Lựa Chọn Của Trái Tim - Chương 03

“Tôi là một trợ tá bác sĩ. Tôi mất hai năm rưỡi ở trường Phụ tá bác sĩ và một năm đi thực tập. Tôi biết khi nào người ta mang thai.”

“Với con người, tôi chắc chắn cô biết. Nhưng với chó lại khác.”

“Sao anh biết được?”

“Tôi có nhiều kinh nghiệm với chó. Thực ra, tôi...”

Vâng, tôi cuộc là vậy, cô nghĩ, ngắt lời bằng cái vẫy tay. “Nó di chuyển chậm chạp hơn, ti nó sưng phồng, và nó hành động rất lạ. Vậy có thể là gì vậy?” Nói thật, tất cả những người đàn ông cô từng gặp đều tin rằng nếu có một con chó ngay từ khi còn nhỏ, anh ta sẽ trở thành chuyên gia về tất cả những điều liên quan đến chó.

“Nhỡ nó bị nhiễm trùng thì sao? Nhiễm trùng cũng khiến bị sưng. Và nếu nhiễm trùng nặng, nó sẽ còn bị đau nữa, điều này có thể lý giải cách hành động của nó.”

Gabby mở mồm định nói, rồi thôi khi nhận ra mình chưa nghĩ đến cho đó. Nhiễm trùng có thể khiến ti nó sưng lên - chứng viêm vú hay đại loại thế - và trong chốc lát, cô cảm thấy niềm khuây khỏa tràn ngập khắp trong lòng. Tuy nhiên, khi cô cân nhắc vấn đề xa hơn, sự thật bỗng đâm sầm trở lại. Không phải chỉ một hay ai cái ti, sự thật bỗng đâm sầm trở lại. Không phải chỉ một hay hai cái ti, mà là tất cả. Cô xoắn tờ giấy ăn, mong anh ta thật sự lắng nghe.

“Nó đang có thai, và nó sắp có chó con. Và anh sẽ giúp tôi tìm nhà cho chúng, vì tôi sẽ không mang chúng đến trại thú hoang.”

“Tôi chắc chắn không phải Moby.”

“Tôi biết anh sẽ nói vậy mà.”

“Nhưng cô phải biết rằng...”

Cô lắc đầu điên tiết. Thật là điển hình. Mang thai luôn là vấn đề của riêng phụ nữ. Cô đứng dậy khỏi ghế mình. “Anh sẽ phải chịu trách nhiệm. Và tôi hy vọng anh hiểu không để tìm được nhà cho chúng đâu.”

“Nhưng...”

“Chuyện quái gì vậy?” Stephanie hỏi.

Gabby đã biến mất sau hàng rào; một vài giây sau, anh thấy cô bước vào nhà qua cánh cửa kính trượt. Anh vẫn đang ngồi ở chỗ cái bàn, cảm thấy hơi váng vất, thì trông thấy em gái mình đang đi tới.

“Em ở đây bao lâu rồi?”

“Cũng đủ lâu,” cô nói. Cô trông thấy thùng lạnh gần cửa và lôi ra một chai bia. “Đã có lúc ở đó, em nghĩ cô ấy chuẩn bị đấm anh. Rồi em nghĩ cô ấy sắp khóc. Và rồi cô ấy lại có vẻ muốn đấm anh.”

“Đúng là như thế,” anh thừa nhận. Anh bóp bóp trán, vẫn cố hiểu vụ cãi lộn vừa xong.

“Vẫn chuyện mấy cô bạn gái quyến rũ, em hiểu.”

“Cô ấy không phải bạn gái anh. Cô ấy là hàng xóm.”

“Thế còn khá hơn.” Stephanie ngồi xuống. “Anh chị hẹn hò được bao lâu rồi?”

“Không. Thật ra, đây là lần đầu tiên anh gặp cô ấy.”

“Thật ấn tượng,” Stephanie nhận xét. “Em không biết anh có khả năng đó đấy.”

“Gì hả?”

“Anh biết rồi còn hỏi - làm cho ai đó ghét anh nhanh đến thế. Đó là năng khiếu hiếm thấy đấy. Thường thì trước hết anh phải hiểu rõ người ta đã.”

“Hài hước ghê.”

“Em đã nghĩ như vậy. Và Moby...” Cô quay về phía con chó và nhấc một ngón tay quở trách. “Mày phải biết rõ hơn chứ.”

Moby ngọ nguậy đuôi trước khi đứng dậy. Nó đi về phía Stephanie, rúc đầu vào lòng cô. Cô ẩn đầu nó ra, điều này chỉ khiến Moby dũi mạnh hơn.

“Ra kia ngay, đồ chó săn già.”

“Đó không phải lỗi của Moby.”

“Là điều anh nói. Không phải điều cô ấy muốn nghe, hẳn nhiên rồi. Có chuyện gì với cô ấy vậy?”

“Cô ấy rất bối rối.”

“Em có thể thấy. Mất một lúc em mới đoán nổi cô ấy đang nói về chuyện gì. Nhưng em phải nói việc này thật hay ho.”

“Lễ độ một chút đi.”

“Em lễ độ mà.” Stephanie ngả người ra sau, đánh giá anh trai mình. “Cô ấy dễ thượng đó chứ, anh không nghĩ vậy sao?”

“Anh không để ý.”

“Vâng, chắc chắn anh không để ý rồi. Em sẵn sàng đánh cược đó là điều đầu tiên anh để ý. Em thấy cách anh liếc cô ấy.”

“Ôi trời. Tối hôm nay cô có tâm trạng nhỉ.”

“Hẳn thế rồi. Cái môn em vừa thi là môn giết người đấy.”

“Nghĩa là sao? Em nghĩ mình trả lời sai một câu à?”

“Không. Nhưng thực sự em phải suy nghĩ nát óc một số câu.”

“Là cô hẳn phải thú vị lắm.”

“Ôi, đúng thế. Em còn ba môn thi tuần sau nữa.”

“Tội nghiệp em tôi. Cuộc sống của một sinh viên chính quy còn khốn khổ hơn nhiều việc trang trải kiếm sống thực sự.”

“Xem ai đang nói kìa. Anh còn đi học lâu hơn em. Chuyện này làm em nhớ đến việc... anh nghĩ bố mẹ thấy sao nếu em bảo muốn ở lại thêm vài năm để lấy bằng tiến sĩ?”

Tại nhà Gabby, đèn bếp bật sáng. Bị sao nhãng, anh mất một lúc mới trả lời được.

“Chắc chắn bố mẹ sẽ tán thành thôi. Em biết bố mẹ mà.”

“Em biết. Nhưng dạo gần đây em có cảm giác bố mẹ muốn em gặp gỡ ai đó và ổn định.”

“Nhập hội đi. Anh đã có cảm giác đó nhiều năm nay rồi.”

“Vâng, nhưng với em thì khác. Em là phụ nữ. Đồng hồ sinh học của em đang tích tắc.”

Đèn bếp nhà kế bên phụt tắt; một vài giây sau, phòng ngủ sáng đèn. Anh vu vơ tự hỏi có phải Gabby đang sắp sửa đi ngủ không.

“Anh phải nhớ mẹ lấy chồng năm hai mươi mốt,” Stephanie tiếp tục. “Hai mươi ba tuổi, mẹ đã sinh anh.” Cô chờ đợi một lời đáp lại nhưng không có. “Nhưng rồi một lần nữa, xem anh trở nên tốt đẹp nhường nào này. Xem ra em nên dùng nó làm lý lẽ cho mình.”

Lời cô nói ngấm vào một cách từ từ, và anh nhăn mày khi cuối cùng để ý đến chúng.

“Đây là một lời lăng mạ hả?”

“Em thử thôi,” cô nói với nụ cười đắc thắng. “Chỉ để kiểm tra xem anh đang chú ý đến em hay đang nghĩ tới người bạn mới của mình ở bên kia.”

“Cô ấy không phải bạn,” anh nói. Anh biết giọng anh nghe có vẻ bao biện, nhưng anh không thể làm khác được.

“Không phải bây giờ,” em gái anh nói. “Nhưng em có cảm giác khôi hài là cô ấy sẽ thành bạn anh thôi.”

Chương 2

Gabby không rõ mình cảm thấy thế nào sau khi rời khỏi nhà người hàng xóm, tất cả những gì cô có thể làm sau khi đóng cánh cửa là tựa người vào đó, cố gắng lấy lại thăng bằng.

Lẽ ra mình không nên sang đó, cô nghĩ. Rõ ràng chả có tác dụng gì. Anh ta không những không xin lỗi, anh ta còn đi xa hơn tới mức phủ nhận chuyện con chó của mình phải chịu trách nhiệm. Ấy vậy mà, khi cuối cùng rời cánh cửa, cô thấy mình đang mỉm cười. Ít nhất cô đã làm điều đó. Cô đã đứng lên vì bản thân mình và nói với anh ta chính xác chuyện sẽ thế nào. Cần có can đảm mới làm được như vậy, cô tự nhủ. Bình thường cô không giỏi nói lên suy nghĩ của mình. Không phải với Kevin về sự thật rằng những kế hoạch của anh cho tương lai giữa họ dường như chỉ có hạn đến cuối tuần sau. Hoặc với bác sĩ Melon rằng cô cảm thấy thế nào khi gã cứ chạm vào cô. Thậm chí với mẹ cô cũng không, dường như lúc nào bà cũng có ý kiến về việc làm sao để Gabby có thể cải thiện bản thân.

Cô thôi cười khi bắt gặp Molly đang nằm ngủ trong góc nhà. Một cái liếc vội cũng đủ nhắc nhở cô kết quả cuối cùng chẳng thay đổi gì và có lẽ, chỉ có lẽ thôi, cô đã có thể làm tốt hơn khi thuyết phục anh ta rằng giúp đỡ cô là nhiệm vụ của anh ta. Khi mường tượng lại buổi tối, cô cảm thấy một làn sóng sượng sùng. Cô biết mình đã nói huyên thuyên, nhưng sau khi anh ta cứ ngắt lời cô liên tục, cô đã mất tập trung, và rồi tâm trạng thất vọng khiến cô hoàn toàn mất tự chủ trong lời nói. Mẹ cô sẽ được dịp chỉ trích cô thỏa thích với chuyện này đây. Cô yêu me, nhưng mẹ cô là một trong những quý bà không bao giờ đánh mất kiểm soát. Điều này khiến Gabby phát điên; hơn một lần trong suốt những năm còn niên thiếu, cô đã muốn vồ lấy mẹ và lắc bà thật mạnh, chỉ để khơi dậy một phản ứng tự phát. Dĩ nhiên chẳng có tác dụng gì. Mẹ cô chỉ cứ để yên cho Gabby lắc chán thì thôi, rồi bà vuốt tóc cô và góp ý vài lời khiến cô phát khùng như “Nào Gabrielle, giờ khi con đã trút bỏ được chuyện bực bội đó khỏi người, chúng ta có thể thảo luận như những quý bà được chưa?”

Những quý bà. Gabby không chịu nổi cụm từ đó. Mỗi lần mẹ cô nói vậy, cô thường bị quấy rầy bởi một cảm giác mơ hồ về thất bại, cảm giác khiến cô mường tượng mình còn cả quãng đường dài phải đi mà chẳng có bản đồ nào giúp cô tới được đích.

Dĩ nhiên, mẹ cô không thể bỏ cách sống của bà, cũng như Gabby vậy. Mẹ cô là một khuôn mẫu sống của phụ nữ miền Nam, lớn lên trong những chiếc váy diêm dúa và được giới thiệu với giới thượng lưu trong Lễ hội Khiêu vũ Giáng sinh Savannah, một trong những tiệc khiêu vũ sang trọng nhất nước dành cho các tiểu thư lần đầu ra mắt cộng đồng. Bà còn giữ chức thủ quỹ hội Tri Delts(2) tại Đại học Georgia, một truyền thống khá của gia đình, và khi còn đang học đại học, dường như bà đã có quan điểm học thức không sao quan trọng bằng việc lấy được tấm bằng Phu nhân, bà tin đó là lựa chọn nghề nghiệp duy nhất đối với một phụ nữ miền Nam tử tế. Chẳng cần nói cũng biết bà muốn vế “Phu nhân” của phương trình cũng phải tương xứng với họ của gia đình. Mà điều này về cơ bản nghĩa là giàu có.

Lại nói đến bố của cô. Bố cô, một nhà phát triển bất động sản thành đạt, một nhà thầu xây dựng, lớn hơn mẹ cô mười hai tuổi khi họ lấy nhau, và nếu không giàu có như một số người khác, ông chắc chắn cũng là một người sung túc. Mặc dù vậy, Gabby vẫn nhớ mỗi khi xem ảnh cưới bố mẹ chụp cảnh họ đứng bên ngoài nhà thờ, cô lại tự hỏi làm thế nào hai người khác nhau đến vậy lại có thể yêu nhau. Trong khi mẹ cô mê mệt món gà lôi ở câu lạc bộ thể thao ngoài trời, bố lại thích bánh quy và nước xốt ở một nhà hàng địa phương; trong khi mẹ không bao giờ đi ra tới cái hòm thư mà không trang điểm, bố lại hoàn toàn mặc quần jean và đầu tóc lúc nào cũng rối bời. Nhưng họ yêu nhau - về khoản này, Gabby không nghi ngờ gì. Vào buổi sáng, đôi khi cô bắt gặp bố mẹ đang ôm nhau âu yếm, chưa một lần cô nghe thấy họ cãi vã. Họ cũng chưa từng ngủ riêng, không giống như nhiều cặp bố mẹ bạn bè Gabby, những người thường khiến cô nghĩ tới các đối tác kinh doanh hơn là những người yêu nhau. Ngay cả bây giờ, mỗi lần về thăm, cô vẫn thấy bố mẹ tựa đầu vào nhau trên chiếc sofa, và khi bạn cô lấy làm kinh ngạc, cô sẽ chỉ lắc đầu mà thừa nhận rằng dù bất kỳ lý do gì, họ cũng hoàn toàn hòa hợp.

Trước nỗi thất vọng bất tận của mẹ, Gabby, không giống như ba người chị em tóc vàng yêu quý, luôn giống bố hơn. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã thích quần yếm hơn váy, mê leo trèo cây cối, và nghịch ngợm hàng giờ trong đất cát bẩn thỉu. Thỉnh thoảng, cô thơ thẩn theo bố đến công trường, bắt chước những hành động của ông khi kiểm tra vết gắn cửa sổ mới lắp hoặc liếc nhìn những chiếc hộp vừa chuyển đến từ cửa hàng dụng cụ Mitchell. Bố dạy cô cách mắc mồi vào lưỡi câu và câu cá; cô rất thích được ở bên cạnh ông trong chiếc xe tải cũ kỹ, ồn ào với chiếc radio đã hỏng, chiếc xe tải ông không bao giờ buồn đổi cái mới. Sau giờ làm việc, họ chơi bắt bóng chày hoặc tập ném bóng rổ trong khi mẹ cô sẽ từ cửa sổ phòng bếp nhìn ra theo kiểu khiến Gabby biết rằng bà không chỉ không tán thành mà còn không sao hiểu nổi. Thỉnh thoảng các chị em của cô cũng đứng cạnh cô, mồm miệng há hốc.

Mặc dù Gabby muốn kể cho mọi người về tâm hồn tự do khi còn nhỏ, cuối cùng trên thực tế cô lại ủng hộ cách nhìn thế giới của cả bố lẫn mẹ, chủ yếu bởi mẹ cô đúng là một chuyên gia khi cần đến khả năng lôi kéo của những bà mẹ. Lớn lên, Gabby bằng lòng hơn với quan điểm của mẹ mình về quần áo và những hành vi đúng đắn đối với phụ nữ, chỉ đơn thuần để tránh không cảm thấy tội lỗi. Trong tất cả những vũ khí của mẹ cô, tội lỗi có hiệu quả không gì sánh được và mẹ cô luôn luôn biết cách sử dụng nó. Vì một cái nhướng mày chỗ nọ và một lời bình phẩm chỗ kia, Gabby cuối cùng đã phải tham dự các lớp khiêu vũ cổ điển; cô ngoan ngoãn học chơi đàn piano và, cũng giống mẹ cô, được ra mắt chính thức tại Lễ hội Khiêu vũ Giáng sinh Savannah. Nếu mẹ cô thấy tự hào trong buổi tối hôm đó - và đúng là bà đã quá đỗi tự hào, qua nét mặt của bà - thì Gabby lúc đó lại cảm thấy cô cuối cùng đã sẵn sàng tự đưa ra quyết định của riêng mình, một số trong đó cô biết mẹ sẽ không ủng hộ. Chắc chắn rồi, cô muốn một ngày nào đó sẽ lập gia đình và có con giống như mẹ, nhưng bên cạnh đó cô nhận ra cô còn muốn có một sự nghiệp giống như bố. Cụ thể hơn, cô muốn làm một bác sĩ.

Ôi, khi mẹ cô phát hiện ra, bà toàn nói những điều hợp lẽ. Lúc đầu thì thế. Nhưng rồi một cuộc công kích khéo léo về tội lỗi bắt đầu. Khi Gabby xuất sắc đạt điểm cao ở hết môn này đến môn khác tại trường đại học, mẹ cô thỉnh thoảng lại cau mày và bóng gió rằng liệu có thể nào vừa là một bác sĩ toàn thời gian, vừa là một người vợ, người mẹ toàn tâm toàn ý được không.

“Nhưng nếu công việc đối với con quan trọng hơn gia đình,” mẹ cô sẽ nói, “thì chắc chắn rồi, cứ đi làm bác sĩ đi.”

Gabby cố kháng cự lại chiến dịch của mẹ cô, nhưng cuối cùng, thói quen lâu ngày khó bỏ, cô rốt cuộc đã vào trường đào tạo Phụ tá Bác sĩ thay vì trường y. Lý do rất có lý: Cô vẫn được chăm sóc bệnh nhân, nhưng giờ giấc của cô tương đối ổn định và cô sẽ không phải trực - rõ ràng là một lựa chọn thân-thiện-với-gia-đình hơn. Mặc dù vậy, đôi khi chuyện này vẫn làm cô phát cáu vì mẹ cô mới là người gợi cho cô ý tưởng đầu tiên.

Nhưng cô không thể phủ nhận gia đình cũng quan trọng đối với cô. Đó là kết quả của việc là con cái của một cặp cha mẹ chung sống hạnh phúc. Bạn lớn lên với niềm tin rằng những câu chuyện cổ tích là có thật, hơn thế nữa, bạn nghĩ mình có quyền năng biến chúng thành sự thật. Mặc dù đến nay, mọi chuyện vẫn không diễn ra như dự định. Cô và Kevin đã hẹn hò đủ lâu để yêu nhau, vượt qua được những thăng trầm vốn chia cắt đa số những đôi tình nhân khác, và thậm chí đã nói chuyện về tương lai. Cô đã quyết định anh chính là người cô muốn cùng chung sống, và cô cau mày, nghĩ về cuộc tranh cãi gần đây nhất của họ.

Như thể hiểu được nỗi phiền muộn của Gabby, Molly khó nhọc đứng dậy, nặng nề di chuyển đến chỗ Gabby, dũi dũi tay cô. Gabby vuốt ve bộ lông của nó, để đám lông luồn qua kẽ tay mình.

“Không biết có phải là stress không nữa,” Gabby nói, ước gì cuộc sống của cô được như cuộc sống của Molly. Đơn giản, không có những lo âu hay trách nhiệm... à, trừ phần mang thai ra. “Mày trông tao có giống bị stress không?”

Molly không trả lời, mà nó cũng không cần phải trả lời. Gabby biết cô đang bị stress. Cô nhận ra điều đó trên đôi vai mình mỗi lần cô trả các hóa đơn, khi bác sĩ Melton liếc nhìn cô dâm dật, hoặc khi Kevin giả ngốc không biết những gì cô mong đợi khi đồng ý chuyển đến sống gần anh hơn. Thật bế tắc, vì ngoài Kevin ra, cô thực sự không có người bạn nào ở đây. Cô hầu như không giao du với ai bên ngoài phòng khám, và sự thật là, tay hàng xóm đó là người đầu tiên cô nói chuyện cùng kể từ khi chuyển tới đây. Nghĩ lại, cô cho rằng mình đã có thể hòa nhã hơn trong toàn bộ chuyện này. Cô thấy hối hận cắn rứt vì đã mắng xơi xơi như vậy, đặc biệt khi anh ta có vẻ là một anh chàng thân thiện. Lúc giúp cô đứng dậy, anh ta xem ra gần giống như một người bạn. Và khi bắt đầu lảm nhảm, anh ta không một lần ngắt lời cô, điều này cũng làm cô cảm thấy dễ chịu.

Giờ khi nghĩ lại, điều đó thật đáng chú ý. Nhất là xét đến chuyện cô đã nói những điều điên khùng đến thế mà anh ta không hề khó chịu hay to tiếng trả đũa lại cô - nếu là Kevin thì hẳn đã làm thế rồi. Chỉ nghĩ đến cái cung cách lịch thiệp khi anh ta giúp cô đứng dậy đã khiến máu dồn lên hai má cô. Và rồi còn khoảnh khắc khi anh ta đưa cho cô tờ giấy ăn, cô đã bắt gặp anh ta nhìn cô chăm chú, cái nhìn mách bảo rằng anh cũng thấy cô hấp dẫn. Đã lâu lắm rồi chuyện như thế này mới lại xảy ra, và mặc dù cô không muốn thừa nhận, nó vẫn khiến cô cảm thấy khá hơn về bản thân mình. Cô đã bỏ lỡ điều đó. Thật đáng ngạc nhiên với những gì mà cuộc đối đầu chân thật nho nhỏ có thể mang lại cho một tâm hồn.

Cô bước vào phòng ngủ, xỏ lên người chiếc quần cotton thoải mái và cái áo mềm đã sờn của cô từ hồi còn là sinh viên năm nhất. Molly lê bước sau cô, và khi Gabby nhận ra nó muốn gì, cô đi về phsia cửa.

“Mày sẵn sàng ra ngoài chưa?” cô hỏi.

Đuôi Molly bắt đầu ve vẩy khi nó đi ra cửa. Gabby quan sát nó thật kỹ. Trông nó vẫn có vẻ như đang mang thai, nhưng có lẽ người hàng xóm của cô có lý. Để chắc chắn, cô nên đưa nó tới bác sĩ thú y. Bên cạnh đó, cô cũng không biết phải chăm sóc một con chó mang thai như thế nào. Cô tự hỏi liệu Molly có cần thêm vitamin không, điều này lại nhắc nhở cô rằng cô vẫn chưa thực hiện được quyết tâm sống một cuộc sống lành mạnh hơn là chính mình. Ăn uống khoa học hơn, tập thể dục, ngủ điều độ, giãn gân cốt: Cô đã lên kế hoạch sẽ bắt đầu ngay khi cô dọn vào căn nhà này. Một quyết tâm kiểu thường gặp khi người ta chuyển đến nhà mới, nhưng nó chưa thực sự được thực hiện. Ngày mai, nhất định cô sẽ chạy bộ, rồi ăn xa lát cho bữa trưa và xa lát tiếp cho bữa tối. Và bởi cô đã sẵn sàng bắt đầu một vài thay đổi nghiêm túc trong cuộc đời, có lẽ cô sẽ hỏi thẳng Kevin về kế hoạch của anh cho tương lai cả hai.

Rồi cô nghĩ lại, có thể đây không phải là một ý hay. Đương đầu với anh chàng hàng xóm là một chuyện; nhưng liệu cô đã sẵn sàng chấp nhận hậu quả nếu câu trả lời của Kevin không khiến cô hài lòng? Sẽ thế nào nếu anh chả có kế hoạch gì? Chẳng lẽ cô lại thực sự muốn bỏ công việc đầu tiên sau vài tháng? Bán nhà? Dọn đi? Cô quyết tâm được đến đâu chứ?

Cô không chắc bất kỳ điều gì, trừ sự thật cô không muốn mất anh. Nhưng cố gắng để khỏe mạnh hơn - điều đó thì giờ cô nhất định sẽ làm. Từng bước một, phải không? Cô đã quyết, và rồi cô bước ra hiên sau, nhìn Molly đi xuống bậc cầu thang và tiến về cuối mảnh sân. Không khí vẫn còn ấm, nhưng đã thoáng có một làn gió nhẹ. Những ngôi sao giăng ngang bầu trời thành những hình ngẫu hứng, phức tạp mà ngoại trừ chòm Bắc Đẩu, cô chưa bao giờ có thể phân biệt được, và cô quyết tâm ngày mai sẽ mua một cuốn sách về thiên văn học, ngay sau bữa trưa. Cô sẽ dành ra vài ngày tìm hiểu những điều cơ bản, rồi mời Kevin đến tận hưởng một đêm lãng mạn trên bãi biển, cô sẽ chỉ lên bầu trời và thật tự nhiên đề cập gì đó ấn tượng liên quan đến thiên văn học. Cô nhắm mắt lại, tưởng tượng ra cảnh đó, và đứng thẳng người hơn. Ngày mai, cô sẽ bắt đầu trở thành một người mới. Một người tốt hơn. Và cô cũng sẽ tìm ra phải làm gì với Molly. Ngay cả phải cầu xin, cô cũng sẽ tìm được nhà cho từng con cún.

Nhưng trước hết, cô phải mang nó đến bác sĩ thú y đã.

Chương 3

Hôm đó trở thành một trong những ngày Gabby tự hỏi tại sao cô lại quyết định làm việc tại một phòng khám nhi. Xét cho cùng, cô đã có cơ hội làm việc tại khoa tim mạch trong bệnh viện, đó đã là kế hoạch của cô trong suốt thời gian theo học trường đào tạo Phụ tá Bác sĩ. Cô tha thiết được tham gia hỗ trợ trong những ca phẫu thuật đầy thử thách, công việc đó xem ra hoàn toàn thích hợp, cho đến kỳ thực tập cuối cùng, khi cô tình cờ làm việc với một bác sĩ nhi, người đã nhồi vào đầu cô những tư tưởng về tính cao thượng và niềm hạnh phúc của công việc chăm sóc trẻ. Bác sĩ Bender, một bác sĩ từng trải với mái tóc hoa râm và nụ cười không bao giờ tắt, người đúng là biết rõ hầu hết những đứa trẻ ở Sumter, Nam Carolina, đã thuyết phục cô rằng dù khoa tim có thể trả lương cao hơn và xem ra hấp dẫn hơn, nhưng không gì thỏa mãn bằng việc bế những đứa trẻ sơ sinh và quan sát chúng phát triển trong những năm hệ trọng đầu đời. Thường thì cô chỉ gật đầu cho phải phép, nhưng vào những ngày cuối cùng, ông đã buộc cô đưa ra quyết định bằng cách đặ tôi vào tay cô một đứa bé. Khi đứa bé ọ ẹ thì giọng bác sĩ Bender bồng bềnh bên tai cô: “Ở khoa tim mạch, mọi thứ đều khẩn cấp, bệnh nhân của cô dường như lúc nào cũng ốm dần ốm mòn, dù cô có làm gì chăng nữa. Sau một thời gian, công việc ở đó hẳn sẽ vắt kiệt sức của cô. Cô cũng sẽ sớm kiệt quệ nếu không cẩn thận. Nhưng săn sóc một thằng cu thế này...” Ông ngừng lại, ra hiệu về phía đứa bé. “Đây là công việc cao quý nhất trên đời”.

Dù có một lời mời làm việc ở khoa tim mạch trong bệnh viện thành phố quê nhà, cô đã nhận làm việc cùng với bác sĩ Furman và bác sĩ Melton tại Beaufort, NamCarolina này. Bác sĩ Furman chỗ cô là một ông già đãng trí, còn bác sĩ Melton là một tay ve vãn, nhưng đây là cơ hội để sống gần Kevin hơn. Và ở mức độ nào đó, cô tin có lẽ bác sĩ Bender đúng. Ông đã đúng về những đứa bé sơ sinh. Phần lớn, cô rất thích được làm việc với chúng, ngay cả khi cô phải tiêm cho chúng và những tiếng hét khiến cô nhăn mặt. Những đứa bé đang tập đi cũng thú vị. Hầu hết đều có những tính cách đáng yêu, và cô rất thích quan sát mỗi khi chúng ôm chăn hay con gấu bông, chăm chú nhìn cô với vẻ mặt thánh thiện. Các bậc phụ huynh mới là những người khiến cô phát điên. Bác sĩ Bender đã quên đề cập đến một điểm then chốt: Trong khoa tim mạch, bạn làm việc với một bệnh nhân tới phòng khám bởi vì anh ta hoặc cô ta muốn hoặc cần như vậy; ở khoa nhi, bạn làm việc với một bệnh nhân dưới quyền chăm sóc của các bậc phụ huynh kích động, biết tuốt. Eva Bronson là một ví dụ cho điểm này.