Hoa vàng mấy độ - Chương 04 (Phần 1)

 

Lam Uyên ngồi chống tay dưới cầm nghe bà Mười lải nhải nói đủ điều. Cô nghe, nhưng thật ra không hiểu gì hết, hồn cô đang lãng đãng đi đâu thì phải.

Thái độ lơ đãng của Uyên không thoát khỏi mắt bà. Bà Mười hơi dỗi:

- Uyên, nãy giờ dì nói con có nghe không hả?

Giật nẩy mình, Uyên đáp bừa:

- Có! Con có nghe. Dì dặn đi đâu cũng phải đem theo áo mưa hay dù, vì bây giờ là mùa mưa.

- Còn nữa.

Cô cười cầu tài:

- Con nhớ cái cốt lõi thôi, còn râu ria quên hết rồi.

Bà Mười dẫy lên:

- Trời đất ơi, chính những cái quan trọng con lại không nhớ mới chết! Lo mơ mộng phải không.

- Đâu có, con có mơ mộng đâu. Nhưng dì muốn cái gì mới được.

Bà Mười lắc đầu ra vẻ chán nản:

- Dì nhắc chuyện đi đứng của con. Hết bệnh cả nữa tháng rồi, sao cứ để thằng đó chở tới chở lui hoài vậy.

- Xời ơi! Có gì đâu mà dì lo, tại tiện đường người ta cho mình quá giang chớ bộ….

- Quá giang rồi có … gì mấy hồi. Ba con mà không bệnh là tao mách ổng rồi.

Lam Uyên nhăn nhó:

- Đã nói không có gì, sao dì cứ nhằn hoài. Con mà… thèm anh ta chắc trời sập.

- Trời khó sập hơn người ta sập. Cưa lục cưa lâu ngày còn ngả cây rừng, huống hồ cái mồm dẻo quẹo, cái lưỡi sắc còn hơn lưỡi cưa của nó. Liệu đó con.

Lam Uyên nhún vai, cô không thèm “tranh luận” với bà Mười nữa. Uyên biết dì ấy thương nên tối ngày cứ nhắc nhở biết bao nhiêu chuyện ở trên đời với cô. Nhưng khổ nổi, cô quá ngán những lời nhắc nhở mà cô cho rằng không hề áp phê gì với một con nhỏ bản lĩnh đầy mình, tính khí không thua bọn con trai như cô. Vả lại Uyên có nghĩ gì tới Quang đâu chớ! Trái tim cô đang hướng về nơi khác kìa.

Bỗng dưng cô xịu mặt xuống, Uyên luôn dối lòng rằng cô không hề nghĩ ngợi, nhớ mong gì đến Duy. Nhưng từ sâu thẳm, tình cảm cô vẫn hướng về anh tự nhiên như đóa hướng dương hướng về phía mặt trời. Một thứ tình cảm đơn phương ngu ngốc. Tại sao lại phải khổ sở vì một người không hề yêu mình nhỉ?

Cách đây mấy hôm, Lam Uyên thơ thẩn trong siêu thị. Cô muốn mua một kim cài cà vạt và nhờ Hưng gởi cho Duy như để cám ơn anh đã xin việc làm cho cô. Lựa chọn, đắn đo mãi Lam Uyên mới mua một con cá sấu mạ vàng quẫy đuôi trông khá … ngầu.

Món quà nhỏ xíu lọt trong bàn tay Uyên, nhưng nặng tiền khủng khiếp, nó nuốt gần hết thá1g lương của Lam Uyên, nhưng bù lại cô thấy vui, một nỗi vui nhẹ đến mức có thể làm người ta bay bổng.

Thế nhưng hôm ấy Lam Uyên bay không nổi, vừa quay ra khỏi quầy hàng Uyên đã thấy Duy lững thững đi tới.

Lam Uyên rúng động vì bất ngờ, cô đứng yên như trời trồng và bồi hồi nhận ra… hình như Duy cũng xúc động như cô, để rồi Uyên thất vọng ngay, vì anh chỉ mỉm cười chào cô, hỏi một câu xã giao rất ư nhạt nhẽo mà chẳng cần Uyên đáp lại, rồi dửng dưng dạo tiếp các quầy hàng khác.

Lúc đó ngực Lam Uyên đau như có ai xé. Cô lơ ngơ nhìn theo dáng cao ngạo của Duy mà muốn khóc. Anh hôm nay khác hoàn toàn với anh của buổi chiều mưa hôm nào. Những nồng nàn, sâu lắng trong từng câu, từng lời và từng tia mắt đâu cả rồi.

Cho hai tay vào túi quần Uyên lầm lũi bước vào quán café mini. Ngồi xuống gọi cho mình ly café, cô chăm chú nhìn những giọt đen chậm chạp rơi rơi trong thinh lặng.

Thằng bé bán thuốc lá sấn lại mời:

- Hút thuốc đi chị! Em có Dunhill bạc hà nè. Nhẹ hìu, chị hút mà hỏng quên sầu đời thì em thua.

Lam Uyên chớp mắt:

- Sao biết chị đang sầu đời?

Thằng bé cười toe:

- Không sầu đời sao vô quán ngồi một mình? Nhìn chị bụi quá! Lẽ nào hỏng biết phì?

- Phì thì phì chớ sợ ai. Cho chị nguyên gói đi.

Trúng mánh! Thằng bé phấn khởi đưa gói Dunhill cho Uyên, nó gạ thêm:

- Mua hộp diêm này đi! Rẻ rề.

Lam Uyên hất hàm:

- Tất cả bao nhiêu?

Thằng bé nháy mắt nói giá. Cô đưa nó tiền và không nhận phần thối.

Ngồi trong cái quán vắng tanh, Lam Uyên hút điếu thuốc đầu đời, cay cay, the the và ràn rụa nước mắt.

Đang ngắm nghía bàn tay kẹp thuốc của mình, Uyên bỗng nghe giọng phụ nữ nheo nhéo:

- Vào quán này đi anh. Em mỏi chân gần chết.

Không cần nhìn, Uyên cũng nhớ ra và nhận ra ngay giọng của Tố Nga. Vậy là Duy cùng cô ta đi sắm sửa chớ gì! Thảo nào anh ta lơ với cô cũng đúng.

Ngồi xoay mặt vào trong Uyên tiếp tục hút thuốc. Hình như cô có … khiếu hay sao ấy, đến hơi thứ ba Uyên đã không sặc nữa. Cô chậm rãi nhả khói như người sành điệu và nghe ngay giọng dè bĩu.

- Anh xem, con gái mà hút thuốc.

Rồi tiếng Tố Nga kêu lên:

- Ý! Bạn của Hồng Linh, dễ sợ thật! Y như dân bụi đời.

Uyên không nghe Duy nói lấy một lời, cô chán nản, bực dọc gọi người tính tiền.

Cho hai tay vào túi quần, miệng phì phèo điếu thuốc, Lam Uyên không thèm ngó tới … ai, cô đường hoàng bước ra khỏi quán với tâm trạng của kẻ chiến bại.

Thế đấy! Cô đã khinh bỉ, đã căm hận Duy nhưng vẫn không sao thôi nghĩ tới anh. Sẵn Quang cứ rề rà đề nghị…. “tiện đường anh chở em đi làm” … Uyên đã gật đầu đồng ý với hy vọng sẽ quên, sẽ quên… Khổ sao cô vẫn nhớ và càng nhớ nhiều hơn lúc đi về chẳng ai đưa đón. Bây giờ tốt nhất là không nên để Quang chở nữa, vì Uyên biết anh ta chẳng thật lòng thương yêu cô như bề ngoài anh ta luôn làm ra vậy. Cô cũng hết hứng thú với cái vai ngoan hiền vâng dạ mỗi lúc Quang đưa cô về. Lam Uyên không muốn Mai Phương nhìn mình bằng cặp mắt ghen ghét, rồi cô lại sợ nghe dì Mười lên lớp hàng bữa. Nên dứt khoát từ ngày mai sẽ không còn chuyện đón đưa nữa.

Chống tay dưới cằm, Lam Uyên nịnh:

- Từ ngày dì Mười về đây, con ăn cơm mỗi bữa bốn chén. Công nhận dì làm thức ăn ngon thật! Tại sao trước kia đang ở với tụi con, dì Mười lại bỏ đi, rồi bây giờ lại trở về đây?

Bà Mười nhìn Uyên, thủng thỉnh nói:

- Trên đời này không có cái gì là tự nhiên hết. Tại con không biết đó thôi?

- Vậy dì nói cho con biết đi. Sao trước đây dì bỏ tụi con đi mất tiêu thế?

Bà Mười:

- Tại ba con đã cãi lời dì, đem Kiều Mai về nhà. Không phải dì bắt ba con chung tình với người đã chết, nhưng Kiều Mai là đứa gian xảo, nhỏ mọn, tham lam. Sống chung nhà với nó, dì sẽ không nhịn được mỗi khi thấy việc gì chướng tai gai mắt. Lúc ấy tình nghĩa chị em cũng chả còn. Bây giờ ba con nằm một chỗ, giận cách mấy dì cũng phải trở về lo cho nó, vì ở đất Sài Gòn này bà con có được mấy người. Dẫu sao hồi mới chân ướt chân ráo ngoài xứ vào đây, ba con cũng cưu mang dì kia mà.

Lam Uyên cắc cớ:

- Bây giờ dì nhịn được bà Mai rồi hả?

Trề môi một cái, bà Mười lầm bầm:

- Nó phải chịu luồn tao thì có. Dẫu bây giờ tao như cái gai trong mắt nó, nó cũng phải một dạ thưa chị Mười, hai cũng dạ thưa chị Mười, chớ ở đó mà tao nhịn nó.

- Nhưng tại sao bả phải chịu như vậy?

- Con thật tình không biết à?

Lam Uyên nhíu mày:

- Không.

- Thằng Hưng chưa nói gì với con hết sao?

Trợn mắt lên, Uyên hỏi lại:

- Nhưng mà chuyện gì mới được chớ?

- Ái chà! Vậy là nó giấu con rồi. Anh em mày nghĩ cũng ngộ thật.

Lam Uyên hỏi tới:

- Tại sao lại giấu? Dì biết thì nói cho con nghe ngay đi.

- Thôi có gì nó lại trách dì nhiều chuyện.

Lam Uyên hùng hồn đứng dậy:

- Nếu dì không nói, con đi hỏi ảnh cho ra mới được.

Bà Mười kéo tay cô lại:

- Nó đi rồi, thằng gì chạy xe mô tô tới rước nó, lúc con còn ngủ.

Lam Uyên khựng lại, cô bối rối cùng cực khi biết Duy đã đến đây. Anh có nghĩ tới cô không nhỉ.

Ngập ngừng Uyên hỏi:

- Người ta tới là chở ảnh đi liền hả dì.

- Đâu có, thằng đó vô thăm ba con lâu lắm, tao chiên trứng cho hai đứa ăn bánh mì, rồi nó cà kê uống hết bình trà mới đi đó chớ.

Liếc Uyên một cái, bà Mười dò dẫm:

- Con biết thằng đó không?

Lam Uyên gật đầu nhanh chưa từng có:

- Dạ biết, anh Duy chớ ai.

Bà Mười cười cười:

- Hèn chi nó hỏi “sao không thấy Lam Uyên?”.

Cô nóng nảy:

- Rồi anh hai nói sao?

- Thằng Hưng trả lời rằng “Con nhỏ quậy đó còn ngủ, đừng kêu nó dậy làm gì mệt lắm.” Lam Uyên ấm ức:

- Tự nhiên nói xấu người ta.

- Nó nói đúng đấy chứ.

- Nhưng mà con có quậy ảnh lần nào đâu?

- Chưa đâu có nghĩa là không. So với hồi dì còn ở đây, con chỉ cao hơn chớ chẳng lớn khôn thêm chút nào. Dì nói rồi, là con gái phải, phải… Lam Uyên cướp lời:

- Phải dịu dàng, thùy mị, ăn nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào, đi đứng yểu điệu khoan thai. Con không làm được những điều đó, nên con không phải là con gái.

Dứt lời Uyên chạy vào phòng, đóng sầm cửa lại. Cô ngã lăn lên giường, mắt mở to nhìn lên trần nhà.

Anh Hưng thật là ác! Từ khi có Vi Lan đến giờ, anh không còn lo lắng, thương yêu cô như trước nữa. Anh đang hạnh phúc nên có để ý gì đến nỗi bất hạnh của người khác… Nhưng không để ý thì thôi, tại sao anh Hưng lại nói với anh Duy về em gái mình như thế. Cô đã nhờ anh trao quà cho Duy,

như vậy chưa chứng tỏ cô là người biết điều, biết mang ơn và trả ơn sao?

Lam Uyên nằm thổn thức mãi đến khi nghe tiếng dì Mười gọi, cô mới uể oải ngồi dậy.

- Có người tìm con kìa. Nó ngồi chờ ngoài sân. Liệu mà khôn ngoan khi tiếp chuyện.

Chưa kịp hỏi xem ai tìm, bà Mười đã vào phòng ông Trí. Lam Uyên bước xuống bếp rửa mặt, cô chải tóc rồi bước ra sân với tâm trạng dửng dưng lạ lùng.

Có lẽ lại là Quang thôi! Anh ta vẫn hay ghé vào giờ này của ngày chủ nhật.

Gạt hẳn ý nghĩ sẽ dứt trò đùa với Quang sang một bên, Lam Uyên lại bừng lên những thôi thúc mới … Mỉm cười thật dễ thương, Lam Uyên nhí nhảnh chạy vội lại ngồi kế bên Quang trên ghế đá. Giọng cô nũng nịu hơn thường ngày nhiều đến mức Quang phải ngớ ra.

- Giờ này mới tới. Làm sáng nay người ta dậy sớm muốn chết.

- Anh xin lỗi, vì nói thật anh chẳng đoán được sáng chủ nhật cô công chúa nhỏ của anh ngủ nướng tới mấy giờ mà đến cho đúng.

- Em không phải là công chúa, nên em không phải của riêng anh. Sáng nay anh đến tìm em… chi vậy?

Quang lững thững:

- Ngày nào không gặp em là không làm việc được. Bởi vậy, anh đến đây để có động lực … - Hôm nay chủ nhật đâu có làm việc. Lẽ ra anh nên đi chơi với chị Mai Phương cho khuây khỏa. Chị Phương mới là siêu động lực thứ thiệt đó.

- Đã nói nhiều lần rồi, anh và Phương chỉ là đồng nghiệp, em đừng gả ép vào, tội anh lắm Lam Uyên.

Uyên nghiêm nghị:

- Thật…. “chỉ là đồng nghiệp” không?

- Thật chứ. Sao lại nghĩ là anh nói dối?

Nghiêng nghiêng đầu, Uyên đáp:

- Tại dư luận dạy em nên nghi ngờ tất cả. Nhất là nghi ngờ anh.

Quang kêu lên:

- Dư luận nào ác như vậy? Anh vốn rất đa nghi, nhưng chưa bằng em. Em nghi gì anh hả Uyên?

Chớp chớp hàng mi trông ra ngây thơ, Lam Uyên ra vẻ thật thà:

- Người ta bảo anh có nhiều tham vọng trong công danh sự nghiệp và trong cả tình yêu. Có đúng không?

Quang bật cười:

- Yêu mà có tham vọng nữa sao? Quả thật anh không hiểu người nào đó nói với em điều này với dụng ý gì.

- Nhưng mà anh có tham vọng không?

- Có chớ! Chắc em cũng biết anh là con không cha. Ông đã chết trước khi anh được sinh ra. Nên với anh, tình phụ tử là thứ mà anh hình dung mãi vẫn chưa ra. Anh chỉ có mẹ, bà thay cha nuôi dưỡng dạy dỗ anh. Hồi nhỏ anh được mọi người trong họ hàng thương lắm. Đi tới đâu anh cũng được nũng nịu cưng chiều, họ dúi vào tay anh tiền, cho bao nhiêu là đồ chơi. Những thứ ấy như để bù đắp cái anh không bao giờ có được là tình phụ tử. Với nhiều đứa trẻ khác, điều này có thể là niềm hạnh phúc, nhưng với anh thì không. Anh chỉ thấy tự ái khi bị thương hại. Với anh, lòng thương hại là cái gì đó bệnh hoạn, đáng ghét.