Tuổi thiếu niên kỳ lạ - Chương 07

 

Gương mặt của hy vọng

Tôi gặp Marlene cách đây hơn ba mươi năm, khi gia đình tôi vừa mới chuyển đến sống ở một thung lũng nhỏ nhưng giàu tôm cá, một vùng hoang dã chỉ có dân Na Uy và bộ lạc Nuxalk bản địa sinh sống. Mẹ của Marlene là một cô dâu người Đức, và gia đình họ đã đến sống ở thung lũng này chúng tôi vài năm.

Tôi chưa từng thấy một cô gái nào xinh đẹp như Marlene, với mái tóc màu vàng óng như mật ong và cặp mắt xanh lơ rụt rè. Lần đầu gặp nhau là lúc hai đứa đang học lớp bốn, và Marlene được xếp ngồi bên cạnh tôi. Vì gia đình chúng tôi bị xem là người nước ngoài, không phải dân bản xứ cũng chẳng phải người Na Uy, nên Marlene và tôi lập tức trở thành “người cùng cảnh ngộ”. Hai đứa chia sẻ với nhau mọi thứ, những bí mật, những khao khát và những ước mơ.

Chúng tôi đều lập gia đình khi còn rất trẻ, vẫn còn trong độ tuổi trăng tròn. Marlene kết hôn với một người thuộc bộ lạc da đỏ Nuxalk, con trai của người thợ săn gấu xám. Còn tôi lập gia đình với một người Pháp ở thị thành. Cả hai đều sinh con gái đầu lòng.

Rồi cùng lúc, cả hai đứa đều ly hôn. Vài năm sau tôi chuyển nhà khỏi thung lũng ấy, còn Marlene vẫn ở trong ngôi nhà nhỏ bên bờ sông, một phụ nữ da trắng xinh đẹp sống chung với bộ lạc da đỏ cùng với cô con gái Phoebe.

Khi quay trở lại thung lũng cùng với con gái, tôi và Marlene lại quấn quýt bên nhau như thể hai đứa sẽ không bao giờ rời xa nhau vậy. Như hai chị em ruột, chúng tôi luôn ở bên nhau khi gặp khó khăn, và cũng như bất kì chị em ruột nào, thỉnh thoảng chúng tôi cũng cãi cọ, cắn đắng nhau, hiểu lầm nhau và đố kỵ nhau. Chẳng hạn như người này nẫng mất người bạn trai mà người kia đang để ý. Nhưng rồi chúng tôi lại mau chóng làm hòa với nhau.

Hai đứa con gái của chúng tôi lớn lên và bọn trẻ cũng trở thành bạn thân của nhau, cùng nhau chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, như Marlene và tôi vậy.

Thế rồi một ngày kia, Marlene và tôi phải chia tay nhau, mỗi đứa một nơi, và không còn thường xuyên liên lạc với nhau nữa. Có lúc tưởng như tình bạn của chúng tôi đã phai nhạt, nhưng thực ra chỉ vì gánh nặng và áp lực của những bà mẹ đơn thân phải làm việc để nuôi con mà thôi.

Con gái của tôi vào đại học, còn Phoebe, con gái của Marlene lại trở thành một nhiếp ảnh gia không chuyên. Tôi khuyến khích Phoebe đi theo nghề người mẫu vì con bé rất xinh đẹp, hệt như mẹ nó vậy. Nhưng Phoebe vốn rất nhút nhát, hiền lành, yêu sự cô độc và rừng núi…, và cô bé đã từ chối những cơ hội làm việc hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi yêu thương Phoebe như con gái mình vậy nên luôn khích lệ Phoebe theo đuổi những ước mơ của chính nó. Nhưng con bé không thể thực hiện ước mơ của nó nữa.

Mẹ đã gọi cho tôi và nói: “Con à, Phoebe chết rồi, thật đấy!”. Tự nhiên tôi rùng mình khi nhìn ánh nắng California, quyện với mùi thơm của món gà chiên ngon lành trong căn bếp nhỏ của tôi. Tôi cứ nhìn mãi tấm hình cưới vừa chụp cách đây một tuần của tôi để trên nóc tủ lạnh, không dám hình dung cái tin đáng sợ kia như một con vật ghê tởm đang uốn lượn trong sợi dây điện thoại ngoằn ngoèo.

Tôi không thể tin đó là sự thật khi mẹ tôi kể sơ chuyện Phoebe bị giết vào đêm hôm trước. Tôi hầu như có thể cảm nhận được sự tuyệt vọng của Marlene, và khi quay số gọi Marlene, tôi thầm cầu xin Marlene có được sức mạnh và ý chí. Tiếng than khóc đau đớn của Marlene như xuyên thấu trái tim tôi. Dường như có đến hai nạn nhân bị sát hại chứ không phải một, Phoebe và Marlene, mẹ con bé, bạn thân của tôi.

“Ngày mai mình sẽ đến đó”, tôi nói trong tiếng khóc và trong hình ảnh của Phoebe. Phoebe, thật xinh xắn, thật dịu hiền. Tôi nhắm mắt lại và đau nhói khi nghĩ đến con gái của mình. Làm sao bạn tôi có thể chịu đựng một nỗi đau kinh khủng đến dường này cơ chứ?

Marlene gác máy và tôi báo với người chồng mới cưới rằng ngày hôm sau tôi sẽ đi Canada.

Khi máy bay đáp xuống Vancouver, chị tôi và tôi lái xe đến nhà của Marlene ngay.

Chúng tôi lập tức được chào đón trong hương thơm của rất nhiều hoa tươi, trong vòng tay ấm áp của mấy chị em Marlene, tất cả chúng tôi đều khóc, khóc trong nỗi đau quá bất ngờ.

Trước ngày tang lễ, tôi xuống phòng làm việc của Marlene, ngồi trước bức chân dung tuyệt đẹp của Phoebe – Phoebe trong ảnh tươi tắn tràn đầy sức sống – và viết những dòng điếu văn cho con bé.

Ngày hôm sau, Marlene và tôi siết chặt bàn tay nhau khi cùng ngồi trên xe tang đến nghĩa trang. Không biết sao tôi lúc đó lại có đủ sức để đọc hết bài điếu văn đó nữa. Vừa đọc, tôi vừa nhìn bạn tôi trong nỗi đau vô hạn không thể nói được bằng lời. Tại sao một cô bé xinh đẹp hiếm có và rất đỗi dịu dàng như Phoebe lại vội vàng vĩnh biệt cuộc đời sớm như thế? Một cô bé đặc biệt như Phoebe lẽ ra không thể rời khỏi trần gian vì một hành động dã man như vậy.

Sau buổi lễ, đứng cuối nhà nguyện, tôi nhìn thấy Marlene, nức nở, tan nát cả cõi lòng, vật vã bên quan tài của con gái và van xin con đừng bỏ đi. Nỗi buồn đau dâng lên như bóp nghẹt trái tim tôi khi Marlene bám chặt vào quan tài của Phoebe, khóc ngất trong vòng tay của chồng cô ấy. Tôi nghĩ đến con gái mình, không dám tưởng tượng việc mình mất đi đứa con yêu dấu vì bị tên bạn trai xấu xa bóp cổ cho đến chết, như Marlene mất Phoebe.

Mãi lâu sau chồng của Marlene mới có thể dìu vợ khỏi quan tài của đứa con gái duy nhất mà không bao giờ Marlene muốn rời xa. Khó khăn lắm chúng tôi mới xoay sở đưa được cô ấy về nhà.

Vài ngày sau, tôi và Marlene lục trong các ngăn kéo của cô ấy và lấy ra những bức ảnh đã chụp cách đây ba thập niên – những bức ảnh lưu giữ năm tháng tuổi trẻ, hy vọng và sức mạnh. Ngồi bệt xuống sàn trong phòng sinh hoạt chung của gia đình Marlene, chúng tôi cùng cười rồi khóc với nhau về rất nhiều kỉ niệm trong những năm tháng đã qua của chúng tôi và của các con nữa. Và sợi dây tình cảm giữa chúng tôi được thắt chặt hơn bao giờ hết.

Sau cái chết của Phoebe ít lâu, Marlene làm một bộ sưu tập ảnh thật to về cuộc đời của con gái. Bộ sưu tập này đánh dấu từng chặng đường đời của Phoebe và được treo trên tường phòng khách của Marlene. Trên nóc lò sưởi, hũ tro hài cốt của Phoebe, dấu ấn về nỗi đau của người mẹ, được đặt ở vị trí trang trọng nhất

Mới đó mà Phoebe mất đã được hai năm, nhưng hiện giờ, Marlene vẫn còn một nhiệm vụ lớn lao, đó cũng là một trách nhiệm cao quý giúp cô ấy vững bước về phía trước và làm tươi mới lại tâm hồn đã khô héo của mình. Tôi biết rõ nhiệm vụ ấy, Dylan, con trai của Phoebe, giờ đã được bốn tuổi. Gương mặt thằng bé thật xinh xắn với nụ cười thẹn thò của người mẹ đã mất, người mẹ mà cháu bảo với tôi rằng đang nhảy múa với các thiên thần. Dylan, chính là gương mặt của tương lai, gương mặt của tình yêu, gương mặt của báu vật, và là gương mặt của hy vọng, của Marlene.

 

Chiếc ghế của nghệ sĩ

Tình bạn là một trong những niềm vui ngọt ngào nhất trong đời. Nhiều người hẳn đã cảm thấy thất bại cay đắng cũng vì không có ai bầu bạn.

Charles H. Spurgeon

Nó trông giống như một cái ghế cũ kỹ bị vứt ra ngoài vệ đường cùng với rác thải trong tuần. Sue – họa sĩ, cô bạn thân đồng thời cũng là chị dâu của tôi, cho biết: “Nó là đồ cổ. Chị đã từng nhìn thấy nó trong những bức họa nổi tiếng. Đó là cái ghế của một nghệ sĩ”.

Và thế là chúng tôi đánh vật với nó, từ cách nhà rất xa, phải qua sáu cái cao ốc để khệ nệ khênh nó về nhà. Chúng tôi mỗi người một bên, âu yếm nâng niu nó. Cuối cùng cái ghế gỗ màu trắng có lưng tựa làm bằng những thanh gỗ, và tay ghế uốn lượn thật duyên dáng ấy được đặt ở hiên trước nhà tôi. Khi rũ bỏ hết đống rác rưởi bám xung quanh, cái ghế lấy lại phong thái vương giả của nó, như thể nó chỉ dành cho các ông hoàng bà chúa ngồi mà thôi. Ai cũng có thể dễ dàng biết rằng một họa sĩ tài hoa như Sue sẽ lột tả hết tất cả nét vương giả của chiếc ghế trên vải bạt. Tôi biết đó là ý định của cô ấy.

Chúng tôi đều nghĩ rằng Sue sẽ mang theo cái ghế về Maryland, cách nhà tôi bốn tiếng lái xe, nhưng cái ghế lại có ý riêng của nó. Băng ghế sau của chiếc xe không vừa với nó. Dù chúng tôi có cố gắng thế nào, hết đẩy rồi lại ấn, cái ghế cũng nhất định không chịu lọt vào cái thùng xe đầy nhóc mấy cái valy to đùng của gia đình bốn người. Và cũng thế, việc buộc cái ghế trên nóc xe càng không thể xem là một phương án khả thi. Đưa mắt nhìn cái ghế một cách dịu dàng âu yếm, Sue thì thầm: “Chắc chị phải để nó ở lại đây rồi lần tới sẽ ghé lấy vậy”.

Tôi vẫy tay chào tạm biệt Sue và khoan khoái ngồi vào cái ghế của nghệ sĩ ấy. Lần kế tiếp, Sue vẫn chỉ có mỗi chiếc xe ấy, và vẫn gặp phải những khó khăn như lần trước. Quá nhiều hành lý, quá chừng là người. Cái kiểu thiết kế uốn lượn của tay ghế làm cho nó không thể xoay theo hướng mình muốn được. “Lần sau chị sẽ lấy nó đi”, Sue nói như đinh đóng cột. Cứ thế, cứ thế, hết lần này đến lần khác chúng tôi đều cố hết sức để Sue có thể đem nó đi. Kể cả những lần ít hành lý hoặc ít người hơn, thì cái ghế cứ mãi cứng đầu nhất định không chịu lọt vào xe, cứ như thể nó đã quyết tâm là phải ở lại trước hiên nhà tôi vậy.

Tôi không thể phản đối quyết định của nó. Tôi dần quen với việc chiều chiều ra ngồi trên chiếc ghế mơ màng nghĩ ngợi, và mỗi ngày tôi lại háo hức trông chờ được ngắm nghía vẻ đẹp tinh tế của nó. Dĩ nhiên là nó không phật lòng khi nó là cái ghế duy nhất mà bất cứ ai đi ngang qua hiên nhà tôi cũng phải chú ý.

Một năm, rồi hai năm, cái ghế vẫn còn ở đó. Mùa hè quất những trận bão lên nó, mùa đông phủ những lớp tuyết trắng xốp và lớp băng nặng nề lên “người” nó. Cái ghế trắng của nghệ sĩ vẫn “kiên cường” trước những khắc nghiệt của thời tiết với vẻ kiêu sa mà không một cái ghế nào để ngoài hiên có thể sánh bằng.

Cuối mùa hè năm thứ hai, tôi quét thêm một lớp sơn trắng lên cái ghế của tôi; phải, cái ghế của tôi là cách mà giờ đây tôi nghĩ đến nó. Thế là một ngày nọ, khi Sue phân vân “Chẳng biết có khi nào chị đem được cái ghế này về Maryland không nữa”, tôi nghĩ rằng mọi chuyện giờ đây đã an bài. Dù tôi có vừa nói vừa cười thì chị ấy cũng không thể hiểu nhầm: “Chị đã có cơ hội có nó mà không chịu nắm lấy đấy nhé. Bây giờ nó là ghế của em. Em không thể xa nó được. Nó là một phần của gia đình em rồi”.

Chúng tôi thôi không nói về cái ghế nữa. Đến năm thứ ba, tôi đưa cái ghế vào trong nhà. Nó nằm ở phòng sinh hoạt chung, và sau đó tôi đưa nó lên lầu, để ở phòng khách, nơi tôi hay ngồi ngẫm nghĩ những chuyện quan trọng trong ngày. Tôi đặt một cái gối hoa trên mặt ghế, bên phải là một chậu cây xanh và bên trái là một bình nước.

Tôi tự thuyết phục mình rằng cái ghế rất hài lòng, và tôi tin là nó biết nó đã tìm thấy một mái ấm an toàn. Căn phòng tràn đầy ánh nắng, thi thoảng có một chú mèo nhỏ nằm cuộn tròn trên chiếc gối hoa và tiếng rên grừ grừ của miu ta vang lên ấm áp từ trong lòng ghế. Năm thứ năm trôi qua, tôi có quyền cảm thấy cái ghế thực sự là của tôi (vì Sue chẳng còn nhắc nhở gì đến nó nữa), nhưng nếu để ý, tôi thấy những ánh nhìn tư lự thật lâu của Sue bất cứ khi nào chị nhìn về hướng cái ghế. Tôi ra sức tự biện hộ rằng đấy không phải là lỗi của tôi. Cái ghế của nghệ sĩ ở nơi nào nó thích.

Nhiều năm sau, khi cái ghế đã trở thành một vật bất di bất dịch trong nhà tôi và tôi không còn xem nó là một vật đặc biệt nữa, khi mọi suy nghĩ về một họa sĩ nắm được cái thần của một chiếc ghế đã phai nhạt, thì Sue lại bị hết trận cảm cúm này đến đợt sốt siêu vi khác. Chị ấy không thể làm việc trong phòng vẽ của chị nữa, cũng không còn muốn nói về cái ghế nữa, thậm chí với cả tôi. Đến lượt tôi không còn hào hứng với công việc, không thể tập trung vào bất kỳ mục tiêu viết lách dài hạn nào. Tôi cũng không muốn nói về cái ghe. Mối quan hệ sâu sắc của chúng tôi đã được xây dựng trên nghề văn và được hỗ trợ thêm bởi nghiệp họa. Thế mà giờ đây, các cuộc trò chuyện của chúng tôi dần ít đi. Những điều chúng tôi không nói với nhau ngày một nhiều hơn.

Cuối tuần nọ bọn trẻ nhà Sue đến thăm gia đình tôi mà không có bố mẹ đi cùng. Suốt thời gian các cháu ở chơi, tôi cứ nghĩ đến người bạn thân thiết của mình đang nằm ở nhà. Tôi nhớ và cần đến tình thân của chị ấy biết bao, và nhận thấy rằng tôi đang để cho tình thân ấy dần trôi tuột mất qua kẽ tay.

Tôi ngồi lên cái ghế của nghệ sĩ và nghĩ về điều đó, nghĩ đến những năm tháng Sue và tôi luôn nhớ đến nhau ngày một nhiều hơn như thể chúng tôi không bao giờ vơi cạn những điều cần chia sẻ. Từ chỗ ngồi này, tôi có thể nhìn thấy chiếc xe của các cháu. Đó là một chiếc xe mới, một chiếc xe to hơn. Tôi tự nhủ “ Quên nó đi. Mình hãy nghĩ đến thứ gì khác ngoài cái ghế để làm cho Sue hiểu rằng mình luôn yêu chị ấy”.

Tôi chạy xe đến tiệm bánh, mua nửa chục bánh bông lan sôcôla (thứ bánh Sue rất thích ăn), bốn chiếc bánh nướng xốp và hai tá bánh mì tròn. Tôi lấy ra hai cái lọ mà tôi may mắn mua được ở một chỗ bán hàng hạ giá với dự định làm quà cho Sue khi chị ấy ghé thăm tôi. Thường thì tôi hay tìm mấy thứ đồ gốm đặc biệt để Sue làm mẫu cho những bức tranh tĩnh vật của chị. Tôi gói tất cả những món quà ấy lại cẩn thận và đặt chúng vào thùng xe. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, nơi sự thật thường được giấu kín, tôi biết điều tôi phải làm và thứ tôi phải cho. Tôi nói với cháu trai khi thằng bé mang cái ghế của nghệ sĩ từ trên lầu cao xuống:

- Nhớ nhé David, nếu cái ghế này để không vừa vào chỗ băng ghế sau xe thì cháu cũng đừng đẩy nó, đừng ấn nó, và cũng đừng ra sức tống nó vào cho bằng được.

Nhưng tôi biết là nó chắc chắn sẽ vừa. Thật dễ dàng và nhẹ nhàng, như thể cái ghế đã sẵn sàng nói lời chia tay với tôi, để đến nơi mà nó biết là cần phải đến.

Đêm hôm đó Sue gọi điện, sự phấn khích và sức sống của chị vỡ oà trong điện thoại:

- Chị không thể tin là em lại cho chị cái ghế.

Chị ấy cứ lặp đi lặp

- Chị biết em thích nó lắm. Chị hứa sẽ chăm sóc, giữ gìn nó cẩn thận và yêu nó thật nhiều.

Và thế là hai chị em lại nói về mọi chuyện mà trước giờ không thể nói với nhau.

Cái ghế được đặt trong phòng vẽ của Sue ở Maryland. Có thể tôi sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được cái ghế nào như thế, nhưng tôi cũng sẽ không bao giờ có thể nhân đôi được tình bạn mà tôi đã sẻ chia với Sue.

HARRIET MAY SAVITZ

[Lời tác giả: Bức họa Chiếc ghế của nghệ sĩ, do bạn tôi – Susan Blastein vẽ, được trưng bày tại Bảo tàng Woodmere ở Chestnut Hill, Pennsylvania, và tại Dinh thống đốc ởAnnapolis, Maryland. Susan Blastein đã qua đời vào tháng Tư năm 2000.]

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3