Phần III- Hồi 9
Hồi 9: Giọng nói
Tư Mã Khôi đột nhiên nghe thấy bên cạnh có người nói, nhưng trong khoang máy bay rõ ràng không có người còn sống nào khác. Chiếc máy bay tiêm kích vận tải, số hiệu “Rắn đen”, trong khoang từ đầu đến cuối đều thông suốt, tuy rằng tối mò mò, nhưng cầm đèn halogen lên soi, thì có thể soi trực tiếp rõ từ đầu này đến tận đầu kia. Tất cả khoảng không gian chỉ rộng một nắm tay, thì làm gì còn nơi nào để cho người có thể lẩn trốn. Hay chăng, ngoại trừ sáu thành viên may mắn sống sót của đoàn thám hiểm ra, trong chiếc máy bay tiêm kích bị mất tích nhiều năm này, còn có một vong linh của viên phi công người Anh đang ẩn náu?
Thông tin giống như lời cảnh báo kia, dường như đến từ một thế giới khác, không chỉ có hai người Ngọc Phi Yến và Tư Mã Khôi nghe thấy, mà gã Gấu trắng người Nga đang ngồi ở khoang giữa cũng nghe thấy rõ mồn một. Gã theo đoàn thám hiểm thâm nhập vào lòng núi Dã Nhân, chẳng qua cũng chỉ vì món thù lao khổng lồ. Có điều, gã hoàn toàn chẳng thể ngờ, sẽ gặp bao nhiêu tình huống phức tạp ngoài sức tưởng tượng ở trong núi đến thế, hơn nữa càng lún càng sâu, đến khi gã muốn phủi tay không làm, thì phát hiện đã chẳng thể thoát thân, nên đành phải tiếp tục đồng hành cùng những kẻ sống sót còn lại.
Sau khi chiếc máy bay tiêm kích vận tải rơi xuống đáy khe núi, gã Gấu trắng tuy rằng chẳng gặp thương tích gì nghiêm trọng, nhưng tâm thần lại bị chấn động không nhẹ, đầu óc mụ mẫm “nam bắc khó phân, đông tây khó định”, tuy rằng thân thể đã chạm đất, nhưng lục phủ ngũ tạng hãy còn treo lơ lửng giữa tầng không, chưa chịu chui vào vị trí cũ. Gã chẳng theo tín ngưỡng nào, tâm tính lạnh lùng tàn nhẫn, từ trước đến giờ chẳng biết sợ sệt thứ gì. Trong quá trình chiếc máy bay bị rơi xuống, khoang máy bay hoàn toàn tối om, bên ngoài càng âm âm u u, mù mù mịt mịt. Gấu trắng ngồi trên ghế nệm, mình thắt dây an toàn, tay nắm chặt sợi dây thừng, trong cơn rung lắc dữ dội, thân thể bị quăng đi quật lại theo quán tính. Gã đã từng đi rất nhiều loại máy bay khác nhau, thậm chí còn bị lửa pháo phòng không trên mặt đất bắn trúng, nhưng cũng chưa từng hoảng hốt mất phương hướng, bởi vì gã biết gặp những tình huống như thế, sợ cũng vô tác dụng, nên chỉ còn biết tuân theo mệnh trời mà thôi.
Nhưng giờ đây, trong khoang máy bay chật chội âm u này, gã loáng thoáng nghe thấy động tĩnh tiếng nói của một người Anh, việc này hoàn toàn vượt ra khỏi nhận thức thông thường của gã. Trước đây, khi còn là lính đánh thuê, gã từng tiếp xúc với một vài người Anh, khẩu âm Anh nằng nặng không thể trộn lẫn vào đâu được. Thế nhưng trước mắt trong chiếc “Rắn đen” này căn bản chẳng có người Anh nào, thiết bị liên lạc ở khoang lái rõ ràng cũng đã bị hư hại, thì vì sao lại có tiếng thì thầm của người Anh? Ngoài ra, chiếc máy bay vận tải đã mất tích hơn hai mươi năm, vì sao mãi đến tận giờ này phút này, vẫn có thể bảo dưỡng y nguyên như mới? Và vì sao trước khi vào khe núi núi Dã Nhân, lại nhìn thấy chiếc bóng đen sì sì của nó bay lượn là là trên đỉnh đầu?
Tổng hợp tất cả những hiện tượng khó giải thích này lại, chỉ làm rõ cho một vấn đề, đó là chiếc máy bay vận tải này đang “gặp ma”, hơn nữa trong máy bay còn lẩn khuất một vong hồn của phi công không quân hoàng gia, cho nên mới nghe thấy giọng nói của vong hồn.
Tuy gã Gấu trắng không nghe rõ được hết toàn bộ nội dung, nhưng vẫn có một vài từ chập chờn lọt vào tai, vong hồn của viên phi công không quân Anh dường như muốn cảnh báo đội thám hiểm: “Hàng trong khoang máy bay vận tải – cực kỳ nguy hiểm!”.
Gấu trắng chẳng tin bất cứ ai, nhưng lại vô cùng tin tưởng vào đôi tai của chính mình, gã ra hiệu bằng tay với Ngọc Phi Yến: “Chiếc máy bay này quả thực quá bất thường, trước khi điều tra rõ ràng toàn bộ sự việc, tốt nhất không nên động chạm bừa bãi vào bất kỳ vật gì, nếu không rất có thể sẽ dính họa sát thân”.
Ngọc Phi Yến luôn lo lắng khe động núi Dã Nhân sẽ liên tục sụt lở do sự công kích của bão nhiệt đới, mà nếu huyệt động hình kim tự tháp này sụp xuống hoàn toàn, mọi người sẽ đều bị chôn sống dưới đáy; vậy nên việc cần làm trước mắt chính là mau chóng lấy được “hàng” trong khoang máy bay, sau đó lập tức tìm kiếm lối ra, đợi khi cơn bão Buddha suy yếu thì cả hội sẽ tháo chạy ra khỏi núi Dã Nhân.
Nhưng đến đúng khớp này thì xảy ra sự bất ngờ, trước khi chiếc máy bay vận tải rơi xuống đáy cốc, cô ta hoàn toàn chưa kịp quan sát kỹ tình hình bên trong khoang; nhưng lúc này, cô ta lấy đèn halogen chiếu sáng trước sau trái phải một hồi, thì cũng làm gì có tên người Anh nào trốn trong khoang? Theo tư liệu ghi chép của quân Anh, mà cô nắm giữa trong tay, chiếc máy bay tiêm kích số hiệu “Rắn đen” trong lúc chấp hành nhiệm vụ ở Miến Điện và mất tích tại nơi sâu nhất trong đám sương mù dày đặc dưới lòng khe núi núi Dã Nhân, khi đó, bao gồm cả phi công, trong khoang máy bay có tất cả ba thành viên. Chẳng lẽ vong hồn của họ đều hãy còn lởn vởn quanh nơi này? Họ không chịu để người khác động chạm vào “hàng” trong khoang máy bay?
Trong lúc mọi người đang rối như tơ vò vì sự việc ly kỳ diễn ra trước mắt, thì thấy Karaweik đầu băng bó trắng toát, tay cầm một vật màu đen đưa ra trước mặt Tư Mã Khôi.
Tư Mã Khôi ngạc nhiên hỏi: “Đây là cái gì thế?”. Karaweik tỏ ra luống cuống, cậu hoa chân múa tay nói một hồi lâu, may mà có Tuyệt đứng bên cạnh phiên dịch giúp, nên mọi người cuối cùng cũng hiểu rõ. Thì ra, sau khi chui vào khoang máy bay trốn, chiếc máy bay vận tải lập tức bắt đầu rơi tự do với tốc độ kinh khủng, cậu đột nhiên cảm thấy có một vật đập vào người. Trong lúc hoảng hốt, chẳng nhìn rõ là vật gì, cậu liền thuận tay bắt lấy. Lúc ấy cũng không hiểu ấn vào chỗ nào, tự dưng thấy có tiếng nói chuyện phát ra từ bên trong, khiến Karaweik giật nảy người, sau đó chiếc máy bay va chạm vào dòng khí lưu thông lượn vòng dưới khe núi. Trong lúc thân máy bay rung lắc điên đảo, đầu cậu bị đập mạnh, rách một miếng to, rồi từ đó mất hết cảm giác. Khi tỉnh lại, cậu thấy mình vẫn nắm vật ấy trong tay, ấn một cái lại thấy có tiếng nói phát ra nên Karaweik cảm thấy rất thích thú.
Theo luật lệ bất thành văn của đội du kích cộng hòa sản Miến Điện, trên chiến trường, những vật vô chủ và những vật trên cơ thể người chết, ai nhặt được thì coi như của người ấy, còn ở đây chẳng có ba mục kỷ luật, tám điều quy định gì cả, cũng chẳng hề có khái niệm “tất cả đều phải xung công”, thế là cậu liền nhặt bỏ vào túi, định giữ làm của riêng. Thế rồi đợi khi nhìn thấy năm người còn lại chẳng ai nói câu gì, Karaweik mới mang vật đó đưa cho Tư Mã Khôi xem, muốn nhờ anh chỉ cho cậu cách sử dụng như thế nào.
Nhóm mấy người quan sát vật mà Karaweik nhặt được, thì ra là đó là chiếc máy thu âm loại nhỏ, kiểu cầm tay giống như máy dùng để phỏng vấn, mặt ngang còn cắm chiếc micro có dây. Lúc này mọi người mới vỡ lẽ, tiếng nói của người Anh nghe được lúc trong khoang máy bay đều từ đây mà ra. Tư Mã Khôi đúng là lắc đầu bất lực với cái kiểu ngờ nghệch, dạy mãi không khôn của người Miến Điện, nhưng sợi thần kinh đang căng như dây đàn cuối cùng cũng chùng xuống một đoạn.
La Đại Hải giơ tay gõ đầu Karaweik một cái: “Ranh con nhà cậu, suýt chút nữa khiến hồn vía bọn anh dạt nhà bỏ đi rồi đấy!”
Karaweik ú ớ chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, khuôn mặt ngơ ngơ ngác ngác.
Ngọc Phi Yến thấy cả hội chỉ là sợ bóng sợ gió, nhưng cuốn băng trong máy ghi âm dường như có nhắc đến thông tin gì đó có liên quan đến “hàng” nên trong lòng cô cũng đang có rất nhiều nghi hoặc khó lòng giải thích. Gấp gáp muốn tìm đáp án từ trong cuốn băng, cô bèn quyết định sẽ nghe lại từ đầu đến cuối, rồi sau đó căn cứ theo tình hình thực tế để lấy hàng trong khoang. Nghĩ vậy, cô liền khuyên can: “Dù sao sai một chút và sai một trăm chút cũng chẳng khác nhau là bao, các anh đừng trách cứ người anh em nhỏ tuổi này nữa, cậu ta thì hiểu được gì chứ?” Nói xong, cô lập tức tua lại cuốn băng, rồi cẩn thận nghe lại từ đầu, phát hiện giọng nói ghi âm trong cuốn băng quả nhiên là của một người Anh. Trừ Tư Mã Khôi và La Đại Hải ra, thì những người còn lại đều ít nhiều hiểu tiếng Anh, nhưng hai người này làm gì có chuyện ngồi yên một bên mà giương mắt nghe như vịt nghe sấm. Ngọc Phi Yến cũng chẳng biết làm sao, đành phải nghe một đoạn, lại dịch một đoạn cho họ.
Không ngờ sự việc nghe được sau đó lại khiến mọi người cảm thấy kinh ngạc, đầu óc như muốn nổ tung, vì nội dung ghi lại trong cuốn băng còn đáng sợ gấp nhiều lần việc gặp phải vong hồn phi công không quân Anh dưới lòng đất như họ nghĩ.
Người ghi âm là một chuyên gia thám hiểm hang động người Anh, tên là Wilson. Anh đã tự mình ghi âm cuốn băng dựa theo thời gian thực tế, bắt đầu từ thời khắc chiếc máy bay vận tải cất cánh tại sân bay, đồng thời nói rằng nếu như có người phát hiện ra cuốn băng này, thì có nghĩa là anh ta đã lâm nạn. Trên đường phi hành, Wilson hồi tưởng ngắn gọn những điều mình đã trải qua, tự nhận đội của anh là phân đội tinh nhuệ có kinh nghiệm phong phú, bao gồm những phi hành viên ưu tú nhất, có chuyên gia nghiên cứu về lịch sử tôn giáo và hiện tượng siêu nhiên, cũng có quân nhân phục viên từ binh chủng không quân, họ không thuộc tổ chức chính trị nào mà chỉ làm việc vì tiền. Lần này, nhận đơn hàng từ một khách hàng không lộ diện, mục tiêu là tìm kiếm chiếc máy bay tiêm kích vận tải mất tích dưới khe núi núi Dã Nhân, nghe nói trong khoang vận tải chất đầy châu ngọc quý hiếm mà bọn thực dân Anh đã cướp đoạt từ Miến Điện, có điều cụ thể là hàng gì thì tuyệt đối cơ mật, nên ngoại trừ đội trưởng ra, các thành viên khác hoàn toàn không hề hay biết.
Qua nhiều lần thăm dò và trinh sát trên không, bước đầu đã xác minh được kết cấu địa hình trong lòng khe núi: đây là một huyệt động khổng lồ mặt cắt hình kim tự tháp, sâu rộng không thể lường, bề ngang tương đối hẹp. Căn cứ vào thông tin liên lạc qua bộ máy điện đàm không dây của phi công lái chiếc máy bay tiêm kích vận tải bị mất tích, thì có lẽ nó đã rơi xuống sườn nam.
Đội thám hiểm đồng thời cũng phát hiện: bất luận trên mặt đất hay dưới lòng đất, đường bộ hay đường thủy, đều không có con đường nào tuyệt đối an toàn để đi xuyên vào núi. Ngoại trừ màn sương mù dày đặc trào ra từ lòng đất, núi Dã Nhân còn tồn tại một lượng lớn các di tích cổ đại: có điều, phần lớn trong số chúng đều bị hủy hoại nghiêm trọng, nên không thể phán đoán hay khảo nghiệm bối cảnh văn hóa và cội nguồn lịch sử của nó, vì dường như người cổ đại muốn che đậy một bí mật nào đó, đồng thời họ cài đặt trùng điệp cạm bẫy để bảo vệ nó. Trong khi ấy, chiếc máy bay tiêm kích vận tải chuyên chở bảo vật cổ đại Miến Điện lại rơi đúng xuống núi Dã Nhân, tất cả những việc đó phải chăng là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Wilson cho rằng có thể mình chỉ quá đa nghi mà thôi, nhưng những ai càng nghiên cứu sâu về luật logic thì càng nên coi trọng sự trùng hợp đó.
Thật không may, tất cả những đội thám hiểm trước đây định vào núi đều không rõ tông tích, và gần như chẳng có kẻ may mắn nào sống sót trở về. Đối với những nhà thám hiểm chuyên nghiệp được trang bị tinh nhuệ, có kinh nghiệm phong phú, rèn luyện qua các lớp đào tạo cao cấp và vũ trang đến tận răng, thì địa hình ngoại vi núi Dã Nhân phức tạp và các loài mãng xà, độc trùng chẳng phải trở ngại tuyệt đối. Hiểm họa thực sự là đến từ màn sương bí ẩn quanh năm không tiêu tan ở sâu trong núi, sương khí mù mịt bao trùm cả cánh rừng nguyên sinh xung quanh khe núi, đã khiến người ngoài khó lòng nhìn thấu những bí mật bên trong của nó.
Đội thám hiểm Anh của Wilson đã nghĩ ra một kế hoạch gần như là điên cuồng, họ cho rằng chiếc máy bay tiêm kích của không quân hoàng gia năm đó, sở dĩ có thể hạ cánh xuống vùng sương mù ở nơi sâu trong khe núi, là do có hai điểm thuận lợi, thứ nhất là kết cấu chất liệu đặc biệt của loại máy bay tiêm kích, thứ hai là tác dụng của dòng khí lưu thông mà địa hình đặc biệt trong khe núi sản sinh ra; nhưng nếu giả dụ thay vào chiếc máy bay khác, chắc chắn là sẽ bị quá nhẹ hoặc quá nặng, không thể vừa vặn như chiếc tiêm kích. Ngoài ra, điều kiện thời tiết cũng có khả năng là một trong những nhân tố quyết định, vào ngày chiếc tiêm kích vận tải số hiệu “Rắn đen” mất tích, cũng là ngày cơn bão nhiệt đới di chuyển về hướng bắc, khiến phần lớn vành đai địa hình khe núi núi Dã Nhân bị lộ ra khỏi lớp sương mù dày đặc.
Nếu bây giờ muốn vào sâu trong khe núi, chỉ có đợi đến khi cơn bão nhiệt đới lại đến một lần nữa, đồng thời còn phải sử dụng chiếc máy bay tiêm kích cùng số hiệu với chiếc đã mất tích, thì mới hi vọng đạt được mục đích. Nơi sâu trong núi Dã Nhân có khu vực bom mìn, sương mù, độc trùng và các loại tà thuật, khiến người phương Tây khó lòng lý giải, cho nên bọn họ dự định đáp chiếc máy bay tiêm kích giống nhau, nhân lúc thời tiết thay đổi, mạo hiểm tiến vào nơi sâu nhất dưới khe núi, rồi sau khi thành công sẽ nghĩ cách đáp khinh khí cầu rút lui. Mãi cho đến cuối những năm sáu mươi, vẫn có thể tìm thấy bóng dáng máy bay tiêm kích ở những khu vực tương đối lạc hậu. Họ đã vất vả ngược xuôi một phen, cuối cùng cũng tìm được chiếc máy bay tiêm kích cải tiến, có cùng số hiệu với chiếc “Rắn đen”, ở một nơi nào đó thuộc khu vực Đông Nam Á.
Gần núi Dã Nhân tồn tại rất nhiều tô tem mãng xà, chiếc máy bay rơi xuống vùng sương mù mang số hiệu “Rắn đen”, mạch chạy của khe núi ngoằn ngoèo như rắn lượn, thậm chí ngay cả con đường U Linh mà liên quân Trung – Mỹ đã xây dựng cũng dài như hình rắn. Đội thám hiểm Anh phán đoán: có lẽ “rắn” là chiếc chìa khóa liên kết toàn bộ bí mật trong núi Dã Nhân. Thế là họ liền tìm một chiếc máy bay tiêm kích vận tải, sau đó tiến hành cải tiến, làm mới từ trong ra ngoài, bao gồm cả nước sơn, tất cả đều hoàn toàn giống như đúc với chiếc máy bay bị mất tích, rồi đặt tên cho nó là “Rắn đen II” với hi vọng nó có thể đem lại may mắn cho đoàn thám hiểm.
Đội thám hiểm Anh mua đứt một sân bay kín đáo, do lực lượng vũ trang địa phương khống chế, ở khu vực phi chính phủ giáp ranh Cam Miến, rồi nhân lúc cơn bão nhiệt đới Buddha xâm nhập, họ đáp chiếc Rắn đen II bay vào núi Dã Nhân. Kế hoạch này vô cùng mạo hiểm, thiên thời địa lợi nhân hòa, dũng khí kỹ thuật, chỉ cần thiếu bất kỳ nhân tố nhỏ nào cũng đều có khả năng ảnh hưởng đến vận mệnh cuối cùng, vì sự thay đổi bất thường luôn mang lại những khó khăn không thể tưởng tượng. Nhưng đối mặt với món thù lao thuộc khổng lồ và cảm giác sứ mệnh to lớn vô hình nào đó đã khiến đội thám hiểm dưới sự thôi thúc của tâm lý đầu cơ, vẫn quyết định lao vào dù biết rõ khó khăn.
Wilson thẳng thắn thừa nhận: “Tính nguy hiểm của nhiệm vụ lần này vô cùng lớn, có khả năng không còn đường trở về, nhưng hi vọng những gì chúng tôi làm là có giá trị”.
Sau khi chiếc máy bay vận tải Rắn đen II cất cánh, nó bay lượn rất lâu trên bầu trời vùng núi, không ngờ thời tiết biến đổi càng lúc càng khắc nghiệt, đằng xa bắt đầu xuất hiện tiếng sấm rền vang dội, sương mù dày đặc gần khe núi cũng không hạ xuống đến mức thấp như dự tính ban đầu. Mọi việc đều không hội tụ đủ điều kiện giống trong kế hoạch, bởi vậy phi công đành đề nghị từ bỏ chuyến hành động này. Nhưng giữa khoảnh khắc cả đoàn đang bay là là vượt qua khe núi, thì đột nhiên xuất hiện chiếc máy bay tiêm kích vận tải u linh như một bóng ma từ trong dải mây mù ngưng tụ không tan biến lừ lừ bay ra.
Wilson nói: “Đó chính là chiếc máy bay tiêm kích vận tải đã mất tích mấy chục năm trước của không quân Hoàng gia Anh, nó lao thẳng vào chúng tôi mà không phát ra một tiếng động nhỏ, đến khi phi công phát hiện thấy nó, đồng thời định chuyển hướng né tránh, thì mọi sự đã quá muộn. Chiếc Rắn đen II của chúng tôi đâm trúng chiếc máy bay xuất hiện từ đám sương mù. Lạ một điều, tuy rằng đột ngột xảy ra va chạm giữa không trung, nhưng lại chẳng hề khiến chiếc Rắn đen II phát nổ ngay lập tức, mà cảm giác giống như đâm vào một màn sương dày đặc, nhìn không rõ, sờ không thấy, còn chiếc máy bay vận tải đối diện dường như vốn dĩ chỉ là ảo ảnh không hề tồn tại. Nhưng điều khiến mọi người khó hiểu nhất là: trong khoảnh khắc va chạm với chiếc máy bay u linh kia, hai động cơ của chiếc Rắn đen II liền ngừng hoạt động, các thiết bị khác cũng hoàn toàn không thể điều khiển nổi, khoang máy bay phút chốc trở nên tối mù, rồi rơi thẳng xuống khe núi trong tình trạng mất lái.
May nhờ thượng đế che chở, nên chiếc Rắn đen II thoát khỏi họa máy tan người nát. Nó bị vướng vào các rễ cây cổ thụ, treo lơ lửng giữa không trung. Đợi khi các thành viên lần lượt tỉnh lại khỏi hôn mê, phát hiện sương mù hoàn toàn che khuất tầm nhìn phía ngoài khoang, chẳng rõ mình bị rơi xuống phương nào, để duy trì tầm nhìn với khoảng cách nhất định trong sương mù, đội thám hiểm Anh liền bật sáng mấy ngọn đèn halogen cường quang đã chuẩn bị từ trước, vì nó có thể xuyên thấu những tạp chất trong sương mù với hạn độ lớn nhất. Sau đó mọi người mở cửa máy bay ra ngoài, dùng đèn halogen nhiều bóng soi chiếu địa hình gần “điểm rơi”. Lúc này đội trưởng đội thám hiểm lại nhắc nhở mọi người thêm lần nữa: nếu tìm thấy chiếc máy bay tiêm kích vận tải bị mất tích, trước khi có sự cho phép của anh ấy, tuyệt đối không ai được mở hòm hàng, bởi vì “hàng” chở trong máy bay cực kỳ nguy hiểm”.
Có điều, lúc này vận đen của đội thám hiểm Anh chỉ vừa mới bắt đầu, ánh sáng cực mạnh phát ra bởi đèn chiếu trên máy bay không ngờ lại dẫn dụ một vật thể to lớn dị thường từ nơi sâu trong đám sương mù đi ra - Wilson miêu tả vật thể đó là “vật thể sống” với giọng kinh hoàng tột độ, nó nuốt chửng cả chiếc Rắn đen II, tiếp sau đó là một loạt tạp âm hỗn loạn điếc tai cùng tiếng gào thét hoảng loạn, rồi băng ghi âm ngừng lại ở đây.