Thành phố trong mơ - Chương 07 phần 2
Ba chúng tôi đều cảm thấy đối phương vừa hôi vừa bẩn, đều vô thức cách ra rất xa. Trở lại phòng cấp cứu, tôi thấy vị bác sĩ khi nãy đã mang khẩu trang và găng tay. Tôi nói: “Chúng tôi chuyển thành khám mắt.”
Vi bác sĩ nói: “Tôi đã thông báo cho bác sĩ Hồ rồi. Công phí hay tự phí?”
Vương Siêu đáp: “Tự phí, tự phí.”
Bác sĩ hỏi: “Có cần làm phẫu thuật không? Có nằm viện không?”
Vương Siêu đáp: “Tôi làm sao mà biết được, kiểm tra xong mới biết.”
Bác sĩ nói: “Có khả năng khá nghiêm trọng, các anh cần chuẩn bị tiền đặt cọc để nằm viện và làm phẫu thuật.”
Vương Siêu hỏi: “Bao nhiêu tiền?”
Bác sĩ đáp: “Đóng trước một nghìn đồng.”
Vương Siêu hỏi: “Các cậu có bao nhiêu tiền?”
Tôi nói: “Tớ không mang, để ở nhà rồi.”
Đại ca Kiện nói: “Tớ cũng không mang.”
Vương Siêu bảo: “Tớ mang năm mươi đồng.”
Bác sĩ nói: “Năm mươi đồng làm sao đủ để khám bệnh!”
Vương Siêu nói: “Xin lỗi, xin lỗi, ông khám trước cho một tí.”
Bác sĩ nói: “Không mang đủ tiền thì không tiện khám bệnh đâu. Mấy hôm trước, có bệnh nhân không mang đủ tiền, phải làm phẫu thuật, phẫu thuật xong rồi, nhưng vì tiền mang theo chỉ làm được đến bước đó, nên không được khâu liền lại.”
Tôi nói: “Không thể thế được chứ, chưa khâu liền thì làm thế nào?”
Bác sĩ nhìn tôi một cái và nói: “Có vết thương thì cứ nằm thôi, đến bây giờ vẫn đang nằm đấy.”
Tôi nói: “Thưa bác sĩ, cứu tử phục thương quan trọng chứ.”
Bác sĩ nói: “Kinh tế thị trường rồi.”
Vương Siêu nói: “Tiền tôi sẽ có cách, nhất định sẽ gom đủ cho ông.”
Bác sĩ bảo: “Những người nói như cậu nhiều rồi, nhưng chỗ chúng tôi có quy định rõ ràng.”
Tôi chỉ bốn chữ “Cứu tử phục thương” trên tường và nói: “Chỗ ông đã viết ‘cứu tử phục thương’ đấy thôi.”
Bác sĩ bảo: “Đúng thế, nhưng có viết ‘cứu tử phục thương miễn phí’ đâu.”
Vương Siêu nói: “Thôi được rồi được rồi, tiền tôi sẽ nghĩ cách, nhưng sao bác sĩ Hồ vẫn chưa đến nhỉ?”
Bác sĩ nói: “Đúng vậy, ông Hồ này chậm quá đáng, để tôi gọi điện thoại giục.”
Bác sĩ liền gọi một cú điện thoại giục vài câu, xong cúp máy và bảo: “Thực sự xin lỗi. Ông Hồ đang đánh bài với mấy bác sĩ khác, hôm nay chưa được ván nào. Ông Hồ nói lượt bài này đẹp, đợi chơi xong ván này sẽ qua.”
Đại ca Kiện nói: “Sao lại có chuyện làm bác sĩ như thế!”
Bác sĩ bảo: “Bệnh cũng phân nặng nhẹ gấp thường chứ.”
Đại ca Kiện nói: “Ông làm sao mà biết được bệnh của tôi nhẹ?”
Bác sĩ nói: “Cậu còn đang nói được đấy thôi.”
Đại ca Kiện nói: “Tôi bị thương mắt, chứ có bị thương mồm đâu.”
Bác sĩ nói: “Bác sĩ chỗ chúng tôi đều rất có đạo đức nghề Y. Nếu người đến không nói được nữa, chắc chắn sẽ có mặt trong vòng ba phút; Không đứng được, thì khoảng năm phút; Vẫn đứng nói chuyện được như anh, đợi một lúc thì có sao, cứ coi như là đang đợi xe cấp cứu đi.”
Nghe xong, đại ca Kiện suýt tức chết.
Vương Siêu nói vọng lên trên: “Gọi điện thoại cho viện trưởng Ngưu của các anh, nói tôi là bạn của ông ấy.”
Bác sĩ không tin hỏi: “Thế viện trưởng của chúng tôi tên là gì?”
Vương Siêu đáp: “Ngưu Ái Dân.”
Bác sĩ hỏi: “Anh tên là gì?”
Vương Siêu đáp: “Ông cứ nói với ông ấy, bố tôi là Vương Pháp, tôi là con trai, tên là Vương Siêu.”
Bác sĩ nói: “Nói vớ vẩn, bố anh là Vương Pháp. Tôi làm sao biết được bố anh là gì!”
Vương Siêu nói: “Trong mắt ông, đúng là chẳng còn pháp luật gì sất. Bảo viện trưởng của ông gọi cho tôi!”
Lúc này, bác sĩ Hồ mới lừ đừ đến, mặt hớn hở tràn đầy gió mùa xuân, rõ ràng là đã được ván bài vừa xong.
Bác sĩ Hồ bảo đại ca Kiện nằm xuống. Thì đại ca Kiện lúng túng phát hiện ra là mắt mình đã mở ra được, nhưng may sao trên mặt còn găm mấy hạt thủy tinh vỡ, mới có vẻ không mất công đi. Sau khi làm sát trùng sơ sơ, ba chúng tôi rời khỏi bệnh viện.
Trên đường về thong thả, Vương Siêu nói: “Đại ca Kiện, cậu xem đấy, cậu ấy làm gãy chân cậu, tớ làm gãy tay cậu, tớ cứ tưởng là lần này cậu không chịu thua kém, tự mình làm mù một mắt của mình.”
Đại ca Kiện nói: “Đúng thế, vừa nãy tớ sợ chết khiếp, cứ nghĩ là mình mù thật rồi.”
Tôi nói: “Mấy tháng này cậu chưa hề kiện toàn qua, thế mà cũng gọi là đại ca Kiện.”
Đại ca Kiện nói: “Mỗi cái tên đều thể hiện nguyện vọng, không có nên mới cần mong ước. Từ nhỏ tớ đã rất xúi quẩy.”
Tôi cảm ơn Vương Siêu rồi hỏi: “Bố cậu làm gì?”
Vương Siêu đáp: “Bố tớ là trưởng cục công an.”
Tôi và đại ca Kiện giật bắn mình, nói: “Cục công an. Sao trước đây cậu không nói.”
Vương Siêu vừa đổi số xe vừa nói: “Chủ yếu là nói ra cũng chẳng hay ho gì. Tớ mà nói là bố tớ làm quan, bọn bạn cùng học thế nào cũng nghĩ tớ là con của tham quan. Lang thang ở bên ngoài mà nói ra, thì có mà cả đám đều đến nhờ nói giúp một tiếng thả anh em của họ ra.”
Đại ca Kiện bảo: “Đúng thế, làm quan tốt quá còn gì, làm quan là có chỗ kiếm tiền rồi.”
Vương Siêu nói: “Bố tớ là quan thanh liêm.”
Đại ca Kiện nói: “Có bảo là hễ làm quan đều là tham quan đâu, cậu căng thẳng cái gì!”
Vương Siêu càng căng thẳng, nói: “Bố tớ mà là tham quan, tớ đã ra nước ngoài học để rửa tiền cho ông lâu rồi. Cậu xem, không phải là tớ đang ở trong nước đây à?”
Đại ca Kiện bảo: “Có nói cậu đâu, thanh niên.”
Cảnh vật ngoài cửa sổ từ từ lướt qua. Tốc độ này vừa thoải mái vừa an toàn. Tôi thấy mình đã già rồi, không ngờ tôi lại không thích tốc độ từ khi mình chưa học lái xe. Tốc độ này giống như tôi hồi nhỏ đi xe buýt, có thể để tôi suy nghĩ rất nhiều việc.
Về tới Đại Vinh, đến ti vi cũng không bật, chúng tôi đã ngủ mất. Lần này chúng tôi ngủ những hai ngày. Trong lúc ngủ, chúng tôi lần lượt tỉnh giấc rồi lại lần lượt ngủ đi. Tôi mơ rất nhiều, những giấc mơ đó xuất hiện lại rất nhiều lần trong cuốc sống hiện tại của tôi. Điều này cho thấy tôi là một người vô vị, sống một cuộc sống không hề mới mẻ. Tôi còn nhớ được quang cảnh những giấc mơ đó của mình…
Một mình tôi chạy đến chỗ giáp ranh giữa phía bắc đất nước và Liên Xô, bên cạnh là đường ống dẫn dầu rất lớn. Đây là một con đường xe đi được cả hai chiều, xung quanh toàn là tuyết, nhưng thật kỳ quặc trên đường không có một chút tuyết đọng nào. Ở chỗ cách một trăm mét bên trái đường, có một khoảng rừng lớn cây không có lá, trên cây cũng toàn là tuyết, nhưng trên một trăm mét đến khoảng rừng đó lại có cỏ xanh, kỳ lạ là cũng không hề có tuyết đọng. Tôi không ngừng chạy vù vù trên đường, cứ chốc chốc lại nhìn khoảng rừng phía bên trái. Rừng cây mọc suốt lên trên dốc, mà dốc núi tuyết trắng xóa đều như thể miếng bánh ga tô kem được chia sẵn. Một đoàn tàu ầm ầm chạy qua đường ray trên núi. Trong mơ, tôi chỉ biết chạy, không hề nghĩ ngợi đến vấn đề hiện thực là đường sắt không đặt ở đường bằng mà lại đặt trên núi. Tôi chạy cho đến khi mặt trời từ từ xuống núi, cảnh vật không hề thay đổi ở xung quanh dần dần tối đi. Những cái xe vận tải khổng lồ qua lại không hề làm tôi sợ hãi, bọn chúng dường như chẳng nhanh hơn tôi được bao nhiêu. Tôi chạy trên đường xe không hề áy náy, trước mặt lao đến rất nhiều xe ca quân đội màu xanh lá cây, phía sau xe chở đầy vũ khí rất lớn, đều là những cỗ pháo chĩa thẳng lên trời. Trên rất nhiều cỗ pháo có ghi dòng chữ “Đạn[2] hidro, bắn nhẹ cẩn thận”, đồng thời phía dưới còn có viết tiếng Anh “LIGHT EGG, LIGHT PUT”. Lúc mặt trời từ từ xuống núi, xung quanh bỗng sáng bừng lên.
Lúc này, mặt trời nói một câu: “Thật ngại quá, tớ quên mất bây giờ là giữa ngày, tớ không nên xuống núi.”
Tôi không thèm để ý, tiếp tục chạy nhanh về phía trước, không hề mệt mỏi chút nào.
Bỗng nhiên, tôi chạy đến một nơi mọc đầy nho và dây leo. Ở đó xuất hiện một cô gái xinh đẹp mặc áo trắng. Tôi hỏi: “Em là người bên Liên Xô à?”
Cô gái đó đáp: “Không, chúng em còn cách đó xa. Chúng em ở Tulufan, anh nhìn sa mạc này.”
Tôi quay đầu nhìn, nhưng vẫn là biên giới Liên Xô, xung quanh vẫn là rừng tuyết và đường ống dẫn dầu.
Cô gái nói: “Nào, em đưa anh đi ăn những thứ ngon. Anh có mệt không?”
Trong lúc nói chuyện, tôi vẫn chạy rất nhanh. Nhưng tôi không nhớ nổi cô gái làm thế nào mà luôn đối mặt trò chuyện với tôi.
Cuối cùng chúng tôi đến trước một cái bàn rất lớn. Trên bàn có rất nhiều đồ ăn ngon, có món đùi rất thơm của các loại động vật và các loại hoa quả tôi thích, còn có nho phết pho mát, quả to như trái dâu tây và táo, quả to như dưa hấu. Điều này làm tôi rất nóng lòng muốn trông thấy dưa hấu loại quả mà tôi ưa thích to đến như thế nào. Cô gái nhẹ nhàng dựa vào vai tôi.
Tôi nói: “Cô em, đừng thế, chúng ta vừa mới quen nhau.”
Cô gái rời tôi ra.
Tôi nói: “Cô em, đừng thế, đã làm thì phải làm đến cùng chứ.”
Cô gái lại dựa vào vai tôi.
Suốt cả quá trình, tôi vẫn cứ không ngừng chạy quanh bàn.
Đường ống dẫn dầu, núi tuyết, sa mạc, nho, dây thanh đằng, xe ca, vũ khí, rừng cây, đường cái và cả gương mặt mặt trời, tất cả xung quanh đều không ngừng lóe ra trong tầm mắt tôi.
Tôi cầm một chiếc đùi gà rất lớn, đưa lên miệng vừa định gặm một miếng thì tỉnh giấc.
Tôi mơ giấc mơ này từ khi còn rất nhỏ, mơ đến tận khi Liên Xô biến thành Nga vẫn không thôi.
Vẫn còn một giấc mơ về chuyện tôi lái xe ở Thượng Hải, bỗng nhiên xuất hiện rất nhiều người nói với tôi: “Anh có biết nơi gọi là Deribale ở đâu không?” Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu người ta hỏi tôi câu hỏi đó như thế nào khi tôi đang lái xe, nhưng tóm lại là đã hỏi rồi. Tôi đáp là đến quảng trường Nhân Dân ở đâu tôi cũng không biết, huống hồ là Deribale.
Trong chốc lát họ bỗng biến thành những hòa thượng mặc áo cà sa, nói với tôi: “Thượng Hải có một con đường rất nhỏ, gọi là đường Deribale, con đường này ngắn đến mức chỉ có vài trăm mét. Vào đường khoảng tám mươi mét là có một căn nhà nhỏ, căn nhà nhỏ đó ở trên lề bên phải, đó là văn phòng đại diện của Deribale tại Thượng Hải, bên trong có một bệnh nhân tên là Deribale. Chúng tôi đã ninh một bát canh gà, anh mang bát canh gà này đến cho Deribale, bệnh của Deribale sẽ khỏi được. Nếu không, hừ hừ.”
“Hừ” xong mấy cái, không thấy người đâu nữa, còn tôi đang ở bên ngoài cửa văn phòng đại diện Deribale. Cửa rất bé, chỉ có một cánh, nhưng cửa và hành lang nhô ra so với các kiến trúc xung quanh đến mười mét, và bốn bên đều là các cửa hàng khắc chữ. Tôi nghĩ quanh đây có nhiều người cần khắc chữ vậy sao? Xuyên qua hành lang dài mười mét là một phòng họp, xuyên qua phòng họp là vào trong một công viên vườn của Tô Châu. Lúc tôi vào lại phòng họp, phát hiện thấy có một người nằm ở bên trong. Người này nói với tôi: “Anh đến chậm một bước rồi, tôi đã chết rồi, anh sang cửa hàng bên cạnh khắc chữ vào bia mộ cho tôi đi.”
Tôi vào cửa hàng bên cạnh, hỏi ông chủ: “Ai là Deribale?”
Ông chủ cửa hàng nói: “Chỗ chúng tôi tất cả mọi người đều tên là Deribale.”
Tôi nói: “Tôi cần khắc cái chữ này.”
Chủ cửa hàng nói: “Lại là một kẻ khắc chữ.”
Nói rồi đưa cho tôi một viên đá to như khung kính, sau đó lấy ra một cuốn kinh thư dày đến một nghìn trang và nói: “Anh xem trước một lượt, xem xong một lượt nhất định phải đọc thuộc lòng được, sau đó khắc toàn bộ nội dung lên viên đá này, khi khắc xong canh gà không được nguội. Nếu không, người trên thế giới này đều chết hết.”
Trong chốc lát, tôi đã ở chính giữa một trung tâm thể dục rất lớn. Mọi người xung quanh đều bình tĩnh nhìn tôi, nói: “Anh là người duy nhất đại diện cho trái đất, chỉ cần anh làm việc này thành công, tất cả mọi người trên trái đất đều được sống. Nếu anh không thành công, thì tất cả chúng tôi đều chết sạch.”
Tôi mở trang đầu tiên ra, thì thấy nội dung dòng đầu tiên của trang đầu tiên không ngờ lại là: “Phật pi như, lí thông dĩ, cử thị dư, cơ nhược tất.”
Cả hơn nghìn trang đều là nội dung như thế. Đầu óc tôi bắt đầu mơ hồ.
Tôi cứ mơ hồ như thế trong giấc mơ đó, mơ đến lúc mồ hôi toát đầy đầu. Nhưng thật kỳ lạ, cơn ác mộng này chưa bao giờ làm tôi tỉnh giấc. Suốt cho đến khi cuối cùng tôi cũng viết xong bốn chữ Deribale trên đá, tất cả xung quanh mới trở lại bình thường.
Tôi có ý định tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc mà giấc mơ chứa đựng, có khả năng là phản ánh cảnh tượng khi loài người đấu tranh với các sinh vật ở hành tinh khác, hoặc là ngầm thể hiện một số hàm ý nào đó của phật giáo. Nhưng cuối cùng tôi phát hiện ra, giấc mơ này thường xuất hiện sau khi giáo viên ngữ văn bắt chúng tôi học thuộc lòng và viết nhẩm bài khóa.
* * *
[1] Nghĩa là: cơn mưa mùa thu rơi rớt lại. Tên của một nhà văn, học giả đương đại nổi tiếng của Trung Quốc
[2] Trong tiếng Trung, “trứng gà” đồng âm với “đạn”, động từ “bắn” cũng có nghĩa là “đặt”, “để”.