Bản sonata Kreutzer - Chương 18 - 20
XVIII
- VÂNG, TÔI BIẾT MÌNH luôn đi xa chủ đề, nhưng vì tôi đã suy nghĩ lại rất nhiều điều, nhìn nhận ra rất nhiều điều mới mẻ, nên muốn kể tất cả những cái đó. Thế là chúng tôi chuyển lên sống ở thành phố. Những kẻ bất hạnh sống ở thành phố dễ chịu hơn. Ở thành phố con người có thể sống đến trăm tuổi mà không nhớ ra là anh ta đã chết và thối rữa từ lâu. Chẳng có thì giờ để ngồi phán xét mình vì lúc nào cũng bận rộn. Nào công việc, nào quan hệ xã hội, nào chuyện sức khỏe, nào nghệ thuật, nào con cái cũng như việc giáo dục chúng. Khi thì phải tiếp người này đón người kia, khi thì phải đến thăm ông này hỏi bà kia, khi đi xem vở kịch này, khi đi nghe buổi hòa nhạc kia. Ở thành phố, bất cứ giờ phút nào cũng luôn có một, hoặc thậm chí cùng lúc có hai hay ba nhân vật nổi tiếng nào đó mà không thể bỏ qua dịp làm quen được. Rồi lại phải chữa trị bệnh nào, rồi nào phải gặp người đỡ đầu, thuê thầy giáo, mướn gia sư. Tất cả đều là sự trống rỗng giả tạo, nhưng chúng tôi đã sống như thế và cảm thấy nỗi đau khổ của cuộc sống chung nhẹ bớt đi. Ngoài ra, thời gian đầu còn có những mối bận tâm thú vị là sắp xếp cho cuộc sống mới, cho căn hộ mới ở thành phố, rồi còn thêm những chuyến đi lại từ thành phố về quê và từ quê ra thành phố nữa.
Chúng tôi sống qua một mùa đông, đến mùa đông thứ hai xảy ra một chuyện mà chưa ai để ý, tưởng như rất nhỏ nhặt, nhưng chính lại là điều dẫn đến tai họa sau này. Vợ tôi không được khỏe. Cái bọn bác sĩ vô lại không cho phép nàng sinh nở nữa và dạy cho nàng phương cách. Tôi cảm thấy ghê tởm chuyện đó. Tôi kháng cự, nhưng nàng bằng sự bướng bỉnh sốc nổi vẫn giữ nguyên ý mình, và tôi đành khuất phục; cái cớ cuối cùng để biện hộ cho cuộc sống tồi tệ của chúng tôi là con cái đã bị lấy mất đi, và cuộc sống trở nên gớm ghiếc hơn.
Đối với những người nông dân, những người lao động, con cái là cần thiết. Mặc dù họ nuôi chúng rất vất vả, nhưng họ cần chúng, bởi vậy cuộc sống vợ chồng của họ có cái để biện hộ. Còn với chúng tôi, những người đã có con rồi, lũ con không còn cần thiết nữa, chúng chỉ là những mối bận tâm, những khoản chi phí, những kẻ đồng thừa kế, chúng là gánh nặng. Và thế là không còn sự biện hộ nào cho cuộc sống nhơ nhuốc của chúng tôi nữa. Hoặc là chúng tôi dùng biện pháp để tránh không có con, hoặc nếu lỡ có con ra thì xem chúng như nỗi bất hạnh, hậu quả của sự không cẩn trọng, điều này còn tệ hơn. Không có sự biện hộ nào cả. Nhưng chúng tôi đã sa đọa đến độ không còn thấy cần phải biện hộ cho cuộc sống của mình nữa. Phần lớn tầng lớp có học thức của chúng ta hiện nay sa vào cuộc sống như thế mà không hề bị lương tâm cắn rứt.
Chẳng bị cắn rứt, bởi vì chẳng có cái lương tâm nào ở trong cuộc sống của chúng ta, trừ dư luận xã hội và luật hình sự, nếu có thể gọi đó là lương tâm. Nhưng ngay cả hai điều này cũng chẳng làm ảnh hưởng gì đến chúng ta cả. Chẳng có gì phải hổ thẹn trước dư luận xã hội bởi tất cả mọi người đều làm như thế: cả Maria Ivanovna, cả Ivan Zakharych, cả những người khác nữa. Trước luật hình sự cũng chẳng có gì phải sợ cả. Đó là cái lũ con gái hoang hay bọn vợ lính mới vứt con xuống hồ hay xuống giếng; bọn đó tất nhiên là phải nhốt vào tù rồi, còn những người có học thức như chúng ta thì làm những chuyện đó đúng lúc và cẩn thận lắm.
Chúng tôi sống như vậy thêm hai năm nữa. Các phương cá của lũ bác sĩ vô lại rõ ràng bắt đầu có hiệu quả: vợ tôi khỏe và đẹp ra, giống như vẻ đẹp rực rỡ cuối mùa hè. Nàng cảm thấy được điều đó và quay sang chăm sóc bản thân. Ở nàng toát ra vẻ đẹp khêu gợi làm bối rối người khác. Nàng đang ở độ sung mãn của người phụ nữ ba mươi tuổi son rỗi và vui vẻ. Dáng điệu của nàng làm người khác bất an. Khi đi ngang qua đám đàn ông, nàng cuốn hút ánh nhìn của họ về phía mình. Nàng giống như con ngựa nuôi nhốt bỗng được tháo dây cương. Chẳng có cái dây cương nào ràng buộc nàng, cũng như chín mươi chín phần trăm phụ nữ của chúng ta. Tôi cảm thấy điều đó và tôi kinh hãi.
XIX
ANH TA BỖNG NHIÊN đứng lên và chuyển sang ngồi sát bên cửa sổ.
- Xin lỗi ngài. - Anh ta nói, hướng mắt nhìn ra cửa sổ, ngồi im lặng như thế chừng ba phút. Sau đó, anh ta thở dài nặng nề và trở lại chỗ đối diện tôi. Khuôn mặt anh ta trở nên khác hẳn, đôi mắt đầy vẻ tội nghiệp, và gần như có một nụ cười kỳ lạ gợn trên đôi môi. - Tôi hơi bị mệt một chút, nhưng tôi sẽ kể tiếp. Vâng, - anh ta tiếp tục và lại châm thuốc hút, - nàng đẫy người ra từ khi không sinh con nữa, và căn bệnh của nàng - tức sự đau khổ dai dẳng vì lũ con - bắt đầu qua đi; không phải chỉ là nỗi khổ qua đi, mà nàng còn như bừng tỉnh sau cơn say, hồi nhớ lại và nhìn thấy có cả một thế giới thần tiên dành cho nàng, với bao niềm vui sướng mà nàng đã lãng quên. Nhưng nàng không biết sống như thế nào trong thế giới đó, cái thế giới thần tiên mà nàng không hiểu gì hết. “Làm sao đừng để vuột mất! Thời gian sẽ trôi qua và không quay lại nữa!”. Tôi hình dung nàng nghĩ hay đúng hơn là cảm thấy như thế, mà nàng không thể không nghĩ và không cảm thấy như thế được: người ta dạy dỗ nàng, rằng trên đời này chỉ có một điều đáng quan tâm là tình yêu. Nàng lấy chồng, nhận được từ tình yêu không những không một niềm vui sướng nào như nàng chờ đợi và được hứa hẹn, mà chỉ toàn thất vọng buồn phiền, rồi còn thêm nỗi đau khổ bất ngờ là con cái. Nỗi đau khổ đó làm nàng mệt mỏi. May nhờ có các bác sĩ tận tâm mà nàng mới biết là có thể tránh được chuyện có con. Nàng vui mừng và lại sống cho một điều duy nhất mà nàng biết là tình yêu. Nhưng đó không phải là tình yêu với ông chồng xấu xí luôn ghen tuông và cáu giận. Nàng bắt đầu tưởng tượng đến tình yêu nào đó khác hơn, tinh khiết, mới mẻ hơn. Ít nhất là tôi đã nghĩ về nàng như thế. Và nàng bắt đầu ngó nghiêng, dường như đợi chờ một cái gì đó. Tôi nhìn thấy điều đó và không thể không lo lắng. Nhất là thời gian cuối, trong khi nói chuyện với tôi thông qua người khác (nàng vẫn hay làm thế, nghĩa là nói với người ngoài, song những lời nói đó lại hướng tới tôi), nàng mạnh dạn phát biểu nửa đùa nửa thật (mà hoàn toàn không nhớ là một tiếng trước đó nàng nói hoàn toàn ngược lại), rằng sự quan tâm của người mẹ chỉ là điều dối trá, rằng không đáng phải dâng hiến cả cuộc đời mình cho con cái, trong khi đang còn trẻ tuổi và còn có thể hưởng thụ cuộc sống. Nàng ít bận rộn với các con, không mang vẻ tuyệt vọng như trước, càng lúc càng chú tâm đến bản thân hơn, chăm sóc cho hình thức bề ngoài của mình. Mặc dù cố dấu điều này, nhưng nàng chăm lo nhiều cho việc thỏa mãn bản thân mình và thậm chí lo làm cho bản thân hoàn hảo hơn. Nàng lại say mê chơi dương cầm, việc mà trước đó hoàn toàn bị bỏ quên. Mọi chuyện bắt đầu từ đó.
Anh ta lại quay người hướng đôi mắt mệt mỏi ra phía cửa sổ, nhưng rồi lập tức quay vào, rõ ràng cố ép mình tiếp tục câu chuyện.
- Vâng, rồi con người ấy xuất hiện - Anh ta lúng búng, hai lần từ mũi phát ra âm thanh vốn có của mình.
Tôi thấy rằng anh ta rất đau khổ khi phải nhắc đến tên người kia và phải nhớ lại, kể lại về hắn. Nhưng anh ta gắng sức, dường như cố vượt qua được vật đang cản trở mình, rồi quả quyết kể tiếp.
- Hắn là một kẻ tồi tệ, theo như tôi nhận xét và đánh giá. Không phải vì hắn đã gây nên chuyện gì trong đời tôi, mà bởi thực tế hắn là người như thế. Vả chăng, việc hắn là đồ tồi chỉ chứng minh cho sự vô can hoàn toàn của nàng. Nếu không có hắn thì sẽ có kẻ khác, mọi chuyện nhất định phải như thế.
Vâng, đó là một tay chơi vĩ cầm; không phải là nhạc công chuyên nghiệp, mà là nửa chuyên nghiệp, nửa tài tử.
Cha hắn là một điền chủ, láng giềng của cha tôi. Ông ta đã bị phá sản. Ba đứa con trai đều được thu xếp ổn định, chỉ có đứa út là hắn được đưa đến cho bà mẹ đỡ đầu sống Paris. Người ta gửi hắn vào nhạc viện, vì hắn có năng khiếu âm nhạc, và hắn ra trường thành nhạc công chơi vĩ cầm trong các dàn nhạc. Hắn là một kẻ... - Rõ ràng anh ta muốn nói điều gì đó tồi tệ về người nhạc công kia, song kìm lại được và nói nhanh. - Tôi không biết hắn sống ra sao ở Paris, chỉ biết rằng năm đó hắn trở về nước Nga và xuất hiện ở nhà tôi.
Hắn có đôi mắt ươn ướt màu hạt dẻ, , đôi môi đỏ hồng luôn mỉm cười, hàng ria mép mềm mại, tóc cắt theo mốt mới nhất, khuôn mặt trông dễ chịu một cách đểu cáng, kiểu mặt mà phụ nữ vẫn cho là không tệ lắm. Dáng người hắn có vẻ yếu ớt, nhưng không xấu xí. Hắn thường cố tỏ ra suồng sã, song lại rất nhạy bén và luôn sẵn sàng dừng lại nếu có ai hơi tỏ ý chống cự. Với bề ngoài kiểu cách, với đôi ủng đặc biệt theo mốt Paris, với những nút cài và cà vạt màu sặc sỡ, và nhiều thứ khác nữa mà những kẻ ngoại kiều sống ở Paris thường sắm sửa cho mình, cộng thêm vẻ độc đáo, mới lạ, hắn luôn gây được ấn tượng cho phụ nữ. Hắn tỏ ra vui vẻ, hóm hỉnh. Khi nói chuyện, ngài biết không, hắn hay nói bóng gió và bỏ dở chừng, làm như ngài cũng biết và nhớ ra mọi chuyện hắn nói để có thể kể tiếp cùng hắn.
Chính hắn, cùng với âm nhạc của hắn, đã là nguyên nhân của mọi chuyện. Ở tòa án, người ta xem xét vụ án và kết luận nguyên nhân tôi giết vợ là do ghen tuông. Hoàn toàn không phải như thế, tưởng là thế nhưng sự thực không phải thế. Tòa án quyết định tôi là người chồng bị lừa dối và giết vợ để trả thù cho danh dự bị bôi nhọ của mình (họ gọi cái đó là danh dự đấy). Và vì thế mà tôi được trắng án. Trước tòa, tôi cố gắng làm sáng tỏ ý nghĩa của vụ việc, thì họ lại nghĩ là tôi muốn phục hồi danh dự cơ.
Mối quan hệ của vợ tôi với tay nhạc công đó cụ thể như thế nào, đối với tôi điều đó không có ý nghĩa gì, đối với nàng cũng vậy. Cái chính là điều tôi đã kể cho ngài nghe, là sự nhơ nhuốc bẩn thỉu của tôi. Tất cả mọi chuyện xảy ra là do giữa chúng tôi đã có một vực thẳm khủng khiếp mà tôi đã nói rồi đấy, một sự căng thẳng thù hận đáng sợ, mà chỉ cần một cớ nhỏ cũng đủ gây ra thảm họa. Cãi cọ giữa chúng tôi thời gian cuối trở nên thường xuyên và đặc biệt dữ dội, cũng lại luân phiên với sự tăng cường những thèm muốn thú tính.
Nếu như không có hắn, thì cũng sẽ có kẻ khác xuất hiện. Nếu không có chuyện ghen tuông thì lại có cớ khác. Tôi chắc chắn là tất cả mọi người chồng đều sẽ phải hoặc sống phóng đãng, hoặc tự vẫn, hoặc giết vợ như tôi đã làm. Nếu như điều đó không xảy ra với ai đó thì đó là trường hợp ngoại lệ vô cùng hãn hữu. Trước khi gây ra án mạng tôi đã mấy lần định tự vẫn, còn vợ tôi cũng đã từng uống thuốc độc.
XX
- VÂNG, CHUYỆN LÀ NHƯ THẾ, không lâu trước khi xảy ra tai họa.
Chúng tôi sống trong sự hòa hoãn tạm thời và chưa có nguyên do nào phá vỡ nó; đột nhiên, câu chuyện về việc con chó nào đó ở triển lãm được thưởng huy chương được khơi lên. Tôi nói và nàng phản đối: “Không phải được huy chương mà là được tuyên dương”, thế là cuộc cãi cọ nổ ra. Rồi bắt đầu nhảy từ chuyện này sang chuyện khác và các lời trách cứ : “Hừ, chuyện đó từ lâu em đã biết rồi, luôn luôn là như thế. Anh nói rằng...”, “Không, anh không hề nói vậy”, “Thế có nghĩa là em bịa ra chắc!”. Tôi cảm thấy sắp sửa bùng lên cuộc cãi cọ khủng khiếp làm điên giận muốn giết chết mình hay giết chết nàng. Tôi biết là nó sẽ xảy ra ngay bây giờ và sợ hãi nó như sợ lửa, vì vậy muốn kiềm chế mình lại, song cơn giận dữ vẫn xâm chiếm toàn thân. Nàng cũng trong trạng thái như thế, còn tệ hơn. Nàng cố ý bóp méo từng câu từng chữ tôi nói ra; mỗi lời nói của nàng chứa đầy nọc độc. Nàng biết chỗ nào làm tôi đau thì chọc vào chỗ đó. Càng nói càng đau. Tôi thét lên: “Câm đi!” hay câu gì đó đại loại như thế. Nàng vùng chạy về phòng trẻ con. Tôi cố giữ nàng lại để nói cho hết và chứng minh đến cùng. Tôi tóm lấy tay nàng. Nàng làm bộ như tôi đã làm đau nàng và thét lên: “Các con ơi, bố các con đánh mẹ đây này!”. Tôi thét: “Đừng nói dối!”. - “Đây không phải là lần đầu tiên đâu!” - nàng kêu lên và lũ trẻ lao đến bên nàng. Nàng dỗ dành chúng. “Đừng có làm bộ làm tịch!”. Nàng đáp: “Với anh thì tất cả là làm bộ làm tịch hết: anh giết người rồi bảo là người ta làm bộ chết. Tôi bây giờ biết rõ anh rồi, anh chỉ muốn điều đó thôi mà!”. “Ôi, cầu cho cô chết đi cho rồi!”- tôi gào lên. Tôi nhớ những từ ngữ dễ sợ đó đã làm tôi kinh hoảng. Tôi không hề nghĩ mình có thể nói ra những từ khủng khiếp, thô bạo như thế, và ngạc nhiên thấy chúng có thể buột ra từ miệng mình. Tôi gào lên những từ kinh khủng đó rồi chạy về phòng, ngồi phịch xuống và đốt thuốc hút. Tôi nghe tiếng nàng bước ra phòng ngoài và chuẩn bị bỏ đi. Tôi hỏi nàng đi đâu, nàng không đáp. “Mặc xác cô ta” - tôi tự nhủ, quay về phòng lại nằm xuống và hút thuốc. Trong đầu tôi diễn ra hàng nghìn kế hoạch trả thù nàng và giải thoát mình khỏi nàng, rồi đủ các cách để làm sao mọi chuyện đều êm thấm không ai biết được. Tôi suy nghĩ những chuyện đó và hút thuốc, hút thuốc, hút thuốc. Tôi nghĩ về việc chạy trốn khỏi nàng, ẩn mình đi, chạy sang châu Mỹ. Tôi mơ ước đến lúc được giải thoát khỏi nàng, sẽ tuyệt diệu làm sao, tôi sẽ gặp một người phụ nữ khác, tuyệt vời và hoàn toàn mới mẻ. Tôi sẽ được giải thoát nếu nàng chết đi, hoặc tôi ly dị với nàng, và tôi suy nghĩ các cách để làm được chuyện đó. Tôi ý thức được rằng mình đã lẫn lộn, rằng tôi không nghĩ cái cần phải nghĩ, nhưng để xua cái ý thức đó đi, tôi liên tục hút thuốc.
Trong khi đó mọi chuyện trong nhà rối cả lên. Cô gia sư đến hỏi: “Bà đi đâu rồi ạ? Khi nào thì bà về?”. Anh hầu hỏi đã pha trà được chưa. Tôi sang phòng ăn, lũ trẻ con, nhất là con Lisa là đứa đã hiểu biết mọi chuyện, tất cả chúng đều hướng những ánh mắt chứa đầy thắc mắc và bất bình lên nhìn tôi. Chúng tôi im lặng uống trà. Nàng vẫn chưa thấy trở về. Suốt buổi chiều cũng vậy, và trong tôi lẫn lộn hai cảm xúc: căm tức nàng đã hành hạ tôi và lũ trẻ bằng sự vắng mặt của mình, và sợ hãi rằng nàng sẽ không trở về và làm gì đó để hại bản thân mình. Tôi định đi tìm nàng. Song tìm nàng ở đâu? Ở chỗ chị nàng ư? Nhưng thật ngu ngốc mới đến đó hỏi. Thôi mặc kệ nàng, nếu như nàng muốn hành hạ thì cứ để nàng tự hành hạ mình. Nàng chẳng mong đợi điều đó là gì. Nhưng lỡ chuyện lại còn tệ hơn, lỡ nàng không ở chỗ chị mình mà đã làm gì đó hủy hoại thân mình thì sao?... Mười một giờ, mười hai giờ, một giờ. Tôi không chờ trong phòng ngủ, nằm một mình trong đó mà chờ thì thật ngốc, vì vậy tôi không đi nằm. Tôi muốn làm một cái gì đó, viết thư hay đọc sách, nhưng không làm được gì cả. Tôi ngồi trong òng làm việc, đau khổ, tức giận và lắng nghe. Ba giờ, bốn giờ mà nàng vẫn chưa về. Gần sáng tôi thiếp đi, lúc tỉnh dậy vẫn không thấy bóng dáng nàng.
Mọi chuyện trong nhà vẫn diễn ra như hàng ngày, song mọi người đều cảm thấy bất an và đều nhìn tôi dò hỏi, trách móc, ai cũng nghĩ mọi chuyện đều do lỗi tại tôi. Còn trong tôi vẫn cuộc đấu tranh giữa hai cảm xúc: nỗi tức giận vì nàng hành hạ tôi, và nỗi lo sợ cho nàng.
Khoảng mười một giờ, chị gái nàng đến làm sứ giả cho nàng. Và lại bắt đầu những giọng điệu cũ: “Nó đang trong tình trạng rất tồi tệ. Nào có chuyện gì thế?” - “Không, chẳng có chuyện gì cả”. Tôi nói về tính cách khó chịu của nàng và nói tôi chẳng làm gì nàng cả.
“Nhưng không thể để như thế được.” - Chị gái nàng nói.
“Đó là chuyện của cô ấy, không phải là chuyện của tôi.” - Tôi đáp. - “Tôi không làm lành trước đâu. Còn muốn chia tay thì chia tay.”
Chị nàng bỏ đi mà không thu được kết quả gì. Tôi đã can đảm nói với chị nàng rằng sẽ không làm lành trước, nhưng khi bà ta vừa đi khỏi, tôi bước ra ngoài và nhìn thấy vẻ sợ hãi tội nghiệp của lũ con, thì đã muốn làm lành với nàng ngay. Tôi sẵn lòng làm lành, nhưng không biết phải làm như thế nào. Đi đi lại lại, hút thuốc, uống hết chỗ vodka và rượu vang của bữa sáng, và tôi đạt được điều mà tôi đã mong muốn một cách vô ý thức: không nhìn thấy tình trạng ngu ngốc, tồi tệ của mình.
Gần ba giờ chiều thì nàng về. Nhìn thấy tôi, nàng không nói năng gì cả. Tôi tưởng rằng nàng đã dịu lại, bèn bắt đầu thanh minh rằng tôi nóng giận là do những lời trách móc của nàng. Vẫn với vẻ mặt nghiêm khắc và đầy khổ đau, nàng nói nàng đi về không phải để nghe thanh minh, mà để mang lũ con đi, vì chúng tôi không thể nào sống chung với nhau được nữa. Tôi nói là tôi không có lỗi, rằng chính nàng đã làm tôi không giữ được bình tĩnh. Nàng nhìn tôi nghiêm khắc và đắc thắng rồi nói:
“Đừng nói thêm nữa, rồi anh sẽ phải ân hận.
Tôi nói tôi không thể chịu được các trò hề. Lúc đó nàng hét lên gì đó không rõ rồi chạy về phòng mình. Tiếng chìa khóa vang lên, nàng đã khóa trái cửa lại. Tôi đập cửa, nhưng không có tiếng trả lời và tôi tức giận bỏ đi. Nửa giờ sau bé Lisa chạy đến, chan hòa nước mắt.
“Sao? có chuyện gì xảy ra rồi?”
“Con không nghe thấy tiếng mẹ.”
Chúng tôi chạy đến. Tôi dùng hết sức giật cánh cửa. Then cửa cài không kỹ nên hai cánh cửa bật mở ra. Tôi đến bên giường. Nàng mặc váy dài và chân đi ủng, nằm sõng soài bất tỉnh trên giường. Trên chiếc bàn nhỏ là chiếc lọ thuốc phiện đã trống rỗng. Chúng tôi vực nàng hồi tỉnh. Lại rất nhiều nước mắt và cuối cùng là làm lành. Nhưng đó cũng không phải là sự hòa giải: trong lòng mỗi người vẫn còn đó sự phẫn nộ đối với nhau, lại cộng thêm sự bực bội vì nỗi đau do trận cãi cọ gây nên, mà người nào cũng đổ là hoàn toàn tại người kia. Nhưng dù sao cũng cần phải kết thúc mọi chuyện và cuộc sống lại trôi qua như cũ. Thế rồi sau đó lại cãi cọ, liên tục và càng lúc càng dữ dội hơn, khi thì tuần một lần, khi thì tháng một lần, có khi cãi nhau hàng ngày. Và đều kết thúc như nhau. Có lần tôi đã lấy hộ chiếu để đi ra nước ngoài, cuộc cãi cọ lần ấy kéo dài hai ngày, nhưng sau đó lại giải thích, lại làm lành, và tôi ở lại.