Mẹ Ơi! - Phần 02

Bài thơ Vu lan

Tôi được tiếng là cậu học trò có năng khiếu về văn. Năm lớp Nhứt, tức lớp Năm sau này, tôi làm thơ học trò, đăng báo tường và đã có bài được chọn đăng trên báo Thiếu Nhi

Lớn hơn, học lớp 10, ảnh hưởng phong trào thơ tiền chiến được thầy dạy văn hướng dẫn, tôi tập tễnh làm thơ về tình yêu dù chưa biết tình yêu là gì.

Tôi làm được vài bài thơ tình, vội chép trong vở học trò...

Mẹ tôi vô tình đọc được.

Mẹ khuyên:

- Con còn đi học, nên làm thơ về bạn bè trong trường, trong lớp; về thầy cô, rộng hơn thì làm thơ về quê hương đất nước. Con còn đi học, đừng có “yêu” sớm!

Tôi mắc cỡ, cảm thấy có lỗi với Mẹ. Mẹ không la rầy thêm, chỉ nhìn tôi với ánh mắt tin cậy, thương yêu. Vậy là tôi quyết định làm thơ về Mẹ.

Rằm tháng bảy, tôi theo Mẹ đi chùa. Chùa gần nhà. Mẹ thường đến chùa làm công quả, cúng bái, lạy Phật. Rồi ăn cơm chay.

Ðến chùa, tôi nghe sư cô giảng về sự tích đức Mục Kiền Liên và bà Mẹ tên Thanh Ðề; về mùa báo hiếu Vu Lan của những người con hiếu thảo.

Mẹ mua cho tôi quyển “Bông Hồng cài áo” của tác giả Nhất Hạnh. Quyển sách mỏng, in đẹp, giọng văn gần gũi, dễ đọc.

Tôi đọc và cảm nhận được sự thiêng liêng của tình Mẹ, hiểu được rằng ai có Mẹ cũng đều yêu thương Mẹ như mình, nhưng chưa “cụ thể”, chưa nói với Mẹ là con yêu Mẹ để Mẹ vui, để Mẹ mừng và ôm mình vào lòng như ngày còn bé thơ.

“Mẹ là một dòng suối, môt kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng.

Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi, mới nói: “Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ.”

Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm.

 

Giận dỗi.

Hờn lẫy.

Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp.

Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con.

Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ: thật như là mình chưa bao giờ thật có ý thức rằng mình có mẹ”.

Thích Nhất Hạnh

(Bông hồng cài áo)

 

Tôi yêu Mẹ vô cùng. Và từ tình yêu đó, từ mùVu Lan và tiếng chuông chùa công phu năm đó; tôi làm thơ về Mẹ, về bông hồng... với lời thơ trẻ con, mộc mạc, nghĩ sao, viết vậy!

Bài thơ được đăng trên báo Ðiện Tín năm 1974, tôi cắt ra giữ cho tới bây giờ, đã 36 năm...

Mời các bạn cùng đọc lại với tôi bài thơ này nhé!

 

Vu lan, con kết bông hồng đỏ

Văng vẳng tiếng gà nơi cuối xóm

Gió lùa qua vách gió mưa Ngâu

Đèn khuya mờ ảo lung linh ngọn

“Quệt quoạt” ngoài mương ếch vọng sầu...

 

Mẹ hiền đã thức trong đêm vắng

Dưới ánh đèn Mẹ nhóm bếp lên

Ăn sáng no lòng tô cháo trắng

Ngồi nghe chuông đổ công phu rền

 

Quảy gánh trên vai ra chợ sớm

Lúc trời mờ nhạt ánh sao Mai

Hừng đông con thức, đi theo Mẹ

Ra chợ, ngồi bên Mẹ ngủ hoài.

 

Gió lạnh tiết trời trong tháng Bảy

Mẹ mua bánh trái cúng Vu Lan

Con trông chừng gánh hàng cho Mẹ

Phiên chợ hôm nay thật rộn ràng.

 

Xế trưa, theo Mẹ bên đường cũ

Nhánh hồng trong thúng nhỏ đong đưa

Cầm đóa hồng trên tay Mẹ dặn

Coi chừng gai nhọn đó nghe chưa?

 

Mẹ cắm bông hồng trong ly nước

Cúng rằm tháng Bảy thật nghiêm trang

Chắp tay Mẹ đứng lâm râm vái

Thất tổ, cửu huyền trong khói nhang!

 

Con chưa hiểu được bông hồng đó

Có nghĩa gì khi được Mẹ chưng?

Một đóa Hồng trong rằm tháng Bảy

Vu Lan Bồn, lòng cũng lâng lâng!

 

Bây giờ tóc Mẹ pha màu nắng

Con lớn theo thời gian thoáng mau

Mỗi lần xõa tóc cho con nhổ

Mấy sợi tóc sương, mấy nghẹn ngào.

 

Con lớn, Mẹ càng thêm mỏi mệt

Tuổi đời chồng chất những lo âu!

Mẹ ơi! May quá con còn Mẹ

Còn được gần bên Mẹ mãi lâu.

 

Bên Mẹ, Mẹ ơi con muốn nói

Con còn thơ dại lắm Mẹ ơi!

Con muốn được nghe lời dạy bảo

Êm đềm như sóng nhẹ ngoài khơi.

 

Con muốn được làm thằng trẻ nít

Đi theo Mẹ nhóm chợ hừng đông

Con muốn được gai đâm chảy máu

Máu hồng con nhuộm cánh bông hồng.

 

Bây giờ con hiểu bông hồng đó

Là tượng trưng tình Mẹ với con

Ngày rằm trên áo cài bông đỏ

Hãnh diện tôi đây Mẹ vẫn còn.

 

Vu Lan tháng Bảy ngày rằm lớn

Yêu Mẹ nên yêu những đóa hồng

Con quỳ lạy Phật Trời ban phước

Mẹ sống ngàn năm con cháu đông.

 

Đêm nay còn thức nghe mưa đổ

Len lén con nhìn Mẹ ngủ say

Mẹ ơi con thấy mình nhỏ dại

Con lớn? Không! Con vẫn nhỏ hoài.

 

Ngày rằm tháng Bảy gần kề đó

Mẹ vẫn còn mạnh khỏe, thảnh thơi

Vu Lan con kết bông hồng đỏ

Mừng Mẹ bình an giữa cuộc đời.

 

Vui sướng trong tình thương của Mẹ

không quên được kẻ không may

Mất Mẹ, trời ơi đau khổ lắm

Như con thuyền giữa gió mưa bay!

 

Mẹ ơi! Gần mãi bên con nhé?

Để được nhìn vào mắt Mẹ thương

Mẹ ơi con nói con thương Mẹ

Mẹ của con ngọn đuốc soi đường.

 

Đêm dứt cơn mưa buồn tháng bảy

Ánh trăng len lỏi giữa hàng cây

Sáng mai theo Mẹ đi chùa sớm

Cầu Phật trời cho Mẹ sống hoài!

Mùa Vu Lan 1974

 

Bài thơ được đăng báo, tôi mừng đem khoe với Mẹ. Mẹ đọc xong rồi cười, xoa đầu tôi: “Mai đi chùa lạy Phật với Mẹ”. Tôi hiểu đó là phần thưởng Mẹ dành cho tôi.

Sau này sống xa Mẹ, đến mùa Vu Lan là tôi đọc lại bài thơ này, đọc một mình vì không còn được khoe với Mẹ như ngày xưa nữa.

 

Áo mới – áo cũ

Không nói ra nhưng tôi biết tôi và bạn đều rất vui khi có được chiếc áo mới mừng đón Tết. Ngày cuối năm, Mẹ đi chợ về, có áo mới cho anh em tôi, mỗi người một áo sơ mi trắng.

Sao là áo trắng mà không là áo màu, áo sọc?

Như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, Mẹ nói: “Mặc Tết, rồi mặc đi học luôn”.

À ra vậy! Hồi tựu trường, hai anh em tôi đều mặc áo trắng cũ đến lớp, dù Mẹ có giặt tẩy rồi ngâm giấy phẩm xanh sáng trưng, nó vẫn là áo cũ. Cho nên...

Anh tôi mừng lắm vội xếp áo cất vào tủ, chờ mai mặc đón Tết. Với tôi, niềm vui được nhân đôi: vừa có áo mới mặc Tết, vừa có áo mặc đi học.

Nhìn đám bạn hàng xóm gia đình khá hơn, ăn Tết đứa nào cũng áo mới màu sặc sỡ, vui mắt mà thương Mẹ vô cùng. Nhà nghèo phải biết tính.

Chúng tôi có áo mới nhưng Mẹ có gì không? Không, Mẹ vẫn tấm áo mặc thường ngày. Áo túi bên trong, áo bà ba bên ngoài. Tết, có đi thăm viếng bà con, Mẹ mặc áo dài cũ. Chiếc áo dài đó chỉ khi nào đi đám, đi viếng thăm ai, Mẹ mới mặc.

Mười mấy năm rồi vẫn vậy...

Ngày tôi lớn khôn, ra đời đi học, đi làm... tôi mua áo quần mới, đắt tiền để mặc; mua nhiều loại vải tốt hơn vải “nội hóa” về cho Mẹ may áo... Mẹ mừng lắm, xoa đầu tôi. ngày Tết nguyên đán, trong đêm giao thừa, tôi vẫn thấy Mẹ mặc chiếc áo dài xưa, thắp nhang vái ông bà, cúng Cửu huyền Thất tổ rất nghiêm trang.

Tôi biết chiếc áo dài đó được Mẹ giữ gìn và mặc trong những ngày thiêng liêng, là Mẹ muốn giữ một nét đẹp trong ngày lễ, tết cổ truyền, trước những đổi thay của cuộc sống bên ngoài...

Cánh diều nhỏ

Chờ cơn gió mạnh hơn, kéo dài hơn; chúng tôi bắt đầu thả diều bằng những cú chạy dài và mạnh trên đám ruộng, vừa chạy vừa thả dây dài ra cho diều lên theo gió.

Một con, hai con rồi ba con... Những con diều giấy nhiều màu vút lên cao, hai cánh tai lất phất, cái đuôi dài uốn éo lần lượt xuất hiện khắp cả bầu trời căng gió. Tâm hồn bọn trẻ chúng tôi dường như cũng muốn bay lên khoảng trời xanh trong ấy.

Con diều của tôi nhỏ nhứt trong số những con diều có mặt trên bầu trời. Nó làm bằng giấy đôi tập học trò và chiếc đuôi ngắn ngủn. Nhưng nó vẫn bay được dù bay thấp nhất...

Con diều nhỏ bé của tôi là con diều yếu ớt, cho nên chiều hôm đó, trước cơn gió mạnh bất ngờ thổi tít trên cao, nó chao nghiêng, chúi xuống rồi trôi ra xa. Tôi thấy bàn tay cầm dây bỗng nhẹ đi.

Diều đứt dây!

Con diều nhỏ bé của tôi bị cuốn theo chiều gió trước sự ngẩn ngơ của tôi và tiếng reo của đám bạn: “Diều hụp lèo rồi! Ha ha...”

Về nhà, đến tối, tôi vẫn còn buồn và thấy tiếc con diều giấy. Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy nó vẫn ở bên tôi, vẫn cùng tôi bay trên bầu trời xanh biêng biếc

Thật bất ngờ, giấc mơ đêm hôm qua được hóa thành sự thật khi Mẹ đánh thức tôi dậy giữa trưa, chỉ cho tôi con diều giấy khác lớn hơn, đẹp hơn và trông vững vàng hơn.

- Diều ở đâu vậy Mẹ?

Mẹ tôi cười không nói.

Sau đó tôi biết được là Mẹ đã nhờ một đứa trong xóm làm cho tôi con diều giấy, giá vài đồng bạc

Tôi thích lắm, ôm con diều mà quên cám ơn Mẹ. Lúc đó Mẹ mới nói: “Mẹ mừng sinh nhật con đó, chịu chưa?”

Tôi à một tiếng ngạc nhiên. Nhìn tờ lịch trên vách, hôm nay đúng là ngày sinh của tôi, vậy mà tôi quên mất. Chỉ có Mẹ là nhớ đã sinh ra các con vào ngày nào, tháng nào.

Chiều hôm đó, cánh diều của tôi bay cao hơn con diều cũ đã mất, nó bay một cách kiêu hãnh, vững vàng trên bầu trời. Niềm tin và tình thương của Mẹ từ tôi đã truyền cho con diều sức sống mạnh mẽ và nó bay rất cao...

Cho đến khi mặt trời lặn khuất sau hàng cây bên sông, các con diều giấy lần lượt đáp xuống.

Con diều của tôi đáp xuống sau cùng trong sự khâm phục của tôi và đá bạn. Nó là con diều vô địch chăng? Không phải. Nó là cả tình thương yêu của Mẹ dành cho tôi, do đó hình như nó có sức sống mà những con diều giấy khác không thể nào có được!