Tuổi thiếu niên kỳ lạ - Chương 05
Giờ đây tôi đã có bạn thân
Chẳng mấy người biết được độ sâu của tình yêu thật sự giữa những chị em gái.
Margaret Courtney
Tôi luôn ghen tị với chị Ellen. Ellen rất xinh và được nhiều người yêu mến. Chị ấy là một người dễ gần và rất độ lượng với mọi người. Tôi thật sự tin rằng “Mẹ luôn yêu chị Ellen nhất”. Những cô em gái khác có hay ghen tỵ với chị giống như tôi không? Có thể không. Nhưng khi chị tặng cho bố mẹ tôi đứa cháu ngoại đầu tiên, một bé gái tóc vàng óng, mắt xanh lơ xinh đẹp tên Jillian, thì tôi chắc chắn rằng tôi chẳng bao giờ được hoàn hảo như chị ấy.
Từ ngày được sinh ra, Jillian “chiếm” hết cả trái tim và tâm trí của tôi.
Tuy chỉ là một “bà” dì thôi nhưng tôi vẫn cảm thấy tự hào về Jillian như thể tôi là mẹ của nó vậy. Chưa bao giờ tôi biết mình lại có thể dành sự quan tâm lo lắng cho một người khác nhiều như thế. Điều tuyệt vời và thú vị nhất trong mối quan hệ dì-cháu là không có sự can thiệp “thô bạo” của bố mẹ nó. Tôi rất yêu con bé và hay đùa giỡn với nó, không khi nào tôi phải giận dữ vì con bé lười biếng không làm bài tập hoặc khi nó cãi cọ với em trai. Khi hai dì cháu đi dạo phố, mặt tôi cứ vênh vênh có vẻ tự đắc lắm, vì ai cũng tưởng con bé là con gái tôi.
Có lần, Jillian nói: “Dì Benita ơi, dì dễ thương lắm, dì thật khác với mẹ con”. Tôi yêu quý những lời ấy biết bao, thế nhưng trong thâm tâm tôi thì lại cảm thấy có lỗi với chị Ellen vì chị không thể có được tình yêu rất dễ thương mà con bé đã dành cho tôi. Không kỳ vọng, không đòi hỏi, không ép buộc…, mà chỉ có sài lòng và hoàn toàn thoải mái khi hai dì cháu được ở bên nhau.
Khi còn sơ sinh, Jillian đã mắc bệnh xơ hóa các tuyến. Chị tôi đã chấp nhận tin đó với một quyết tâm không bao giờ đầu hàng. Lúc đầu căn bệnh xơ hóa tuyến không tác động nhiều đến Jillian. Ừ thì con bé có ho nhiều, nhưng chuyện đó cũng không thể ngăn con bé chơi đùa trong thế giới tuổi thơ của nó, thậm chí ngay cả khi mọi người đều cho rằng con bé ho có nghĩa là nó đang bị cảm cúm. Có nhiều lần, những ông bố bà mẹ khác đã trách chị Ellen đã để cho con bé đến gần các bé khác trong sân chơi chung hay trong trường học khiến con họ rất dễ bị lây bệnh. Mỗi lần như thế, chị Ellen đều không muốn giải thích với họ rằng bé ho là do phổi của bé có bệnh chứ không phải vì cảm cúm.
Đó là những năm tháng chị Ellen gặp phải rất nhiều khó khăn. Khi Jillian mắc bệnh cúm thật, mọi chuyện chẳng hề đơn giản. Có lúc con bé phải dùng cả mặt nạ dưỡng khí để thở, có khi còn phải nằm viện nữa. Con bé đi khám bệnh thường xuyên giống như người ta đến cửa hàng tạp hóa vậy. Rồi còn xét nghiệm máu nữa chứ! Mỗi chẩn đoán, mỗi lịch hẹn của bác sĩ, mỗi cái hắt hơi nho nhỏ cũng bắt phải thử máu – đó là điều mà Jillian căm ghét vô vùng. Con bé la hét, đá chân lung tung cố vùng chạy hoặc làm bất cứ điều gì để khỏi bị lấy máu xét nghiệm. Con bé không tin vào bất cứ lời dỗ dành hứa hẹn nào.
Ngoại trừ đối với tôi. Nếu tôi có mặt lúc đó thì mọi việc chắc hẳn sẽ đỡ phiền phức hơn. Con bé vẫn chống cự, nhưng không đến nỗi la hét om sòm hay tỏ ra quyết liệt như vậy.
Khi những dấu hiệu của căn bệnh ngày càng lộ rõ hơn và con bé nghỉ học ngày càng thường xuyên hơn thì rõ ràng Jillian không giống như những đứa trẻ khác. Chị Ellen không bao giờ tỏ ra nao núng, mà quyết tâm không đầu hàng bệnh tật của con gái. Jillian cũng không phải là một đứa trẻ cá biệt. Vào những ngày khỏe khoắn, Jillian sinh hoạt bình thường như những bé gái khác – cũng đi học, cũng chơi nhảy lò cò hoặc chơi búp bê Barbie. Jillian rất dễ mệt, nhưng sức khỏe kém không thể ngăn con bé phát triển trí thông minh, hướng ngoại và luôn bận rộn chuyện này chuyện nọ.
Khi Jillian lớn lên, mối quan hệ dì cháu của chúng tôi lại càng thân thiết hơn. Jillian thổ lộ với tôi mọi điều mà con bé không kể được với mẹ nó. Điều này khiến tôi cảm thấy mình là người rất của con bé.
Khi tôi đi vào phòng, gương mặt con bé sáng lên và nó hét toáng: “Dì Benita,” như thể chỉ cần tôi có mặt thôi cũng giúp nó khỏe ra gấp vạn lần mấy thứ thuốc gì đó. Tôi nghĩ điều này hẳn cũng làm cho chị Ellen chạnh lòng ghen tị. Có lẽ đúng thế thật. Theo khía cạnh không lành mạnh về tâm lý thì đây là đòn trả đũa của tôi đối với chị chỉ vì chị ấy được làm chị, lại luôn luôn hay hơn, giỏi hơn tôi. Giờ đây thì tôi lại hơn hẳn chị ấy. Tôi có được điều mà Ellen không có: sự tin cậy của con gái chị ấy.
Nếu vứt qua một bên những suy nghĩ trẻ con như thế thì Jillian chính là cây cầu nhỏ nối chị em tôi. Chị Ellen và tôi xưa nay không mấy hòa hợp với nhau, cho đến khi Jillian có mặt. Giờ đây chị em tôi gặp nhau thường xuyên hơn, gọi điện thoại để trò chuyện với nhau nhiều hơn. Chúng tôi đã tạo được một mối quan hệ người lớn và giữ một vị trí đáng kể trong cuộc đời của nhau. Tất cả cũng chỉ vì Jillian là mối quan tâm duy nhất mỗi khi hai chị em tôi chia sẻ với nhau những sự kiện quan trọng trong cuộc đời mình.
Tôi thấy chị tôi mỗi ngày một già hơn và mệt mỏi hơn. Những căng thẳng về thể xác và tinh thần đang làm sức lực chị cạn kiệt, nhưng Ellen vẫn không chịu từ bỏ hy vọng. Tôi không biết nhờ đâu mà chị lại mạnh mẽ đến thế mỗi khi nhìn vào đôi mắt của Jillian và biết rằng con bé sẽ không bao giờ được… trưởng thành. Mỗi buổi sáng thức dậy là cái kết thúc đến gần hơn chút nữa, nhưng chị vẫn lạc quan, mặc dù không biết nên dựa vào niềm tin nào. Cuối cùng tôi phải thừa nhận rằng, người chị mà tôi hay đố kỵ chính là một người anh hùng – của riêng tôi.
Cách duy nhất để tôi có thể hiểu được cái chết của Jillian là tin rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Chị Ellen muốn biết lý do nào hợp lí nhất dẫn đến cái chết của con chị. Phải chăng Jillian đã đưa chúng tôi đến gần nhau hơn và buộc chúng tôi phải chia sẻ với nhau cảm giác hạnh phúc, sức mạnh và nỗi buồn đau?
Một mối quan hệ bền chắc hơn bất kỳ thứ gì chúng tôi từng biết đã hình thành. Chị em tôi đã thật sự yêu thương và tôn trọng nhau. Tôi không rõ nếu không có sự xuất hiện và ra đi của Jillian, thì tình cảm của chị em tôi có được như thế không. Tất nhiên đó không phải là một lý do hợp lý để một đứa trẻ phải chết, nhưng Chúa luôn có những hành động nhiệu. Tất cả những gì tôi biết là trước khi Jillian ra đời, tôi có một người chị gái. Còn giờ đây tôi có một người bạn rất thân.
BENITA BAKER
Chào buổi sáng nhé, Tia nắng
Chúng ta sẽ không bao giờ xa nhau. Dù bạn ở đâu thì bạn vẫn luôn trong tim tôi.
Mahatma Gandhi
Đêm đó tôi ngủ không ngon. Cứ thế mà trằn trọc, lăn qua trở lại mãi cho đến sáng. Tình cờ tôi biết được kết quả xét nghiệm của cô bạn thân không được tốt lắm. Sáng hôm ấy, tôi thức dậy sớm và tắm vội. Khi tắt vòi nước, nghe thấy chuông điện thoại réo ầm ĩ, tôi vội chạy đến chỗ để điện thoại và nhận được cái tin khủng khiếp ấy lúc người vẫn còn ướt mèm. Tôi cứ đứng đó, mặc cho nước mắt tuôn rơi và nước trên người nhỏ xuống tong tong.
“Chào buổi sáng nhé, Tia nắng”, Doris nói. Chị ngập ngừng trong giây lát rồi thông báo: “Cưng à, nó đã trở lại. Căn bệnh ung thư đã trở lại”. Tôi biết mình lúc này cần phải mạnh mẽ lên vì Doris. Trong chốc lát, tôi nghĩ đến tất cả những gì chị đã làm cho tôi. “Em là người duy nhất chị báo tin này”, chị nói
Tôi hứa:
- Em sẽ đến đó ngay.
Tôi gặp Doris cách đây sáu năm khi chồng tôi nhận chức mục sư tại một nhà thờ nhỏ thuộc làng quê nơi chị đang sống. Nụ cười rạng rỡ của chị đã lập tức chiếm cảm tình của tôi. Doris đáng tuổi mẹ tôi, nhưng từ trước đến nay tôi chưa từng có một người bạn nào đúng nghĩa như chị cả.
Trên đường lái xe đến bệnh viện, cuốn phim ký ức đưa tôi trở lại những ngày chúng tôi gặp nhau. Khi bố tôi bị chẩn đoán là “không xong rồi”, Doris gọi tôi mỗi ngày ngay khi có kết quả. “Chào buổi sáng nhé, Tia nắng”, mỗi lần gọi cho tôi, chị thường chào hỏi như thế, cho dù buổi sáng ấy dường như thiếu… ánh mặt trời. Nhưng những cuộc điện thoại chị gọi đến vẫn làm tôi mỉm cười. Doris thường ghé nhà thăm tôi và hay mua những món quà nho nhỏ để khuyến khích tôi vui lên.
Vì bố tôi được chăm sóc đặc biệt lâu dài tại một nơi cách nhà tôi hơn trăm cây số nên sức lực tôi gần như kiệt quệ. Tôi làm hai công việc, dạy học ngày Chủ nhật và đi thăm bố vài lần một tuần. Nhiều lần điện thoại di động của tôi reo lên khi tôi đang lái xe trên đường cao tốc về nhà.
“Chào buổi sáng nhé, Tia nắng”, Doris nói oang oang trong điện thoại trên đường về ghé ngang nhà chị nhé. Chị đã chuẩn bị bữa tối cho em rồi đó, cưng à”. Tôi biết chắc bữa ăn tối ấy có gì. Món ăn chơi, vài loại rau củ, bánh bắp và bánh dừa nướng đang chờ tôi.
Đến bệnh viện, tôi gõ cửa phòng chị và nghe thấy tiếng thều thào “Mời vào”. Khi mở cửa ra, tôi nhìn thấy người bạn của tôi đang nằm đó, trên giường bệnh. Chị cười với tôi và thì thầm:
- Chào buổi sáng nhé, Tia nắng. Cám ơn em đã đến.
Căn phòng tối om. Cả những bông hoa mà vợ chồng tôi mang đến cho chị ngày hôm trước trông cũng ủ rũ. Tôi cúi người xuống giường và ôm chị. Hai chị em ôm nhau thật chặt và nức nở khóc. Ban đầu chúng tôi chẳng nói được lời nào. Biết nói gì với một người bạn thân khi biết chắc người ấy sắp phải rời xa bạn mãi mãi?
Tôi cố nói một cách bình thản:
- Em yêu chị lắm, Doris. Em sẽ cùng chị vượt qua chuyện này. Chị có thể tin cậy ở em.
Doris khóc một hồi, rồi chị cũng cho tôi biết điều gì làm chị lo lắng. Chị nói: “Chị buồn vì sắp phải xa em, cưng ạ. Chị mong em bình an”. Bạn thân của tôi đang hấp hối nhưng lại lo lắng về sự bình an của tôi. Tôi trấn an chị rằng tôi sẽ ổn, nhưng tôi biết nỗi thiếu vắng chị sẽ để lại một khoảng trống rất lớn trong đời tôi.
Ngày hôm ấy, chúng tôi nói chuyện với nhau hàng giờ về cách báo tin cho những người trong gia đình chị. Chúng tôi bàn bạc về chuyện hậu sự, về thuốc giảm đau của chị trong quá trình đi đến đoạn cuối của cuộc đời và nhiều vấn đề quan trọng khác. Những tuần kế tiếp sau đó thật sầu thảm. Ngoài những lúc bác sĩ đến thăm khám để xem chị có đủ thức ăn nước uống trong nhà không, và nhắc chị uống thuốc đều đặn, thì tôi luôn ở bên chị
Một sáng chủ nhật, tôi thức dậy rất sớm để gọi điện hỏi thăm chị và biết là chị cần được khám ngay lập tức. Tôi vội đẩy chị đến phòng cấp cứu. Ngay ngày hôm ấy chị phải nhập viện và không bao giờ trở về nhà được nữa.
Suốt tuần lễ trước ngày chị mất, tôi đến bệnh viện bốn đến sáu lần một ngày. Tối tối tôi đọc Phúc âm cho chị nghe cho đến khi chị ngủ thiếp đi. Có những buổi sáng tôi đến bệnh viện trước khi chị thức dậy. Chị đã kiệt sức, nhưng chị chẳng bao giờ để mất nụ cười dễ thương của mình. Mỗi sáng tôi đều được chị chào đón bằng câu nói quen thuộc “Chào buổi sáng nhé, Tia nắng”. Khi nhìn chị ngày càng yếu hơn, tôi tự hỏi không biết tôi còn được nghe câu chào đặc biệt ấy bao lâu nữa.
Buổi chiều hôm đo, tôi nhận được một cú điện thoại. Người ta nói với tôi: “Doris đang nguy kịch. Chị cần phải đến ngay”. Các bác sĩ đang cố gắng tăng thêm một liều thuốc giảm đau cho chị. Ngay khi vào đến, tôi nài nỉ bác sĩ: “Tôi có thể nói chuyện riêng với chị ấy một chút được không ạ?”
“Được”, vị bác sĩ đồng ý. Mọi người rời khỏi phòng để cho tôi có được vài phút với người bạn thân của mình.
Tôi cầm lấy và giữ chặt bàn tay yếu ớt của Doris rồi chúng tôi cùng nhau cầu nguyện. Tôi nói với chị: “Em yêu chị lắm”. “Chị cũng yêu em, Tia nắng ạ”, chị thì thầm.
Bác sĩ thông báo với tôi sau đợt trị liệu: “Chúng tôi hết cách rồi”. Tôi nghĩ mình phải cho chị biết.
Tôi quay lại phòng của Doris. Chị hỏi ngay
- Có chữa được không em?
- Em rất tiếc, không chữa được chị ơi.
Tôi trả lời và bật khóc. Doris dỗ dành tôi: “Mọi việc sẽ ổn thôi. Đừng khóc nữa em”. Căn phòng yên tĩnh trong vài phút.Doris nghiêng người và run run cầm lấy bàn tay tôi. Chị thì thầm: “Em không biết em có ý nghĩa thế nào với chị trong suốt những năm qua đâu. Có em, cuộc sống của chị thật trọn vẹn”. Vài phút sau chị thiếp đi thật nhanh.
Sáng hôm sau tôi đến thăm chị như thường lệ. Doris rõ ràng đang rất đau đớn và không thể nói chuyện được nữa. Trước khi bác sĩ cho chị một liều thuốc mạnh hơn để làm dịu cơn đau, tôi cùng chị cầu nguyện và hỏi chị rằng chị có biết là tôi yêu chị lắm không. Chị gật đầu. Lúc ấy nắng ùa vào phòng như thể muốn an ủi nỗi buồn đau trong tôi.
Đêm đó Doris sum họp với những người thân của chị nơi Thiên đường. Như đã hứa, tôi ngồi bên cạnh chị trong những giây phút cuối cùng.
Sáng hôm sau tôi bước ra ngoài, mặt trời tháng tám chiếu sáng gương mặt tôi. Nắng sớm ấm áp làm tôi nghĩ đến tình yêu vô biên của Doris. “Chào buổi sáng nhé, Tia nắng”, tôi thì thầm khi ngẩng nhìn bầu trời. Trong tâm trí, tôi nhìn thấy nụ cười của Doris và biết rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, chị đã nói vậy mà. Chị đã trở về nhà
NANCY B. GIBBS
Đội quân tình yêu
Giàu có là một điều tốt, mạnh khỏe cũng là một điều tốt, nhưng điều tốt nhất là được nhiều bạn bè thương mến.
Euripides
“Ôi không!” tôi rên rỉ, lúc chiếc xe của tôi đánh một vòng cua và ngôi nhà của tôi hiện ra. Lẽ ra tôi sẽ rất hồi hộp khi nhìn thấy bốn chiếc xe hơi xếp hàng dọc trên lối xe chạy vào nhà, nhưng sau một tuần đằng đẵng thức canh đứa con trai trong bệnh viện, tôi không ngạc nhiên khi nhà tôi trở thành một đống hỗn độn khủng khiếp. Tôi tắt máy xe và lê gót đến cửa trước.
“Sao cậu về sớm thế?”, từ trong bếp, cô bạn Judie nói vọng ra: “Bọn tớ cứ nghĩ phải một tiếng nữa cậu mới về! Tớ đoán bọn tớ về hết rồi thì còn lâu cậu mới về”. Cô bạn đi về phía tôi, ôm tôi rồi hỏi khẽ: “Cậu khỏe chứ?”
Đây là nhà của tôi ư? Tôi có đang mơ không? Mọi thứ trông thật sạch sẽ. Mấy bông hoa này ở đâu ra vậy ta?
Bỗng nhiên có thêm nhiều tiếng nói khác, thêm nhiều người khác đến ôm hôn tôi. Lorrain (miệng vẫn tươi cười, đưa tay quệt những giọt môi trên trán) đang ở trong phòng sinh hoạt chung của gia đình tôi, cô ấy vừa ủi xong một núi quần áo sạch sẽ, thơm tho. Regina lướt nhanh vào phòng bếp, cô vừa hút bụi, vừa lau chùi bàn ghế tủ giường trong mọi căn phòng. Joan còn ở trên lầu, đang đánh vật với đám chăn màn trên giường tầng của mấy đứa con trai, hét vọng xuống “Chào cậu”. Cô bạn này đã đem lại trật tự cho cả bốn phòng ngủ.
“Các cậu đến đây từ khi nào vậy?” là câu nói mạch lạc nhất của tôi. Nước mắt tôi tuôn trào. “Làm thế nào… làm thế nào… mà các cậu làm được tất cả những điều này?”, tôi òa khóc, không chút xấu hổ, để tuôn trào mọi dồn nén trong lòng.
Cả tuần nay tôi chỉ biết cầu nguyện cho con tai qua nạn khỏi. Thay vì tỏ mình trong bệnh viện, thì Chúa đã đem trật tự, cái đẹp và sự chăm sóc đầy yêu thương vào gia đình tôi qua bốn “thiên thần” này.
Lorain nói :“Cậu nghỉ ngơi chút đi, Virelle. Bữa tối đã chuẩn bị xong, còn có nhiều thức ăn trong tủ lạnh nữa đấy”. Bàn ăn có cả hoa và những tấm khăn ăn xinh xắn, lại có một món quà nho nhỏ ở chỗ tôi ngồi. Một “bữa tiệc” nho nhỏ được sắp đặt chu đáo với món rau trộn và tráng miệng.
Các bạn tôi nói: “Cậu đừng lo, bọn tớ đã cầu nguyện để Chúa sắp xếp mọi chuyện rồi”.
Sau khi các bạn ra về, tôi đi từ phòng này sang phòng khác, vẫn còn xúc động vì món quà thời gian và công sức bạn bè đã tặng cho tôi. Tôi thấy phòng nào cũng có hoa… và có cả gói quà be bé xinh xinh được đặt trên mỗi giường. Nước mắt lại tuôn trào.
Trong phòng khách tôi thấy có một tờ giấy đặt dưới lọ hoa mẫu đơn xinh xắn. Mảnh giấy như là một biểu tượng của họ: “Đội quân Tình yêu đã ở đây”.
VIRELLE KIDDER