế hẳn là một cảnh tượng hãi hùng, nhưng nếu em tiếp tục vài bước xa hơn, em sẽ thấy càng thêm hãi hùng hơn nữa. Có năm thây ma, Lỗ Bình ạ. Ba người nằm trên giường, một cậu bé nằm vắt ngang ngạch cửa, và một bà lão. Tất cả đều chết, trọn một gia đình. Mọi người giúp việc đều đi mất, cho nên không ai vắt sữa bò.

Kinh khiếp, Lỗ Bình nhìn chàng đăm đăm và bỗng nhiên hét lên, giọng như nghẹt thở:

            - Bây giờ tôi hiểu tại sao đám nông dân không cho chúng ta vào làng hôm qua. Chúa ơi! Bây giờ tôi đã rõ tất cả. Bịnh dịch! Tôi thề chắc là một bịnh dịch, Đan Thanh, anh đã ở trong ấy từ nãy, có lẽ anh đã sờ vào các xác chết! Đi xa ra! Anh đừng đến gần tôi, tôi chắc rằng anh đã bị nhiễm trùng. Tôi rất tiếc, Đan Thanh, nhưng tôi phải đi, tôi không thể ở với anh.

Hắn quay lại định chạy, nhưng vướng chiếc áo choàng. Đan Tha nh nhìn hắn nghiêm khắc, thầm trách cứ, và túm lấy hắn, kéo hắn lại.