Tuổi thiếu niên kỳ lạ - Chương 01
Con gái có làm được không?
Nếu muốn có một chỗ dưới mặt trời thì bạn phải chịu vài vết bỏng.
Abigail Van B
Tôi không thể đi vệ sinh trong rừng được. Với đám hướng đạo sinh nam trong đoàn, nếu muốn thì chỉ cần một thao tác đơn giản là tháo dây nịt, nhưng con gái thì không làm như vậy được. Bọn con gái chúng tôi cần một chỗ kín đáo và cần cả giấy vệ sinh nữa, chứ không phải chỉ cần ai đó quay mặt đi chỗ khác. Tôi có thể làm tất cả những gì họ có thể làm, trừ việc… đi vào trong rừng và tháo thắt lưng.
Khi tham gia Đoàn hướng đạo sinh Canada cùng với Brittany, bạn tôi, hai đứa đều mong được đi xa vì chúng tôi là những đứa con gái đầu tiên tham gia đội hướng đạo thứ 57. Đứng đối diện nhau trong vòng tròn hướng đạo sinh đêm đầu tiên nhập đội, tôi nhận ra vẻ lo sợ của nó. Mà tôi chắc rằng nó cũng nhận thấy điều đó trong mắt tôi. Một trong những người quản đội, hướng đạo trưởng Mike (cũng là cha tôi) chào mừng tất cả chúng tôi:
- Chào một năm hướng đạo mới! Trong năm nay, chúng ta sẽ có vài sự thay đổi. Như các em thấy đấy, chúng ta có thêm vài người hướng dẫn mới và vài hướng đạo sinh mới. (Mọi con mắt đổ dồn về phía tôi và Brittany) - Chúng ta hãy chào mừng Angelica và Brittany vừa mới gia nhập đội ta. Tôi mong rằng các em sẽ giúp đỡ hai người bạn mới để họ làm quen với mọi hoạt động của đội.
Đến lúc chia đội, Bri và tôi không muốn rời nhau. Thế nhưng, hai đứa phải vào hai đội khác nhau. Những hướng đạo sinh khác trong đội hỏi tôi nhiều câu, đại loại như vì sao tôi lại tham gia vào đội hướng đạo, (câu trả lời của tôi rất đơn giản: “Vì em thích đi trại”) và vì sao con trai lại không thể tham gia vào đội hướng đạo nữ, (câu trả lời của tôi là: “Thế anh có thật sự phải học sơn móng tay không?”)
Mấy tháng sau đó, tổ chức của đội không có gì thay đổi, nhưng đến nửa năm sau, một người bạn khác của tôi là Christina cũng gia nhập hướng đạo. Thế là ba đứa con gái chúng tôi được ở chung với nhau khoảng một tuần. Sau đó Brittany ra khỏi đội. Không lâu sau đến lượt Christina, thế là tôi trở thành đứa con gái duy nhất trong đội hướng đạo. Nhưng đến lúc đó thì tôi cũng đã làm quen với khá nhiều bạn nam. Mỗi lúc đi trại, tôi ngồi xem bọn con trai thi vật tay nhau. Khi đi picnic, tôi ngồi riêng một bàn còn bọn con trai thì quây quần dưới bãi cỏ. Khi đi bơi, tôi mặc áo thun và quần soọc bên ngoài áo tắm vì ngại bọn chúng trêu chọc. Mấy thằng con trai thân thiết với tôi thường hay lặn xuống rồi bơi đến gần để kéo tôi ngụp xuống nước.
Năm thứ hai trong đội hướng đạo, tôi cũng vẫn là đứa con gái duy nhất. Trong đội, ngoài tôi và mấy đứa con trai mà tôi quen từ năm trước, còn có thêm một đám con trai mới gia nhập. Nhưng giờ đây tôi đã rất thoải mái và cũng chả quan tâm rằng mình có bị kì thị nam nữ hay không, chỉ cần biết tụi con trai không ghét tôi là được rồi. Có một vài tên mới gia nhập hướng đạo cũng tỏ ra mến thích tôi. Tôi là đứa đầu tiên được chọn làm cầu thủ cho đội bóng đá, và cũng được bầu là phó chỉ huy của nhóm. Bố tôi không làm chỉ huy đội hướng đạo năm đó, nhưng với tôi thì điều đó lại càng hay. Chả là tôi muốn được tự do, muốn chủ động mở rộng quan hệ bạn bè.
Một buổi cuối tuần, chúng tôi cắm trại ở gần bờ sông, chuẩn bị đi qua sông bằng thuyền ống. Sợ dòng nước chảy xiết, tôi cố nhìn quanh tìm chỗ nào êm nhất hoặc ít nguy hiểm nhất để vượt qua.
Một đứa con trai có tên là Ray hỏi tôi
- Bạn đang tìm gì thế, Angi?
Tôi trả lời
- Một chỗ nào để qua sông mà không phải vượt trên dòng nước xiết.
- Tại sao chứ? Bạn có thể vượt qua mà. Mình đã thấy bạn leo núi đá, việc đó còn nguy hiểm hơn! - Ray nói.
Tôi nói với Ray:
- Ừ, mình không biết nữa.
Ray đề nghị.
- Mình đi với bạn, được không? -
- Ừ, cũng được! - Tôi ngập ngừng – mà bạn có chắc là mình không bị rơi xuống sông không đấy?
Ray cười:
- Chắc mà.
Rồi nó bơi qua mặt tôi. Tôi nhìn quanh, có mấy đứa bạn thân đang tiến lại chỗ tôi.
- Angi này, đến xem ở đây có một cái hang hay lắm này! - Tim gọi.
Tôi nhìn quanh ngạc nhiên. Hắn ta đang nói chuyện với tôi à?
Tim nhắc nhở tô
- Thật tuyệt phải không? Có vài chỗ rất trơn, cẩn thận đấy!
- Bạn biết tên mình à? - Tôi ngập ngừng hỏi. Tim là một trong những đứa con trai mới gia nhập đội năm ấy, và cũng chưa bao giờ nói chuyện với tôi.
- Ừ!
- Tớ thật sự bất ngờ đấy - Tôi nói.
- Ai cũng biết tên bạn cả. Bọn con trai chúng mình không hề ghét bạn. Bạn thật sự rất dễ thương. Có điều bạn nên nói nhiều hơn một chút, bạn hơi kín tiếng đấy!
- Cảm ơn Tim - Tôi lẩm bẩm.
Tim cười:
- Có gì đâu, mình chỉ có sao nói vậy thôi mà!
Thế là tôi cùng Tim bơi thuyền qua chỗ nước xoáy đến chỗ những hòn đá, và tôi không hề bị lật thuyền.
Trong hai năm qua, tôi đã nhiều lần leo núi, có mặt trong các cuộc du ngoạn ca-nô, tham dự trại mùa đông. Tôi đã đi giày trượt tuyết, tôi đã chèo thuyền ống, xoay tròn và nổi lên chìm xuống trên sông. Tôi đã có một thời gian sống vô cùng tuyệt hảo, tôi đã làm những việc mà nhiều bạn gái khác ngại ngần. Dù vậy, không nhất thiết rằng tôi phải đi vệ sinh ở trong rừng.
Nhưng mà nếu buộc phải đi… thì… thì chắc cũng được thôi.
ANGLELICA HAGGERT, 13 TUỔI
Bài học quan trọng nhất
Vẻ bề ngoài chỉ đơn thuần là phương tiện, những thứ mà chúng ta cần lại ở bên trong.
Etty Hillesum
Trong suốt những năm tiểu học, tôi thường so sánh mẹ tôi với mẹ của tất cả các bạn tôi. Thường thì tôi so sánh mẹ tôi với mẹ đứa bạn thân nhất, Tiffany Sherman.
Tiffany luôn đến trường với bộ vía hợp thời trang, khuôn mặt được trang điểm kĩ lưỡng, và mái tóc được chải rất đẹp. Tiền tiêu vặt một tuần của nó có thể nuôi sống cả một gia đình năm người ở Cuba trong một năm, và nó có nhiều đồ trang sức hơn cả cỏ trong vườn nhà tôi. Đôi giày của nó bao giờ cũng phù hợp với trang phục và với cả túi xách. Nó luôn có một lũ bạn hâm mộ lẽo đẽo theo sau lưng và nó thường uốn éo đi theo cách không giống ai.
Để được làm bạn với Tiffany, bọn con trai trong trường có thể giết lẫn nhau. Tiffany được phép đi xem trình diễn nhạc rock, đi chơi một mình với bạn trai và có khi không về nhà suốt hai đêm liên tiếp - ba điều mà với tôi thì tuyệt đối cấm. Mẹ Tiffany thường dùng tiền để thưởng mỗi khi hài lòng về nó, còn mẹ tôi thì chỉ khen động viên, chẳng hạn như khi tôi đạt điểm tốt hay biết dọn giường ngủ gọn gàng. Khi cùng tôi đi mua sắm, Tiffany vẫy vẫy tờ một trăm đô la mới tinh, còn tôi chỉ có hai tờ năm đô la và mấy đồng tiền xu.
Khi muốn những thứ mà mình không thể có, tôi la to cái câu cũ mèm:
- Hễ Tiffany muốn là mẹ nó cho nó ngay, phải chi đó là mẹ của con.
Mẹ tôi chỉ bình thản nói, trăm lần như một: “Tội nghiệp Tiffany!”
Tiffany mua bộ đồ giá 200 đô la: “Tội nghiệp Tiffany!”
Tiffany được phép thuê một người trang trí nội thất để sửa phòng cho nó: “Tội nghiệp Tiffany!”
Tiffany có ti-vi riêng trong phòng - đầy đủ bộ DVD và dàn máy nghe nhạc âm thanh nổi: “Tội nghiệp Tiffany!”
Tôi không bao giờ có thể hiểu được mẹ tôi. Tôi nghĩ Đáng lí mẹ không cần thương hại Tiffany! Mẹ nên tội nghiệp cho con kìa! Tiffany có mọi thứ, còn tôi thì một thứ cũng không.
Một ngày, khi nghe mãi câu nói đó, tôi nổi cáu:
- Tội nghiệp Tiffany à?! Tiffany may mắn thì có! Nó có mọi thứ nó muốn! Nó có cả thế giới dưới chân nó, còn mẹ lại thấy tội nghiệp cho nó?!” - Tôi khóc òa lên và nằm vật xuống ghế bành.
Mẹ tôi ngồi xuống bên tôi và nhẹ nhàng nói:
- Ừ, mẹ thấy thương hại cho nó. Nó chẳng bao giờ có được bài học như mẹ đã dạy cho con, Hope à.
Tôi vẫn thút thít và ngạc nhiên nhìn mẹ:
- Mẹ đang nói gì vậy?
Mẹ nhìn tôi với đôi mắt buồn rầu:
- Một ngày nào đó, Tiffany muốn một thứ, rất muốn, nhưng con bé sẽ nhận ra nó không thể có được. Con nên biết rằng cuộc sống không thể cứ diễn ra như mình tưởng. Con sẽ không có được tất cả những gì con muốn, dù chỉ là nhỏ bé. Mẹ Tiffany sẽ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh để cho nó tiền, và hơn nữa, tiền không thể mua được mọi thứ. Còn con! Khi mẹ không dễ dãi cho con những gì con muốn là mẹ đã dạy con một bài học giá trị. Con sẽ biết cách trả giá và tiết kiệm - nhưng Tiffany thì không. Con sẽ hiểu rằng con phải làm việc cật lực để có được những thứ con muốn và cần - nhưng Tiffany thì không. Khi trở thành người lớn, một ngày nào đó khi Tiffany thức dậy mà không còn tiền của mẹ nó, nó sẽ ước giá nó có một người mẹ như con. Bài học cuộc đời, Hope à, quan trọng và cần thiết hơn những buổi trình diễn nhạc rock hay là quần áo hiệu Gucci.
Trải qua một thời gian dài sau đó, dần dà rồi tôi cũng hiểu ra bài học của mẹ. Tôi nghĩ đến một ngày kia, khi trưởng thành, tôi sẽ là một người phụ nữ khéo léo và biết cách lo liệu bản thân. Và tôi thật sự tiếc cho những ai không được như vậy.
Tội nghiệp Tiffany!
HOPE ROLLINS, 13 TUỔI
Giữ lại ước mơ
Hãy tin vào ngày mai vì ngày mai sẽ tốt đẹp hơn
Đừng bao giờ ước trở lại ngày hôm qua
vì ngày hôm qua đã trôi đi không trở lại
Hãy tin vào ngày hôm nay
vì bạn đang sống ngày hôm nay
Hãy ước mơ
Nhưng phải biết ước mơ như thế nào!
Tonya K. Grant
Từ lúc lên lớp ba, tôi đã mong muốn trở thành một nhà văn. Sau khi một truyện ngắn của tôi giành giải thưởng và được chọn treo trong Phòng truyền thống của trường, tôi đã dành hầu hết thời gian rảnh để viết những câu chuyện chưa từng có về những sinh vật quái dị, những cuộc phiêu lưu thú vị của trẻ em, và những bài thơ diễn tả cảm nhận về thế giới chung quanh. Tôi mơ ước những câu chuyện của mình được đăng trên các tờ tạp chí hay in thành sách. Suốt năm học đó, tôi miệt mài viết. Đến năm lớp bốn, tôi vẫn tiếp tục viết, rồi chép tất cả vào một quyển vở mà tôi luôn mang theo bên mình để viết bất cứ lúc nào tôi muốn.
Khi lên lớp năm, tôi học tiếng Anh với cô giáo tên là Foster. Đối với tôi, đó là một cô giáo đáng yêu nhất. Cô luôn nghĩ tốt về mọi người và không bao giờ ngại ngần khen ngợi một ai đó. Tôi yêu cô đến mức đã cho cô xem quyển vở chép truyện và tất cả những gì tôi đã viết từ năm lớp ba. Khi trả lại tôi quyển vở, cô đã khen ngợi trí tưởng tượng và kỹ năng viết lách của tôi, làm tôi hết sức hãnh di
Một hôm trong giờ học, một đứa nào đó trong lớp tìm thấy quyển vở chép truyện của tôi và giấu đi. Một đứa bạn tôi mách rằng nó đã thấy một thằng con trai lấy quyển vở khi tôi đang học nhóm ở một góc khác trong phòng học. Tôi đến gặp tên đó để hỏi xin lại, nhưng nó lại giả vờ không hiểu tôi đang nói về cái gì. Bất kể tôi cầu xin nài nỉ thế nào, thằng đó vẫn bảo là nó chả thấy gì cả. Tôi cố tìm khắp phòng học nhưng vô ích thôi. Tất cả truyện của tôi đều nằm trong quyển vở đó, nên bây giờ tôi không còn bản thảo nào nữa. Thật là buồn. Tôi không còn hy vọng tìm lại những sáng tác của mình cho đến ngày ấy, trước khi năm học kết thúc vài tuần, cô Foster gọi tôi:
- Kathy, em gặp cô một chút nhé?
Để đám bạn đứng chờ ở hành lang, tôi đến bên bàn cô Foster. Cô mỉm cười với tôi và đưa ra một tập hồ sơ dày có dán nhãn “Lớp học thứ nhì”. Mở tập hồ sơ, cô lật qua từng mục. Trên mỗi mục, tôi thấy tên của từng đứa trong lớp. Cuối cùng, cô dừng lại. Khi cô lật tờ giấy ngăn cách các mục, tôi thấy tên mình. Bên trong là tất cả những truyện ngắn của tôi.
Thật ngạc nhiên, tôi hỏi:
- Làm thế nào mà cô tìm được quyển vở của em?
Cô lắc đầu:
- Cô đâu có tìm được quyển vở nào. Đây là bản copy những truyện của em. Cô giữ tất cả những câu chuyện tuyệt vời mà học sinh của cô đã viết, vì chúng gợi cho cô nhớ lại hình ảnh và trí tưởng tượng của từng em.
Cô tháo cái kẹp tài liệu, và lấy ra tất cả những truyện của tôi. Sau đó cô dẫn tôi đến phòng giáo viên, photocopy hết thảy và đưa lại cho tôi. Bên cạnh mỗi truyện lại có cả những nhận xét cô viết cho tôi nữa.
Cô nói:
- Đừng từ bỏ ước mơ, Kathy à, như cô vậy, cô luôn muốn trở thành một giáo viên, thế nên bây giờ cô đã là cô giáo.
Tôi thật vui sướng! Tôi giữ chặt những tác phẩm của mình, cám ơn cô và chạy đi tìm lũ bạn.
Tôi đã thực hiện những gì mà cô Foster khuyến khích. Tôi không bao giờ từ bỏ những mơ ước của mình. Tôi đã giành giải nhất trong các cuộc thi sáng tác trong nhà trường, và bây giờ tôi đã có hàng trăm truyện được đăng báo.
Để theo đuổi ước mơ, cần phải có sức mạnh và lòng kiên trì. Và đôi khi, ta cũng cần ước mơ của người khác để lưu giữ ước mơ của mình. Và may mắn làm sao, ngày ấy tôi đã gặp được cô Foster yêu quý.
KATHRYN LAY