Tuổi thiếu niên kỳ lạ - Chương 08
Cece và Agnes
Mãi nhiều năm sau kể từ lần gặp nhau đầu tiên, Cecelia và Agnes mới trở thành bạn thân của nhau. Cecelia lớn hơn Agnes gần mười tuổi, và hai người không hề biết nhau dù cùng sống trong một thị trấn nhỏ. Tình bạn của họ bắt nguồn từ quan hệ sui gia, khi con gái của Cecelia kết hôn với con trai của Agnes.
Trong những năm đầu, Cecelia và Agnes thường gặp nhau trong những buổi họp mặt gia đình của các con. Hai người rất thích góp mặt chung vui trong những buổi kỉ niệm của con cái như tiệc sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới và các ngày lễ lớn trong năm. Sau khi chồng mất, trong nỗi buồn thương, họ an ủi nhau, động viên nhau và sau đó họ trở thành bạn thân của nhau. Mỗi tuần họ gặp nhau vài lần, cùng ăn trưa, cùng đi mua sắm, đi dạo phố, thăm con cái với nhau.
Hai người cảm thấy hãnh diện biết bao, khi cùng chứng kiến cái ngày con cái của họ lên chức ông bà, và mỗi đứa cháu cố ra đời mang thêm rất nhiều niềm vui cho họ. Khi con cháu đều đã ổn định, Cecelia và Agnes quyết định ra khỏi cái thị trấn nhỏ bé vùng trung tây của họ, cùng nhau đi du lịch để khám phá đất nước Hoa Kỳ.
Sau nhiều năm họ sống hạnh phúc bên nhau, đã đến lúc Cecelia gặp những khó khăn của tuổi già. Bà cụ đã hơn tám mươi rồi và mỗi ngày mỗi lú lẫn hơn. Con cháu của cụ Cecelia phải khó khăn lắm mới quyết định được việc có nên đưa bà cụ vào viện an dưỡng hay không. Bà Agnes, ít tuổi hơn nên trí óc bà vẫn còn minh mẫn, rất sáng suốt và nhanh nhạy.
Là một người bạn thân đúng nghĩa, bà Agnes nhất quyết phải giúp cụ Cecelia bằng tất cả khả năng của mình. Ngày nào bà Agnes cũng vào viện an dưỡng thăm bạn. Suốt nhiều năm như thế, và cả sau này, khi cụ Cecelia không còn nhận ra bạn mình nữa, bà Agnes vẫn thường xuyên đến thăm và trò chuyện với “Cece của tôi". Rồi cũng đến lúc bà Agnes trở thành bà cụ tám mươi tuổi, và Cece vẫn còn sống, như thể cuộc đời cụ ấy không có lúc kết thúc vậy. Bà Agnes thường nói đùa với các cô y tá trong viện an dưỡng: “Chắc là Chúa đã quên bà bạn Cece của tôi rồi. Nếu như được đi trước, tôi sẽ xin Chúa đến và đưa bà ấy lên thẳng Thiên đàng luôn!”. Mọi người đều cười vang, và chẳng ai nghĩ rằng bà Agnes – biểu tượng của sức khỏe – lại ra đi trước cụ Cecelia.
Ấy thế mà bà Agnes lại về với Chúa trước bà cụ Cecelia thật. Đó là một buổi sáng tháng chạp rét buốt, không một lời trăng trối nào với gia đình và rất nhiều bạn bè của bà. Mọi người trong gia đình bà Agnes đều bàng hoàng trước sự ra đi bất ngờ này. Tang lễ của bà Agnes phải hoãn lại vài ngày vì trời quá rét đã khiến mặt đất bị đông cứng lại.
Rồi đến ngày gia đình bà Agnes tụ họp lại để tưởng nhớ bà. Khi con trai và con dâu của bà chuẩn bị đến nhà thờ thì họ nhận được điện thoại từ viện an dưỡng gọi đến báo tin bà cụ Cecelia vừa từ trần.
Tin bà Cecelia từ trần lan khắp nhà thờ trong lúc đang cử hành tang lễ cho bà Agnes, hẳn có người phải ngạc nhiên lắm khi nhìn thấy những nụ cười, thậm chí còn nghe thấy vài tiếng cười phá lên trong một buổi lễ tang đau buồn. Thế nhưng, nếu ai đã biết rõ về hai bà cụ này, từng nghe bà Agnes hứa là “sẽ nói với Chúa” nếu như bà lên thiên đàng trước, thì ngay lập tức, người đó sẽ tìm thấy niềm an ủi và bình yên. Cả hai người bạn thân này đã cùng trở về bên Chúa và họ chắc chắn sẽ mãi mãi bên nhau.
MARY TREACY O’KEEFE
Vòng quay kí ức
Tôi từng nghe ai đó đã nói rằng, ký ức, 80% là được gợi nhắc bởi mùi vị. Tôi không biết tỷ lệ phần trăm này có đúng không nữa, nhưng mỗi lần đưa một miếng bánh mì lúa mạch đen vào lò nướng là tôi lại nghĩ đến Laurie.
Năm mười hai tuổi, tôi phát hiện ra loại bánh mì nướng mà tôi vẫn ăn không phải là… bánh mì trắng. Lần đó tôi ngủ lại nhà của cô bạn thân, Laurie. Sáng hôm sau, lần đầu tiên ngửi thấy mùi thơm lừng của hạt carum trong chiếc bánh mì lúa mạch đen bị nướng cháy sém, tôi ngạc nhiên rồi bật cười khi phát hiện ra: cô nàng Laurie đang nướng bánh mì. Thế rồi Laurie cho tôi nếm thử một miếng,… thích mê tơi! Sáng hôm ấy, vừa ăn miếng bánh mì nướng giòn rụm, tôi vừa nhận ra rằng chỉ bằng cách làm đơn giản này, nhỏ bạn thân đã giúp tôi khám phá những điều thú vị khác nữa. Và đó là một trong những điều tốt nhất mà một người bạn thân làm được cho chúng ta.
Aristote định nghĩa tình bạn là hình ảnh của một tâm hồn tồn tại trong hai thể xác. Chắc chắn rồi, như Laurie và tôi vậy mà. Tình bạn của chúng tôi đã có từ thời thơ ấu, trước khi có bạn trai, và thời bồng bột của tuổi trẻ. Mối quan hệ thân thiết đó không ngờ lại là sự chuẩn bị hết sức tuyệt vời cho đời sống hôn nhân sau này của hai đứa. Hễ cứ rảnh lúc nào là hai đứa lại ở bên nhau lúc đó. Hai đứa học chung một lớp, thường tâm sự với nhau những điều thầm kín, đứa này chưa nói hết câu thì đứa kia đã biết trước bạn mình sẽ nói gì rồi. Hai đứa có chung niềm đam mê, nhiều lần tranh cãi rất hăng, nhưng vẫn gắn bó nhau không rời. Trong lòng chúng tôi không còn chỗ cho những đứa bạn nào khác không có cùng “tần số”.
Tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ thời hai đứa chỉ là hai nhóc tì mới toanh vào học lớp ba của một trường Cơ đốc giáo. Chúng tôi ngồi với nhau trong phòng ăn trưa, đều là nạn nhân tám tuổi bị tụi bạn cùng lớp tẩy chay, bị phân biệt đối xử; vì thế mà chẳng mấy chốc hai đứa trở thành đôi bạn thân. Chúng tôi không hề rời nhau trong suốt 5 năm học ở đó, cho đến khi bố mẹ tôi quyết định dời nhà mà không đếm xỉa gì đến tình cảm của hai người bạn nhỏ. Nhưng tình bạn của hai đứa vẫn sâu đậm - mặc kệ những lần dời nhà gần như là liên tục của ba mẹ - qua những cuộc họp mặt, những lần thi tốt nghiệp và những cuộc thám hiểm.
Suốt nhiều năm sau đó, thỉnh thoảng hai đứa mới liên lạc với nhau. Laurie đã viết thư cho tôi khi bố của bạn ấy mất. Tôi gửi bạn thiệp cưới khi lấy chồng và cứ mỗi khi có con, tôi đều gửi thư báo tin cho bạn biết; 5 năm Laurie mới viết thư trả lời tôi một lần. Mỗi lần nhận thư hồi âm của Laurie là một tôi bất ngờ với địa chỉ mới của bạn, báo hại tôi phải gạch bỏ địa chỉ cũ và sửa chữa danh bạ không biết bao nhiêu lần.
Laurie từng là một nhà thơ, một phóng viên, một họa sĩ ở Mexico, và cũng là một kiểm lâm ở những vùng xa xôi. Laurie thường trêu chọc những giấc mơ về cuộc sống lãng mạn của tôi là… quá chán! “Mình biết ngay là bồ chỉ muốn nhốt mình trong một hàng rào màu trắng mà thôi”, có lẽ Laurie sẽ trách tôi như thế. Tôi thường cảm thấy mình như một đóa hoa phong lữ yếu ớt làm cảnh bên bậu cửa sổ, bên cạnh là cành hồng leo hoang dại đầy sức sống - là bạn. Nhưng tôi luôn biết Laurie yêu thương tôi vì chính con người của tôi.
Qua bao năm tháng tôi lại nghĩ về Laurie ngày một nhiều hơn, dù cho hai chúng tôi ngày càng ít được gặp nhau. Giờ đây tôi ngắm nhìn bốn cô con gái của mình lớn lên, xinh tươi như những loài hoa biểu tượng cho mỗi tính cách khác nhau, tôi lại nhớ đến Laurie. Tôi nghe các con chọn trang phục, bàn luận về bạn bè, hay cố câu giờ để bạn bè được ở bên nhau thêm chút nữa, không câu nệ hình thức, mục tiêu, kế hoạch, hay cha mẹ của nhau – bọn trẻ luôn cố gắng thể hiện phẩm chất của chính mình, giống y như cách Laurie và tôi từng làm.
Đôi khi tôi nghĩ mình không thể già đến mức quên hết những điều này được. Tôi kể với đám con gái của mình rằng thời của mẹ không có đầu máy vidéo, muốn xem phim thì mẹ và cô Laurie phải đến rạp chiếu bóng, và chúng láu lỉnh hỏi lại: “Thế thời của mẹ không có điện hả?”
Ấy vậy mà trong ký ức tuổi thơ có lúc cũng gợn lên những bóng mây đen, đôi khi đáng yêu, đôi khi mãnh liệt, đó là tất cả những gì tôi phải rút ra để dạy các con gái của mình nên sống trung thực và sống hết mình. Tất cả những quyển sách nuôi dạy con trẻ trên kệ đều không thể gợi lên vết tích gì của một người bạn thân đã “mất dấu”, hay niềm vui được ở một mình bên bờ hồ vào một ngày mà ta ước chi chẳng bao giờ kết thúc.
Trong bức thư gửi cho tôi gần đây nhất, Laurie viết rằng bạn không còn làm kiểm lâm nữa, đã kết hôn và hiện đang sống trong một ngôi nhà bằng gỗ tuyết tùng mà hai vợ chồng gọi là “căn buồng phố thị”. Mùa hè vừa rồi là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại nhau sau 22 năm cách biệt. Sau khi đi thăm họ hàng, gia đình tôi đã đến “căn buồng” của Laurie dùng cơm tối với vợ chồng cô. Laurie và tôi trò chuyện, cười nói và quay trở lại với những năm tháng tưởng chừng đã mất. Khi tôi cho các con biết nhờ tình bạn thuở thiếu thời của tôi và Laurie mà tôi hiểu được cuộc sống của các con, tôi nhận thấy bọn trẻ đã có được một điều gì đó từ cuộc hội ngộ sau 22 năm này, một quãng thời gian gần gấp đôi tuổi đời của chúng. Hai người bạn cũ ôm nhau, trao nhau những tấm ảnh để chồng con hai bên được biết cuộc sống của mỗi người. Nhờ đó, các con gái của tôi hiểu rõ hơn tâm hồn, tính cách của mẹ chúng từ lúc còn thơ ấu cho đến tuổi thanh xuân.
Các con gái của tôi chỉ thấy được thời điểm Laurie và tôi gần bốn mươi tuổi. Nhưng một ngày nào đó, tất cả những gì diễn ra với chúng tôi sẽ lặp lại với các con tôi, các cháu sẽ hồi tưởng về những người bạn thời thơ ấu, có lẽ đó là khi các cháu nuôi dạy các con gái, khi chúng có được những người bạn thân thiết.
Trong ký ức của tôi có những vòng quay cuộc đời; trái tim tôi tràn đầy tình yêu thương đối với mỗi vòng ký ức ấy.
VALERIE SCHULTS
Nancy và Caroline
Bạn bè là những người giúp bạn được là chính mình thay vì trở thành con người mà bạn mong muốn.
Marle Shain
Trong một lần lau chùi dọn dẹp cái bàn viết cũ kỹ trong phòng làm việc, tôi phát hiện ra một bức ảnh. Bức ảnh đó đã ố vàng theo thời gian, và quăn queo các góc, nhưng nếu nhìn kỹ, tôi vẫn có thể nhìn ra gương mặt của hai bé gái, choàng tay ôm lấy nhau, miệng tươi cười nhìn vào ống kính. Những luồng sóng kí ức ập về trong tôi!
Bức ảnh ấy được chụp cách nay hai mươi bốn năm, lúc đó hai cô bé trong ảnh vừa tròn tám tuổi - Nancy, con gái út của tôi, và Caroline, một bé gái xinh xắn với mái tóc nâu óng ả và đôi mắt nâu to tròn.
Hai đứa rất thân nhau, luôn cặp kè với nhau như hình với bóng.
Tôi biết Nancy và Caroline đã gặp nhau ở một góc sân của trường mẫu giáo, và từ đó hai đứa chẳng bao giờ rời nhau. Trò chơi yêu thích nhất của hai đứa là mặc quần áo cho búp bê. Đó là một tình bạn đúng nghĩa.
Lên lớp hai, Nancy và Caroline trở thành một cặp khiến mọi người phải chú ý. Chúng quấn quýt bên nhau, và chỉ biết có nhau.
“Cô sẽ tách hai đứa ra”, bực mình vì không thể chịu đựng cảnh hai đứa cứ mè nheo để được ở gần nhau, hầu như ngày nào cô giáo cũng hăm he như thế. Nhưng vì quá cảm động trước tình cảm gắn bó của hai đứa, cô giáo không bao giờ có thể thực hiện được lời răn đe của mình.
Nhưng khi lên lớp ba, hai đứa không còn được học chung một lớp nữa. Ban đầu, trong cảnh thiếu vắng nhau, hai đứa luôn miệng oán thán số phận. Thế mà hai đứa trẻ vẫn xoay sở để gặp được nhau bất cứ lúc nào có thể – vào giờ ra chơi, lúc xếp hàng đi ăn trưa, hay trên chuyến xe buýt đưa đón học sinh… Chẳng đứa nào cần phải dặn “Nhớ dành chỗ cho tớ!” vì làm sao có thể ngồi xa bạn thân của mình kia chứ!
Rồi hai đứa đã trải qua thời thơ ấu vô tư; cùng chơi nhảy dây với nhau cho đến lúc đôi bàn chân phồng rộp lên, rồi cùng nhau xuống phố ăn kem vào những chiều thứ bảy; sau đó cùng nhau trải qua thời kỳ nổi mụn, thời biết mặc áo ngực, thời kỳ làm bối rối các chàng trai, và làm hoang mang các bậc cha mẹ, những người không còn khả năng hiểu con mình nữa.
Và bọn trẻ tin rằng cuộc sống này cứ mãi mãi êm đềm như thế.
Cho đến một ngày, trong tiếng nức nở, Caroline đã nói một câu không thể tin được: “Tớ sắp chuyển nhà đi rồi”.
Chuyển nhà đi. Bọn trẻ không thể hiểu nổi tại sao lại thế.
“Không công bằng!”, Nancy - con gái tôi - cay đắng nói, “Không công bằng chút nào!”
“Tớ sẽ không đi”, Caroline nói thật cương quyết.
Liên tục có những cuộc điện thoại đầy âu lo, những kế hoạch thì thầm trao đổi nhưng không bao giờ thực hiện được. Đau đớn nhất là chẳng có cách nào để hai đứa trẻ có thể thay đổi được số phận.
Vào một ngày sầu thảm, tấm biển rao bán nhà được dựng trên bãi cỏ nhà Caroline. Và chẳng cần chờ đợi lâu để tấm biển đó được hạ xuống, rồi có một chiếc xe tải chuyên làm dịch vụ chuyển nhà đậu trên lối vào nhà con bé. Trong nháy mắt, ba nhân viên vạm vỡ của dịch vụ chuyển nhà khênh ra nào là bàn bếp, nào ghế trường kỷ, và những con thú nhồi bông mà hai đứa nhỏ t yếm cưng nựng suốt một thời từ trẻ con cho đến tuổi dậy thì.
Hôm ấy, mọi người đều quá bận nên không ai để ý đến hai cô gái nhỏ mười bốn tuổi mặc đồ jean, đứng bên nhau trong ánh hoàng hôn, bịn rịn nói lời tạm biệt.
Bây giờ ngắm nhìn bức hình đã ố vàng của Nancy và Caroline, tôi liên tưởng đến một hình ảnh khác, hình ảnh hai cô bé nước mắt lăn dài trên má, đứng nhìn nhau trên bãi cỏ của một ngôi nhà trương biển bán.
Vào ngày hôm ấy, hai cô bé đã trải qua một trong những kinh nghiệm xót xa nhất trong đời: Bạn sẽ chẳng bao giờ có một người bạn thân nào khác giống như người bạn thân đầu tiên.
SALLY FRIEDMAN
Thế nào là một người bạn thân đúng nghĩa?
Chẳng có khóa học nào dạy chúng ta cách trở thành một người bạn thân, hay tìm một người bạn thân như thế nào. Cũng chẳng có dịch vụ môi giới nào giúp hò hẹn kết bạn để bạn có thể đăng ký. Nếu may mắn, bạn có thể bất ngờ tìm được một người bạn thân đúng nghĩa để gắn bó lâu dài.
Trong tình bạn cần có một “nguyên tố hóa học” kỳ lạ đóng vai trò là chất xúc tác. Là tôi muốn nói đến “nguyên tố hóa học” có tên là “khẩu” (miệng) đấy, nguyên tố này có đặc tính là rất cơ động. Nếu không, những gì bạn có chỉ là một mối quen biết xã giao vậy thôi.
Ai cũng có thể hiểu điều này, điều kiện đầu tiên để có tình bạn là trò chuyện liên tu bất tận trong vòng ít nhất là… bảy tiếng rưỡi, sau đó là đi về nhà và rồi lại gọi điện thoại cho nhau để nói về tất cả những thứ chưa được bàn bạc trực tiếp, chẳng hạn như trường hợp tôi và Judith, bạn thân nhất của tôi. Ấy bởi vì Judith là một người chuyên viết bài cho báo, giống như tôi. Chúng tôi gặp nhau ngoài phố, ở sở làm, về đến nhà lại gọi điện thoại, sau đó là viết thư cho nhau vì rất nhiều chuyện dang dở chưa được nói hết. Rồi còn gửi cho nhau bản photocopy bài viết của hai đứa về cuộc gặp gỡ và cuộc nói chuyện điện thoại vừa rồi nữa chứ!
Tại sao Judith lại trở thành bạn thân nhất của tôi ư? Cực kỳ dễ hiểu.
Này nhé, lần đầu tiên tôi đến nhà Judith chơi, đập vào mắt tôi là poster Purina Cat Chow to đùng được dán trên cửa tủ lạnh nhà bạn ấy, cả cái poster lẫn cách dán đều giống y chang cái poster tôi dán trên tủ lạnh nhà mình. Thế là chúng tôi trở thành bạn thân, thế thôi.
Chồng của chúng tôi đều là những người rất bình thường. Nhiều người khi tâm sự với bạn thân của mình thường ước ao có được một đức ông chồng “ngoại hạng”. Nếu được yêu cầu phải cung cấp thông tin để điền vào một biểu mẫu trước khi có chồng thì thế giới này chắc chắn sẽ thay đổi nhiều lắm, nhưng có ai làm như thế đâu.
Bây giờ thì chúng ta hãy xem lại các tiêu chuẩn để chọn một người bạn thân nhé: nói chuyện với nhau không dứt, biết trang trí tủ lạnh độc đáo, có một ông chồng bình thường. Bạn có cần thêm điều kiện gì nữa không? Còn chúng tôi, thế là đủ rồi.
Ồ, thật ra tôi đã quên một tiêu chuẩn tối quan trọng: rộng lượng. Tôi không có ý nói đến chuyện “rộng rãi về tiền bạc” đâu nhé! (Vì có rất ít phụ nữ quan tâm đến cái kiểu rộng rãi này). Đàn ông phát minh ra tiền, rồi họ lại phát minh ra các cao ốc văn phòng mát mẻ để làm chỗ trò chuyện về tiền bạc của mấy ông, rồi họ lại ghi các con số trên giấy để gửi
Còn với phụ nữ, khi nói đến “rộng lượng,” trong tình bạn thì tôi muốn nói đến sự thoáng đạt của tinh thần: không tị hiềm, không hẹp hòi, và cùng chí hướng. Bạn hẳn sẽ nói: “Chắc chắn là vậy rồi”, nhưng trời ạ, không dễ tìm thấy điều đó ở một người bạn đâu nhé.
Tôi từng có một người bạn thân là nhà vật lý trị liệu chuyên nghiệp, đó là một cô gái rất dễ thương. Rủi thay, nhà vật lý trị liệu và phóng viên chuyên viết bài cho trang hài hước trên các báo thì lại không hợp nhau lắm.
Lần đầu tiên nhìn thấy ngôi nhà của Marion, cô bạn là chuyên viên vật lý trị liệu, tôi nói đùa: “Ối trời, ngôi nhà gì mà lụp xụp thế!” (Thật ra đó là một ngôi nhà cực kỳ nguy nga và lộng lẫy, ai nhìn thấy cũng đều phải trầm trồ). Thế là Marion nhìn tôi và nói: “Stephanie này, bồ có vẻ hơi ác cảm với mình đấy”.
“Mình chỉ đùa thôi mà!” Tôi nói. Marion chỉ nhìn tôi như thể trên mặt tôi có một con cóc gớm ghiếc đang bám vào vậy.
Marion và tôi cố làm bạn với nhau được một thời gian ngắn, nhưng quan điểm của chúng tôi về cuộc sống hoàn toàn khác xa nhau. Theo cô ấy, tôi là kẻ mất trí; tôi cũng thừa nhận mình không bình thường, nhưng tôi xứng đáng được trả tiền cho cái “không bình thường” đó.
Sau đó tôi không qua lại với Mari nữa, vì tôi cảm thấy cô ấy hay xét nét từng lời ăn tiếng nói và cách hành xử của bạn bè. May mắn thay, Judith, bạn thân của tôi sau này thì lại không như thế.
Là như thế này, mới đây tôi có gọi cho Judith và nói: “Này, trong dịp lễ Tạ ơn sắp tới, bồ định viết cái gì đấy?”
Judith trả lời: “Về chuyện hút mỡ, mình viết rằng mỗi lần nhìn món xốt sền sệt làm từ trái việt quất là mình lại nghĩ hẳn đây chính là thứ mà người ta ăn vào để rồi lại phải tốn tiền để hút ra”.
Tôi reo lên: “Hay quá, mình có thể mượn tạm ý tưởng ấy không?”
Cô ấy đáp ngay: “Bồ cứ việc, thoải mái”.
Nhưng tôi đã không nói thật với bạn thân của mình: Bài viết của tôi không nói gì đến món nước xốt trái việt quất – mà ca ngợi óc hài hước của Judith.
Và bây giờ tôi phải dành khoảng bảy tiếng rưỡi trong lịch làm việc để gặp Judith thảo luận về điều này, trong khi ngồi một mình nặn óc ra để viết thì có thể mất… bốn tiếng rưỡi mà thôi.
STEPHANIE BRUSH