Dám Nghĩ Lớn! - Chương 08 - Phần 1

CHƯƠNG 8
THÁI ĐỘ ĐÚNG ĐẮN - ĐỒNG MINH GIÚP BẠN ĐI ĐẾN THÀNH CÔNG
Bạn có thể đọc suy nghĩ của người khác không? Thật ra, việc đọc suy nghĩ của người khác đơn giản hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Có thể bạn chưa nghĩ tới điều đó, nhưng bạn vẫn đọc được suy nghĩ của người khác mỗi ngày và ngược lại, họ cũng đọc được nhiều suy nghĩ của bạn.
Chúng ta làm việc đó như thế nào? Chúng ta đọc được suy nghĩ của mọi người xung quanh thông qua thái độ của họ.
Bạn không cần đến ngôn từ để nói “Tôi thích bạn”, “Tôi khinh anh” , hay “Tôi nghĩ bạn là người quan trọng” “Tôi đang ghen tỵ với anh”. Bạn cũng không phải sử dụng ngôn ngữ để nói “Tôi thật sự yêu thích công việc của mình” , “Tôi đang cảm thấy chánn ngấy”, hay “Tôi thấy đói”. Con người có những cách nói mà không cần dùng đến âm thanh.
Suy nghĩ của mỗi người thường biểu hiện qua hành động, và thái độ là tấm gương phản chiếu tâm trí, thể hiện suy nghĩ của mỗi chúng ta.
Bạn cũng có thể đọc được suy nghĩ của bất cứ người nào xung quanh. Bạn có thể đoán ra cảm giác, thái độ của anh ta đối với công việc bằng cách quan sát nét mặt, giọng nói, cử chỉ biểu đạt tình cảm và cung cách hành xử của anh ta. Bạn cũng có thể đọc suy nghĩ của cách nhân viên kinh doanh, sinh viên, những ông chồng bà vợ. bạn không chỉ có thể, mà đúng ra, bạn đang làm việc đó.
Những diễn viên ngôi sao – với vô số lời mời đóng phim mỗi năm – về một khía cạnh nào đó, họ không hoàn toàn là diễn viên. Họ không chỉ đơn thuần đảm nhiệm vai diễn. Thay vào đó, họ quên đi con người thật của mình để nghĩ và cảm nhận giống như nhân vật mà họ nhập vai. Họ thật sự cần phải như vậy, nếu không, vai diễn của họ sẽ rất giả tạo và họ sẽ không còn được yêu thích nữa.
 
Thái độ không chỉ thể hiện qua cử chỉ, hành đông. Thái độ còn thể hiện qua cả ngữ điệu của giọng nói. Khi cô thư ký cất giọng: “Xin chào, đây là văn phòng của…”, cô ấy không chỉ giới thiệu về nơi chốn , thông qua ngữ điệu, cô ấy còn nói rằng: “Tôi quý ông. Tôi rất vui vì ông đã gọi. Ông thực sự là người quan trọng với chúng tôi. Tôi yêu thích công việc của mình”.
Nhưng một thư ký khác, cũng chỉ bằng những từ đó, nhưng với một ngữ điệu khác lại cho bạn hiểu ra: “Anh đang quấy rầy tôi đấy. Giá mà anh đừng gọi cho tôi có phải tốt hơn không. Tôi chán ngấy cái công việc này, tôi không thích những ai hay quấy rầy tôi”.
Chúng tôi có thể nhận ra thái độ của người khác thông qua cách diễn đạt, ngữ điệu của giọng nói. Hãy cùng tìm hiểu vì sao chúng ta làm được như vậy. Trong lịch sử phát triển hàng triệu năm của nhân loại, việc sáng tạo ra ngôn ngữ là một phát minh vô cùng độc đáo, mặc dù nó khác xa thứ ngôn ngữ chúng ta đang dùng hiện nay. Trong chiếc đồng hồ thời gian mênh mông của lịch sử, sự xuất hiện của ngôn ngữ vẫn còn mới lắm, ví như vừa với sáng nay thôi. Trong hàng triệu năm trước đó, tất cả con người trao đổi với nhau chỉ là những tiếng than vãn, rên rỉ, lẩm bẩm, càu nhàu.
Như vậy trong hàng triệu năm, con người giao tiếp với nhau chủ yếu qua những biểu đạt cửa khuôn mặt, qua cử chỉ và âm thanh chứ không phải bằng từ ngữ. Đó cũng là cách mà chúng ta biểu lộ thái độ, cảm giác về con người và sự vật xung quanh. Ngoài những tiếp xúc trực tiếp thì cách duy nhất để chúng ta giao tiếp với con trẻ là dùng sự chuyển động của cơ thể, những diễn đạt của khuôn mặt  và âm thanh. Và thật lạ lùng là bọn trẻ luôn hiểu được những biểu hiện đó một cách nhanh chóng.
Giáo sư Erwin H.Schell, một trong những chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo nổi tiếng ở Mỹ, đã nói: “ Thật ra bên cạnh những điều kiện thuận lợi và năng lực, còn một yếu tố nữa giúp con người đạt được thành công. Tôi luôn tin yếu tố liên kết hay chất xúc tác ấy có thể định nghĩa chỉ bằng một từ-thái độ. Khi chúng ta có thái độ đúng đắn, lúc ấy năng lực sẽ được phát huy tối đa và chúng ta có thể đạt được những thành công vang dội.
Thái độ thực sự tạo nên điều khác biệt. Những nhân viên kinh doanh, với thái độ đúng đắn, sẽ dễ dàng vượt mức chỉ tiêu được đề ra; những cô cậu sinh viên, với thái độ đúng đắn, sẽ luôn đạt được điểm A; thái độ đúng đắn cũng sẽ mang lại một cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc. Thái độ đúng đắn giúp bạn giữ mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh, thăng tiến trong sự nghiệp để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba. Có thể nói, thái độ đúng đắn sẽ giúp bạn thành công trong mọi lĩnh vực.
Hãy phát triển ba thái độ sau đây. Hãy biến chúng thành kim chỉ nam của bạn.
1. Phát triển thái độ Tôi đã sẵn sàng.
2. Phát triển thái độ Bạn là người quan trọng.
3. Phát triển thái độ Trước tiên phải biết lắng nghe người khác.
Nào, hãy cũng xem làm cách nào để phát triển được những thái độ đúng đắn vừa nêu.
Nhiều năm trước đây, khi còn là sinh viên năm hai, tôi đã tham gia vào lớp học về lịch sử người Mỹ. Tôi còn nhớ rất rõ về lớp học đó, không chỉ vì những kiến thức cần thiết về lịch sử nước Mỹ mà còn vì, theo một cách khác thường, tôi đã học được một nguyên tắc cơ bản để mang đến thành công trong cuộc sống: để có thể khích lệ người khác, trước tiên bạn phải khích lệ chính mình.
Lớp học được tổ chức ở một văn phòng dạng hình quạt. Vị giáo sư ở độ tuổi trung niên tuy rất uyên bác nhưng giảng bài lại vô cùng nhàm chán. Thay vì truyền tải những kiến thức lịch sử thật sinh động, ông ta chỉ trích dẫn những sự kiện chết chóc, hết sự kiện này tới sự kiên khác. Không thể hiểu nổi vì sao ông ta biến một môn học đầy thú vị trở nên buồn tẻ và chán ngắt như vậy.
 
Chắc bạn có thể tưởng tượng được những tiết học buồn tẻ của giáo sư nọ đã tác động đến cách sinh viên của mình ra sao. Chúng tôi kháo chuyện và ngủ gật nhiều đến mức vị giáo sư đó phải cử hai trợ giảng di dọc theo các dãy bàn để cắt đứt những cuộc chuyện trò vô tận, và đánh thức những người đang mơ màng.
Thỉnh thoảng vị giáo sư đó phải ngừng lại, gắt lên giận dữ: “Tôi cảnh cáo các anh chị. Các anh chị phải chú ý nghe những gì tôi giảng. Các anh chị phải ngừng nói chuyện ngay. Đó là tất cả những gì anh chị cần làm”. Điều này đương nhiên cũng có tác dụng đôi chút. Tuy nhiên vị giáo sư đó không biết có nhiều người trong số sinh viên ngồi dưới là các cựu quân nhân, những người chỉ mấy tháng trước đó thôi còn đánh đổi cả mạng sống của mình để làm nên lịch sử oanh liệt nơi đảo xa hay trên không trung.
Tôi ngồi đó, chán nản nhìn lớp học lẽ ra phải rất lý thú lại trở thành một trò khôi hài như thế nào, trong lòng tự hỏi: “Tại sao các nhân viên lại phớt lờ những gì vị giáo sư này trình bày nhỉ?”.
Câu trả lời thật đơn giản.
Sinh viên không cảm thấy thích thú với những gì ông ấy nói, vì chính vị giáo sư đó cũng không thích thú chút nào. Ông ấy cảm thấy môn lịch sử hoàn toàn chắn ngắt.
Để khích lệ người khác, làm cho họ trở nên hăng hái thì trước tiên, chính bản thân bạn phải cảm thấy hăng hái trước.
Trong nhiều năm qua,tôi đã kiểm nghiệm nguyên tắc trên trong vô vàn tình huống của cuộc sống cũng như công việc.Nó luôn luôn đúng mọi người thiếu đi sự nhiệt tình thì sẽ không bao giờ khơi gợi được lòng nhiệt tình từ người khác.Nhưng một người luôn hăng hái thì sẽ truyền được sự  hăng hái đó cho mọi người.
Một nhân viên nhiệt tính sẽ không bao giờ phải lo lắng sẽ gặp những khách hàng thờ ơ.Một giáo viên nhiệt tình sẽ không bao giờ lo lắng sẽ gặp những học trò thụ động.Hay một vị thủ tướng nhiệt tình không bao giờ phải lo lắng sẽ phải đối mặt với một nội các thiếu hợp tác.
Lòng nhiệt tình làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp hơn 1.100%.
Hai năm trước,công nhân viên trong một doanh nghiệp mà tôi biết chỉ quên góp chưa đến 95$ cho Hội chữ thập đỏ. Còn năm nay, với cùng số lượng công nhân viên, cùng mức lương như trước, nhưng số tiền mà họ quên góp đã lên đến 1100$, cao hơn trước đó 1100%. Lý do: Trưởng ban vận động của 2 năm trước không hăng hái gì trong làm việc của mình
Trưởng ban vận động năm nay hoàn toàn khác. Anh ấy rất nhiệt tình. Anh ấy kể về những tình huống khi thảm họa xảy ra và Hội chữ thập đỏ đã tổ chức cứu trợ như thế nào.Anh ấy giúp mọi người hiểu rằng Hội hoạt động dựa trên sự quyên góp từ mọi tấm lòng.Anh ấy kêu gọi các nhân viên hãy quên góp với số tiền mà họ sẵn sàng bỏ ra để giúp đỡ người hàng xóm nếu thảm họa xảy ra.Anh ấy nhấn mạnh: “Hãy làm xem Hội chữ thập đỏ đã làm được những gì!”.Có một điều bạn cần chú ý là anh trưởng ban đó không hề cầu xin ai cả. Anh ấy không hề bảo: “Xin mọi người hãy đóng góp XX đô la”.Tất cả những gì anh ấy lên tiếng, đơn giản hết sức, là chỉ cho mọi người hiểu được tầm quan trọng của Hội chữ thập đỏ.
 
Lòng nhiệt tình, thật giản dị, là một thái độ. Dưới đây tôi sẽ giải thích vì sao lại như vậy, với một quy trình gồm ba bước để giúp bạn nâng cao lòng nhiệt tình.
1.Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào bất cứ việc gì.
Bạn hãy thử làm một bài trắc nghiệm nhỏ sau đây. Hãy nghĩ đến hai thứ mà bạn ít hoặc chưa quan tâm-có thể là viêc chơi bài, là một loại nhạc cụ hay một môn thể thao nào đó. Hãy tự hỏi “Mình thật sự hiểu về những thứ đó đến mức nào?”.Tôi dám đánh cược 1 ăn 100, câu trả lời của bạn là: “Không nhiều lắm”.
Chính bản thân tôi, trong rất nhiều năm cũng chưa bao giờ quan tâm đến nghệ thuật đương đại.Trước khi được một người bạn khá am hiểu về bộ môn này giảng giải, tôi luôn nghĩ một bức tranh chẳng qua chỉ là hàng loạt những đường nét được chắp vá với nhau. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ càng, tôi nhận ra đó là một bộ môn nghệ thuật rất thú vị.
Kinh nghiệm đó giúp tôi hiểu được một yếu tố quan trọng nếu muốn xây dựng lòng nhiệt tình: Để có lòng nhiệt huyết và sự đam mê, hãy tìm hiểu nhiều hơn về những thứ vốn ít quan tâm tới.
Có thể bạn không thích thú với ong vò vẽ. Nhưng nếu bạn nghiên cứu về ong vò vẽ, tìm hiểu ích lợi của chúng, mối quan hệ của các loài ong khác, cách chúng sinh sản hay nơi chúng cư trú trong mùa đông, ắt bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy yêu thích loài côn trùng này.
Để giúp cho học viên hiểu rõ phương châm tìm-hiểu-kỹ-lưỡng có thể phát triển lòng nhiệt huyết và sự đam mê như thế nào, tôi thường lấy ví dụ về nhà kính trồng hoa. Tôi thân mật hỏi cả nhóm: “Có ai trong các bạn thích sản xuất và bán nhà kính trồng hoa không?” . Rất tiếc, tôi chưa từng một lần được nghe câu trả lời “có”. Vì thế, tôi đã kể cho họ biết vài điều về nhà kính: khi mức sống được nâng lên, con người ngày càng quan tâm đến những nhu cầu cao cấp; người ta thích mình tự trồng phong lan và cam như thế nào. Nếu hàng chục ngàn gia đình xây dựng bể bơi riêng thì cũng sẽ có hàng triệu gia đình có thể xây nhà kính trồng hoa, vì nhà kính đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với bể bơi. Tôi còn cho biết, nếu họ bán được một nhà kính với giá 600 đô la cho một trong số 50 gia đình, họ có thể tiến đến khả năng mở một cơ sở sản xuất nhà kính với quy mô 600 triệu đô la, hoặc một cơ sở cung ứng cây và hạt giống với quy mô 250 triệu đô la.
Kết quả là, nhóm học viên ấy-chỉ mới 10 phút trước mới thờ ơ với việc kinh doanh nhà kính-đã trở nên thích thú đến mức không muốn chuyển sang chủ đề mới.
 
Phương châm tìm hiểu kỹ lưỡng còn tỏ ra hữu ích trong việc giúp bạn thích nghi với môi trường mới. Vài năm trước, một vài người bạn của tôi quyết định chuyển từ Detroit đến một thị trấn nhỏ ở niềm trung Florida. Họ bán nhà, cắt đứt các mối quan hệ công việc, tạm biệt bạn bè và rời đi.
Sáu tuần sau, họ quay lại sống ở Detroit. Lý do của sự trở về không phải vì công việc mà vì: “Chúng tôi không thể sống ở một thị trấn nhỏ bé như vậy. Hơn nữa, tất cả tất cả bạn bè của chúng tôi đều sống ở Detroit. Vì vậy chúng tôi quay trở lại”.
Sau buổi hôm đó, tôi đến gặp và nói chuyện lâu hơn với những người bạn này và tôi dã hiểu lý do sâu xa vì sao họ lại không thích thành phố Florida nhỏ bé ấy. Trong thời gian ngắn ở đó, họ chỉ tìm hiểu một cách qua loa về nơi ở mới: lịch sử của thành phố, những kế hoạch phát triển trong tương lai và những cư dân tại chỗ. Họ chuyển tới Florida nhưng tâm trí họ vẫn hoàn toàn ở lại Detroit.
Tôi đã từng nói chuyện với hàng tá giám đốc, kỹ sư hay nhân viên kinh doanh, những người gặp cùng một vấn đề khi bất đắc dĩ bị công ty thuyên chuyển đến thành phố khác. “Tôi không thể tưởng tượng được là mình lại bị chuyển tới Chicago (hay San Francisco,Atlanta, New York, Miami)” là câu nói tôi được nghe rất nhiêu lần mỗi ngày.
Chỉ có một cách để khơi dậy sự thích thú với một địa điểm mới. Rất dơn giản, hãy nghiên cứu về cộng đồng nơi bạn chuyể đến. Hãy tìm hiểu những gì có thể và hòa nhập với mọi người ở đó. Suy nghĩ và cảm nhận như một cư dân của cộng đồng, ngay từ ngày đầu tiên. Hãy làm như thế, bạn sẽ thấy yêu thích và dễ dàng hòa nhập với môi trường mới.
Tìm hiểu kỹ lưỡng, bạn sẽ có được sự hăng hái, lòng nhiệt tình. Hãy áp dụng nguyên tắc này bất cứ khi nào bạn phải làm điều mà bạn không muốn, hay bất cứ khi nào bạn cảm thấy chán nản. Chỉ cần tìm hiểu kỹ lưỡng, bạn sẽ tự khơi dậy được cho mình niềm đam mê, sự nhiệt tình.
2. Hãy thổi hồn vào bất cứ điều gì bạn làm.
Sự thiếu hăng hái, thiết nhiệt tình thể hiện qua mỗi hành động, lời nói của bạn. Hãy bắt tay với mọi người thật ấm áp. Hãy bắt tay thật sự. Hãy khiến cho những cái siết tay thật chặt của bạn nói lên: “Tôi rất vui được biết anh”, “Tôi rất vui được gặp lại anh”. Nhưng cái bắt tay dè dặt còn tồi tệ hơn việc không bắt tay. Nó khiến mọi người nghĩ rằng: “Anh chàng này thiếu sức sống”. Hãy thử tìm một ai đó gặt hái thành công mà lại dè dặt khi bắt tay người khác. Bạn sẽ phải tìm lâu, rất lâu đấy.
Hãy thổi hồn vào nụ cười của mình. Hãy cười bằng mắt. Không một ai thích nhìn thấy nụ cười giả tạo, gượng gạo cả. Khi bạn cười, hãy thật sự cười. Hở vài chiếc răng. Có thể hàm răng của bạn không đẹp, không hấp dẫn nhưng điều đó không hề quan trọng. Vì khi bạn cười người khác sẽ không chú ý đến hàm răng của bạn, điều họ nhìn thấy là một người sôi nổi, nồng hậu, nhiệt tình, khiến họ yêu mến.
Hãy thổi hồn vào lời “cảm ơn” của bạn. Một lời cảm ơn nhạt nhẽo, máy móc chỉ giống những âm thanh vô nghĩa. Đó chỉ đơn giản là một cách diễn đạt, chẳng thể hiện được điều gì mà cũng chẳng mang lại bất cứ kết quả gì. Hãy làm cho câu “cảm ơn” của bạn nghĩa là “vô cùng cảm ơn”.
Hãy khiến những câu chuyện của bạn trở nên sống động. Tiến sĩ James F. Bender, một chuyên gia diễn thuyết danh tiếng, đã viết: “Câu ‘Chào buổi sáng!’ của bạn có thật sự hứng khởi không? Những lời ‘chúc mừng’ của bạn có thực sự thể hiện được thành ý hay không? Những lời hỏi thăm ‘Anh có khỏe không?’ của bạn có thể hiện được sự quan tâm hay không? Khi bạn thể hiện chân thành trong lời nói của mình, bạn sẽ thu hút được sự chú ý của
những người khác”.
Mọi người sẽ nghe theo những người thực sự tin vào những gì anh ta nói. Hãy phát biểu với sức sống tràn đầy của mình. Hãy thổi sinh khí vào bài nói chuyện của bạn. Dù bạn đang nói chuyện với câu lạc bộ làm vườn, hay với khách hàng tiềm năng hoặc với con cái, bạn hãy luôn thể hiện sự chân thành và nhiệt tình trong lời nói của mình. Người ta sẽ ghi nhớ hàng tháng, thậm trí hàng năm một bài diễn thuyết được trình bày chân thành và đầy nhiệt huyết, nhưng sẽ chẳng thèm lưu tâm quá một tiếng đồng hồ nếu đó là một bài diễn thuyết máy móc, nhạt nhẽo.
Khi thổi hồn vào những bài nói của mình làm cho động hẳn lên, chính bạn cũng tự cảm thấy mình căng tràn sức sống. Hãy thử điều này ngay lập tức, hãy hét lớn bằng cả sức lực và khí lực: “Hôm nay tôi cảm thấy thật tuyệt!”. Xem nào phải chăng bạn cảm thấy tốt hơn nhiều so với lúc trước hay sao? Hãy làm cho bản thân bạn đang sống thực thụ.
Hãy làm cho mọi thứ trở lên sống động. Hãy bảo đảm mọi hành động, lời nói của bạn đều toát lên: “ Anh chàng này đang thực sự sống”, “Anh ta thực sự có hảo ý”, “Anh ta đang thành công”.
3. Hãy loan truyền tin tốt.
Chúng ta không ít lần gặp phải một người nào đó xuất hiện đột ngột, anh ta loan báo: “Tôi đang có một tin tốt lành”. Ngay lập tức, anh chàng đó sẽ thu hút được mọi sự chú ý của những người đang có mặt. Tin tức tốt lành không chỉ thu hút được sự chú ý; chúng còn khiến người khác hài lòng. Tin tức tốt lành sẽ tăng thêm sự hăng hái, nhiệt tình. Tin tức tốt lành thậm chí giúp chúng ta đón nhận mọi thứ dễ dàng hơn.
Cho dù người ta luôn có xu hướng thích kể lể những chuyện không vui, bạn cũng đừng vội nghĩ như thế! Không một ai có thêm bạn bè, kiếm thêm tiền hay đạt được bất cứ điều gì bằng cách nói những điều không hay cả.
Hãy mang đến những tin tức tốt lành cho gia đình bạn. Hãy kể cho họ nghe những gì tốt lành xảy ra trong ngày. Hãy chỉ nhớ đến những kỷ niệm vui vẻ , dễ chịu và chôn chặt những điều buồn bực trong lòng. Hãy nói về những điều tốt đẹp. Sẽ chẳng hay ho gì, nếu bạn cứ kể về những điều chẳng mấy vui. Điều đó chỉ khiến gia đình bạn thêm lo lắng, căng thẳng mà thôi. Mỗi ngày hãy mang về ngôi nhà của mình những tia nắng ấm áp.
Bạn có bao giờ để ý, rất ít khi bọn trẻ kêu ca phàn nàn về thời tiết không? Chúng luôn dễ dàng vượt qua những ngày nóng bức cho đến khi những người xung quanh than phiền nhiều đến mức chúng bị ảnh hưởng và cảm thấy thời tiết thật hết sức khó chịu. hãy tạo cho mình một thói quen luôn nói về những điều tốt lành về thời tiết, cho dù như thế nào đi chăng nữa. Kêu ca về thời tiết chỉ khiến bạn thêm khó chịu hơn, thậm chí còn lan truyền sự khó chịu đó cho nhiều người khác nữa.
Hãy truyền cho người khác những cảm giác tuyệt vời mà bạn đang có. Hãy là một người luôn nói “Tôi-cảm- thấy-tuyệt-vời”. Chỉ cần nói “Tôi cảm thấy tuyệt vời” bất cứ lúc nào, bạn sẽ thấy tuyệt vời hơn. Tương tự như vậy, nếu bạn nói với mọi người “Tôi cảm thấy tồi tệ”, bạn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn. Chúng ta cảm nhận ra sao, phụ thuộc phần lớn vào nếp nghĩ đã có sẵn như thế. Bạn cũng nên nhớ, mọi người bao giờ cũng muốn ở bên cạnh những người nhiệt tình, hăng hái, đầy sức sống. Việc ở bên cạnh những người hay than vãn, hầu như chẳng có chút sinh lực, thật chẳng dễ chịu  chút nào.
Luôn nói những điều tốt đẹp với đồng nghiệp của bạn. Hãy khuyến khích và khen ngợi họ mỗi khi có cơ hội. Nói cho họ biết về những điều tích cực mà công ty đang thực hiện, lắng nghe vấn đề của họ và giúp đỡ họ hết sức mình. Khích lệ mọi người, đồng thời nhận sự ủng hộ từ phía họ. hãy nhẹ nhàng động viên, thúc nhục họ hoàn thành nhiệm vụ. Mang lại cho họ niềm hy vọng. Hãy cho họ hiểu rằng bạn luôn tin tưởng họ, tin vào sự thành công của họ. Hãy giúp họ giảm bớt những lo lắng, căng thẳng và bất an.
 
Sau mỗi lần nói lời tạm biệt với một ai đó, hãy tự hỏi: “Liệu người đó có thực sự cảm thấy thoải mái, sau khi trò chuyện với mình không?”. Phương pháp rèn luyện này thực sự mang lại hiệu quả. Hãy áp dụng mỗi khi nói chuyện với nhân viên, đối tác, gia đình, khách hàng và thậm chí cả những người bạn chỉ vô tình quen nữa.
Tôi có một người bạn là nhân viên kinh doanh. Anh ta luôn mang lại những tin tức tốt lành cho người khác. Mỗi tháng anh ta đều gọi cho khách hàng, như một thông lệ, lần nào anh ta cũng khích lệ họ bằng những điều tốt đẹp.
Chúng ta thường nghĩ, các giám đốc ngân hàng có thói quen cực kỳ kín đáo, dè dặt, lãnh đạm, chẳng mấy khi sôi nổi, nồng nhiệt. Nhưng điều này không hề đúng chút nào với một vị giám đốc ngân hàng mà tôi biết. Cách trả lời điện thoại yêu thích của anh ta là: “Chào buổi sáng, một ngày tuyệt vờ. Liệu tôi có thể giúp gì cho ông được không?”. Một điều dường như không xảy ra với một nhà quản lý ngân hàng, phải không? Nhiều người bảo vậy, nhưng hãy để tôi cho bạn biết nhé, vị quản lý ngân hàng mà tôi đang nói đến là Mills Lane Jr., chủ tịch Ngân hàng Citizens anh Sounthern, ngân hàng lớn nhất khu vực Đông Nam nước Mỹ.
Lời nói tốt đẹp sẽ đem lại kết quả tuyệt vời. Hãy chia sẻ điều này với mọi người.
Gần đây, tôi đến thăm một công ty sản xuất chổi trong thành phố. Trên bàn  làm việc của vị chủ tịch công ty, có một câu châm ngôn được đóng khung cẩn thận: “Hãy nói với tôi một lời nói tốt đẹp, hoặc đừng nói gì hết”. Tôi hết lời khen gợi ông ấy, và nói câu châm ngôn này thật tuyệt vời để kích lệ người khác suy nghĩ tích cực, lạc quan.
Ông ấy mỉn cười và quay chiếc khung lại để tôi có thể nhìn thấy một câu viết: “Hãy nói với họ một lời nói tốt đẹp hoặc đừng nói gì hết”.
Nói những lời nói tốt đẹp sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái hơn. Nói những điều tốt đẹp cũng sẽ làm cho mọi người xung quanh cảm thấy dễ chịu hơn.