Địa Ngục Tầng Thứ 19 - Chương 11 - Part 1

Chương 11

Văn Nhã đã viết hàng chữ này trên tường căn buồng bệnh. Lúc đó nhìn mảng tường chi chít những chữ này, Xuân Vũ thấy rùng mình. Trực giác mà các cô gái thường có đã mách bảo Xuân Vũ: hàng chữ cái tiếng Anh này nhất định ẩn chứa 1 ý nghĩa đặc biệt nào đó. 
Cô đã tra vài cuốn từ điển, trong tiếng Anh không có từ nào na ná như MARZORINI. Có lẽ không phải tiếng Anh, mà là 1 thứ tiếng châu u nào đó? Nhưng Văn Nhã không học ngoại ngữ nào khác, thì sao có thể viết ra cái từ này? Phải chăng đây là 1 tên người hoặc địa danh nào đó? 
Đúng, khả năng này là rất lớn. Xuân Vũ đọc lại MARZORINI theo kiểu tiếng Anh, kể cũng tạm ổn. Chia theo âm tiết để đọc, nó sẽ là “Mar-zo-ri-ni”. 
Đọc chầm chậm 4 âm tiết này, cô nhớ đến một cái tên người – Mazolini. 
m đọc “MARZORINI” – tức là Mazolini chứ gì? 
Đây không phải là trùng hợp ngẫu nhiên, nên coi MARZORINI là cách phiên âm của Mazolini bằng tiếng Anh hay tiếng Ý chăng? 
Cô vui vẻ ngẩng phắt lên, cứ như đầu óc vừa được sáng ra! Mazolini có phải là MARZORINI hay không, có lẽ Cao Huyền có thể trả lời. 
Phải! Bây giờ đi tìm anh ấy để hỏi rõ điều này. Cô lập tức thay áo rồi chạy ra khỏi phòng. 
Nửa giờ sau, Xuân Vũ đã đến khoa Mỹ thuật. 
[phần 3] 
Cô vẫn nhớ lối đi lần trước, và tìm đến phòng vẽ của Cao Huyền ở trên gác, nhưng không thấy ai. Cô hỏi thăm mới biết Cao Huyền đang dạy học ở tầng 3. Nhưng hôm nay là thứ 7 kia mà? Cô ngờ ngợ, rồi chạy lên tầng 3. 
Tầng 3 là một phòng học rất lớn, cô nhẹ nhàng đẩy cửa. Các sinh viên đang ngồi kín bên trong, khiến Xuân Vũ rất ngượng nghịu: Vài chục đôi mắt nhìn về phía cô, ngạc nhiên không rõ cô ở đâu lò dò vào. Cao Huyền đứng trên bục giảng nhận ra cô, anh mỉm cười. 
Xuân Vũ chọn 1 chỗ ở dãy cuối cùng, ngồi xuống. Các nữ sinh đều chăm chú nhìn thầy Cao Huyền bằng ánh mắt kính nể, cô đành làm ra vẻ cũng lắng nghe bài giảng. Cao Huyền mặc chiếc áo gió màu đen, đĩnh đạc tự tin đứng trên bục giảng. Ánh đèn trong phòng học bỗng tối đi, một phông trắng cỡ lớn phía sau được mở ra, Cao Huyền đứng sang 1 bên, chỉ vào bức tranh được chiếu lên phông, nói: “Đây là tác phẩm Gào thét của Munch (họa sĩ Na Uy, chuyên vẽ tranh sơn dầu).” 
Trong lớp học rộng rãi, mờ tối, các sinh viên đều nín thở nhìn lên bức tranh sơn dầu chiếu trên phông – một nhân vật đang đứng trên cầu, thân thể khô đét trơ cả xương, người chẳng ra người ma chẳng ra ma, hai tay đang ôm đầu, đôi mắt sợ hãi đang trợn trừng, mồm há hốc hết cỡ, dường như đang kêu thét lên tuyệt vọng. Nền phía sau nhân vật có 2 con thuyền trên hồ nước, lại có 2 người dài ngoẵng rất quái dị đang từ đầu cầu bên kia bước về phía nhân vật. 
Bức tranh đem đến cho người ta cảm giác thê lương và kinh hãi ghê gớm, nước và bầu trời đều được vẽ bằng những nét cong kỳ quái, không rõ đó là cảnh nhân gian hay địa ngục. Xuân Vũ ngây nhìn “con người” trong tranh đang đau khổ kêu lên, hình như cô nghe thấy những âm thanh gào thét thật sự. 
Cao Huyền nói: “Các bạn ạ, Munch sinh năm 1863 tại Oslo, Na Uy, từng học hội họa ở Pháp, qua bức tranh này có thể nhận ra ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của phong cách Van Gốc và Gô Guyn. Ông có sở trường dùng gam màu mạnh và những nét uốn khúc, thể hiện chủ đề tình yêu và chết chóc, nói lên những nỗi lo âu sợ hãi của nhân loại, nỗi tuyệt vọng của con người. Bức tranh “Gào thét” này sáng tác năm 1895, được thế giới đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật chủ nghĩa biểu hiện. Các bạn đừng chú ý đến vấn đề kỹ xảo, và hãy dùng tâm linh để cảm nhận bức tranh này. Bạn không thấy ở 1 nơi nào đó thẳm sâu trong lòng ta đang rung động ư? Với tôi, tôi đã bị nó chinh phục từ rất lâu. Tôi nghĩ, bức tranh này đến từ địa ngục của chính tâm hồn Munch, thể hiện nỗi tuyệt vọng và bất an không gì cứu vãn nổi ở trong sâu thẳm tâm hồn nhân loại. Điều khiến tôi cảm thấy tuyệt diệu nhất là bức tranh này đã dự báo về trạng thái tinh thần của xã hội loài người 100 năm sau – cũng tức là giai đoạn hiện nay. Cho nên tôi vẫn thường nói rằng, những nghệ sĩ vĩ đại đồng thời cũng là những nhà tiên tri vĩ đại.” 
Cao Huyền giảng bài rất say sưa, dường như toàn bộ tinh thần của anh lắng sâu trong bức tranh. Nhất là khi nói những câu cuối, đôi mắt sâu thẳm của anh nhìn về phía trước, đúng vào chỗ Xuân Vũ đang ngồi. 
Đèn trong lớp đã bật sáng trở lại, Cao Huyền thở 1 hơi thật dài, kết thúc 1 bài giảng sinh động. Các nam nữ sinh viên vỗ tay hoan hô anh rất lâu. Tan lớp rồi mà Cao Huyền vẫn chưa thể ra, có mấy nữ sinh vây lấy anh nói chuyện, phải sau 1 lúc lâu anh mới đột phá khỏi trùng vây. 
Xuân Vũ đứng ngoài hành lang đợi, Cao Huyền tất tả chạy ra, và lập tức dẫn cô xuống phòng vẽ tầng 2. Cửa phòng vừa khép lại, Xuân Vũ đã nói ngay điều thắc mắc của cô: “Hôm nay thứ 7, sao anh vẫn phải lên lớp?” 
Cao Huyền lau mồ hôi lấm tấm trên trán, nói: “Lẽ ra hôm qua lên lớp, nhưng anh bận việc, đành chuyển sang hôm nay. Nhưng anh em sinh viên vẫn rất thích nghe anh giảng bài, dù lên lớp vào thứ 7 cũng không sao!” 
“Em có thể nhận ra họ đều rất ngưỡng mộ anh! Lần nào lên lớp anh cũng say sưa như thế à?” 
“Tất nhiên rồi!” Anh mở cửa sổ cho thoáng khí. “Thực ra anh không phải giảng viên đại học chính thức. Nửa năm trước, anh từ châu u trở về, nhà trường đến mời anh dạy mỗi tuần 3 buổi, chủ yếu là về tranh sơn dầu và lịch sử nghệ thuật châu u; họ còn bố trí cho anh căn phòng này để làm việc.” 
Thì ra anh là giáo viên thỉnh giảng. Xuân Vũ cảm nhận rằng giáo viên mời từ bên ngoài giảng bài còn hay hơn cả giáo viên nội bộ. Cô gật đầu, hỏi: “Vậy thì danh nghĩa chính thức của anh là gì?” 
“Anh chẳng có danh nghĩa gì chính thức, anh chỉ mở 1 phòng tranh ở bên bờ sông Tô Châu. Gọi là 1 họa sĩ tự do vậy! Nhưng vì ở đây có phòng làm việc, và còn phải lên lớp nữa, cho nên ban ngày anh thường có mặt ở trường. Có lẽ cũng vì lưu luyến những năm tháng đã theo học ở đây…” 
Những lời của Cao Huyền khiến Xuân Vũ thấy nhẹ nhõm, vì ít ra là cô không phải căng thẳng như khi nói chuyện với các thầy giáo khác. Cô xởi lởi nói: “Hôm nay em đến, muốn hỏi anh 1 việc.” 
Cô mở ví, lấy giấy bút, rồi viết hàng chữ cái tiếng Anh: MARZORINI. Cao Huyền liền nhận ra ngay: “Đây là tên họa sĩ Mazolini viết bằng tiếng Ý.” 
“Đây đúng là tên của Mazolini à?” 
“Anh không thể nhớ nhầm. Tên tiếng Anh của các họa sĩ châu u, anh hầu như có thể thuộc lòng.” 
Anh khẳng định chắc chắn như thế, cũng đã xác nhận cho giả thuyết của Xuân Vũ. Cô bèn kể cho anh nghe về chuyện sáng nay vào viện thăm Văn Nhã, thấy trên tường buồng viện viết rất nhiều cái tên MARZORINI này. 
Vẻ mặt Cao Huyền trở nên nặng nề, trầm ngâm hồi lâu rồi hỏi: “Em cho rằng Mazolini có liên quan đến trò chơi địa ngục thật à?” 
“Ít ra cũng có liên quan đến việc Văn Nhã phát điên.” 
“Nhưng ông ta đã chết từ trăm năm trước rồi.” 
“Khi đối thoại ở địa ngục, có 1 nickname tên là Mazolini đấy thôi? Anh nói Mazolini ấy rất nguy hiểm, dặn em đừng bắt chuyện với đối phương…” 
“Đúng thế.” Cao Huyền không biết nói gì nữa, anh đi mấy bước trong gian phòng chật hẹp, rồi hỏi: “Bây giờ em định thế nào?” 
“Anh có thể tra cứu tư liệu về Mazolini không? Em muốn biết ông ta là người như thế nào!” 
Cao Huyền gật đầu. Anh đóng cánh cửa sổ lại, rồi mở máy tính xách tay, cắm dây lên mạng. Anh nhanh chóng mở trang web nước ngoài bằng tiếng Anh, phần mở đầu là rất nhiều tranh sơn dầu, có lẽ là trang web liên quan đến hội họa. Anh vừa nhấp chuột vừa nói: “Trang này nối với thư viện Anh quốc, hồi ở nước ngoài anh thường xuyên vào trang này, có thể tra cứu được rất nhiều tư liệu về lịch sử Mỹ thuật.” 
Anh tìm đến mục Mazolini. Một bức ảnh đen trắng hiện ra, đó là 1 người châu u rất phong độ, với hai bên ria mép nho nhỏ, ánh mắt sâu lắng đang nhìn về phía xa xa. 
Xuân Vũ bất giác nhìn sang Cao Huyền, chợt cảm thấy mắt anh rất giống với Mazolini.
Cao Huyền dịch những hàng chữ tiếng Anh phía dưới: “Mazolini sinh năm 1870, mất năm 1905, người Florence – Ý, năm 20 tuổi sang Pa-ri – Pháp, sau lại sang London – Anh. Ông chuyên vẽ tranh sơn dầu theo chủ nghĩa cổ điển truyền thống, đề tài tác phẩm chủ yếu là diễn tả địa ngục và tội ác với phong cách rất kì dị và thiên về gam màu tối. Tháng 6 năm 1898, ông lần đầu tiên mở triển lãm tranh ở London, với tên gọi Địa ngục.” 
“Địa ngục? Tức là bức tranh hồi nọ em đã nhìn thấy à?” 
“Có thể coi là thế. Thực ra ở châu u, Mazolini đã vẽ 18 bức tranh kiểu như vậy, đặt tên lần lượt là Tầng Một Địa Ngục, Tầng Hai Địa Ngục… cho đến Tầng Mười Tám Địa Ngục. Bức tranh hồi nọ em nhìn thấy, là bức Tầng Ba Địa Ngục.” 
Xuân Vũ đã nhớ ra: “Bức tranh đó anh vẽ lại ở 1 bảo tàng mỹ chuật châu u?” 
“Đúng. Anh sao lại từ bản gốc của Mazolini. Hồi đó bức tranh ấy đã cho anh 1 ấn tượng rất mạnh.” 
“Anh còn vẽ lại bức tranh nào khác của ông ta không?” 
“Trong tài liệu có thể nhìn thấy vài bức tranh khác, nhưng anh mới chỉ sao chép lại có 1 bức đó.” Cao Huyền khẽ thở dài. “18 bức tranh về địa ngục của Mazolini đã từng gây chấn động khắp châu u, dấy lên 1 làn sóng trở về với phong cách cổ điển. Tiếc rằng phần lớn các tác phẩm ấy đã bị các cá nhân mua với giá cao, hiện nay hiếm khi được nhìn thấy. Hình như bức tranh anh đã chép lại ở châu u, là bức tranh duy nhất nằm trong viện bảo tàng.” 
“Tại sao lại chỉ có ít như vậy?” 
Cao Huyền nhấp chuột, mở ra 1 trang web khác. Anh nhìn qua, rồi nói: “Nghe nói, hồi đại chiến thế giới thứ 2, tên đầu sỏ quốc xã Đức là Gơ-rinh đã chiếm đoạt rất nhiều tác phẩm nghệ thuật châu u, trong đó có nhiều tranh của Mazolini. Gơ-rinh đã cất giấu 1 phần trong 1 lâu đài ở Đức, lâu đài này nằm lọt giữa vùng quân đội Đức đóng quân. Tháng 1 năm 1945, quân đồng minh tấn công dữ dội, tòa lâu đài ấy trở thành đống đổ nát, các bức tranh mà Gơ-rinh giấu trong đó đã bị thiêu trụi.” 
“Đúng là do ý trời, 18 bức tranh sơn dầu vẽ địa ngục đã bị hỏa táng để trở về địa ngục.” 
Cao Huyền tiếp tục xem trang web, khẽ đọc: “Tuy Mazolini đã thành công ở châu u nhưng giới phê bình vẫn e dè khi đánh giá về tác phẩm của ông. Nghe nói có người mua tranh của ông, ít lâu sau bỗng tự sát 1 cách kỳ lạ. Có người sau khi xem triển lãm tranh của ông đã nhảy xuống sông Thames – London tự tử. Thế là cuộc triển lãm phải dừng lại, các tác phẩm cũng bị tẩy chay, Mazolini quyết định rời châu u. Năm 1900 ông sang Thượng Hải – Trung Quốc, và ở lại đó 3 năm, năm 1903 trở về nước.”
“Ông ta đã sang tận Trung Quốc?” 
“Điều này anh cũng không ngờ. Có lẽ nên tra cứu thêm về thời gian ông ta ở Trung Quốc.” Vẻ mặt Cao Huyền vẫn nặng nề, anh tắt máy tính, nói: “Anh sẽ tra cứu vấn đề này, hồ sơ ở phòng tư liệu nghệ thuật của khoa Mỹ thuật có lẽ có ghi chép về thời kỳ đó.” 
Ngoài kia sắc trời đã hơi sẫm, Xuân Vũ trở lại vẻ bẽn lẽn: “Xin lỗi, em đã làm phiền anh.” 
“Không. Em đã cho anh biết những thông tin rất hệ trọng. Ít ra là anh đã có thêm những manh mối…” Cao Huyền mỉm cười. “Em định về à? Cần gì, em cứ đến gặp anh, anh sẽ hỗ trợ.” 
Xuân Vũ từ chối anh ra tiễn, cô rời khỏi tòa nhà khoa Mỹ thuật, trở về ký túc xá trước khi trời tối. 
[phần 4]