7. Như Nhiên

Như nhiên 
 

“Vào buổi tối mùa đông tĩnh lặng nhất của một vòng đời.
Sự vô vọng rơi xuống.
Có những người chợt nhớ.
Về một lời hứa… đã quên.”

Mùa thu năm 2002
Chúng tôi chuyển đến thành phố nhỏ vào cuối tháng Chín. Chỉ mới lỡ cỡ thu mà ở đây đã lạnh đến bần thần. Bố bảo: “Rồi sẽ quen! Dịch chuyển nhiều mới khiến đàn ông mạnh mẽ và độc lập được.” Vậy là bố, con, hai cái va li, dọn vào ngôi nhà hai tầng có khoảng sân khô khốc, cách với lề đi bộ bằng một cái cổng thấp ọp ẹp rên ken két. Tôi vào học muộn. Trường là một nơi kì lạ vì sự hiu quạnh của nó bất kể tiếng động ồn ào đến buốt óc của đám nam sinh ưa nghịch phá. Điều duy nhất tôi yêu mến được nơi này chính là từ cửa sổ bàn học của mình có thể nhìn thẳng lên ngôi nhà có cửa gỗ sơn màu đỏ trên đỉnh đồi. Sự rực rỡ nổi bật, khác thường đó khiến nơi này… bớt nhàm chán đi đôi chút. Hôm đó tôi đi theo cô Sue vào lớp. Đám đông bên dưới lao nhao với cái nhìn tò mò hướng về phía thằng con trai châu Á cao lênh khênh và ánh mắt nhiều phần xấc xược. Cô bảo tôi đến ngồi gần một bạn học nữ cũng là người châu Á, đang chăm chú vào cuốn sách bìa màu xanh không có tiêu đề. Tôi ngồi phịch xuống ghế, hất mặt hỏi.
“Này, tên gì?”
Tóc dài không bày tỏ bất kì thái độ nào. Tôi lặp lại.
“NÀY!”
Tóc dài vẫn im lặng. Tôi quyết định đứng lên gọi lớn.
“Thưa cô, bạn này có vấn đề về thính giác à?”
Đến lúc đấy thì cả lớp lại đổ dồn ánh mắt về phía tôi lần nữa. Cô Sue quay lưng lại.
“Peace, có chuyện gì thế?”
Tóc dài ngẩng đầu lên. (Hóa ra tên là Peace). Đôi mắt mênh mang như cả một giấc mơ về những điều xinh đẹp nhất.
“Không có gì đâu ạ. Chắc ai đó muốn gây sự chú ý mà không thành thôi.”
Cô Sue nhìn tôi rồi quay sang nhìn Peace. Hơi nghiêm mặt.
“Làm quen thế cũng đủ kịch tính rồi đấy. Hai đứa ngồi xuống đi!”
Tôi thích Peace. Nhận thức rõ ràng ngay từ lúc nhìn thẳng vào ánh mắt kiên định và sâu thẳm ấy. Cho đến nhiều ngày tháng sau này lại càng hiểu rõ. Tình cảm đôi khi chỉ bắt đầu bằng một tiểu tiết vô hình. Và rồi suốt cuộc đời, mỗi khi nghĩ về người ấy một cách vô tình hay cố ý, bạn cũng sẽ chỉ nhớ được một điều làm bạn rung động nhất. Xao xuyến lại không thể nguôi ngoai.
Tôi đi theo Peace mỗi giờ tan học. Lẽo đẽo và đích thực là “mặt dày mày dạn”. Peace rẽ trái thì tôi rẽ trái. Peace rẽ phải thì tôi rẽ phải. Peace dừng lại, tôi cũng dừng lại. Kiên trì và im lặng suốt đoạn đường qua ba ngã tư, một con dốc, bốn khu vườn và hai tiệm bánh mì cửa mở leng keng. Đợi em vào nhà mới quay lưng về. Một tuần dài liên tục, không ai nói với ai lời nào. Peace biết rõ tôi đi theo nhưng không bày tỏ bất kì thái độ gì.
Buổi chiều ngày thứ chín, trời đổ mưa lạnh buốt. Peace vẫn cặm cụi bước. Tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn, lo lắng nhưng không thể ngừng đi theo. Đã qua ba ngã tư, mưa càng lúc càng nặng nề trắng xóa nhưng không ai chịu dừng lại hay tìm một chỗ trú tạm nào đấy. Tôi đột ngột quyết định chạy vượt lên, nắm tay Peace và kéo em vào mái hiên ngay gần.
“Cậu có bị điên không hả?”
Peace bắt đầu khóc, người run lên từng đợt vì lạnh. Tôi sửa lại khăn choàng cổ đã ướt sũng một cách vụng về và có phần nào bất lực. Dịu dàng thổi hơi vào lòng bàn tay rồi nhẹ nhàng áp chúng lên mặt Peace. Nước mắt hòa với nước mưa tức tưởi.
“Sao thế? Bị đá à? Hay bị mắng? Khóc… nhiều thế!”
“Mẹ mình… mẹ mình… đòi dọn sang nhà khác…”
“Sang nhà khác xấu hơn?”
“Không… nhà có người đàn ông khác cơ mà…”
“Thế… đàn ông xấu à?”
“Không biết.” Peace quệt nước mắt. “Nhưng không thích. Không muốn. Không ưa. Không cần.”
Ở những thành phố nhỏ gần Địa Trung Hải, khi những cơn mưa đầu tiên của tháng Mười xuất hiện, người ta sẽ tự đánh dấu lên lịch của mình hai chữ Mùa Đông. Corniglia là “vùng đất thứ ba” thuộc Cinque Terre (có nghĩa là năm vùng đất), khác biệt bởi nằm cao nổi bật lên khỏi mặt biển. Trong thành phố, nhìn đâu cũng thấy dốc và dốc. Ở đây không có nhiều khách du lịch, nều có người lạ xuất hiện, người trong phố đều sẽ nghĩ họ chắc lại là những kẻ ưa mạo hiểm, coi nhẹ sinh mạng, leo hết 400 bậc thang của Lardarina mà lên đây. Người đi khỏi Corniglia không nhiều, người chuyển đến Corniglia lại càng hiếm, thế nên chỉ trong một thời gian ngắn, hầu như ai cũng biết mặt bố con tôi. Công việc của bố có rất nhiều người kính nể vì chẳng mấy khi có một bác sĩ giỏi như ông lại chịu chọn một nơi có thể xem là heo hút như Corniglia để sống. Mỗi khi đi bộ về nhà, ngang qua phố trung tâm, tôi luôn nhận được nhiều lời chào từ nhiều hướng. Ví dụ như thế này.
“A, Julien, đi học về đấy hả cháu?”
“Julien, cho cô gửi lời chào bố với!”
“Anh Julien ơi, bố anh thật phi thường!”
“Bánh cô mới nướng đấy, cầm về ăn cùng bố nhé!”

Họ nhớ tên tôi. Nhớ tên bố tôi. Bằng sự ân cần biết ơn niềm nở.
Trước đấy, bố làm việc tại bệnh viện trung tâm của Rome. Bố là người Việt duy nhất ở khoa được tin tưởng và giao nhiều trọng trách. Nhà tôi rất rộng và được trang trí bằng nhiều vật dụng đắt tiền mà mẹ tỉ mỉ lựa chọn. Tôi đi học ở trường nam sinh đắt giá từ nhỏ. Quà Giáng sinh luôn khiến các bạn cùng lứa ghen tị. Năm tôi mười lăm tuổi, mẹ và bố ngồi trước mặt tôi trong căn phòng khách rộng lớn. Mẹ nhỏ nhẹ.
“Jul à, bố mẹ có chuyện muốn nói với con! Bố mẹ nghĩ con cũng đã đủ lớn để hiểu…”
Khi người lớn chia tay nhau, đó luôn là cách họ bắt đầu để thông báo cho những đứa trẻ một cách thật nhân văn. Ba ngày sau, có một người đàn ông lái chiếc xe giống như chiếc mà tôi thích nhất trong bộ sưu tập xe mô hình của mình, dừng ở cổng và đón mẹ đi. Ngày hôm đó tôi đã nghĩ. Sự nhân văn của người lớn đôi lúc thật đáng sợ. Bố ủ rũ trong một thời gian dài. Có lẽ cảm giác của ông cũng tương tự như lúc tôi bị cô bạn hồi tiểu học nghỉ chơi, quay sang nhận kẹo từ một thằng nhóc tóc vàng mắt xanh kiểu cổ điển cũ rích. À không, chắc là giống như thế nhưng tăng cấp độ lên vài bậc vì ông đã buồn bã lâu hơn tôi. Rồi đùng một cái, ông tuyên bố chúng tôi chuyển nhà. Hay là từ bỏ “thiên đường” mà tôi đang có thì đúng hơn. Để đến Corniglia. Nhưng tôi không trách bố. Từ bé đến lớn, cho dù có bất kì chuyện gì xảy ra, tốt cũng được mà xấu cũng được, tôi hài lòng cũng được mà không hài lòng cũng được, tôi chưa từng một lần có cảm giác hờn giận ông. Giữa hai chúng tôi có một sự kết nối không thể định nghĩa và không bao giờ cần phải diễn đạt thành lời. Chắc có lẽ người ta gọi nó là một sự may mắn, phải không nhỉ?
Giáng sinh không có tuyết
Bố đã sửa và sơn lại cái cổng ọp ẹp. Khu vườn cũng được dọn sạch sẽ và trồng vào đấy một vài cây ô liu, vài cây lê và cả một bụi hoa tôi không thể nhớ nổi tên. Vào bữa trưa sau lễ Tạ ơn, bố bắt đầu câu chuyện.
“Jul này, Giáng sinh này nhà mình có khách được không?”
“Ai thế ạ?”
“Một người bạn cũ của bố cùng con gái cô ấy.”
“Từ nơi khác đến ạ?”
“Không. Cô ấy cũng sống ở Corniglia.”
“Sao con chưa bao giờ nghe bố kể là bố có bạn… cũ ở đây?”
“Vì chưa phải lúc.”
Rồi bố đứng lên rót trà. “Ừ, vậy bây giờ là lúc.” Chúng tôi tự hiểu với nhau mà không cần thêm bất kì lời giải thích nào nữa.
Bố tỉ mẩn chăm chút từng chỗ cũ kĩ trong nhà. Tôi im lặng làm cùng. Cảm giác này, không khí này, sự háo hức này. Đã từ lâu lắm rồi tôi mới lại nhìn thấy chúng xuất hiện trên khuôn mặt bố. Trong tủ lạnh chất đầy thịt gà, pa tê gan, cá chình, thịt cừu, mì ống, cà chua… Bố còn đặt cô Mina một cái bánh nougat nhân sô cô la lớn và cả bánh mì gừng loại sử dụng mật ong đắt tiền. Buổi sáng ngày 23, tôi phụ bố vác một cây thông lớn về nhà. Hai người đàn ông hì hụi cả buổi sáng để treo những quả cầu thủy tinh màu bạc và màu xanh dương lên cây. Khi ngôi sao phủ đầy kim tuyến trắng được đặt ngay ngắn trên đỉnh, tôi thực sự nhận ra: “À, hóa ra là Giáng sinh sắp đến thật rồi…”
Bố tôi là người đàn ông đáng kinh ngạc trong bếp. Trước đây, bữa tối đêm Giáng sinh thường do mẹ chuẩn bị bằng cách thuê đầu bếp chuyên nghiệp đến nấu tại nhà. Từ ngày mẹ đi, bữa ăn trở nên đơn giản hơn khi cô giúp việc gọi cửa hàng mang đến cho hai bố con. Tôi chưa bao giờ biết bố có thể làm il capitone[1], I’agnello[2] khéo léo và thuần thục đến thế. Bảy giờ tối, mọi thứ gần như đã chuẩn bị xong xuôi. Ngôi nhà ủ ê lúc chúng tôi mới chuyển đến giờ đây rực rỡ, lấp lánh đèn, hương quế vanila từ nến thơm cuộn mình vào không khí, ở phòng khách, tiếng củi nổ lép bép trong lò sưởi.
[1] Một món ăn truyền thống làm từ cá chình của người Ý trong ngày Giáng sinh.
[2] Một món ăn truyền thống làm từ thịt cừu của người Ý trong ngày Giáng sinh.
“Kinh koong!”
Bố bảo tôi cùng bố ra mở cửa. Chắc là cô ấy đến rồi. Đêm nay đài dự báo Corniglia có gió nhẹ, nhiệt độ tầm tám độ, không mưa, trời trong lành. Hiển nhiên, đài không bao giờ nhắc đến tuyết ở Corniglia.
Cánh cửa mở ra, tôi đứng lênh khênh sau lưng bố, áo sơ mi kẻ sọc và quần jean xanh đậm màu chững chạc. “Bạn cũ” của bố là một người phụ nữ Việt tóc nâu có nụ cười rất đẹp. Sự hiền lành ấm áp như một thứ ánh sáng vô hình bao quanh cô. Bố ôm cô thật nhẹ rồi quay sang giới thiệu.
“Đây là Jul, Jul, chào cô đi con!”
“Chào cô.”
“Chào Jul. Trông con cứng cỏi hơn cô nhìn trong ảnh!”
Lúc cô cười, những nếp nhăn nhỏ ở đuôi mắt nheo lại. Nhìn thật lạ và cũng thật quen.
“Con bé đâu em?” - Bố hỏi.
Cô quay ra cửa, kéo tay một người đang đứng quay lưng ở bậc cầu thang đi vào nhà.
“Như Nhiên, chào chú đi con! Đây là Jul, hai đứa bằng tuổi nhau đấy!”
Và tôi nhìn thấy Peace xuất hiện ở thềm cửa nhà mình trong chiếc váy len màu trắng nhạt, đính những hạt ngọc trai be bé. Peace cột tóc cao, đôi mắt vẫn còn váng vất nỗi buồn mà bây giờ tôi đã hiểu rõ. Peace nhìn tôi. Tôi thấy mình hình như vừa rơi xuống một cái hố sâu hun hút. À không, thực ra đó chỉ là tôi đã ước ao như vậy, còn trên thực tế chẳng có cái hố nào cả. Tôi vẫn đứng ngay ngắn trên mặt đất, lầm lũi đi theo mọi người, ngồi vào bàn ăn, đối diện với bố và cô, bên cạnh là Peace hay đúng hơn là cô gái trong tim mình với cái tên… NHƯ NHIÊN.
Valentine năm đó. Nhà tôi chính thức có bốn người.
Có những lời yêu không tìm được lối tự do.
Những buổi chiều mùa hè, tôi cùng Như Nhiên thường trốn lên đồi, nằm ở bãi cỏ bên cạnh ngôi nhà có cánh cửa màu đỏ mà tôi vẫn nhìn thấy từ cửa sổ bàn học trong lớp. Tháng Năm, thời tiết dìu dịu. Chạy dọc xung quanh hàng rào là những cây hoa tim vỡ đã bắt đầu cựa mình đỏ rực. Có một lần Như Nhiên hỏi.
“Này Jul, cậu có biết tại sao nó lại tên là hoa tim vỡ không?”
“Tại sao?”
“Xem này, hai cánh hoa này là tượng trưng cho một cặp thỏ hồng, cuống hoa là đôi hài Á Đông mà hoàng tử tặng cho cô công chúa tim băng và nhụy hoa chính là lưỡi dao đã cắm vào tim chàng hoàng tử si tình vì đã không thể làm suy suyển trái tim nàng.
“Thế là… chết à?”
“Ừ.”
“Thật không ra làm sao cả.”
“Tại sao?”
“Vì mình thì mình sẽ không như thế! Mình mà yêu ai, mình sẽ sống đến cùng để yêu người ấy! Chết chóc là một việc quá vô lí, trẻ con!”
“Thế cậu đã yêu ai bao giờ chưa?”
“Có.”
“Ai thế?”
“Cậu đừng hỏi.”
Ở Corniglia, mỗi ngày có một chuyến tàu đi qua. Chuyến tàu ấy được đặt tên là “Con tàu sữa” (milk train) nối năm thành phố của Cinque Terre với nhau. Ngày sinh nhật của mình, Như Nhiên nắm tay tôi và bảo: “Chúng ta bỏ trốn một lần đi!” Thế là đi. Như Nhiên ngồi ở trên tàu nhưng kiên quyết không chịu xuống bến nào. Đầu dựa vào vai tôi, bình thản. Phía bên ngoài cửa sổ, những cánh đồng nho xanh mướt từ từ bỏ lại phía sau. Như Nhiên đưa tay đến gần sát kính cửa sổ. Một tia nắng nhảy vào lòng bàn tay, em vội vàng nắm tay lại.
“Xòe tay ra nào!”
Tôi đưa tay mình cho Như Nhiên. Em úp tay lên tay tôi rồi siết chặt.
“Tặng cho cậu thứ tớ yêu mến nhất!”
Ngày cuối cùng của năm học, chúng tôi đi bộ về nhà. Lúc xuống dốc, ánh tà dương đuổi theo phía sau lưng. Đôi khi bạn sẽ thấy mình rơi vào trạng thái mất ngôn ngữ. Có thể vì mọi câu chuyện đã được kể. Có thể vì bạn và đối phương đã quá hiểu nhau. Nhưng cũng có thể vì bạn sợ bất kể một từ nào cũng đủ khả năng làm đau nhau mãi mãi.
Buổi tối, tôi ngồi nói chuyện với bố ở trước hiên nhà. Bầu trời Địa Trung Hải bạt ngạt sao.
“Con chắc là biết mình muốn gì chứ? Ở Mĩ người ta không sống như người Ý đâu.”
Tôi trầm ngâm nhìn bố. Đây là lần đầu tiên tôi và ông đối thoại như thế này. Bất chấp khoảng cách lí trí của những người đàn ông, tôi vẫn luôn cảm nhận được sự quan tâm từ bố ngay cả khi ông say khướt mở cửa phòng tôi hồi chúng tôi còn ở Rome sau khi mẹ đi khỏi. Ông hỏi: “Ăn tối chưa?” Tôi trả lời: “Rồi ạ.” Sau đó ông đóng cửa phòng. Sự trống trải rơi lại. Nhưng tôi thấy mình không cô độc. Vì ngay cả khi trái tim vụn vỡ nhất, ông cũng chưa từng bỏ rơi tôi.
“Con nghĩ mình nên đi. Nó sẽ tốt cho nhiều chuyện.”
“Bố hiểu.”
Tháng Tám, cả nhà tiễn tôi ở sân bay. Tôi đưa cho Như Nhiên một cái hộp nhạc nhỏ có khắc hoa văn màu xám nhạt. Và dặn: “Sau này, lúc buồn nhất, hãy mở nó ra!” Rồi đi. Thật lâu cũng không về. Corniglia ở lại. Giữ nguyên mình với những con dốc, những con phố nhỏ gió lùa suốt con đường lát gạch gập ghềnh, với những buổi chiều “không đối thoại” bên cốc espresso đượm khói. Thỉnh thoảng có ai đó ngửa mặt lên trời thốt lên “Il dolce far niente!”[1]
[1] Sự ngọt ngào của yên lặng.

Những người yêu nhau dũng cảm
 

 

Năm 2012.

Bố gọi điện thông báo Như Nhiên cưới, tôi nên về. Ngồi trên “chuyến tàu sữa” hướng về phía Corniglia, tự nhiên muốn nở một nụ cười vì có cảm giác mình lại là Jul-mười-bảy-tuổi, vòng tay rộng lớn có thẻ ôm chầm cả bầu trời và người con gái mình yêu ngay từ lần đầu tiên được nhìn thẳng vào mắt. Bước xuống sân ga, tôi đi bộ đến trường học. Rồi từ đó băng qua ba ngã tư, một con dốc, bốn khu vườn và hai tiệm bánh mì cửa mở leng keng. Nhìn thấy một cô gái tóc dài, váy hoa đi bộ phía trước, muốn cất tiếng gọi nhưng bỗng thấy mình quá ngớ ngẩn. Lúc quay về, đi qua phố trung tâm, vẫn có người nhận ra, vui mừng niềm nở: “Ôi Julien đã về đấy à?” Họ. Những người chưa từng sợ thời gian xóa đi tình cảm và kí ức trong mình. Nên không rời bỏ Corniglia.
Như Nhiên là cô dâu xinh đẹp nhất… với tôi. Chiếc váy thời còn trẻ của mẹ, sửa lại một chút đã bị sờn nơi gấu, đúng như được dành cho em. Tôi về lúc Như Nhiên đang thử váy. Em nhìn thấy tôi, nở một nụ cười thật nhẹ. Tôi đứng yên ở ngưỡng cửa nhìn Như Nhiên, rồi từ từ mở rộng vòng tay, nghiêng nghiêng đầu. Như Nhiên chạy ùa đến, dụi đầu vào ngực tôi thở khẽ.
“Jul là đồ xấu!”
Tôi vỗ nhẹ lên lưng em. Mười năm đặt từng vết chân nhỏ lên tim mỗi chúng tôi. Nhưng ngay khoảnh khắc Như Nhiên chạy ùa đến, gọi tên tôi, Jul-mười-bảy-tuổi lại như đã quay về, đứng đây trong ngôi nhà thân thuộc. Cô tiến đến gần, ôm lấy cả hai chúng tôi. Bố từ cầu thang đi xuống, trìu mến mỉm cười. Tóc ông đã bạc đi nhiều lắm. Hóa ra phải đi thật xa, thật lâu, đến ngày trở về, tôi mới cảm nhận được yêu mến thực sự từ một gia đình bốn người.
Buổi tối trước ngày Như Nhiên làm lễ cưới, chúng tôi đi dạo trong phố trung tâm. Đi loanh quanh thế nào lại dừng ở trước ngôi nhà có cánh cửa đỏ trên đồi. Như Nhiên lấy từ trong túi áo chiếc hộp nhạc nhỏ tôi tặng ngày ở sân bay.
“Cậu đã bao giờ mở nó ra chưa?”
“Chưa!”
“Thật may quá!”
“Tại sao?”
“Mình đã dặn là khi nào buồn nhất mới mở ra mà. Mình vẫn luôn hi vọng cậu đừng bao giờ phải buồn… nhất hết cả.”
“Cảm ơn Jul!”
Như Nhiên đặt chiếc hộp trở lại trong tay tôi. Một cơn gió thoảng qua.
Buổi sáng ở nhà thờ, bố dắt tay Như Nhiên vào lễ đường. Hạnh phúc rạng rỡ lấp lánh trên khuôn mặt em. Ở bên cạnh, cô khẽ khàng chùi nước mắt. Tôi siết nhẹ vai cô. Trong tay vẫn nắm chặt hộp nhạc…
Hôm đấy, bên ngoài, mưa trắng trời, cơn mưa đầu tiên của tháng Mười. Những người yêu nhau ở Corniglia khi chia xa, nếu có điều gì nuối tiếc, họ sẽ chỉ tiếc một điều duy nhất. Sự bình yên khi được nhìn vào mắt người mà mình thương mến… Giống như một buổi chiều đẹp, bạn có thể ngẩng mặt lên trời và thốt lên “Il dolce far niente!”…
***
Tháng Tám năm 2003. Sân bay Ciampino.
Như Nhiên áp mặt vào cửa kính. Nước mắt làm nhòe cả lớp gương trước mặt. Cô nhìn những chiếc máy bay từ từ lăn bánh rồi rời khỏi nước Ý. Bàn tay giữ chặt hộp nhạc sát tim mình. Lúc cúi xuống, một giọt nước mắt vỡ tung trên lớp hoa văn màu xám. Như Nhiên từ từ mở hộp. Bản Fur Elise chậm rãi từng nốt như tiếng người gõ vào cốc thủy tinh. Bên trong có một mảnh giấy gấp tư cẩn thận.
Jul viết.
 

“Như Nhiên à, nếu có một ngày mùa đông rụng xuống. Cậu hãy đợi mình ở trước ngôi nhà có cánh cửa bằng gỗ thông màu đỏ. Lúc ấy chúng ta sẽ không còn phải khóc nữa. Vì mùa đông đã đóng băng nỗi buồn rồi.
Và mình sẽ nắm tay cậu. Lần đầu tiên. Như những người yêu nhau dũng cảm…"