Đây là mùa của tình yêu - Phần 5:Những gập ghềnh và chông gai-P1

Chỉ khi nào không còn chịu đựng nổi nữa chúng ta mới nghiêm túc đi tìm những gì có thực và thiết yếu trong cuộc sống. Nỗi đau giúp chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

Kimberly Kirberger

Nuôi dưỡng Tâm hồn Tuổi mới lớn thân mến,

Tôi gửi kèm theo đây bài viết của tôi hồi năm ngoái khi còn là học sinh lớp mười hai. Đây là những trải nghiệm của tôi trước cái chết của chị, Susan. Susan bị tai nạn xe hơi khi mới mười sáu tuổi, phải sống đời sống thực vật suốt hai năm trời, rồi cuối cùng chị đã ra đi mãi mãi. Cuộc đời tươi đẹp ngắn ngủi và cái chết kéo dài của chị là những biến cố ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời tôi, khiến tôi phải đặt rất nhiều câu hỏi về cách sống của mình.

Tôi thật sự hy vọng bài viết của mình sẽ được chọn để chia sẻ cùng mọi người. Tôi mong được chia sẻ câu chuyện về cuộc đời Susan và những tác động to lớn từ cái chết của chị đối với cuộc đời tôi, em gái của chị ấy. Nhiều năm sau khi Susan mất, tôi mới viết bài này - một bài viết chất chứa tâm tư đau buồn triền miên của một đứa em mất chị. Tôi luôn đau đớn với ý nghĩ thật bất công khi một cuộc đời đang tràn đầy hứa hẹn như thế bỗng chốc lại bị tước mất. Tuy nhiên, tôi đã vượt qua được cái ngưỡng buồn đau ấy. Giờ đây trong tôi là cảm giác bình an và hạnh phúc ngập tràn. Vì tôi có thể chia sẻ với độc giả của Nuôi dưỡng Tâm hồn một điều vô cùng quan trọng, rằng chúng ta vẫn có thể tìm lại được hạnh phúc khi gìn giữ những ký ức về người thân yêu đã mất của chúng ta, đó cũng chính là nội dung gói ghém trong bài viết của tôi.

Cám ơn đã dành thời gian cho tôi.

Thân mến,

Laura Glenn Thornhill

1.Người chị yêu quý của tôi

Tôi ngồi nơi bàn viết của mình, gập người xuống bàn phím và cố gõ những con chữ. Mắt mỏi mệt nhìn vào cái màn hình trống trơn chẳng có chữ nào; cơ cổ tôi đau nhức vì ngồi sai tư thế suốt nhiều giờ đồng hồ liền. Lúc này đã là một giờ sáng, và tôi phải hoàn thành bài tập làm văn trong vòng tám tiếng nữa. Tôi lo lắng cố viết cho được phần mở bài, nhưng chẳng nghĩ ra được ý gì hay ho. Khi rời mắt khỏi màn hình, mọi ý nghĩ của tôi đều chuyển sang mấy tấm chăn mềm và những cái gối nhồi lông quyến rũ nằm cách tôi một mét. Dường như suốt cả tuần nay tôi luôn rơi vào tình trạng căng thẳng vì phải thức khuya để làm cho xong bài tập, và phải dậy sớm đến trường để thực hành trong phòng thí nghiệm. Vì không muốn nhìn vào màn hình máy tính nữa, thế nên tôi đưa mắt hướng về bộ ấm trà nhỏ xíu đặt ở cái kệ phía trên máy vi tính. Tôi chăm chú nhìn bộ ấm tách tí hon ấy, vói tay lấy xuống và ngắm từng món một. Đây là bộ ấm trà màu trắng có họa tiết kiểu Á Đông màu xanh, và tất cả tách, ấm, dĩa lót đều được viền vàng. Trên một vài cái dĩa lót, những họa tiết không theo đúng đường nét, và trên cái ấm, đường viền vàng cũng chạy lệch ra khỏi mép. Đã bảy năm rồi kể từ ngày tôi háo hức mở tấm giấy bạc gói quà và lần đầu tiên cầm bộ tách uống trà này trong lòng bàn tay. Mắt tôi mọng nước và ký ức chợt ùa về.

Đó là một đêm Vọng Giáng sinh, và khi ấy tôi chỉ mới lên mười. Khi chụp tấm ảnh gia đình, tôi đứng giữa các chị và anh em họ trên lối lên cầu thang trong nhà tôi. Hai cây thông Noel lấp lánh ánh đèn rực rỡ và những món đồ trang trí bằng thuỷ tinh khiến cho tôi chẳng thể nào chú tâm đến việc chụp ảnh được. Trên ngọn của một cây thông có treo một ngôi sao màu vàng lóng lánh, và từ trên bậc thang, tôi có thể nhìn thấy toàn bộ căn phòng phản chiếu trên ngôi sao đó. “Laura, nhìn vào ống kính nè con,” dì tôi nói, “dì muốn chụp thêm vài tấm nữa.” Tôi cố gắng đứng yên để tạo dáng cho một bức ảnh nữa. Rồi khi đèn flash vừa lóe lên, tôi lại nhìn ngay vào ngôi sao đó, và qua ánh phản chiếu của nó, tôi có thể nhìn thấy chị Susan đang đứng ngay phía sau mình. Như thường lệ, Susan đang mỉm cười, và trong bộ váy đen duyên dáng, chị ấy đứng tách ra khỏi bọn nhóc chúng tôi. Những lọn tóc cuộn quăn đổ xuống bờ vai, và đôi mắt nâu hạt dẻ của chị lấp lánh vẻ hân hoan. Vốn rất ngưỡng mộ người chị xinh đẹp của mình, nên tôi cố bắt chước nụ cười rạng rỡ của chị cho tấm hình tiếp theo.

Theo thông lệ trong gia đình, đứa trẻ nào cũng được mở một món quà vào đêm Vọng Giáng sinh. Tôi đi vòng quanh cây thông, cẩn thận ngắm nghía từng món quà đề tặng mình. Tôi muốn dành tất cả những món quà lớn hơn để mở vào sáng hôm sau, vì thế tôi chọn một cái hộp nho nhỏ được gói rất xinh xắn trong tấm giấy bạc. “Laura, món quà đó là của chị tặng em đấy!” Susan thốt lên. “Nếu chị là em, chị sẽ không mở nó lúc này đâu, vì nó có thể làm em thất vọng đấy.” “Em chắc chắn là sẽ thích nó mà,” tôi đáp lời chị khi xé lớp giấy gói và nhìn thấy bên trong là một bộ ấm tách uống trà nhỏ xíu màu trắng và xanh. Khi ngắm nghía từng món một, tôi để ý thấy các họa tiết vẽ hơi cẩu thả, và mấy chiếc tách thì miệng hơi vênh. “Chà!” tôi nói, “Cám ơn chị. Em thích chúng lắm!” Tôi ôm Susan thật chặt, nhưng trong lòng lại nghĩ tại sao chị tặng tôi món quà tệ như thế chứ. Tôi đặt bộ ấm trà vào tủ ly tách để ở góc phòng sinh hoạt chung và nghĩ thầm, “Susan nói đúng. Mình thất vọng quá đi mất!

Khoảng ba tháng sau, vào ngày 29 tháng Ba năm 1991; một ngày u ám và lạnh lẽo sau cơn mưa lê thê suốt nhiều tuần liền. “Tạm biệt cưng! Đi chơi vui nhé!”Susan nói khi tôi bước ra khỏi cửa. Hôm ấy tôi đến dự tiệc Phục sinh ở nhà một người bạn, còn Susan cũng chuẩn bị đi chơi. Khi đi ngang qua hiên sau nhà, tôi quay lại nhìn, Susan đứng nơi cửa sổ bếp, chị đang hát và lắc lư người theo điệu nhạc phát ra từ trạm phát thanh công cộng trong lúc giúp mẹ rửa bát đĩa. Tôi nhìn chị và chị nhoẻn miệng cười với tôi - nụ cười cuối cùng.

Trong lúc tôi đang hào hứng với những trò chơi của lễ Phục sinh và không màng gì đến thế giới bên ngoài thì cuộc đời trẻ trung ở tuổi mười sáu của Susan đã bị cướp đi một cách tàn bạo. Chị lái xe đi chơi cùng với một người bạn. Và trên con đường trơn trượt ấy, xe hơi của Susan đã phóng đi như một mũi tên, xoay mòng mòng không kiểm soát được và rơi từ độ dốc 1.200 mét xuống con sông bên dưới. Bạn của Susan bị văng ra khỏi xe và chết ngay lập tức, còn chị rất nguy kịch! Đầu Susan bị thương rất nặng, và sau nhiều tháng hoàn toàn hôn mê, cuối cùng chị cũng mở mắt ra được. Lúc ấy gia đình tôi đã mừng rỡ vô cùng, tưởng rằng đây là một sự hồi phục kỳ diệu; thế nhưng suốt phần đời còn lại, Susan vẫn chìm trong đời sống thực vật.

Susan, người chị yêu quý của tôi, đã hoàn toàn không thể hồi phục lại được.

Gia đình tôi đưa chị đi hết trung tâm phục hồi trị liệu này đến trung tâm phục hồi trị liệu khác, nhưng sức khỏe của chị vẫn chẳng khá hơn chút nào. Hai năm sautai nạn ấy, Susan ra đi. Chị mất ngay trong nhà, trên giường của chị, xung quanh là những người yêu Khi Susan hấp hối, tôi cầm lấy bàn tay chị và nhìn vào đôi mắt chị. Đôi mắt Susan như muốn nói điều gì đó với tôi, và lúc ấy tôi chỉ ao ước có mỗi một điều là làm cách nào cho chị tỉnh dậy, để chị nói với tôi những lời âu yếmân cần. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt của chị, tôi có thể nhận ra đó đúng Susan, người luôn nở nụ cười rạng rỡ với bất cứ ai. Dù não đã bị tổn thương, và cơ thể đang bấp bênh giữa hai bờ sống chết, nhưng đôi mắt chị vẫn như muốn nói điều gì đó với tôi. Đôi mắt ấy như đang trấn an tôi và khơi gợi những cảm xúc khó tả.

Vài tuần sau ngày Susan mất, tôi đi ngang qua cái tủ ly tách trong góc phòng sinh hoạt chung, nơi có đặt bộ tách trà nhỏ xíu mà tôi gần như đã quên bẵng từ lâu, những kỷ niệm lập tức ùa về. Tôi cầm bộ ấm tách không hoàn hảo ấy trên tay và một lần nữa lại cảm nhận được sự dịu dàng của người chị luôn yêu thương mình. Có lẽ Susan đã nhìn thấy sự quyến rũ trong từng đường nét vụng về của bộ tách trà ấy, hoặc cũng có thể chị cảm thấy tội nghiệp chúng, dù có là gì đi chăng nữa thì những khiếm khuyết của chúng cũng không quan trọng đối với chị.

Giờ đây, tôi đang ngồi ở bàn viết trong phòng. Kỷ niệm về Susan giúp tôi cảm thấy bình tĩnh hơn và không còn khiếp sợ bài tập làm văn nữa. Tôi đang cầm bộ ấm trà trên tay và nhớ về Susan. Tôi nghĩ cuối cùng mình cũng đã nhận được món quà thật sự của Susan, ngoài bộ tách trà mà chị đã tặng cho tôi bảy năm về trước, vì giờ đây tôi đã có thể nhìn ra được nét đẹp bên trong hầu hết những con người tôi gặp, và trân trọng những gì mà hầu hết mọi người đều cho là vô giá trị. Chính những họa tiết cong cong vẹo vẹo, chỗ nhạt chỗ đậm và đường gờ mép bị vênh ấy đã làm cho bộ ấm tách trông đặc biệt hơn; thế nên giờ đây tôi nhận ra, vẻ đẹp đích thực thường ẩn giấu ở chính vẻ không hoàn hảo, và phong cách của mỗi người sẽ làm cho họ trở nên đặc biệt

Khả năng nhận biết được vẻ đẹp ở mọi người và mọi vật không chỉ là bài học duy nhất Susan đã dạy tôi, mà hơn thế nữa chị còn giúp tôi nhận ra rằng, cuộc sống quá ngắn ngủi và không ai có thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Vì thế, chúng ta chẳng có nhiều thời gian để phí hoài cho việc lo lắng những điều không đâu, và hạnh phúc đích thực chính là khi ta tìm được niềm vui từ những điều giản đơn thú vị trong cuộc sống. Susan đã sống theo cách ấy, và hiếm khi nào chị để cho những trách nhiệm nặng nề lấn át sự nhiệt thành, niềm vui và lòng cảm thông.

Với ý nghĩ rằng Susan đang nhìn mình tươi cười, tôi nhanh chóng làm xong bài văn của mình, sau đó tắt máy vi tính và lên giường. Hình ảnh bộ tách trà đặc biệt cùng với những kỷ niệm ấm áp về Susan và gia đình thoáng chốc đã ôm gọn tôi vào lòng. Tôi mỉm cười hạnh phúc và nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.

Laura Glenn Thornhill

 

2.Kẹo bông

Khi còn trẻ, mọi người thường khuyên tôi hãy sống có trách nhiệm và hãy xử sự cho chín chắn hơn. Nhưng nếu như chín chắn có nghĩa là nhận thấy được mọi khó khăn trên khắp thế giới và trong cuộc đời thì có lẽ tôi sẽ mãi chỉ tuổi lên ba.

Claudia Cicciar

Nuôi dưỡng Tâm hồn Tuổi mới lớn thân mến,

Tôi buộc phải sống tự lập ngay từ khi chỉ mới lên tám. Giấc mộng đẹp đẽ thuở thiếu thời của tôi bỗng chốc đã trở thành trách nhiệm nặng nề một người trưởng thành. Vào một ngày tháng chín năm 1991, tôi nhận ra rằng, thế giới này chỉ toàn có khổ đau, và phải mất bảy năm sau, tôi mới biết rằng cũng có vô vàn những tấm gương đã vượt qua được những nỗi khổ đau ấy.

Năm 1991, cha mẹ tôi ly dị, và vài tháng sau đó mấy mẹ con tôi phải đến ở nhờ nhà một người bạn của mẹ. Một thời gian sau, khi mẹ mua được một căn h chung cư, mấy mẹ con tôi cũng bắt đầu ổn định được chỗ ở. Những ngày trong tuần chúng tôi ở với mẹ, và cuối tuần lại đến chơi với cha. Thứ sáu thường là ngày nặng nề nhất trong tuần, vì lúc nào cha tới đón, tôi cũng đều cảm thấy rất khó nói lời tạm biệt mẹ. Trái tim tôi quặn thắt khi cảm nhận được nỗi đau đớn và sự hờn giận trong mắt mẹ mỗi lần nhìn chị em chúng tôi đi theo cha. Đau xót nhất là mỗi khi chào tạm biệt, mẹ đều nhìn tôi như thể đó là lần cuối cùng mẹ còn nhìn thấy tôi vậy.

Vào một ngày thứ sáu nọ, tôi quyết định từ nay trở đi sẽ không bao giờ chào tạm biệt mẹ nữa, vì tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để tránh cảm giác đau buồn kia. Tôi trèo vào xe của cha, và khi xe lăn bánh, tôi bắt gặp ánh mắt u uẩn của mẹ, như thể mẹ đang nhìn chúng tôi lái xe ra khỏi cuộc đời m

Thế rồi, vào một ngày cuối tuần nọ, cha đưa mấy chị em tôi đến dự một lễ hội của cộng đồng Do thái chúng tôi. Dường như hôm ấy cha có những hành động hơi khác lạ, nhưng chúng tôi cũng chẳng để ý và cứ vô tư vui đùa thỏa thích. Trước đây cha thường nghiêm cấm chị em tôi ăn những thức ngọt, nhưng ngày hôm ấy cha lại cho phép mấy chị em tôi ăn kẹo bông gòn. Tôi còn nhớ lúc đó tôi đã rất vui sướng, còn các chị tôi thì hớn hở nhìn tôi, miệng ngoạm một miếng kẹo bông gòn thật to và ánh mắt lấp lánh niềm vui. Nhưng niềm hạnh phúc ấy đã tắt ngấm ngay khi chúng tôi về đến nhà. Cha tôi bảo mấy chị em tôi ngồi trong phòng khách. Rồi cha bắt đầu nói, giọng run run, chứng tỏ cha đang kiềm chế một nỗi đau khôn tả. Cha bảo chúng tôi phải luôn ghi nhớ buổi sáng vui vẻ đó và không bao giờ được đánh mất nó. Rồi cha cho chúng tôi biết... mẹ chúng tôi vừa tự tử sáng hôm ấy.

Nỗi đau đớn cùng cực của sáng hôm ấy đã theo tôi suốt nhiều năm sau đó, và rồi nỗi buồn đau đã biến thành sự căm giận; tôi bắt đầu căm ghét tất cả. Tôi vô cùng tức giận khi nghĩ rằng mẹ đã bỏ rơi chúng tôi. Mấy chị em tôi phải nương tựa vào nhau, chơi vơi đi qua tuổi niên thiếu đầy bất ổn mà không ai dìu dắt. Từ mất mát ấy, tôi không còn tin vào bất cứ ai, để mãi mãi chẳng có ai ở quanh tôi cả. Tôi thường thử thách tình bạn bằng cách đẩy bạn bè ra xa để xem họ có quay lại với mình hay không. Và bao giờ cũng vậy, cuối cùng đều chỉ còn lại có mỗi mình tôi. Tôi căm ghét những ai đã bỏ rơi tôi - bạn bè tôi, mẹ tôi, và cả Chúa Trời nữa. Tôi luôn cảm thấy cay đắng và trống rỗng, chẳng còn màng gì tới chuyện cuộc sống vẫn đang từng ngày trôi đi. Nhưng không hiểu sao, ở đâu đó tận sâu trong trái tim tôi vẫn còn một sức mạnh diệu kỳ đẩy tôi tiến về phía trước, như Heart Warrior Chosa đã từng nói, “Trong giờ phút đen tối nhất của cuộc đời, tâm hồn ta lại được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục sống và chịu đựng.”

Tôi rất xúc động khi đọc câu chuyện Tôi sẽ trở lại của Jack Cavanaugh, in trong cuốn Nuôi dưỡng Tâm hồn Tuổi mới lớn, viết về một cậu bé bị cụt chân sau một tai nạn xe hơi. Cậu bé ấy, người từng là cầu thủ phát bóng xuất sắc trong đội tuyển bóng rổ của trường cậu, đã phải nằm viện, trải qua ba cuộc phẫu thuật, và cuối cùng phải mang một chiếc chân giả. Thế nhưng cậu vẫn kiên cường và không muốn nghe ai nói rằng cậu sẽ chẳng bao giờ chơi bóng rổ được nữa. Với quyết tâm cháy bỏng, cậu đã quay trở lại đội tuyển bóng rổ và thi đấu. Cậu không hề cảm thấy cay đắng hay tức giận, và cũng chẳng bao giờ tự thương hại mình. Thay vì căm ghét Chúa đã lấy mất cái chân của mình, cậu lại thầm cám ơn vì Ngài đã cứu mạng cậu.

Đọc xong câu chuyện ấy, tôi chợt nhận ra rằng mình đang được nâng đỡ để vượt qua sự giận dữ và nỗi cô độc của bản thân. Chúa luôn trao cho mỗi linh hồn một sức mạnh để có thể chịu đựng được khổ đau; còn thứ đang che mắt tôi chính là não trạng tiêu cực. Giờ thì tôi tin rằng bất kỳ ai từng trải qua nỗi đau như tôi cũng đều được ban sức mạnh để vượt qua được nỗi đau ấy. Mẹ tôi mất đã bảy năm rồi, và giờ đây tôi thôi không còn căm tức nữa, hơn nữa tôi cũng đã lấy lại được niềm tin từ gia đình, bạn bè và Đức Chúa. Hy vọng một ngày nào đó không xa, tôi sẽ lại cảm thấy vui sướng hồn nhiên như lần đầu tiên được nếm kẹo bông gòn.

Cám ơn rất nhiều,

Michelle Sander