Người giúp việc - Chương 01-P1

Tháng Tám 1962

MAE MOBLEY chào đời vào một sáng sớm Chủ nhật hồi tháng Tám năm 1960. Trẻ con nhà thờ, chúng tôi hay gọi thế đấy. Chăm nom trẻ con da trắng, ấy là nghề của tôi, ngoài việc nấu nướng và dọn dẹp. Có tới mười bảy đứa đã từng qua tay tôi coi sóc. Tôi biết cách ru chúng ngủ, dỗ chúng nín khóc, và cho chúng ị vào bô trước cả khi mẹ chúng ra khỏi giường mỗi sáng.

Nhưng cả đời tôi chưa từng thấy đứa bé nào lại gào thét như Mae Mobley Leefolt. Cái ngày đầu tiên tôi bước chân vào nhà, con bé ở đó, đỏ lựng và khóc ngằn ngặt vì cơn đau bụng, nó cào cấu bình sữa như thể đó là một cây củ cải thối. Cô Leefolt ấy, cô ta nhìn chòng chọc chính đứa con rứt ruột của mình bằng vẻ mặt khủng khiếp. “Tôi đã làm gì sai kia chứ? Sao tôi không dỗ nó được?”

Nó? Dấu hiệu đầu tiên tôi nhận thấy: cảnh này có gì đó không ổn.

Vậy là tôi ẵm đứa trẻ đỏ hỏn đang kêu gào thảm thiết ấy trên taymình. Ép chặt nó lên hông cho hơi thở được thông và chỉ chưa đầy hai phút sau Bé Con đã nín khóc, nhoẻn miệng cười hớn hở với tôi giống hệt bây giờ. Nhưng cô Leefolt ấy, cô ta chẳng thèm động đến con mình suốt cả ngày hôm đó. Tôi đã thấy nhiều phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh. Tôi đồ là lại bệnh đấy chứ gì.

Cô Leefolt có vài đặc điểm thế này: không chỉ cau có suốt ngày, cô ta còn gầy nhẳng cù nheo nữa. Hai chân khẳng khiu bé tí, như thể vừa hết lớn mới tuần trước thôi. Hai mươi ba tuổi đầu mà trông cô lỏng không chẳng khác nào một thằng bé mười bốn tuổi. Cả tóc cô cũng mỏng dính, nâu nâu, thưa thớt. Cô ta cố đánh cho bồng lên nhưng nom càng mỏng hơn. Khuôn mặt cô hệt như hình con quỷ đỏ in trên hộp kẹo cay, cằm nhọn hoắt cũng na ná thế. Thật ra, cả thân hình cô ta chỉ toàn những cục với góc đầy xương xẩu, chẳng trách cô không dỗ được con bé. Trẻ con thích béo cơ. Thích rúc mặt vào nách mình mà ngủ ấy. Chúng thích cả những cẳng chân nung núc thịt. Tôi biết quá đi chứ.

Đến khi đầy tuổi, Mae Mobley đã lẽo đẽo bám đuôi tôi khắp nơi cùng chốn rồi. Cứ tầm năm giờ chiều là nó bám lấy chiếc giày Dr. Scholl của tôi, rồi lê đi khắp nhà, khóc thổn khóc thức cứ như tôi sẽ chẳng bao giờ quay trở lại nữa. Cô Leefolt ấy, cô ta nheo nheo mắt lườm tôi cứ như tôi đã làm gì sai không bằng khi tôi cố gỡ con bé đang lu loa ầm ĩ khỏi chân mình. Tôi đồ rằng đã để người khác nuôi con mình rồi thì phải chịu vậy thôi.

Giờ Mae Mobley đã lên hai. Con bé có đôi mắt nâu to tròn và những lọn tóc loăn xoăn màu mật ong. Nhưng cái chấm hói phía sau đầu con bé phá hỏng hết cả. Nó cũng có cả nếp nhăn giữa hai chân mày mỗi lúc lo lắng, giống hệt mẹ nó. Các nét đều được, mỗi tội Mae Mobley béo quá. Rồi nó sẽ chẳng thành hoa khôi nọ kia được đâu. Tôi nghĩ cô Leefolt lấy thế làm khó chịu, nhưng Mae Mobley vẫn là đứa trẻ đặc biệt của tôi.

 

Tôi đã mẤt đỨa con trai cỦa mình, thằng Treelore, ngay trước khi bắt đầu giúp việc cho cô Leefolt. Nó mới hai tư tuổi. Đang độ đẹp nhất của đời người. Sống bao nhiêu ngày trên mặt đất này tưởng cũng chưa đủ.

Nó đã tậu được một căn hộ xinh xinh mạn phố Foley. Nó đang cặp với một cô bé rất dễ thương tên Fnces mà tôi chắc là hai đứa rồi sẽ cưới thôi, nhưng cứ động mấy chuyện kiểu này thì thằng bé chậm chạp lắm. Chẳng phải nó đang kiếm mối tốt hơn đâu, chỉ tại nó là đứa hay nghĩ ngợi. Nó thường đeo cái kính to đùng và chúi mũi vào đọc sách suốt ngày đêm. Nó còn đang bắt tay vào viết hẳn một cuốn sách riêng, kể chuyện một người da màu sinh sống và làm việc ở Mississippi. Trời thần ạ, tôi hãnh diện lắm. Nhưng đến một đêm nó nán lại xưởng Scanlon-Taylor để làm việc đến khuya, kéo lê mấy tấm cốp pha hai nhân bốn ra xe tải, vụn gỗ đâm xuyên cả bao tay. Nó quá nhỏ thó để làm loại công việc ấy, quá gầy gò, nhưng nó cần việc này.

Nó mệt. Trời thì mưa. Nó trượt chân ngã xuống cầu dỡ hàng, rơi vào đúng đường xe đi. Người tài xế lái máy kéo không nhìn thấy nên đã cán dập phổi nó trước khi thằng bé kịp trở mình. Đến khi tôi kịp hay tin, thì nó đã chết rồi.

Ngày hôm đó cả thế giới quanh tôi biến thành một màu đen sì. Không khí đen sì, mặt trời đen sì. Tôi nằm bẹp trên giường và nhìn chòng chọc lên bốn bức tường đen sì ở nhà. Ngày nào Minny cũng đến để xem tôi còn thở không. Mất ba tháng nữa tôi mới chịu hé mắt nhìn ra cửa sổ, để xem thế giới có còn ở đó chăng. Tôi đã ngạc nhiên biết bao khi thấy trái đất này chẳng ngừng quay chỉ vì con tôi đã ngừng thở.

Năm tháng sau đám tang, tôi lê mình khỏi giường. Tôi mặc bộ đồng phục trắng và đeo sợi dây vàng mảnh lên cổ và đến phụ việc cho cô Leefolt vì cô vừa mới sinh con. Song chẳng bao lâu sau, tôi nhận ra trong mình có gì đó đã đổi khác. Một hạt giống đắng cay đã gieo vào lòng tôi. Tôi thấy mình chẳng còn cởi mở như trước nữa.

 

“THU DỌN NHÀ CỬA cho gọn gàng rồi vào trộn ít salad gà ngay đi,” cô Leefolt sai.

Hôm nay là ngày họp hội chơi bài bridge. Đúng ngày thứ Tư thứ tư hàng tháng. Dĩ nhiên tôi đã chuẩn bị mọi thứ đâu vào đấy rồi - trộn salad gà mới buổi sáng nay, ủi khăn trải bàn từ hôm qua. Chính mắt cô Leefolt đã thấy tôi làm chứ đâu. Cô ta bất quá cũng chỉ hai mươi ba tuổi đầu chứ mấy, nhưng cô thích được nghe thấy chính giọng mình ra lệnh cho tôi phải làm gì.

Cô diện cái váy xanh lơ tôi vừa ủi sáng nay, cái váy có tới sáu mươi lăm đường li chạy quanh eo, nhỏ tí xíu đến độ tôi phải trợn đến lồi cả mắt để soi qua cặp kính mới ủi nổi. Đời tôi chẳng thù ghét mấy thứ đâu, song tôi và cái váy đó thật chả ưa nhau tí nào.

“Mà vú nhớ trông chừng con Mae Mobley cẩn thận và đừng để nó phá rối bọn tôi nghe chưa. Nói cho vú hay, nó làm tôi phát điên lên được đây - nó xé tan chỗ phong bì đẹp của tôi thành cả năm ngàn mảnh ấy, mà tôi vẫn còn mười lăm lá thư cảm ơn phải làm cho Hội Phụ nữ nữa chứ...”

Tôi sắp sảnh đủ thứ linh tinh cho mấy bà bạn cô. Trưng mấy món đồ pha lê đẹp lên, bày bộ muỗng nĩa ăn ra. Cô Leefolt không đặt riêng một bàn chơi bài xinh xắn như những người khác thường làm. Chúng tôi dùng luôn chiếc bàn trong phòng ăn. Chỉ việc phủ một tấm khăn lên trên đề che đi vết nứt hình chữ L to tướng, dời bình hoa đỏ từ giữa bàn sang tủ buýp phê để ngụy trang mấy chỗ gỗ bị xước chằng xước chịt là xong. Cô Leefolt thích nhà cửa phải choáng lộn mỗi lần thết khách bữa trưa. Có lẽ cô đang cô gỡ gạc lại cái nhà chật. Nhà họ chả giàu có gì, tôi biết chứ. Nhà giàu đã chẳng phải cố quá thế.

Tôi đã có đận giúp việc cho nhiều đôi vợ chồng trẻ, nhưng tôi đồ rằng đây là ngôi nhà bé nhất mà tôi từng làm. Nó chỉ có độc một tầng. Phòng của cô ta và ông Leefolt ở mé trong cũng thoáng, nhưng phòng của Bé Con thì chỉ bằng cái lỗ mũi. Phòng ăn và phòng khách gần như hợp làm một. Chỉ có hai phòng tắm, càng đỡ, vì tôi đã làm việc ở những nhà có tới năm, sáu phòng tắm. Nguyên cọ toilet đã mất đứt một ngày. Cô Leefolt trả có chín nhăm xu một giờ, không hơn, thấp hơn mức tôi vẫn nhận bao nhiêu năm nay. Nhưng sau ngày thằng Treelore mất, cho bao nhiêu thì tôi nhận bấy nhiêu. Chủ nhà thuê không đợi lâu được. Và dù nhà bé tí, nhưng cô Leefolt cũng ráng bày biện tươm tất hết mức có thể. Cô dùng máy may khéo lắm. Phàm cái gì không mua mới được, cô kiếm một mảnh vải xanh rồi may một tấm khăn phủ lên trên.

Chuông nhà reo inh ỏi, tôi vội chạy ra mở cửa.

“Chào Aibileen,” cô Skeeter xởi lởi, vì cô thuộc dạng chịu nói chuyện với người giúp việc. “Vú khỏe không?”

“Chào cô Skeeter. Tôi khỏe lắm. Trời thần ơi, ngoài kia nóng quá nhỉ.”

Cô Skeeter rất cao và gầy. Mái tóc cô hoe vàng và được cắt ngắn hẳn trên hai bờ vai vì cô để tóc xoăn tít quanh năm. Cô cũng tầm hai mươi ba tuổi, trạc tuổi cô Leefolt và cả đám bọn họ. Cô rút quyển sách bỏ túi ra đặt lên ghế, có vẻ để nó trong túi làm cô hơi vướng víu. Cô mặc một chiếc áo viền đăng ten cài khuy kín bưng trông chẳng khác nào một bà xơ, chân đi giày bệt, tôi đồ là làm thế trông cô đỡ lênh khênh hơn. Chiếc váy xanh lơ của cô xòe ra quanh eo. Lúc nào nom cô Skeeter cũng như thể có người ngoài chỉ bảo cho cô phải mặc cái gì vậy.

Tôi nghe tiếng cô Hilly và bà Walter mẹ cô đánh xe vào và nhấn còi inh ỏi. Nhà cô Hilly cách đây có mươi bước chân, nhưng lần nào sang cô cũng phải đi xe. Tôi mở cửa và cô bước qua tôi đi thẳng vào nhà, tôi nghĩ bụng chắc đã đến lúc đánh thức Mae Mobley dậy rồi đây.

Tôi vừa đặt chân vào phòng trẻ, Mae Mobley đã toe toét cười, rồi dang đôi cánh tay mũm mĩm ra.

“Con dậy rồi à, Bé Con? Sao con không gọi bác?”

Con bé cười khanh khách, rồi hân hoan nhún nhảy chờ tôi bế nó ra. Tôi ôm siết nó một cái thật chặt. Tôi đồ rằng nó chẳng mấy khi được ôm thế sau khi tôi về nhà. Rất nhiều lần, tôi đến làm thì đều thấy nó gào khóc trong cũi, cô Leefolt còn bận bịu với cái máy may, chỉ đảo mắt nhìn sang chẳng khác nào ngó một con mèo lạc đang mắc kẹt giữa đám màn sáo. Thế đấy, cô Leefolt ấy, ngày nào cũng ăn mặc là lượt. Luôn tô son trét phấn, dám tậu hẳn một cái nhà để xe lộ thiên, thêm một chiếc tủ lạnh Frigidaire hai cửa kèm ngăn làm đá nữa. Nhìn thấy cô ở cửa hàng tạp hóa Jitney 14, ai mà nghĩ nổi cô đến đây và để con mình khóc khan cả cổ trong cũi như thế. Nhưng người giúp việc thì biết rõ lắm.

Tuy vậy hôm nay thì khá dễ chịu. Con bé chỉ cười hớn hở.

Tôi nói, “Aibileen.”

Nó nói, “Aib-ee.”

Tôi nói, “hương.”

Nó nói, “Thương.”

Tôi nói, “Mae Mobley.”

Nó nói, “Aib-ee.” Rồi nó cười nắc nẻ và thích chí ê a rầm lên, tôi phải chặn lại ngay, đến lúc dậy rồi. Treelore cũng chẳng nói được mấy từ cho đến tận lúc hai tuổi. Nhưng khi mới lên lớp Ba, nó đã nói hay hơn cả Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ rồi, về đến nhà là nó dùng toàn những từ kiểu liên hiệp và nghị viện cơ mà. Tới chừng nó vào trường trung học thì hai mẹ con nghĩ ra một trò thế này, tôi đặt một từ thật đơn giản và đổi lại nó phải nghĩ ra được một từ khác thật rườm rà mà cũng có nghĩa tương tự như thế. Tôi nói mèo nhà, nó nói động vật đã thuần hóa thuộc họ mèo, tôi nói máy trộn thì nó nói trục tròn gắn động cơ. Một hôm tôi nói Crisco. Nó vò đầu bứt tai. Nó không tin nổi tôi thắng cuộc chỉ nhờ một từ đơn giản như Crisco(1). Thế là chúng tôi lấy đấy làm trò đùa bí mật giữa hai mẹ con, mỗi khi nói đến những thứ không thể mông má tỉa tót thêm nổi dù có cố đến mấy. Chúng tôi gọi bố nó làCrisco vì một gã đàn ông đã nỡ bỏ chính gia đình mình thì làm sao nói tốt cho được. Vả lại hắn cũng lhằng cha bầy nhầy vô tích sự nhất quả đất này nữa.

Tôi cắp Mae Mobley vào bếp và đặt con bé lên cái ghế cao. Tôi còn hai việc phải làm xong trong hôm nay kẻo cô Leefolt lại nổi cơn tam bành: phân loại đống khăn đã bắt đầu bị sờn vải và sắp cho gọn dao nĩa trong tủ chạn. Trời thần ơi, chắc tôi phải làm cả lúc các bà các cô còn đang chơi ở đây mất thôi.

Tôi bưng khay trứng mimosa ra phòng khách. Cô Leefolt ngồi ở ghế chủ nhà còn bên trái có cô Hilly Holbrook và mẹ cô Hilly: bà Walter, người mà cô Hilly coi chả ra gì. Ngồi bên phải cô Leefolt là cô Skeeter.

Tôi mang trứng đi mời khắp lượt, bắt đầu với bà Walter khú đế vì bà là người lớn tuổi hơn cả. Trong nhà nóng sực, nhưng bà ta vẫn khoác trên vai một chiếc áo len nâu dày sù. Bà xúc lấy một quả trứng và suýt nữa thì đánh rơi, bà vốn mắc chứng liệt rung mà. Tôi chuyển qua chỗ cô Hilly và cô cười rồi lấy luôn hai quả. Cô Hilly có khuôn mặt tròn vành vạnh và mái tóc nâu sậm cuốn thành búi sau gáy. Da cô màu ô liu, lốm đốm nốt ruồi và tàn nhang. Cô hay mặc đồ kẻ ca rô màu đỏ. Cô có cặp mông to bự. Hôm nay trời nực, nên cô mặc một cái váy đỏ cụt tay không chiết eo. Cô ta thuộc kiểu phụ nữ đã lớn tướng rồi mà còn thích trưng diện như bọn trẻ con, quần áo là cứ phải đi kèm những cái nơ to đùng, rồi cả mũ mão đồng màu và đủ thứ lỉnh kỉnh khác nữa. Tôi chẳng ưa cô ta.

Tôi đưa sang chỗ cô Skeeter, nhưng cô chun mũi và nói, “Thôi, cảm ơn vú,” vì cô chẳng ăn trứng bao giờ. Lần nào cô Leefolt bày tiệc chơi bài bridge tôi cũng can, nhưng cô vẫn bắt tôi làm món trứng mời họ. Cô sợ cô Hilly sẽ phật ý.

Cuối cùng, tôi mời cô Leefolt. Cô là chủ nhà nên phải lấy trứng sau rốt. Đến khi tôi mời xong, cô Hilly nói, “Cho tôi vô phép,” và nhón thêm hai quả trứng nữa, tôi cũng chẳng lạ gì.

“Các cậu đoán xem tớ gặp ai ở thẩm mỹ viện nào?” Cô Hilly nói với cả nhóm.

“Ai thế?” Cô Leefolt hỏi.

“Celia Foote. Các cậu biết cô ta nói gì với tớ không? Hỏi liệu cô ta có thể giúp một tay cho Ngày hội Thiện nguyện năm nay được không.”

“Tốt quá,” cô Skeeter nói. “Ta đang cần người.”

“Làm gì đến mức ấy, chả cần đâu. Tớ trả lời cô ta rồi, tớ bảo là, ‘Celia, chị phải là thành viên của Hội hoặc là cộng tác viên thường trực thì mới được tham gia.’ Cô ta nghĩ Hội Jackson là cái gì cơ chứ? Vào cửa tự do chắc?

“Chẳng phải năm nay ta cũng nhận cả những người không phải thành viên chính thức nữa còn gì? Ngày hội Thiện nguyện lớn thế cơ mà?” Cô Skeeter hỏi.

“Ừ, thì đúng thế,” cô Hilly nói. “Nhưng tớ không định nói chocô ta hay đâu.”

“Mình không ngờ Johnny lại đi lấy một ả quê mùa luộm thuộm như cô ta,” cô Leefolt nói còn cô Hilly gật đầu tán thành và bắt đầu chia bài bridge cho mọi người.

Tôi đang xúc món salad đặc quánh và gắp những chiếc bánh kẹp thịt, nhưng không nhịn được cũng phải nghe lỏm câu chuyện. Các bà các cô chỉ bàn tán có ba thứ: con cái họ chăm, quần áo họ mặc, và bạn bè họ chơi. Nghe thấy từ Kennedy, tôi biết chắc họ chẳng nói chuyện chính trị chính em gì đâu. Họ đang kháo xem bà Jackie mặc gì khi lên ti vi thôi.

Khi tôi bưng đồ ăn tới chỗ bà Walter, bà ta chỉ lấy nửa chiếc bánh kẹp cho mình.

“Mẹ,” cô Hilly kêu ầm lên với bà Walter, “mẹ lấy thêm cái bánh nữa đi. Mẹ gầy sọp bằng cái cột điện thoại rồi đấy.” Cô Hilly nhìn một lượt khắp bàn. “Tớ đã bảo mẹ rồi, nếu con mụ Minny kia nấu nướng không nên thân thì bà cứ đuổi thẳng cổ.”

Tai tôi dỏng lên hết cỡ. Họ đang nói về người giúp việc. Tôi với Minny là bạn thân.

“Minny nấu được lắm,” bà Walter lụ khụ nói. “Chỉ vì dạo này mẹ ăn không được ngon miệng như trước thôi.”

 Minny gần như là đầu bếp cừ nhất quận Hinds, mà có khi là cả cái vùng Mississippi này ấy chứ. Ngày hội Thiện nguyện của Hội Phụ nữ tổ chức đều đặn vào mùa thu hàng năm và họ thường nhờ cô ấy làm giúp mười cái bánh caramen để mang đấu giá. Lẽ ra cô ấy phải là người giúp việc đắt giá nhất bang kia. Phiền nỗi, Minny vốn nỏ mồm. Bạ lúc nào cô ấy cũng cãi bạt mạng. Nay thì cãi ông chủ da trắng ở tiệm tạp hóa Jitney Jungle, mai thì vặc lại chồng, ngày nào chuyện cũng đến tai bà chủ da trắng cô ấy đang giúp việc. Lý do duy nhất khiến cô trụ lại với bà Walter lâu đến vậy là vì bà ta điếc đặc.

“Con nghĩ mẹ bị suy dinh dưỡng rồi, mẹ ạ,” cô Hilly rít lên. “Con mụ Minny ấy không chịu cho mẹ ăn uống gì cả, cốt để cướp sạch từng món thừa kế của con đấy mà.” Cô Hilly đùng đùng đứng bật dậy khỏi ghế. “Tớ vào phòng vệ sinh cái đã. Các cậu trông chừng hộ, tớ đâu cụ đói quá lăn ra chết thì kh

Cô Hilly đi rồi, bà Walter mới lầm bầm thật khẽ, “Tao cá là mày mong thế lắm.” Mọi người tảng lờ như không nghe thấy gì. Tối nay tôi phải gọi cho Minny mới được, để kể cho cô ấy nghe những gì cô ả Hilly vừa nói.