Dám Nghĩ Lớn! - Chương 12 - Phần 1

CHƯƠNG 12
HÃY ĐẶT RA NHỮNG MỤC TIÊU, ĐỂ GIÚP BẠN TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC
 
MỖI BƯỚC TIẾN CỦA CON NGƯỜI – những phát minh lớn nhỏ, những khám phá y học, những thành tựu kỹ thuật, những thành công kinh doanh… Đều đã được hình dung từ rất lâu trước khi thành hiện thực. Những vệ tinh bay quanh trái đất không phải nhờ vào những khám phá tình cờ của con người mà vì khoa học đã đặt ra mục tiêu “chinh phục không gian”.
Mục tiêu không chỉ đơn giản là có một ước mơ, mà là một ước mơ được đưa vào thực hiện. Mục tiêu không phải là câu nói mơ hồ: “Ồ! Tôi ước mình có thể….”. Mục tiêu của bạn rõ ràng hơn nhiều: “Điều tôi đang hướng đến là…”.
Sẽ không có điều gì xảy ra, không có thêm bước phát triển nào nếu bạn không có một mục tiêu rõ ràng. Không có mục tiêu, bạn chẳng khác nào đi lang thang trong suốt cuộc đời mà thôi. Đi thơ thẩn, chẳng biết mình đang đi đâu, vì thế cũng chẳng đến được đâu cả.
Mục tiêu rất quan trọng đối với thành công cũng như không khí quan trọng đối với sự sống vậy. Không ai có thể tình cờ thành công mà không xác lập một mục tiêu rõ ràng. Không ai từng sống mà không cần không khí. Hãy xác định rõ mục tiêu mà bạn muốn đạt đến.
Dave Mahoney, từ một anh nhân viên bình thường trong phòng chuyển phát thư đã trở thành phó chủ tịch một công ty quảng cáo ở tuổi 27, chủ tịch công ty Good Humour ở tuổi 33. Theo lời anh, “Điều quan trọng nhất không phải bạn đã hay đang ở đâu, mà là bạn muốn đạt đến đâu”.
Các tập đoàn lớn mạnh thường đặt ra những mục tiêu dài hạn 10-15 năm và nỗ lực thực hiện mục tiêu đề ra. Một nhà máy được xây dựng không phải vì nhu cầu hiện nay, mà thường hướng đến 5-10 năm tới. Các công ty tiến hành nghiên cứu để tìm ra những dòng sản phẩm mới sẽ xuất hiện sau khoảng một thập kỉ nữa hoặc hơn thế.
Các doanh nghiệp hiện đại không đặt tương lai vào những hi vọng viển vông. Vậy, bạn có nên như thế không?
Mỗi chúng ta đều có thể tham khảo bài học quý giá từ doanh nghiệp biết nhìn xa trông rộng. Chúng ta nên lập
kế hoạch cho 5 hay 10 năm tới. Ngay bây giờ, bạn nên xây dựng cho mình hình ảnh mà bạn muốn trở thành trong
10 năm tới, nếu bạn thật sự nuôi khao khát lớn lao. Đây là điều vô cùng quan trọng. Giống như một doanh nghiệp không quan tâm đến việc vạch kế hoạch cho mình, doanh nghiệp đó sẽ dẫm chân tại chỗ, thậm chí biến mất trong tương lai. Những người không đặt ra nổi cho mình những mục tiêu lâu dài, họ sẽ mất phương hướng trong cuộc sống. Không có mục tiêu chúng ta không thể phát triển.
 
Có một chàng trai trẻ tên B đến gặp tôi về một vấn đề liên quan tới nghề nghiệp. Anh ta trông rất đĩnh đạc, thông minh đã tốt nghiệp đại học và độc thân.
Chúng tôi trò chuyện một lúc về công việc hiện thời, học hành, năng khiếu của anh ấy và các thông tin chung chung khác. Sau đó tôi hỏi: “Anh đến nhờ tôi tư vấn giúp thay đổi công việc, nhưng thực sự anh đang muốn t ìm một công việc như thế nào?”.
Anh ấy trả lời: “A, đó là vấn đề khiến tôi đến gặp ông hôm nay. Tôi thậm trí chẳng biết mình muốn làm gì nữa!”.
Vấn đề B đang phải đối mặt, xem ra rất phổ biến. Nhưng tôi nhận ra, sẽ chẳng ích gì cho anh ấy nếu tôi chỉ sắp xếp cho anh ấy vài cuộc phỏng vấn với vài nhà tuyển dụng. Thử và sai là phương pháp kém hiệu quả nhất để lựa chọn công việc. Nếu bạn thử 10 công việc, khả năng bạn có lựa chọn đúng đắn cũng chỉ là xác suất 1/10 mà thôi. Tôi phải giúp anh bạn trẻ nhận ra rằng, nếu muốn tìm được một công việc ứng ý, anh ấy phải biết việc đó là việc gì trước đã.
Vì thế tôi bảo: “Hãy cùng xem xét kế hoạch của anh từ khía cạnh này nhé: Anh có thể mô tả cho tôi biết anh sẽ như thế nào trong 10 năm nữa không?”.
B ngẫm nghĩ một lúc rùi trả lời: “À, tôi muốn cũng giống như bao người khác muốn mà thôi, một công việc tốt với mức lương cao và một căn nhà đẹp. Dường như là vậy, mặc dù tôi chưa nghĩ kĩ về chuyện đó lắm”.
Đầu tiên tôi khẳng định với B ước mơ đó là hoàn toàn tất nhiên. Rồi tôi bắt đầu giải thích: cách anh ấy nghĩ về việc chọn nghề nghiệp cũng giống như đi đến phòng vé máy bay và nói: “bán cho tôi một vé” vậy. Nhân viên bán vé không thể giúp cho bạn vì bạn không nói rõ điểm đến.
Điều này khiên B phải suy nghĩ. Chúng tôi ngồi cùng nhau hai tiếng liền sau đó không phải để nói về giá trị của những công việc, ngành nghề khác nhau, mà bàn luận với nhau xem làm cách nào để đặt ra được các mục tiêu. Tôi tin B đã học được bài học quan trọng nhất trong việc hoạch định nghề nghiệp. Trước khi bạn bắt đầu, cần phải biết bạn muốn đạt đến đâu.
Hãy làm giống như các tập đoàn thành công lớn: lên kế hoạch cho tương lai. Tài năng, khả năng, khả năng-đó là những “sản phẩm” bạn đang có. Bạn đang muốn phát triển những “sản phẩm” của mình sao cho đạt được những mức giá cao nhất. Việc lên kế hoạch cho tương lai sẽ giúp bạn đạt được điều đó.
Hai bước sau có thể giúp bạn.
- Đầu tiên, hãy mường tượng ra tương lại của bạn theo ba khía cạnh: công việc, gia đình, xã hội. Chia nhỏ cuộc sống thành những phần như vậy sẽ giúp bạn không bị rối, đồng thời không làm nảy sinh xung đột và giúp bạn nhìn nhận mọi việc một cách toàn diện hơn.
- Thứ hai, hãy tự bắt mình phải trả lời những câu hỏi sau thật chính xác và rõ ràng: tôi muốn làm được điều gì trong cuộc đời? tôi muốn trở thành người như thế nào? Và cần phải làm gì để đạt được, đúng như ước muốn?
Hãy sử dụng bản hướng dẫn lập kế hoạch sau đây.
HÌNH ẢNH CỦA TÔI TRONG 10 NĂM TỚI.
• Trong công việc.
 
• Tôi muốn đạt được mức lương bao nhiêu?
• Tôi muốn chịu trách nhiệm tới mức nào?
• Tôi muốn mình có quyền hành đến đâu?
• Tôi muốn có được uy tín trong công việc-làm cách nào?
• Trong gia đình.
• Tôi muốn đem đến cho bản thân và gia đình mức sống như thế nào?
• Tôi muốn ở trong một ngôi nhà như thế nào?
• Tôi muốn có những kỳ nghỉ như thế nào?
• Tôi muốn đem đến cho con cái những hỗ trợ tài chính, đặc biệt trong 10 năm sắp tới, khi đám trẻ đã trưởng
thành-làm cách nào?
• Trong xã hội.
• Tôi sẽ có những người bạn như thế nào?
• Tôi muốn tham gia những tổ chức xã hội như thế nào?
• Tôi muốn giữ những chức vụ lãnh đạo trong cộng đồng nào?
• Tôi muốn tranh đấu cho những giá trị gì trong cuộc sống?
Vài năm trước đây, cậu con trai nhỏ của tôi nài nỉ xây một cái chuồng nhỏ cho chú chó PEANUT-niềm tự hào, niềm vui của cháu. Sự kiên trì và nhiệt tình của thằng bé đã thuyết phục được chúng tôi, nên chúng tôi bắt tay vào xây cho PEANUT một cái chuồng riêng. Rất tiếc là cả nhà tôi chẳng ai giỏi nghề mộc cả. Ngay khi một người bạn thân ghé thăm, nhìn thấy cái chuồng mới xây đã hỏi ngay: “anh treo cái quái gì trên cây thế kia?đó không phải là chuồng chó đó chứ?” Tôi đã đáp lại đó quả là một cái chuồng chó. Sau đó anh ấy chỉ ra một vài lỗi mà chúng tôi mắc phải và kết luận: “Tại sao anh lại không vẽ một bản thiết kế trước nhỉ?”.
Bạn biết không, khi tưởng tượng ra tương lai, đừng e ngại ước mong những điều lớn lao. Con người thời hiện đại được đánh giá thông qua những ước mơ của họ. Không ai có thể làm được nhiều và xa hơn những gì họ đã vạch ra cho mình.
Dưới đây là một phần trong “kế hoạch cuộc đời” của một trong những học viên của tôi ngày trước. Hãy đọc thử xem. Hãy chú ý người bạn này hình dung ra “gia đình” của mình trong tương lai phải như thế nào. Khi viết những dòng này, chắc chắn anh ấy nhìn thấy một viễn cảnh tương lai rất rõ ràng.
“Mục tiêu của tôi là sở hữu một mảnh đất ở nông thôn. Ngôi nhà sẽ được thiết kế theo kiểu một điền trang tiêu biểu của miền bắc Mỹ, hai tầng, các cột quét sơn trắng tinh, sẽ có sân rộng, có hàng rào bao quanh. Tôi sẽ xây một hoặc hai hồ cá trong sân vườn, vì cả hai vợ chồng tôi đều thích câu cá. Chuồng chó giống Doberman sẽ nằm ở sau nhà hoặc một chỗ nào đó thích hợp. Điều tôi hằng mong muốn là đắp một con đường để lái xe vào nhà, uốn lượn giữa hai hàng cây bên đường.
 
Nhưng một căn nhà chưa chắc đã là một tổ ấm. Tôi sẽ làm tất cả những gì khiến căn nhà không chỉ là nơi để ăn uống, ngủ nghỉ. Dĩ nhiên, chúng tôi không thể nào quên chăm lo cho đời sống tâm hồn: chúng tôi sẽ dành thời gian để tham dự các sinh hoạt cầu nguyện, ca ngợi lòng nhân từ của Chúa.
Mười năm nữa, tôi muốn mình có được một vị trí xã hội cao để có thể đưa cả nhà đi du lịch vòng quanh thế giới. Nếu tôi chưa thể sắp xếp được thời gian để đi du lịch vòng quanh thế giới, có thể tôi sẽ chia thành bốn hay năm lần đi du lịch ngắn ngày, mỗi năm sẽ đi một nơi khác nhau. Thực ra kế hoạch trong phần “gia đình” phụ thuộc nhiều vào kế hoạch trong phần “công việc” của tôi sẽ được thực hiện ra sao. Vì vậy, nếu muốn hoàn thành mĩ mãn mọi thứ, tôi cần phải luôn luôn chú tâm và nỗ lực hết mình.”
Kế hoạch này được viết 5 năm về trước. Người học viên ngày xưa đã mở được hai cửa hàng tạp hóa. Bây giờ anh ấy có đến 5 cửa hàng, và tậu được 17 mẫu đất ở vùng nông thôn. Anh ấy vẫn duy trì ý tưởng, và làm theo đúng mục tiêu đã đặt ra.
Công việc, gia đình và cuộc sống cá nhân là ba phần có mối quan hệ mật thiết với nhau trong đời bạn. Có lẽ phần có nhiều nhất là công việc. Hàng ngàn năm trước đây, trong thời sơ khai, người được mọi người trong bộ lạc kính trọng nhất là người đi săn giỏi nhất. Xét một cách tổng quát, điểm này vẫn đúng ở thời nay. Mức sống chúng ta đem lại cho gia đình và sự nể trọng chúng ta có được từ cộng đồng, xã hội phụ thuộc phần lớn vào thành công trong công việc.
Không lâu trước đây, tổ chức nghiên cứu quản trị McKinsey đã mở một cuộc điều tra trên quy mô lớn để tìm hiểu những yếu tố gì giúp trở thành một giám đốc điều hành giỏi. Những nhà lãnh đạo trong kinh tế, chính trị, khoa học và tôn giáo được phỏng vấn. Theo đó, có một câu trả lời được lặp đi lặp lại theo nhiều cách khác nhau: phẩm chất quan trọng nhất để trở thành một giám đốc điều hành chính là khát khao vươn lên hàng đầu.
Nhớ lời khuyên của John Wanamaker: “Một người sẽ không thể làm được gì nhiều cho đến khi nào động lực của anh ta phải bao gồm mọi khả năng anh ta có”.
Lòng khao khát mãnh liệt, khi được khơi dòng, sẽ trở thành sức mạnh to lớn.
Tôi từng nói chuyện với một cây bút trẻ về triển vọng tờ báo trường đại học. Nếu bạn đang tìm kiếm một người có năng lực, với một tương lai đầy hứa hẹn cho nghề báo, hẳn đó là cậu ấy. Không lâu trước khi cậu ấy tốt nghiệp, tôi hỏi: “Này Dan, em định sẽ làm gì tiếp, hoạt động trong lĩnh vực báo chí ư?”. Dan nhìn tôi, trả lời: “À, không. Em thích viết lắm, em đã có quãng thời gian thú vị tham gia tờ báo của nhà trường. Nhưng nghề báo đói lắm, em không muốn lâm vào cảnh cơ hàn”.
Tôi đã không gặp Dan trong suốt 5 năm sau đó. Thế rồi vào một buổi sáng, tôi tình cờ gặp cậu ấy ở New Orleans. Lúc ấy Dan đang là trợ lý giám đốc nhân sự cho một công ty điện tử. Cậu ấy nhanh chóng cho tôi biết hiện nay mình rất bất mãn với công việc. “Ôi, em đang được trả lương rất hậu hĩnh, em đang làm việc trong một công ty tuyệt vời, em có được sự đảm bảo chắc chắn, nhưng thầy biết không, em lại chẳng mấy đam mê! Bây giờ em ước giá như ngày ấy, sau khi tốt nghiệp, em xin vào một nhà xuất bản hay một tòa báo thì tuyệt vời biết bao!”.
Dan tỏ ra rất chán nản, buồn giầu. Cậu ấy cay độc chỉ trích mọi thứ. Cậu ấy sẽ không bao giờ đạt được thành công thực sự, chừ phi cậu ấy từ bỏ công việc hiện thời và bắt đầu với nghề báo. Sự thành công đòi hỏi bạn cả nỗ lực và lòng đam mê.
Nếu đang theo đuổi khao khát của mình, cậu ấy có thể đã đạt được những vị trí cao trong ngành truyền thông. Và trong suốt quãng thời gian đó, cậu ấy còn có thể kiếm được khá nhiều tiền, đạt được sự hài lòng với công việc hơn hẳn công việc hiện tại.
 
Chuyển từ những việc mình không thích sang làm những việc thực sự yêu thích cũng như gắn thêm động cơ 500 mã lực vào chiếc xe đã dùng gần 10 năm của bạn.
Bất cứ ai trong chúng ta đều nuôi ước mơ, khao khát cháy bỏng về những điều thực sự muốn làm. Nhưng phần lớn chúng ta không quyết tâm theo đuổi ước mơ mà giết bỏ chúng. Dưới đây là 5 loại vũ khí có thể giết chết thành công của bạn. Hãy loại bỏ chúng, vì chúng thực sự nguy hiểm.
•    Tự đánh giá thấp mình. Bạn từng nghe rất nhiều người thổ lộ: “Tôi muốn trở thành bác sĩ(hay giám đốc điều hành, diễn viên quảng cáo hay một doanh nhân) nhưng tôi không thể làm được”, “tôi thiếu trí tuệ”, “nếu thử cố gắng tôi cũng sẽ thất bại mà thôi”, “tôi thiếu cả kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tế”. Rất nhiều bạn trẻ đã giết chết ước mơ với suy nghĩ hết sức cũ kỹ là tự đánh giá thấp mình.
• Dựa vào thuyết “bảo đảm tuyệt đối”. Khi ai đó thốt lên: “Tôi phải chắc chắn mình đang ở đâu”,  điều đó chẳng khác nào anh ta đang sử dụng vũ khí “bảo đảm tuyệt đối” để giết chết những giấc mơ của mình.
•    Sự cạnh tranh. “Lĩnh vực đó đã có quá nhiều người rồi”, “có không ít người trong lĩnh vực đó đang giẫm đạp lên nhau đấy” là những suy nghĩ giết chết mơ ước một cách nhanh chóng.
•    Sự sắp đặt của cha mẹ. Tôi đã nghe hàng trăm bạn trẻ giải thích sự lựa chọn nghề nghiệp của mình như sau: “Tôi muốn học ngành khác cơ, nhưng bố mẹ tôi muốn tôi theo ngành này nên tôi phải chấp nhận”. Tôi tin chắc, hầu hết các vị phụ huynh không cố ép buộc con cái mình phải làm điều gì, mà họ chỉ mong muốn nhìn thấy con cái gặt hái được thành công. Nếu con cái kiên trì giải thích cho cha mẹ nghe vì sao mình thích chọn ngành khác, và nếu các bậc cha mẹ biết lắng nghe, chắc chắn không bao giờ xảy ra căng thẳng giữa đôi bên. Mục tiêu của bố mẹ và con cái gặp nhau ở hai chữ: thành công.
• Trách nhiệm với gia đình. Thái độ “Đúng ra tôi nên thay đổi từ 5 năm về trước, nhưng giờ tôi đã có gia đình, tôi không thể thay đổi được nữa” lại là một thứ vũ khí khác giết chết ước mơ của bạn.
Hãy luôn vứt bỏ những vũ khí có thể hủy diệt thành công của bạn đi! Hãy nhớ dành, cách duy nhất để bạn luôn tràn đầy sinh lực, luôn phát triển được những động lực tiềm tàng giúp bạn tiến tới thành công là làm những điều bạn muốn làm. Hãy khơi dòng cho sự đam mê, bạn sẽ có thêm năng lượng, thêm lòng nhiệt huyết, thêm ý chí và thậm chí có được một cơ thể khỏe mạnh hơn nữa.
Không bao giờ quá muộn để theo đuổi những ước mơ và mong muốn của mình.
Phần lớn những người thực sự thành công trong cuộc sống đều làm việc hơn 40h/tuần. Có lẽ bạn chưa từng, và sẽ không bao giờ nghe thấy lời phàn nàn vì phải làm thêm giờ. Những người thành công luôn tập trung vào mục tiêu của mình, điều này giúp họ có thêm sức mạnh để nỗ lực nhiều hơn nữa.
Điểm mấu chốt là, khi bạn đặt mục tiêu mà bạn hằng ao ước và quyết tâm đạt được, năng lượng, sức mạnh của bạn sẽ nhân lên gấp đôi. Hàng triệu người  có thể tìm thấy sức mạnh cho mình bằng cách chọn mục tiêu rõ ràng và dồn hết sức lực vào đó để hoàn thành. Có được một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn xua đi nỗi buồn chán và một vài “căn bệnh kinh niên” khác.
Hãy cùng tìm hiểu nhiều hơn về sức mạnh đáng kinh ngạc được khơi dậy khi bạn xác lập được mục tiêu. Khi bạn hướng tới những ước mơ, khi bạn bị ám ảnh bởi một mục tiêu cụ thể, bạn sẽ nhận được sức mạnh thể chất, năng lượng và lòng nhiệt huyết cần thiết để hoàn thành. Ngoài ra bạn còn nhận được một thứ khác có giá trị không kém. Đó là “bộ máy tự động” hướng dẫn bạn uyển chuyển trên lộ trình đạt được mục tiêu đề ra.
 
Một điều đáng ngạc nhiên nữa là khi dồn sức vào một mục tiêu, bạn sẽ dễ dàng vạch ra hướng đi đúng. Điều này không hề khó hiểu. Trình tự mọi việc diễn ra như sau: Khi bạn chú tâm, mục tiêu đó sẽ tự động xuất hiện trong tiềm thức của bạn. Tiềm thức của bạn luôn trong trạng thái cân bằng, còn trí óc thì không. Trí óc bạn chỉ cân bằng khi những suy nghĩ trong đó khớp với suy nghĩ trong tiềm thức của  bạn. Nếu những suy nghĩ đó không tương đồng với tiềm thức, bạn sẽ cảm thấy do dự, bối rối, thiếu quyết đoán. Nhưng giờ đây mục tiêu của bạn đã xuất hiện trong tiềm thức, bạn mặc nhiên sẽ phản ứng đúng cách. Và trí óc bạn sẽ tự do với những suy nghĩ mạch lạc, hợp lý.
Hãy minh họa điều này với hai người giả định sau đây. Khi đọc tiếp, bạn sẽ nhận ra những tính cách này ở những con người thật đâu đó mà bạn biết. Chúng ta gọi họ là Tom và Jack. Hai anh chàng này giống nhau ở mọi điểm ngoại trừ một thứ: Tom đang tập trung theo đuổi một mục tiêu, còn Jack thì không. Tom luôn biết rõ mình muốn gì. Anh ấy muốn mười năm nữa sẽ trở thành phó chủ tịch của một tập đoàn lớn.
Vì Tom luôn chú tâm, mục tiêu ấy sẽ thông qua những tín hiệu  của tiêm thức chỉ dẫn “hãy làm cái này” hoặc “đừng làm cái gì đó, vì nó không thể giúp anh đạt được  mục tiêu đâu”. Mục tiêu ngự trị trong đầu, sẽ thường xuyên nhắc nhở anh ấy: “Tôi là hình ảnh mà bạn muốn biến thành sự thật. Đây là những gì mà bạn cần làm để biến tôi thành sự thật”.
Mục tiêu của Tom không còn mơ hồ mà luôn có được những hướng dẫn cụ thể trong từng việc. Khi Tom mua một bộ com-lê, mục tiêu sẽ chỉ cho anh ấy đâu là lựa chọn khôn ngoan nhất. Mục tiêu ấy cũng sẽ chỉ cho Tom cần làm như thế nào để chuyển sang công việc mới, điều gì nên nói trong hội nghị kinh doanh, điều gì nên làm khi sảy ra tranh chấp, sách nào nên đọc, quan điểm nào nên đưa ra. Nếu thỉnh thoảng Tom đi chệch hướng đôi  chút thì sao? Khi đó: “Bộ máy tự động” – được lưu trữ một cách an toàn trong tiềm thức của Tom- sẽ cảnh báo, chỉ ra những gì anh ấy cần làm để trở lại đúng đường.
Mục tiêu của Tom giúp anh ấy luôn nhạy cảm trước những yếu tố rủi do có thể ảnh hưởng tới lộ trình thực hiện. Jack thì ngược lại, anh ta không hề theo đuổi một mục tiêu nào, vì thế cũng không có “bộ máy tự động” nào
hướng dẫn anh ta. Do đó, anh ta rất dễ lâm vào tình trạng bối rối và mất sáng suốt, lúc nào cũng do dự không biết phải làm gì. Vì không hề có một mục tiêu rõ ràng, anh ta rơi dần xuống vị trí của một kẻ tầm thường.
Ngay lúc này, bạn nên đọc lại phần trên thêm một lần nữa. Hãy để khái niệm này ngấm sâu vào tâm trí bạn. Và hãy nhìn mọi người xung quanh. Hãy quan sát những người thành công nhất, chú ý xem họ nỗ lực hết mình để thực hiện mục tiêu ra sao. Hãy quan sát cuộc sống của một người thành công tột đỉnh luôn gắn liền với mục tiêu của họ như thế nào.
Hãy luôn hết mình vì mục tiêu. Thực sự hết mình. Hãy để cho mục tiêu ám ảnh bạn, và mang đến cho bạn “bộ máy tự động” thú vị, hiệu quả.
Đôi khi chúng ta thức dậy vào sáng chủ nhật mà không có kế hoạch hay lịch làm việc gì cụ thể. Vào những ngày như vậy, chúng ta thường chẳng làm nên trò trống gì. Chúng ta vu vơ chờ ngày trôi qua và vui mừng vì cuối cùng thì nó cũng kết thúc. Nhưng nếu chúng ta đã lên sẵn kế hoạch dự định cho hôm đó, chúng ta sẽ có một ngày tốt đẹp.
Hãy đặt mục tiêu và hoàn thành nó.
Nền sản xuất lớn mạnh của chúng ta sẽ sa lầy một cách vô vọng, nếu các giám đốc sản xuất không thiết lập và giữ vững kế hoạch. Các giám đốc kinh doanh đều biết rõ nhân viên của mình chỉ cố gắng bán nhiều hơn, nếu họ biết rõ định mức bán hàng cụ thể của mình là bao nhiêu. Các giáo sư biết rằng sinh viên của mình chỉ chịu hoàn thành bài tập đúng hạn, khi họ biết được hạn chót nộp bài.
Bây giờ, nếu bạn kiên quyết tiến đến thành công, hãy đặt ra các mục tiêu: thời hạn cuối cùng, các cột mốc phải đạt được, những định mức cụ thể. Bạn chỉ đạt được một điều gì đó khi bạn đã lên kế hoạch thực hiện.
Theo tiến sĩ GeorGe E.Burch, chuyên gia nghiên cứu về tuổi thọ con người, trường Đại học Y khoa Tulane, cho biết có nhiều yếu tố quyết định tuổi thọ: cân nặng, sự di truyền, chế độ ăn kiêng, tình trạng tinh thần, thói quen cá nhân. Ông nhấn mạnh: “cách nhanh nhất để kết thúc cuộc sống là đừng hoạt động gì cả, cả chân tay lẫn trí óc. Để tiếp tục sống, một người phải có khát vọng sống và biết cách tìm được niềm vui trong cuộc sống”.
Ai cũng có sự lựa chọn cho riêng mình. Nghỉ ngơi có thể là điểm bắt đầu hoặc kết thúc. Thái độ “không làm gì ngoài chuyện ăn, ngủ” là một cách nghỉ ngơi đầu-độc-bạn-nhanh-nhất. Những ai cho rằng nghỉ hưu tức là sống không có mục đích, không ý nghĩa thì sớm muộn họ cũng nhận ra rằng nghỉ hưu là “dấu hiệu” kết thúc cuộc đời. Khi sống không mục đích, người ta sẽ suy sụp rất nhanh.