Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 08:Hạt cát nhỏ nhoi
Rễ cây thì ngắn, rễ người dài...
Mẹ là người dân tộc thiểu số nhưng thành thạo tiếng phổ thông và vẻ ngoài chẳng khác những người sống bên con là mấy. Con chưa thấy mẹ to tiếng với ai bao giờ. Có đôi khi bắt gặp mẹ đứng một mình ở cuối vườn, mắt đăm đăm nhìn về những rặng núi lam mờ trùng điệp xa xăm, con đã ngỡ, mẹ là gốc cọ lẻ loi trên lưng nương mùa lá rụng. Bóng hình mẹ đổ vào ráng chiều như bức phù điêu hoài hương trầm buồn. Không. Mẹ là một pho tượng cổ, luôn âm thầm, chịu đựng và hy sinh.
Mẹ không phải là người nhiều chữ nghĩa. Bài toán khó nhất trong đời mẹ là bảng cửu chương. Con cũng không chắc mẹ thuộc hết cả không vì mỗi lần có việc đụng chạm đến toan tính hay chuyện tiền nong, mẹ lại xòe cả đôi bàn tay thô ráp xù xì như vỏ cây ra. Mẹ đếm. Mẹ đếm đầu ngón tay. Mẹ đếm đốt ngón tay. Môi mẹ khe khẽ mấp máy, lầm bầm. Vầng trán nhíu những nếp nhăn có mấy sợi tóc vấn vương lõa xõa.
Mẹ ít xem sách báo. Mẹ cũng không hay nghe đài. Với mẹ, thế giới xưa và nay, cũ và mới, hiện tại và mãi mãi sau này vẫn chỉ có một vĩ nhân duy nhất là Hồ Chí Minh.
Mẹ có một thế giới riêng. Thế giới ấy được gói thành từng gói nhỏ trong chiếc đãy vải chàm có hai núm thổ cẩm tua rua sặc sỡ. Đãy vải hoa văn vuông vức bền bỉ, thô ráp và ấm áp lắm. Đãy vải có nhiều thứ: những cuộn chỉ nhỉnh hơn ngón tay đủ các màu sắc, gói kim khâu các cỡ, các loại cúc, nút, dây vải, dây chun. Những túm len, những mẩu vải to nhỏ, lớn bé... Con rất thích cái đãy của mẹ. Con lấy chỉ xâu những hạt cúc lại, treo thành chuỗi trên khung cửa sổ. Gió thổi, những hạt cúc thủy tinh va đập khẽ khàng vào nhau. Cả không gian rung rung lên những giai điệu vui vui, run run, dè dặt. Mẹ lấy vải, buộc chỉ, tết cho con những hình hài bé bỏng bằng len, bằng sợi, bằng vải. Mẹ lấy kim khâu cho búp bê những chiếc áo tý hon. Mẹ thêu cả lên những chiếc khăn tay của con. Những chiếc khăn không bao giờ lẫn với ngàn vạn chiếc khăn khác được. Nhắm mắt lại con vẫn còn nhớ nhung mồn một thế này: Mẹ thêu hình tam giác, ấy là trái núi, hình cầu đỏ là mặt trời chói chang. Những ngôi sao - Hoa thị màu vàng. Mặt trăng lưỡi liềm - một nửa vời vợi như vỏ thóc vàng uốn cong cong. Con rất thích nằm im trong chăn, he hé mắt vờ vĩnh ngủ để được ngắm nhìn mẹ. Bên ngọn đèn dầu, mẹ cặm cụi khâu vá, thêu thùa. Mái tóc mẹ xõa ra, những ngón tay nhịp nhàng, khe khẽ.. Thi thoảng, mẹ nhíu một cái. Ôi, có mũi kim lại đâm vào tay mẹ... Cái bóng gù gù, gầy gầy trên tường của mẹ lại gật gật, lắc lắc. Trong ánh sáng ấy, gương mặt mẹ khi ẩn, khi hiện thật dịu dàng, thân thương. Con cứ mơ màng nhìn mẹ cho đến lúc mê đi...
Nhưng có một lần tò mò hơn, con thọc sâu tay vào tận trong dãy vải của mẹ. Và con đã phát hiện ra, sâu tít trong đó có những ngách vải bé tẹo, những búp vải chỉ giống như những miếng vá cho đãy chắc bền hơn lên. Những cái túi bé nhỏ ấy chứa đựng nhiều điều bí mật riêng tư nhất của mẹ. Nơi ấy, mẹ cất giữ những đồng tiền lẻ. Rất lẻ. Vô cùng ít ỏi. Lẻ loi. Mẹ có được những đồng tiền ấy ở đâu? Vì lẽ nào mẹ có? Mẹ chắt chiu, gạn gỡ, ky cóp từ đâu đó? Con cũng không rõ nữa. Nhưng con biết rằng một tháng hay vài ba tháng tùy theo, khi cái ngách nhỏ hơi căng lên, mẹ lại bí mật lấy những đồng tiền ra. Mẹ đêm đếm, nhẩm nhẩm rồi cuộn lại. Mẹ giấu vào cái túi khác dài hơn. Cứ thế, hai ba cuộn, cái ngách nhỏ căng dần lên...
Tháng bảy ngày rằm. Mùa cơm mới. Phiên chợ cuối năm. Các bác, các cậu bên ngoại mới có dịp ghé qua nhà mình. Đi cả một ngày đường rừng. Những đôi chân trần chẻ ngoe, nứt toác bước phầm phập trên mặt đất rồi dừng lại. Mấy con ngựa nâu bóng ve vẩy cái đuôi dài cong cớn, đứng uống hàng thùng nước dưới gốc mít trước nhà. Họ ngoại ai ai cũng hiền lành, thật thà và dễ tin. Các cậu thích đội mũ nồi đen, mặc quần áo chàm, khoác tay nải ngang người. Là đàn ông thì mang bao dao bên trái. Phụ nữ thích mặc áo hoa cà hoa cải, chân đi dép lê, đầu đội khăn bông sặc sỡ các sắc màu. Mử, dì nào cũng có khuyên bạc tròn chảy xệ nơi rái tai, tay cuốn đầy những chuỗi cườm hạt đỏ đỏ, xanh xanh rực rỡ. Người bên ngoại không nói được nhiều tiếng Kinh, thường phải có mẹ làm thông ngôn mới trò chuyện cùng con được. Mọi người hình như cũng thích con lắm, lúc lúc lại rộ lên hàng chuỗi cười vì ngộ nhận về nhau. Họ ngoại nói ăn cơm là ăn cơm, ăn liền ba bốn bát, không khách khí. Rót nước mời người khác cũng trịnh trọng đưa bằng hai tay, nhưng có vẻ lúng túng vụng về. Không biết nói cảm ơn, xin lỗi, nhưng nếu hàm ơn ai thì nhớ mãi, có lỗi với ai thì áy náy suốt không thôi. Phiên chợ, những ngày có người họ ngoại tá túc qua nhà là những khi "có việc": bán măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, gắp thịt thú nướng, lạng cao khỉ hoặc vài ba thứ thảo quả. Tiền thu được không nhiều nhặn gì, chủ yếu là có cớ được gặp nhau ngoài chợ, uống rượu trong quán lá, ghé qua nhà bè bạn họ mạc, trò chuyện vui vẻ với nhau. Bố rất quý người bên ngoại. Bố nói chuyện oang oang. Khi người họ ngoại sắm sửa ra về, bố thường cho tiền, mấy bộ quần áo cũ, lọ thuốc đỏ, hộp DEP chống muỗi vắt hoặc đôi giày vải bố được phân phối. Tiền bạc thì người bên ngoại khăng khăng từ chối, chỉ hớn hở khi khoác thử chiếc áo cũ hoặc sung sướng nhận thứ thuốc tránh loài côn trùng muỗi vắt cho người đi rừng.
Riêng cậu út thì khác. Cũng như những người bên ngoại, cậu đỏ bừng mặt, khăng khăng không nhận, chối đây đẩy khi bố cho tiền. Cậu cũng thích quần áo bộ đội, giày vải, đèn pin. Mỗi khi bố cho, dù là mới hay cũ cậu cũng đều mặc ngay, ướm thử, soi mình trong vại nước, vuốt vuốt mái tóc rễ tre, cười cười mủm mỉm. Cậu đi xuống bếp, giúp mẹ làm cơm. Cậu tìm những gióng tre non, đổ gạo nếp vo sạch nướng cơm lam dỗ cháu. Cậu cứ tẩn mẩn, cà kê trò chuyện bằng tiếng dân tộc với mẹ mãi. Cho đến khi chỉ còn lại hai người, rất nhanh, mẹ dúi cái cuộn "lẻ" đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ vào tay cậu. Cũng nhanh không kém, cậu đút luôn cuộn "lẻ" vào tay áo trong. Rồi hai người lại ề à, lại ê a nói chuyện tiếp... Cậu út nói khá sõi tiếng Kinh. Cậu đi dép nhựa Tiền Phong trắng, đội mũ cối, đi xe đạp Thống Nhất có biển số gắn trên khung. Cậu còn có cái đài con con treo lủng lẳng trước ngực lúc nào cũng véo von tiếng đàn, điệu sáo. Thi thoảng, cậu còn mượn ai đó được khẩu súng kíp, oai vệ khoác trên lưng. Cậu đã mười tám tuổi, đang chuẩn bị đi hỏi vợ...
*
Bố lâm bệnh.
Nằm trên giường, bố gầy gò, bé nhỏ, mỏng manh như chiếc lá vàng thu. Bố mệt nhiều, áp tai lên ngực bố, con nghe trái tim đau đang nặng nhọc, run run đập từng nhịp, từng nhịp chậm buồn. Nước mắt con nhỏ xuống, chảy ướt đôi tay có những ngón rất dài tài hoa của bố. Bố tỉnh lại rồi. Bố vùng ngồi dậy. Bố lại cười. Nụ cười hồn hậu như một chú bé con. Bố kể: Mẹ con chăm nom bố chu đáo hơn bao giờ hết. Bố thèm ăn cháo. Nửa đêm, mẹ dậy nấu cho bố ăn. Bưng bát cháo lên, bố chê “loãng thế”. Lần này thì “đặc quá!”. Khi vừa ý thì lại muốn ăn miến. Mới được đôi thìa, lại bỏ, không ăn. Bố muốn lên gác đọc sách, nhìn trang giấy mới mà chẳng luận nổi từ nào. Mẹ lại đọc, đọc thật chậm, như cháu nhỏ đọc cho ông già nghe. Mà bố thì vẫn hay nóng tính. Bố nóng nảy với mẹ suốt rồi. Đấy, giờ lại thêm hư nữa, tiểu ra mà không biết... Đấy, ướt hết cả chăn đây này... Con loạng quạng tìm bô, lén lút nhăn mũi bởi cái mùi nồng nồng, khai khai như trong nhà trẻ. Mẹ chạy vào bảo: "Em ra ngoài đi. Làm không quen, bố đau". Mẹ ẵm bố lên, đỡ bố ngồi lên bô sứ. Ngoài nhà, con nghe bố gắt: “Lạnh thế này, người ta chết còn gì”. Có tiếng mẹ dỗ dành, xin lỗi. Nước mắt con rơi xuống, lần này làm ướt hai bàn tay con. Bố vẫn nằm trên giường, chăn đắp gọn gàng, sạch sẽ. Bố dặn, bố mong được về quê nội, được bé bỏng như ngày nào còn ông bà nội. Tiếng bố âm thầm. Giọng người âm u...
Đêm. Con ra đầu hồi ngồi gục xuống bậc thềm. Trên bầu trời cao rộng, đen thẳm và mông lung, những ngôi sao tha thiết chói sáng. Những ngôi sao lấp lánh làm đau nhói trái tim ốm yếu của con. Con chưa bao giờ hình dung ra cuộc sống của mình thiếu vắng bóng hình của bố. Sự thật, bố không phải là người thật tốt. Bố khó tính, bố cố chấp, bố gia trưởng. Có đôi khi, bố không công bằng, bố nặng lời với mẹ. Nhưng tất cả những điều đó đều không có ý nghĩa gì cả. Bởi với con, bố không chỉ là cha mà là thầy, là anh, là bạn. Bố đã cho con rất nhiều điều, những điều đã giúp con vượt qua khỏi những thất vọng, sầu muộn, buồn đau riêng tư và thầm kín nhất... Chợt có bàn tay ấm áp nắm lấy vai con, lắc mạnh: "Mẹ đây, có mẹ, em đừng lo cho bố nhiều. Em trở về thành phố đi. Cố làm việc cho tốt. Nghỉ lâu, lo chuyện nhà, người ta đuổi việc thì bố mẹ cũng buồn thêm. Đi đi em". Rồi mẹ quả quyết chắc chắn như chính niềm tin cứng cỏi mà không một thất vọng nào có thể lay chuyển nổi: “Bố em sẽ khỏi thôi. Rồi bố em sẽ qua khỏi thôi mà...”.
Những người hàm ơn bố gửi về nhà cho mẹ một cô giúp việc. Chị Xum là người đi ở rất có nghề, cẩn thận, sạch sẽ, chăm chỉ và lễ độ. Vẫn giữ thói quen người ở hằn sâu trong tâm trí, chị cung kính, trịnh trọng, nem nép cả khi ăn, khi đứng, khi ngồi. Con đã quen với cách cư xử phân giới, thấy bình thường, dễ dãi với tác phong ấy. Nhưng mẹ thì khác. Mẹ gượng gạo, mẹ không thích, không quen, mẹ sợ làm chị Xum giận, mẹ đối đãi chị Xum như đối đãi một vị khách quý đến thăm chơi. Sáng, chị Xum cựa mình là mẹ vùng dậy trước đi quét sân, kéo nước. Chị Xum giặt giũ, lau chùi nhà cửa, mẹ vội vàng vén tay áo, cúi người vo giẻ với vẻ hối hả băn khoăn... Tháng sau, con nhận được thư nhà. Chị Xum viết: "Đời tôi, chưa được ai đối xử tử tế như bà. Bà thương tôi như thương người thân. Nhưng tôi ngại và xấu hổ lắm. Tôi trót nhận tiền của các bác ấy mà không đỡ đần được gì ông bà và cô như mong muốn. Còn ông thì ngày càng yếu dần đi...". Chữ chị Xum run run mà to như con gà mái ghẹ chảy tràn trên tờ giấy khổ rộng như tấm khăn voan...
Chỉ còn mình mẹ bên bố mà thôi.
Ở một mình trong thành phố. Không phút giây nào là con không thảng thốt nhớ nhà. Đi làm, con thường phải vòng xe qua khu phố cổ nhiều tiệm thuốc tây. Con nhìn thấy có những đôi găng tay cao su nhiều màu sắc bày trong quầy kính, con nhớ mùa đông đến, cái giá lạnh của nước giếng quê mình nhức nhối lắm. Mẹ phải giặt giũ nhiều, mang găng, chắc mẹ bớt cóng tay. Con vội vã chọn lựa, tìm kiếm được vài đôi thật bền rồi cùng một bọc toàn thuốc đắt tiền quý hiếm, hăm hở, khấp khởi con trở về quê. Bố dường như khỏe lên. Người đi lững thững, bước khoan thai trong vườn nhà, giữa cỏ hoa, cây trái... Con đưa cho mẹ tất cả những thứ đồ của con, lắp bắp nói những điều tầm thường mà những đứa con tầm thường vẫn nói. Ra đi lần nữa, trong tâm tư nông nổi lúc đó, con thật sự yên tâm vì sự thơm thảo hiếu để của chính mình...
*
Bố mất rồi.
Con trèo lên căn gác nhỏ của con. Những cuốn sách của con. Tấm Cám, Thạch Sanh, Cóc kiện trời, Kim Đồng, Góc sân và khoảng trời, Anđecxen, Những người khốn khổ, Chiếc nhẫn bằng thép, Ruồi Trâu... Bố thường đọc sách cho con nghe. Bố dạy con đọc sách. Bố mua thật nhiều sách cho con... Bên những cuốn sách đã ngả màu vàng là những con chim giấy, những bông hoa lụa, bài kiểm tra, khăn mù xoa thêu chim và bướm, búp bê mũi hếch, que tính, que chuyền bằng trúc, nứa... Thế giới thơ ấu của con đây. Những kỷ niệm thiếu thời tràn về. Suốt tuổi ấu thơ, con đã không tự giữ được cho mình một cuốn sách hay thứ đồ chơi nào nguyên vẹn cả. Hoặc là con đánh mất, hoặc là bị đánh cắp hoặc là con cho đi. Còn lại là những đồ gãy vỡ, hư hỏng, nhàu nát con đã chán chường, vứt vạ vật, quăng quật vô tư khắp các xó xỉnh sân vườn trước khi hớn hở với những cuộc chơi mới mẻ, hấp dẫn khác. Nhưng mẹ, mẹ đã thu gom lại, đã cất đi như lưu giữ cho bảo tàng bé nhỏ của con. Tất cả, tất cả qua tay mẹ gọn gàng và đẹp đẽ... Không ai vượt khỏi bóng dáng tuổi thơ mình. Con cũng thế. Nỗi ám ảnh tuổi thơ đã mất càng trĩu nặng hơn khi con biết rằng mình đang nếm trải dần nhiều thêm những đau xót và cay đắng trong kiếp con người... Ký ức thơ bé sống dậy rưng rưng. Tay run run, con hồi hộp lần giở từng món.. Rồi cái thói tò mò vẫn riết róng trong tính cách khiến tay con mò mẫm sâu hơn. Trong chiếc đãy vải của mẹ đây, mấy đôi găng tay con mua cho mẹ vẫn vẹn nguyên mới mẻ. Con nghĩ: “A, mẹ mình đã già nên tính tình thêm lẩm cẩm. Như những người già cả sẵn lòng cất giữ gạo tám trong lu, giấu kỹ vải lụa điều trong rương gỗ mà thà ăn cơm gạo mốc hẩm hiu, mà thà mặc áo vá chằng đụp vì nếu dùng thứ xa xỉ quý giá thì thấy tiếc. Tính cách của những người không quen sống sung sướng một mình”. Như đọc được ý nghĩ của con, mẹ tần ngần nói như học trò mắc lỗi: "Mẹ biết em lo mẹ bị lạnh khi giặt giũ chăm nom bố nhưng nhỡ bố trông thấy, bố lại tủi thân. Mẹ sợ bố nghĩ là mẹ ghê bố bệnh. Tội nghiệp. Mẹ quen lạnh cả đời rồi, thêm chút nữa cũng không sao, em à".
*
Con yêu mẹ. Như biết bao đứa con khác trên mặt đất này yêu mẹ của mình. Nhưng chẳng hiểu sao, càng lớn lên con càng thấy xa cách mẹ nhiều hơn. Có nhiều khi ngồi bên mẹ, nằm bên mẹ, nói chuyện cùng mẹ mà con thấy thương, nhớ mẹ vô cùng. Con mơ về mẹ, ước thấy mẹ trong ý nghĩ của con. Trong trái tim non nớt của con chỉ lén lút thầm thì tiếng "Mẹ" với bản năng thương yêu đầy lầm lỗi. Tại sao mẹ không là... Tại sao mẹ không giống... Tại sao mẹ lại... Tại sao...?
Con sinh ra từ đâu? Con là ai? Hay con chỉ là bản sao nguyên vẹn của bố? Một nửa máu thịt của con lớn dậy đã dần lấn lướt choán hết nửa phần còn lại kia. Thứ văn hóa con mang, loại ngôn ngữ con đang sử dụng, tư duy của con, thói tính và quan niệm của con, hoàn toàn không mang dấu tích nào của con người mẹ, của dân tộc mẹ. Trong đời, còn có những đứa con không nói được, không hiểu được tiếng mẹ đẻ của mình. Đó có phải là tội lỗi không? Mẹ biết không, giống con búp bê luôn tự bịt mắt mình bằng dải băng đen, với những bước đi thập thõm trong đời, với đôi tay quờ quạng, trong những trò ú tim hão huyền, con bám đuổi, bấu víu, tìm kiếm những điều cao cả, những kỳ tích lớn lao mang đầy tiếng vọng dối trá và sự đa đoạn bất hạnh trong thế giới xung quanh mình. Hết cuộc chơi này sang trò dối khác, những đam mê phù phiếm kéo tuột con đi... Có đôi khi, con ngỡ mình tìm được, tưởng chừng đôi tay đã chạm tới, vồ vập giữ lấy, mừng rỡ và sung sướng reo lên: "Đây rồi! Của tôi". Nhưng con hay đâu, con cũng giống như những hạt cát tý hon bên bờ biển thẳm. Hạt cát nhỏ nhoi cứ gồng mình chống trả những lớp sóng dào dạt cao cả của đại dương. Hạt cát tưởng mình sẽ vĩ đại hơn khi dằn dỗi, vùng vằng lảng xa bờ bãi cùng sóng gió để lang thang trên những sa mạc nắng lửa, nhênh nhang, hời hợt vô tâm trôi dạt theo khoảng không mãi mãi vô cùng.
Mẹ ạ, con cũng như tất cả những hạt cát con con ấy cuối cùng đều bật khóc òa lên, đều lủi thủi quay lại hết bởi biết rằng phải trở về với mẹ mình thôi...
N.T.L
-- Hết --
* * *
[1] Tía, má: bố, mẹ
[2] Đường thi