Bản sonata Kreutzer - Chương 15 - 17
XV
TRONG SUỐT THỜI GIAN chung sống với vợ, không lúc nào tôi không bị những cơn ghen tuông giày vò. Nhưng có những thời kỳ tôi đặc biệt khổ sở vì chúng. Một trong những thời kỳ đó là lúc sau khi vợ tôi sinh đứa con đầu lòng và bác sĩ cấm nàng cho con bú. Tôi đặc biệt ghen tuông khi đó. Thứ nhất là bởi vì vợ tôi luôn mang tâm trạng lo lắng vốn thường thấy ở những người mẹ trẻ, tâm trạng đó dẫn đến những sự rối loạn vô cớ trong cuộc sống thường nhật; thứ hai: khi nhìn thấy vợ tôi từ bỏ một cách dễ dàng trách nhiệm đạo đức của người mẹ, tôi đã kết luận, dù chỉ một cách vô ý thức thôi, rằng rồi nàng cũng sẽ có thể từ bỏ một cách dễ dàng như thế trách nhiệm đạo đức của người vợ. Hơn nữa, nàng thực ra vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và mặc dù các bác sĩ đã cấm đoán, nàng vẫn có thể nuôi những đứa con sau bằng sữa mẹ một cách tuyệt vời.
- Ngài hình như không thích các bác sĩ lắm? - Tôi nói, vì để ý rằng lần nào nói đến các bác sĩ, giọng anh ta cũng đầy vẻ giận dữ.
- Đây không phải là chuyện thích hay không thích. Bọn người đó đã hủy hoại cuộc đời tôi, cũng như đã từng hủy hoại cuộc đời của hàng ngàn, hàng trăm ngàn người khác, và tôi không thể không kết nối những hậu quả với nguyên nhân được. Tôi biết họ, cũng giống như bọn luật sư hay những người khác, chỉ cần kiếm tiền. Tôi sẵn lòng đưa cho bọn bác sĩ đó cả nửa tài sản, và bất cứ người nào trong các ngài cũng sẽ sẵn lòng làm thế nếu biết được cái bọn họ đã gây nên là gì, để sao cho bọn họ đừng có xen vào cuộc sống gia đình mình, để sao cho bọn họ đừng bao giờ bén mảng đến gần nhà mình. Tôi không làm chuyện thu thập chứng cứ, song tôi biết hàng chục trường hợp, trong số vô vàn trường hợp giống thế: khi thì họ giết chết đứa bé còn trong bụng mẹ vì đoan chắc rằng bà mẹ không thể sinh bé được, trong khi sau đó bà ta vẫn sinh được bình thường; khi thì họ giết chết bà mẹ bằng những cuộc mổ xẻ, phẫu thuật gì đó. Không ai xem đó là giết người, cũng như không ai cho pháp đình giáo hội ngày xưa cũng là tội ác giết người, bởi nghĩ rằng những điều đó phục vụ cho hạnh phúc nhân loại. Không thể kể xiết những tội ác mà họ đã gây nên. Nhưng tất cả những tội ác đó cũng không sánh nổi với chuyện họ làm suy đồi đạo đức bằng việc thổi cái chủ nghĩa duy vật của họ vào thế giới này thông qua phương tiện phụ nữ. Nếu như ngài chỉ nghe theo chỉ dẫn của họ thôi thì nhìn đâu cũng thấy đầy rẫy vi trùng gây bệnh tật đang chờ đợi ngài, và điều này khiến cho con người thay vì cần phải đoàn kết lại trở nên xa lánh nhau; theo lý thuyết của họ thì mọi người đều phải sống riêng rẽ và không rời miệng khỏi cái ống bơm acid carbolic (rồi sau này họ sẽ lại đổi ý và chứng minh cái chất này chẳng có ích lợi gì đâu). Nhưng điều này cũng còn chưa sao. Cái độc hại chủ yếu của họ là ở việc làm hư hỏng con người, đặc biệt là làm hư hỏng phụ nữ.
Bây giờ không thể nào nói: “Anh sống tệ lắm, cần phải sống tốt hơn lên”. Không thể nói như thế với cả chính mình lẫn người khác. Nếu như anh sống tồi tệ ư, nguyên do sẽ là bởi thần kinh anh có sự không bình thường. Cần phải đến bác sĩ, họ sẽ ghi toa thuốc với ba mươi lăm cô pếch cho anh uống. Nếu không đỡ thì lại thêm thuốc nữa, lại đến bác sĩ nữa. Thật là tuyệt vời!
Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Tôi mới nói rằng vợ tôi vẫn tự mình nuôi con bằng sữa mẹ. Chính cái việc mang thai và nuôi con đó đã cứu tôi thoát khỏi những cơn ghen tuông. Nếu không có nó thì tai họa kia đã xảy ra sớm hơn nhiều. Những đứa con đã cứu tôi và nàng. Trong tám năm nàng sinh hạ được năm đứa con. Cả năm đứa nàng đều tự nuôi dưỡng.
- Các con ngài bây giờ sống ở đâu? - Tôi hỏi.
- Các con tôi ư? - Anh ta hỏi lại với vẻ hoảng sợ.
- Xin lỗi ngài, có lẽ tôi đã làm ngài buồn khổ vì nhắc đến chuyện đó chăng?
- Không, không sao đâu. Chị vợ tôi và em trai bà ấy đã đón lũ con tôi về nuôi. Họ không cho tôi nuôi con. Tôi đã cho họ tất cả tài sản, thế nhưng họ vẫn không chịu giao con cho tôi. Vì tôi bị coi như kẻ bệnh tâm thần mà. Tôi vừa ở chỗ con tôi về. Tôi đến thăm chúng, nhưng họ không giao chúng cho tôi đâu, vì sợ tôi sẽ giáo dục chúng thành những kẻ giống như bố mẹ chúng. Thế thì chúng phải thành những người như thế nào cơ chứ? Nhưng biết làm sao được. Họ không cho tôi nhận con và không tin tôi, cũng dễ hiểu thôi. Chính tôi cũng chẳng biết mình có đủ sức để giáo dục các con nên người không. Có lẽ là không. Tôi là kẻ bỏ đi, là phế nhân rồi. Tuy nhiên tôi còn có được một cái. Đó là sự thật, tôi đã biết được điều mà những người khác còn lâu mới có thể biết được.
Vâng, lũ trẻ còn sống và sẽ lớn lên thành những kẻ mọi rợ giống những người xung quanh chúng. Tôi đã đến thăm chúng ba lần rồi. Tôi không thể làm gì cho chúng được cả. Không làm được gì cả. Còn bây giờ tôi đi về miền Nam. Tôi có căn nhà và mảnh vườn nhỏ ở đó.
Vâng, còn lâu người ta mới biết được cái điều mà tôi đã biết. Người ta có thể sẽ sớm biết được trên mặt trời và các vì tinh tú có bao nhiêu sắt và kim loại, nhưng nhìn ra được sự vô đạo trong cuộc sống của chúng ta thì còn khó lắm, khó kinh khủng...
Chỉ cần ngài chịu khó ngồi nghe tôi thế này, tôi đã mang ơn ngài nhiều lắm.
XVI
- NGÀI VỪA NHẮC ĐẾN CON CÁI. Cũng có cả một sự lừa dối đáng sợ về con cái. Con cái là phước lành Chúa ban cho, là niềm hạnh phúc ư - toàn là những lời nói dối hết. Con cái - đó là sự khổ đau và ngoài ra chẳng có gì hơn. Đa phần các bà mẹ vẫn thường cảm thấy điều đó và đôi khi cũng đã buột ra mồm điều đó. Thử hỏi phần lớn các bà mẹ của giới thượng lưu chúng ta, những người luôn sống trong no đủ, mà xem, họ sẽ nói do lo sợ ốm đau hay chết mà họ không muốn có con, hoặc không muốn nuôi nếu đã lỡ sinh ra chúng, để khỏi bị ràng buộc và đau khổ. Niềm vui sướng mà đứa con mang lại - đôi tay, đôi chân xinh xắn, thân mình mũm mĩm và tất cả những cái đáng yêu của nó - ít hơn rất nhiều so với những khổ đau mà họ phải chịu đựng: chưa nói đến chuyện con bệnh tật hay bị chết, mà chỉ nỗi lo sợ những điều đó xảy ra thôi cũng đã rất nhiều rồi. Khi đem cân đo giữa cái lợi và không lợi của việc có con thì hóa ra cái không lợi nhiều hơn, và vì vậy họ không muốn có con. Họ mạnh dạn nói thẳng ra như vậy, nghĩ rằng những cảm xúc đó trong họ là xuất phát từ tình yêu đối với những đứa con, rằng đó là những cảm xúc đáng ngợi khen và khiến họ tự hào. Họ không nhận ra rằng chính với cách suy nghĩ đó họ đã phủ nhận tình yêu, và chỉ khẳng định lòng ích kỷ nơi họ mà thôi. Đối với họ niềm vui từ vẻ xinh đẹp của đứa con ít ỏi hơn nhiều so với nỗi đau khổ vì lo sợ cho nó, bởi vậy mà không nên có đứa con mà họ sẽ rất yêu thương đó. Họ hy sinh không phải bản thân mình cho sinh thể đáng được yêu thương, mà hy sinh cái sinh thể đáng được yêu thương còn chưa kịp ra đời đó cho bản thân mình.
Rõ ràng đó không phải tình yêu, mà là lòng ích kỷ. Nhưng không ai muốn trách cứ lòng ích kỷ của họ, những bà mẹ của những gia đình no đủ đó cả, nếu nhớ đến những nỗi đau khổ vì con cái, cũng lại nhờ có các bác sĩ yêu quý của ta mà họ mới phải chịu đựng. Bây giờ cứ nhớ lại tình cảnh của vợ tôi thời kỳ đầu, khi chúng tôi có ba, bốn đứa con và nàng bị rút toàn bộ sức lực vào chúng như thế nào, tôi lại thấy kinh khiếp. Cuộc sống của chúng tôi lúc đó thật tệ hại. Cứ liên tiếp bị đe dọa bởi các mối nguy hiểm, vừa cố gắng thoát khỏi cái này thì cái khác lại đến - lúc nào cũng trong trạng thái của kẻ ngồi trên con tàu đang sắp đắm. Đôi khi tôi có cảm giác rằng đó là nàng cố ý làm ra vậy, giả vờ lo lắng vì lũ trẻ để chống lại tôi, và mọi vấn đề giữa chúng tôi sẽ được giải quyết một các êm thấm có lợi cho nàng. Tôi có cảm giác, rằng tất cả những gì nàng làm và nói trong những trường hợp như vậy đều là cố ý. Nhưng không, chính nàng thường xuyên khổ sở vô cùng vì lũ trẻ, vì sức khỏe và bệnh tật của chúng. Nỗi khổ sở đó của nàng, tôi cũng từng phải trải qua. Và nàng không thể không khổ sở được. Mê mải với lũ con, nhu cầu được nuôi nấng, âu yếm, che chở cho chúng là bản năng tự nhiên của phần lớn các phụ nữ cũng như của các loài cầm thú. Chỉ có điều cầm thú không có óc tưởng tượng và lý trí như con người. Con gà mẹ không biết sợ những điều có thể xảy đến với lũ gà con, nó không biết những bệnh tật mà lũ con có thể mắc phải, không biết đến những phương cách mà loài người tưởng là có thể dùng để cứu con khỏi bệnh tật và cái chết. Và con cái đối với con gà không phải là nỗi khổ. Nó làm cho con những việc vốn thuộc bản tính của nó và nó vui sướng; con cái đối với nó là niềm vui. Còn khi gà con bị ốm, mối quan tâm của gà mẹ rất rõ ràng: nó sưởi ấm và cho con ăn. Nó làm những điều đó và biết đó là tất cả những gì cần phải làm. Con gà nhỏ tắt thở, gà mẹ không tự hỏi vì sao con nó chết và hồn con nó sẽ đi về đâu. Nó “cục cục” một hồi, rồi sau đó tiếp tục sống như cũ. Nhưng đối với những phụ nữ bất hạnh của chúng ta và đối với vợ tôi thì mọi chuyện không đơn giản như thế. Không chỉ về bệnh tật và cách chữa trị, mà bao thứ khác như làm thế nào để nuôi dạy, chăm sóc con cái, họ được bảo ban, răn dạy với vô số các công thức đủ loại đủ hình trạng và luôn luôn thay đổi. Phải cho ăn như thế này, với các thức này - không, không phải như thế, không phải các thức đó, mà phải thế này cơ; rồi mặc, rồi uống, rồi tắm, rồi ngủ, rồi đi chơi, rồi không khí - tất cả những thứ đó với chúng ta, nhất là các bà mẹ, mỗi tuần lại có thêm những cách thức mới. Còn không cho ăn như thế, không tắm như thế, không đúng lúc đó, nếu em bé ngã bệnh thì mọi lỗi lầm đều do bà mẹ vì đã không làm đúng như cần phải làm.
Đấy là lúc khỏe mạnh còn khổ như thế. Còn đến lúc con ốm thì hết chỗ nói. Lúc đó đúng là ở trong địa ngục. Giả sử bệnh có thể chữa được, nghĩa là có cái khoa học nào đó, có những người nào đó là các bác sĩ, họ biết cách chữa chạy. Không phải tất cả mọi người, mà chỉ những người giỏi nhất, mới biết cách chữa. Thế là khi đứa trẻ bị bệnh, phải tìm bằng được cái người giỏi nhất biết chữa bệnh ấy thì trẻ mới có thể được cứu sống; còn nếu không mời được ông bác sĩ đó, hoặc là anh không sống gần nơi ông bác sĩ ở, thì trẻ sẽ chết. Đó là điều mê tín không phải của riêng vợ tôi, mà là của tất cả phụ nữ trong giới của nàng. Bốn phương tứ phía nàng chỉ nghe thấy những lời kiểu như: hai đứa con bà Ekaterina Semenovna chết chỉ vì không kịp mời Ivan Zakharych, còn ở nhà bà Maria Ivanovna ngài Ivan Zakharych đã cứu sống bé gái đầu lòng; nhà Petrov nghe lời bác sĩ chuyển sang khách sạn ở và cách ly đúng lúc nên lũ trẻ còn sống, chứ nếu không chuyển đi thì lũ trẻ chết mất rồi; còn bà kia có con bệnh tật, theo lời khuyên của bác sĩ đi về miền Nam nên cũng đã cứu được đứa bé. Làm sao mà không lo lắng, khổ sở cả đời được, khi mà sự sống của những đứa con mà nàng gắn bó theo bản năng lại phụ thuộc vào việc nàng phải kịp thời biết được Ivan Zakharych bảo cần làm gì. Mà Ivan Zakharych bảo làm gì thì không ai biết, bản thân ông ta lại càng không biết hơn, vì ông ta thừa hiểu rằng ông ta chẳng biết làm gì và không thể giúp gì cho ai cả, chỉ biết ngoắt ngoéo trong mọi sự cố, cốt sao cho người ta đừng mất lòng tin rằng ông ta biết làm gì đó thôi. Nếu như vợ tôi hoàn toàn chỉ là con vật thôi thì nàng đã chẳng phải khổ sở như thế; còn nếu như nàng hoàn toàn là con người, hẳn nàng đã có lòng tin vào Chúa và sẽ nói, sẽ nghĩ như những bà nông dân sùng đạo: “Chúa cho rồi Chúa lấy đi, Chúa gọi ai thì người đó phải thưa”. Nàng sẽ nghĩ rằng sự sống và cái chết của mọi người cũng như của các con nàng nằm ngoài ý con người, mà chỉ thuộc về quyền năng của Chúa, và như thế nàng sẽ không còn đau khổ vì đã không ngăn chặn được bệnh tật và cái chết của con, nàng không có lỗi trong chuyện đó. Thế mà tình trạng của nàng lại là: nàng sinh ra những sinh linh yếu ớt, mong manh nhất nhưng lại phải chịu nhiều tai họa nhất. Nàng cảm thấy sự gắn bó thiết tha với chúng bằng bản năng của cầm thú. Ngoài ra, những sinh linh đó lại được phó thác cho nàng, đồng thời những phương tiện bảo vệ chúng khỏi bị nguy hại trong khi đối với nàng là bí ẩn, thì những người hoàn toàn xa lạ lại rất tỏ tường, phải trả thật nhiều tiền mới nhận được sự phục vụ và lời khuyên của họ, nhưng không phải lúc nào cũng nhận được.
Cuộc sống có lũ trẻ đối với vợ tôi không phải là niềm vui sướng mà là nỗi thống khổ, với tôi vì thế cũng chỉ thấy toàn nỗi khổ thay cho niềm vui. Làm sao mà không khổ sở được. Nàng buồn khổ, thường xuyên buồn khổ. Thường thì, cứ vừa bình tĩnh sau một cơn ghen tuông hay một trận cãi cọ, vừa tính chuyện sống cho tử tế hơn, vừa tính làm một chuyện gì đó, thì bỗng nhiên thằng Vasya lại nôn ói, hay con Masha ngã chảy máu, hay thằng Andryusha bị nổi ban thế là lại rối loạn cả lên. Phải chạy tới đâu đó, mời bác sĩ nào đây, đưa thằng bé hay con bé vào phòng nào để cách ly đây? Và lại bắt đầu nào tiêm, nào cặp nhiệt độ, nào thuốc nước, nào bác sĩ. Rồi họa này chưa hết thì họa khác lại đã kéo đến. Chẳng thể nào có được một cuộc sống tử tế, bình ổn. Như tôi đã nói đấy, lúc nào cũng là cuộc chiến đấu chống lại những hiểm họa cả có thực lẫn tưởng tượng ra. Trong phần lớn các gia đình đó đều có chuyện đó thôi, nhưng trong gia đình tôi thì chuyện đó càng đặc biệt căng thẳng. Vợ tôi vốn quá thương lũ con và lại rất cả tin.
Như vậy, sự có mặt của lũ trẻ không những không làm cuộc sống của chúng tôi tốt thêm lên, mà ngược lại còn đầu độc nó. Ngoài ra, lũ trẻ còn trở thành những nguyên cớ mới cho mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Không chỉ là đối tượng của cãi cọ, chúng còn là vũ khí để chúng tôi chống lại nhau; chúng tôi dùng lũ trẻ để gây sự với nhau. Mỗi chúng tôi có một đứa con cưng đem ra làm vũ khí. Tôi dùng Vasya, thằng con lớn, còn nàng thì có Lisa. Thêm vào đó, khi lũ trẻ lớn lên, tính cách chúng đã hình thành, thì chúng lại thành những đồng minh mà chúng tôi người nào cũng muốn lôi kéo về phía mình. Những đứa bé đáng thương đó đã phải chịu biết bao khổ đau vì chuyện đó, nhưng chúng tôi trong lúc giao chiến còn tâm trí nào mà nghĩ đến chúng nữa. Đứa con gái bé là đồng minh của tôi, còn thằng anh nó, rất giống nàng và là cục cưng của nàng, thì luôn thù ghét tô
XVII
- CHÚNG TÔI ĐÃ SỐNG NHƯ THẾ ĐẤY. Quan hệ thù nghịch càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Và cuối cùng đã đi đến mức là không phải sự bất đồng dẫn đến sự thù địch, mà chính sự thù địch tạo ra sự bất đồng: nàng chưa kịp cất lời thì tôi đã không đồng ý với nàng rồi và ngược lại.
Đến năm chung sống thứ tư thì cả hai chúng tôi đều đi đến quyết định là sự hiểu biết và đồng cảm giữa chúng tôi không thể nào có được nữa. Chúng tôi không cố gắng phân giải đến cùng nữa. Trong mọi vấn đề từ đơn giản nhất, đặc biệt là những vấn đề về con cái, mỗi người luôn giữ nguyên ý kiến của mình. Bây giờ tôi nhớ lại và thấy rằng, những ý kiến mà tôi luôn cố giữ thực ra chẳng phải có giá trị gì lắm đến nỗi không thể từ bỏ được; nhưng nàng đối với tôi đáng ghét quá, cho nên từ bỏ ý kiến của mình tức là phải chịu nhường bước cho nàng, mà điều đó thì tôi không thể. Nàng cũng vậy. Nàng có lẽ luôn cho rằng mình đúng đắn hơn tôi. Thế mà từng có thời tôi đã là thần thánh trong mắt nàng. Giữa hai chúng tôi luôn giữ sự im lặng, hay chỉ có những cuộc trò chuyện, mà tôi tin bọn cầm thú cũng có thể trao đổi như thế với nhau, đại loại như: “Mấy giờ rồi? Đi ngủ đi. Bữa trưa nay ăn gì vậy? Đi đâu đây? Báo hôm nay có tin gì không? Cho người đi gọi bác sĩ đi, Masha bị đau họng rồi”. Chỉ cần vượt ra ngoài phạm vi những câu chuyện như trên một tí thôi là lập tức nổ ra xung đột ngay. Các cuộc đụng độ diễn ra và những lời lẽ đầy hận thù có khi được tung ra chỉ vì ly cà phê, tấm khăn trải bàn, cỗ xe ngựa, ván bài cào - tất cả những thứ mà đối với mọi người chẳng có gì là quan trọng. Trong tôi thậm chí luôn sôi sục một cách kinh khủng lòng hận thù với nàng. Đôi lúc tôi nhìn nàng rót trà, đung đưa chân hay cầm thìa lên miệng húp nước canh, và cảm thấy căm ghét nàng chỉ vì những cử chỉ đó, làm như đó là những cử chỉ tồi tệ nhất trần đời. Lúc đó tôi không nhận ra, rằng những giai đoạn hận thù xuất hiện trong tôi luân chuyển đều đặn hoàn toàn tương ứng với những thời kỳ mà chúng gọi là yêu đương. Cứ một giai đoạn yêu đương lại một giai đoạn hận thù; nếu yêu đương nồng nhiệt thì giai đoạn hận thù kéo dài; nếu yêu đương ít hơn thì giai đoạn hận thù cũng ngắn hơn. Lúc đó, chúng tôi chưa hiểu ra rằng tình yêu đó và hận thù đó chẳng qua chỉ là một thứ tình cảm thú vật biểu hiện ở hai cực khác nhau mà thôi. Nếu như chúng tôi hiểu ra điều đó khi ấy thì cuộc sống sẽ hết sức khủng khiếp; nhưng chúng tôi đã không hiểu và cũng không nhìn thấy. Đó là sự cứu vớt mà cũng là sự trừng phạt đối với con người, khi anh ta sống vô đạo đức, anh ta có thể tự che mắt để không nhìn thấy tình trạng thảm hại của mình. Chúng tôi cũng như thế. Nàng thì cố lãng quên bằng những lo toan căng thẳng về chuyện nhà cửa, tiền bạc, sắm sửa áo quần cho mình và cho con cái, chuyện học hành, chuyện sức khỏe của lũ con. Tôi cũng có những si mê của mình - mê công việc, mê săn bắn, bài bạc. Cả hai chúng tôi luôn luôn bận rộn. Cả hai đều cảm thấy, càng bận rộn bao nhiêu, chúng tôi càng ghét giận nhau bấy nhiêu. “Cô đóng kịch giỏi lắm, - tôi nghĩ về nàng, - cô đã hành hạ tôi vì những vở kịch của cô suốt đêm qua, mà tôi sáng ra còn phải có cuộc họp nữa chứ”. “Anh thì sướng lắm, - nàng không chỉ nghĩ mà còn nói thẳng với tôi, - trong khi tôi suốt đêm không ngủ được vì con”.
Chúng tôi sống như thế đấy, thường xuyên trong đám mây mù để không nhìn thấy tình cảnh thực sự của mình. Và nếu như không xảy ra cái tai họa kia thì có lẽ tôi cũng sẽ cứ sống như thế cho đến già, và khi chết đi sẽ nghĩ là mình đã sống một cuộc đời tử tế, không thật tốt lắm, song cũng không tệ lắm, cũng như tất cả những người khác; tôi sẽ không hiểu được tận đáy nỗi bất hạnh và sự dối trá đê tiện mà tôi đang vùng vẫy trong đó.
Chúng tôi là hai kẻ tội đồ thù hận nhau song lại bị xích chung với nhau bằng một cái xiềng, đầu độc nhau và cố gắng không nhận ra điều đó. Khi đó, tôi còn chưa biết rằng chín mươi chín phần trăm cặp vợ chồng cũng sống trong địa ngục như chúng tôi, và không thể có cuộc sống nào khác được. Khi đó, tôi nào đã biết như vậy về mình và về mọi người.
Thật lạ, có những sự trùng hợp trong cả cuộc sống đúng đắn lẫn cuộc sống không đúng đắn! Cha mẹ vừa cảm thấy không thể nào chịu đựng nổi nhau thì đồng thời lại cảm thấy phải sống ở thành phố để cho con cái học hành. Thế là nảy sinh nhu cầu chuyển nhà lên thành phố.
Pozdnyshev nín lặng, và hai lần phát ra những âm thanh kỳ lạ của mình, chúng bây giờ đã hoàn toàn giống như những tiếng nức nở bị kìm nén lại. Chúng tôi đến gần một ga khác.
- Mấy giờ rồi ạ? - Anh ta hỏi.
Tôi nhìn đồng hồ, đã hai giờ.
- Ngài không mệt đấy chứ?- Anh ta lại hỏi.
- Không, nhưng ngài mệt rồi đấy.
- Tôi khó thở quá. Xin phép ngài, tôi ra ngoài uống ít nước nhé.
Anh ta đi dọc toa tàu, người lắc lư. Tôi ngồi lại một mình, sắp xếp lại trong đầu những gì anh ta kể, và chìm vào trong suy nghĩ nên không nhận ra anh ta đã trở về, đi vào bằng lối cửa khác.