Người giúp việc - Chương 35 - End

VÀI LỜI NGẮN NGỦI MUỘN MÀNG

Tâm sự của chính tác giả Kathryn Stockett

Bác giúp việc của gia đình tôi, Demetrie, từng nói hái bông ở Mississippi vào những đợt nóng gay gắt nhất của mùa hè có lẽ là trò tiêu khiển khủng khiếp nhất trần đời, nếu không tính việc hái đậu bắp, một loại cây đầy gai góc và mọc cực chậm. Demetrie từng kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện về việc bác đi hái bông hồi còn nhỏ. Bác ấykhanh khách và lúc lắc ngón tay trước mặt chúng tôi đầy đe dọa, làm như một lũ trẻ con da trắng nhà giàu có thể bị sa ngã bởi lời mời gọi hắc ám của trò hái bông, giống như thuốc lá hay rượu mạnh vậy.

“Bác cắm cúi hái bông hết ngày này qua ngày khác. Đến lúc nhìn xuống, da bác đã rộp hết cả lên. Bác giơ ra cho mẹ xem. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ hai mẹ con bác chưa bao giờ thấy người da đen bị bỏng nắng bao giờ. Đấy là đặc sản của người da trắng chứ!”

Lúc đó tôi còn quá nhỏ nên không hề nhận ra những gì bác kể cho chúng tôi chẳng có gì buồn cười cả. Demetrie sinh ra ởLampkin, Mississippi, vào năm 1927. Ra đời trúng vào năm ấy kể như vận đen, vì đó là những năm ngay trước khi cuộc Đại suy thoái nổ ra. Thời điểm hoàn hảo nhất để một đứa trẻ thấm thía được hết, với đủ mọi chi tiết sống động và khắc nghiệt, đời là thế nào với một đứa bé gái da màu nghèo khổ giữa một trang trại lĩnh canh.

Demetrie đến nấu nướng và dọn dẹp cho gia đình tôi khi bác đã hai mươi tám tuổi. Lúc ấy bố tôi mới mười bốn, chú tôi lên bảy. Demetrie có vóc người chắc nịch, làn da đen và vào thời điểm đó, bác có một ông chồng nghiện rượu xấu tính tên là Clyde. Giả thử tôi có hỏi han gì về ông ta, bác sẽ không bao giờ trả lời. Ngoài đề tài đó ra, bác tán chuyện với chúng tôi suốt ngày.

Lạy Chúa, tôi thích nói chuyện với Demetrie vô cùng. Sau giờ tan trường, tôi ngồi trong gian bếp của bà nội với bác ấy, nghe bác kể đủ chuyện trên trời dưới biển và xem bác nhào bột làm bánh, rán thịt g. Bác nấu ăn ngon lắm. Khách khứa nào may mắn được dùng bữa ở nhà bà nội đều phải tấm tắc khen suốt. Thật không ngoa khi nói bạn cảm thấy như mình được yêu mỗi khi nếm món bánh caramen của Demetrie.

Song các anh chị và tôi không được phép làm phiền Demetrie trong giờ nghỉ ăn trưa của bác ấy. Bà thường bảo, “Để yên cho bác ấy ăn, đấy là thời gian riêng của bác ấy,” còn tôi đứng ngoài cửa bếp, sốt ruột chỉ muốn chạy vào chơi với bác. Bà nội muốn Demetrie được nghỉ ngơi, có thế làm việc mới tốt được, ấy là chưa kể người da trắng không bao giờ ngồi vào bàn khi một người da màu đang dùng bữa.

Những quy tắc giữa người da trắng và da màu chỉ là một phần bình thường của cuộc sống. Khi còn nhỏ, mỗi khi nhìn thấy người da đen ở khu da màu của thị trấn, dù họ đang ăn mặc chỉnh tề hay vui tươi khỏe mạnh, tôi nhớ mình đã rất thương hại họ. Giờ đây, tôi thực sự hổ thẹn khi phải thừa nhận điều đó.

Thế nhưng tôi không hề c cảm giác thương hại đối với Demetrie. Thậm chí trong suốt mấy năm trời tôi còn nghĩ bác ấy cực kì may mắn vì có chúng tôi. Một công việc ổn định trong một ngôi nhà đẹp, được hầu hạ những người da trắng ngoan đạo. Nhưng phần khác còn vì Demetrie chẳng có con cái gì, thế nên chúng tôi cảm thấy mình đã khỏa lấp một khoảng trống lớn trong cuộc đời bác ấy. Nếu ai hỏi bác có bao nhiêu con, bác sẽ giơ ngón tay lên và đáp là ba. Ý bác muốn nói chúng tôi: chị Susan, anh Rob và tôi.

Tuy các anh chị không chịu thừa nhận, song tôi vẫn là đứa thân thiết với Demetrie hơn cả. Không ai dám cáu với tôi khi có mặt Demetrie. Bác ấy thường đẩy tôi ra đứng trước gương và bảo, “Con xinh lắm. Con là một đứa bé rất xinh,” trong khi sự thật hoàn toàn trái ngược. Tôi vốn là một đứa bốn mắt, mái tóc nâu lúc nào cũng xơ xác. Đã thế tôi lại còn thù ghét tắm gội. Mẹ thường xuyên đi vắng. Susan và Rob thì phát ngấy vì tôi cứ lẵng nhẵng bám đuôi, nên tôi thường xuyên có cảm giác mình bị bỏ rơi. Demetrie hiểu hết, bác hay cầm tay tôi và an ủi tôi.

BỐ MẸ LY DỊ khi tôi mới sáu tuổi. Demetrie càng trở nên quan trọng hơn đối với tôi. Khi mẹ đi vắng xa nhà, bố đưa cả mấy anh chị em đến nhà nghỉ của bố và mang theo cả Demetrie để trông nom cả lũ. Tôi thường gục lên vai Demetrie mà khóc ròng khóc rã, tôi nhớ mẹ, nhớ đến phát sốt lên.

Song đến thời điểm ấy, theo một cách nào đó, cả chị gái và anh trai tôi đều đã tách khỏi Demetrie. Hai anh chị ấy rủ nhau lên tầng thượng chơi bài với mấy nhân viên tiếp tân, lấy ống hút giả vờ làm tiền.

Tôi còn nhớ mình đã nhìn họ chơi và ghen tị biết bao vì anh chị ấy lớn hơn, có lần tôi còn nghĩ, Mình có còn bé nữa đâu. Việc gì mình phải bám chàng chăng lấy Demetrie trong khi mọi người chơi bài vui thế kia.

Thế là tôi nhảy vào đòi chơi cùng và tất nhiên, tôi mất sạch chỗ ống hút của mình chỉ sau có năm phút. Thế là tôi lại trở lại trong lòng Demetrie, làm bộ cáu kỉnh khi nhìn anh chị chơi bài. Thế nhưng chỉ sau có một phút, đầu tôi đã tựa lên cái cổ mềm mại của bác ấy, và bác đu đưa tôi như thể chúng tôi là hai người đang ngồi trên một chiếc thuyền.

“Chỗ của cháu là ở đây. Với bác,” bác ấy nói, đoạn vỗ nhẹ lên cẳng chân nóng rực của tôi. Tay bác lúc nào cũng mát rượi. Nhìn các anh chị chơi bài, tôi không còn buồn vì mẹ đi vắng nữa. Tôi đã ở đúng chỗ dành cho mình.

NHỮNG CÁI NHÌN TIÊU CỰC về Mississippiy rẫy trên phim ảnh, báo chí, tivi như một thứ bệnh dịch đã biến những người bản xứ chúng tôi thành một khối lúc nào cũng căng lên vì cảnh giác và đề phòng. Chúng tôi là những kẻ đầy kiêu hãnh và hổ thẹn, nhưng chủ yếu là kiêu hãnh.

Tuy nhiên, tôi vẫn tìm đường ra khỏi nơi này. Tôi chuyển lên New York khi hai tư tuổi. Tôi nhận ra ở một nơi hội đủ mọi thành phần tứ xứ giang hồ như thế, câu hỏi đầu tiên người ta hỏi nhau là “Anh/chị quê ở đâu?” Và tôi đáp; “Mississippi.” Sau đó tôi chờ đợi.

Với những người tươi cười và bảo, “Tôi nghe nói dưới đó phong cảnh đẹp lắm,” tôi sẽ đáp, “Bang tôi ở đứng thứ ba toàn quốc về số vụ giết người có dính dáng đến các băng nhóm tội phạm.” Với những người nói, “Trời, chắc thoát ra được cái xứ ấy cô phải mừng lắm nhỉ,” tôi sẽ xù lông nhím lên và bảo, “Anh biết cái gì mà nói? Dưới đấy cảnh đẹp lắm.”

Có một lần, giữa một bữa tiệc sân thượng, một anh chàng say xỉn đến từ một bang thuộc hàng thượng lưu giàu có ở miền Bắc hỏi quê tôi ở đâu và tôi đáp Mississippi. Anh ta cười khẩy và nói, “Tôi rất lấy làm tiếc.”

Tôi lập tức giơ gót giày lên đóng đinh xuống chân anh ta rồi dành ra mười phút quý giá tiếp theo để lên lớp anh ta về nơi “chôn nhau cắt rốn” của William Faulkner, Eudora Welty, Tennessee Williams, Elvis Presley, B. B. King, Cprah Winfrey, Jim Henson, Faith Hill, James Earl Jones và Craig Claiborne, biên tập viên và nhà phê bình ẩm thực của tờ The New York Times. Tôi cũng cho anh ta hay Mississippi là bang thực hiện cuộc cấy ghép phổi đầu tiên và cuộc cấy ghép tim đầu tiên, chưa kể những cơ sở nền móng của hệ thống pháp luật nước Mỹ đã được phát triển từ Đại học Mississippi.

Tôi nhớ nhà lắm, tôi đã chờ bao lâu nay để gặp một người như anh ta.

Lúc đó tôi cư xử chẳng lấy gì làm lịch thiệp nhã nhặn, và anh chàng tội nghiệp bèn lẩn đi như chạch, rồi từ đấy cho tới tận khi tiệc tàn, trông anh ta hoảng hốt lắm. Nhưng tôi không thể kìm được bản thân mình.

Mississippi giống như mẹ đẻ của tôi vậy. Tôi được phép ca cẩm về bà đến sướng miệng thì thôi, nhưng chỉ có Chúa mới giúp nổi kẻ nào dám to gan nói một câu không hay về bà khi có mặt tôi, trừ phi đó cũng là mẹ của họ.

TÔI VIẾT THE HELP khi đang sống ở New York, tôi nghĩ như thế dễ dàng hơn nhiều so với việc viết nó ở Mississippi, khi phải nhìn thẳng vào bộ mặt của sự thật. Khoảng cách giúp tôi có cơ hội nhìn rõ toàn cục. Gi một thành phố bận bịu quay cuồng, cảm giác được ghìm dòng suy nghĩ chậm lại và hồi tưởng quá khứ thật là dễ chịu.

The Help chủ yếu là hư cấu. Tuy nhiên, khi viết cuốn sách này, tôi đã tự hỏi hàng trăm hàng ngàn lần không biết gia đình tôi sẽ nghĩ gì, và cả Demetrie nữa, bác ấy sẽ nghĩ gì, dù bác mất đã lâu. Rất nhiều lần tôi sợ rằng mình đã bước qua một ranh giới khủng khiếp, khi dám viết bằng giọng của một người da đen. Tôi sợ mình sẽ thất bại trong việc mô tả một mối quan hệ có ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với cuộc đời tôi, một mối quan hệ rất được yêu thích và cũng bị rập khuôn kinh khủng trong lịch sử và văn học Mỹ.

Tôi thực sự rất sung sướng khi có cơ hội đọc bài viết đoạt giải thưởng Pulitzer “Quà tặng của Grady” của Howell Raines:

Đối với các cây viết miến Nam, không có đề tài nào hóc búa hơn tình cảm giữa một người da đen và một người da trắng trong thế giới bất công của phân biệt chủng tộc. Bởi chính sự giả dối đã tạo nên nền tảng cho xã hội đó khiến mọi cảm xúc đều trở nên đáng ngờ, và người ta không thể biết được những gì tồn tại giữa hai con người là cảm xúc chân thực hay chỉ là sự thương hại và toan tính thực dụng.

Tôi đọc và nghĩ rằng, tại sao ông ấy có thể diễn đạt súc tích đến vậy? Đó chính là vấn đề vô cùng tế nhị mà tôi, dù cố gắng đến đâu, cũng không thể thâu tóm nổi, hệt như nắm một con cá trơn tuột trong tay vậy. Ngài Raines đã chỉ mặt đặt tên nó chỉ bằng vài câu ngắn gọn. Tôi rất mừng khi biết mình còn có bạn đồng hành trong cuộc đấu tranh này.

Cũng như tình cảm của tôi đối với Mississippi, tình cảm của tôi đối với The Help rất mâu thuẫn, về những dòng viết về các phụ nữ da màu và phụ nữ da trắng, tôi e rằng mình đã tiết lộ quá nhiều. Tôi đã được dạy là không nên nói về những điều tế nhị như thế, rằng như thế là hỗn hào, bất lịch sự, nhỡ người khác nghe thấy thì sao.

Tôi cũng e rằng mình đã nói được ít quá. Không chỉ bởi cuộc đời của nhiều người phụ nữ da màu giúp việc cho các gia đình ở Mississippi còn cơ cực, khổ nhục hơn nhiều, nhưng còn vì tình cảm giữa các gia đình da trắng và người giúp việc da màu còn thắm thiết sâu đậm hơn nhiều so với những gì tôi có đủ giấy mực và thời gian để phản ánh.

Chỉ có một điều tôi chắc chắn: tôi không dám huênh hoang cho rằng mình hiểu cuộc sống của một phụ nữ da màu ở Mississippi là thế nào, nhất là vào những năm 1960. Tôi không nghĩ có bất kỳ phụ nữ da trắng nào ở vị trí chủ của một phụ nữ da màu có thể thực sự thấu hiểu được điều đó. Song cố gắng thấu hiểu là một phần tất yếutrong bản chất nhân văn của chúng ta. Trong The Help có một đoạn tôi thực sự tâm đắc:

Chẳng phải đó là ý nghĩa của cuốn sách hay sao? Để những phụ nữ hiểu rằng, chúng ta chỉ là hai con người. Chẳng có mấy rào cản ngăn cách chúng ta. Không nhiều như tôi nghĩ.

Tôi dám chắc mình có thể nói rằng, không một thành viên nào trong gia đình tôi từng hỏi Demetrie về cảm giác là một người da đen ở Mississippi, cảm giác phải làm việc cho gia đình da trắng của chúng tôi là thế nào. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc phải hỏi câu đó. Đó là cuộc sống thường nhật. Đó không phải là chuyện mọi người cảm thấy cần phải biết.

Suốt bao nhiêu năm nay, tôi cứ ước sao mình đủ khôn lớn và chín chắn để hỏi Demetrie câu đó. Bác mất khi tôi mười sáu tuổi. Tôi đã mất rất nhiều năm mường tượng câu trả lời của bác ấy sê ra sao. Đó là lý do tôi viết cuốn sách này.

 Hết !

1. Crisco: Tên một loại dầu thực vật.

2. Chú thỏ Br’er là nhân vật chính trong những câu chuyện kể của bác Remus vẫn được lưu truyền rộng rãi ở miền Nam nước Mỹ. Thỏ Br’er là nhân vật tài trí, thông minh, thường dùng trí khôn của mình để chiến thắng những kẻ quyền thế và độc ác. Những mẩu chuyện xoay quanh chú thỏ này xuất hiện trong cả văn hóa Châu Phi và văn hóa bán địa Mỹ. Sau này hãng Walt Disney đã lấy nguyên mẫu thỏ Br’er để xây dựng bộ phim hoạt hình Song of the South.

3. KKK: viết tắt của Ku Klux Klan, hay còn gọi là Đảng 3K, là tên của nhiều hội kín lớn xưa nay ở Hoa Kỳ với chủ trương đề cao sự ưu việt của chủng người da trắng, chủ nghĩa bài Do thái, bài Công giáo, chống cộng sản, chống đồng tính luyến ái và chủ nghĩa địa phương. Các hội kín này thường sử dụng các hoạt động mang tính hăm dọa chẳng hạn như đốt thập giá, treo cổ... để đe dọa người Mỹ gốc Phi và những nhóm người khác.

4. Skeeter trong tiếng Anh nghĩa là con muỗi.

5. DAR: Viết tắt của Daughters of American Revolutions, Hội những người con gái cúa phong trào cách mạng Hoa Kỳ, đây là một hội phụ nữ bảo thủ dành cho tất cả các phụ nữ là con cháu của những người từng tham gia phong trào đấu tranh giải phóng nước Mỹ khỏi sự cai trị của Anh.

6. NAACP: viết tắt của National Association for the Advancement of Colored People, Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu. Đây là tổ chức thành lập vào năm 1909 tại Mỹ với mục tiêu đấu tranh vì dân quyền của người Phi - Mỹ.

7. Viết tắt của Poor Starving Children of Africa.

8. Zip code: mã vùng bưu điện

9. Thành ngữ “Kinh cung chi điểu” (chim sợ cánh cung) lấy từ một điển tích trong Chiến Quốc sách, nhằm ví người đã từng bị một phen kinh hãi, thấy động tĩnh gì cũng hoảng sợ.

10. Martian nghĩa là người sao Hỏa. Aibileen mượn nó để kể cho Mae Mobley nghe về Marrin Luther King.

11. Joe Louis Barrow (1914 - 1981) là nhà vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới từ năm 1937 đến năm 1949.

12. Trong tiếng Anh Mỹ, help vừa có nghĩa là người giúp việc, vừa có nghĩa là sự giúp đỡ và là một câu cám thán kêu gọi giúp đỡ.

13. Ngày 21 tháng 6 năm 1964, tại quận Neshoba nằm ở trung tám bang Mississippi, ba nhà hoạt động vì dân quyền, bao gồm Michael Shewerner, Andrew Goodman và James Chaney, đã biến mất cùng chiếc xe hơi khi đi điều tra vụ KKK đốt trụi một nhà thờ của người Phi Mỹ. Vụ mất tích của ba người đã thu hút sự quan tâm chú ý của toàn nước Mỹ và kéo theo một cuộc điều tra quy mô lớn của FBI với mật hiệu MIBURN, viết tắt của “vụ phóng hỏa Mississippi” - Mississippi Burning.