Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 07:Hổ phách-P1
Hổ phách:"... là những giọt lệ của chúa sơn lâm"
(Truyền thuyết)
Tôi biết chuyện ông Hoằng từ những buổi còn là thằng nhóc bé xíu bò lồm cồm nhặt nhạnh đồ nhắm thừa và lè lưỡi thử nếm rượu cặn đáy chén trên mâm chiếu khi bố cùng những bè bạn trang lứa của mình đàn đúm bù khú tiệc tùng. Tôi tạc ghi mọi ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ mà nhiều người hứng chí diễn tả việc đánh hổ của ông. Tai tôi to, dỏng lên, mắt mở hết cỡ, nhìn không chớp. Tâm hồn mẫn cảm của tôi bị từng chi tiết cuốn hút đến độ run chùng rồi lại bật căng mê mẩn. Làm thính giả chuyện kể về ông, làm khán giả xem người diễn "đả hổ" rồi từ lòng ngưỡng mộ sùng kính trẻ thơ, tôi nhập tâm hết thảy, thấy mình là ông Hoằng trai tráng không chịu khuất phục vũ lực và ý chí không thể tàn suy. Tôi thấy tôi thoát khỏi thể xác bé bỏng và lớn dậy thành chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi đối đầu cùng mãnh hổ.
... Cổ họng ông nghẹn tắc, lồng ngực bị ép chặt cơ hồ sắp vỡ toang ra. Cánh mũi ông phồng đỏ, cay đắng. Mắt lồi khỏi hẳn hõm mặt, mê nhòa đi. Đôi tai ù đặc. Miệng há ngắc ngoải như cá mắc cạn. Trí não rã rời. Các khớp xương, gân cốt, cơ bắp, huyết mạch lép bép rách đứt, nhão nhừ... Nhưng đột nhiên lúc ấy khát vọng sống trỗi dậy mạnh mẽ trong ông hơn bao giờ hết. Một sức lực phi thường bỗng dưng khởi phát nâng ông gồng người tấn quỳ vững chắc như cây chạc ba đóng trên mặt đất. Tỉnh táo, chuẩn xác và mau lẹ, ông nhằm thẳng cặp mắt long sòng sọc của con hổ đang chồm về phía mình mà giáng cú thôi sơn. Rồi lanh như cắt, dẻo như rắn, ông né thân tránh khỏi cú tạt giết người của chiếc đuôi thú dữ vằn vện, rút kịp con dao nhọn luôn mang bên hông... Cán dao lút sâu vào lồng ngực, xuyên thẳng qua trái tim ác thú vào đúng thời khắc con hổ vừa bị lòi mắt, máu me ròng ròng trên mặt, điên cuồng nhe nanh giương vuốt dồn hết sức mình chồm tới xé xác đối thủ, quyết tử kết thúc cú chộp mồi cuối cùng. Ông và hổ đồng thời ngã gục xuống. Máu ông và máu chúa sơn lâm đã hòa quyện vào nhau, lênh loang trên thảm cỏ...
Nghe tiếng thú gầm rú và chim chóc kêu thét náo động khắp góc rừng, những người làm nương rẫy, săn bắn quanh đó vác khí giới, trống mõ, gậy gộc đổ xô tới trợ cứu. Tất cả cùng đứng sững lại, bàng hoàng và run rẩy chân tay. Giữa vũng máu đỏ thẫm bao quanh xác con hổ phục mặt xuống đất là một thân hình xước xả tả tơi từ từ nhỏm dậy rồi đúng lên sừng sững kiêu hãnh. Gương mặt đầm đìa máu đỏ nổi hằn lên ba vết thương đậm dài như ba dòng mực tía kéo từ má trái, xuống cổ, qua cả bờ vai... Dáng vóc mang đầy thương tích ấy lừng lững tạc khắc vào rừng sâu già thẳm loang lổ nắng chiều...
Dĩ nhiên, đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện mà người trong vùng mường tượng, thêm thắt truyền miệng nhau qua năm này sang năm khác kể về chiến tích "đả hổ" của ông Hoằng. Dĩ nhiên, cũng có những đứa bé mô phỏng hành động của người lớn mà khoa chân múa tay diễn "đả hổ" thật hay. Nhưng hình như không ai có thể vừa diễn, vừa kể, vừa tả lại câu chuyện sinh động bằng trái tim đã bị say mê của một thằng bé lanh lợi hiếu động như tôi. Bởi thế, gặp tôi ở bất cứ nơi đâu, khi hứng chí lên là người ta đi lùng sục tìm kiếm bằng được. Dễ bảo, vui vẻ và nhiệt tình, hào hứng và hãnh diện, áo quần nai nịt gọn gàng, tôi nhảy ra bãi cỏ, bật chân lên tảng đá, đứng giữa chiếu hoặc mặt bàn cao thoáng tầm mắt mà cánh tay to lớn của ai đó đã bế nhấc lên để "thượng đài đả hổ". Thân rồng, bụng gấu, chân gà, trảo ưng, đầu hồ, tiếng sét... tôi thoăn thoắt, mạch lạc trổ các thế võ học mót lộn xộn để diễn tả chiến tích bằng tất cả sự háo hức, hồn nhiên xen lẫn thói tính bốc đồng trẻ thơ.
*
Rất hiếm khi ông Hoằng xuất hiện ở những nơi có người kể chuyện về ông. Cả tôi, khi thân hình đảo điên, mặt mũi bừng bừng, tay chân lách tách múa may cũng chỉ loáng thoáng thấy ông, đứng ở xa, phía ngoài cùng vòng người đông đủ. Hơi rướn cái thân hình vốn đã lênh khênh của mình lên, ông nháy mắt hoặc bật tay ra hiệu với tôi một cái rồi đi luôn. Nhưng cũng có lúc ông ngồi lặng im trầm tư bên mâm rượu. Mắt lim rim, dáng lừ khừ, vẻ mặt không hề biểu cảm mặc dù ngày cạnh sát mình người nào đó vẫn đang hào hứng toang toác kể lể, diễn tả chiến tích của ông. Ông nghe, ông xem với thần thái của một người ngoài cuộc đối với câu chuyện của nhân vật xa lạ nào đó. Không bao giờ ông cải chính dù người ta xuất thế võ xấu hoặc nói sai tình tiết. Với ông, "đả hổ" là chuyện quá vặt vãnh, bình thường!
Ông Hoằng phủi quần, giắt nậm rượu vào dây lưng. Chân đất, quần chàm thùng thình lưng lửng trên mắt cá, áo phanh cúc hở lộ khuôn ngực trần nở nang, ông lững thững vào chợ. Chợ phiên đông lắm, mười ngày mới họp một lần trong trấn. Người đi như trảy hội. Mái đầu húi cua và dáng vóc cao lớn chắc nịch của ông len lỏi, lúc ẩn, lúc hiện giữa những chóp lán quán hàng lá cọ lè tè lô nhô rồi khuất dưới bóng tán cây quéo gù năm chạc. Nơi đấy đã kê sẵn ba cái thạp gỗ cao ngang đầu gối trát kín nhựa trám, miệng loe chõe ngoe, to như cái nong tư, nước sóng sánh ì oạp, chật chội, lép bép tiếng cá ngáp bọt và bơi lội. Các con của ông đang lăng xăng tuốt lạt giang nứa, vần vò thớt gỗ, liếc dao trên đá mài ướt át, nâng rổ, chìa sàng tre răm rắp chuẩn bị cho cha. Ông Hoằng kéo tay áo, gác chân, oang oang rao bán cá. Chỉ khi thấy ông đứng bán thì người ta mới xúm lại mua. Tranh giành, xô đẩy, giẫm cả lên chân kẻ phía sau, dứt đứt cúc áo của người đứng trước để mua cá. Kìa, mớ mè trắng, cá trắm, cá trê chui lủi. Ô, con cá quả to bằng bắp chuối, da đen vỏ dưa lốm đốm vết hoa trắng ngà. Thi thoảng, chú ngư nào đó không chịu được sự chung đụng chật chội tù túng đông đặc trong thạ, vùng vằng quẫy bật người khỏi thạ nước rơi toạch ra đất. Có con lại nhảy cả vào nón cọ của ai đó ở hàng măng tươi bên cạnh, giãy đành đạch. Những con cá mắc cạn, thân hình lấm láp nhoay nhoáy chui lủi qua ngách hở nào đó của những phiến đá trên mặt đất làm mọi người hô nhau chộp bắt kêu ré lên. Khách hò hét, chỉ chỗ con cá mình ưng ý. Ống tay áo xoắn cao sát nách, ông Hoằng vung cánh tay trần rắn chắc, cuồn cuộn bắp thịt, tung chưởng. "Ùm"... "Oạp". Như ngoằm gỗ, hai ngón tay ông tức tốc xọc chuẩn xác ngoắc trúng đôi mang hồng, móc giơ lên ngang mặt. Con cá oặt ẹo giãy giụa. Cái bụng trắng bạc ngửa ra dưới nắng sớm lấp lóa ánh gương. Khách không có đủ thời gian săm soi, ỳ xèo vì chỉ trù trừ, đắn đo toan tính vài giây thôi là bị người khác giành mua ngay mất. Ở chợ, hàng cá của ông lúc nào cũng bán hết đầu tiên. Khi thấy ông khoắng nước rửa tay, xốc lại áo quần, oang oang dặn dò mấy người con dọn dẹp đồ nghề rồi lững thững rẽ vào phố trấn thì tôi vội vã chạy tắt đường về trước đón ông. Biết ngay mà, ông Hoằng sẽ không la cà vào nơi nào hết ngoài hiệu vẽ của bố mẹ tôi cũng trong phố trấn.
Cứ gặp nhau là ông và bố tôi lại uống rượu. Ngày mưa, hai người thường uống và nói rất nhiều chuyện, to giọng, ý như át cả tiếng sấm sét và mưa mùa tuôn rơi. Tôi luôn có cảm tưởng mỗi âm từ ông Hoằng phát ra đều có thể làm miệng những chiếc nồi đồng lớn đựng đầy rượu thuốc phía trên gác cũng cộng âm rung lên và mặt nước vốn phẳng lặng bỗng dưng lăn lăn những gợn tròn đồng tâm run rẩy. Tôi nghểnh mặt chầu chực bên cạnh và hay băn khoăn tại sao một người góa vợ như ông Hoằng lại có thể tri âm, tri kỷ với một người chỉ đáng tuổi con mình như bố tôi? Ông và bố hàn huyên hào hứng quá làm mẹ tôi phải khẽ khàng dời gác bước xuống, đi ra hiên sau nhà, ngồi lên khúc cây đổ tròn xoe sau cột gỗ lớn khuất vắng. Bệnh tim của mẹ không chịu đựng được sự ồn ã. Nhưng mẹ rất quý trọng khách đến nhà. Môi nhợt nhạt, run run, một tay vẫn đập khe khẽ lên ngực để trấn an, mẹ giục giã tôi cời lò than nướng cá ông Hoằng mang đến. Tôi nướng cá không ngon, tâm trí vẫn gửi gắm vào câu chuyện ing oang của hai người ngoài hiệu nên những con cá bị xiên qua que tre uốn thân thẳng thớn trên than hồng, rơi lịch bịch xuống thanh chặn lò, giãy giụa đành đạch làm khói bụi mù mịt. Nước mắt giàn dụa, mặt mũi lem luốc, tay lóng ngóng cầm gắp cá đen thui, khét lẹt tôi luống cuống mong chờ. Chắc chắn bấy giờ từ trên gác lại có tiếng bước chân. Nhẹ, êm, lanh lẹ chứ không rón rén như mẹ tôi. Bà A Huây sẽ xuống. Bà lại phải rời tay khỏi con dao cắt thái cong cong liên tục gật gù trên giá bào thuốc để nướng cá hộ đứa cháu vụng về láu táu là tôi...
A Huây về chung sống với gia đình tôi đã nhiều năm. Nghe kể, bố tôi đi vẽ tranh thờ cho con cháu vua Mèo gần biên giới Việt - Hoa, đường về thì gặp cướp. Mặc dù võ công của bố không tồi nhưng đám lục lâm đông quá, chúng lại hạ độc thủ nên đấu không nổi, số bạc trắng và gói cao hổ cốt người Mèo làm quà tặng bố bị mất hết. Thân thể thương tích, đói khát và lạnh giá, bố cố lết tới chốn người trên núi vẫn thường hội họp và được cứu giúp. Chuyến sau, bố đưa mẹ qua vùng ấy, tìm bằng được tới nơi trú ngụ của bà già nói tiếng Ngái đã cưu mang bố lúc gặp nạn bằng cháo mèn mén và rau bồ khai. Bà già chỉ có một mình, cư ngụ trong ngôi nhà tranh vách đất men sườn đồi bản người Nùng. Bà kiếm sống bằng nghề bốc thuốc chợ phiên. Bố mẹ tôi thì mồ côi từ nhỏ... Tình cảm qua lại với nhau ngày càng thân thiết cho đến khi mẹ tôi sinh nở. Song sinh nhưng chỉ nuôi được mình tôi. Nỗi xót thương em gái nhỏ xinh đẹp chưa đầy tháng tuổi cùng chào đời với tôi làm trái tim mẹ đổ bệnh nặng. Bố tôi lo chuyện vợ con quay quắt. Lâu quá không thấy người quen, bà già tự dời núi xuống thăm hỏi. Mẹ và tôi đều mang bệnh, quanh xóm núi, trong trấn có nhiều người cần chữa bệnh. Bà già đã ở lại với chúng tôi, trở thành mẹ già, người bà tên gọi A Huây hiền hậu của tôi.
Những năm ấy quê tôi rất sung túc. Hội hè, làm nhà mới, ăn hỏi, đám cưới, mừng thọ, lễ đầy tháng trẻ con nào cũng được tổ chức thật linh đình. Ngày vui, ngoài đồ mừng, ăn cỗ, uống rượu, thổi kèn sáo, đánh trống, hát hò, chủ nhà càng sung sướng, hãnh diện, ghi nhớ suốt đời khi khách mang tặng câu đối vải đỏ thắm ghi lời chúc phúc dân dã bằng chữ quốc ngữ biến hình trong khuôn vuông, khuôn tròn mặt trăng, mặt trời với họa tiết trang trí tứ linh phối kết cùng lá hoa sặc sỡ, câu từ ý tứ đại loại:
"Nhà cao cửa rộng muôn đời thịnh.
Tình nghĩa anh em mãi keo sơn"
"Trai xây nhà mới yên lòng vợ
Gái dệt non sông thỏa ý chồng"...
Các già làng, trưởng bản trong vùng còn cho con cháu tìm đón thợ tô, vẽ lại những bức tranh thờ cúng của tổ tiên. Tài hoa của bố được nhiều người mến mộ. Nể sự tin tưởng của mọi người, mặc dù vẫn còn khá trẻ nhưng bố đành dứt tình với niềm vui thăm thú những miền đất xa xôi, xuống trấn mở hiệu vẽ tranh và câu đối. Mẹ tôi tuy đau yếu nhưng rất thông minh, đảm lược. Người lo bố một mình khó khăn khởi nghiệp nên nhất định đòi theo. Tôi lúc ấy đã cứng cáp và đến tuổi cai sữa nên ở lại xóm núi cùng A Huây trong vườn quả và cây thuốc. Chợ phiên dưới trấn là ngày cả nhà sum họp.
Cũng như tôi và A Huây, ông Hoằng không sống trong nhà dưới trấn cùng người thân mà sau phiên chợ vẫn trở về hồ nước dưới thung lũng trông cá. Vợ ông Hoằng mất từ hồi chú Nhính con út của ông chưa biết quay cối xay đỗ tương. Giờ thì chú Nhính đã là bố của mấy đứa bé. Mấy vợ chồng anh em nhà chú làm đậu phụ nhoay nhoáy tất bật bán cho khắp vùng. Nhiều lần, các cô, các chú con ông cũng lên hồ nước trông cá cùng bố. Nhưng cha con không hiểu nhau, các con hay bị ông mắng đuổi, chạng vạng đã phải lủi thủi dắt díu nhau trở về trấn. Ông bảo, con ông người nào cũng chỉ thạo buôn thạo bán và làm hàng đậu phụ, giống hệt bà vợ quá cố của ông. Việc chăm nuôi cá trên hồ này thì chỉ mình ông mới làm được. Ông không thèm khiến nhờ ai...
Nơi cuối con đường rừng phía sau xóm núi là hồ nước rộng lớn. Vào ngày nắng dịu, gió rừng ngưng dồn thổi xuống thung, mặt hồ như tấm gương phẳng lặng mênh mông soi rõ bóng hình trời mây và dải núi đá lam chàm trầm tư với những đỉnh cao vời vợi. Trên chiếc bè tre lớn nổi nênh giữa hồ, ngôi lán vách nứa mái lá cọ của ông Hoằng tĩnh tọa giữa những chuồng tre rộng thoáng, san sát, nước ngập lưng lửng hội họp đông đủ các loại cá. Dãy cầu mai lắc lẻo giăng mắc kết nối bè lán và các chuồng cá biến nơi ông cư ngụ thành thủy cung và ông là vị thủy thần già lão cai trị vương quốc theo phép tắc của mình. Người qua lại vùng hồ thường nghe thấy những hiệu mõ tre "toóc... toóc..." thúc gọi cá quen thuộc đều đặn. Nghe nhịp mõ ông gõ, mặt nước xanh lục yên ả bỗng rào rào hiện lên những vết loang vỡ rồi lộ rõ dần thành hàng ngàn con cá sàn sàn bằng nhau. Tất cả đám thần dân dưới nước ấy đồng loạt quẫy đuôi, khỏa vây, ngoác miệng, lao đầu hăm hở tiến về chiếc bè lán trung tâm. Bầy cá nhảy lỡn cỡn rỡn nước, đớp đớp, nhằn nhằn, nhai nhai cám ngô, bã đậu phụ, mày sắn khô và cơm nguội... ông Hoằng chở về hàng tải sau phiên chợ. Như đám trẻ nhà đông con phàm ăn, chúng giành nhau, xô đuổi, giật xé, ngấu nghiến những mảnh lá sắn, lá cỏ ngọt, rau cải dại... mà ngày nào ông Hoằng cũng cần mẫn vào rừng tìm hái, bó thành từng bó lớn, gánh về băm nhỏ rải xuống từng chuồng cá. Náo động một hồi lâu, khi những chiếc bụng cá đã căng căng no nê, chúng mới đủng đỉnh xòe vây loai nhoai rong ruổi rồng rắn. Lúc ấy, lũ cá có thể biểu diễn những vũ điệu lạ kỳ tùy theo từng nhịp mõ khoan nhặt. Tản ra, chụm lại, nhảy vọt lên mặt nước, lặn lủi xuống đáy hồ, hích vai nhau, cắm đầu phóng tới sát mép bè dạn dĩ tớp cạp bàn tay, ngón chân vẻ rất thân thiết với ông chủ...