Khúc Nam Ai - Chương 02-P3

Đói kém đến nơi rồi. Lời nói của ba tôi đã ứng nghiệm trong mùa đông năm đó. Những cơn mưa bão liên tiếp đã giết chết số hoa màu còn lại. Gạo đã hiếm ở chợ. Tiền ăn tiêu cả năm trông cậy vào vụ mùa đã hết. Chúng tôi cùng chung số phận với dân chúng miền Trung nghèo khổ. Ba tôi phải lần lựa từng ngọn cây, cọng rau. Mẹ tôi lo từng bữa cơm dọn sẵn, giản tiện từng chút ruốc chút mắm. Trong khi đó tôi vẫn đều đặn đến trường. Tuy nhiên lớp học càng ngày càng buồn bã và vắng dạng. Không có ai đi học được với cái bụng trống. Trông Vân cũng ốm buồn tiều tụy. Chúng tôi mặc dù không đến nỗi chết đói nhưng thật tình đời sống quá chật vật. Buổi chiều, sau giờ tan học, tôi đem rổ ra đồng để tát những đìa cá, hoặc tìm những đám rau má, rau muống mọc lan. Ruộng nương cũng trở nên buồn phiền. Nước ung ủng, mạ vàng dọt, rau thối gốc. Tôi nhớ đến những đồng ruộng bao la ở miền Nam, những lạch cá nhảy loi choi vào mùa nước lớn. Những cánh đồng rau trái, những vườn cây ăn quả trĩu nặng. Ở miền Nam, vào những lúc chúng tôi quẫn bách lắm cũng không đến nỗi tệ như ở đây. Buổi cơm trưa, cơm chiều chỉ độc một món ăn duy nhất là nước ruốc hòa loãng với nước lạnh đun sôi, nổi lều bều mấy trái ớt chỉ thiên xanh cay xè. Tôi thèm làm sao bữa canh chua bạc hà với cá lóc. Những con cá làm sạch thịt trắng nõn chua ngọt giữa những lát bạc hà xanh xôm, cạnh vài cọng giá cùng những cành rau ngổ chua xanh. Bữa cơm đơn giản hằng ngày càng làm tăng thêm mức thèm thuồng của tôi. Và tôi chợt nhớ đến những buổi đi chợ đêm của ba ruột tôi thời còn xuôi ngược. Đi chợ đêm là một hành động xấu nhưng không biết tại sao ý nghĩ và hành động ngày xưa cứ quấn quít lấy tôi, nhất là sau những buổi cơm chưa no phải ăn đỡ bằng mấy củ khoai mì bị nước đăng đắng. Ý tưởng đó đến đi bất ngờ nhưng cũng gieo trong lòng tôi sự hổ thẹn vô biên. Sự hổ thẹn càng gia tăng khi tôi tự nhận thức được là vô tình trong thời gian đi rảo, tôi hay nhìn vào những cánh vườn ở phía khô vẫn còn xanh tốt. Những ngôi nhà vườn ít ỏi còn sót lại sau trận bão lụt vừa qua. Tôi biết có ngày tôi sẽ đột nhập vào ngôi vườn rộng kia. Đột nhập khéo léo không ai hay biết. Đột nhập lặng lẽ mà chưa biết mình sẽ làm gì trong đó. Tôi xấu hổ và tự kềm chế. Nhưng càng kềm chế tôi càng tưởng tượng ra những thức mình lấy được từ ngôi vườn phì nhiêu kia. Một ít rau sá gì, một cái trứng sá gì. Cho đến một buổi chiều nọ, buổi chiều ảm đạm có mây che kín trời và gió lạnh gai người. Những bụi dâm bụt úp mặt buồn rầu trên hàng rào. Những dây bông biết lồ lộ mấy cái hoa màu tím xanh. Ngôi vườn tôi đi ngang vẫn nhơn nhởn màu xanh đẹp với những trái đã kết trĩu cành. Tôi dừng lại giây lát để nhìn vào trong. Hình như nhà không có ai. Cánh cửa đóng bằng một sợi dây xích nhỏ. Tim tôi đập mạnh. Qua khoảng trống của khoảng hàng rào bị ngã đổ vì trận bão vừa qua, tôi nhìn thấy những trái ổi chín vàng. Bụng tôi chợt đói cồn cào. Tôi cố hết sức để bước đi. Nhưng khung cảnh vắng vẻ chung quanh đã níu bước tôi lại. Tiếng chim kêu hoang từng chập. Tiếng bụi trúc vàng đầu kia cọ kẹt. Tôi ngồi thụp xuống bờ cỏ. Bất chợt tôi thấy mình vừa lập lại thế ngồi của những buổi đi chợ đêm ngày xưa. Chắc không ai rỗi hơi để giữ vườn đâu. Vườn rộng thế này mà ! Nếu người ta cần thì những trái ổi chín kia đã được chiếu cố từ lâu rồi. Có trái còn bị chim ăn nữa kìa. Tôi lách hàng rào chui vào. Tôi ngồi im một lát nghe ngóng. Không có ai ngoài tiếng gió lay lắt chạm nhau. Tôi bíu lấy cành ổi, hái trái. Những trái to nhất ngon nhất được tôi nhét vào túi quần, cầm trên tay, cắn trong miệng. Nhưng ngôi nhà vắng quá. Tôi chợt có ý muốn vòng quanh nhà xem thử còn cây trái nữa không. Trừ những quày chuối cao còn xanh, mọi thứ đều còn non, trái đơm cả chùm nhưng chưa thể ăn được. Tôi nhón lấy một trái chanh còn non, chỉ có thể nhấm với muối ớt thôi. Ngôi vườn um tùm. Từ bên trong nhìn ra, tôi không trông thấy gì và chắc từ ngoài vào cũng chả có ai trông thấy tôi. Yên trí, tôi quan sát kỹ lưỡng từng cây một tựa như là vườn của nhà mình.

- Tục tác, tục tác...

Tiếng gà tục tác liên hồi làm tôi giật mình nấp ngay vào một gốc bụi hoa trang có hoa trắng toát. Con gà mái khệ nệ từ trong ổ nhảy ra. Chắc nó vừa đẻ. Ý tưởng đến làm tôi thấy nóng mặt, đồng thời lòng tham bỗng nổi lên. Ý nghĩ liều lĩnh xuất hiện không có gì trì kéo nổi. Tôi đi nhẹ lại ổ gà đẻ. Có tiếng cổng mở. Tôi đưa tay chận ngực, tim muốn đứng lại và hai chân như bị đóng đinh. Tiếng người nói lao xao. Tôi đang đứng trước ổ trứng gà có cả thảy hai trứng. Tiếng cười nói càng lớn. Một phút nào đó, tôi quay người và không quên lấy luôn hai quả trứng còn nóng hổi. Con gà tục tác liên hồi. Tôi men theo bờ dâm bụt lòn ra ngoài vườn theo ngả cũ. Có tiếng con nít la to :

- Mẹ ơi, con gà đẻ rồi. Nó tục tác.

- Ừa, để nó chạy rồi ra mà lấy trứng.

Tôi vọt chân chạy thật xa, băng qua cánh đồng ngập nước. Những trái ổi đánh xà nẹo lủng lẳng đập vào đùi đau điếng. Khi đã độ chừng không ai thấy được, tôi lủi vào một bãi cỏ ở một mô đất cao giữa ruộng. Giữa bầu không khí lạnh lẽo, giữa những cơn gió thoảng lạnh buốt, tôi cắm cúi ăn sống hai cái trứng gà tươi, không thèm nghĩ đến một điều gì khác Khi bụng đã đầy ổi và trứng, tôi còn lại hai trái ổi chín thơm ngát. Lòng hơi bứt rứt vì những hành động không đẹp vừa qua, tôi không dám đem ổi về nhà, sợ bị ba má nuôi tra hỏi. Hay mình đem cho Vân. Nghĩ là làm, tôi trở ra lộ đi thẳng đến nhà Vân. Nhưng xui xẻo cho tôi, Vân lại không có mặt ở nhà. Bỏ thì tiếc mà đem về cũng cực. Nhưng suy đi tính lại, tôi đành đem về nhà ráng kiếm một chỗ giấu kỹ để ngày mai ăn.

Buổi cơm tối hôm đó, tôi chỉ ăn được một chén. Lấy cớ là người gay gay không muốn ăn cơm. Má tôi lo sợ bắt tôi phải xông một nồi hơi nấu bằng lá chanh, lá tre và sả. Bà còn bắt tôi nằm xuống cạo gió ở đằng sau lưng bằng đồng bạc cắc. Lưng bị cào đau điếng, tôi bấm bụng chịu không dám kêu la. Đêm đó, tôi không dám lấy hai trái ổi giấu trong thùng thiếc trống sau dàn bếp. Ấy, nhưng qua ngày mai khi tôi sực nhớ, thì hai trái ổi không cánh mà bay. Thay vì được ăn ổi, tôi lấy làm lạ tại sao má tôi lại sắc một chén thuốc làm bằng vỏ lựu và vỏ chanh đắng nghét rồi bắt tôi uống. Bài thuốc này bà chỉ dùng để trị bệnh bội thực, không tiêu, đau bụng. Chén thuốc đắng đã làm tôi khỏi bệnh giả mau chóng. Tôi cố tìm xem hai trái ổi biến mất ở đâu. Cuối cùng tôi thấy nó ở cái lạch bùn sau nhà. Ai đã vất nó ra đây ? Cả nhà không ai ngoại trừ ba tôi và mẹ tôi, thế nhưng sao bà không hỏi hoặc la mắng tôi gì cả ? Tôi lấm lét nhìn bà để xem bà có biết xuất xứ của hai quả ổi, nhưng trong cặp mắt của bà tôi chỉ đọc thấy sự âu lo vì cơm gạo và nét bao dung hiền hòa. Buổi chiều đến trường, Vân nói với tôi :

- Anh Hiệp à, hồi hôm qua, nhà ông Cẩn mất ổi và hàng lố trứng (tôi chửi thầm, có hai quả mà nói cả lố). Trời ! Bả la bả chửi quá sá, đổ thừa nhà ông Dinh ở bên đó. Hai nhà chửi lộn nhau tơi bời hoa lá.

Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Như thế này, chắc má nuôi tôi đã hiểu ra ai là người ăn trộm ở vườn ông Cẩn. Thế nhưng sao bà không nói một lời nào hết, ngay cả lời trách mắng ? Hay là bà không hay biết ?... Vô lý, bởi câu chuyện gì nhỏ đến đâu cũng lan truyền đi khắp xóm một cách nhanh chóng. Tôi hồi hộp đến nỗi không thể giải được bài toán rất dễ trong lớp. Bữa cơm tối, tôi lặng lẽ ngồi ăn. Chắc chắn rằng bà đã biết chuyện. Nhưng sao bà không trách mắng tôi ? Sự bao dung của má nuôi, của ba nuôi tôi làm tôi xấu hổ. Tôi muốn được kể lể lý do tại sao tôi phải để mắt đến những trái ổi, những quả trứng. Nhưng không ai hỏi tôi. Câu chuyện trao đổi giữa bữa ăn vẫn như thường. Đặc biệt, hôm nay, cạnh đĩa rau muống và bát nước ruốc, còn có một đĩa trứng kho.

Sau bữa cơm, tôi bên giường sớm. Nằm xoay mặt vào vách tôi nhớ tới gương mặt buồn bã của cha tôi mỗi lần đi chợ đêm về. Nhớ đến tiếng thở dài của người khi thấy bác Tư hoặc bác Bảy mang về quá nhiều đồ trong chiếc bao tải. Nhưng ba tôi không nói gì bởi người biết rằng nếu không, cả đoàn sẽ không đủ sức để mà hát. Hơn nữa, vườn người ta giàu có, lớp bớt đi cũng chả sao. Ánh mắt câm lặng của ba ruột tôi hồi đó, bây giờ bỗng hệt ánh mắt của ba má nuôi tôi. Tôi xấu hổ úp mặt xuống gối âm thầm khóc. Chắc từ nay trở đi, dù có đói đến chết tôi cũng không dám cầm đến một vật gì không phải của mình, bởi thực tình lòng tôi, óc tôi không chịu đựng nổi với sự hối hận, xấu hổ...

Mùa đông qua nhanh. Cơn mưa lạnh chấm dứt dần. Đường sá không còn lầy lội. Nắng bắt đầu ấm và cây cỏ nẩy lộc đâm chồi. Những lũy tre xanh óng viền quanh bờ đất. Những cành mai nở muộn phất phất hoa vàng. Buổi sáng, trời mờ mờ sương, quận lỵ như được phủ lên một lớp khói mỏng. Hơi gió thoảng qua, mang theo những tia ấm mặt trời đầu tiên vo tròn màn sương mỏng thành những hạt lóng lánh như thủy tinh rập rờn trên cành lá xanh biếc. Mấy đóa thược dược mịn như nhung he hé đậm đà trên mảnh vườn đầy hoa cải vàng. Thời tiết tươi mát dịu dàng. Hình như có cái gì tha thiết của khí trời muốn đeo đẳng với làn da trên má, trên mắt. Càng lúc tôi càng thấy miền Trung đẹp thật. Trừ khi những mùa mưa bão, nắng hạn, trời miền Trung có vẻ nên thơ giống hệt như cảnh vật miền Bắc mà Xuân Diệu đã tả.

Theo thời gian, sự liên lạc giữa tôi và Vân trở nên mật thiết. Chúng tôi thân nhau như anh em, như hai người bạn trai. Có nhiều đứa con gái đã xầm xì, dè bỉu Vân, và có những đứa bạn trai xấu tính đã cười tôi là cứ chạy theo con gái. Nhưng chúng tôi hiểu nhau, và nhất là Vân và tôi đã quen nhau ngay từ phút đầu tiên tôi đến trường, giữa lúc tâm trạng tôi cô đơn nhất. Vì vậy, chúng tôi vẫn học chung với nhau, vẫn rủ nhau đi chơi, đi ruộng, vẫn qua lại gia đình nhau. Tôi chỉ thấy mình mến Vân chứ không có ý nghĩ nào khác hơn, cho đến một ngày...

Hôm đó, chúng tôi được nghỉ học hai giờ đầu vì thầy giáo bị bệnh bất ngờ. Trong khi chờ đợi hai giờ học kế tiếp đến, học sinh đều rủ nhau, đứa thì về nhà, đứa tản mác ra bãi cỏ, hoặc rủ nhau năm ba đứa đi chơi. Tôi rủ Vân ra bờ bãi cỏ ở đàng sau trường để cùng ôn lại những bài tính khó. Tôi và Vân dựa người vào một bụi trúc lớn có bóng mát mẻ. Quyển sách toán trải dài, tôi giảng cho Vân nghe cách chứng minh một phương trình đại số. Đang lúc Vân và tôi bàn cãi với nhau bỗng có tiếng cười rộ ở đàng sau :

- a bình phương cộng với b bình phương ra con trai với con gái tò tí với nhau.

Tôi giật bắn người quay lại, một bọn chừng năm, sáu đứa lạ mặt, ý chừng chúng học lớp khác, trong bọn tôi chỉ biết mặt thằng Võ, là đứa đã chặn Vân giữa đường giựt cặp sách và bị tôi mắng một trận nên thân. Vân ôm cặp đứng dậy, tôi giận dữ nghiêm giọng :

- Xin lỗi mấy anh, chúng tôi không thích giỡn hớt.

- Mầy hổng thích giỡn thì thôi, tao hổng có giỡn với mầy, tao hỏi con Vân đó, làm chi tụi tao nè ?

Chúng giả giọng nói. Một đứa khác cười nham nhở :

- Em Vân ơi, tội tình chi mà em phải theo thằng không cha không mẹ, hắn có phải cải lương chi bảo đâu. Em mê chi thằng kép con đó. Theo anh đây nì.

Cả bọn cười ồ khả ố. Vân run lên bật khóc. Tôi giận đến điên người, phóng lại đấm thẳng vào mặt tên vừa thốt ra câu đó. Bất thình lình bị ăn phải trái đấm của tôi, nó không tránh được ôm mặt la lên. Cả bọn ùa vào. Tôi chỉ mặt thằng Võ nói :

- Mày rủ cả bọn trả thù tao phải không ? Được rồi thằng nào ngon nhào vô đi. Tao không ngán đâu mà.

Nhưng không có đứa nào nhào vô riêng rẽ mà cả một bọn chúng ào lên mình tôi như một cơn lốc. Đứa đấm vào mặt, đứa ôm ống chân, đứa đấm vào lưng. Trong giây phút thảng thốt đầu, tôi bị yếu thế ngã vật xuống. Một trận mưa đòn hội chợ phủ lên mình tôi. Chiếc răng cửa đau nhói. Một chất mặn mặn dính vào đôi môi xót. Đầu đau nhức trong cái tê tê không cảm giác. Tôi nghe loáng thoáng giữa tiếng hét, tiếng chửi tục tằn là tiếng la tiếng khóc sợ hãi của Vân. Tôi vùng lên, co chân đạp mạnh, đứa trên bụng tôi kêu lên bắn ra, đứa bên trái, đứa bên phải, một quả đấm đúng ngay vào sống mũi thằng bên cạnh. Tôi vùng dậy, đấm chúng liên hồi. Khoảng mười phút sau, chúng hè nhau bỏ chạy như vịt về phía trường. Tôi ngồi xuống đất thở dốc. Mấy vết thương trên lưng trên mặt chợt đau rát. Vân kiếm đâu được chiếc khăn ướt, vừa lau mặt tôi, lau những chỗ đau, vừa khóc thút thít. Tôi an ủi Vân :

- Vân đừng buồn nghe, tụi nó không dám làm chi Vân đâu. Thằng Võ mà gặp anh một lần nữa là biết mặt.

Vân không nói chỉ khóc. Chiếc khăn thấm đầy đất và máu. Nước mắt nhòe nhoẹt trên má Vân. Gương mặt Vân thật sát mặt tôi. Bỗng một thoáng tôi chợt thấy lòng rung động nhẹ. Vân lớn thật rồi, Vân đã trở thành một thiếu nữ dậy thì. Đôi má hồng, chiếc miệng xinh, đôi mắt đen trong vắt. Tất cả là một cân đối đáng yêu. Hèn gì tụi thằng Võ không nghi ngờ Vân và tôi có tình ý với nhau. Hèn gì, tụi nó không ghen tức. Nghĩ đến đó bất chợt tôi đẩy Vân ra xa. Vân ngạc nhiên hỏi :

- Vân làm anh đau hả ?

Tôi bối rối xua tay :

- Không, anh đỡ đau rồi, gần đến giờ vô học, coi chừng trễ. Cái cặp sách của Vân đâu ? Thôi, Vân lau mặt đi !…

Vân và tôi cùng đứng dậy. Nắng lên cao, hai con chim đang âu yếm rỉa lông nhau trên cành trúc xanh, hót giọng thanh thanh trong trẻo. Nắng chiếu trên má Vân đỏ hồng. Bờ tóc con gái bay bay đen mun như tấm nhung huyền. Tà áo dài trắng thướt tha trong nắng. Tôi đi chậm lại ngắm Vân kỹ hơn. Tự trong lòng có chút gì mênh mang tỏa lan khắp người, một chút rung động bàng hoàng.