Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 02:Những đêm châu chấu - P1

Tôi đã tưởng mình sẽ không bao giờ còn gặp lại người thân được nữa. Con châu chấu chúa xanh ngọc có cái đầu gồ ghề ương bướng, đôi cánh cứng, xanh biếc y hệt hai nửa chiếc lá tre gân guốc xếp vào nhau, cùng lớp áo trong màu hồng mỏng tang óng ánh rực rỡ, đẹp tuyệt vời, đã dẫn dụ tôi vào sâu tít giữa bãi ngô rồi mất hút. Một mình giữa tứ bề là những thân ngô cao ngút đầu người, tôi không biết lối ra. Nhìn đâu, ngó đâu cũng thấy giống nhau. Những thân ngô chằn chặn, đốt khúc thẳng đứng, mập mạp căng tràn nhựa sống. Những thân ngô chành chọe, lá xanh mướt, so le hai, ba trái bắp xanh nõn, nhinh nhính, tròn tròn, cỡ bằng quả chuối tây, đầu hồng hồng lõa xõa những bím râu non tơ bóng bẩy. Ngẩng mặt lên, chỉ thấy những ngọn cờ ngô phủ đầy phấn vàng, lắc lư, vung vẩy. Dăm ba chú ong nâu lượn vòng số tám, rập rờn đậu bay. Mặt đất nơi tôi đang đứng, cỏ ngọt, hoa cúc dại, cây cứt lợn, khoai tàu và dây dưa, bầu bí lác đác hoa vàng, trái quả còi cọc xanh xao lặng lẽ nằm giữa kẽ lá nhợt nhạt vì thiếu ánh nắng... Giống nhau thế. Đi hết hướng này, chuyển hướng khác, xoay ngang, tiến dọc, về trái, qua phải, tới mỏi hết cả chân mà vẫn không tìm được đường ra. Tôi lạc lối mất rồi...

Bãi ngô quê tôi rộng lắm. Người quê tôi không trồng ngô theo luống, theo hàng. Đứng gần những gốc ngô cách nhau đều đặn, lơ phơ tưởng là dễ dãi nhưng thực ra, ngô quê tôi mọc phóng túng, tự do, ngang tàng cùng bước chân mau thưa và vết bập bai, bập gậy nhịp nhàng của người gieo giống. Đất quê tôi phì nhiêu. Hầu như hạt giống nào rơi xuống đều bén rễ đẩy cao cái mầm tí hin mới hé mắt khỏi vỏ hạt, dần dần xanh um lên. Những cây ngô nhỏ, bé con, miên man, bát ngát chạy từ bờ sông tràn vào thung lũng rồi trườn lên sườn đồi. Khi những cây ngô lã xã ngang mắt cá chân, bắt đầu đợt làm cỏ đầu tiên. Khéo léo đưa nhanh cái bai sắt cào xé cỏ dại, chúng tôi vừa vun đất vừa tỉa bớt những cây ngô còi cọc mọc dày, tranh nhau vươn lên từ cùng một núm đất. Gió lồng lộng thổi, mỏi lưng, đứng nghỉ, chống tay bên hông, tháo nón, bỏ khăn che mặt, phe phẩy quạt mà ngắm nhìn. Một màu xanh non tươi rập rờn mát rượi trải ra bát ngát. Quê tôi, không ai rào rẫy, khoanh đất, đắp kè, be bờ, đóng cọc, trồng cây... phân chia ranh giới bãi ngô riêng. Cứ thấy đất còn trống là tới bạt cỏ, chặt lau lách, đốn cây, đốt tro, thả hạt xuống. Có lỡ tay quá sang nhà người khác cũng chẳng sao. Mùa thu hoạch, nhiều khi có khoảnh ngô bắp mẩy căng, già úa, héo gục, đợi mãi chẳng ai nhận mà bẻ về...

Nhưng khi ngô lên cao quá đầu người, lứa cào cỏ thứ ba trước lúc bông ngô đơm phấn vài ngày chuẩn bị làm hạt thì là chuyện khác. Lúc ấy, tất cả đều chìm xuống dưới những cây ngô cao, xanh tươi mướt mát. Tầm mắt bị che khuất, không nhìn đi nơi xa được, không sao biết được mình đang ở nơi nào giữa bãi xanh mênh mông...

Nếu tôi lớn hơn, tức là khi tôi đã được cha và anh truyền dạy cho đôi chút kinh nghiệm cuộc sống; tôi có thể trông hướng gió thổi qua tàu ngô; nhìn tia nắng mặt trời chiếu rọi trên kẽ lá; áp tai trên đất nghe ngóng tiếng động cuồn cuộn ầm ì của dòng sông chảy tít tắp xa kia vọng lại; hay đơn giản, ghi nhớ tảng đá, ụ mối, gộc cây mục nát phủ đầy tai nấm... tôi sẽ tìm được lối đi của mình.

Nhưng khi ấy, tôi còn bé quá, cha và anh chưa kịp nghĩ tôi cần biết tới những điều này. Bởi thế, loay hoay, cuống quít, mệt nhoài, rời rã, hốt hoảng và sợ hãi, tôi vẫn không thoát khỏi rừng ngô. Tôi hú hét, khóc lóc, đấm đá lung tung, giậm ngã những thân ngô cùm kẹp quanh mình. Bất lực quá, tôi ngồi bệt xuống đất, mồ hôi ròng ròng trên má và bên bết trên tóc. Tôi cào tay bẻ vụn những thân ngô, miệng nhai, cắn, xé, càm bắp non côm cốp cho đến hết cả vị ngòn ngọt, ngậy ngậy chuyển sang vãi vụn, nát nhừ nhệu nhạo trong miệng. Cổ tôi lờ lợ, khát khao. Môi và lưỡi nứt nẻ, tay chân, mặt mũi đều xước sát vết lá ngô cào. Nước mắt tôi lã chã rơi xuống cỏ; xót xa, bỏng rẫy, đau đớn trên những vết thương rớm máu nơi da thịt.

Cũng may, con chó nhỏ khôn ngoan đã không bỏ rơi tôi. Vào lúc tôi lả đi, còng queo nằm trên đất, bằng sự nhạy cảm, trung thành, tận tụy bản năng giống nòi, nó đã dẫn bố và anh kịp tìm đến cõng tôi trở về nhà.

Kể từ ấy, dẫu là đi cùng nhiều người trên lối mòn xuyên qua bãi ngô, tôi vẫn không sao quên được cảm giác ngài ngại. Chính xác ra là sự ngượng nghịu, hổ thẹn của kẻ đã từng bị thất bại và biết chắc sẽ tiếp tục thất bại trước đối tượng mình vốn rất xem thường. Những cây ngô hiền lành, dịu dàng, trầm mặc ấy đã bủa vây, giam giữ và khuất phục được tôi. Sự yên bình nhưng sâu thẳm, rời rạc mà mênh mông, giản dị và thân thiết, xa xôi nhưng gắn bó của chúng mình như chứa đựng điều gì đó rất lớn lao mà tôi chỉ cảm giác thấy chứ không bao giờ hiểu được. Tôi không còn đủ can đảm chui vào bãi ngô một mình. Đến mùa thu hoạch, cõng gùi trên lưng trĩu nặng, tay thoăn thoắt bẻ bắp, hết cây nào, tôi dùng chân đạp gãy hoặc lia dao phạt cụt gốc ngay đến đó để cuối buổi bó thân ngô cho bò ngựa ăn, để thân ngô mau khô đốt thành tro bụi rải lên bến bãi. Và cũng là để đánh dấu lối về.

*

Nhưng tôi vẫn rất thích được theo bố và anh ra chòi canh ngô. Không phải canh kẻ trộm. Thú rừng hoặc loài chim chóc lạ lùng gì đó thi thoảng vẫn lẻn về phá đám. Chốc chốc, từ các chòi canh lại hức lên tiếng tù và, tiếng mõ, tiếng chập cheng, phèng la và cả tiếng rúc tay làm hiệu. Cảnh báo, dọa dẫm, xua đuổi lũ động vật càn quấy nhưng nhiều khi cũng là để trêu chọc, đùa chơi. Nằm trong chòi vắng, cả đêm dễ chán ngán, buồn quá, phải đánh tiếng như thế rủ rê nhau đến tụ tập ở chòi ai đó uống rượu, nhấm nháp bắp ngô non nướng và khề khà chuyện mùa màng, thời tiết, săn bắn... cho đến lúc bình minh. Dĩ nhiên, đấy là việc của bố tôi và những người đàn ông lớn tuổi khác, còn với hai anh em tôi thì được ngồi chầu rìa hoặc rúc giữa ổ rơm ấm áp trong góc chòi lắng nghe cũng là điều sung sướng lắm rồi.

Bố đi vắng nhưng anh em tôi vẫn rủ rê nhau lừa gạt con chó vàng ở lại giữ nhà còn mình thì mò ra chòi ngô từ chiều chập choạng. Chúng tôi luôn kiếm cớ để mau chóng được đặt bàn chân lên những nấc cầu thang làm bằng cành tre gân guốc xù xì trèo vào cái chòi lợp lá mía cao ngút, phập phào và ngật ngưỡng ấy. Ở trên chòi, trong đêm, thấy bãi ngô càng rộng mãi ra, lấp lóa dưới trăng sao. Gió đêm lào xào, dồn đuổi những gợn sóng lá ngô nghều ngào, uốn éo. Xanh xanh, trắng trắng, đen đen... các sắc màu lung linh, run rẩy, rập rờn đan quyện vào nhau. Hàng vạn âm thanh vội vã dội về rồi lại cuống quít dời đi. Những con côn trùng rỉ rả. Những con chim không có tổ, ngủ trọ dưới gốc ngô hay bụi cỏ, thổn thức tâm sự kẻ vô gia cư. Vách núi xa lắc thảng thốt, tiếng sông, tiếng rừng hòa vào tiếng gió thổi tạo thành giai điệu kỳ bí. Bầu trời thăm thẳm trên đầu đang chùng thấp gần xuống. Vầng trăng khuyết cong xanh xao, hư ảo, tư lự treo trên những đám mây sương trắng đục ùn ùn trôi ngang. Những ngôi sao tít tắp xòe mở tám cánh, mười cánh, rất nhiều cành vàng rực, cháy bừng tia lửa không bao giờ tắt... Những ngọn cờ ngô run rẩy, lặng thầm, long lanh. Những thân ngô, lá ngô ướt đẫm sương đêm, mỏng manh óng ánh như nhúng bạc. Đêm thâm trầm, rực rỡ, huyền ảo, hoang vu, mênh mông, kỳ vĩ và bí ẩn. Có cái gì đó vừa sợ hãi nhưng mê đắm, thích thú và vui sướng, bay bổng, xao xuyến tâm hồn. Hai anh em tôi vùi kín mình dưới những cọng rơm vàng còn thơm hương lúa mới, hết mở to mắt chăm chăm nhìn như muốn thu gọn cả bầu trời đêm làm thế giới riêng mình; rồi lại nhắm nghiền mắt, tai căng ra lắng nghe những tiếng động ngay phía bên ngoài, trên rừng ngô kia... Những lúc ấy, chúng tôi thấy mình như là thứ gì đó thật to lớn, chắc chắn không thể thiếu được giữa cõi mênh mông, phiêu bồng, huyền hoặc kỳ diệu ấy. Và lại thấy mình cũng chẳng là cái gì cả, đã tan biến đi, đã hòa vào sương mây, cát bụi, cỏ cây của vũ trụ bao la kia rồi...

- Con nghé! Con nghé rừng! Nó lại vào bãi ngô đấy! Hai anh em mình trèo xuống bắt về nuôi nhé!

Anh tôi vội vã giật giật tay tôi, nói thì thào. Đôi tai phật có chiếc vành vểnh choãi chếch dưới đuôi mắt dài thông minh của anh tôi khe khẽ vẫy vẫy. Lòng khấp khởi, chúng tôi nhẹ nhàng trườn ra cửa chòi, kéo tấm liếp, nghe ngóng. Đúng là có những tiếng lào xào. Tiếng lào xào, phập phào của những cây lá bị thân thể con vật nào đó lách qua khiến chúng va chạm vào nhau mà phát ra tiếng động. Rất khẽ, rất êm... Chúng tôi nghĩ đến con trâu con trong bầy trâu rừng đã từng tìm vào bãi, ăn vạt cả khoảnh ngô lúc cây cao ngang thắt lưng. Bị mọi người gõ mõ, đánh phèng la, hò hét, dọa đuổi, những động vật hoang dã ấy hoảng hốt tung vó lồng tế lên, cắm cổ thục mạng lao về phía đầm lầy. Duy nhất có con nghé quá ham chơi chui sâu vào bãi, lũn cũn, nhùng nhằng, líu ríu chạy sau bầy đàn. Một con trâu cái, chắc chắn là trâu mẹ rồi, quay vòng lại, thúc vào hông nghé con, nó mới tỉnh ngộ cuống cuồng bôn móng phi lên phía trước. Mẹ trâu chĩa đôi sừng cong, vểnh nhọn hoạn hoắt chứ không vút quặp như trâu nhà, lườm nguýt chúng tôi bằng đôi mắt đỏ ngầu dữ dằn như muốn bảo: "To gan động thử vào con ta xem nào. Húc cho một cái, lòi ruột ra, cấm trách!". Trâu rừng nhanh nhẹn tinh khôn hơn trâu nhà. Người nó nhỏ, gầy, lông dày, đen, bẩn thỉu... Nhưng anh em tôi chẳng sợ. Chúng tôi có ác ý với bầy trâu rừng đâu, người lớn chỉ dọa đuổi vì bọn này làm bậy, phá hại ngô non, còn anh em tôi chỉ muốn được nuôi, được bầu bạn với nghé rừng thôi mà. Quê tôi, không có thói quen ăn thịt trâu hoặc những con vật đã cùng lao động cực nhọc với mình. Khi chúng già, ai còn nghèo túng, muốn gỡ gạc đôi chút tiền nong sắm sanh con mới thay thế thì dắt tới chợ xa, vừa bán vừa cho; giao thừng, cầm tiền xong là cắm đầu đi ngay, lòng khắc khoải day dứt mãi. Ai khá giả hơn thì dẫn con già cũ ra đồng cỏ, ra đầm lầy xa nơi người ở, phóng thích cho trở lại rừng thẳm, non nước tự do, còn ai sâu tình nặng nghĩa thì vẫn giữ lại nhà, chăn dắt báo cô, khi chúng chết thì đem chôn. Giữa bãi ngô, thi thoảng vẫn nổi lên những khúc xương bò, những hàm răng ngựa hoặc đầu lâu trâu còn nguyên cặp sừng mun giác. Nơi đấy, anh tôi bảo là mả trâu, mả bò, mả ngựa... Nhà chúng tôi chỉ có ngựa, láng giềng có bò nên thường đổi công nhau kéo xe, chở gỗ, ép mật hay cày bừa. Nhưng bò và ngựa không khỏe bằng trâu. Chúng cũng không thể cõng anh em tôi trên lưng bơi qua sông rộng dào dạt nước như tôi đã từng thấy bọn trẻ vùng bên cạnh vào mùa hè vẫn làm như thế. Chúng tôi rất mong bố mua trâu nhưng thấy bảo trâu rất đắt, phải dành dụm tiền bán ngô và hoa màu trong nhiều năm mới đủ. Như thế thì phải chờ lâu quá nên chúng tôi cứ ước ao con trâu con hoang dại ấy về lại bãi ngô. Nhìn thấy những bãi phân trâu và vết móng bùn đất trên bờ sông hoặc cửa rừng còn tươi nguyên, anh em tôi nháy mắt với nhau, nhất định sẽ bắt bằng được con nghé cho bố đỡ vất vả lo toan.

Nhưng nơi phát ra tiếng lào xào ấy không phải là bầy trâu rừng có con nghé chúng tôi mơ ước. Cách chòi canh một quãng khá xa là hai đốm sáng dài dài, lấp ló, le lói, lung linh. Giữa mù sương ban đêm đang rơi dày xuống như tấm màn trắng muốt, ánh sáng ấy hắt lên thành hai vạch sáng nhỏ nhoi, xanh rờn kỳ ảo như hai ngôi sao sa vào bãi ngô mênh mông. Cứ được một lúc khá lâu, hai đốm sáng ấy lại di chuyển vị trí, vẫn lúc ẩn, lúc hiện lấp ló trong đêm đen... Ma? Thi thoảng, tôi vẫn nghe đồn thổi nhiều chuyện ma quái rất ly kỳ. Nhưng nói thật, với những người canh chòi ngô và nhất là với những đứa bé quen sống giữa cây cỏ bụi bờ hoang vu chứng kiến rất nhiều biến ảo thần diệu của tự nhiên như anh em tôi thì hầu như không có nỗi ám ảnh khủng khiếp về thế giới ma quỷ. Trộm ngô? Nếu có thì nhiều lắm cũng chỉ được đầy tay nải, đáng bao nhiêu, không biết chừng kẻ trộm còn lạc, loay hoay mãi như tôi không thấy lối về. Mà có ai ngốc nghếch đang làm việc khuất tất lại báo hiệu làng nước như thế... Tò mò, lạ lẫm nhiều hơn, ngần ngừ đôi chút rồi anh tôi quàng súng cao su vào cổ, nhảy khỏi chòi xuống đất. Tôi cũng quơ vội cây côn bám đuổi theo anh tôi. Như hai con thằn lằn khôn ngoan luồn lách qua những tàu ngô nặng trĩu sương đêm, với bước đi êm ru của mèo rừng, chân lướt nhẹ tới mức làm náo động ít nhất đến những con ngóe xanh vốn lắm mồm i óe ca cẩm trời ơi đất hỡi; lom khom, lúi cúi và tuyệt đối im lặng, anh em tôi tiến về phía có ánh sáng...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3