Người giúp việc - Chương 27-P4

Mẹ nheo nheo mắt. “Eugenia, đã đến lúc con học đòi là thế nào. Con thần tượng Constantine quá lắm. Lúc nào con cũng vậy.” Mẹ chỉ tay vào mặt tôi. “Họ không giống những người bình thường đâu.”

Tôi không dám nhìn mẹ. Tôi nhắm mắt lại. “Rồi chuyện gì đã xảy ra hả mẹ?”

“Mẹ hỏi Constantine, rõ như ban ngày, ‘Chị nói với nó thế ư? Đấy là cách chị lấp liếm tội lỗi của mình sao?’”

Đây là phần tôi hy vọng không đúng sự thực. Đây là chỗ tôi mong Aibileen đã lầm.

“Mẹ kể hết cho Lulabelle biết sự thật. Mẹ bảo nó, ‘Bố cô không chết. Ông ta bỏ đi ngay sau khi cô ra đời. Còn mẹ cô chẳng ốm một ngày nào hết. Bà ta bỏ cô vì da cô sáng quá. Bà ta không muốn nuôi cô.

“Sao mẹ không để cô ấy tin vào những gì Constantine đã nói? Constantine sợ con gái không thích mình, thế nên bác ấy mới phải bảo thế.”

“Vì Lulabelle cần biết sự thật. Nó phải quay về Chicago, đấy mới là chỗ dành cho nó.”

Tôi vục mặt xuống hai bàn tay. Chẳng có phần nào trong câu chuyện này có thể gỡ lại tội lỗi của mẹ hết. Tôi hiểu tại sao Aibileen lại không muốn cho tôi biết. Một đứa con không bao giờ nên biết những chuyện như thế này về mẹ của chính nó.

“Mẹ không bao giờ ngờ nổi Constantine lại đi Illinois với nó, Eugenia ạ. Thành thực mà nói, mẹ rất... hối hận khi bác ấy ra đi.”

“Mẹ đâu có hối hận,” tôi nói và nghĩ đến Constantine, sau năm chục năm sống ở nông thôn, giờ phải ngồi trong một căn hộ bé tí giữa Chicago chắc bác ấy cô độc lắm. Trong tiết trời buốt giá đó, đầu gối bác ấy chắc đau nhức lắm.

“Mẹ có. Và mặc dù mẹ đã bảo bác ấy đừng viết thư cho con, nhưng có lẽ bác ấy sẽ viết, nếu có thêm thời gian.”

“Thêm thời gian?”

“Constantine mất rồi, Skeeter ạ. Mẹ gửi cho bác ấy một tờ séc, mừng sinh nhật. Theo địa chỉ của con gái bác ấy mà mẹ tìm được, nhưng Lulabelle... gửi lại. Với một bản cáo phó.”

“Constantine...” Tôi bật khóc. Giá như tôi biết sớm hơn. “Mẹ, sao mẹ không nói cho con biết?”

Mẹ khụt khịt, mắt vẫn cố nhìn thẳng về phía trước. Mẹ gạt nước mắt thật nhanh. “Vì mẹ biết con sẽ trách mẹ trong khi đó... đó không phải lỗi của mẹ.”

“Bác ấy mất khi nào? Bác ấy sống ở Chicago được bao lâu?” Tôi hỏi.

Mẹ kéo cái chậu lại, ôm chặt nó bên sườn. “Ba tuần.”

AIBILEEN MỞ CỬA HẬU, cho tôi vào. Minny ngồi bên bàn, đang khuấy cà phê. Vừa nhìn thấy tôi, cô kéo ống tay áo xuống, nhưng tôi thoáng thấy mép một miếng băng trắng thò ra trên cánh tay cô. Cô lầm bầm một tiếng chào trong miệng, rồi lại cắm mặt xuống tách cà phê của mình.

Tôi đặt thịch tập bản thảo xuống mặt bà

“Nếu tôi gửi đi vào sáng mai, tức là vẫn còn sáu ngày nữa để tập truyện lên đến nơi. Có lẽ chúng ta vừa kịp hạn.” Tôi mỉm cười dù sức lực đã hoàn toàn cạn kiệt.

“Trời thần ơi, cũng ra dáng lắm chứ. Trông ngần ấy trang giấy kìa.” Aibileen tươi cười rạng rỡ và ngồi xuống chiếc ghế đẩu. “Những hai trăm sáu mươi sáu trang cơ đấy.”

“Giờ chúng ta chỉ còn... chờ xem thế nào thôi,” tôi nói và cả ba chúng tôi dán mắt vào tập giấy.

“Cuối cùng cũng xong,” Minny nói, và tôi thấy chút gì đó thoảng qua, không hẳn là một nụ cười, mà giống vẻ thoả mãn hơn.

Căn phòng chìm vào im lặng. Ngoài cửa sổ, trời tối om. Bưu điện đã đóng cửa nên tôi mang tập truyện qua cho Aibileen và Minny xem một lần cuối trước khi gửi đi. Bình thường mỗi lần đến tôi chỉ mang vài chương.

“Nhỡ họ phát hiện ra thì sao?” Aibileen khẽ lên tiếng.

Minny ngước mắt lên khỏi tách cà phê.

“Nhỡ mọi người phát hiện ra Niceville là Jackson và đoán được ai là ai.”

“Họ sẽ không biết đâu,” Minny nói. “Jackson có gì đặc biệt đâu. Có đến mười ngàn thị trấn giống y như thế.”

Đã từ lâu chúng tôi không đả động đến chuyện này, và ngoài vụ cắt lưỡi mà Winnie kể lại, chúng tôi chưa bao giờ bàn bạc nghiêm túc những hậu quả thực sự có thể xảy ra ngoại trừ mọi người có thể bị mất việc. Suốt tám tháng vừa qua, chúng tôi chỉ nghĩ được một chuyện duy nhất, đó là viết cho xong cuốn sách.

“Minny, cháu còn bọn trẻ ở nhà phải lo nữa,” Aibileen nói. “Còn Leroy... nếu nó biết...”

Vẻ quả quyết trong mắt Minny bỗng biến thành thứ gì đó lấm lét, hoảng loạn. “Leroy sẽ điên lắm. Còn phải nói.” Cô lại kéo ống tay áo xuống. “Điên rồi buồn, nếu bọn người da trắng tóm được cháu.”

“Cháu có nghĩ có khi chúng ta nên tìm một chỗ trú tạm... phòng khi tình hình diễn biến xấu đi không?”

Cả hai cùng ngẫm nghĩ, rồi lắc đầu. “Cháu sẽ biết chúng ta đâu,” Minny nói.

“Cô Skeeter, có lẽ cô cũng nên nghĩ dần đi. Một nơi nào đó cho riêng cô,” Aibileen nói.

“Tôi không thể bỏ mẹ lại được,” tôi nói. Vì vẫn đứng từ nãy đến giờ, tôi bèn buông mình xuống ghế. “Aibileen, vú có nghĩ họ sẽ... hại chúng ta không? Y tôi là, như trên báo nói ấy?”

Aibileen quay sang nhìn tôi ngỡ ngàng. Trán bác nhăn lại như thể giữa chúng tôi vừa có một sự hiểu lầm. “Họ sẽ đánh đập chúng tôi. Họ sẽ vác gậy bóng chày đến tận đây. Có lẽ họ sẽ không giết chúng tôi đâu nhưng...”

“Nhưng... chính xác thì ai sẽ làm việc đó? Những phụ nữ da trắng chúng ta nói đến trong sách... họ sẽ không làm hại chúng ta. Phải không?” Tôi hỏi.

“Cô không biết sao, đàn ông da trắng không thích gì hơn là được ‘bảo vệ’ các phụ nữ da trắng trong thị trấn của họ.”

Toàn thân tôi lập tức nổi da gà. Tôi không lo lắng lắm cho bản thân mình, nhưng tôi lo sợ về những gì mình đã làm với Aibileen, với Minny. Với Louvenia, Faye Belle và tám phụ nữ khác nữa. Cuốn sách nằm đó trên mặt bàn. Tôi chỉ muốn nhét nó vào túi và giấu đi một nơi nào đó thật kín.

Thay vào đó, tôi nhìn sang Minny bởi, vì một lý do nào đó, tôi nghĩ cô chính là người duy nhất trong chúng tôi thực sự hiểu điều gì có thể xảy ra. Thế nhưng, cô không nhìn lại tôi. Cô mân mê đầu móng tay cái trên môi và chìm đắm trong suy tư.

“Minny? Chị nghĩ sao?” Tôi hỏi.

Minny vẫn hướng mắt ra cửa sổ, đoạn cô gật đầu với suy nghĩ của chính mình. “Cháu nghĩ thứ chúng ta cần là một sự bảo hiểm.”

“Chẳng có cái gì như thế đâu,” Aibileen nói. “Không phải cho chúng ta.”

“Nếu ta đưa vụ Kinh tởm Khủng khiếp vào cuốn sách thì sao,” Minny hỏi.

“Không được, Minny,” Aibileen nói. “Thế thì ta đến chết mất thôi.”

“Nhưng nếu ta đưa nó vào, thì mụ Hilly sẽ không thể để một ai phát hiện ra là cuốn sách viết về Jackson được. Mụ không muốn bất kỳ ai biết chuyện đó. Và nhỡ họ có lờ mờ đoán được, mụ cũng sẽ kéo họ sang hướng khác

“Trời thần ơi, Minny, nguy hiểm lắm cháu ạ. Không ai có thể đoán nổi người đàn bà đó sẽ làm những việc gì đâu.”

“Không một ai biết chuyện đó trừ mụ Hilly và bà mẹ,” Minny nói. “Còn cô Celia nữa, nhưng đằng nào cô ta cũng chẳng có bạn bè để kể lể đâu.”

“Chuyện gì đã xảy ra?” Tôi hỏi. “Nó có thực khủng khiếp đến thế không?”

Aibileen nhìn tôi. Chân mày tôi nhướng lên.

“Liệu mụ dám thú nhận với ai đây?” Minny hỏi Aibileen. “Mụ sẽ không muốn cô và cô Leefolt bị nhận diện đâu, cô Aibileen ạ, vì như thế mọi người sẽ đoán được hết phần còn lại ngay. Cháu đảm bảo với cô, mụ Hilly là tấm lá chắn tốt nhất chúng ta có.”

Aibileen lắc đầu, rồi gật. Rồi lại lắc. Chúng tôi nhìn bác và chờ đợi.

“Nếu chúng ta đưa vụ Kinh tởm Khủng khiếp vào sách và mọi người có phát hiện ra đó là cháu và cô Hilly, thì cháu sẽ gặp tai họa ghê gớm lắm đấy” - Aibileen rúm người lại “mà còn chưa có cái tên nào để đặt cho nó nữa.”

“Đó là rủi ro cháu sẵn sàng chấp nhận. Cháu đã quyết rồi. Hoặc đưa nó vào hoặc bỏ luôn chương của cháu đi.”

Mắt Aibileen và Minny gắn chặt lấy nhau. Chúng tôi không thể bỏ chương viết về Minny được; đó là chương cuối cùng của cuốn sách. Đó là câu chuyện bị đuổi việc tới mười chín lần trong một thị trấn bé như cái lỗ mũi. Là nỗi đau khi phải cố gắng kìm nén cơn giận dữ trong lòng, nhưng không bao giờ thành công. Nó bắt đầu với những quy tắc của bà mẹ về cách làm việc cho các bà chủ da trắng, cho đến ngày rờí bỏ bà Walter. Tôi muốn nói điền gì đó, nhưng rồi lại nín thinh.

Cuối cùng, Aibileen thở dài.

“Thôi được,” Aibileen nói, đoạn lắc đầu. “Vậy cháu tự kể cho cô ây điễ”

Minny nheo mắt nhìn tôi. Tôi rút ra một cây bút chì và cuốn sổ.

“Tôi chỉ kể cho cô biết vì cuốn sách thôi đấy, cô hiểu chưa. Ở đây chẳng ai tâm sự tâm siếc gì với ai hết.”

“Để tôi đi pha thêm cà phê,” Aibileen nói.

NGỒI TRÊN XE QUAY VỀ Longleaf, tôi rùng mình khi nghĩ đến câu chuyện về chiếc bánh của Minny. Tôi không biết làm thế nào sẽ giúp chúng tôi được an toàn hơn, bỏ nó lại hay đưa nó vấo. Đấy là còn chưa kể, nếu tôi không thể viết xong kịp để gửi đi vào ngày mai, thì chúng tôi sẽ bị muộn thêm một ngày, rút ngắn bớt cơ hội hoàn thành đúng hạn chót. Tôi có thể mường tượng ra khuôn mặt đỏ gay đỏ gắt điên dại của Hilly, nỗi căm thù cô vẫn nung nấu đối với Minny. Tôi đã hiểu quá rõ cô bạn cũ. Nếu chúng tôi bị phát hiện, Hilly sẽ là kẻ thù tàn bạo nhất của chúng tôi. Kể cả nếu chúng tôi không bị phát hiện đi chăng nữa, việc phát hành câu chuyện chiếc bánh sẽ đẩy Hilly vào một con cuồng nộ mà chúng tôi chưa từng chứng kiến bao giờ. Nhưng Minny nói đúng - đó là biện pháp bảo hiểm tốt nhất chúng tôi có.

Cứ đi được một phần tư dặm đường, tôi lại ngoái đầu nhìn sau lưng. Tôi ghìm chân ga đúng vận tốc giới hạn cho phép và đi vào dải đường nhỏ. Mấy tiếng Họ sẽ đánh đập chúng tôi văng vẳng bên tai tôi không dứt.

TÔI VIẾT SUỐT ĐÊM và suốt cả ngày hôm sau nữa, nhăn mặt trước những chi tiết trong câu chuyện của Minny. Đến bốn giờ chiều, tôi nhồi tập bản thảo vào một hộp bưu phẩm bằng bìa các tông rồi vội vã gói nó vào giấy bọc màu nâu. Thông thường thư đi phải mất bảy, tám ngày, nhưng bằng cách nào đó, nó sẽ phải lênNew York trong sáu ngày để kịp hạn chót.

Tôi phóng như điên đến bưu điện, biết rằng nó sẽ đóng của lúc bốn rưỡi, mặc kệ nỗi sợ cảnh sát, và lao bổ tới cửa sổ nhận thư. Tôi chưa chợp mắt tí gì kể từ đêm hôm kia. Tóc tôi dựng đứng hết lên theo đúng nghĩa đen. Mắt ông đưa thư trố ra.

“Ngoài đường gió đến thế kia ư?”

“Xin ông. Ông có thể gửi cái này đi ngay hôm nay không? LênNew York.”

Ông ta nhìn địa chỉ người nhận. “Xe tải liên tỉnh đi rồi cô ạ. Phải chờ đến sáng hôm sau thôi.”

Ông ta dập dấu buu điện và tôi quay về nhà.

Vừa đặt chân tới nhà, tôi vào thẳng kho chứa thức ăn và gọi đến văn phòng bà Elaine Stein. Cô thư ký nối máy cho tôi và tôi nói với bà ta bằng giọng khản đặc, mệt nhoài, rằng tôi đã gửi bản thảo đi

“Cuộc họp biên tập viên cuối cùng sẽ diễn ra trong sáu ngày nữa, cô Eugenia. Không những nó phải đến đây kịp lúc, mà tôi còn phải có thời gian đọc qua nữa. Tôi có thể nói cơ may là rất thấp.”

Chẳng còn gì để nói nữa, nên tôi chỉ lẩm nhẩm “Tôi biết. Cảm ơn chị đã cho tôi cơ hội.” Rồi tôi đế thêm, “Chị Stein, chúc mừng Giáng sinh.”

“Ở đây chúng tôi gọi là Lễ ánh sáng, dù sao cũng cảm ơn cô, cô Phelan.”