Tuổi thiếu niên kỳ lạ - Chương 02

 

Câu chuyện của Sarah

Mọi đứa trẻ đều có quyền có một tổ ấm.

Ettie Lee

Tôi nhớ tất cả những gì thuộc về nước Nga.

Tại quê hương Nga, khi mới lên bốn, tôi bị cho làm con nuôi. Lúc ấy cuộc sống mới thật buồn khổ làm sao. Người dân làm không ra tiền, thiếu cái ăn, và rất khó kiếm được một chỗ ấm áp ở một nơi lạnh lẽo như thế. Hiện nay, với một số người ở Nga, cuộc sống vẫn chất chồng đau khổ, nhưng tôi tin rằng đất nước tôi đang thay đổi và sẽ phát triển hơn.

Khi tôi mới bốn tuổi, mẹ tôi mắc bệnh lao phổi, sức khỏe rất yếu nên mẹ phải chống gậy. Dần dà, mẹ không thể chăm sóc chị em tôi, Anna, mười bốn tuổi; anh trai tôi, Michael, mười một tuổi; và tôi.

Lạ một điều là tôi không hề nhớ bố tôi. Tôi biết bố sống với chúng tôi, nhưng ông đi làm từ sáng sớm khi tôi chưa thức dậy và trở về khi cả nhà đã ngủ say. Bố phải làm việc cật lực để kiếm tiền, nhưng không thể làm ra đủ để nuôi sống cả nhà.

Mặc dù mẹ tôi đau ốm rạt rài cần người chăm sóc, và bố tôi phải còng lưng làm việc mà thiếu người giúp đỡ, tôi đã bị cho đi, cũng vì luật lệ nước Nga không cho phép con nít đi một mình vào buổi tối. Chị tôi, Anna, lúc đó mười bốn tuổi, đi trong cánh rừng gần nhà chúng tôi mà bị cảnh sát bắt gặp và họ đã đưa chị ấy về nhà.

Khi cảnh sát đến nhà tôi, họ vào trong và nhìn quanh. Họ thấy chúng tôi không có thức ăn, không có chỗ ngủ, không đủ áo quần và một người mẹ không thể chăm sóc con cái. Họ nói với mẹ rằng họ sẽ đưa chúng tôi đi cho người khác nuôi. Sáng hôm sau, quả thật họ đã y lời. Còn tôi thì ngơ ngác không biết điều gì đang xảy ra.

Tôi sống ở một trại trẻ mồ côi trong khoảng sáu tháng sau đó, vì theo luật, con trẻ phải sống trong trại mồ côi sáu tháng trước khi được nhận làm con nuôi.

Trại trẻ mồ côi cứ như là một trường học. Chúng tôi có một cô giáo, một cô giữ trẻ và một cô hiệu trưởng. Hằng ngày, chúng tôi được học chữ và mỗi đứa có một cái tủ riêng có thể tự trang trí. Thời gian ấy rất vui, sau giờ học, chúng tôi đi đến nhà trẻ, chơi đùa ở đó vài giờ. Mọi đứa trẻ ở trại mồ côi đều thuận hòa với nhau. Chúcó rất nhiều đồ chơi ở nhà trẻ, chẳng hạn như búp bê Nga và cả điện thoại giả. Trại còn có cả một cây đàn dương cầm mà mỗi ngày cô giáo đều chơi cho chúng tôi nghe. Cả mấy anh chị lớn cũng rất tử tế với bọn trẻ con chúng tôi.

Tất cả bọn trẻ ngủ trong một căn phòng lớn có rất nhiều giường, và dưới cái trần màu xanh có treo những ngôi sao. Căn phòng ấm áp và dễ chịu. Nhưng cũng có lúc tôi cảm thấy thật cô đơn. Tôi rất nhớ chị tôi. Nhiều câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu. Tại sao tôi lại ở đây? Tôi có thể gặp lại gia đình mình nữa không?

Một ngày nọ, có một cô tên Grace đến trại mồ côi, tay bế một thằng bé con mà cô ấy vừa mới nhận nuôi. Cô muốn nhận nuôi thêm một đứa con gái nữa và họ đã giới thiệu tôi cho cô. Cô Grace không biết tiếng Nga, vì thế có một người phiên dịch giúp chúng tôi. Cô Grace đến chỗ tôi và ôm lấy tôi. Cô mang theo một túi quà, đó là một cuốn sách tô màu và một cái nơ cài tóc. Người mẹ mới của tôi lấy nơ cài lên tóc tôi làm tôi thích mê.

Trước khi rời trại, gia đình mới của tôi đứng phía trước trại trẻ cùng chụp một tấm ảnh với tất cả giáo viên. Các cô giáo của tôi đã khóc sụt sùi. Khi chúng tôi ra đi, tất cả bọn trẻ đứng ở cửa sổ vẫy vẫy tay nói lời từ biệt. Tôi rất vui khi lại được có mẹ, nhưng cũng rất buồn khi phải xa những người bạn thân thiết ở trại mồ côi.

Ba mẹ con tôi rời trại mồ côi, ở lại một đêm tại nhà người phiên dịch, rồi lên máy bay vào ngày hôm sau. Mất hơn hai mươi bốn giờ chúng tôi mới đến được ngôi nhà mới. Tôi ở chung phòng với đứa em trai mới, Andrew. Có một cái nôi cho em tôi, còn tôi có một cái tủ với đầy đủ áo quần và một cái giường. Sau đó các cô bạn của mẹ nuôi mang đến cho tôi một hộp đầy giày dép. Tôi đã há hốc miệng, mắt tròn xoe. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy nhiều giày đến vậy. Và tất cả đều là của tôi!

Tôi chỉ biết mỗi ngày trôi qua mà không hề nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra cho tôi sau đó. Mỗi đêm tôi học nói tiếng Anh, tập đánh vần ABC và đếm số với mẹ nuôi của tôi. Mất hai tháng tôi mới bắt đầu bập bẹ đôi câu tiếng Anh. Đôi lúc mọi người bật cười khi nghe tôi nói chuyện, nhưng khi biết rằng tôi đang học, họ không còn cười nữa.

Tôi cảm thấy rất thoải mái trong ngôi nhà mới của mình ở Mỹ. Tôi thật sự yêu gia đình mới này. Vào ban ngày, tôi không thấy nhớ thương gia đình ruột thịt của mình ở Nga cho lắm, nhưng đêm đến, thỉnh thoảng tôi gặp những người thân của tôi trong giấc mơ. Chỉ vài ngày sau khi ở nhà mới, một buổi tối, tôi đã gặp ác mộng. Tôi mơ thấy một mụ phù thủy rượt đuổi hai chị em tôi quanh căn nhà của chúng tôi ở Nga. Chị Anna và tôi phải núp đằng sau một cái tủ lớn. Tôi hoảng hốt giật mình tỉnh dậy và chạy qua phòng của mẹ nuôi. Tôi leo lên giường của mẹ và ngủ lại đó đêm hôm ấy. Tôi cảm thấy thân thuộc với mẹ mặc dù chỉ mới biết mẹ có vài hôm.

Khi tôi và Andrew lớn lên, chúng tôi thân thiết nhau như chị em ruột. Khi Andrew còn bé, nhiều lần tôi ghen tị với nó vì nó được chăm sóc nhiều hơn, giống như bất cứ chị em nào. Nhiều khi hai chị em còn tranh cãi và đánh lộn, nhưng bây giờ thì chúng tôi đã biết nhường nhịn nhau rồi. Hai chị em thường chia sẻ những bí mật, chơi đùa với nhau và hiểu rõ tính khí của nhau.

Tôi ở Mỹ đã gần tám năm rồi. Giờ thì tôi mười một tuổi và đang học lớp sáu. Mẹ tôi tất bật với công việc nhưng luôn dành thời gian để chơi với tôi và Andrew. Đôi khi vào cuối tuần, chúng tôi cùng nhau đạp xe, đi xem phim hay lên thuyền chơi. Mỗi ngày tôi lại càng yêu gia đình của mình hơn. Mẹ tôi luôn khích lệ tôi và Andrew vượt qua khó khăn. Mẹ luôn tha thứ, yêu thương, giúp đỡ và đem lại niềm tin cho tôi.

Tôi không hề nghe tin tức gì về mẹ ruột, chị Anna và anh Micheal. Tôi luôn mong được biết chút ít gì về gia đình mình. Có đôi khi tôi nằm mơ thấy chị Anna đến tìm tôi và hai chị em chơi đùa như hồi thơ bé. Tôi ước ao có chị ở bên cạnh để chỉ vẽ cho tôi những điều mà một cô bé dậy thì cần biết, để cùng đi mua sắm và tâm sự với tôi như một người bạn thân nhất.

Tôi muốn khi lớn lên sẽ trở thành một bác sĩ phẫu thuật trị ung thư hay một giáo viên. Tôi chơi thể thao rất giỏi, và hy vọng rằng mình có thể trở thành một vận động viên ở trường cao đẳng, hay có khi là một vận động viên chuyên nghiệp cũng nên. Tất nhiên tôi cũng muốn có một gia đình hạnh phúc nữa. Nếu được, tôi sẽ xin hai đứa con nuôi – hay là hai đứa bé người Nga nhỉ?

SARAH CRUNICAN, 11 TUỔI

 

Tôi đã biết thế nào là mái ấm

Bạn có thể dùng từ một bộ tộc, một cộng đồng, một bộ lạc, một gia đình. Dù bạn gọi nó là cái gì, bất cứ bạn là ai, thì bạn cũng cần có một chỗ như vậy.

Jane Howard

Phải chăng đã mười bốn năm trôi qua từ khi tôi được bàn tay chính phủ chăm lo? Mười bốn năm từ khi Sở hoạt động xã hội định đoạt số phận của tôi?

Sau ngần ấy thời gian, tôi vẫn còn nhớ như in mọi việc, tất cả như vừa mới xảy ra hôm qua. Tôi chỉ mới tám tuổi và kiên nhẫn ngồi ở nhà chờ đợi mẹ tôi. Thế mà mẹ vẫn biệt tăm. Ba tháng sau, tôi đã ở trong nhà tình thương. Từ ngày đó, đời tôi trở thành một bản hồ sơ của Ban giám đốc nhà tình thương, một tập giấy dày trong tay của một người hoàn toàn xa lạ.

Tôi buộc phải học cách chấp nhận nhà tình thương như nó vốn sẵn có, một nơi mà tôi phải ở lại. Đối với tôi đây không phải là một mái ấm gia đình mà chỉ là một căn nhà có bốn bức tường, một nơi mà Sở xã hội nghĩ rằng có thể đáp ứng mọi ước muốn của tôi, nhưng thực ra chỉ để tôi ngủ và ăn, ngoài ra không còn cái gì khác, không tình thương, không người thân, không giá trị.

Tôi năm năm trời trong căn nhà đó và thầm ghen tị với bạn bè tôi… về mọi thứ mà tụi nó có. Tôi muốn biết cảm giác được yêu thương. Tôi muốn có một gia đình “thực thụ”. Tôi muốn biết cảm giác thuộc về một nơi nào đó, muốn biết cảm giác không phải ăn nhờ ở đậu. Tôi đau đớn nghĩ rằng mình phải suốt đời mang ơn những người đã nhận nuôi tôi như thế.

Mười ba tuổi, ngay sau khi phải nằm viện ba tháng vì chứng biếng ăn, tôi biết rằng mình sẽ rời ngôi nhà tình thương mà tôi đã trú ngụ trong năm năm qua và đến ở một ngôi nhà tình thương khác. Tôi thực không tin rằng mọi thứ có thể tồi tệ hơn nữa và có cảm giác cả thế giới này lại sụp đổ dưới chân tôi thêm một lần nữa. Tôi đã khóc khi nhận ra rằng cái gia đình đầu tiên nhận nuôi tôi đã không cho tôi biết thế nào là ý nghĩa của một mái ấm.

Từ đó nước mắt tuôn rơi không ngừng trong những ngày mà tâm hồn tôi bắt đầu thấu hiểu. Gia đình trong ý tưởng của tôi chỉ có trong cổ tích, là một nơi xa xôi trong thế giới ảo diệu, nơi mà mọi thứ thường kết thúc có hậu trong tình yêu thương và hạnh phúc. Đó là một thế giới làm cho tôi ngạc nhiên và say đắm, nhưng tận đáy lòng mình, tôi nghĩ rằng nơi đó dường như không có thật. Tôi chưa bao giờ biết thế nào là không khí “gia đình” và tôi cho rằng mãi mãi về sau cũng thế.

Sau khi xuất viện, tôi được đưa đến một nơi gọi là nhà an dưỡng. Tôi cảm thấy rất thoải mái vì gia đình ấy đã đón nhận tôi bằng tình yêu thương chân thành. Tôi cảm nhận được không khí an lành ngay khi đặt chân vào căn phòng khách ấm áp dễ chịu đó. Nhưng tôi biết mình không nên quá vui mừng, vì chẳng chóng thì chầy, tôi sẽ lại bị gửi trả về ngôi nhà tình thương thứ hai. Chẳng bao lâu sau, khi hai tuần ở nhà an dưỡng này kết thúc, có lẽ tôi lại phải quay về với nỗi sợ hãi, thế giới của tôi một lần nữa lại thay đổi.

Một buổi tối nọ, trước khi đi ngủ, gia đình “an dưỡng” của tôi bảo tôi khoan rời bàn ăn, và họ nhìn tôi chờ đợi. Người mẹ ôn tồn nói:

- Cả nhà ta biết rằng con không muốn quay trở lại ngôi nhà tình thương trước đây vì hẳn là con đã phải chịu đựng nhiều - Rồi bà thở nhẹ - Và mọi người trong nhà cũng không muốn ép buộc con phải quyết định những điều mà con không muốn, nhưng ai cũng rất muốn con ở lại đây và trở thành người một nhà.

Tôi nhìn bà sửng sốt. Tôi không thể tin vào những điều mình đang nghe. Mọi người trong gia đình đều mỉm cười với tôi.

- Con hãy suy nghĩ kĩ về điều này, bao lâu cũng được.

Tôi gật đầu, nhẹ nhàng rời khỏi bàn và trở về căn phòng mà tôi đã ở từ lúc tới đây. Tôi thay áo ngủ, nằm xuống giường và khóc, khóc vì quá hạnh phúc. Một phần cuộc đời của tôi đã khép lại và một phần đời sung sướng hơn sẽ bắt đầu mở ra, nếu tôi muốn.

Sau đó, khi nước mắt tôi đã khô dần, đứa em gái nhỏ nhất thò đầu vào phòng tôi. Nó hỏi:

- Chị ngủ rồi à?

Tôi trả lời bằng một cái lắc đầu.

- Chị đã quyết định chưa?

Lần này thì tôi gật đầu, nhưng nó vẫn cứ chờ tôi trả lời. Không chút đắn đo, tôi nói “Ừ”.

- Chị ấy sẽ ở lại! - Con bé la lên và chạy ra khỏi phòng.

Tôi ngồi dậy và chuẩn bị để ra mắt gia đình mới của mình. Tôi cười và bước ra khỏi phòng. Lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm giác mình thuộc về một gia đình. Lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm giác thoải mái và được thương yêu. Lần đầu tiên trong đời, tôi lại là con gái và là chị gái. Cuối cùng tôi cũng là một con bé bình thường.

Lần đầu tiên trong đời, tôi thật sự biết thế nào là một mái ấm. >

CYNTHIA CHARLTON

 

Món quà vô giá tên Faith

Ước mong trở thành một người chị và có một người chị là ước mơ đầu tiên và sâu sắc, vừa liên quan mật thiết vừa chẳng liên quan gì đến gia đình mà người phụ nữ được sinh ra.

Elizabeth Fishel

Đó là một ngày tháng hai năm tôi học lớp bốn. Vừa mới đi học về, tôi thấy mẹ tôi đang lăng xăng trong phòng, loay hoay bỏ đồ chơi và mấy con thú nhồi bông mới lên giường.

- Mẹ à, mẹ đang làm cái gì thế? - Tôi hỏi.

Mẹ tôi vui vẻ trả lời:

- Hai nhân viên của Sở xã hội sẽ mang đến cho con một đứa em gái ngay bây giờ!

Ồ vui thật! Gần đây, mẹ tôi cố xin một đứa con nuôi, và nay thì tôi đã có một đứa em gái! Tôi có ba anh em trai, và đôi khi thật là buồn bực vì chỉ có mình mình là con gái. Tôi không ngờ rằng mình có được một đứa em gái nhanh như vậy.

Anh Nick và tôi ngồi trên lầu nhìn ra cửa sổ để chờ em gái đến. Chúng tôi thấy chiếc xe Jeep màu trắng ngừng trước nhà và một phụ nữ bước xuống. Bà mở cửa xe, bế ra một bé gái nhỏ, xanh xao, nhưng rất dễ thương và dắt nó đến trước cửa. Tôi vội đứng lên chạy xuống dưới nhà.

Bé gái đang ngồi dưới sàn chơi chung đồ chơi với Darius, em trai tôi. Tên bé là Faith, mới vừa ba tuổi. Faith có đôi mắt tròn to xanh biếc và mái tóc đỏ nâu. Tôi ngồi xuống bắt chuyện với Faith, nhưng bé vẫn lặng im. Chắc hẳn bé còn lạ. Mẹ và anh em tôi nói chuyện với nhân viên công tác xã hội một lúc mới biết rằng nhà của chúng tôi là ngôi nhà thứ mười một của Faith.

Khi nhân viên xã hội đi khỏi, chúng tôi đến ăn mừng ở tiệm McDonald. Gia đình chúng tôi tràn ngập niềm vui, còn Faith thì thích thú khi được mọi người quan tâm. Tôi nghĩ rằng Faith là đứa bé gái dễ thương nhất mà tôi từng gặp. Em chơi đùa với những đồ chơi được tiệm khuyến mãi khi chúng tôi gọi Bữa Ăn Vui vẻ, và bắt đầu gọi tôi là “chị”. Tôi thích quá, từ nay hai chúng tôi đã là chị em.

Khi cả gia đình về nhà, Faith và tôi chơi trong phòng của tôi mà từ nay cũng là của em. Khi mẹ tôi bảo đã đến lúc đi ngủ, Faith giơ nắm đấm lên! Tôi hiểu vì sao em không biết vâng lời. Có lẽ Faith nghĩ rằng em sẽ đổi nhà lần nữa vào sáng mai. Thật không thể tưởng tượng nổi một bé gái mới lên ba đã ở qua mười gia đình khác nhau. Tôi nhận ra rằng tôi đã may mắn biết dường nào khi có được một gia đình êm ấm. Khi buộc phải đi ngủ, Faith lại òa khóc. Tôi thật sự ngạc nhiên khi em có thể khóc lâu đến thế! Sau khi Faith khóc khoảng mười lăm phút, mẹ tôi mang em xuống dưới nhà để dỗ cho em nín khóc kẻo mệt.

Có thêm em gái không thật vui vẻ hay dễ dàng như tôi đã tưởng. Faith bị hen nặng, và đêm nào em cũng khóc suốt. Thậm chí khi muốn đi vệ sinh, em cũng khóc. Faith thường gây phiền phức cho mọi người. Em thường lén lút làm những điều bị cấm và ít khi nào nói thật. Đứa em gái mới của tôi hay bẻ gãy đồ chơi, quệt bút màu lên sách vở của tôi, phá nước sơn móng tay và nước hoa của tôi nữa. Em thích hóng chuyện để nói leo khi người lớn nói chuyện và làm những điều ngang bướng để gây chú ý, đó quả là một tính xấu. Chắc còn lâu lắm Faith mới biết khép mình vào những quy định để trở thành trẻ ngoan. Tôi đoán rằng em không thèm để ý đến những lời răn dạy, vì em nghĩ chẳng bao lâu người ta cũng sẽ chuyển em qua một ngôi nhà khác thôi.

Sau một thời gian dài, cuối cùng thì Faith cũng bỏ được những tật xấu, và tôi cũng biết cách chia sẻ. Tôi cũng tập được thói quen cất đồ đạc của mình để em không thể nghịch phá. Hai chị em phải cố gắng tập tính nhường nhịn và tôn trọng nhau dù đôi khi cũng chưa quen.

Lúc đầu, Faith thật khó hòa hợp với gia đình mới. Em hơi mập vì ăn nhiều quá. Theo đà này, em có thể sẽ nặng đến năm chục ki-lô khi vào lớp mẫu giáo. Mẹ tôi cho em ăn ít lại và không cho em ra vô nhà bếp suốt ngày để ăn vặt hay uống nước ngọt. Mẹ bắt đầu cho em ăn trái cây và uống nước lọc, mua cho em một chiếc xe đạp ba bánh và một cái xe nôi để đẩy búp bê đi chơi. Mất vài tháng sau em mới giảm cân. Không bao lâu sau thì em đã chạy nhảy nhanh nhẹn ngoài đường với những đứa trẻ khác.

Giờ thì Faith hay theo tôi đi đây đi đó - kể cả lúc tôi không muốn. Chỉ mới năm tuổi nhưng Faith rất thông minh và lanh trí. Chỉ sau hai tuần học mẫu giáo, em đã bỏ qua lớp mẫu giáo và nhảy lên lớp một. Trong khi những trẻ mẫu giáo mới học cách viết tên, thì Faith đã có thể đánh vần, đọc và làm toán. Dạo này em còn thi đánh vần, và học thêm phép cộng phép trừ. Tôi hay giúp em làm bài tập về nhà và cố trở thành tấm gương học tập cho em noi theo. Đôi khi con bé cũng lười biếng đánh vần và tập đọc, nhưng sau đó em biết tự sửa mình và lại siêng năng như trước.

Mấy chị em tôi còn học múa balê và diễn kịch. Đi tập với Faith rất vui. Tôi cho rằng Faith sẽ trở thành diễn viên nổi tiếng vì em rất có khiếu diễn kịch. Khi xem T.V, Faith bắt chước diễn lại những cảnh phim quảng cáo trước gương. Hai em Faith và Darius của tôi còn biểu diễn thành một chương trình cho chúng tôi xem trong nhà để xe. Ừ, biết đâu một ngày nào đó Faith sẽ trở nên nổi tiếng và giàu có.

Tôi không nhớ gì lúc trước, khi Faith chưa đến ở đây. Còn bây giờ, khi tôi thức dậy, người đầu tiên tôi thấy là em gái tôi, khi tôi đi ngủ, người cuối cùng tôi thấy cũng là em gái tôi. Faith là cô bé dễ thương, yêu màu tím và rất thích trượt băng. Em không thích chải đầu, không thích ăn mặc chải chuốt, và lười giúp tôi dọn dẹp phòng. Còn đánh răng thì em chúa ghét; ghét hơn bất cứ cái gì!

Tôi rất vui sướng vì có một em gái như Faith, vui tính và hay làm tôi cười. Tôi cho rằng những người nhận nuôi Faith trước đây đã không tạo cơ hội cho Faith hòa hợp với họ. Vả lại, có thể họ đã không thương con bé như gia đình tôi. Tôi cuộc rằng một ngày nào đó, khi ngồi trên ghế bành xem tivi, họ sẽ tiếc khi thấy Faith trở thành một ngôi sao.

Bất kể trong tương lai Faith có trở thành ai chăng nữa, em ấy vẫn luôn là ngôi sao trong tim tôi. Đôi khi, tôi thầm cảm ơn mười gia đình kia vì họ đã giúp tôi có được món quà vô giá tên Faith.

NYDJA K. MINOR, 12 TUỔI

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3